A. THIỀN TÔNG VỚI THIỀN TIỂU THỪA
Thiền Tiểu thừa có nhiều lối tu, đại để đều căn cứ trên hình thức hiện có của thân căn, trần cảnh và tâm thức. Như pháp Thiền "tùy bệnh đối trị", người nặng bệnh tham dục dùng "quán bất tịnh" đối trị, người nặng bệnh sân hận dùng "quán từ bi" đối trị, người nhiều ngu si dùng "quán nhân duyên" đối trị, người nhiều loạn tưởng dùng "quán sổ tức" đối trị, người tham sân si đồng nhau dùng pháp "quán Phật tam-muội" đối trị. Đó là y cứ tâm bệnh dùng pháp tu quán để đối trị. Hoặc lối quán tứ đại, quán đất, quán nước, quán gió, quán lửa, từ một đốm nhỏ cho đến trùm cả hư không. Hoặc lối quán màu sắc, màu xanh, màu vàng, màu trắng, màu đỏ, cũng từ một điểm nhỏ cho đến đầy dẫy hư không. Hoặc trụ tâm vào một điểm trên đầu cây hương hay một vòng tròn nhỏ trên vách cho đến nó phát quang. Hoặc dùng chánh quán "Tứ niệm xứ", quán "Tứ đế", quán "Mười hai nhân duyên"v.v…
<!>
Đến kết quả được Tứ thiền, Bát định và tiến lên Tứ gia hạnh, thành tựu Tứ quả Thanh văn. Bởi pháp Thiền này hạn cuộc trên hình thức và tu chứng từng thứ bậc, nên khác hẳn với Thiền tông. Thiền tông chỉ thẳng tâm người thấy Tánh thành Phật, không thuộc hình thức, cũng không thứ bậc.
B. THIỀN TÔNG VỚI THIỀN ĐẠI THỪA
Thiền Đại thừa cũng có nhiều lối tu, cần yếu từ tướng thẳng vào bản tánh. Tuy có những đề mục đồng với Tiểu thừa, như Bồ-tát tu Ngũ pháp: Bồ-tát quán Phật tam-muội, Bồ-tát quán Bất tịnh tam-muội, Bồ-tát quán Từ tam-muội, Bồ-tát quán Nhân duyên tam-muội, Bồ-tát quán Lục diệu pháp môn. Song đối mỗi pháp này Bồ-tát quán từ tướng đi thẳng vào tánh, tức là từ giả tướng tiến đến thật tướng. Hoặc thiền theo tông Thiên Thai của ngài Trí Giả Đại sư, ứng dụng pháp Tam quán, quán Không, quán Giả, quán Trung, y cứ bài kệ trong quyển Trung Quán Luận của Bồ-tát Long Thọ. Bài kệ:
Nhân duyên sở sanh pháp
Ngã thuyết tức thị không
Diệc danh vi giả danh
Diệc danh trung đạo nghĩa.
Nhân duyên sanh các pháp
Ta nói tức là không
Cũng gọi là giả danh
Cũng gọi nghĩa Trung Đạo.
Thấy các pháp do nhân duyên sanh, thể tánh đều không tức là quán không. Thể tánh các pháp là không, song khi duyên hợp giả có, tức là quán giả. Không giả đều buông, chỉ còn nhất tâm chân như, tức là quán Trung đạo đệ nhất nghĩa. Bồ-tát tu nhân như thế, đến kết quả sẽ chứng từng bậc từ Thập tín, Thập trụ, Thập hạnh, Thập hồi hướng, Thập địa đến Đẳng giác, Diệu giác là Phật. Thiền Đại thừa đã gần với Thiền tông, song Thiền Đại thừa còn thấy có pháp để tu, thấy có quả để chứng, nên còn khác biệt. Bởi vì Thiền tông không thấy có một pháp dạy người, không thấy có một quả để chứng.
C. THIỀN TÔNG VỚI THIỀN NGOẠI ĐẠO
Để khỏi lầm lẫn ý nghĩa chống đối hay khinh rẻ, chúng ta nên định nghĩa chữ "ngoại đạo" cho rõ ràng. Nhà Phật định nghĩa rất rõ: Ngoài tâm cầu Phật là ngoại đạo. Như thế, dù cho người xuất gia theo Phật mà chỉ một bề hướng ngoại cầu mong cũng gọi là ngoại đạo. Bất cứ một pháp tu nào chỉ trông cậy bên ngoài, tìm kiếm bên ngoài đều gọi là ngoại đạo. Vì chủ trương nhà Phật, người tu phải "minh tâm kiến tánh" mới thành Phật. Tâm tánh đâu phải việc bên ngoài, nếu tìm bên ngoài là trái tông chỉ nhà Phật, nên gọi là ngoại đạo. Chúng tôi liệt kê những lối tu Thiền theo ngoại đạo đang hiện hành ở Việt Nam như: Thiền xuất hồn, Thiền chuyển luân xa, Thiền chuyển tinh hóa khí chuyển khí hóa thần, Thiền thai tức, Thiền điện thiêng liêng, Thiền Du-già…
Những lối tu Thiền này không ngoài hai tiêu chuẩn: Mầu nhiệm và sống lâu. Mầu nhiệm thuộc huyền bí, hấp dẫn những người hiếu kỳ. Sống lâu thuộc thân thể khỏe mạnh hấp dẫn những người thích sống dai. Hai tiêu chuẩn ấy trái hẳn với đạo Phật. Đạo Phật chủ trương tu để mở mang trí tuệ thấy được chân lý, không cần sự mầu nhiệm. Có trí tuệ liền thấy tất cả giả tướng ở thế gian đều là vô thường, dù cố dụng công bảo vệ duy trì mấy, rốt cuộc cũng hoại diệt. Cái giả mà cố giữ không phải si mê là gì? Thiền tông thấy tất cả pháp duyên hợp hư giả, thể nó là không, nhận ra chân tánh bất sanh bất diệt, nên trái hẳn các pháp thiền ngoại đạo.
Tóm lại, Thiền Tiểu thừa, Thiền Đại thừa tuy sâu cạn có khác, song đều một chủ đích mượn cảnh, mượn đề mục để định tâm; tâm an định, trí tuệ phát sanh, đó là nhân định phát tuệ của đạo Phật. Thiền tông đi thẳng từ cửa trí tuệ thấy vọng tưởng tánh không, nhận ra chân tánh phi không "Tri hữu". Cho nên Thiền tông gọi là đi "Đường chim". Đường chim rất khó đi, song một khi cất cánh, thẳng đến mục tiêu hạ xuống, không có gì khác lạ.
Thiền Tiểu thừa, Thiền Đại thừa cần dùng phương tiện để tu, như đi đường bộ, đường thủy không nguy hiểm, song nhiều khúc quanh, nhiều lối tẽ, khiến người tu có lúc phải ngơ ngác. Thiền ngoại đạo tu chóng kết quả, có mầu nhiệm, song chỉ là cái dụng tạm thời, không phải con đường giải thoát sanh tử.
Trong nhà Thiền dạy: "Thà là ngàn năm không ngộ, không để một phút sai lầm". Tại sao? Bởi vì tu theo thiền ngoại đạo không gieo nhân giác ngộ, quả giác ngộ làm gì có? Lại nữa đã đi đường tà thì sức mạnh ấy sẽ dẫn đi mãi mãi, biết bao giờ được hồi tâm tỉnh giác.
Thế nên người Phật tử phải thận trọng khi tu học theo một pháp thiền nào. Dù người dạy có nói cao siêu mầu nhiệm mấy đi nữa, đối chiếu với kinh Phật không hợp, nhất định người Phật tử không nên theo. Chính vì đa số Phật tử hiện nay ham tu mộ đạo nên đã tu theo thiền ngoại đạo khá nhiều. Với lòng chân thật của mình, chúng tôi mong quí Phật tử xét thật kỹ trong việc tu hành hiện nay, đừng để sai lầm về sau hối hận đã muộn. Dù người ấy xuất gia tu theo đạo Phật, thờ đức Phật mà dạy không đúng kinh điển Phật, xin chớ vội tin.
H.T THÍCH THANH TỪ
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét