Gia nhập NATO: Lãnh đạo NATO gặp tổng thống Phần Lan bàn biện pháp trấn an Thổ Nhĩ Kỳ Tổng thống Phần Lan Sauli Niinisto (phải) tiếp tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg, tại điện Kultaranta - Naantali, tây nam Phần Lan, hôm 12/06/2022. AP - Markku Ulande- Trọng Thành - Liên minh quân sự Bắc Đại Tây Dương (NATO), cùng Phần Lan và Thụy Điển, tiếp tục thúc đẩy các biện pháp nhằm trấn an Thổ Nhĩ Kỳ, để chính quyền Ankara không ngăn chặn việc hai quốc gia Bắc Âu gia nhập NATO. Hôm 12/06/2022, tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg đến Phần Lan, trước khi qua Thụy Điển.
Cuộc hội kiến giữa lãnh đạo NATO và nguyên thủ Phần Lan diễn ra tại nơi nghỉ hè của tổng thống Sauli Niinistö ở Naantali, Phần Lan. Hai bên đã tổ chức họp báo về chủ đề này. Thông tín viên Frédéric Faux tường trình từ Stockholm :
« "Chúng ta cần phải lắng nghe Thổ Nhĩ Kỳ, chúng ta hiểu mối lo ngại của họ...". Sau cuộc gặp giữa tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg và tổng thống Phần Lan Sauli Niinistö, không khí đã dịu xuống. Không những thế, tổng thư ký NATO còn nhắc đến đến vị trí địa lý ‘‘rất quan trọng’’ của Thổ Nhĩ Kỳ, sát với Syria và Irak. Cũng như việc quốc gia này đã tiếp nhận nhiều người tị nạn hơn bất kỳ quốc gia nào khác trong khối NATO. Và Thổ Nhĩ Kỳ đã phải hứng chịu số vụ tấn công khủng bố kỷ lục.
Ankara phản đối sự gia nhập của Phần Lan, và đặc biệt là Thụy Điển, nơi có nhiều người Kurdistan chống tổng thống Erdogan, bị chính quyền Ankara gọi là khủng bố. Tuy nhiên, theo những người biết rõ hồ sơ nói trên, Thổ Nhĩ Kỳ sẽ sẵn sàng nhượng bộ về điểm này. Điều thực sự khiến Ankara quan tâm là dỡ bỏ các lệnh trừng phạt đang đè nặng lên ngành công nghiệp quốc phòng của nước này, chẳng hạn như khiến Thổ Nhĩ Kỳ không thể sản xuất máy bay chiến đấu của riêng mình.
Có một điều chắc chắn rằng, dù lập trường của Ankara có như thế nào, tổng thống Niinistö cũng đảm bảo Phần Lan và Thụy Điển sẽ cùng nhau tiến lên phía trước. Tổng thư ký NATO cũng sẽ qua bên kia Biển Baltic, đến Thụy Điển vào thứ Hai để tiếp tục các thảo luận ».
Về triển vọng khai thông bế tắc cho việc hai nước Bắc Âu gia nhập NATO, cũng trong cuộc họp báo hôm qua, tổng thư ký NATO cho biết không có bất cứ chỉ dấu nào về các tiến bộ trong đàm phán. Tổng thư ký Jens Stoltenberg cũng nói rõ là hội nghị tại Madrid của NATO vào cuối tháng này sẽ không phải là một ‘‘kỳ hạn’’ cho việc ra quyết định. Tổng thư ký NATO báo động là quá trình thương lượng sẽ kéo dài.
Để được gia nhập NATO, đề nghị của một quốc gia mới phải được sự chấp thuận của 30 thành viên của khối. Theo AFP, hai nước Bắc Âu đã nhiều lần tỏ thái độ ngạc nhiên về phản ứng của Ankara, bởi Thổ Nhĩ Kỳ đã từng ủng hộ đề nghị gia nhập của Phần Lan và Thụy Điển, cho đến khi hai nước này chính thức đệ đơn.
Đài Loan khẳng định chưa bao giờ là ‘‘một phần lãnh thổ của Trung Quốc’’
Cờ Đài Loan (phải) và Trung Quốc. Ảnh chụp ngày 28/04/2022. REUTERS - DADO RUVIC
Trọng Thành
Chính quyền Đài Loan đã có phản ứng cứng rắn ngay sau phát biểu của bộ trưởng Quốc Phòng Trung Quốc, đe dọa ‘‘sẽ chiến đấu đến cùng’’ để ngăn cản Đài Loan tuyên bố độc lập. Đài Bắc khẳng định Đài Loan chưa bao giờ là ‘‘một phần lãnh thổ của Trung Quốc’’, đồng thời lên án tuyên bố của ông Ngụy Phượng Hòa (Wei Fenghe).
Ngày hôm qua, 12/06/2022, Ủy ban Đại Lục (phụ trách Trung Quốc) của chính phủ Đài Loan ra thông báo khẳng định phát biểu của bộ trưởng Quốc Phòng Trung Quốc Ngụy Phương Hòa, ‘‘đã cho thấy Bắc Kinh là một nguồn gây bất ổn khu vực’’.Phát biểu của lãnh đạo bộ Quốc Phòng Trung Quốc được đưa ra tại hội nghị an ninh châu Á, Đối Thoại Shangri-La, Singapore, hôm qua, 12/06/2022. Thông báo của Ủy ban Đại Lục nhấn mạnh hai vùng lãnh thổ nằm hai bên bờ eo biển Đài Loan trên thực tế không thuộc về nhau và Đài Loan chưa bao giờ thuộc quyền kiểm soát của chế độ cộng sản Trung Quốc.
Thông tín viên Adrien Simorre tường trình từ Đài Bắc :
‘‘Các đe dọa của Trung Quốc tại Shangri-La, trên thực tế đã rất ít được nhắc đến ở Đài Loan. Đài Bắc đã quen với những lời lẽ nạt nộ từ Bắc Kinh và không có ý định tuyên bố độc lập. Chính phủ Đài Loan tự coi đang cầm quyền tại một quốc gia độc lập và quyết tâm bảo vệ nguyên trạng.
Người phát ngôn của bộ Ngoại giao Đài Loan đáp trả : "Tuyên bố của Trung Quốc là vô lý, lãnh thổ Đài Loan chưa bao giờ bị chính quyền Trung Quốc Cộng sản quản lý".
Trang mạng Politico dẫn lời một số nhà ngoại giao cho rằng việc Trung Quốc lên tiếng vừa qua là để phản ứng lại tuyên bố của tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden hồi tháng trước ở Tokyo. Nguyên thủ Mỹ ám chỉ rằng Mỹ sẽ can thiệp quân sự bảo vệ Đài Loan, trong trường hợp Trung Quốc xâm lược.
Các phương tiện truyền thông Đài Loan thích làm nổi bật hơn các phát biểu của tổng thống Ukraina Zelensky hôm qua ở Shangri - La. Khi được hỏi về tình hình ở Đài Loan, nguyên thủ Ukraina đã kêu gọi cộng đồng quốc tế giúp đỡ các nước nhỏ bị đe dọa xâm lược trước khi xung đột bùng phát. Mặc dù ông không đề cập trực tiếp đến Đài Loan, nhưng nhiều người coi đây là thông điệp ủng hộ hòn đảo này. Phái đoàn Trung Quốc hiểu rõ ngụ ý nói trên và ngay lập tức rời khỏi phòng họp để phản đối’’.
Giới quan sát cũng ghi nhận thái độ cùng lúc cương quyết, nhưng mềm dẻo của Đài Loan. Cũng ngày hôm qua, thủ tướng Đài Loan Tô Trinh Xương (Su Tseng Chang) đã nhắc lại quan điểm mà tổng thống Đài Loan Thái Anh Văn từng nhiều lần nêu lên:“Miễn là có sự bình đẳng, có đi có lại và không có điều kiện tiên quyết về chính trị, chúng tôi sẵn sàng tỏ thiện chí đối thoại với Trung Quốc”.
Ân Xá Quốc Tế : Nga phạm tội ác chiến tranh ở Kharkiv, Ukraina
Một khu chung cư bị phá hủy tại Kharkiv, Ukraina. Ảnh chụp ngày 17/05/2022. REUTERS - RICARDO MORAES
Thùy Dương
Tổ chức Ân Xá Quốc Tế ( Amnesty International ) hôm nay, 13/06/2022, cáo buộc Nga phạm tội ác chiến tranh ở Ukraina khiến hàng trăm thường dân Ukraina thiệt mạng trong các cuộc tấn công liên tục vào thành phố Kharkiv. Nga bị tố cáo nhiều lần dùng những loại vũ khí bị cấm trong các công ước quốc tế.
Theo hãng tin AFP, trong khuôn khổ một cuộc điều tra sâu rộng, Ân Xá Quốc Tế khẳng định đã tìm thấy nhiều bằng chứng cho thấy, trong 7 vụ tấn công vào các khu dân cư ở Kharkiv, thành phố lớn thứ hai của Ukraina, miền đông bắc đất nước, lực lượng Nga đã sử dụng bom chùm loại 9N210 và 9N235 và mìn chùm. Đây là các loại bom mìn bị cấm theo các công ước quốc tế.
Báo cáo của Amnesty International, với tựa đề có tựa đề « Bất cứ ai cũng có thể chết vào bất cứ lúc nào », cho thấy quân Nga đã giết hại thường dân và đã gây ra những thiệt hại nghiêm trọng đến mức nào qua việc oanh kích không ngừng nghỉ các khu dân cư ở Kharkiv kể từ khi bắt đầu xâm lược Ukraina hôm 24/02/2022.
Bà Donatella Rovera, nhà nghiên cứu của Ân Xá Quốc Tế về khủng hoảng và xung đột, cho biết : « Có những người đã bị giết hại trong nhà, hay trên đường phố, ngoài sân chơi và cả ở nghĩa trang, khi họ xếp hàng nhận hàng cứu trợ nhân đạo hoặc khi mua thực phẩm và thuốc men ». Nhà nghiên cứu nói thêm : « Việc sử dụng nhiều lần các loại bom chùm vốn bị cấm là điều gây sốc và thể hiện sự coi thường hoàn toàn đối với tính mạng thường dân ».
Amnesty International đã tiến hành điều tra về 41 vụ oanh kích của quân Nga khiến 62 người chết và ít nhất 196 người bị thương. Tổ chức phi chính phủ này cũng đã trao đổi với 160 thường dân trong vòng 14 ngày tháng 4-5/2022, chủ yếu là những người may mắn còn sống sót sau các vụ tấn công, thân nhân các nạn nhân và những người đã chứng kiến các vụ việc.
Báo cáo của Amnesty International nhấn mạnh, mặc dù Nga không phải là một bên ký kết Công ước chống bom đạn chùm và Công ước chống mìn sát thương, nhưng luật nhân đạo quốc tế nghiêm cấm các cuộc tấn công và việc sử dụng vũ khí mà xét về bản chất là tấn công bừa bãi và cấu thành tội ác chiến tranh.
Theo Viện Công Tố Ukraina, ngành tư pháp đã mở hơn 12.000 cuộc điều tra tội ác chiến tranh ở nước này kể từ khi Nga bắt đầu xâm lăng Ukraina.
SIPRI: Lần đầu tiên từ sau Chiến tranh lạnh, thế giới tái vũ trang hạt nhân
Một tên lửa của Bắc TriềuTiên. Bình Nhưỡng cũng muốn tăng cường kho vũ khí hạt nhân của mình. © KCNA/UPI/Shutterstock/SIPA
Thùy Dương
Theo báo cáo do Viện Nghiên cứu Hòa bình Quốc tế Stockholm SIPRI công bố hôm nay, 13/06/2022, mối đe dọa vũ khí nguyên tử của Nga và căng thẳng giữa các cường quốc hạt nhân đã trở lại. Sau 35 năm đã giảm mạnh, số vũ khí nguyên tử trên thế giới có thể sẽ bắt đầu tăng trở lại trong thập niên tới.
Kể từ năm 1986, thời điểm thế giới sở hữu số đầu đạn hạt nhân cao kỷ lục (hơn 70.000), đến nay số đầu đạn hạt nhân đã giảm chỉ còn 1/5, chủ yếu do kho vũ khí hạt nhân khổng lồ của Nga và Mỹ được xây dựng trong Chiến tranh Lạnh đã giảm mạnh. Matxcơva và Washington vốn nắm giữ 90% kho vũ khí nguyên tử của thế giới.
Vào đầu năm 2022, trên thế giới có 9 nước sở hữu bom hạt nhân : Nga, Mỹ, Anh, Pháp, Trung Quốc, Ấn Độ, Pakistan, Israel và Bắc Triều Tiên, với tổng cộng 12.705 đầu đạn hạt nhân, ít hơn 375 đầu đạn so với đầu năm 2021.
Thế nhưng, theo SIPRI, giai đoạn giải trừ vũ khí này có lẽ sắp kết thúc. Nguy cơ hạt nhân đã leo thang đến mức cao nhất kể từ sau Chiến tranh Lạnh. AFP dẫn lời chuyên gia Matt Korda, một trong các đồng tác giả báo cáo của Viện nghiên cứu hòa bình quốc tế Stockholm: « Chẳng bao lâu nữa, lần đầu tiên kể từ khi Chiến tranh Lạnh kết thúc, số lượng vũ khí nguyên tử trên thế giới có thể sẽ bắt đầu tăng lên trở lại, và đây là một hiện tượng thực sự nguy hiểm ».
Matt Korda nhấn mạnh rất khó đạt được tiến bộ về giải trừ vũ khí hạt nhân trong những năm tới, do chiến tranh Ukraina và cách mà tổng thống Nga Vladimir Putin nói về vũ khí hạt nhân. Những tuyên bố đáng lo ngại của Putin « khiến nhiều cường quốc vũ khí hạt nhân khác phải cân nhắc lại các chiến lược nguyên tử của chính họ »,chẳng hạn Anh Quốc và Trung Quốc đang tiến hành, dù là chính thức hay không chính thức, kế hoạch hiện đại hóa, hoặc phát triển kho vũ khí nguyên tử.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét