Phó tổng thống Mỹ Kamala Harris (T) họp báo chung với thủ tướng Singapore Lý Hiển Long (P), Singapore, ngày 23/08/2021. REUTERS - EVELYN HOCKSTEIN - Trọng Nghĩa - Mở đầu chuyến công du Đông Nam Á tại Singapore, hôm nay, 23/08/2021, phó tổng thống Mỹ Kamala Harris đã hội đàm với thủ tướng Lý Hiển Long và tổng thống Halimah Yacob. Nhân dịp này, bà Harris tái khẳng định cam kết của Washington nỗ lực làm việc với các đối tác và đồng minh nhằm bảo đảm một trật tự quốc tế dựa trên luật pháp và quyền tự do hàng hải ở Biển Đông. Theo hãng tin Anh Reuters, nữ phó tổng thống Mỹ tuyên bố: “Hôm nay, chúng tôi có mặt tại Singapore để nhấn mạnh và tái khẳng định mối quan hệ lâu dài của chúng tôi với đất nước này và với khu vực này, đồng thời củng cố tầm nhìn chung về một khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương tự do và rộng mở".
<!>
Phó tổng thống Harris cho biết trong các buổi họp với các lãnh đạo Singapore, bà đã khẳng định trở lại “cam kết của Hoa Kỳ trong việc hợp tác với các đồng minh và đối tác xung quanh vùng Ấn Độ - Thái Bình Dương để nâng cao trật tự quốc tế dựa trên luật pháp và quyền tự do hàng hải, kể cả ở Biển Đông”.
Theo Reuters, Biển Đông đã trở thành một trong những điểm nóng trong quan hệ giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc, với việc Washington bác bỏ những "yêu sách chủ quyền phi pháp" của Bắc Kinh ở vùng biển này. Một trong những nhiệm vụ của bà Harris nhân chuyến công du Đông Nam Á lần này là thuyết phục các nhà lãnh đạo ở Singapore và Việt Nam về tính vững bền của cam kết của Washington đối với vùng Đông Nam Á, không giống như trường hợp Afghanistan.
Trước các cam kết của Mỹ, thủ tướng Singapore Lý Hiển Long cho rằng nhận thức về quyết tâm và cam kết của Hoa Kỳ đối với khu vực sẽ được xác định bằng “những gì mà Hoa Kỳ sẽ làm trong tương lai, cách Mỹ xác định lại chỗ đứng của mình trong khu vực, cách Mỹ thu hút bạn bè, đối tác và đồng minh của mình”.
Dù không phải là đồng minh có hiệp ước quân sự với Hoa Kỳ như Hàn Quốc và Philippines, Singapore là một trong những đối tác an ninh quan trọng nhất của Mỹ trong khu vực. Tuy nhiên, quốc gia Đông Nam Á này cũng tìm cách cân bằng các mối quan hệ với Hoa Kỳ và Trung Quốc bằng cách không đứng hẳn về phía nào.
Là quốc gia có hải cảng lớn nhất vùng Đông Nam Á, Singapore luôn ủng hộ quyền tự do hàng hải trong khu vực, nơi mà Trung Quốc đang ngày càng trở nên quyết đoán - một mối quan tâm mà các quan chức Mỹ muốn giải quyết thông qua chuyến thăm của bà Harris tới Singapore và Việt Nam.
Hồ sơ an ninh rất được chú ý nhân chuyến thăm Singapore của nữ phó tổng thống Mỹ. Theo một tài liệu vừa được Nhà Trắng chia sẻ, hôm nay hai bên đã đạt được một số thỏa thuận an ninh nhằm tái khẳng định sự hiện diện của Mỹ trong khu vực thông qua “việc triển khai luân phiên các máy bay trinh sát P-8 và tàu cận chiến duyên hải của Mỹ tới Singapore”. Hoa Kỳ và Singapore cũng nhất trí mở rộng hợp tác an ninh mạng trong các lĩnh vực tài chính, quân sự và tăng cường trao đổi thông tin về các mối đe dọa mạng. Trong chương trình, bà Harris cũng sẽ thăm Căn Cứ Hải Quân Changi của Singapore và tham quan chiến hạm USS Tulsa trú đóng tại đấy.
EU kêu gọi các nước thành viên đón nhận người tị nạn Afghanistan
Thủ tướng Tây Ban Nha Pedro Sanchez ( G) cùng các lãnh đạo EU, bà Ursula Von der Leyen, ông Charles Michel thăm trung tâm tiếp nhận người di tản từ Afghanistan trong sân bay Torrejon gần Madrid, ngày 21/08/2021. REUTERS - JUAN MEDINA
RFI
Cùng với thủ tướng Tây Ban Nha, Pedro Sanchez, bà chủ tịch Ủy Ban Châu Âu, Ursula von der Leyen và ông Charles Michel chủ tịch Hội Đồng Châu Âu, hôm qua 21/08/2021, đã đến thăm trung tâm tiếp nhận công dân Liên Hiệp Châu Âu từ Kabul về cũng như kiều dân Afghanistan được di tản, đặt ngay tại sân bay Torrejon de Ardoz, phía đông Madrid.
Dù chiến dịch di tản đang gặp nhiều trở ngại ở Kabul, các chuyến bay trở người di tản về châu Âu vẫn còn thưa thớt, các lãnh đạo châu Âu muốn thuyết phục các nước thành viên hãy đón nhận người tị nạn Afghanistan trong thời gian tới.
Thông tín viên François Musseau tại Madrid tường trình :
« Ba nhà lãnh đạo đã đưa ra thông điệp chung : Thời gian hai mươi năm Afghanistan sống trong vòng ảnh hưởng của phương Tây đã không diễn ra vô ích. Nói cách khác, theo thủ tướng Pedro Sanchez, việc phe Taliban nắm quyền sẽ không có ảnh hưởng gì đến chuyện tiền bạc năng lượng đã được chi cho sự ổn định an ninh, phồn thịnh và phát triển của đất nước này. Rất đông người Afghanistan, nhất là phụ nữ đã có thể được học hành và điều này không dễ gì loại bỏ được.
Liệu có lạc quan quá không ? Dù gì thì đó cũng là ý kiến của chủ tịch Hội Đồng Châu Âu Charles Michel và bà chủ tịch Ủy Ban Châu Âu Ursula von der Leyen trong khi đến thăm một trại tiếp nhận người tị nạn có sức chứa 800 người : "Toàn bộ giai đoạn từ sau khi chế độ Taliban chấm dứt năm 2001 cũng đã có ích, mọi nỗ lực đó sẽ để lại dấu ấn".
Đồng thời, bà chủ tịch Ủy Ban Châu Âu khẳng định không hề có tiếp xúc chính trị nào với Taliban và không có chuyện Châu Âu rót dù chỉ 1 euro cứu trợ nhân đạo cho một chế độ như bà nói là không tôn trọng nhân quyền ».
"Không thể di tản hết" đến ngày 31/08
Hôm qua, 21/08, lãnh đạo Ngoại Giao Châu Âu, Josep Borrell đánh gia là « không thể » sơ tán tất cả các cộng tác viên người Afghanistan từ nay đến ngày 31/08. Ông cho rằng chính những biện pháp an ninh của Hoa Kỳ tại sân bay Kabul đã cản trở chiến dịch di tản người khỏi Afghanistan hiện nay.
Chính quyền Mỹ ấn định đến ngày 31/08 sẽ rút toàn bộ quân khỏi Afghanistan, đồng thời dự tính di tản hơn 30 nghìn người Mỹ và dân thường Afghanistan.
Riêng phái đoàn Liên Hiệp Châu Âu tại Kabul có tổng cộng 400 cộng tác viên người Afghanistan cùng gia đình của họ. Đó chỉ là số người đang làm việc cho đại diện EU, còn trong 20 năm qua số cộng tác viên của EU tại chỗ rất đông.
Liên Âu đã hứa di tản các công tác viên Afghanistan và gia đình họ, nhưng đến giờ mới chỉ có 150 người tới Tây Ban Nha. Pháp những ngày qua cũng đã cố gắng di tản qua 5 chuyến không vận, mỗi chuyến có trên dưới 100 người, gồm công dân Pháp và nhân viên người Afghanistan cùng với gia đình họ về Paris.
Ukraina: Hội nghị quốc tế bàn cách thu hồi bán đảo Crimée bị Nga sáp nhập
Hải quân Nga diễn tập gần cảng Sevastopol, bán đảo Crimée. Ảnh chụp ngày 26/07/2021. AFP - STR
Trọng Nghĩa
Các cuộc họp ngoại giao nối tiếp nhau tại Ukraina. Sau cuộc gặp thượng đỉnh Đức-Ukraina ngày hôm qua giữa thủ tướng Đức Angela Merkel với tổng thống Ukraina Volodymyr Zelensky, hôm nay, 23/08/2021, thủ đô Kiev lại đón tiếp đại diện hơn 40 quốc gia trong khuôn khổ cơ chế mang tên “Cương Lĩnh Crimée”.
Mục tiêu của hội nghị quốc tế này là tìm cách thu hồi vùng bán đảo Crimée của Ukraina, bị Nga sáp nhập vào năm 2014. Matxcơva đã gây áp lực để nhiều nước không tham gia hội nghị này.
Từ Kiev, thông tín viên RFI Stéphane Siohan giải thích về tầm quan trọng của cuộc họp:
“Cương Lĩnh Crimée là một hội nghị thượng đỉnh quốc tế quy tụ đại diện của khoảng 45 quốc gia. Đối với bộ Ngoại Giao Ukraina, mục tiêu của hội nghị là tạo ra một cơ quan tham vấn giữa tất cả các quốc gia lên án việc Nga sáp nhập Crimée, với một tuyên bố chung có thể tạo thành cơ sở pháp lý trong tương lai cho sự trở lại của Crimée dưới chủ quyền Ukraina, phù hợp với luật pháp quốc tế.
Theo các nhà tổ chức, đây là sáng kiến quốc tế đầu tiên kể từ sau Chiến Tranh Thế Giới Thứ Hai nhằm chống lại một vụ thôn tính lãnh thổ.
Ngoài vấn đề chủ quyền vùng Crimée, các cuộc thảo luận cũng sẽ tập trung vào vấn đề đàn áp cộng đồng thiểu số người Tatar ở Crimée, cũng như việc phong tỏa Biển Azov, và thậm chí cả Biển Đen mà Liên Bang Nga tiến hành trên thực tế.
Điện Kremlin hết sức bất bình trước sáng kiến này, đến mức đã gây áp lực lên nhiều quốc gia để họ không tham gia nhóm Cương Lĩnh Crimée. Một ví dụ là Azerbaijan, dù nói chung có quan hệ tốt với Ukraina, đã phải lánh mặt vào giờ chót”.
Nord Stream 2: Kiev quan ngại, Berlin trấn an
Cũng liên quan đến Nga, tổng thống Ukraina Volodymyr Zelensky tin chắc rằng đường ống dẫn khí đốt Nord Stream 2 nối liền Nga và Đức sắp hoàn thành là "vũ khí địa chính trị nguy hiểm của Điện Kremlin".
Tiếp thủ tướng Đức Angela Merkel tại Kiev vào hôm qua, ông Zelensky nhấn mạnh: “Không ai có thể phủ nhận rằng khi Nord Stream 2 hoàn thành, những rủi ro chính sẽ đè nặng lên Ukraina”.
Thủ tướng Đức một lần nữa đã cố trấn an Kiev, lưu ý rằng bà đã đạt được một thỏa hiệp với Hoa Kỳ để dự án - mà Mỹ phản đối - vẫn được tiến hành, với điều kiện là Matxcơva không sử dụng nó nhằm làm suy yếu Ukraina, và hợp đồng vận chuyển khí đốt qua ngõ Ukraina sẽ được gia hạn sau khi hết hiệu lực vào năm 2024.
Nghệ sĩ Joséphine Baker sẽ được vinh danh tại Điện Pantheon
Ảnh tư liệu chụp ngày 19/08/1961. Joséphine Baker nhận huân chương Bắc Đẩu Bội Tinh và huân chương Croix de Guerre. © AFP/File
Trọng Nghĩa
Ca sĩ, diễn viên múa người Pháp gốc Mỹ da đen Joséphine Baker (1906-1975), nổi tiếng với ca khúc J’ai deux amours – Tôi có hai tình yêu – sẽ được đưa vào điện Panthéon Paris vào ngày 30/11 tới đây. Theo nhật báo Pháp Le Parisien vào hôm qua, 22/08/2021, tổng thống Pháp Macron đã đáp ứng một bản kiến nghị có 38.000 chữ ký để vinh danh nữ nghệ sĩ, đồng thời là một nhân vật nổi bật trong cuộc kháng chiến chống Đức Quốc Xã và sau đó trong cuộc đấu tranh chống phân biệt chủng tộc.
Theo Le Parisien, chính tổng thống Pháp hôm 21/07 vừa qua đã chấp thuận việc đưa tro cốt của Joséphine Baker vào điện Panthéon ở Paris, nơi vinh danh các “vĩ nhân” của nước Pháp.
Sau một cuộc tiếp xúc tại điện Elysée với một nhóm nhân vật đã đến để thuyết phục ông vinh danh Joséphine Baker, ông Macron đã tuyên bố chấp thuận đề nghị này. Trong số những người đến thuyết phục tổng thống Pháp, có tiểu thuyết gia Pascal Bruckner, ca sĩ Laurent Voulzy, nữ doanh nhân Jennifer Guesdon, nhà viết tiểu luận Laurent Kupferman và đặc biệt là Brian Bouillon-Baker, một trong những người con trai nuôi của Joséphine Baker.
Hồ sơ đề nghị đưa Joséphine Baker vào điện Panthéon đã được điện Élysée xem xét lần đầu tiên vào cuối tháng 6. Trước đó một bản kiến nghị ủng hộ việc này, được Laurent Kupferman đưa ra cách đây hai năm, đã thu thập được 38.000 chữ ký.
Bản kiến nghị đã nói như sau về người được biết đến nhiều nhất nhờ ca khúc J’ai deux amours (Mon pays et Paris): “Nghệ sĩ, ngôi sao quốc tế da đen đầu tiên, nàng thơ của những người theo chủ nghĩa lập thể, kháng chiến quân trong Thế Chiến Thứ Hai trong Quân Đội Pháp, nhà hoạt động cùng với Martin Luther King vì dân quyền ở Hoa Kỳ và ở Pháp cùng với Lica (Liên Đoàn Quốc Tế chống chủ nghĩa bài Do Thái), bây giờ là Licra, tức là Liên Đoàn Quốc Tế chống Phân Biệt Chủng Tộc và chủ nghĩa Bài Do Thái”.
Từ hơn một thế kỷ nay, điện Pantheon ở trung tâm Paris là nơi vinh danh những "vĩ nhân" của Pháp, được “tổ quốc tri ân”. Trong số 80 người được vào Pantheon, có các chính trị gia, nhà văn, nhà khoa học, nhân vật tôn giáo và rất nhiều quân nhân. Chỉ có 5 người phụ nữ tôn vinh ở đó, trong đó có nhà bác học Marie Curie. Người gần đây nhất mới được đưa vào điện Panthéon là nữ chính khách Simone Veil, vào năm 2018.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét