Tôi nằm điều trị tại Bệnh Xá Bạch Đằng đến tháng 10 năm 1973 thì tạm bình phục. Thương tích là những vết thẹo thật dài do những miểng pháo găm bấy thịt thấu xương, là hai màng nhĩ đã mất trên 50 phần trăm thính lực vì sức ép và sức nổ của tiếng nổ kinh hoàng của trái pháo B41. Đúng vào thời gian ấy, tôi nhận được công điện của Bộ Tư Lệnh Hải Quân cho đi học Khóa Tham Mưu Trung Cấp tại Trung Tâm Huấn Luyện Hải Quân Sài Gòn. Trong khi đa số khóa sinh lợi dụng thời gian ở Sài Gòn để “ăn chơi” cho thỏa thích, thì tôi miệt mài vùi đầu vào sách vở để mong mãn khóa với thứ hạng cao. Kết quả, tôi đậu thủ khoa và được đổi về Phòng Điều Huấn Bộ Tư Lệnh Hải Quân tại bến Bạch Đằng, chính thức chấm dứt thời gian phục vụ tại GĐ75TB.
<!>
Sau khi đổi về phòng Điều Huấn, tôi đã có dịp hồi tưởng và ghi lại những kinh nghiệm đã thu nhận được trong thời gian phục vụ tại Giang Đoàn để lưu trữ trong tài liệu của Khối Quân Huấn.
Theo tôi, Lực Lượng Thủy Bộ, cùng với hai lực lượng Lưu Động khác của Hải Quân là Lực Lượng Ngăn Chặn và Lực Lượng Tuần Thám, đã được giao phó một vai trò vô cùng quan trọng trong bối cảnh đất nước vào đầu thập niên 70, và đã đóng góp không ít trong công cuộc bảo vệ lãnh thổ miền Nam Việt Nam.
Địa bàn vùng Hậu Giang với nhiều sông rạch, hạn chế địch rất nhiều về phương diện tiếp tế hậu cần, giao liên, và chuyển vận. Việt Cộng hầu như mất hẳn ưu thế về các phương tiện di chuyển bằng đường bộ trong vùng. Chúng cũng bị hạn chế về phương tiện vận chuyển trong sông vì chúng chỉ có ghe “đuôi tôm” thô sơ bé nhỏ và các ghe đánh cá trà trộn trong lương dân.
Về phía quân đội Quốc Gia, việc chuyển vận quân xa quân dụng của Bộ Binh bằng đường bộ cũng bị giới hạn bởi hệ thống sông ngòi chằng chịt của vùng Hậu Giang. Vì vậy, các cấp lãnh đạo đã nhận thức được tầm mức quan trọng của nhu cầu phối hợp giữa Hải Quân và Bộ Binh trong việc điều quân và chuyển vận binh lương tiếp liệu cho Bộ Binh bằng đường thủy. Lực Lượng Thủy Bộ đã được thành lập để đáp ứng nhu cầu chiến lược ấy.
Tuy vậy cuộc hành quân hỗn hợp của Hải Quân và Bộ Binh cũng có một số giới hạn:
Thứ nhất, số giang đĩnh cơ hữu của Lực Lượng Thủy Bộ không đủ khả năng tuần tiễu để phát hiện và ngăn chặn mọi cuộc di chuyển của địch trên hàng ngàn cây số của các sông ngòi trong vùng Hậu Giang, nhất là về ban đêm.
Thứ hai, thế chiến lược của ta dựa trên căn bản “phòng thủ”, như tăng cường bảo vệ căn cứ của Bộ Binh, hơn là để tấn công trực tiếp vào sào huyệt địch. Các mật khu của địch nằm sâu trong các rạch nhỏ, các giang đĩnh của Lực Lượng Thủy Bộ không thể chở quân Bộ Binh hay Thủy Quân Lục Chiến vào tới nơi để càn quét mật khu địch. Do đó các cuộc hành quân Thủy Bộ chỉ có thể được thực hiện trong những vùng sông rộng để chận đánh các cuộc chuyển quân của địch băng qua các khúc sông ấy.
Thứ ba, để gây trở ngại cho những cuộc hành quân Thủy Bộ của ta, địch thường áp dụng “phục kích chiến”, chận bắn các tàu trên đường đi tới địa điểm đổ bộ. Phần lớn các trận “đụng độ giữa đường” không thuộc loại “tao ngộ chiến”, tức là tình cờ mà gặp, như trận Kiên Hưng – Hòa Lựu, mà thường thì địch nắm vai trò chủ động khai hỏa, chọn lựa thời gian, địa điểm, sắp sẵn kế hoạch phục kích khi nghe có tiếng máy tàu chạy từ xa. Trong khi địch ẩn nấp trong các mô đất bên bờ, thì các giang đĩnh của Hải Quân chạy giữa sông hoàn toàn bị lộ hình tích và làm “mồi ngon” cho pháo địch. Vì thế, mỗi lần đụng trận thường là có thiệt hại. Để đối phó với các cuộc phục kích nhỏ của địch, Tư Lệnh Hoàng Cơ Minh đã có sáng kiến chỉ dẫn các giang đoàn áp dụng chiến thuật hành quân “Tiệm Tiến”, thay phiên di chuyển và ủi bãi, tiến dần đến các mục tiêu đặt súng mai phục của địch. Nhờ đó, mức độ thương vong của ta được giảm bớt và đã làm cho địch rất kinh sợ.
Thứ tư, trên phương diện chiến lược, các chiến đĩnh do Hoa Kỳ chế tạo theo kiểu mẫu từ Đệ Nhị Thế Chiến đã đáp ứng được nhu cầu “đổ bộ” với khả năng vận chuyển dễ dàng và hỏa lực tương đối mạnh mẽ, nhưng lại không trù liệu các kiến trúc bảo vệ sự an toàn của chiến đĩnh. Ngoại trừ giàn lưới sắt bọc foam quanh tàu dùng để chống B40 và B41 của địch, các chiến đĩnh đã không có những kiến trúc nhằm vô hiệu hóa “mìn nổi” của cộng quân, thường gài trong các cụm lục bình thả trôi trên sông. Ngoài ra, các chiếc “soái đĩnh” (như chiếc Tango Bạch Hổ) cũng thiếu một giàn lưới sắt bọc foam bao quanh giàn máy vô tuyến và đài chỉ huy, để có thể tránh cho cấp chỉ huy phải làm “bia” cho súng địch, vì mỗi lần bị địch tấn công, các cấp chỉ huy không thể bỏ máy để chạy xuống trú ẩn vào các chỗ kín đáo hơn như các ụ súng, vách sắt kiên cố hoặc phòng lái phía dưới.
Đối đầu với những trở ngại nêu trên, Giang Đoàn 75 Thủy Bộ vẫn tiếp tục chiến đấu, xông pha khắp các chiến trường hung hãn nhất của miền Hậu Giang, tạo nhiều chiến công cũng như chịu nhiều tổn thất. Về sau tôi được nghe Đại Úy Đỗ Ngọc Quảng, lúc bấy giờ đã lên thay thế tôi trong chức vụ Chỉ Huy Phó, cho biết :
Năm 1974, GĐ75TB đã được Bộ Tư Lệnh Hải Quân ban cho vinh dự đại diện Lực Lượng Thủy Bộ về tham dự buổi Lễ và được vinh danh trong Ngày Quân Lực 19-6-1974 tại Sài Gòn.
Cuộc đời người lính thủy phục vụ tại các giang đoàn Thủy Bộ luôn luôn đầy dẫy hiểm nguy. Bóng dáng Tử Thần thường lảng vảng trong những cụm lục bình, những lùm lau sậy, những rừng cây tràm, cây đước thâm u, và những cánh đồng thơm ngút ngàn. Nhiều khi Tử Thần xuất hiện thật bất ngờ: không chờ đêm đến, không đợi ngày lên. Ngôn ngữ của Tử Thần là tiếng rít của đạn pháo trên không, là tiếng sét cuồng nộ của quả mìn chôn dưới lớp cỏ phủ hờ trên đường mòn ven sông, và là tiếng gầm kinh dị của trái thủy lôi thả trôi bềnh bồng theo cụm lục bình trên dòng nước. Sự sống và nỗi chết chỉ cách nhau trong vài gang tấc, có khi như bề dày của tấm foam bọc tàu; có khi chỉ cách vài ly, như bề dày của tấm áo giáp hay chiếc nón sắt, những vật tùy thân bất ly cách của người lính Thủy Bộ.
Thế mà bên cạnh bóng dáng của Tử Thần, bên cạnh những đớn đau, máu hòa nước mắt, tình huynh đệ chi binh lại nở hoa. Mỗi lần nhớ về cuộc đời hải nghiệp, lòng tôi lại chạnh tưởng đến những anh em thuộc GĐ75TB, đã từng cùng tôi chia xẻ ngọt bùi, gian khổ, chia nhau từng điếu thuốc, từng ngụm cà phê trong những đêm khuya tuần tiễu trên sông nước Hậu Giang.
Đã gần 39 năm trôi qua từ trận đánh vào mật khu Long Mỹ trong vùng U Minh hung hiểm, tôi vẫn còn mãi đa mang những chứng tích của một thời binh lửa. Nhưng thương tích chiến tranh không chỉ nằm ngoài thân thể, mà còn hằn in trong tâm não. Tôi vẫn thường nằm mộng thấy mình dẫn đoàn tàu xông pha vào những trận chiến ác liệt trong vùng Hậu Giang, mà lúc thức giấc đều thấy mình ướt đẫm mồ hôi.
Đến nỗi qua bao năm rồi, một số địa danh và sông rạch vẫn chưa phai nhòa trong tâm khảm. Kỳ diệu thay, lẫn trong những lằn đạn lửa và những tiếng nổ long trời ẩn hiện bóng dáng của Tử Thần, lại có cả những nụ cuời tươi trẻ và những ánh mắt thân thương của những chiến hữu Thủy Bộ ngày xưa. Tình huynh đệ chi binh không những đã cứu mạng tôi, mà còn tiếp tục giúp tôi chịu đựng những giấc mơ kinh hoàng để sống nốt những ngày còn lại của đời người.
Các chiến hữu Thủy Bộ của tôi ơi! … Bây giờ các anh em đang ở đâu?
Nguyễn Đình Sài
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét