Tìm bài viết

Vì Bài viết và hình ảnh quá nhiều,nên Quí Vị và Các Bạn có thể xem phần Lưu trử Blog bên tay phải, chữ màu xanh (giống như mục lục) để tỉm tiêu đề, xong bấm vào đó để xem. Muốn xem bài cũ hơn, xin bấm vào (tháng....) năm... (vì blog Free nên có thể nhiều hình ảnh bị mất, hoặc không load kịp, xin Quí Bạn thông cảm)
Nhìn lên trên, có chữ Suối Nguồn Tươi Trẻ là phần dành cho Thơ, bấm vào đó để sang trang Thơ. Khi mở Youtube nhớ bấm vào ô vuông góc dưới bên phải để mở rộng màn hình xem cho đẹp.
Cám ơn Quí Vị

Nhìn Ra Bốn Phương

Thứ Sáu, 6 tháng 8, 2021

TƯỞNG NHỚ BA MÌNH - MỘT NGƯỜI THẦY TẬN TỤY... - Võ Hương An

"THẦY ƠI…! Cuối tháng 7 năm 1960, cầm tờ sự vụ lệnh trong tay thấy được bổ về dạy học ở trường Trung học Hàm Nghi, tôi mừng rơn. Không mừng răng được khi được dạy gần nhà, trong khi bạn cùng khoá có đứa vô tận Sông Cầu, Quế Sơn, lên Pleiku, Kontum, nghe cái tên đã nản chí anh hùng, mường tượng ra cảnh lẻ loi và đèo heo hút gió … Đã rứa, trường có hai ông sếp lớn đều là thầy cũ. thầy Hồ Văn Lê, Hiệu trưởng, dạy tôi môn Vạn Vật năm Đệ Ngũ (lớp 8 )và môn Lý Hóa năm Đệ Tứ (lớp 9); còn Tổng Giám thị là Thầy Lê Hiếu Kính, thầy dạy tôi năm lớp Nhất (lớp 5) trường Trần Cao Vân. Nghe tôi thưa lại việc bổ dụng về ngôi trường có hai vị thầy cũ đứng đầu, ông cụ tôi hoan hỷ bình luận. “Thầy đã nói rồi mà, số tử vi của con, đi ra thì có quí nhơn phò trợ”
<!>
Bởi tin chắc có quí nhơn phò trợ nên ngày 1 tháng 8 năm 1960, sau khi lên khung tề chỉnh, tôi hăng hái đạp xe tới trường trình diện nhận nhiệm sở mà không cảm thấy … run. Thầy Lê gặp thì cười. “Nì, ở đây ta cần thầy dạy văn, sử, địa, còn khoa học thì dư rồi. Nghe nói ba Dật hồi đi học, giỏi sử địa, dạy được không?”. “Dạ, thầy biểu chi xin nghe nấy”. Qua phòng Tổng Giám Thị, thầy Kính vừa bắt tay vừa vỗ vai: “Hì, hì. Rứa là thầy trò mình lại được gặp nhau rồi”. Rõ ràng là ông không quên trò Dật.

Thiệt ra, không phải đợi tới khi học lớp Nhất tôi mới biết thầy Lê Hiếu Kính và thầy mới biết tôi. Ông biết tôi từ hồi tôi còn học lớp Tư (lớp 2) với cô Thí kia. Năm 1946, tôi đã học lớp Tư rồi, nhưng chạy giặc hai năm. Ông cụ tôi sợ con quên chữ nên khi hồi cư, xin vô lớp Tư trở lại. Phải ‘khiêm tốn” mà nói rằng lúc đó mình đã “tra” mà học lại lớp cũ thì cũng dễ, vì bài bản cũng có biết qua rồi, thành ra được cái tiếng học giỏi. Không biết cô tôi mét với thầy những gì, mà một bữa nọ, đang học bỗng có một anh học trò lớp Nhất vào lớp xin cô Thí “cho trò Dật lên gặp thầy Kính có việc”. Tôi lẽo đẽo đi theo anh ta mà lòng hồi hộp không biết chuyện chi. Thầy kêu lên bảng, vẽ hình và bắt đầu đặt câu hỏi để tôi trả lời. Bây giờ nhớ lại thì hình như thầy muốn trắc nghiệm tôi về các ý niệm bằng nhau, hơn, kém, gấp đôi, một nữa v.v… Tôi chỉ biết trả lời theo trực giác, và may là đúng hết, được cả lớp vỗ tay, nghe cũng đỡ run. Thầy khen giỏi, rồi cho về. Ông anh tôi đang học lớp Nhất với thầy. Chiều hôm đó về nhà, tôi nói với ông: “Tưởng thầy hỏi chuyện chi, mấy câu thầy hỏi đều dễ cả mà”.
Ông anh tôi trợn mắt: “Mi đừng có trạng cóc. Thầy thử mi đó. May mà mi trả lời đúng, chứ sai thì tụi hắn cười mi thúi óc, mà cười cả tau nữa”. Vậy là tôi tịt.
Một bữa tôi nghe ông anh học bài học thuộc lòng

Học hành gắng lấy hỡi em ôi,
Ích lợi rồi ra biết mấy mươi
Êm ấm gia đình, nhờ có học
U mê thế sự bởi ham chơi
Kiêu căng xảo quyệt, đừng khôn nhé.
Ít ỏi thiệt thà giả dại hơn
Nước nhà nuôi dạy, ơn đừng phụ
Hiếu trung vẹn vẹn vẻ mới nên người.

Thấy bài thơ hay hay, tôi lẩm nhẩm đọc theo, ông anh tôi quay sang bảo:
- Mi biết bài thơ ni của ai không? Của thầy Lê Hiếu Kính đó. Thầy tau tài lắm, mi lấy chữ đầu của mỗi câu mà ghép lại thì ra tên của thầy, là Hiếu Kính(1).
Tôi lẩm nhẩm và khi nhận ra điều đó thì phục thầy quá. Thành ra đến khi học lớp Nhất với thầy thì tôi đã học thuộc lòng bài này trong khi cả lớp chưa chép xong vào vở. Tụi bạn phục lăn hỏi: “răng mi tài rứa?” – Thì tau học lóm anh tau, có chi mô. Không biết trong các bạn đọc bài ký này, có ai biết và nhớ bài đó không?

Thầy họ Lê và mạ tôi cũng họ Lê, do vậy khi gặp mạ tôi, thầy kêu bằng O, nghe thiệt là gần gũi thân tình, mạ tôi thích lắm, về mét với cả nhà. Làm mụ O thầy giáo của con mình, không oai răng được.

Khi được chính thức làm học trò của thầy, tôi thấy ông có những “chiêu” dạy học mà về sau này tôi mới nhận ra là rất sư phạm, rất sáng tạo. Điều này có lẽ do thầy vừa là một nhà giáo yêu nghề vừa là một huynh trưởng trong Hướng đạo. Trong đời đi học, bạn đã thấy một thầy giáo hay cô giáo nào viết lên bảng đen mà y như viết trong vở không? Chữ đều đặn, ngay hàng thẳng lối, lại có nét đậm nhạt như viết tập. Còn tôi, tôi chỉ mới thấy có một thầy Kính. Rèn luyện cho học sinh những bước cơ bản nhất nề nếp nhất của đời học sinh, tôi nghĩ thầy là một mẫu mực điển hình. Bước vào lớp, bức tranh bàn tay cầm bút đúng cách đập ngay vào mắt, không thể không thấy. Thầy nghiêm mà từ, thành ra học trò không bị những hình phạt có khi nặng tay như đối với các thầy khác. Tôi thích nhất là giờ học thuộc lòng và giờ trả luận. Bao giờ chép bài học thuộc lòng vào vở xong, thầy cũng canh đồng hồ và cho cả lớp 10 phút hay 15 phút học tại chỗ. Cả lớp nghe rì rầm như tiếng ong mật mùa xuân. Xong, thầy hỏi ai thuộc đưa tay lên đọc. Cái này thì tôi ăn tám, chín điểm ngon ơ, nhất là những bài học thuộc lòng thuộc loại thơ mới, thầy chọn toàn những bài rất hay . Nên bài thơ đi vào bộ nhớ của mình như đi dạo mát buổi chiều. Nhưng đừng tưởng ăn quen bén mùi nhé. Lần sau, có đưa tay, thầy cũng kêu sau, thầy gọi hết người mới thì người cũ mới được chiếu cố; thầy muốn mọi người cùng làm việc và không phân biệt đối xử.

Học trò viết chính tả thì sợ nhất là bỏ sai dấu hỏi dấu ngã. Vì vậy, thầy dạy luật hỏi ngã rất kỹ. Bây giờ tra (già) rồi, có khi lạng quạng cố nhớ lại tên người quen mà nhớ cũng không xong, vậy mà vẫn không quên câu thần chú năm xưa thầy truyền cho học trò để xuống núi, “Anh Huyền ngã nặng, hỏi con dao có sắc không”.
Học trò nào cũng có một cuốn vở 50 trang làm vở luận. Trong giờ trả luận, thầy đưa ra nhận xét chung, xong kêu vài tác giả điển hình lên bảng sửa những câu viết sai, hoặc sai về văn phạm, hoặc sai về cách dùng chữ … Nếu tác giả sửa không xong thì thầy chỉ chỗ sai và kêu cả lớp giúp sức. Đây là dịp cho cả lớp cười thoải mái vì những lời bình luận hài hước của thầy, nhưng học được rất nhiều. Thầy lại còn trích những câu văn hay, bắt cả lớp chép vào vở để bắt chước. Tôi còn nhớ trong bài luận tả về người học trò đi trễ, một bạn nào đó (hình như tên Manh?) đã tả anh học trò tới lớp với bộ hớt hải và “trên môi còn đôi chút nước miếng khô”. Thầy khen là người viết đã có óc nhận xét, chi tiết tuy nhỏ nhặt mà cụ thể, rõ ràng là vội vàng cho tới nổi không kịp rửa mặt hoặc rửa mặt qua loa, không sạch, nên trên môi mới còn nước miếng khô đọng lại. Còn tôi thì cứ nghĩ thầm: làm răng hắn có thể thấy được chuyện đó để tả, còn mình thì không thấy chi hết, phục bạn mình quá, nên còn nhớ tới chừ. Nay thì thầy đã nơi tiên cảnh, còn bạn ở mô?

Còn chừng một hai tháng thì tới kỳ thi Tiểu học, thầy bảo cả lớp phải lấy 5 tờ giấy manh có kẻ hàng, khổ nhỏ, đóng thành một cuốn vở, sáng thứ bảy nào cũng phải đem theo, ai không có sẽ bị 5 điểm xấu. Hôm đầu tiên, thầy bảo giở trang đầu ra viết, viết ở giữa trang hai chữ lớn : Lời Dặn, ở dưới thì đề tên trường, lớp và họ tên học sinh. Cứ mỗi cuối tuần, thầy lại dặn một vài điều và bắt chép vào vở, rất vắn tắt. Tuần sau trước khi dặn điều mới, thầy lại hỏi điều cũ. Thi ngày nào? Thi ở đâu? Nhớ đem theo cái gì? Viết chính tả thì phải làm sao? Rồi toán, khoa học thường thức, thậm chí cả bài học thuộc lòng hay bài hát khi vào vấn đáp, đều có những bí quyết phải nhớ để thi đậu. Vào hôm cuối cùng, thầy lần lượt kêu từng đứa đem cuốn lời dặn lên, thầy viết lời chúc và ký tên làm kỷ niệm.

Mới ngày nào còn thò lò mũi xanh đó mà nay thầy trò cùng làm việc một chỗ, nên lại càng thân tình hơn. Tuy vậy, sự gắn bó vẫn chưa phải là chặt chẽ, vì dạy xong, hết giờ thì tôi thơ thới hân hoan ra về, trong khi thầy vẫn còn phải ở lại lo vấn đề trật tự kỷ luật, coi trong ngó ngoài chứ đâu có được thong thả như người đứng lớp.
Không nhớ là năm nào, nhưng hôm đó là sau kỳ thi tuyển vào lớp Đệ Thất ( lớp 6 ) của Trường Hàm Nghi. Thấy tôi, Thầy Kính nói, “Dật vô phòng, mình nói chuyện này cho nghe”. Thói quen của thầy khi nói chuyện với học trò lớn tuổi, có khi xưng thầy, có khi xưng mình, như bạn.
- Dạ, thưa thầy chuyện chi rưá?
- Dật có quen ông Lê Viêm, chủ hiệu Lê Viêm photo ở ngã Giữa không?
- Dạ, hiệu ảnh đó thì biết nhưng không quen ông chủ. Mà có chuyện chi răng thầy?
- Hôm chủ nhật, mình gặp ông Viêm. Ông hỏi ở trường anh có ông thầy nào tên Võ Văn Dật không? Mình nói có anh ấy là học trò cũ của tôi đó, hỏi chi rứa? Ông ta kể rằng năm nay ông có người con thi vào Đệ Thất Hàm Nghi. Mấy bữa trước khi thi có người xưng tên là Võ Văn Dật, dạy trường Hàm Nghi, có thể giúp cho cháu nó đậu. Anh ta ra giá là hai ngàn, bây giờ đưa trước hai trăm để đãi bạn bè chấm thi uống cà phê, ít bữa có kết quả, lấy luôn. Kết quả niêm yết tuần trước, con ông ta rớt, tức mình nên ông mới hỏi cho ra …
Tôi nghe mà đắng họng, vội cắt ngang:
- Chu cha, thằng mô mà ác ôn rứa, hắn làm em mang tiếng chết. Đời mô em làm chuyện đó …
Thầy cười hiền từ:
- Đừng nóng, mình biết rồi, không đời mô Dật làm chuyện đó. Mình đã đính chính với ông Lê Viêm rồi. Khi mô rảnh thì ghé tiệm cho ông thấy mặt, là mọi chuyện minh bạch hết. Mình cũng đã từng mang tiếng như rứa rồi. Cứ tới mùa thi thì tụi “đơm bẫy đọt tre” lại xuất hiện làm ăn. Chỉ tội ông ta cả tin, mất hai trăm bạc mà không được chi hết.
Tôi cảm ơn thầy đã cho tôi biết mà gỡ danh dự, vội vã cáo từ, và nói: “Em ra gặp ông Lê Viêm ngay chừ đây”.
Khi trường Hàm Nghi trở thành Đệ Nhị cấp (cấp 3) và tôi được cử làm Giám học, phụ trách học vụ thì lúc bấy giờ thầy trò thiệt là không rời, cả nghĩa bóng lẫn nghĩa đen, nhất là khi giáo sư Hiệu trưởng Nguyễn Đình Phiên đổi vào Bộ Giáo Dục làm thanh tra, và tôi phải kiêm nhiệm Quyền Hiệu trưởng. Hai thầy trò nương tựa vào nhau, hổ trợ nhau để làm cho guồng máy chạy đều êm ái.

Đầu năm 1970, tôi rời trường Hàm Nghi sau mười năm gắn bó, để nhận một công việc khác, vậy mà tết năm đó thầy trò còn tổ chức được một trại tết tại trường, một kỷ niệm khó quên đối với tôi. Học sinh cắm trại ở lại đêm, mặc dầu đã có giáo sư hướng dẫn và quí vị giám thị trông coi, nhưng suốt cả đêm hai thầy trò vẫn cứ không yên bụng, không ngủ, chia nhau đi lò dò từ khu vực lớp này tới lớp khác, coi có chuyện chi bất trắc xảy ra hay không. Sáng mồng Một tết (giả định), toàn thể học sinh Đệ Nhị cấp đều xuất hiện với áo dài đen quần trắng, như kiểu hồi xưa, để chúc Tết thầy cô, gây ngạc nhiên cho mọi người, nhất là các phụ huynh quan khách.
Khoảng cuối năm 1982, đang lui cui nấu cơm sau bếp thì nghe thằng con út chạy vào nói, “Ba ơi, có bác mô hỏi thăm ba”. Tôi bước ra cửa trước và ngạc nhiên la lên:
- Ui chao! Thầy! Thầy ơi, răng thầy biết em ở đây mà tìm?
Thì ra thầy Kính của tôi, kể có hơn mười năm mới gặp lại. Thầy ôm tôi, nói trong nước mắt: “Tội nghiệp, ngó không ra chi cả!” Tôi nghe mắt mình cay cay, nhưng cũng gượng nói đùa: “Thôi, ôn (2) ơi, khóc chi mà khóc, còn sống để hôm ni thầy trò mình gặp nhau đây là cũng đủ tạ ơn Trời Phật rồi. Thôi, cười vui đi”.
Hàn huyên một hồi mới biết bấy giờ thầy đã nghỉ hưu, vài tháng một kỳ, lại vào Đà Nẵng để nhận lộc của con từ Mỹ gởi về. Gặp bà chị tôi ngoài chợ Cầu Đất, Thầy biết tôi vừa được trở về sau bảy năm tu tiên trên núi. Bèn hỏi địa chỉ để khi vô Đà Nẵng ghé thăm. Cái mặt sốt rét, mần răng mà biểu trẻ đẹp (?!) như hồi xưa được, nên thầy hạ một câu “ngó không ra chi cả” là đúng rồi. Vài năm sau đó, nghe thầy bị tai biến mạch máu não, đến khi có cơ hội về Huế thăm thì mừng thay thầy đã phục hồi. Thầy đem ra khoe với tôi một cái máy đo huyết áp điện từ do các em bên Mỹ mới gởi về. Thầy nói: “Có cái ni tiện lắm, vừa theo dõi được tình trạng của mình mà còn giúp được bà con nữa. Mình cứ mang máy đi đo cho mấy người lớn tuổi như mình trong xóm, ai cũng thích”. Giúp đỡ và làm vui người khác bao giờ cũng là bản tính của thầy.
Cũng may là trước khi đi định cư ở Hoa Kỳ, tôi đã có cơ hội thăm thầy, ngồi uống trà để nói chuyện đời xưa, nếu không chắc là ân hận mãi vì vài năm sau thì thầy mất, cũng chứng bệnh cũ.
Thầy không huy chương, nhưng tôi nghĩ thầy Lê Hiếu Kính - một đời tận tụy với sự nghiệp giáo dục.

VÕ HƯƠNG AN
Trích “Hàm Nghi Yêu Dấu, 2006”

Phụ chú:
(1) Baì thơ này thật ra là của thân sinh Thầy.
(2) Ôn=Ông.
(Hình Thầy Cô Hàm Nghi, ba mình bìa phải hàng thứ hai, thầy Dật thứ hai từ bên trái, hàng thứ ba)

Không có nhận xét nào: