Ngũ cốc : Nga - Ukraina ký hai thỏa thuận riêng với LHQ và Thổ Nhĩ Kỳ
Ảnh minh họa : Công nhân xử lý hàng ngũ cốc xuất khẩu tại cảng Constanta, Rumani, ngày 21/06/2022. AP - Vadim Ghirda - Thu Hằng
Thỏa thuận xuất khẩu ngũ cốc giữa Matxcơva và Kiev không được ký như dự kiến. Thay vì ký chung giữa bốn bên Nga, Ukraina, Thổ Nhĩ Kỳ và Liên Hiệp Quốc, ngày 22/07/2022, Nga và Ukraina lần lượt ký hai thỏa thuận riêng biệt với Thổ Nhĩ Kỳ và Liên Hiệp Quốc. Sự kiện này cho thấy bất đồng nghiêm trọng giữa hai nước, dù trước đó Hoa Kỳ hoan nghênh một thỏa thuận « cho phép ngũ cốc Ukraina tiếp cận các thị trường thế giới ».
<!>
Trên mạng Twitter, ông Mikhailo Podoliak, một cố vấn của phủ tổng thống Ukraina, cho biết : « Ukraina không ký bất kỳ thỏa thuận nào với Nga. Chúng tôi ký một thỏa thuận với Thổ Nhĩ Kỳ và Liên Hiệp Quốc và giữ cam kết với họ. Nga ký biên bản ghi nhớ với Thổ Nhĩ Kỳ và Liên Hiệp Quốc ».
Theo AFP, Ukraina sẽ không chấp nhận để tầu chiến Nga áp tải tầu chở ngũ cốc xuất khẩu, cũng như không để bất kỳ đại diện nào của Nga xuất hiện tại các hải cảng của Ukraina, với đe dọa « đáp trả quân sự ngay lập tức » mọi « hành động gây hấn »của Nga. Việc kiểm tra tầu chở ngũ cốc sẽ được tiến hành trong vùng biển của Thổ Nhĩ Kỳ nếu cần thiết.
Tất cả những thông báo này của chính quyền Kiev đi ngược với bản dự thảo gồm 5 điểm được đàm phán trong suốt hai tuần trước đó để giải tỏa từ 20 đến 25 triệu tấn ngũ cốc đang bị kẹt tại các cảng ở Ukraina do chiến tranh.
Ngoài thỏa thuận ba bên của Ukraina, phía Nga cũng ký một biên bản với ghi nhớ với Thổ Nhĩ Kỳ và Liên Hiệp Quốc bảo đảm các biện pháp trừng phạt của phương Tây nhắm vào Nga không liên quan đến ngũ cốc và phân bón.
Xuất khẩu ngũ cốc giúp Ukraina cải thiện nền kinh tế ?
Việc giải tỏa số ngũ cốc bị kẹt tại các cảng ở Ukraina được cho là biện pháp giúp Ukraina cải thiện phần nào nền kinh tế, bị kiệt quệ vì chiến tranh. Theo dự báo, chiến tranh khiến GDP của nước này giảm đến 45% trong năm 2022. Ngoài ra, Ngân hàng Trung ương Ukraina vừa hạ giá 25% đồng hryvnia. Quyết định này ảnh hưởng trực tiếp đến các hộ gia đình Ukraina, đặc biệt là người nhập cư, sống trong tình trạng cơ cực từ đầu cuộc chiến.
Trả lời RFI ngày 22/07, nhà nghiên cứu Vitaliy Kroupine, Viện Phát triển Nông thôn thuộc Viện Hàn Lâm Khoa Học Ba Lan tại Vacxava, phân tích :
« Từ nhiều năm nay, người dân Ukraina sống trong bất an kinh tế. Nhưng cuộc chiến tranh do Nga phát động đã làm trầm trọng thêm tình hình và ngày càng đè nặng lên cuộc sống hàng ngày của người dân. Họ nghèo đi, vì tiền mất giá, nhưng cũng vì lạm phát gia tăng. Lương thì lại không được tăng. Người dân Ukraina hiện không biết sống ra sao trong bối cảnh hiện nay. Phần lương thực đã chiếm đến 60% chi tiêu của mỗi gia đình. Chi phí cho năng lượng cũng tương tự. Giá xăng đã tăng gấp đôi trong vòng vài tháng.
Tình hình người nhập cư ở Ba Lan hay tại những nước khác còn tệ hơn. Cuộc sống lưu vong đã tiêu tốn hết số tiền tiết kiệm của họ gửi trong ngân hàng ở Ukraina. Việc đồng hryvnia bị hạ giá là một thảm họa cho họ. Và tình hình sẽ chưa được cải thiện ngay nếu nhìn vào bối cảnh hiện nay ».
Nhật Bản cảnh báo mối đe doạ từ Nga và lo ngại về số phận Đài Loan
Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản Nobuo Kishi (T) tại Lầu Năm Góc, Washington, Hoa Kỳ, ngày 04/05/2022. AP - Manuel Balce Ceneta
Chi Phương
Trong cuốn “Sách trắng” được công bố hôm 22/07/2022, bộ Quốc Phòng Nhật Bản cảnh báo các rủi ro địa chính trị toàn cầu cũng như đối với an ninh quốc gia, đặc biệt là hậu quả từ cuộc chiến tranh Ukraina và mối đe dọa Trung Quốc đối với Đài Loan.
Theo hãng tin AFP, báo cáo thường niên của bộ Quốc Phòng Nhật Bản dành một chương để nói về việc Nga xâm lược Ukraina, lo ngại rằng Nga có thể bị suy yếu bởi cuộc xung đột và điều này có thể thúc đẩy Matxcơva tăng cường hơn nữa quan hệ với Bắc Kinh.
Theo Sách trắng, cuộc xâm lăng của Nga là hành động “vi phạm luật pháp quốc tế” vì Matxcơva sử dụng vũ lực để giải quyết xung đột. Điều này tạo ra mối đe dọa an ninh đối với Đài Loan, hòn đảo mà Trung Quốc luôn coi là một phần lãnh thổ không thể tách rời. Báo cáo của bộ Quốc Phòng Nhật ghi nhận : “Đài Loan đã phải tăng cường hơn nữa khả năng tự vệ kể thì chiến tranh nổ ra”.
AFP nhắc lại rằng, trong cuộc khủng hoảng Ukraina, Nhật Bản vẫn sát cánh cùng phương Tây, tham gia vào các biện pháp trừng phạt Matxcơva. Kể từ đó, Nga tăng cường hiện diện quân sự gần lãnh thổ Bình Nhưỡng. Vào tháng 5/2022, các oanh tạc cơ của Nga và Trung Quốc bay cùng đến gần Nhật Bản.
Tokyo cũng quan ngại rằng Matxcơva có thể tăng cường sử dụng khả năng răn đe hạt nhân, kéo theo việc gia tăng hoạt động xung quanh Nhật Bản, khu vực mà các tàu ngầm hạt nhân của Nga thường xuyên lưu thông.
Nhật Bản, vốn quan ngại về Trung Quốc và Bắc Triều Tiên, đã tăng liên tục ngân sách quốc phòng từ nhiều năm qua. Đảng Dân chủ Tự Do cầm quyền đã đề ra mục tiêu tăng gấp đôi chi tiêu quốc phòng lên 2 % GDP. Tuy nhiên, chi tiêu quân sự của Nhật vẫn ở mức thấp nhất trong nhóm G7 tính theo tỷ lệ trên GDP.
Đậu mùa khỉ : WHO họp Ủy Ban Khẩn Cấp trước khi nâng báo động lên mức cao nhất
Tổng giám đốc Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) Tedros Adhanom Ghebreyesus tại Genève, Thụy Sỹ, ngày 20/12/2021. AP - Salvatore Di Nolfi
Minh Anh
Hôm qua, 21/07/2022, Tổ Chức Y tế Thế Giới (WHO/OMS) đã họp Ủy Ban Khẩn Cấp. Trước hiện tượng tăng số ca nhiễm đậu mùa khỉ, tổng giám đốc WHO, ông Tedros Adhanom Ghebreyesus, kêu gọi sự hỗ trợ thông tin từ các chuyên gia trước khi quyết định nâng báo động lên mức cao nhất.
Trong cuộc họp Ủy Ban Khẩn Cấp kéo dài gần 6 giờ đồng hồ, tổng giám đốc WHO đã kêu gọi giới chuyên gia « cung cấp thêm thông tin và những lời khuyên » để có thể thẩm định khả năng can thiệp của y tế công trong thời gian trước mắt và trong dài hạn. Lãnh đạo WHO tuyên bố « hoàn toàn ý thức » rằng quyết định đưa ra « đòi hỏi việc xem xét nhiều yếu tố, với mục tiêu sau cùng là bảo vệ sức khỏe cộng đồng ».
Theo AFP, việc tuyên bố tình trạng khẩn cấp y tế công ở cấp độ quốc tế, mức báo động cao nhất, phải do đích thân tổng giám đốc WHO ban hành, dựa trên cơ sở khuyến nghị của Ủy Ban Khẩn Cấp. Tuy nhiên, trong cuộc họp đầu tiên ngày 23/6, đại đa số các chuyên gia của ủy ban đã khuyến nghị ông Tedros không nên ban hành tình trạng khẩn cấp y tế công ở cấp quốc tế.
Tuy các chuyên gia của Ủy ban đã thẩm định nhiều chỉ dấu dịch tễ, nhưng hiện họ vẫn chưa công bố các kết luận. Trong khi đó, theo số liệu mới nhất từ Trung tâm Dự phòng và Kiểm soát Bệnh tật Hoa Kỳ (CDC), tình hình dịch bệnh đang trầm trọng thêm, với hơn 15.000 ca nhiễm được ghi nhận tại 71 quốc gia.
Trong một nghiên cứu được đăng trên tạp chí khoa học New England Journal of Medicine hôm 21/7, các nhà khoa học cho biết, dựa theo dữ liệu thu thập được từ 16 nước khác nhau, 95% số ca lây nhiễm đâumùa khỉ là qua đường tình dục, và 98% số bệnh nhân đều là nam đồng tính hay lưỡng tính.
Nếu như nghiên cứu này cho phép khoanh vùng đối tượng can thiệp y tế công một cách thuận lợi, thì điều này có nguy cơ trở thành « một thách thức, do tại một số nước, những cộng đồng bị ảnh hưởng nhất lại là cộng động bị kỳ thị, và điều này đe dọa đến tính mạng của họ », theo như cảnh báo của lãnh đạo WHO.
Trong bối cảnh dịch Covid-19 vẫn kéo dài và nguy cơ bùng phát dịch đậu mùa khỉ, theo Tổ chức Y tế Thế giới, hôm qua, các nước thành viên Cơ quan đàm phán liên chính phủ, họp tại Genève để thảo luận về một thỏa thuận quốc tế mới về xử lý các đại dịch đã nhất trí quyết định là thỏa thuận này sẽ mang tính ràng buộc pháp lý.
Hoa Vi dọ thám các hoạt động quân sự nhạy cảm của Mỹ ?
Ảnh minh họa. Điện thoại Hoa Vi có logo của tập đoàn Trung Quốc. REUTERS - DADO RUVIC
Thanh Hà
Theo hãng tin Anh Reuters ngày 21/07/2022, Hoa Kỳ đã cho mở điều tra nhắm vào Hoa Vi, do tập đoàn viễn thông Trung Quốc bị nghi ngờ đánh cắp thông tin nhạy cảm từ các căn cứ quân sự và trạm phóng tên lửa của Mỹ. Từ Hoa Vi đến sứ quán Trung Quốc ở Washington và cả chính quyền Biden từ chối bình luận về tin trên.
Reuters trích dẫn 2 nguồn tin thông thạo cho biết chính quyền Biden ngay sau khi lên cầm quyền vào tháng Giêng 2021 đã nhanh chóng cho mở điều tra về Hoa Vi. Tập đoàn Trung Quốc này bị nghi ngờ « thu thập những thông tin nhạy cảm từ các căn cứ quân sự và cơ sở phóng tên lửa của Hoa Kỳ ». Có khả năng những « thông tin nhạy cảm » đó đã được chuyển tới Bắc Kinh.
Vẫn theo hai nguồn tin được Reuters trích dẫn, những thông tin này liên quan đến « các chương trình thao dượt quân sự, các hoạt động tại các căn cứ quân sự Mỹ », về tình hình nhân sự tại những khu vực vừa nêu.
Cho đến nay, chính phủ Mỹ hoàn toàn im lặng về điều tra liên quan đến Hoa Vi. Nhưng Reuters đã đọc được một một văn bản chính thức 10 trang mà bộ Thương Mại Mỹ gửi tới Hoa Vì hồi tháng 4/2021. Washington yêu cầu Hoa Vi giải thích về đường lối của tập đoàn này trong việc « chia sẻ các dữ liệu » đã thu thập được qua các trang thiết bị viễn thông, « kể cả những tin nhắn qua điện thoại và các dữ liệu định vị (données géolocalisées) »
Được Reutes liên lạc, bộ Thương Mại Mỹ tuyên bố « không thể xác nhận hay phủ nhận những thông tin về các cuộc điều tra đang được tiến hành ». Nhưng Washington cho biết thêm: « Bảo vệ an ninh cho các công dân Hoa Kỳ trước những hành vi thu thập thông tin với mục đích xấu là điều thiết yếu để bảo vệ kinh tế và an ninh quốc gia ».
Hoa Vi từ chối bình luận về tiết lộ của Reuters và một mực bác bỏ những cáo buộc « dọ thám các khách hàng Mỹ, đe dọa an ninh quốc gia Hoa Kỳ ». Sứ quán Trung Quốc tại Washington cũng từ chối trả lời Reuters. Nhưng trong thông cáo trên mạng, tòa đại sứ Trung Quốc ở Hoa Kỳ chỉ trích chính quyền Biden « lạm dụng lý do an ninh quốc gia để bằng mọi giá loại Hoa Vi và những tập đoàn viễn thông khác của Trung Quốc (ra khỏi thị trường Mỹ) mà không cần dựa vào những chứng cớ vững chắc ».
Trong khi đó, tám quan chức và cựu quan chức trong chính phủ Mỹ xác nhận, điều tra liên quan đến Hoa Vi phản ánh mối « lo ngại dai dẳng » về việc tập đoàn Trung Quốc này đe dọa an ninh quốc gia Hoa Kỳ .
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét