WESTMINSTER, California (NV) – Cuối Tháng Tư, 1975, một số sĩ quan QLVNCH ra trình diện chính quyền Cộng Sản, và bị đưa vào những trại tập trung như Trảng Lớn, Đồng Ban, Kà Tum, Long Thành, Suối Máu,… Đến năm 1979, có rất nhiều tù binh của các trại trên bị chuyển qua nhiều trại khác. Trong số đó có hơn 600 tù nhân bị đưa về trại Xuyên Mộc. Cuối năm 1982, tại tù này giải tán. Sáng Chủ Nhật, 17 Tháng Bảy, buổi Hội Ngộ Tù Xuyên Mộc lần thứ 6, do nhóm cựu tù “Buồng 3” của trại tù Xuyên Mộc tổ chức, diễn ra tại nhà hàng Seafood World, Westminster.
<!>
Trưởng ban tổ chức là ông Lê Cảnh Sao. Trước kia ông thuộc Sư Đoàn 5 Bộ Binh QLVNCH, định cự tại Orange County năm 1992.
Cựu tù Xuyên Mộc đồng hát bài “Buồng 3 Dậy Sóng” nhân ngày hội ngộ năm 2022. (Hình: Lâm Hoài Thạch/Người Việt)
Ông cho biết: “Chúng tôi là anh em cựu tù của trại tù Xuyên Mộc, ở địa danh Cẩm Mỹ của tỉnh Long Khánh ngày xưa. Trại này gồm có ba khu A, B, và C. Có một khu giam những tù nhân tội hình sự, còn hai khu thì giam những cựu sĩ quan VNCH. Lúc đó, chúng tôi 160 tù nhân bị nhốt chung trong phòng giam "Buồng 3", một trong những phòng giam tù binh của trại Xuyên Mộc. Đến 2015 anh em cựu tù nhân "Buồng 3" từ nhiều tiểu bang Hoa Kỳ về họp mặt đầu tiên tại Little Saigon.”
Theo ban tổ chức, phòng tù “Buồng 3” còn có biệt danh là “Đập Nón Cối.”
Cựu tù Nguyễn Ngọc Anh (trái), trưởng Buồng 3, đeo tấm bảng trên ngực, có hàng chữ “Trại Tù Xuyên Mộc, Khu B, Buồng 3, buồng đập nón cối.” (Hình:Lâm Hoài Thạch/Người Việt)
Sau nghi thức khai mạc, niên trưởng Phan Khắc Nhượng (Khóa 4, Võ Khoa Thủ Đức) tâm tình: “Tôi rất khâm phục lòng dũng cảm của các anh em "Buồng 3" có tinh thần chống đối sự đàn áp của các cán bộ giữ tù Xuyên Mộc. Lúc đó, chúng tôi đang bị giam giữ tại trại giam Tân Lập, Vĩnh Phú, nhưng vẫn nghe nguồn tin "đập nón cối" ở trại tù Xuyên Mộc. Các anh em mặc dù đang trong số phận tù binh, nhưng đã thể hiện lòng kiên cường của các chiến sĩ QLVNCH.”
Kế tiếp, các cựu tù đồng hát bài “Buồng 3 Dậy Sóng” do cựu tù Nguyễn Văn Uyển sáng tác.
Lý do có danh xưng “Buồng 3 – Đập Nón Cối,” theo cựu tù nhân Nguyễn Hữu Nhân, thành viên trong ban tổ chức, từ San Jose xuống tham dự, cho biết, trại tù Xuyên Mộc có ba khu A, B và C. Mỗi khu có khoảng 10 buồng, mỗi buồng chứa khoảng 160 người, và chỉ có một nhà vệ sinh mà thôi. Buồng 3 phần đông giam giữ các anh em từ trại tù Phước Long. Sau đó, các cán bộ lại đưa thêm 10 người nữa từ trại Vườn Đào vào Buồng 3. Nhưng 10 người này, mỗi người đều mang theo một nón cối.
Cựu tù nhân Lê Cảnh Sao, trưởng ban tổ chức. (Hình: Lâm Hoài Thạch/Người Việt)
Ông Nhân kể: “Tại Buồng 3, chỗ ngủ của mỗi người chỉ có 5 tấc 70. Buồng trưởng là anh Nguyễn Ngọc Anh, cựu Hải Quân QLVNCH, nói với 10 anh đó cứ cất nón cối ở nhà vệ sinh, chừa chỗ trống cho anh em ngủ để ngày mai có sức đi lao động. Khi 10 nón cối được để tại nhà vệ sinh, chỉ trong vòng nửa tiếng sau thì các nón cối trong nhà vệ sinh đều bị đập "bẹp" hết ráo.”
Ông kể tiếp: “Mỗi đêm, cứ đến 7 giờ tối là họ khóa Buồng 3 của chúng tôi lại rồi. Nhưng trong đêm đó, không biết có ai làm "ăng ten" không, mà đến 11 giờ đêm, ban giữ tù tập hợp chúng tôi lại và bắt tất cả anh em Buồng 3 tập hợp ở ngoài sân. Ông công an trưởng hỏi chúng tôi: “Trong tất cả các anh, ai là người đập nón cối? Tôi hứa với các anh, nếu ai thông báo tin này, thì sẽ được chúng tôi cho về với gia đình ngay.” Cuối cùng, sau nửa tiếng, không có ai khai báo là ai đã đập nón cối. Và ngày nào họ cũng bắt chúng tôi tập họp để hỏi ai là người đã đập nón cối. Nhưng cũng không có ai khai báo với họ là ai đã đập nón cối.”
Cựu tù “Buồng 3” nâng ly mừng ngày hội ngộ. (Hình: Lâm Hoài Thạch/Người Việt)
Vì cựu tù Nguyễn Ngọc Anh là trưởng Buồng 3, nên khi có vụ đập nón cối, ông bị ban an ninh giữ tù cứ gọi đến trình diện thường xuyên để điều tra vụ đập nón cối do ai đã tổ chức và ai đã đập. Nhưng hơn ba năm, họ cứ điều tra mãi mà cũng không biết ai là người đập nón cối, và chính ông Nguyễn Ngọc Anh cũng không biết họ là ai nữa.
Kể từ năm 1979 đến khi giải tán trại giam Xuyên Mộc vào năm 1982, họ vẫn chưa tìm được ai là người đập nón cối. Và cũng kể từ đó mới có danh xưng “Buồng 3 – Đập Nón Cối”.
Trong số vợ hiền của các cựu tù Xuyên Mộc đến dự có bà Nguyễn Thị Kim Huê là vợ của Hải Quân Huỳnh Bửu Long. Sau biến cố Tháng Tư 1975, chồng bà bị đi tù tại các trại ở Long Khánh, Phước Long. Lúc đó, vợ chồng có một đứa con mới 18 tháng.
Niên trưởng Phan Khắc Nhượng (trái) phát biểu, kế bên cựu tù Nguyễn Hữu Nhân. (Hình:Lâm Hoài Thạch/Người Việt)
Bà kể: “Khi chồng tôi đi tù, mẹ con tôi về ở bên nhà mẹ ruột của tôi tại Tây Ninh, sinh sống bằng nghề buôn bán và làm ruộng để nuôi con và nuôi chồng trong tù. Đến năm 1979, chồng tôi bị đưa về trại Xuyên Mộc. Cứ khoảng vài tháng thì tôi đến trại Xuyên Mộc thăm chồng, vì tôi biết, cuộc sống trong trại tù rất cực khổ và thiếu thốn thực phẩm, nên mỗi lần đi thăm chồng tôi đều có mang gạo, nếp, đường, nước mắm,… Thức ăn thì có thịt kho, mắm ruốc xào thịt…”
“Thật sự thì cuộc sống của tôi lúc đó cũng rất cực nhọc để kiếm tiền nuôi con. Nhưng dù cuộc sống có khó khăn mấy, tôi cũng phải cố gắng để chờ chồng tôi được về. Đến sáu năm sau thì chồng tôi được ra khỏi trại tù Xuyên Mộc. Năm 2008, gia đình chúng tôi được định cư tại San Jose, California, cho đến bây giờ,” bà chia sẻ thêm.
Cựu tù Huỳnh Bửu Long và hiền thê Nguyễn Thị Kim Huê. (Hình:Lâm Hoài Thạch/Người Việt)
Trong số khách mời có bà Phan Thị Ngọc Điệp, cựu giáo sư Trung Học Châu Văn Tiếp, Phước Tuy.
Bà tâm tình: “Tôi có ý tưởng đặc biệt để vinh danh các chiến sĩ QLVNCH, trong đó có các cựu tù Xuyên Mộc. Thưa các anh, cũng thời một kiếp sống, nhưng các anh đã dãi dầu mưa nắng để đem lại thanh bình, các anh hy sinh tánh mạng để đem lại tự do, các anh can đảm để xã hội có ngày mai rạng rỡ, các anh hiên ngang để người yêu anh hãnh diện. Và các anh gương mẫu để con cháu nên người. Suốt đời tôi, không bao giờ quên công ơn của các anh.”
Cựu chiến sĩ Sư Đoàn 5 QLVNCH tham dự hội ngộ cựu tù Xuyên Mộc. (Hình: Lâm Hoài Thạch/Người Việt)
Trong buổi hội ngộ lần này, chỉ có khoảng 20 cựu tù “Buồng 3 – Đập Nón Cối” hiện diện cùng gia đình. Một số đã ngã bệnh chết tại quê nhà, sau khi bị giam giữ tại trại tù Xuyên Mộc, một số vì đã có tuổi không còn sống trên xứ người. Tuy vậy, số còn lại, họ vẫn cố gắng duy trì những sinh hoạt thường xuyên, xem ai còn, ai mất để cùng nhau về họp mặt hàng năm tại Little Saigon.
Tuy lớn tuổi, họ vẫn còn thích hát. Người lính già cùng hát chung với các chiến hữu và gia đình. Và chương trình văn nghệ “lính hát, lính nghe” của ngày xưa ấy đã bừng dậy tại thành phố Westminster qua bài nhạc “Buồng 3 Dậy Sóng.” [đ.d.]
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét