Tìm bài viết

Vì Bài viết và hình ảnh quá nhiều,nên Quí Vị và Các Bạn có thể xem phần Lưu trử Blog bên tay phải, chữ màu xanh (giống như mục lục) để tỉm tiêu đề, xong bấm vào đó để xem. Muốn xem bài cũ hơn, xin bấm vào (tháng....) năm... (vì blog Free nên có thể nhiều hình ảnh bị mất, hoặc không load kịp, xin Quí Bạn thông cảm)
Nhìn lên trên, có chữ Suối Nguồn Tươi Trẻ là phần dành cho Thơ, bấm vào đó để sang trang Thơ. Khi mở Youtube nhớ bấm vào ô vuông góc dưới bên phải để mở rộng màn hình xem cho đẹp.
Cám ơn Quí Vị

Nhìn Ra Bốn Phương

Thứ Ba, 7 tháng 12, 2021

HRW kêu gọi Úc thúc ép Việt Nam tôn trọng nhân quyền - VOA

Ngoại trưởng Úc Marise Payne bắt tay Ngoại trưởng Việt Nam Bùi Thanh Sơn trong chuyến thăm của bà tới Hà Nội hôm 8/11. Theo HRW, bà Payne không công khai nêu quan ngại về nhân quyền của Việt Nam trong chuyến công du này. Tổ chức Theo dõi Nhân quyền (HRW) thúc giục Chính phủ Úc gây sức ép để Việt Nam đạt được những mốc tiến bộ rõ ràng về nhân quyền trong cuộc đối thoại nhân quyền song phương lần thứ 17 giữa 2 nước, dự kiến được tổ chức trực tuyến vào ngày 8/12.

<!>

“Australia cần sử dụng ảnh hưởng của mình để gây sức ép với Việt Nam nhằm buộc họ thực hiện những hành động cụ thể để đảo ngược hồ sơ nhân quyền tồi tệ của mình,” bà Elaine Pearson, giám đốc quốc gia Australia của HRW, nói trong một thông cáo được tổ chức có trụ sở chính ở New York, Mỹ, đưa ra hôm 6/12. “Nhiều người ở Việt Nam đã bị truy tố chỉ vì cố gắng thực thi các quyền chính trị dân sự cơ bản mà người dân Australia coi là chuyện tất yếu.”

Trong một tờ trình đưa ra hôm 6/12, HRW đã kêu gọi chính phủ Úc vận dụng cơ hội đối thoại vào ngày 8/12 để gây sức ép với Việt Nam trong việc chấm dứt “chính sách đàn áp một cách có hệ thống” các quyền chính trị và dân sự cơ bản, trong đó có quyền tự do biểu đạt, lập hội, nhóm họp ôn hoà và quyền tự do tôn giáo cũng như tín ngưỡng. Tổ chức theo dõi nhân quyền quốc tế cũng nói rằng Australia cần yêu cầu Việt Nam ngay lập tức phóng thích tất cả các tù nhân và nghi can chính trị cũng như sửa đổi các điều luật hình sự và tố tụng hình sự “có vấn đề” để đưa những bộ luật này về quỹ đạo phù hợp với các tiêu chuẩn quốc tế.

Việt Nam, tuy nhiên, luôn phủ nhận việc giam giữ bất kỳ tù nhân lương tâm nào, cũng như nói rằng các quyền cơ bản của con người luôn được đảm bảo tại quốc gia Đông Nam Á này.

Một công dân Úc, Châu Văn Khảm, hiện vẫn đang thụ án 12 năm tù ở Việt Nam từ tháng 1/2019 vì bị cáo buộc tội “khủng bố nhằm chống chính quyền nhân dân” liên quan đến Việt Tân, một tổ chức chính trị ôn hoà tập trung vào dân chủ và nhân quyền ở Việt Nam nhưng bị Hà Nội đưa vào danh sách “khủng bố.” HRW cho rằng việc thương lượng để ông Khảm, 72 tuổi, được phóng thích và trở về Úc đoàn tụ với gia đình phải là một ưu tiên hàng đầu của Canberra trong cuộc đối thoại với Hà Nội.

Tính tới tháng 12 năm nay, HRW đã ghi nhận được ít nhất 146 người đang bị giam sau song sắt ở Việt Nam vì thực thi các quyền cơ bản của họ, trong đó có các blogger và các nhà hoạt động nhân quyền nổi tiếng như Trần Huỳnh Duy Thức, Phạm Chí Dũng, và Cấn Thị Thêu. Vẫn theo thống kê của tổ chức này, công an Việt Nam đã bắt ít nhất 30 người khác với cáo buộc mang động cơ chính trị trong đó có blogger nổi tiếng Phạm Đoan Trang và các nhà hoạt động vì quyền đất đai Trịnh Bá Phương và Nguyễn Thị Tâm. Cả ba người này dự kiến sẽ được đưa ra xét xử trong tháng này.

Hồ sơ nhân quyền của Việt Nam thường bị các chính phủ phương Tây và các tổ chức quốc tế chỉ trích là yếu kém. Bộ Ngoại giao Mỹ, trong Báo cáo về các thực hành nhân quyền 2020, nói rằng quốc Việt Nam có những vấn đề nhân quyền đáng lưu ý như việc bắt giữ và giết hại bất hợp pháp và tuỳ tiện của chính phủ, vấn đề tù nhân lương tâm hay những hạn chế nghiêm trọng về tự do biểu đạt, tự do báo chí, tự do hội họp và nhiều quyền cơ bản khác.

Quan hệ song phương giữa Úc và Việt Nam tiếp tục tăng trưởng mạnh trong những năm gần đây. Úc trong năm nay đã trở thành một trong 10 đối tác thương mại hàng đầu của Việt Nam. Tuy nhiên, theo HRW, Ngoại trưởng Australia, Marise Payne, tới thăm Hà Nội vào tháng trước và không công khai nêu các quan ngại về nhân quyền trong chuyến công du này.

Đối thoại nhân quyền thường niên lần thức 16 giữa Úc và Việt Nam được tổ chức tại Canberra vào năm 2019. Cuộc gặp lần thứ 17 được dự kiến diễn ra tại Hà Nội vào năm ngoái nhưng bị hoãn cho tới năm nay do đại dịch COVID-19.

Không có nhận xét nào: