Tháng Tư Đen, cộng sản Bắc Việt cưỡng chiếm Miền Nam Việt Nam, không bao lâu sau đó, tôi bị đưa vào Trại Tập Trung Cải Tạo Lao Động như những bạn đồng đội khác. Mẹ tôi đã phải từ từ qụy xuống hè nhà với bao nỗi bùi ngùi mà âm vang còn nghe lao xao từng hơi thở dài nghẹn ngào, não nuột còn đọng lại đâu đây trong một đêm tĩnh mịch, khi Mẹ biết tin buồn, các con của Mẹ đã bị bắt đi tù. Mẹ khóc, kéo theo những giọt nước mắt rưng rức như những hạt sương long lanh lăn trên gò má nhăn nheo của Mẹ.
<!>
Làm sao tôi có thể quên được, những ngày lao lý ở Lam Sơn, rồi chuyển trại qua Cùng Sơn, với những cơn gió lạnh của núi rừng làm ớn lạnh.
Tôi kéo cổ áo thật cao để tránh những luồng gió rét buốt của núi rừng. Tôi thầm cầu xin sự bình an đến với mình và bạn bè.
Rồi ba năm sau đó bị trở thành "Cải Tạo Viên của trại Tù Lao Động A-30," ở Sơn Thành, Phú Yên.
Trời ơi,những ngày đầu tù tội biết bao khổ sở, tủi nhục ê chề... Từ những ngày còn thơ ấu cho đến khi trưởng thành, chưa bao giờ tôi biết đốt rừng, làm rẫy là cái ất giáp gì. Thế mà chỉ một vài ngày sau khi bị tù tội, không giày, không dép, chân đạp đất, đầu trần, tôi phải vác cuốc vào rẫy đánh luống khoai lang, dưới ánh nắng mặt trời gay gắt hay phải dầm mình nhổ cỏ dưới những cơn mưa nặng hạt. Tối ngủ trên một manh chiếu rách, tôi nằm chèo queo vừa đói vừa lạnh, trong cái mền mục tả tơi, quần áo vá chằng vá chịt nhiều chỗ.
Gia tài của tôi chỉ vỏn vẹn một cái bi đông, một cái chén nhôm, đôi đũa tre, chai dầu Nhị Thiên Đuờng, để phòng khi bất trắc. Tất cả những thứ linh tinh, lỉnh kỉnh đó được sắp xếp cẩn thận trong một chiếc ba lô lính, vải sờn xù xì, cũ rích với năm tháng lưu đày mỏi mòn đợi chờ ngày về trong vô vọng.
... Tuổi thanh xuân âm thầm trôi theo với những nghiệt ngã đọa đày.
Mỗi ngày, khi trời chưa sáng, tất cả tù nhân chính trị đã phải vội vàng bật dậy, dưới bầu trời còn lốm đốm vài ngôi sao khuya bơ vơ, lạc lõng, để trả lại không khí tĩnh mịch của trại giam cho rừng thiêng nước độc.
Khi kẻng trại giam báo thức lúc bốn giờ sáng, anh em tù nhân chính trị đã phải lồm cồm thức dậy, lổm ngổm thu dọn, chuẩn bị cho một ngày lao động khổ sai, làm việc chết xác mà cơm vẫn không đủ ăn, áo không đủ ấm, vất vả tiếp nối ngày này qua tháng nọ, chém cha số kiếp hẩm hiu!
Tối tối phải nghe quản giáo chật vật tập đánh vần để đọc cáo trạng lên án ... tên của những tù nhân trây lười lao động hay tin tức thể thao mà vận động viên phe xã hội chủ nghĩa, bao giờ cũng chiến thắng dễ dàng các lực sĩ Quốc Tế đã đạt nhiều thành tích vẻ vang trên Thế Giới Tự Do.
Đói khát luôn luôn hành hạ tinh thần và thể xác của người tù. Than vãn, liệu hồn, chết đòn đấy! Cũng vì thế mà là thảm trạng ngục tù, đôi khi anh em đã làm khổ lẫn nhau chỉ vì miếng ăn thôi thúc.
Rồi niềm thương nỗi nhớ, nuối tiếc dâng tràn, bao quanh lòng ngực với những nỗi bất hạnh đã nhẫn tâm gieo vào cuộc đời của những người lính trung kiên, không biết trốn chạy trước kẻ thù, để phải gánh chịu nỗi căm thù, của phía bên kia đã giáng vào đầu người tù.
Lúc cần thì họ gọi những người tỵ nạn cộng sản là núm ruột ở xa, và đến một lúc nào đó thì người Việt tị nạn cộng sản là kẻ-phản-quốc, trốn-chạy ra nước ngoài, bám-chân-theo-đế-quốc-Mỹ, bọn xâm lược, hiếu chiến, bốc lột, là kẻ thù của nhân loại.
Hồi đó, những ngày đầu tù tội, lưu đày, tôi phải cố gắng lắm mới bò dậy được, để lếch tha lếch thếch, lẽo đẽo đi bộ theo đoàn tù khổ sai hàng mấy cây số để đốt rẫy, trồng mì. Sau một ngày lao động, người nào người nấy rã rời tay chân. Những mệt mỏi rồi cũng chóng qua nhanh, mỗi khi đoàn tù được phép dừng lại một nhánh sông để tắm rửa, giặt giũ. Đàn ông và đàn bà đều phải tắm chung trên một dòng sông rất hẹp. Toàn bộ đực rựa chúng tôi trần truồng không một mảnh vải che thân, phơi bày nhồng nhộng bộ ngực lép xẹp như những bộ xương cách trí.
Nữ tù nhân tắm cách chúng tôi chỉ vài thước. Các cô ăn mặc kín đáo hơn, nhưng cũng không thể nào phủ che thân thể nuột nà, tha hồ cho các chú đầu đội nón cối, chân mang dép râu, được đảng ta bốc thơm là "anh hùng diệt Mỹ", chúng nhìn xòng xọc, suồng sã vào những bộ ngực ngọc ngà của các chị, các mẹ bị giam tại đây vì tội vượt biên, bỏ nước ra đi, bám chân theo kẻ thù của nhân loại.
Chúng mải miết trân tráo thò thụt dòm ngó thần tượng nên "các chú anh hùng" đã quên lời đảng dạy.
Đoàn tù ngụp lặn dưới nước trong xanh trải dài trên mặt sông Ba, hàng triệu bong bóng màu xám vô tận, để giũ sạch những nhọc nhằn với tháng ngày tù tội mà nỗi sầu chất ngất, cuốn hút theo dòng sông, xuôi về vực sâu của ý niệm, để rồi khi nghĩ lại thấy hồn mình bất ổn, chơi vơi...
Những cơn đói, chân bước không vững, xiêu vẹo, bềnh bồng, kiềm hãm ý chí trong tuyệt vọng, rã rời, mệt mỏi; do đó, tiềm thức, ý niệm bao giờ cũng buông xuôi, khiếp nhược như kẻ quy hàng... vì cơn đói bao giờ cũng giục giã, thôi thúc, dạ dày réo gọi. Đói khát, làm hủy diệt bất cứ mọi tư tưởng đấu tranh nào rồi cũng sẽ bị gạt ra, nhường chỗ cho cái ăn, món uống là phương châm đứng vào bậc nhất của đời sống trong lao tù cộng sản.
Ngoài những lúc lao động như những người tù khổ sai chung thân, cơn đói lúc nào cũng hoành hành tinh thần người tù một cách mãnh liệt. Mỗi ngày tù nhân chỉ được phát nửa chén cơm trộn với vài lát mì khô còn nguyên cả vỏ, với một tí nước muối pha thật loãng.
Cơn đói lúc nào cũng cồn cào ruột gan, do đó thứ gì có thể ăn được tù nhân cứ ăn. Ăn để mà sống. Thoát hiểm mưu sinh là nhu cầu thứ yếu của những người bị bọn cộng sản cầm tù. Rắn, cải trời, lá dang, dế nhũi, ếch, nhái... thứ gì có thể ăn được, tù nhân cũng không tha. Nhân phẩm của người tù là phải tự chính mình từ bỏ nhân phẩm của mình. Phẩm giá, tiết hạnh là món hàng xa xỉ.
Dốt nát, Hủ lậu. Hận thù. Bất nhân là đỉnh cao của trí tuệ. Lừa dối. Tàn bạo là chiếc nôi phát sinh ra nhân loại trong đó con người cộng sản được tôi luyện trong môi trường này.
Tôi ngừng lại vài giây, rít một hơi thuốc lào, kể tiếp cho Thanh Đào nghe:
... Có những đêm cứ lăn qua trở lại không ngủ được, nỗi khiếp sợ vì cơn đói lúc nào cũng cồn cào ruột gan và bầy rệp đói túc trực, chờ chực để tấn công trên thân thể gầy đét, xanh xao của người tù thiếu máu, đói cơm.
Một hôm, có cái gì nhồn nhột trong lỗ tai, tôi đưa ngón tay vào chỗ bị ngứa; thì ra là một chú rệp. Tôi bắt hắn, để vào hai đầu ngón tay, bặm môi nghiền nát con vật. Máu đỏ tươi của con vật dính đầy hai ngón tay, anh đưa lên mũi ngửi, mùi tanh hôi khó chịu tràn vào phổi nghe rờn rợn. Tôi nghiến răng, tức giận:
- Tôi căm thù loài rệp!
Đúng ra kẻ thù của tôi không phải là rệp mà là loài người. Các con Quỷ cộng sản, đỏ miệng !!! Chúng hành hạ dã man các tù nhân chính trị thì ai ai cũng đều biết rồi. Không có một chứng nhân nào hoặc sử gia nào có thể viết lên hết tội ác của loài "Quỷ Đỏ Miệng" này.
Hồi đó có nhiều tù nhân bị hành hạ quá mức, nên họ giựt súng, bắn vào các tên quản giáo, sau đó bị kết án tử hình và bị hành quyết ngay trong trại tù, trước hàng ngàn cặp mắt buồn thảm của tù nhân chính trị. Người nào cũng bị giam giữ, tù đày ở chốn rừng thiêng nước độc, ít nhất từ ba năm trở lên. Cũng có rất nhiều người còn bị biệt giam trong một xà lim nhỏ xíu, hai chân bị cùm bởi hai thanh gỗ với những lý do mơ hồ phi lý và bị đày đọa đến chết.
Biết bao tù nhân đã vĩnh viễn ra đi, họ nằm xuống tại một trại tù nơi núi rừng hoang lạnh xa xôi nào đó.
Tôi rít một hơi thuốc lá, kể tiếp cho Thanh Đào nghe:
Hồi đó, anh nằm bên cạnh một người tù còn rất trẻ, khoảng chừng hai mươi lăm tuổi, anh ấy đang lên cơn sốt. Bầu trời còn sót lại vài vì sao khuya, lờ mờ đủ soi lên khuôn mặt gầy gò, xanh mét như tầu lá chuối non. Anh Lê Kim Tưởng, bị sốt rét, rên suốt đêm. Mới có hơn hai mươi tuổi mà sao nhìn anh Lê Kim Tưởng như ông cụ đã già lắm rồi. Có lần anh đã hỏi anh Tưởng:
- Ê! Lão Tưởng, nếu bây giờ cho lão chọn lựa giữa nửa củ khoai mì với một ngôi sao điện ảnh, lão chọn lựa gì?
Không cần suy nghĩ, lão Tưởng trả lời ngay:
- Anh Tư ơi, cho tôi chọn nửa củ mì.
Anh nghĩ thầm, đến giây phút này, "trị giá hối đoái" của một ngôi sao điện ảnh, cũng không bằng nửa củ khoai mì trong lao tù Cộng Sản!!!
Tia lửa đỏ rực, chiếu sáng gương mặt sốt rét lâu ngày của anh Tưởng trở nên hồng hào. Ánh mắt anh long lanh. Nhưng qua chiếc que tre dài làm đóm để giữ lửa cho tẩu thuốc đang chờ đến lượt anh Chung, đang đợi, soi rõ mặt mũi anh Chung nhợt nhạt, hốc hác, da mặt xám xanh, vì thiếu máu, đói cơm, gợi cho anh cảm giác bềnh bồng. Một ý nghĩ thoáng nhanh trong tim óc.
Anh thấy mình đang ngồi chõm chẹo trên một chiếc ghế có tay dựa, bên cạnh cái bàn nhỏ, trải khăn trắng, bày la liệt các món thịt rừng.
Anh ngấu nghiến miếng thịt nai và uống ly bia thật đầy, nổi bọt trắng. Mùi bia hơi nồng, đăng đắng. Anh liếm bờ môi nghe ngọt lịm.
Rồi một ý nghĩ nghiệt ngã khác, mơ hồ hơn nhưng mãnh liệt hơn, vội vã hơn, thèm thuồng hơn, thôi thúc hơn... Anh đang ước ao mình được ăn một bữa cơm cho thật no với gạo trắng, chan đầy nước mắm tỏi, ớt, chanh, đường. Chỉ có thế! Và cũng chỉ có thế thôi! Cuộc đời cũng đủ hạnh phúc lắm rồi!!!
Bỗng chốc mùi tanh tưởi của quần áo, mùi chua của mồ hôi, mùi khét của chăn mền lâu ngày không được giặt giũ, mùi máu khô của các con rệp bị giết, mùi bùn, mùi của những chiếc giầy mốc meo, tạo thành một thứ mùi quen thuộc từ khi anh bắt đầu vào trại tù cộng sản.
Một thoáng hương thơm của loài cỏ dại lan tràn. Tận trong thâm tâm, anh vẫn còn hận thù cuộc đời tù tội đã tặng cho anh quá nhiều bất hạnh.
Có những buổi chiều, nằm nghe tiếng suối róc rách, trầm buồn, xa vắng.
Tôi nhìn Thanh Đào âu yếm kể tiếp:
Cảnh vật trở nên hoang vắng... những áng mây trôi lờ đờ thật thấp, bầu trời màu tim tím, màu tím của nhớ nhung. Tâm tư lững thững, chợt thấy nhớ Mẹ già, rồi anh thả hồn theo gió thoảng, bay lang thang mải miết tìm về quê mẹ.
Trong giây phút này, anh liền chợt thấy bên lưng đồi ngôi mộ của cha anh, xây bằng xi-măng. Phía bên kia là một dòng sông cô đơn, lẻ loi chảy suốt ngày đêm...
Duy Xuyên
David Pham
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét