Tìm bài viết

Vì Bài viết và hình ảnh quá nhiều,nên Quí Vị và Các Bạn có thể xem phần Lưu trử Blog bên tay phải, chữ màu xanh (giống như mục lục) để tỉm tiêu đề, xong bấm vào đó để xem. Muốn xem bài cũ hơn, xin bấm vào (tháng....) năm... (vì blog Free nên có thể nhiều hình ảnh bị mất, hoặc không load kịp, xin Quí Bạn thông cảm)
Nhìn lên trên, có chữ Suối Nguồn Tươi Trẻ là phần dành cho Thơ, bấm vào đó để sang trang Thơ. Khi mở Youtube nhớ bấm vào ô vuông góc dưới bên phải để mở rộng màn hình xem cho đẹp.
Cám ơn Quí Vị

Nhìn Ra Bốn Phương

Thứ Bảy, 2 tháng 7, 2022

TIN THẾ GIỚI CẬP NHẬT :02/07 /2022


193 thành viên Liên Hiệp Quốc ra tuyên bố chung thừa nhận “đại dương lâm nguy” Chủ tịch đoàn Hội nghị Liên Hiệp Quốc về Đại dương tại Lisboa, Bồ Đào nha, ngày 01/07/2022. AP - Armando Franca - Trọng Thành - Cùng với biến đổi khí hậu, tình trạng đại dương lâm nguy là điều mà giới khoa học, giới bảo vệ môi trường báo động từ hàng chục năm nay. Hôm qua, 01/07/2022, sau một tuần làm việc, tại Lisboa, Bồ Đào Nha, cộng đồng quốc tế lần đầu tiên nhất trí nhìn nhận tình trạng “đại dương lâm nguy”, và cần phải hành động khẩn cấp.
<!>
Đây là lần thứ hai mà sức khoẻ của các đại dương, chiếm 71% diện tích bề mặt Trái đất, là chủ đề trung tâm của một hội nghị của Liên Hiệp Quốc. Hội nghị đầu tiên tại New York năm 2017. Đại diện của hơn 140 quốc gia tham dự hội nghị này. Việc cộng đồng quốc tế nhất trí thông qua tuyên bố chung “Đại dương của chúng ta, tương lai của chúng ta, trách nhiệm của chúng ta” có ý nghĩa biểu tượng quan trọng. Theo giới chuyên gia, thành công của hội nghị Lisboa nói trên tạo đà cho hàng loạt hội nghị quốc tế liên quan đến các lĩnh vực khác nhau của đại dương, dự kiến được tổ chức từ đây đến cuối năm.

Thông tín viên Nicolas Falaz tường trình từ Lisboa :

“Tổng thống Bồ Đào Nha Marcelo Rebelo de Sousa không nghe thấy phản đối nào. Tuyên bố Lisboa đã được thông qua bởi sự đồng thuận của cộng đồng quốc tế. Một tuần hội nghị của Liên Hiệp Quốc về đại dương khép lại với một tuyên bố về các nguyên tắc. Các quốc gia thành viên của Liên Hiệp Quốc công nhận thực trạng, và báo động trước tình cảnh các đại dương hiện nay, và cam kết hành động.

Văn bản nói trên không ràng buộc. Đây không phải là một hiệp định, nhưng đó cũng không phải là mục tiêu đặt ra. Đại sứ Pháp về đại dương, ông Olivier Poivre d'Arvor, giải thích : “Hiện đã có một đồng thuận rất rộng rãi về thực tế là đại dương đang lâm nguy, và như vậy, chúng ta phải hết sức nhanh chóng bảo vệ đại dương. Vấn đề bảo vệ, bảo tồn được đông đảo các nước nhìn nhận hơn là vấn đề khai thác. Trên thực tế, Lisboa là một bước đệm. Chúng ta thấy là sự khác biệt về lập trường giữa các nước là hết sức nhỏ. Và về những vấn đề sẽ phải thương lượng, như rác thải nhựa, biển khơi, và thậm chí trong tương lai sau đó thảo luận cả vấn đề khai thác đáy đại dương…, khả năng đạt được đồng thuận theo hướng tích cực là không xa”.

Thách thức của hội nghị về đại dương này là đặt các cuộc họp tiếp theo trong năm vào đúng lộ trình. Hiệp ước về đáy đại dương vào tháng 8, hội nghị Khí hậu COP 27 ở Ai Cập vào tháng 11, hội nghị COP 15 về Đa dạng sinh học vào tháng 12. Rất nhiều điểm hẹn : Nhiều cuộc đàm phán có thể dựa trên các cuộc thảo luận của tuần này”.

TT Pháp : Cần khuôn khổ pháp lý cấm khai thác đáy biển
Liên quan đến hội nghị đại dương của Liên Hiệp Quốc, tổng thống Pháp Emmanuel Macron đã gây bất ngờ khi đến Lisboa. Ông Macron là một trong số ít nguyên thủ quốc gia tham dự hội nghị này. Trong một phát biểu bên lề hội nghị tổng thống Macron khẳng định cần “xây dựng một khuôn khổ pháp lý để chấm dứt khai thác dưới đáy biển sâu và không cho phép các hoạt động mới gây nguy hiểm cho hệ sinh thái” .

Ông Macron đưa ra tuyên bố bất ngờ nói trên có lẽ sau cuộc tham vấn với Sylvia Earle, một “huyền thoại sống của ngành hải dương học”, cựu giám đốc khoa học của NOAA, cơ quan quốc gia Mỹ về Mỹ về khí quyển và đại dương, người vốn có quan điểm chống đối đến cùng hoạt động khai thác dưới đáy biển. Về chủ đề này, cuộc thảo luận chỉ mới bắt đầu.

Một kỳ vọng khác của được đặt vào hội nghị về Đa dạng sinh học COP15, tháng 11, tại Canada. Mục tiêu mà giới bảo vệ môi trường đặt ra là 193 quốc gia thành viên của Liên Hiệp Quốc thông qua nguyên tắc bảo tồn 30% lãnh thổ trên đất liền và trên biển vào năm 2030.

Thủ tướng Úc đề cao vai trò của Pháp ở Ấn Độ-Thái Bình Dương trước những thách thức toàn cầu


Tổng thống Pháp Emmanuel Macron tiếp đón thủ tướng Úc Anthony Albanese tại điện Elysée, Paris ngày, 01/07/2022. AP - Thomas Padilla
Thu Hằng
Thủ tướng Úc Anthony Albanese công du Paris ngày 01/07/2022 để « tái lập niềm tin » và « bước khởi đầu mới » giữa Pháp và Úc. Ông Anthony Albanese đánh giá « cam kết của Pháp ở vùng Ấn Độ-Thái Bình Dương là điều quan trọng trước những thách thức mà khu vực này phải đối phó ».

Hai nhà lãnh đạo Pháp, Úc đều khẳng định quan hệ ngoại giao song phương bước sang trang mới, dựa trên « tôn trọng lẫn nhau » sau khủng hoảng tầu ngầm dưới thời thủ tướng Scott Morrison. Khi tiếp thủ tướng Úc tại điện Elysée, tổng thống Pháp cho biết hai bên « sẽ chỉ nói về tương lai, không nhìn lại quá khứ ». Còn ông Anthony Albanese khẳng định đảng cầm quyền của ông hiện nay « không chịu trách nhiệm về những gì đã xảy ra ».

Theo AFP, từ khi nhậm chức thủ tướng Úc, ông Anthony Albanese đưa ra nhiều tín hiệu tích cực với Paris. Tại điện Elysée, ông tiếp tục nhấn mạnh đến vai trò của Pháp, « không chỉ là một cường quốc châu Âu mà còn là một cường quốc ở Ấn Độ-Thái Bình Dương và thế giới », đồng thời đề cao vai trò quan trọng của Pháp để đối phó với những thách thức trong vùng.

Trong thông cáo chung, hai nhà lãnh đạo thông báo « Pháp và Úc sẽ gây dựng một mối quan hệ quốc phòng mới », dựa trên « cam kết hành động và trao đổi thông tin », « đặc biệt là trong lĩnh vực giám sát hàng hải », cũng như tăng cường hợp tác trong ngành công nghiệp quốc phòng. Ngoài ra, tổng thống Pháp và thủ tướng Úc nhấn mạnh đến « tự do chủ quyền của chúng ta (Úc và Pháp) phải được tôn trọng ở khắp nơi », ý muốn nói đến tham vọng của Trung Quốc trong khu vực với thỏa thuận an ninh ký với quần đảo Salomon.

Pháp có khoảng 1 triệu dân sống tại các vùng lãnh thổ hải ngoại ở Ấn Độ-Thái Bình Dương và hơn 8.000 quân nhân được triển khai trong vùng. Từ năm 2017, khu vực này trở thành trọng tâm trong chính sách đối ngoại của tổng thống Macron với Chiến lược Ấn Độ-Thái Bình Dương, trở thành tiền đề cho chiến lược của Liên Hiệp Châu Âu về khu vực này.

Hàn - Nhật: TT Yoon Suk-yeol khuyến nghị gắn liền thảo luận về bất đồng lịch sử với hợp tác tương lai


Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk Yeol (T), tổng thống Mỹ Joe Biden (G) và thủ tướng Nhật Fumio Kishida, gặp nhau bên lề thượng đỉnh NATO Madrid, ngày 29/06/2022. AP - Susan Walsh
Trọng Thành
Chuyến tham dự thượng đỉnh NATO mở rộng tại Tây Ban Nha có thể mang lại sinh khí cho quan hệ Nhật Bản – Hàn Quốc. Hôm qua, 01/07/2022, trên đường trở về Seoul, tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk-yeol cho biết hai láng giềng Đông Bắc Á nên đồng thời thảo luận về các bất đồng liên quan đến quá khứ và hợp tác tương lai.

Hãng tin Hàn Quốc Yonhap dẫn lời nguyên thủ Hàn Quốc: “Tôi nhấn mạnh rằng các vấn đề lịch sử và các vấn đề liên quan đến tương lai của hai nước đều nên được đặt trên bàn cùng lúc và được giải quyết cùng nhau”. Tổng thống Hàn Quốc giải thích rõ :“chúng ta cần từ bỏ cách tiếp cận là, nếu không có tiến bộ giữa hai nước về các vấn đề lịch sử, thì không thể có cuộc thảo luận về các vấn đề hiện tại và tương lai”.

Phát biểu của tổng thống Yoon Suk-yeol với phóng viên được đưa ra trên chuyên cơ Air Force One, trở về từ Tây Ban Nha, nơi ông tham dự hội nghị thượng đỉnh của Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) trong tuần này.

Quan hệ giữa Seoul và Tokyo gặp nhiều khó khăn trong những năm gần đây, do nhiều tranh chấp phát sinh từ thời chế độ thuộc địa Nhật Bản áp đặt trên bán đảo Triều Tiên từ năm 1910 đến năm 1945. Nô lệ tình dục trong quân đội Nhật và lao động cưỡng bức là hai hồ sơ lớn.

Tại Madrid, bên lề thượng đỉnh NATO, tổng thống Yoon Suk-yeol và thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida đã có cuộc trao đổi ngắn trong khoảng ba, bốn phút hôm 28/06. Hãng tin Yonhap dẫn lại lời thủ tướng Nhật cảm ơn nguyên thủ Hàn Quốc“đang nỗ lực cùng nhau phát triển mối quan hệ lành mạnh hơn”. Hai bên thỏa thuận sẽ khởi sự giải quyết các bất đồng lịch sử sau cuộc bầu cử Thượng Việt Nhật tháng 7 này.

Theo báo Nhật Japan Times, phía Hàn Quốc rõ ràng không muốn bất kỳ cuộc đàm phán Seoul – Tokyo nào ảnh hưởng đến cuộc bầu cử Thượng Viện của Nhật Bản vào tháng tới, vì quan hệ song phương vẫn căng thẳng. Hiện tại, dư luận Hàn Quốc dường như đang ủng hộ nhiều hơn cho việc cải thiện quan hệ với Nhật Bản. Ngược lại, tại Nhật Bản, tình hình có vẻ tồiđi.

Một cuộc thăm dò dư luận chung năm 2021 của Viện Đông Á của Hàn Quốc và NPO The Genron của Nhật Bản, được báo Anh The Guardian trích dẫn, cho thấy 63% người Hàn Quốc có ấn tượng tiêu cực về Nhật Bản, giảm gần 10% so với 72% một năm trước đó. Ngược lại, tại Nhật Bản, 49% có tình cảm tiêu cực về Hàn Quốc, so với 46% năm ngoái.

Trung Quốc đề xuất với Philippines 4 điểm nâng quan hệ lên "thời vàng son"


Ảnh tư liệu: Phó chủ tịch Trung Quốc Vương Kỳ Sơn, tại một hội nghị quốc tế tại Paris, Pháp, ngày 12/11/2019. AP - Ludovic Marin
Thu Hằng
Bắc Kinh muốn thúc đẩy quan hệ ngoại giao với Philippines lên « thời vàng son ». Trong cuộc hội đàm với tân tổng thống Philippines Ferdinand Marcos Jnr sau lễ nhậm chức hôm 30/06/2022, phó chủ tịch Trung Quốc Vương Kỳ Sơn nhấn mạnh « Philippines luôn là ưu tiên trong chính sách đối ngoại với láng giềng » của Bắc Kinh và kêu gọi một cách tiếp cận mới về Biển Đông dưới thời Marcos.

Theo Tân Hoa Xã, ông Vương Kỳ Sơn nêu ra bốn điểm để « mở ra thời kỳ vàng son mới » trong quan hệ với Manila. Thứ nhất, hai bên cần phát triển quan hệ song phương dưới sự chỉ đạo của hai nguyên thủ. Ông Vương Kỳ Sơn nhấn mạnh đến mối quan hệ giữa gia tộc Marcos và Bắc Kinh khi ca ngợi dòng họ, cai trị Philippines dưới bàn tay sắt trong nhiều thập niên, đã « đóng góp rất nhiều cho việc tăng cường quan hệ hữu nghị Trung Quốc-Philippines ».

Về Biển Đông, ông Vương Kỳ Sơn kêu gọi hai bên cần « giải quyết đúng đắn những tranh chấp và cùng bảo vệ hòa bình ».Trước đó, trong quá trình vận động tranh cử, ông Ferdinand Marcos Jr cam kết sẽ đàm phán với Bắc Kinh, nhưng « sẽ không thỏa thuận về chủ quyền » vì « chủ quyền của chúng ta là điều thiêng liêng ». Ông cũng tuyên bố sẽ viện đến phán quyết năm 2016 về Biển Đông của Tòa Trọng Tài Thường Trực La Haye.

Điểm thứ ba được ông Vương Kỳ Sơn nhắc đến là Trung Quốc và Philippines cần phối hợp các chiến lược phát triển riêng để tạo thuận lợi cho các điểm hợp tác mới và thực tế trong thời đại mới. Cuối cùng, hai nước « cùng nhau thúc đẩy hòa bình và phát triển ở châu Á, cũng như thịnh vượng của nhân loại ».

Báo mạng Hồng Kông SCMP nhắc lại, vào đầu tháng 06, tổng thống tân cử lúc đó đã khẳng định Trung Quốc là « một láng giềng gần gũi và là một người bạn tốt »,nhưng Philippines « sẽ tiếp tục thực hiện chính sách đối ngoại độc lập ».

Không có nhận xét nào: