Tìm bài viết

Vì Bài viết và hình ảnh quá nhiều,nên Quí Vị và Các Bạn có thể xem phần Lưu trử Blog bên tay phải, chữ màu xanh (giống như mục lục) để tỉm tiêu đề, xong bấm vào đó để xem. Muốn xem bài cũ hơn, xin bấm vào (tháng....) năm... (vì blog Free nên có thể nhiều hình ảnh bị mất, hoặc không load kịp, xin Quí Bạn thông cảm)
Nhìn lên trên, có chữ Suối Nguồn Tươi Trẻ là phần dành cho Thơ, bấm vào đó để sang trang Thơ. Khi mở Youtube nhớ bấm vào ô vuông góc dưới bên phải để mở rộng màn hình xem cho đẹp.
Cám ơn Quí Vị

Nhìn Ra Bốn Phương

Thứ Năm, 9 tháng 6, 2022

GIỌNG CA HỜI - Đỗ Thái Nhiên


Hôm ấy là một sáng chớm Đông năm 2011, nhạc sĩ Nhật Ngân và tôi gặp nhau tại quán Coffee Factory, Westminster, California. Vẫn như thường lệ, tôi vỗ vai Nhật Ngân, hỏi thăm: -Sao, khỏe không? Nhật Ngân nhìn tôi, trả lời, giọng hơi chùng xuống: -Vẫn khỏe thôi! Biết được Nhật Ngân đang trong hồi âu lo về sức khỏe, tôi vội vàng nói qua chuyện khác:  -Nghe nói mấy ngày nay ông hướng dẫn ca sĩ Chế Linh đi thăm Bolsa, có chuyện gì vui không? -Không có gì ầm ỉ. Tuy nhiên Chế Linh có nói cho tớ nghe một suy nghĩ rất đáng chú ý. -Suy nghĩ như thế nào mà được ông nâng lên hàng “rất đáng chú ý?”
<!>
Ngay sau câu hỏi của tôi, Nhật Ngân đặt ly café xuống bàn, ngồi thẳng người, nét mặt nghiêm trang hẳn lên, lời lẽ đầy nhiệt tình:

-Chuyện như thế này: Chế Linh và tớ là bạn rất nhiều năm. Tụi tớ gặp nhau ở những lần đi trình diễn chung, ở phòng trà, quán nhậu, nhiều khi tại những cuộc liên hoan của giới văn nghệ sĩ. Tình bạn giữa Chế Linh và tớ là tình bạn “dậm chân tại chỗ”, không thân, không sơ. Mãi cho đến cách nay ba hôm, nhân cùng ăn sáng với Chế Linh, tớ có hỏi Chế Linh một vấn đề như sau: “Giọng hát của ông là giọng trầm buồn, kéo dài trong ủ ê, hoàn toàn thiếu chất tươi mát, thế nhưng từ nhiều thập niên qua, thính giả hâm mộ Chế Linh vẫn rất đông, vẫn tăng chứ không giảm, ông có hiểu tại sao không?”.

Nghe tớ (Nhật Ngân) hỏi, Chế Linh nhìn mung ra ngoài đường phố, chậm rãi trả lời: “ Tôi tự biết giọng ca của tôi là giọng ca yếm thế, buồn miên man và ray rứt muôn thuở... Thế nhưng tôi quyết định không bao giờ từ giả giọng ca kia vì đó là giọng ca Hời, giọng ca của quê hương tôi, của đồng bào tôi, giọng ca u-hoài từ người dân của một quốc gia đã vĩnh viễn bị xoá tên trên bản đồ thế giới. Đất nước Việt Nam tuy vẫn tồn tại, thế nhưng người Việt ngày nay bao giờ cũng cảm thấy xót xa mỗi lần nghĩ tới quê hương Việt trên các địa bàn: văn hoá, chính trị, xã hội, vận mệnh của đất nước…Trong tâm tình xót xa vừa kể, người Việt Nam thấp thoáng nhìn thấy một dấu hỏi thật lớn: Phải chăng tương lai của Việt Nam sẽ là hiện tại của người Hời? Dấu hỏi này chính là gạch nối thật rõ nét giữa tâm tình của hai dân tộc Hời-Việt. Đồng thời, nó cũng là lý do giải thích tại sao giọng ca Hời, giọng ca Chế Linh cuốn hút người Việt, cuốn hút một cách vô thức, âm thầm bao nhiêu, ray rứt bấy nhiêu. ”

Chế Linh


Chế Linh trong liveshow Khả Tú, năm 2008

Tên thật  : Chà Len
Ngày sinh 1942 (70–71 tuổi tại Ninh Thuận

Dường như bị ảnh hưởng bởi thanh âm của hai chữ “ray rứt”, Nhật Ngân ngừng nói vài giây rồi nhìn tôi và nói tiếp:

-Chế Linh vừa dứt lời, tớ thực sự thẩn thờ. Tớ cảm thấy kính trọng Chế Linh hơn, gần gủi Chế Linh hơn. Tớ hối tiếc là đã bỏ đi một thời gian dài không giao thiệp mật thiết với Chế Linh. Từ nay Chế Linh sẽ là người bạn thân của tớ!

Câu chuyện giữa Nhật Ngân và Chế Linh khiến chúng ta không thể không suy nghĩ chi tiết hơn về dòng sống của dân tộc Hời trong quá khứ xa xăm.

Nếu Việt Nam ngày nay đang huênh hoang với kiểu sống đế vương của giai cấp đại-gia-đỏ thì xã hội Chiêm Thành ngày xưa cũng một thời dương dương tự đắc trong rượu thơm, gái đẹp:

“Đây trong ánh ngọc lưu ly mờ ảo,
Vua quan Chiêm say đắm thịt da ngà,
Những Chiêm nữ mơ màng trong tiếng sáo
Cùng nhịp nhàng uyển chuyển uốn mình hoa.”

(Chế Lan Viên)

Nếu ngày nay Việt Nam đang ngộp thở trong nồi canh với “một bầy sâu”(Lời chủ tịch nước Trương Tấn Sang) hay tệ hại hơn nữa, đang lâm nguy với căn bệnh ung thư (Lời cựu tổng bí thư Lê Khả Phiêu) thì nước Hời với đền xưa, tháp cỗ đã lìa trần từ rất lâu:

“Đây, những tháp gầy mòn vì mong đợi,
Những đền xưa đổ nát dưới thời gian,
Những sông vắng lê mình trong đêm tối.
Những tượng Chàm lở lói rỉ rên than.”

(Chế Lan Viên)

Có thể nói được rằng lịch sử Hời và lịch sử CHXHCNViệt Nam có những nét rất giống nhau: cả hai nhà thống trị đều là cội nguồn của bất công xã hội, cả hai đều độc đoán, đều tiêu xài tài nguyên quốc gia không một chút nương tay. Đặc biệt, Xã hội Việt Nam tuy chưa chết cả hồn lẩn xác như Chiêm thành, thế nhưng trong thực tế, xác Việt Nam đang nằm dưới áp lực xâm lăng nặng nề của Bắc Triều, hồn Việt Nam đang chết từng mảng lớn: đạo đức Việt Nam băng hoại, giáo dục Việt Nam lạc hậu, văn hoá Việt Nam suy đồi, tình tự Việt Nam vô cảm, xã hội Việt Nam cá lớn nuốt cá bé, nhà cầm quyền Việt Nam là hung thần của người dân…Nỗi buồn về một quê hương Hời đã chết từ nhiều thế kỷ trước và nỗi buồn về một Việt Nam đang chết từ từ, nhưng chết trong cực kỳ thê thảm, không ai biết được buồn nào lớn lao hơn buồn nào. Tuy nhiên có một sự thực mọi người biết rất rõ: Buồn Việt và buồn Hời là hai khối buồn đồng điệu. Tính đồng điệu kia được giọng ca Hời gói ghém, chuyên chở và vang vang khắp bốn phương trời. Nó cuốn hút biết bao thế hệ Việt Nam. Nó giúp cho gịong hát Chế Linh tồn tại miên viễn. Nó làm cho Nhật Ngân hối tiếc là đã không trân trọng Chế Linh sớm hơn.

Chỉ vài tuần lễ sau lời tâm tình “Sẽ là bạn thân của Chế Linh”, Nhật Ngân âm thầm biệt khuất giang hồ. Nhờ gịong ca Hời, Nhật Ngân nhận ra Chế Linh. Nhờ lời kể của Nhật Ngân về Chế Linh, tôi “nhận ra” Nhật Ngân. Sự thực, Nhật Ngân và tôi là bạn của nhau từ giữa thập niên 1950 khi hai chúng tôi cùng sống trong cư xá Đoàn Kết Đà Nẵng, cùng học trường Trung học Phan Châu Trinh Đà Nẵng. Tại sao mãi cho tới bây giờ tôi mới bảo tôi “nhận ra” Nhật Ngân? Nhận ra ở đây là nhận ra: Nhật Ngân yêu nước sâu sắc và thiết tha hơn trước đây tôi nghĩ rất nhiều. Nhật Ngân yêu nước đến độ yêu luôn cả những người yêu nước, yêu nước đến độ đôi mắt thẩn thờ khi nhìn ra nỗi buồn Hời và nỗi đau Việt đã lấy giọng ca Hời làm ngôn ngữ chung.

Nhật Ngân

Thông tin nghệ sĩ
Tên khai sinh : Trần Nhật Ngân
Sinh : 24 tháng 11, 1942 - Hoàng Kim, Thanh Hóa

Mất 21 tháng 1, 2012 (69 tuổi)

Trên dòng đời, rất nhiều khi một người có một việc cần làm nhưng đã không biết để làm. Về sau, khi người này biết được việc cần làm là việc gì thì việc kia đã trôi xa, rất xa, vượt hẳn ra ngoài tầm tay của đương sự. Một cách lãng mạn, người Viêt Nam gọi tình huống vừa kể là “lỡ một chuyến đò”. Đời người có bao nhiêu chuyến đò đã lỡ? Sau hơn năm mươi năm là bạn đồng môn với Nhật Ngân tôi mới thấy được bề cao và độ sâu của lòng yêu nước trong Nhật Ngân. Khi tôi vừa “thấy được” như vừa kể thì chuyến đò của Nhật Ngân đã bất ngờ rời bỏ bến sinh để đi qua bờ tử. Như vậy là tôi đã “lỡ một chuyến đò”. Bên này bờ của chuyến đò đã lỡ, trong tâm tưởng, tôi ân cần thả nhẹ xuống dòng sông một nhánh phượng đỏ. Hoa phượng là sự gợi nhớ tình bạn thuở học trò cách nay già nửa thế kỷ. Màu đỏ của hoa phượng là biểu tượng cho lòng yêu thương Quê Hương được gieo trồng từ trường lớp Phan Châu Trinh Đà Nẵng, được tôi luyện trong giông bão của lịch sử, được thăng hoa trên những tác phẩm văn, thi, nhạc hoạ của các tác giả đã thấm nhuần tinh thần Phan Châu Trinh./.

Đỗ Thái Nhiên

Không có nhận xét nào: