Tô Vĩnh Diện là biểu tượng của anh dũng. Vì đã lấy thân mình ngáng cho khẩu đại bác nặng hai ngàn tấn không rơi xuống vực. Tuy nhiên sau giả tưởng Lê Văn Tám, dân Việt có quyền nghi hoặc: Có thật không hay chỉ là một tai nạn, một vấp ngã hay chính em bé Lê Văn Tám đã lớn lên rồi được cấp chứng minh thư tên là Tô Vĩnh Diện sinh năm 1928 ở xã Nông Trường, huyện Nông Cống, tỉnh Thanh Hóa? Làm sao Triều đình Huế biết đặt những tên xã, huyện đậm chất Cách mạng như vậy vào năm 1928? Tô Vĩnh Diện không duy nhất. Hệ thống dân vận của Việt Minh đưa ra lớp lớp những gương anh hùng.
Phan Đình Giót lấy thân mình lấp lỗ châu mai. Bế Văn Đàn lấy vai làm giá súng. Nguyễn Ngọc Bảo dũng sĩ đào hầm. Huỳnh Văn Nô dũng sĩ đâm lê và Trần Can, mà trên trang web Công đoàn Xây dựng VN khi kỷ niệm 62 năm chiến thắng Điện Biên đã viết: “Trần Can chỉ huy đơn vị đánh tan đợt pháo kích của chúng, kiên quyết giữ vững trận địa, tạo thế cho đơn vị tiến vào trung tâm Mường Thanh”[1].
Gạt sang bên câu hỏi làm cách nào một anh hùng có thể đánh tan một đợt pháo kích(?), quân đội Pháp-Việt đã có những người lính quả cảm. Bên cạnh trung úy Phạm Văn Phú với tiểu đoàn 5 Nhảy dù VN (5e BPVN) đã tái chiếm đồi Éliane 1 và giữ vững suốt đêm cho đến sáng, còn có trung úy Paul Brunbrouck. Khác Tô Vĩnh Diện lấy thân người chèn pháo, Brunbrouck dùng pháo bắn trực xạ vào đội hình của trung đoàn 209 Sông Lô và trung đoàn 165 Lao Hà Yên. Cũng khác “Phan Đình Giót hô to: Quyết hy sinh… vì Đảng… vì dân!!.. rồi rướn người lấy đà, lao cả thân mình vào bịt kín lỗ châu mai.”[2], như ghi chép trên trang Tri Ân Liệt Sĩ, phương châm của Brunbrouck giản dị: “Điều gì cho đời sống một ý nghĩa, cũng làm nên ý nghĩa của hy sinh (Ce qui donne un sens à la vie donne un sens à la mort)”. Là danh ngôn của Saint-Exupéry mà Brunbrouck tâm niệm.
Chiều 30 tháng 3-1954 Võ Nguyên Giáp tổng tấn công đợt nhì. Sư đoàn 304 vây Isabelle phía Nam. Sư đoàn 308 đánh Huguette phía Tây sân bay. Sư đoàn 316 tràn lên dẫy đồi Éliane phía Đông. Sư đoàn 312 của Lê Trọng Tấn là nỗ lực chính, trách nhiệm mở tung cách cửa vào Mường Thanh. 6 giờ chiều, toàn bộ pháo nặng của sư đoàn 351 bắn tập trung xuống Éliane và Dominique. 7 giờ 45, không đầy 2 tiếng, tiểu đoàn 3 của trung đoàn 3 Tán binh Algérie (III/3e RTA) tan hàng trên Dominique 1, tiểu đoàn trưởng Jean Garandeau tử trận. Tiểu đoàn 2 Bộ chiến Thái (2e BT) tan hàng trên Dominique 2. Toàn phân khu Đông-Bắc chỉ còn lại duy nhất cứ điểm Dominique 3 là chốt chặn sau cùng mà nếu vượt qua, Lê Trọng Tấn sẽ bọc hậu quân Dù trên Éliane hoặc tiến thẳng vào hầm chỉ huy của de Castries chỉ cách chưa đầy 1 km. Chu vi phòng thủ Điện Biên Phủ co lại còn 1,5 km chiều ngang và 1 km chiều dài. Lê Trọng Tấn hạ quyết tâm.
Lịch sử Sư đoàn Bộ binh 312, Nxb Quân đội Nhân dân ấn hành 1995, chương 3 viết: “Tiểu đoàn 130 (dự bị của trung đoàn 209) được lệnh cơ động lên tiếp tục đánh phát triển sang đồi D2. Do tổ chức không chu đáo, đánh giá địch thấp và xác định không đúng hướng đột phá, xung kích liên tiếp bị hỏa lực địch bắn lướt sườn, tiểu đoàn 130 bị thương vong nhiều. […] Tiểu đoàn 115 men theo sông Nậm Rốm đánh vào điểm cao 210 nhưng bị pháo địch bắn chặn. Do nắm địch, địa hình không kỹ, bộ đội mất liên lạc với nhau nên nhiệm vụ đánh điểm cao 210 không thực hiện được.”
Trong hồi ức Điện Biên Phủ – Điểm hẹn Lịch sử, Võ Nguyên Giáp xác nhận: “Thừa thắng, đại đoàn trưởng Lê Trọng Tấn ra lệnh cho lực lượng dự bị của 209, tiểu đoàn 130, đánh xuống cao điểm D2. […] Tiểu đoàn 130 của 209 phát triển xuống D2 vấp phải hỏa lực bắn thẳng từ trận địa pháo trên cứ điểm 210 và hai cỗ trọng liên bốn nòng đặt bên kia sông Nậm Rốm, phải ngừng lại để củng cố. Về khuya, đại bác địch càng hoạt động mạnh. Cuộc chiến đấu của bộ đội ta trên những cao điểm phía Đông đã chững lại.” [trang 268]
Chuyện gì đã xảy ra?
Cứ điểm 210 chính là Dominique 3, vị trí của pháo đội Brunbrouck thuộc Tiểu đoàn 2 Trung đoàn 4 Pháo binh Thuộc địa (II/4e RAC). “D2” trên lược đồ Việt Minh là Éliane 10 trên phóng đồ Pháp. Trung đoàn Sông Lô 209 từ Dominique 2 tràn xuống Éliane 10 phải băng ngang Dominique 3 (tức điểm cao 210 mà Võ Nguyên Giáp nhắc đến). Tình hình nguy ngập vì bộ chỉ huy Nhảy dù không còn trừ bị chiến thuật. Tiểu đoàn 6 Nhảy dù Thuộc địa (6e BPC) đã lên tăng cường cho Éliane 2. Tiểu đoàn 1 Nhảy dù Lê dương (1er BEP) thay lính Marốc (I/4e RTM) mất tinh thần trên Éliane 3. Tiểu đoàn 5 Nhảy dù VN (5e BPVN) đang phản kích lên Éliane 4. Tiểu đoàn 8 Xung kích Nhảy dù (8e CHOC) giữ Épervier. Trung tá Guy Vaillant, chỉ huy pháo binh lệnh cho Brunbrouck phá hủy đại bác và lui về khu trung tâm Claudine.
Nhưng Brunbrouck từ chối: Ai sẽ ngăn Lê Trọng Tấn tràn ngập Éliane 10 ngay sát hầm chỉ huy de Castries?
8 giờ tối, lớp sóng Việt Minh rõ dần. Brunbrouck cho hạ nòng đại bác 105 ly song song mặt đất, điều chỉnh khẩu hỏa zéro, đạn miểng nổ chụp, thời gian kích hỏa zéro, tức là khoảng cách ra khỏi nòng cho đến khi phát nổ là vài trăm thước. Brunbrouck vào máy yêu cầu phân đội đại liên phòng không của trung úy Redon phối hợp. Suốt đêm 4 đại bác 105 ly bắn trực xạ 1,800 quả đạn vào đội hình của trung đoàn Sông Lô 209, trung đoàn Lao Hà Yên 165 và tiểu đoàn 54 của trung đoàn Thủ Đô 102. Chỉ trong một đêm, hai ụ đại liên 4 nòng tiêu thụ 68,000 viên đạn 12 ly 7, quét tiểu đoàn 130, rồi tiểu đoàn 115, rồi tiểu đoàn 54 Việt Minh xuống chiếc mương do lính Nhật đào năm 1945. Dưới đáy mương công binh chiến đấu của tiểu đoàn 31 Công Binh (31e Bataillon de Génie) đã cài sẵn “charges plates”, là tiền thân của mìn định hướng Claymore. Chỉ riêng dưới mương, trên 200 xác bộ đội khi trời sáng… Nỗ lực chính của Võ Nguyên Giáp thất bại. Trung úy Brunbrouck đã giúp Điện Biên Phủ trì hoãn thất thủ thêm 6 tuần lễ. [Henri de Brancion, Artilleurs dans la Fournaise, Nxb Presses de la Cité 1993, trang 159]
Võ Nguyên Giáp không nhắc đến trung đoàn 165 Lao Hà Yên trong trận Dominique 3, ngược lại Lịch sử Sư đoàn Bộ binh 312, Nxb Quân đội Nhân dân, ghi rõ tiểu đoàn 115 của trung đoàn 165 đánh Dominique 3 không thành công. Phía Pháp, trong Pourquoi Dien Bien Phu của đại tá Pierre Rocolle, Nxb Flammarion 1968, trang 422, qua khai thác tù binh, xác định: tiểu đoàn 54/ Trung đoàn Thủ Đô 102/ Sư đoàn 308 của Vương Thừa Vũ được “chi viện” thêm để đánh Dominique 3 lúc 23 giờ đêm, tiến đến sát hàng rào kẽm gai trước khi bị tiêu diệt. Cứ điểm Dominique 3 của Brunbrouck sẽ chống trả cho đến tận sáng 7 tháng 5 nhưng viên trung úy 28 tuổi, khắc tinh của Tô Vĩnh Diện, tử trận ngày 13 tháng 4-1954.
Vào năm 2007, Khóa 191 của trường Võ bị Liên quân Saint Cyr mang tên Khóa Brunbrouck. Vì là gương anh dũng có thật mà không hư cấu.
Trần Vũ, tháng 2-2022
[1] Những tấm gương anh hùng trong chiến thắng Điện Biên Phủ:
[2] Trang Vàng Liệt Sĩ
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét