“Đừng gọi tôi là người anh hùng. Những người lính của tôi đã chết tại Xuân Lộc và ở hàng trăm trận đánh trước đó mới là những người anh hùng thật sự.”
(Please, do not call me a hero. My men who died at Xuan Loc and the hundred battles before are the true heroes.)
Lê Minh Đảo.
Thiếu Tướng Lê Minh Đảo,
cựu Tư Lệnh Sư Đoàn 18 BB,
trong lần hội ngộ cùng Sư
Đoàn 18 Bộ Binh, năm 2017.
Ngày 19 tháng 3 vừa qua, khi nghe tin Niên trưởng Lê Minh Đảo vĩnh viễn ra đi, tôi thấy lòng thật buồn, rất buồn, tưởng như mình đang mất một người anh trong gia đình. Chúng tôi cùng ở Miền Đông, nhưng hơn 20 năm từ khi về hưu năm 1998, vợ chồng chúng tôi đã dọn lên vùng đồi núi xa xôi này và sống bên nhau ngày qua ngày, cố bỏ qua chuyện thế sự thăng trầm nên đã không còn cơ hội gặp lại ông. Tuy nhiên tôi không bao giờ quên là vẫn còn nợ ông một lời cám ơn rất chân tình. Phải nói ông là người đầu tiên đã tạo cho tôi biết thế nào là tình huynh đệ và một sự tự tin mãnh liệt ngay trong ngày đầu tiên bước chân vào Trường Võ Bị Quốc Gia, ngày 23 tháng 11 năm 1959.
Tôi còn nhớ rất rõ, khi đám học sinh tò te chúng tôi vừa bước qua cổng Lữ Gia, Trường Võ Bị cũ, mấy ông “thần” Khóa 14 chỉ vài phút trước đó như những ‘Gentlemen’, bỗng nhiên trở thành những ‘hung thần đáng ghét’, đày đọa chúng tôi chết lên chết xuống quanh những vòng sân Vũ Đình Trường dài tưởng như vô cùng tận. Tôi thì thân thể thư sinh, một số ông Khóa 16 cùng toán nhìn tôi, rồi cho là mặt mày còn búng ra sữa. Bụng tôi thì đói meo, cổ họng hầu như không còn một chút nước bọt, mà mấy hung thần cán bộ Khóa 14 này cứ la hét “chạy chạy chạy, tác phong dân chính”, rồi lại “chạy lên chạy lên chạy lên…” không hề có một chút xót thương dù cho đến khi tôi gục ngã vì ‘bá thở’. Khi ráng tỉnh lại, bất chợt tôi thấy trên bục cao, có một ông ‘hung thần khác’, quân phục thẳng nếp nhưng khác với các vị hung thần Khóa 14 kia. Hai tay ông chống nạnh, trông cực kỳ oai phong lẫm liệt nhưng đôi mắt của ông tròn xoe nhìn xuống tưởng chừng như muốn xách đầu tôi lên. Tôi đang cố đứng dậy, nhưng hoàn toàn kiệt sức, đành phải quỵ trên đôi hai đầu gối. Tôi phì phào:
– “Tôi đói quá làm sao chạy nổi, thật là phi lý!”
Ông đã ‘phán’ một câu mà thoạt nghe làm tôi vừa mừng, vừa lạnh xương sống. Chỉ vào lời nói này đã giúp cho tôi trở thành một người sĩ quan đúng nghĩa, rất tự tin và luôn luôn hãnh diện là đã được xuất thân từ Trường Võ Bị Quốc Gia Việt Nam:
– Em vào đây, ‘qua’ (tiếng miền Nam, có nghĩa là tôi) cho em ăn, rồi ‘qua’ sẽ cho em về lại dân chính vì TVBQGVN không thể chấp nhận một người quá yếu đuối như em. Muốn trở thành một người chỉ huy, anh phải cố vượt qua những đói khát, nếu quỵ xuống thì cố mà đứng lên, phải cố vượt qua bất cứ thử thách nào và phải tìm “cái hữu lý trong cái phi lý“, phải làm được như vậy thì anh mới tốt nghiệp được quân trường này. Tôi là Trung Úy Lê Minh Đảo, sĩ quan cán bộ trong 8 tuần của các anh. Tên anh là gì?”
Tôi cho ông biết tên tôi.
Sau khi ‘chinh phục’ đỉnh Lâm Viên cao ngất của Đà Lạt và trở thành một SVSQ, tôi mới cảm nghiệm được cái ‘triết lý’ đó. Suốt trên 3 năm học tại Trường Võ Bị, mỗi khi có những chuyện thật là phi lý xảy ra, tôi đều nhớ lại lời của ông niên trưởng nhà mình Lê Minh Đảo. “Phải tìm cái hữu lý trong cái vô lý.” Những lời của ông hầu như là kim chỉ nam cho đời tôi sau này.
Năm 1993, tôi rất mừng nghe ông đến Hoa Kỳ sau 17 năm tù ngục và định cư tại Virginia, ngoại ô Hoa Thịnh Đốn. Chúng tôi gặp lại nhau trong Đêm Hội Ngộ của Hội TQLC tại thủ đô. Tôi tìm ông rồi tự giới thiệu, nhưng không ngờ ông nhớ rõ ngay cậu học trò thư sinh ngày nào đã gục ngã vì đói trên Vũ Đình Trường, Ông mừng rỡ nói:
-‘Qua’ trông em thật là chững chạc và đẹp trai trong quân phục Hải quân.
Tôi cảm phục ông vì ông vẫn còn rất minh mẫn sau bao năm chiến tranh và tù đày. Tôi mời ông đến dự lễ cưới đứa con gái cưng của chúng tôi nhưng không thấy hồi âm . Tôi không trách vì biết rằng ông mới qua Mỹ, rất bận rộn với người thân và bạn hữu khắp nơi. Nhưng không ngờ đêm tiệc hôn lễ ngày 26 tháng 6 năm 1993 tại nhà hàng Eden Garden, Virginia, ông xuất hiện và cười nói rộn rã:
– ‘Qua’ không trả lời vì muốn cho em một sự ngạc nhiên mà thôi.
Ông lại dùng tiếng ‘qua’ của người miền Nam, nghe sao thật thân thiện và đầy tình huynh đệ vô cùng. Khi xướng ngôn viên giới thiệu ông, tất cả trên 400 quan khách đều đứng lên vỗ tay thật lâu với tất cả lòng kính trọng và ngưỡng mộ đến một vị Tướng tài ba và dũng cảm trong trận chiến Xuân Lộc sau cùng.
Thiếu tướng Lê Minh Đảo sinh ngày 5 tháng 3 năm 1933 tại tỉnh Gia Định. Ông đã theo tại trường Lycée Pétrus Ký Sài Gòn, chương trình Pháp và tốt nghiệp năm 1952 với văn bằng Tú Tài toàn phần.
Cuối tháng 9 năm 1953, ông tình nguyện theo học Khóa 10 Trần Bình Trọng tại trường Võ Bị Liên Quân Đà Lạt, khai giảng ngày 1 tháng 10 năm 1953. Ngày 1 tháng 6 năm 1954, ông tốt nghiệp với cấp bậc thiếu úy hiện dịch. Mãn khóa với thứ hạng cao, ông được giữ lại phục vụ tại Trường Võ Bị Liên Quân trong chức vụ Sĩ quan Cán Bộ Trung Đội Trưởng cho Khóa 11 và Khóa 12. Cuối năm 1955, khi Quân đội Quốc Gia đổi tên thành Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa, ông được chọn đi tu nghiệp tại Trường Bộ Binh của Lục Quân Hoa Kỳ Fort Benning, Tiểu bang Georgia, Hoa Kỳ. Ông được xem là một sĩ quan ‘đa hiệu’, có thể tự lái trực thăng, và làm hoa tiêu phụ bay đêm.
Ngày 1 tháng 6 năm 1956, mãn khóa về nước, ông được thăng cấp trung úy hiện dịch và trở thành Sĩ Quan Cán bộ Đại Đội Trưởng kiêm huấn luyện viên cho trường Võ Bị Liên Quân các Khóa 13, 14, và 15. Sau khi Trường Võ Bị Liên Quân Đà Lạt được cải tổ thanh Trường Võ Bị Quốc Gia Việt Nam tháng 7 năm 1959 với một chương trình mới, đào tạo Sĩ quan Hải Lục Không Quân cho Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa, ngày 23 tháng 11, ông được chỉ định làm sĩ quan cán bộ cho Khóa 16 trong “Tám Tuần Sơ Khởi”.
Vào lúc này, Thiếu Tướng Lê Văn Kim được bổ nhiệm giữ chức vụ chỉ huy trưởng. Đầu năm 1960, Trung Úy Đảo được thăng cấp đại úy và làm sĩ quan tùy viên cho Tướng Kim. Năm 1961 khi Tướng Kim được chỉ định về Bộ Tổng Tham Mưu làm Phụ Tá Tư Lệnh hành quân, ông cũng được thuyên chuyển theo.
Đầu năm 1962, ông được cử đi tu nghiệp khóa Tác Chiến Chống Du Kích tại Mã Lai.
Mãn khóa sau sáu tháng, ông trở về nước và phục vụ tại Khối Nghiên Cứu của Bộ Tổng Tham Mưu. Ngày 2 tháng 11 năm 1962, ông được thăng cấp thiếu tá và được bổ nhiệm làm Tỉnh Trưởng tỉnh Long An được chỉ định làm Tiểu Đoàn Trưởng Tiểu Đoàn 1, Trung Đoàn 31, Sư đoàn 21 Bộ Binh. Không lâu sau, ông được giữ chức vụ Trung Đoàn Phó Trung Đoàn 31. Đầu năm 1966, ông được thuyên chuyển về Bộ Tư lệnh Quân Đoàn IV, giữ chức vụ Giám Đốc Trung Tâm Hành Quân.
Tháng 9 năm 1967, ông được Tổng Thống Nguyễn Văn Thiệu bổ nhiệm làm Tỉnh Trưởng kiêm Tiểu Khu Trưởng tỉnh Chương Thiện. Ngày Quốc Khánh 1 tháng 11 năm 1968, được thăng cấp trung tá. Cuối tháng 2 năm 1969, ông làm Tỉnh Trưởng kiêm Tiểu Khu Trưởng tỉnh Định Tường. Ngày Quân Lực 19 tháng 6 năm 1970, ông được đặc cách thăng cấp đại tá tại mặt trận.
Thời gian này, ông thường xuyên tiếp xúc và có mối quan hệ thân tình với John Paul Vann, cựu Trung Tá Lục Quân Hoa Kỳ, cố vấn cao cấp của Chương trình Bình Định và Phát Triển Nông Thôn (Civil Operations and Rural Development Support – CORDS) tại Quân Đoàn IV. Ông đã gây được ấn tượng tốt với John Paul Vann, một yếu tố có ảnh hưởng quan trọng đến sự nghiệp của ông sau này.
Trong Mùa Hè Đỏ Lửa 1972, John Paul Vann, lúc đó là cố vấn trưởng Quân Đoàn II, đã đề nghị Trung Tướng Ngô Dzu, Tư Lệnh Quân Đoàn II, bổ nhiệm Đại Tá Lý Tòng Bá và ông vào các chức vụ Tư Lệnh Sư Đoàn 22 và 23 tại Quân Đoàn II, vì viên cố vấn này cho rằng đây chính là những sĩ quan trẻ, tài năng, và có kinh nghiệm chiến trường. Đại Tá Lý Tòng Bá nhận chức vụ Tư Lệnh Sư Đoàn 23 Bộ Binh. Tháng 3 năm 1972, Đại Tá Lê Minh Đảo nhận lệnh bàn giao tỉnh Định Tường lại cho Đại Tá Chung Văn Bông và được Tổng Thống Nguyễn Văn Thiệu bổ nhiệm vào chức vụ Tư lệnh Sư Đoàn 18 Bộ Binh kiêm Tư Lệnh Biệt Khu 31 Chiến Thuật, thay thế Thiếu Tướng Lâm Quang Thơ.
Mùa Hè Đỏ Lửa, sau khi Tổng Thống Thiệu lên thăm An Lộc vào tháng 7 năm 1972, không lâu sau khi nhậm chức Tư Lệnh Sư Đoàn 18, ông được lệnh đưa sư đoàn vào An Lộc thay thế Sư Đoàn 5 Bộ Binh vốn đã bị thiệt hại nặng nề qua những đợt tấn công trong An Lộc trước đó. Trước đó khi Sư Đoàn 5 Bộ Binh đang phòng thủ An Lộc, đã có một trung đoàn của Sư Đoàn 18 tham dự hành quân làm giảm áp lực bao vây của đối phương vây quanh An Lộc. Với sự tăng phái của Liên đoàn 5 Biệt Động Quân và Liên Đoàn 81 Biệt Cách Dù, Sư Đoàn 18 trở thành đơn vị phòng thủ chính từ An Lộc đến phía Bắc Sài Gòn.
Ngày Quốc Khánh Đệ Nhị Cộng Hòa 1 tháng 11 cùng năm, ông được thăng cấp đặc cách chuẩn tướng tại mặt trận, khi ông mới 39 tuổi.
Đầu tháng 6 năm 1974, ông được lệnh của Trung Tướng Phạm Quốc Thuần, Tư Lệnh Quân Đoàn III, đưa Sư Đoàn 18 tiến vào Bến Cát trong Chiến Dịch Tam Giác Sắt với mục tiêu đánh bật các đơn vị Việt Cộng đang kiểm soát các cứ điểm tại đây.
Chuẩn Tướng Lê Minh Đảo, Tư Lệnh
Sư Đoàn 18 BB, tại mặt trận Xuân Lộc
Long Khánh, 1975.
Đầu tháng 4 năm 1975, sau các lệnh rút quân của TT Nguyễn Văn Thiệu, phân nửa diện tích lãnh thổ đã rơi vào tay Bắc quân. Sau đó, với kế hoạch ‘còn nước còn tát’, Tổng Thống ra lệnh thiết lập 3 phòng tuyến Tây Ninh, Phan Rang, và quan trọng nhất là Xuân Lộc để hy vọng sẽ chặn đứng được đà tiến công của Bắc quân, nhưng rồi cũng đành phải bỏ ‘tuyến thép’ Phan Rang. Đây chính là lúc tướng Lê Minh Đảo được chính Tổng Thống Thiệu đặt tất cả tin tưởng khi chỉ định ông làm Tư Lệnh phòng tuyến cuối cùng của Miền Nam. Để thể hiện rõ quyết tâm, Tướng Đảo tuyên bố ông sẽ “tử thủ tại Xuân Lộc”.
Ngày 21 tháng Tư, Tổng thống Thiệu tuyên bố từ chức. Phó Tổng Thống Trần Văn Hương kế vị. Để cảm kích tinh thần chỉ huy anh dũng của Tướng Đảo, ngày 24 tháng 4 Tổng thống Trần Văn Hương đặc cách thăng cấp cho ông lên cấp thiếu tướng tại mặt trận. Nhưng đau đớn thay, vận nước đã đến hồi kết, tối ngày 29 tháng 4, ông lại nhận lệnh phải lui quân, và ngay ngày sau đó là lệnh phải đầu hàng vào trưa 30 tháng 4 năm 1975 bởi TT Dương Văn Minh !!!
Quả thật, không phải chỉ chúng ta mới biết rõ và công nhận tài năng chỉ huy và tinh thần chiến đấu kiên cường của vị niên trưởng khả kính của chúng ta. Trong một bài báo tôi đọc được, nhưng không rõ tác giả, có đoạn văn viết về Tướng Lê Minh Đảo như sau:
«Chỉ sau vài tháng chỉ huy Sư Đoàn 18, Đại Tá Đảo đã đánh thắng nhiều trận, như trận Tràng Bảng, Chà Rầy, trận An Lộc, trận Đồi Gió, trận mật khu Tam Giác Sắt, trận Bến Cát, trận An Điền.
Cục diện chiến tranh thay đổi nhanh chóng sau khi Hiệp định Paris được ký kết ngày 27 tháng 1 năm 1973. Quân Đội Sài Gòn dưới sự chỉ huy của Tổng Thống Thiệu vẫn không thay đổi cách đánh, không thay đổi chiến lược, chiến thuật để đối phó với tình hình mới, trong khi quân đội của Hà Nội (CSBV) lập tức thay đổi mọi chiến lược, chiến thuật, cách đánh….
Chẳng hạn nếu như Bộ Tham Mưu của ông Thiệu đề ra “Phương Án Đảo Phú Quốc”, thì rất có thể cục diện miền Nam đã có sự thay đổi rất lớn rồi.
Đảo Phú Quốc rộng hơn 500 km2, gần bằng diện tích nước Singapore (Singapore diện tích hơn 700 km2). Chẳng hạn, nếu như Chính Phủ Sài Gòn dự định sau Hiệp Định Paris, có khả năng không giữ được miền Nam, thì rút ra đảo Phú Quốc, lấy đảo Phú Quốc làm lãnh thổ cho nước Việt Nam Cộng Hòa. Với đảo Phú Quốc, thì chỉ cần 3 sư đoàn, và lực lượng Hải Quân, Không Quân hùng mạnh do Mỹ trang bị, là đủ để bảo vệ. Rồi về lâu về dài, VNCH sẽ dùng các biện pháp để đòi lại miền Nam sau. Hải Quân, Không Quân của Hà Nội (CSBV) không mạnh, nên khó có thể chiếm được đảo Phú Quốc. Nếu có phương án đảo Phú Quốc đó, thì cục diện miền Nam Việt Nam có thể đã có thay đổi lớn rồi…»
Tôi xin không bình phẩm vì tất cả đã đi vào quá khứ. Tuy nhiên tôi vẫn tin rằng người Lính già Lê Minh Đảo sẽ không bao giờ chết vì tên tuổi hào hùng của ông đã đi vào quân sử cận đại và sẽ được vinh danh mãi mãi bởi những thế hệ con cháu của chúng ta.
Nguyễn Đức Thu, K16
1 nhận xét:
Miền Nam còn rất nhiều anh hùng như tướng Đảo, Th.Tá Vương Mộng Long.... chỉ vì số trời đã định như thế
Đăng nhận xét