Khi tôi đến thành phố đó, mặt trời bắt đầu lên một lượt với ngày, vạt núi thả dần ánh nắng mầu vàng, đổ chứa chan trên khắp nẻo, tôi nói xe dừng lại ngắm nhìn …
Anh mỉm cười trong tâm thức tôi, vì anh có đang ở cạnh tôi đâu, đó chỉ là những ngôn từ không thoát ra tiếng nói, hay đó chỉ là mơ mộng lâu ngày trở thành …quán tính. Tôi muốn nói với anh rằng : Anh không cần phải thốt lên âm thanh, chúng ta đang là những nhân vật nổi trong một bức tranh tĩnh . Anh biết tôi từng phút giây đang làm gì, vì mỗi ngày tôi viết thư cho anh, kể hết ngọn nguồn . Không đòi hỏi một hồi âm, dù thì thầm như hơi gió mùa thu, lẫn với sương bay, khói toả…
Tại sao có một người biết tôi từng giọt nước mắt rơi ra, từng tia nhìn lặng lẽ, mà anh lại …chậm hiểu thế chứ ?
Anh cười một cách xót xa: ” Thì suy tư của M có lạnh mấy, như gió mùa thu, cũng chỉ mát thôi . ”
Đúng rồi, có cần chi đốt lửa chờ khí ấm, bởi gió mùa thu đã lẫn trong hơi thở M rồi …người tình tịnh ngôn thân kính ạ.
Thế là mình đã mấy ngày ” nín lặng ” trong cái nhà thương ở thành phố Thiên Thần Gabriel, trong tư thế bắt buộc phải ngồi bó gối nơi chiếc ghế dành cho người thăm, kê ở cạnh giường bà chị đang đau thập tử nhất sinh.
Cả một đại dương cách trở thân tộc, chỉ có bà chị với mình ở xứ sở này, hai chị em đều đang tuổi thu vàng, ngắm cây phong bắt đầu thưa lá… nghe hơi thu lùa qua thân áo, và nỗi buồn tênh thấm vào từng chân tơ kẽ tóc mỗi người .
Bà chị ngó mông lung, nói thật nhỏ nhẹ :
” Nằm nhà thương 4 ngày, chờ thuốc chưa về, giống như là chờ chết.”
Bà chị yên lặng, rồi tiếp:
” Hình như phải có thật nhiều tiền, ở MỸ tư bản mà, để chưa hay không được cơ quan y tế chấp thuận cách chữa hay thuốc hiếm kiểu ” Mê đi Mê đi “, là bỏ tiền ra ngay . ..
” Không .” Tôi trả lời : ” Vẫn phải đi theo hành lang y tế vạch sẵn, bởi có ôm bịch tiền, cũng chẳng kéo được bịnh có tên có tuổi dữ tợn đó, ra khỏi cơ thể đâu . ”
Bà chị tội nghiệp của tôi bấy giờ đang bị nghi là ung thư bạch huyết cầu, những vết nám thoạt mầu hồng , sau sậm dần, rồi nổi những cục u, đau nhức .
” Mê đi – Mê đi ” của chị đang chưa cho phép tiến hành hoá trị…đau nhức và tái tê về cuộc sống chênh vênh trên đường đời .
Chồng chị mất năm ngoái, chị đau năm nay, không con cháu. Nhà thương là nơi chị đang tạm trú mấy hôm nay, nhưng chị với tôi đều có cảm tưởng là lâu quá rồi .
Cái viễn ảnh trước mặt mang mầu sắc thê lương chi lạ, nhưng chị yêu đời quá, chị muốn sống cảnh “độc thân ” thêm vài năm để đi chơi cho biết đó, biết đây…
Chị bảo có lên Thiên Đường đi nữa, thì cũng phải biết hạ giới này đẹp đẽ đến thế nào chứ.
Sở dĩ có hiện tượng này, thèm được sống để ngắm trời đất chung quanh ta thôi.
Chị biết tôi sẽ hỏi : ” Chị muốn sống cho ai ? ”
Và tôi biết chị sẽ trả lời : ” Muốn sống cho bản thân chị .”
Tôi cũng yêu đời như chị, nhưng lại hay so sánh các hoàn cảnh khác, của các đối tượng khác.
Tôi không đặt ước hẹn với đất trời khiêm cung như chị, xin Thượng Đế có 2 năm ( hai năm quay đi quay lại là hết ) .
Tôi không xin Ngài kiểu lương thiện thế, tôi xin cho cuộc tình tôi thơ mộng suốt trăm năm.
Buổi chiều thứ bảy ở nhà thương, khi ánh nắng bắt đầu lên lại chín tầng mây buồn nản, tôi không dám nhớ anh giờ phút này, nó làm như không gian hấp hối, như tôi đang kể, nhất là ở nhà thương, không có người thân kẻ thích.
Tôi lặng lẽ ngồi trong phòng khách lớn, nhìn thân nhân và khách ra vô thăm viếng .
Đủ giới người, đủ tuổi tác, đủ sắc tộc …
Có tiếng khóc thầm, khóc nhỏ, hay chỉ sụt sịt trong lỗ mũi, nhưng cũng có tiếng la to vì bịnh nhân đau quá .
Ngày nghỉ nên lượng người thăm viếng đông hơn ngày thường, tuy nhiên chẳng thấy ai cười rỡn, như thế là rất biết tôn trọng bịnh nhân .
Y tá tới thông báo cho chị tôi biết rằng tối , dù ai cũng nghĩ và lo là không có thể có thuốc làm xạ trị cho chị ấy, nhưng thuốc đã về, chị tôi sẽ được chuyển lên lầu 4, để làm “ki mô” như mong đợi được chữa trị .
Tôi định nói với chị nhà xa quá, chắc tôi không tới được thường xuyên đâu. Nhưng nhìn vẻ buồn nản, đôi khi hốt hoảng, tôi lại sợ chị tôi mang cảm giác tuyệt vọng về sức khoẻ không phục hồi .
Cảm giác tuyệt vọng thì khởi sự đều giống nhau, hư hao sức khoẻ như nêu trên, suy thoái tinh thần dẫn đến bất lực trầm trọng, mất niềm tin trong cuộc sống, phá sản, vô hiệu hoá tài năng và khả năng. Muốn biến khỏi thế gian này .
Sau ngồi phân tách từng trường hợp một, mới thấy là mọi chuyện đều đi tới 2 giải pháp bắt buộc tự nhiên, mà quý cụ xưa thường nói là : ” cùng tắc biến, biến tắc thông ” .
Có điều cái ” thông ” đó, nó bi quan hay lạc quan .
Cuối cùng trong chẩn trị cũng vậy, gặp thầy gặp thuốc thì khỏi bịnh thôi, và đó là cái “thông ” quý giá nhất mà ai đau ốm kinh niên, trầm kha cũng đều mong mỏi .
Chị ơi, chị thân yêu ơi, ngày mai trời sẽ sáng, chúng ta hãy cầu nguyện cho thế giới bình an, cho chị hanh thông êm đềm , hy vọng chan hoà trong bình minh rực rỡ, chị tôi cười héo hắt, còn tôi thì tràn ngập nỗi nhớ, niềm thương bao la, nhưng tuyệt vọng vô cùng, vì hình ảnh này cứ bị cắt xén dần, cho tới khi mất hút .
Bây giờ thì đúng là không còn gì trước mặt tôi, kể từ buổi chiều hôm đó, sân bệnh viện Thiên Thần Gabriel vẫn nắng mưa sương gió, năm này sang tháng khác, những người đến, những người về, song cũng đã biết bao người đến không về, mà đi mất hút, vâng , họ đã đi mất hút, kể cả chị tôi.
Tôi cúi xuống nhìn lớp lá vàng, lá đỏ, lá khô …ở một công viên nơi thành phố đó .
Có lẽ chị tôi chưa bao giờ dư thì giờ như tôi, là tới một công viên, để nghe lòng mình xa xót buồn thương …
Từ tâm thức, lại cũng chỉ từ tâm thức thôi, anh gọi tôi, anh bảo rằng : ” Cuộc đời hữu hạn là vậy, cho dẫu có níu kéo thời gian cho đủ một trăm năm, chúng ta cũng không có thêm tháng ngày tuyệt vời em hỡi …”
Chị tôi mất vào đúng buổi giao mùa vãn hạ qua thu 31/8 cách đây hơn 3 năm .
CAO MỴ NHÂN
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét