Tìm bài viết

Vì Bài viết và hình ảnh quá nhiều,nên Quí Vị và Các Bạn có thể xem phần Lưu trử Blog bên tay phải, chữ màu xanh (giống như mục lục) để tỉm tiêu đề, xong bấm vào đó để xem. Muốn xem bài cũ hơn, xin bấm vào (tháng....) năm... (vì blog Free nên có thể nhiều hình ảnh bị mất, hoặc không load kịp, xin Quí Bạn thông cảm)
Nhìn lên trên, có chữ Suối Nguồn Tươi Trẻ là phần dành cho Thơ, bấm vào đó để sang trang Thơ. Khi mở Youtube nhớ bấm vào ô vuông góc dưới bên phải để mở rộng màn hình xem cho đẹp.
Cám ơn Quí Vị

Nhìn Ra Bốn Phương

Thứ Tư, 8 tháng 6, 2022

TIN THẾ GIỚI CẬP NHẬT :08/06 /2022

Thủ tướng Đức thăm Litva để thảo luận về an ninh của các nước Baltic
Thủ tướng Đức Olaf Scholz thăm các đơn vị quân đội Đức trong NATO tại Pabrade, Litva, ngày 07/06/2022. REUTERS - INTS KALNINS - Phan Minh
Hôm qua, 07/06/2022, thủ tướng Đức Olaf Scholz đã đến thăm Vilnius, thủ đô Litva. Ông cho biết Berlin sẵn sàng triển khai thêm binh sĩ tới nước này để đáp ứng các yêu cầu hỗ trợ về mặt quân sự từ các nước Baltic trước thượng đỉnh Liên Minh Bắc Đại Tây Dương (NATO). Các quốc gia Baltic Litva, Latvia và Estonia, trước đây thuộc Liên Xô và hiện đều là thành viên Liên Hiệp châu Âu (EU) và NATO, đang lo rằng họ có thể sẽ là những « nạn nhân » tiếp theo, nếu Nga đánh bại Ukraina.
<!>
Từ Vilnius, thông tín viên Marielle Vitureau tường trình :

Thông báo được đưa ra một cách lặng lẽ. Thủ tướng Đức Olaf Scholz đã hứa sẽ tăng cường an ninh cho các nước Baltic. Trong vài năm tới, Berlin sẽ cầm đầu một lữ đoàn khoảng 5.000 binh sĩ. Đức đã có mặt ở Litva từ 5 năm qua.

Nước này chỉ huy tiểu đoàn NATO đa quốc gia. Quyết định nói trên là cần thiết đối với hai quốc gia tin rằng Nga vẫn là mối đe dọa quân sự trong dài hạn. Do đó, tổng thống Litva hoan nghênh thông báo này. Ông nói: "Đây là một trong những mục tiêu của chúng tôi, một trong những giấc mơ của chúng tôi mà chúng tôi đã nghĩ đến trước thượng đỉnh NATO".

Mọi quyết định sẽ được thông qua tại Madrid vào cuối tháng 6. Thủ tướng hai nước Baltic hy vọng rằng đây sẽ không phải là quyết định duy nhất có lợi cho họ. Hệ thống phòng không là một trong những điểm yếu về an ninh của các nước trong khu vực. Thủ tướng Estonia Kaja Kallas nói: “Chúng tôi phải chắc chắn rằng Nga sẽ không bao giờ nghĩ đến việc có thể tấn công các quốc gia của chúng tôi."

Litva đã chuẩn bị sẵn sàng cho việc tiếp nhận lữ đoàn nói trên. Cách đây vài ngày, một cơ sở huấn luyện quân sự mới đã được khánh thành.

Thổ Nhĩ Kỳ: Kế hoạch xuất khẩu ngũ cốc Ukraina của Liên Hiệp Quốc là « hợp lý »


Ngoại trưởng Nga Serguei Lavrov và đồng nhiệm Thổ Nhĩ Kỳ Mevlüt Cavusoglu tại Ankara, Thổ Nhĩ Kỳ, ngày 08/06/2022. juin 2022. REUTERS - UMIT BEKTAS
Phan Minh
Hôm nay 08/06/2022, sau cuộc họp tại Ankara với đồng nhiệm Nga Sergei Lavrov, ngoại trưởng Thổ Nhĩ Kỳ Mevlut Cavusoglu cho rằng kế hoạch do Liên Hiệp Quốc đề ra nhằm xuất khẩu ngũ cốc Ukraina thông qua một hành lang hàng hải là giải pháp « hợp lý » và các cuộc thảo luận bổ sung với Matxcơva và Kiev sẽ phải được tiến hành để bảo đảm an toàn cho các hành lang này.

Từ Istanbul, thông tín viên Anne Andlauer tường trình :

Các tàu hải quân Thổ Nhĩ Kỳ đến gỡ mìn ở những cảng Ukraina, sau đó hộ tống các tàu chở ngũ cốc ở Biển Đen. Đây là một trong những phương án được cân nhắc trong các cuộc đàm phán với sự tham gia của Thổ Nhĩ Kỳ, Nga, Ukraina và Liên Hiệp Quốc.

Bộ trưởng Quốc phòng Thổ Nhĩ Kỳ Hulusi Akar hôm thứ Ba cho biết, các cuộc thảo luận đã "có tiến triển", nhưng họ vẫn phải giải quyết các chi tiết cụ thể trong việc bảo đảm an toàn cho các "hành lang ngũ cốc" này. Ngoại trưởng Thổ Nhĩ Kỳ Mevlüt Çavusoglu đang mong muốn thành lập một "trung tâm giám sát các hành lang" ở Istanbul.

Đối với các đồng minh phương Tây, những nước cho đến nay đã nhắm mắt làm ngơ việc Ankara từ chối ban hành các lệnh trừng phạt nhắm vào Nga, Thổ Nhĩ Kỳ bắt đầu rơi vào thế khó xử sau thất bại trong nỗ lực hòa giải nhằm đạt được một lệnh ngừng bắn giữa hai bên tham chiến.

Do đó, tổng thống Recep Tayyip Erdogan cần có một bước tiến trên mặt trận ngoại giao và ông đang đóng vai trò làm người hòa giải trong cuộc khủng hoảng lúa mì. Vai trò này rất quan trọng, bởi đất nước của ông phụ thuộc vào lúa mì của Nga và Ukraina, chiếm lần lượt 78% và 9% khối lượng nhập khẩu trước khi chiến tranh nổ ra.

Bắc TT có thể sắp thử hạt nhân, Mỹ sẵn sàng phản ứng cứng rắn


Thú trưởng Ngoại Giao Hoa Kỳ Wendy Sherman phát biểu trước báo chí sau cuộc gặp đồng nhiệm Hàn Quốc, Cho Hyun Dong tại Seoul, Hàn Quốc, 07/06/2022. REUTERS - POOL
Trọng Thành
Hôm nay, 08/06/2022, nhân vật số hai của ngành ngoại giao Mỹ, Nhật, Hàn hội kiến tại Seoul, lần đầu tiên từ 6 tháng nay. Thứ trưởng ngoại giao Mỹ cảnh cáo sẽ có các biện pháp ‘‘cứng rắn và rõ ràng’’, nếu Bình Nhưỡng liều lĩnh thử nguyên tử. Hôm qua, 07/06, đặc sứ Hoa Kỳ về Bắc Triều Tiên, Kim Sung, cảnh báo Bình Nhưỡng có thể tiến hành thử vũ khí hạt nhân ‘‘bất cứ lúc nào’’.

Theo Yonhap, trong cuộc họp hôm nay, Hàn Quốc, Hoa Kỳ và Nhật Bản đã thống nhất sẽ ‘‘đoàn kết đối phó với các đe dọa từ Bắc Triều Tiên’’. Cuộc họp diễn ra trong bối cảnh Bình Nhưỡng vừa tiến hành một loạt vụ thử tên lửa đạn đạo Chủ nhật tuần trước. Tham gia cuộc họp có thứ trưởng ngoại giao Hoa Kỳ Wendy Sherman, cùng hai đồng nhiệm Hàn Quốc, Cho Hyun-dong, và Nhật Bản, Takeo Mori.

Sau cuộc họp, ba bên ra thông báo chung, ‘‘lên án mạnh mẽ’’ các hành động ‘‘bất hợp pháp’’ của Bình Nhưỡng. Nhân vật số hai của ngành ngoại giao Mỹ tái khẳng định ‘‘cam kết không gì lay chuyển nổi’’của Washington bảo vệ các đồng minh châu Á, đặc biệt thông qua chính sách ‘‘răn đe hạt nhân mở rộng’’, điều mà tổng thống Joe Biden đã nhấn mạnh trong chuyến công du cuối tháng trước tại Hàn Quốc.

Cũng trong thông báo nói trên, các giới chức ngoại giao Mỹ, Nhật, Hàn hối thúc Bình Nhưỡng ngừng các hành động gây bất ổn định, và trở lại bàn đàm phán ‘‘nhằm hướng tới mục tiêu phi hạt nhân hóa hoàn toàn Bắc Triều Tiên, thông qua con đường đàm phán và đối thoại’’.

Sau vụ thử hạt nhân đầu tiên của Bắc Triều Tiên năm 2006, Hội Đồng Bảo An Liên Hiệp Quốc đã thông qua 10 nghị quyết trừng phạt Bình Nhưỡng, đặc biệt với nhiều cấm vận kinh tế. Cuối tháng 5 vừa qua, Hoa Kỳ đề xuất một dự thảo nghị quyết trừng phạt mới, sau khi Bình Nhưỡng tiến hành một loạt vụ thử tên lửa. Dự thảo đã bị Nga và Trung Quốc phủ quyết.

Úc chỉ trích Trung Quốcvề vụ máy bay bị chặn


Ảnh minh họa: Chiến đấu cơ J-16 của không quân Trung Quốc. AP
Phan Minh
Hôm nay, 08/06/2022, Canberra đã chỉ trích Bắc Kinh sau khi Trung Quốc chặn đường một trong những máy bay giám sát của Úc vào cuối tháng Năm, nhấn mạnh rằng máy bay của Úc lúc đó bay trong không phận quốc tế.

Bắc Kinh và Canberra đã cáo buộc nhau gây nguy hiểm cho các máy bay chiến đấu trong sự cố trên vùng Biển Đông. Khi được hỏi về việc này, thủ tướng Úc Anthony Albanese trả lời ngắn gọn: "Sự cố này xảy ra trong không phận quốc tế. Chấm hết".

Một ngày trước đó, phát ngôn viên bộ Quốc phòng Trung Quốc Đàm Khắc Phi đã tuyên bố rằng máy bay Úc đã tiếp cận không phận của quần đảo Hoàng Sa, nằm ở Biển Đông.

Ông Đàm cho biết phía Bắc Kinh đã "nhiều lần cảnh cáo" về các hành động "đe dọa nghiêm trọng chủ quyền và an ninh của Trung Quốc". Ông cũng cáo buộc chính phủ Úc đã lan truyền "thông tin sai lệch".

Quan hệ Trung-Úc căng thẳng trong những năm gần đây, với việc Bắc Kinh không chấp nhận việc Úc và Mỹ tăng cường hợp tác quân sự để ngăn chặn tầm ảnh hưởng của Trung Quốc ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương.

Việt Nam ký với Ấn Độthỏa thuận hỗ trợ hậu cần quân sự đầu tiên


Bộ trưởng Quốc Phòng Việt Nam Phan Văn Giang (P) trong lễ đón đồng nhiệm Ấn Độ Rajnath Singh (T) tại Hà Nội, Việt Nam, ngày 08/06/2022. AFP - NHAC NGUYEN
Trọng Nghĩa
Với Trung Quốc trong tầm nhắm, bộ trưởng Quốc Phòng Ấn Độ Rajnath Singh đã bắt đầu ba ngày công du Việt Nam. Sau cuộc hội đàm hôm nay, 08/06/2022, giữa ông Rajnath Singh với đồng nhiệm Việt Nam Phan Văn Giang, hai bên đã ký kết một bản Tuyên Bố Tầm Nhìn Chung về quan hệ quốc phòng song phương cho đến năm 2030 và nhất là một bản Thỏa Thuận Ghi Nhớ (MoU) về hỗ trợ hậu cần quân sự.

Theo hãng tin Ấn Độ PTI, việc Hà Nội và New Delhi ký kết hai văn kiện hợp tác nói trên là một bước tiến lớn trong quan hệ chiến lược giữa hai nước, trong bối cảnh cả Việt Nam lẫn Ấn Độ đều quan ngại trước việc Trung Quốc ngày càng tỏ ra hung hăng tại vùng Biển Đông nói riêng và Ấn Độ-Thái Bình Dương nói chung.

Bản Tầm Nhìn Chung về quan hệ quốc phòng Việt Nam-Ấn Độ mở rộng hơn nữa “phạm vi và quy mô” của quan hệ quốc phòng vốn đã tốt đẹp giữa hai nước, trong lúc thỏa thuận về hỗ trợ hậu cần quân sự cho phép quân đội hai bên sử dụng căn cứ của nhau để sửa chữa và bổ sung nguồn tiếp liệu.

Báo chí Ấn Độ nhấn mạnh: Bản Ghi Nhớ về hỗ trợ hậu cần là thỏa thuận lớn đầu tiên mà Việt Nam ký với một nước khác trong lãnh vực này. Theo bộ Quốc Phòng Ấn Độ:“Trong thời điểm hợp tác ngày càng gia tăng giữa các lực lượng quốc phòng hai nước, đây là một bước tiến quan trọng nhằm đơn giản hóa các thủ tục hỗ trợ hậu cần có lợi cho cả hai bên…”

Trong chính sách quốc phòng của Ấn Độ, các thỏa thuận hỗ trợ hậu cần quân sự được cho là một nhân tố quan trọng. Sau khi ký kết một thỏa thuận loại này với Mỹ vào năm 2016, Ấn Độ đã lần lượt ký các hiệp ước tương tự với Úc, Nhật, hai quốc gia khác trong nhóm Bộ Tứ, cũng như là với Pháp, Singapore…

Phát biểu trên mạng Twitter, bộ trưởng Quốc Phòng Ấn Độ cho rằng hợp tác quốc phòng và an ninh chặt chẽ giữa Việt Nam và Ấn Độ “là một yếu tố quan trọng của sự ổn định ở khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương”.

Riêng về Biển Đông, theo báo chí Việt Nam, hai bộ trưởng Quốc Phòng Việt-Ấn đều “chia sẻ quan điểm về tầm quan trọng của việc duy trì hòa bình, ổn định, an ninh, an toàn, tự do hàng hải và hàng không ở Biển Đông; giải quyết tranh chấp bằng các biện pháp hòa bình trên cơ sở luật pháp quốc tế, trong đó có Công Ứơc Liên Hiệp quốc về Luật Biển năm 1982…”

Trung Quốc sắp có căn cứ Hải Quân tại Cam Bốt để khống chế phía Nam Biển Đông?


Các quan chức sứ quán Trung Quốc và Cam Bốt tại lễ khởi công cải tạo căn cứ hải quân Ream, Sihanoukville, Cam Bốt, ngày 08/06/2022. AP
Trọng Nghĩa
Hôm nay, 08/06/2022, bộ trưởng Quốc Phòng Cam Bốt cùng đại sứ Trung Quốc tại Phnom Penh đã làm lễ khởi công dự án cải tạo căn cứ hải quân Ream thuộc tỉnh Sihanoukville, nhìn ra Vịnh Thái Lan. Sự kiện này diễn ra trong bối cảnh báo chí Mỹ tiết lộ là Cam Bốt sẽ cho Hải Quân Trung Quốc sử dụng căn cứ này, điều mà cả Bắc Kinh lẫn Phnom Penh đều cực lực phủ nhận.

Theo ghi nhận của hãng tin Pháp AFP, phát biểu trước hàng trăm quan khách tại buổi lễ, trong đó có cả các nhà ngoại giao nước ngoài, sau khi nhắc lại rằng “đã có những cáo buộc theo đó căn cứ Ream sau khi được hiện đại hóa sẽ do quân đội Trung Quốc độc quyền sử dụng”, bộ trưởng Quốc Phòng Cam Bốt Tea Banh khẳng định: “Không, hoàn toàn không phải như vậy”.

Đối với ông Tea Banh, căn cứ Ream “rất nhỏ” nên “sẽ không gây ra mối đe dọa cho bất kỳ ai, ở bất cứ đâu”.

Cùng một lập luận với bộ trưởng Cam Bốt, đại sứ Trung Quốc tại Phnom Penh Vương Văn Thiên (Wang Wentian) cho rằng: “Dự án (cải tạo căn cứ Ream) không nhằm vào bất kỳ bên thứ ba nào”.

Sở dĩ đại diện hai chính quyền Phnom Penh và Bắc Kinh đã phải ra sức cải chính đó là vì hôm 06/06 vừa qua, nhật báo Mỹ The Washington Post, trích dẫn một số quan chức phương Tây và Trung Quốc xin giấu tên, đã tiết lộ rằng chính quyền Cam Bốt dự trù cho Quân Đội Trung Quốc sử dụng một phần của căn cứ hải quân Ream sau khi nâng cấp xong.

Một quan chức phương Tây đã cho tờ báo Mỹ biết là các kế hoạch mở rộng căn cứ được đúc kết vào năm 2020 đã cho quân đội Trung Quốc "độc quyền sử dụng phần phía bắc của căn cứ, và sự hiện diện của lực lượng này sẽ được che giấu”.

Cũng theo tờ Washington Post, một quan chức Trung Quốc đã xác nhận việc quân đội Trung Quốc sẽ dùng “một phần” căn cứ Ream, nhưng phủ nhận việc Bắc Kinh được độc quyền sử dụng. Quan chức này cho biết thêm là Trung Quốc sẽ không tham gia vào bất kỳ hoạt động nào trên phần Cam Bốt của căn cứ.

Theo giới phân tích, lời xác nhận của quan chức Trung Quốc đã mặc nhiên bác bỏ tất cả những lời phủ nhận mà cả Phnom Penh lẫn Bắc Kinh liên tục đưa ra về ý đồ của Trung Quốc, lợi dụng việc Cam Bốt rơi hẳn vào quỹ đạo của mình để thiết lập một căn cứ hải quân nhìn ra Vịnh Thái Lan, giúp Bắc Kinh tăng cường năng lực khống chế khu vực phía Nam Biển Đông.

Theo nhật báo Anh The Guardian ngày 07/06, chuyên gia Sam Roggeveen, giám đốc chương trình an ninh quốc tế của Viện nghiên cứu Lowy của Úc, đã cho rằng lời xác nhận rõ ràng của một quan chức Trung Quốc là bằng chứng cho thấy là Bắc Kinh quả thực đang xúc tiến việc lập căn cứ hải quân tại Cam Bốt.

Theo chuyên gia này, căn cứ đặt tại Ream “sẽ cho phép Trung Quốc triển khai chiến hạm và tàu tuần duyên xung quanh khu vực một cách dễ dàng hơn, vì hiện diện ngay tại chỗ thay vì cần phải đi một quãng đường rất xa như trước đây".

Đối với chuyên gia Úc, diễn biến liên quan đến căn cứ Ream là “một dạng mô hình thu nhỏ của một xu hướng rộng lớn hơn trong khu vực, với sức mạnh chiến lược và quân sự đang chuyển từ Mỹ sang Trung Quốc. Trung Quốc sẽ muốn trở thành cường quốc chiến lược hàng đầu ở châu Á, thậm chí có thể muốn trở thành cường quốc thống trị ở châu Á”. Theo ông Roggeveen, Bắc Kinh sẽ không thể làm được điều đó “nếu không đẩy Mỹ ra ngoài và có các căn cứ ở hải ngoại xung quanh khu vực”.

Không có nhận xét nào: