Tìm bài viết

Vì Bài viết và hình ảnh quá nhiều,nên Quí Vị và Các Bạn có thể xem phần Lưu trử Blog bên tay phải, chữ màu xanh (giống như mục lục) để tỉm tiêu đề, xong bấm vào đó để xem. Muốn xem bài cũ hơn, xin bấm vào (tháng....) năm... (vì blog Free nên có thể nhiều hình ảnh bị mất, hoặc không load kịp, xin Quí Bạn thông cảm)
Nhìn lên trên, có chữ Suối Nguồn Tươi Trẻ là phần dành cho Thơ, bấm vào đó để sang trang Thơ. Khi mở Youtube nhớ bấm vào ô vuông góc dưới bên phải để mở rộng màn hình xem cho đẹp.
Cám ơn Quí Vị

Nhìn Ra Bốn Phương

Thứ Năm, 11 tháng 8, 2022

FBI - Trump – Đức - BS .Trần Văn Tích


Ngày thứ hai 08.08. vừa qua, bắt đầu từ tám giờ sáng, cơ quan FBI tiến hành khám nhà cựu Tổng Thống Hoa Kỳ Donald Trump ở Mar-a-Lago, tiểu bang Florida trong nhiều giờ đồng hồ. Chuyện xảy ra bên Mỹ và chỉ liên quan đến một cá nhân nhưng đã được báo chí truyền thông Đức bình luận rất sôi nổi. Tôi không thể nào đọc xuể và nghe hết nên chỉ xin tường thuật vài ba luồng dư luận. Đa số báo chí thường trình bày một bài tường thuật dài kèm theo một bài bình luận ngắn.
<!>
Nhưng người đầu tiên trần thuật lại nội vụ lại không phải là phóng viên Mỹ hay phóng viên Đức mà lại chính là cựu Tổng Thống Donald Trump. Vị cựu Tổng Thống Hoa Kỳ đã truyền đi một thông điệp khá dài để ký thác sự vụ và nỗi niềm. Cựu Tổng Thống cho biết là ngay cả tủ sắt trong nhà cũng bị phá toang và so sánh chuyện vô nhà mình khám nhà mình với chuyện gian nhân đột kích vào toà nhà Watergate. Cựu Tổng Thống than phiền rằng mình luôn luôn hợp tác với chính quyền nên chuyện khám nhà thực là vô ích và không phù hợp. Cựu Tổng Thống tấn công đối phương : “đây là một hành động sai trái của Viện Công tố, đây là một vụ lạm dụng Công lý và đây là một vụ tấn công của phe Tả.“ (Báo chí Đức nhận xét : cựu Tổng Thống chỉ kết án nhưng không đưa bằng chứng).

Thực ra, và theo truyền thông báo chí Đức, đây chỉ là một quá trình bắt buộc phải xảy ra trong một tiến trình theo dõi lâu dài của nền công lý Mỹ. Lần này thì FBI chú trọng tìm kiếm những tài liệu mà Trump đã mang theo một cách bất hợp pháp khi rời Toà Bạch Ốc, trong đó có những tài liệu liên quan đến nền an ninh quốc gia. Từ tháng hai, Cơ quan Quản lý Tài liệu Lưu trữ đã phát hiện là có đến mười lăm thùng tài liệu thuộc loại tối mật bị thiếu và đòi phải trả chúng lại. Theo tin đồn thì vị Tổng Thống thất cử chỉ trả lại tài liệu liên quan từng phần và cũng chỉ trả lại một cách trùng trình. Nay thì Công tố viện phải ra tay và điều này cho thấy án lệnh khám nhà cựu Tổng Thống có nghĩa là vẫn còn những tài liệu chủ yếu, mấu chốt chưa được hoàn trả. Đây là một hành vi phạm pháp, theo báo chí Đức.

Năm 1978, trong vụ Watergate, Tổng Thống Richard Nixon không hợp tác giao tài liệu nghe lén cho Quốc Hội Hoa Kỳ, viện lý do những tài liệu trong Toà Bạch ốc là sở hữu riêng của Tổng Thống. Vì thế, Quốc Hội đặt ra đạo luật Presidental Records Act với điểm chính yếu là tất cả giấy tờ, tài liệu trong Toà Bạch cung đều thuộc quyền sở hữu của dân chúng chứ không phải của riêng cá nhân Tổng Thống. Khi mãn chức, chẳng những Tổng Thống phải giao tất cả tài liệu ở Tòa Bạch cung lại cho dân chúng, mà trong suốt thời gian tại chức, Tổng Thống là người có trách nhiệm lưu giữ lại tất cả, không được hủy bỏ. Luật này rất chi tiết, có thể tham khảo ở link sau đây: https://en.wikipedia.org/wiki/Presidential_Records_Act.


Cựu Tổng Thống Trump vi phạm nhiều điều khoản thuộc đạo luật này như thủ tiêu giấy tờ, xé giấy tờ mật rồi bỏ vào bồn cầu, giật nước cho trôi đi; đưa số điện thoại cá nhân của riêng mình cho các lãnh tụ thế giới để khi nói chuyện không vào hồ sơ lưu giữ của Toà Bạch Cung; mang mười lăm thùng tài liệu, có cả tài liệu “classified“, về tư dinh ở Florida. Vì thế mà bây giờ FBI và Bộ Tư Pháp mới phải đột nhập nhà Trump để lấy lại. Cần nói thêm là đương kim Giám đốc FBI Christopher A. Wray đã được chính cựu Tổng Thống Donald Trump bổ nhiệm năm 2017, sau khi cựu Tổng Thống cách chức người tiền nhiệm James Comer. Maggie Haberman, nữ phóng viên tờ New York Times, tường thuật rằng hệ thống thoát nước của cầu tiêu trong Toà Bạch ốc thường hay bị nghẹt vì giấy vụn lấp cứng. Hệ thống Portal Axios phổ biến những bức ảnh do Haberman chụp cho thấy bồn cầu Toà Bạch ốc chứa những mảnh giấy vụn mang bút tích của cựu Tổng Thống Trump. Haberman sẽ ra mắt sách nhan đề “Confidence Man“ vào tháng mười sắp tới.

Trên đây là những chi tiết do tờ General Anzeiger, nhật báo của cựu thủ đô Bonn, loan tải trên số báo phát hành vào ngày thứ tư 10.08 và đăng tải ở trang 4. Tờ nhật báo Bild, phổ biến khắp nước Đức và phổ biến ở cả nước ngoài (mỗi khi qua Paris tôi vẫn tới các sạp bán báo ở quận 13 để mua tờ Bild) thì cho rằng có lẽ trong số tài liệu giấu giếm và bị tịch thu có những thư từ trao đổi giữa cá nhân cựu Tổng Thống Trump và lãnh tụ độc tài Bắc Hàn Kim Jong un.

Tờ Frankfurter Rundschau có bài bình luận đặt nặng vai trò của nền dân chủ pháp trị Hoa Kỳ. Tờ nhật báo cho rằng vụ xâm nhập tư dinh Mar-a-Lago một lần nữa chứng tỏ ở Mỹ pháp bất vị thân và không có bất cứ ai có thể đứng trên công lý. Ngoài ra, không những vị cựu Tổng Thống 76 tuổi bị liên quan với mớ hồ sơ tối mật mà ông hiện còn đang dính líu vào vụ điều tra ngày tấn công điện Capitol. Tất nhiên là bạn bè phe phái của cựu Tổng Thống đang lên tiếng bênh Ông và chống Biden nhưng cứ cái đà hết vụ này đến vụ khác, liên tu bất tận như thế này thì không nhiều thì ít cựu Tổng Thống Donald Trump cũng bị tổn thương xây xát.

Bản văn chính luận ngắn của tờ Genral Anzeiger đăng ở trang 2 ngày thứ tư 10.08 còn nêu ra một khía cạnh khác. Tôi xin cố gắng chuyển lại nội dung. Tờ nhật báo Đức cho rằng nước Mỹ đang ngã lộn tùng phèo. Kính trọng, lịch sự, xã giao, thượng tôn luật pháp, sùng thượng sự thực, tôn trọng các định chế dân chủ và các kết quả bầu cử, tất cả những giá trị đạo đức và công lý thiết yếu, sinh tử đó của nền dân chủ đang bị suy thoái nặng nề. Cái gì thực không còn là cái gì thực nữa mà là cái gì người ta tin. (Nguyên văn : Wahr ist nicht, was ist, sondern was man glaubt). Đang có một cuộc chiến về văn hoá do đám người cực hữu chủ xướng và do phe báo chí cực hữu phổ biến. Tại Hoa Kỳ từ mấy năm nay đang có một cuộc cách mạng bảo thủ cực hữu, dân tuý và tôn giáo; cuộc cách mạng đó nay không còn có thể chế ngự được nữa rồi. Để tiến hành cuộc cách mạng này, mọi phương tiện đều được chấp nhận, kể cả thay đổi kết quả bỏ phiếu và tấn công trụ sở Quốc hội. Lực lượng chống đối không còn chỉ ở trên các quảng trường hay các công viên. Nó đã vào Quốc hội. Đã có những dân biểu đòi hỏi sa thải nhân viên FBI hay bắt giữ họ. Đã có những tổ chức hướng dẫn dư luận kêu gọi sử dụng bạo lực. Các đạo luật bảo vệ môi trường bị đánh bại. Luật phá thai bị chi phối. Tháng mười một này có bầu cử giữa nhiệm kỳ và năm 2024 thì sẽ có bầu cử tân Tổng Thống. Chưa rõ sau khi bị khám nhà Trump có còn tái ứng cử nữa không hay sẽ có một ứng viên khác, trẻ hơn nhưng có vẻ như Hoa Kỳ hiện đang trong vòng tay của các thành phần cực hữu bảo thủ dân tuý. Trong khi đó đảng Dân Chủ hầu như không có ứng viên đối đầu sáng giá nào cả.

Nước Đức phải thấy rõ những điều vừa kể bởi vì chuyện gì xảy ra ở Mỹ cũng ảnh hưởng trực tiếp và nặng nề lên nước Đức. An sinh, Môi trường, Khí hậu, Dân chủ, Kinh tế, Tài chánh rồi ra sẽ có thay đổi rất nhiều trong mối giao lưu xuyên thái bình dương. Đức đã sẵn sàng chưa?

10.08.2022

BS Trần Văn Tích

Không có nhận xét nào: