Tìm bài viết

Vì Bài viết và hình ảnh quá nhiều,nên Quí Vị và Các Bạn có thể xem phần Lưu trử Blog bên tay phải, chữ màu xanh (giống như mục lục) để tỉm tiêu đề, xong bấm vào đó để xem. Muốn xem bài cũ hơn, xin bấm vào (tháng....) năm... (vì blog Free nên có thể nhiều hình ảnh bị mất, hoặc không load kịp, xin Quí Bạn thông cảm)
Nhìn lên trên, có chữ Suối Nguồn Tươi Trẻ là phần dành cho Thơ, bấm vào đó để sang trang Thơ. Khi mở Youtube nhớ bấm vào ô vuông góc dưới bên phải để mở rộng màn hình xem cho đẹp.
Cám ơn Quí Vị

Nhìn Ra Bốn Phương

Thứ Bảy, 19 tháng 2, 2022

‘Xuân Này Con Không Về,’ nhạc tình mùa chinh chiến của Trịnh Lâm Ngân - Vann Phan


Nhạc phẩm “Xuân Này Con Không Về” của Trịnh Lâm Ngân. (Hình: Tài liệu)
Ngoài bản “Đồn Vắng Chiều Xuân” của Trần Thiện Thanh, nhạc phẩm “Xuân Này Con Không Về” của Trịnh Lâm Ngân là một ca khúc khác nữa nằm trong số những bản nhạc tình mùa chinh chiến của các nhạc sĩ tài hoa nói về những hy sinh và gian khổ của người lính chiến trong sứ mạng bảo vệ quê hương mến yêu trong cuộc chiến tranh tự vệ của Miền Nam Tự Do chống quân Cộng Sản xâm lược. Người chiến sĩ Cộng Hòa đành lòng chấp nhận cảnh sống xa gia đình, xa mái tranh thân yêu với hình bóng quê nghèo, nơi có người mẹ hiền đang khắc khoải chờ tin con trong những ngày Tết đến, Xuân về, để cùng với đồng đội đón Xuân nơi tiền tuyến.
<!>
“Con biết bây giờ mẹ chờ tin con/
Khi thấy mai đào nở vàng bên nương/
Năm trước con hẹn đầu Xuân sẽ về/
Nay én bay đầy trước ngõ/
Mà tin con vẫn xa ngàn xa.”

Từ nơi chiến tuyến mịt mờ mưa bay, nhìn hoa mai rừng nở để biết rằng Xuân đã về khi ngàn hoa thắm tươi cười chào đón gió mới. Vào thời điểm này, con biết chắc thế nào mẹ yêu cũng thao thức canh dài ngóng chờ tin con được phép về thăm nhà để cùng ăn Tết với gia đình, bởi vì hoa mai và hoa đào lại nở rộ báo hiệu Tết đến nơi rồi.

Vả lại, hồi năm ngoái, khi không về nhà vui Tết được với gia đình, con đã hứa hẹn rằng Tết năm tới thế nào con cũng về thăm mẹ yêu. Ấy vậy mà, giờ đây, từng đàn chim én, sứ giả của mùa Xuân, đã bay lượn trước sân nhà rồi mà mẹ vẫn chưa nhận được tin báo đứa con yêu sắp về nhà vui Tết, đón Xuân như mọi người hằng mong đợi.

“Ôi nhớ Xuân nào thuở trời yên vui/
Nghe pháo giao thừa rộn ràng nơi nơi/
Bên mái tranh nghèo ngồi quanh bếp hồng/
Trông bánh chưng chờ trời sáng/
Đỏ hây hây những đôi má đào.”

Bất giác, con bỗng nhớ tới những mùa Xuân thanh bình của những ngày tháng cũ, khi gió nhẹ lay hoa đào hồng thắm trong khi Xuân ấm mới tô đẹp tháng năm, nhất là lúc nhà nhà cùng lắng nghe tiếng pháo Giao Thừa rộn rã nơi nơi.

Ôi, đẹp làm sao những đêm giáp Tết, khi gia đình minh quây quần cạnh bếp lửa ấm áp, cùng canh thức bên nồi bánh chưng, bánh tét từ khuya cho tới sáng, khiến đám trẻ thơ như tụi con đứa nào đứa nấy má cũng ửng hồng lên, một phần vì sức nóng từ nồi bánh đang sục sôi và một phần cũng vì lòng nôn nao của trẻ thơ trong bao ước vọng đẹp tươi lúc Xuân về với ngàn hoa tươi thắm, ta muốn luôn luôn cười cùng hoa…

“Nếu con không về chắc mẹ buồn lắm/
Mái tranh nghèo không người sửa sang/
Khu vườn thiếu hoa vàng mừng Xuân/
Đàn trẻ thơ ngây chờ mong anh trai/
Sẽ đem về cho tà áo mới/
Ba ngày Xuân đi khoe xóm giềng.”

Nếu mẹ biết rõ rằng Xuân này con không về như đã hứa thì thế nào mẹ cũng sẽ buồn biết bao, bởi vì nhà mình vốn nghèo, từ dạo con lên đường theo tiếng gọi của non sông thì mái tranh nhà mình nay cũng đã tới kỳ phải sửa sang hay lợp lại thôi, nhưng con trai của mẹ lại không kịp về nhà để lo liệu mọi thứ. Ngay cả khu vườn nhà lâu nay chắc mẹ cũng chỉ đủ sức trồng trọt qua loa, nên giờ chẳng có mấy khóm hoa Xuân còn tươi mãi để hoa vì nhân thế biết sum vầy cuộc vui.

Nhưng điều làm con bứt rứt hơn cả là đàn em nhỏ ở nhà đứa nào cũng tưởng Xuân này con sẽ về, đem cho chúng những bộ quần áo mới đặng ba ngày Tết mặc vào mà xúng xính đi khoe với đám trẻ thơ cùng trang lứa trong thôn xóm mình.

“Con biết không về mẹ chờ em trông/
Nhưng nếu con về bạn bè thương mong/
Bao lứa trai cùng chào Xuân chiến trường/
Không lẽ riêng mình êm ấm/
Mẹ ơi con Xuân này vắng nhà.”

Con vẫn biết rằng ở nhà mẹ và các em mong đợi con về lắm, nhưng Tết này con cũng lại không về được nữa rồi. Có điều, mẹ và các em cũng nên biết rằng, vì tình hình chiến sự ngày càng sôi động, hầu như người chiến binh nơi tiền tuyến đều chẳng ai may mắn được về sum họp và ăn Tết với gia đình. Tất cả đều được lệnh phải ở yên tại chỗ để cho đồng bào miền Nam Việt Nam khắp nơi được vui hưởng một cái Tết yên bình, đó là chưa kể lời nhắn nhủ của những người em gái hậu phương, rằng “anh, nếu thương cho một đời hoa, thì xin giữ yên quê nhà…”

Trong tình thế hiện nay, con nghĩ nếu chỉ có riêng mình được cái hạnh phúc về sum họp với gia đình thì cũng tội cho bạn bè mình lắm, khi chung quanh các chiến hữu đều bị kẹt lại nơi đồn vắng chiều Xuân, hay mãi gian lao đầu non cuối ghềnh ôm cây súng canh rừng sâu. Thôi, xin mẹ đừng có buồn làm chi vì Xuân này con vắng nhà nữa nhé, mẹ thương yêu của con: “Mẹ thương con xin đợi ngày mai”...

Phải nói rằng giá trị của ca khúc “Xuân Này Con Không Về” của Trịnh Lâm Ngân nằm ở chỗ bản nhạc đã nói lên được tất cả tâm tình tha thiết của người dân Việt Nam trong lúc Tết đến, Xuân về. Đó là dịp sum họp gia đình sau một năm trời xa cách, dù ai buôn bán nơi đâu cũng phải nhớ đến ngày Tết rủ nhau mà về, để cùng vui mùa Xuân năm nay gần nhau trong nỗi niềm chạnh nhớ khi nao, lúc ra đi, hẹn câu chờ nhau đến bên cầu lúc Xuân sau.

Bản nhạc còn nói lên những hy sinh lớn lao và cao cả của tập thể chiến sĩ Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa, với sứ mạng bảo vệ cuộc sống ấm no và an vui cho người dân Miền Nam Tự Do trong suốt cuộc chiến tranh tàn khốc trên quê hương đã lắm tan nát, tiêu điều. Các anh chiến sĩ Cộng Hòa hầu như phải chấp nhận kiếp sống xa nhà từ chàng xa vắng lên đường ruổi dong chiến chinh, đã bao mùa Xuân càng vắng xa thêm nhiều hơn, dẫu cho Xuân đã về với ngàn hoa hé môi cười tươi đón gió mới.

Điều cay đắng là những hy sinh tưởng như vô cùng, vô tận đó của các chàng trai thế hệ tại miền Nam Việt Nam cũng chỉ đủ để giữ yên quê nhà được có 21 năm ngắn ngủi mà thôi. Quả đúng là ôm ấp chi một định mệnh buồn, để chua xót những gì cho nhau…
Trịnh Lâm Ngân là nghệ danh của ba nhạc sĩ Trần Trịnh, Lâm Đệ và Nhật Ngân (Trần Nhật Ngân), trong đó Trần Trịnh và Nhật Ngân là hai nhạc sĩ sáng tác, còn Lâm Đệ là người bạn nhạc sĩ đệm đàn cho các sáng tác mới của hai nhạc sĩ kia.

Nghệ danh này ra đời từ năm 1962 và được ký dưới một số nhạc phẩm rất ăn khách từ thời Việt Nam Cộng Hòa mãi cho đến bây giờ, như “Xuân Này Con Không Về,” “Cám Ơn,” “Lính Xa Nhà,” “Một Mai Giã Từ Vũ Khí,” “Mùa Xuân Của Mẹ,” “Người Tình và Quê Hương,” “Qua Cơn Mê,” “Yêu Một Mình”…


Hai nhạc sĩ Trần Trịnh (trái) và Nhật Ngân. (Hình: hoainiem.org)
Nhạc sĩ Trần Trịnh được biết đến nhiều với các nhạc phẩm tiêu biểu như “Chiếc Lá Cuối Cùng,” “Hai Sắc Hoa Tigôn,” “Lệ Đá,” “Tiếng Hát Nửa Vời,” “Nhớ Về Một Mùa Xuân”…

Riêng nhạc sĩ Nhật Ngân là nghệ sĩ sáng tác mạnh nhất trong nhóm Trịnh Lâm Ngân, với khoảng 200 nhạc phẩm có giá trị nghệ thuật cao, tiêu biểu là các ca khúc “Tôi Đưa Em Sang Sông” (với Y Vũ), “Ngày Vui Qua Mau,” “Bài Hát Cho Người Kỹ Nữ,” “Đêm Nay Ai Đưa Em Về,” “Yêu Một Mình,” “Làm Quen Với Lính,” “Ngày Đá Đơm Bông,” “Quê Hương Ơi Thôi Đành Xa,” “Xuân Này Con Về Mẹ Ở Đâu”…
(Vann Phan)

Nhạc phẩm “Xuân Này Con Không Về” của Trịnh Lâm Ngân

Con biết bây giờ mẹ chờ tin con
Khi thấy mai đào nở vàng bên nương
Năm trước con hẹn đầu Xuân sẽ về
Nay én bay đầy trước ngõ
Mà tin con vẫn xa ngàn xa

Ôi nhớ Xuân nào thuở trời yên vui
Nghe pháo giao thừa rộn ràng nơi nơi
Bên mái tranh nghèo ngồi quanh bếp hồng
Trông bánh chưng chờ trời sáng
Đỏ hây hây những đôi má đào

Đ.K.:
Nếu con không về chắc mẹ buồn lắm,
Mái tranh nghèo không người sửa sang
Khu vườn thiếu hoa vàng mừng Xuân
Đàn trẻ thơ ngây chờ mong anh trai
Sẽ đem về cho tà áo mới
Ba ngày Xuân đi khoe xóm giềng

Con biết không về mẹ chờ em trông
Nhưng nếu con về bạn bè thương mong
Bao lứa trai cùng chào Xuân chiến trường
Không lẽ riêng mình êm ấm
Mẹ ơi con Xuân này vắng nhà

Mẹ thương con xin đợi ngày mai…
Vann Phan

Nghe bản nhạc: Xuân Này Con Không Về - Đan Nguyên

Không có nhận xét nào: