Tìm bài viết

Vì Bài viết và hình ảnh quá nhiều,nên Quí Vị và Các Bạn có thể xem phần Lưu trử Blog bên tay phải, chữ màu xanh (giống như mục lục) để tỉm tiêu đề, xong bấm vào đó để xem. Muốn xem bài cũ hơn, xin bấm vào (tháng....) năm... (vì blog Free nên có thể nhiều hình ảnh bị mất, hoặc không load kịp, xin Quí Bạn thông cảm)
Nhìn lên trên, có chữ Suối Nguồn Tươi Trẻ là phần dành cho Thơ, bấm vào đó để sang trang Thơ. Khi mở Youtube nhớ bấm vào ô vuông góc dưới bên phải để mở rộng màn hình xem cho đẹp.
Cám ơn Quí Vị

Nhìn Ra Bốn Phương

Thứ Hai, 13 tháng 6, 2022

Dương Văn Hùng, người phác họa những huy chương, bằng ân thưởng QLVNCH - Lâm Hoài Thạch

 

Bà Margie Rice (phải), thị trưởng Westminster, cùng ông Dương Văn Hùng và vợ tại cuộc triển lãm tranh và tượng tại hội trường Việt Báo, Westminster. (Hình: Dương Văn Hùng -  GARDEN GROVE, California (NV) – Cựu đại úy, họa sĩ, điêu khắc gia Dương Văn Hùng sinh quán Bình Dương, trưởng thành tại Sài Gòn. Năm 1962, ông tốt nghiệp trường Quốc Gia Cao Đẳng Mỹ Thuật Sài Gòn. Sau khi tốt nghiệp bằng chuyên môn Hội Họa và Điêu Khắc, một thời gian sau ông dạy hội họa ở các trung học Hiếu Thiện Gò Dầu và trường Tây Ninh. Sau đó, ông là giáo sư Điêu Khắc tại Quốc Gia Mỹ Thuật Sài Gòn.
<!>
Năm 1967, ông là Sinh Viên Sĩ Quan (SVSQ) Khóa 25 Trừ Bị Thủ Đức. Ra trường năm 1968 với cấp bậc chuẩn úy, ông được về phục vụ tại Ban Ân Thưởng, Phòng 1 Bộ Tổng Tham Mưu, Việt Nam Cộng Hòa (VNCH). Lý do ông được về đơn vị này là vì ông có bằng chuyên môn về Cao Đẳng Mỹ Thuật. Nhiệm vụ của Chuẩn Úy Hùng là phác họa những loại ân thưởng như văn bằng, huy chương, dây biểu chương, huy hiệu tuyên công đơn vị… để vinh danh những đơn vị và cá nhân có chiến công, và những ai có thành tích với quốc gia, dân tộc thời VNCH.
Lúc ông còn trong quân ngũ, ông vẫn hoạt động về nghệ thuật sáng tác. Năm 1973, ông tham dự cuộc triển lãm của Hội Họa Sĩ Trẻ Việt Nam tổ chức tại phòng triển lãm La Dolce Vita, Sài Gòn. Năm 1974, tác phẩm điêu khắc “Sức Sáng Tạo Của Mẹ” của họa sĩ Dương Văn Hùng, tượng thạch cao giả đồng đã đoạt Huy Chương Vàng của Giải Thưởng Văn Học Nghệ Thuật Toàn Quốc, do Tổng Thống Nguyễn Văn Thiệu sáng lập. Sau đó tượng này đã trở thành tài sản quốc gia và được đặt tại Thư Viện Quốc Gia VNCH, Sài Gòn.
Mặc dù ông không phục vụ trong đơn vị tác chiến, nhưng khi về làm việc tại Phòng 1 Bộ Tổng Tham Mưu, ông đã tham dự một trận chiến vào Tết Mậu Thân 1968, do Việt Cộng tấn công vào Bộ Tổng Tham Mưu.
Tháng Hai, 1969, ông mang cấp bậc thiếu úy. Tháng Ba, 1971, ông mang cấp bậc trung úy. Tháng Sáu, 1972, ông được thăng cấp đại úy rất sớm.
Ông Hùng chỉ phục vụ tại Bộ Tổng Tham Mưu từ khi mới ra trường cho đến 30 Tháng Tư, 1975. Cấp bậc sau cùng của ông là đại úy.


Ông Dương Văn Hùng thời còn sinh viên. (Hình: Dương Văn Hùng cung cấp)

Ông kể: “Trước ngày 30 Tháng Tư, 1975, hơn một tuần thì tôi được nghỉ phép ở nhà tại đường Phan Đình Phùng, gần Đài Phát Thanh Sài Gòn. Trưa 30 Tháng Tư, nghe tin Tổng Thống Dương Văn Minh tuyên bố đầu hàng, thì tôi vẫn trong tình trạng nghỉ phép. Nhưng tôi vẫn trở vào đơn vị ở Bộ Tổng Tham Mưu vì tôi muốn được cùng các anh em quân nhân sống chết có nhau đến giờ phút sau cùng, nếu họ còn chiến đấu. Nhưng khi đến thì một số anh em quân nhân nói với tôi rằng: "Giờ phút này mà anh còn vào đây chi nữa, chúng tôi đang tìm cách ra khỏi nơi này, nhưng chưa ra được." Thì lúc đó tôi mới biết tin Tổng Thống Minh đầu hàng là đã có thật rồi, nên tôi trở về nhà của mình.”
Sau ngày 30 Tháng Tư, 1975, bị giam giữ trong trại cải tạo:
Tình hình ở Sài Gòn sau ngày VNCH bị thất thủ có nhiều biến cố xảy ra trong đời sống của dân chúng.
“Việt Cộng loan tin là những cựu sĩ quan VNCH phải ra trình diện với Ủy Ban Quân Quản Sài Gòn, không được né tránh và phải mang theo quần áo, thức ăn cùng tiền bạc để chi tiêu trong vòng 15 ngày. Tôi nghe họ bảo thế thì nghĩ họ sẽ không bắt giữ mình lâu. Sau đó, Ủy Ban Quân Quản Sài Gòn phóng loa kêu gọi những cựu sĩ quan và công chức VNCH phải ra trình diện ở trường trung học Marie Curie, Sài Gòn,” ông Hùng kể.


Cựu Đại Úy Dương Văn Hùng. (Hình: Dương Văn Hùng cung cấp)

“Hơn một ngàn cựu sĩ quan và công chức VNCH ở đây được hai ngày, thì tối đến, họ bảo anh em chúng tôi phải xếp hàng, lên xe để di chuyển về nơi khác. Có khoảng trên 20 chiếc xe có mui sau bít bùng, rồi họ lùa chúng tôi lên xe. Có hai cán bộ Việt Cộng nói với chúng tôi rằng, khi xe chạy thì ai nấy phải ngồi yên, nếu ai có những hành động lộn xộn hay tẩu thoát thì họ sẽ không tiếc vài viên đạn. Lúc đó thì anh em chúng tôi mới biết mình bị bắt,” ông nhớ lại.
Ông kể tiếp: “Đoàn xe chở những tù binh đi lòng vòng, và không biết họ sẽ đưa chúng tôi đi đâu từ nửa khuya cho đến gần sáng thì mới đậu lại, rồi cho chúng tôi xuống xe. Có một anh bạn cũng tù binh cho biết là, nơi này là Thành Ông Năm ở Hóc Môn. Lý do anh này xác định đúng nơi, đúng chỗ là vì trước đây anh đã từng làm việc tại nơi này.”
Đoạn đường từ trường Marie Curie cho đến Hóc Môn thì đâu có bao xa, xe chạy cao lắm chừng một tiếng thì đã đến. Hơn nữa, lúc đó là ban đêm, Sài Gòn đâu có còn kẹt xe cộ gì. Vậy mà họ đưa những tù binh trên xe bít bùng chạy từ nửa đêm cho đến sáng thì mới cho anh em tù binh xuống Thành Ông Năm, vì Việt Cộng không muốn những cựu sĩ quan và công chức VNCH biết là họ sẽ bị đưa về đâu.
Ông nhớ lại: “Sau đó, ban giữ trại giam chia anh em chúng tôi ra từng K (phòng) để cho chúng tôi làm chỗ ở. Tất cả đều nằm ngủ dưới sàn nhà bằng xi măng. Rồi chúng tôi còn phải tự đào giếng để xài, vì ban giữ tù không cho chúng tôi dùng nước máy. Ngoài ra, chúng tôi phải tự làm khu nhà bếp để cùng nấu ăn chung.”


Ông Dương Văn Hùng cùng vợ con tại Santa Ana. (Hình: Dương Văn Hùng cung cấp)

Sau hơn một năm, ban giữ tù binh Thành Ông Năm mới cho phép người nhà vào thăm nuôi, nên anh em bạn tù được thêm dinh dưỡng của người nhà mang đến.
Khi nhắc đến việc đi thăm nuôi, vợ ông Hùng ngồi kế bên chồng tâm tình: “Khi hay tin chồng tôi bị ở tù thì tôi về làm dâu cho mẹ chồng của tôi ở Lái Thiêu. Ở đây, tôi cứ chờ tin của chồng tôi hơn sáu tháng mà tin tức của chồng vẫn biệt tăm, và cũng không biết anh Hùng bị họ giam cầm ở nơi nào nữa. Sau đó, có người đến báo tin cho tôi biết là chồng tôi bị ở tù tại Thành Ông Năm, tôi liền đến Hóc Môn thì mới gặp được chồng tôi sau hơn một năm xa cách. Tôi rất đau lòng, khi thấy chồng tôi thân tiều tụy, mặt hốc hác trông rất thảm thương.”
Qua các trại tù cải tạo và đi kinh tế mới:
Ông Hùng kể tiếp: “Tôi bị họ giữ ở Thành Ông Năm ba năm thì họ chuyển các tù binh về nơi khác.”
Tháng Ba, 1978, họ chuyển anh em tù binh về trại cải tạo ở gần Bà Rá, Phước Long. Trại này nằm trong căn cứ của một trung đoàn quân đội Việt Cộng.
Tháng Hai, 1979, họ chuyển rất nhiều tù binh từ trại Bà Rá sang trại Bù Loi, Phước Long.
Tháng Năm, 1980, họ chuyển một số tù binh về trại Gia Lai, Kon Tum, trại này do công an quản lý.
Tháng Sáu, 1981, ông Hùng có giấy xuất trại.


Tượng “Mẹ Con” của điêu khắc gia Dương Văn Hùng được báo Daily Titan Fullerton đăng vào Tháng Chín, 2018. (Hình: Lâm Hoài Thạch/Người Việt chụp lại)

Ông tâm tình: “Khi ra khỏi trại giam tù binh, tôi đi xe đò từ trại giam đến ga xe lửa Kon Tum, rồi từ đó lên xe lửa đưa tôi đến ga Bình Triệu, Sài Gòn. Vì thông cảm tôi là tù nhân cải tạo mới được tự do, nên đi đến đâu bà con cũng không lấy tiền xe gì cả. Tôi gọi xe xích lô đưa tôi về nhà chị tôi ở Đa Kao, Sài Gòn, vì nhà cũ của tôi đã bị nhà nước quản lý. Lúc đó vợ tôi đang ở vùng kinh tế mới Long Thành với mẹ vợ. Chị tôi mới báo tin tôi được thả về cho vợ tôi biết, rồi lên đón tôi về nhà của vợ ở vùng kinh tế mới.”
Lúc về sống tại vùng kinh tế mới, ông Hùng vẫn tiếp tục tạc tượng để sinh sống. Ông sáng tác tượng “Cảm Thông” bằng đá xanh với hình ảnh gương mặt của người phụ nữ Việt Nam. Sau khi làm xong tượng, ông gửi tượng này cho người bạn ở Sài Gòn nhờ bán.
Ông nhớ lại: “Có một người gốc Á Châu, không biết ở quốc gia nào, đồng ý mua tượng "Cảm Thông" với giá $500 và còn nhắn nhủ với bạn của tôi rằng, nếu còn tượng nào do tôi sáng tác thì ông sẽ mua hết. Nhưng lúc đó, tôi không còn tượng nào để bán cho ông ta.”
Đời sống tại vùng kinh tế mới rất khó kiếm ra tiền ngoài nghề làm ruộng rẫy, vì thế, khi tượng của mình bán được, ông Hùng phải cố gắng bỏ thời gian rất nhiều từ ngày lẫn đêm để tạc thêm tượng, thay cho việc làm ruộng.

Tác phẩm điêu khắc “Con Diều và Chú Bé” của điêu khắc gia Dương Văn Hùng. (Hình: Dương Văn Hùng cung cấp)

“Nhờ trời đãi ngộ nên tượng và tranh của tôi bán được khá nhiều. Tôi mới mua một chiếc xe Honda hai bánh và mua vàng cho vợ tôi đeo, vì số vàng ngày xưa vợ tôi đã bán hết để trang trải cho cuộc sống khó khăn, lúc tôi trong trại cải tạo. Lúc bấy giờ, đời sống cơ cực của chúng tôi ở vùng kinh tế mới đã được khá hơn,” ông nhớ lại.
Định cư tại Hoa Kỳ:

Năm 1992, gia đình ông được định cư ở Santa Ana, California. Sau khi ổn định đời sống, ông bắt đầu sáng tác những tác phẩm mới, và cũng tham dự nhiều cuộc triển lãm tranh vẽ và điêu khắc tại nhiều nơi.
Tháng Sáu, 2019, tại phòng sinh hoạt nhật báo Người Việt, Westminster, họa sĩ Dương Văn Hùng có tham dự cuộc triển lãm hội họa và điêu khắc với chủ đề “Hồi Tưởng,” gồm nhiều tác phẩm có giá trị của sáu họa sĩ và điêu khắc gia: Dương Văn Hùng, Nguyên Khai, Nguyễn Thị Hợp, Nguyễn Đồng, Ann Phong, và Nguyễn Việt Hùng.
Nói về ý nghĩa của những tượng do ông điêu khắc, ông Hùng tâm tư nhiều nhất là hình tượng “Con Diều và Chú Bé.” Vì cánh diều đã cho ông có nhiều kỷ niệm của tuổi thơ.
“Tôi còn nhớ lúc tôi mới 8, 9 tuổi, khi trời có gió thì tôi thường đi thả diều ở ngoài cánh đồng trống. Đối với tôi, thả diều là một trò chơi đầy thú vị của tuổi thơ. Khi cánh diều của tôi được tung gió để bay lên cao, thì lúc đó, tâm hồn tôi cứ nghĩ chính mình được bay lên chớ không phải cánh diều đang bay. Những kỷ niệm tuổi thơ của tôi trong thời gian đó là được bay lên cao như cánh diều. Vì thế, tác phẩm ‘Con Diều và Chú Bé’ có hình một em bé đang bay trên cánh diều,” ông tâm tình.

Ông Dương Văn Hùng và vợ tại nhà ở Garden Grove. (Hình: Lâm Hoài Thạch/Người Việt)

“Cái hay tiềm ẩn của nghệ thuật là trong cái thật mà có pha trộn một chút ảo giác thì nghệ thuật ấy mới ‘ngộ và đạt’ được,” ông nhận định.
Hiện giờ, gia đình họa sĩ điêu khắc gia Dương Văn Hùng cư ngụ tại thành phố Garden Grove, California.

Lâm Hoài Thạch

Không có nhận xét nào: