Tìm bài viết

Vì Bài viết và hình ảnh quá nhiều,nên Quí Vị và Các Bạn có thể xem phần Lưu trử Blog bên tay phải, chữ màu xanh (giống như mục lục) để tỉm tiêu đề, xong bấm vào đó để xem. Muốn xem bài cũ hơn, xin bấm vào (tháng....) năm... (vì blog Free nên có thể nhiều hình ảnh bị mất, hoặc không load kịp, xin Quí Bạn thông cảm)
Nhìn lên trên, có chữ Suối Nguồn Tươi Trẻ là phần dành cho Thơ, bấm vào đó để sang trang Thơ. Khi mở Youtube nhớ bấm vào ô vuông góc dưới bên phải để mở rộng màn hình xem cho đẹp.
Cám ơn Quí Vị

Nhìn Ra Bốn Phương

Thứ Hai, 10 tháng 5, 2021

DẤN BƯỚC THĂNG TRẦM - NGUYỄN BẢO HƯNG

- 2 b-(« L’homme se découvre quand il se mesure avec l’obstacle. » Antoine de Saint-Exupéry (Œuvres - Terre des hommes – p.139 – Bibliothèque de la Pléïade, Editions Gallimard 1959 )(Con người phát hiện được mình khi phải đương đầu với thử thách.)(tiếp theo) Trước đây mỗi lần cầm đến cuốn tiểu luận tôi thường chú ý tới chương chót nhiều hơn, có lẽ vì nó được mang tiểu đề « Le mythe de Sisyphe » như tựa cuốn sách. Mặc dù chịu khó đọc đi đọc lại nhiều lần, nhưng có lẽ còn chưa tách thoát khỏi ảnh hưởng của những sự tích truyền khẩu, tôi vẫn quay về với hình ảnh thần thoại của một Sisyphe người hùng nổi loạn. Giờ đây hoàn cảnh sống đặc biệt này đã tạo điều kiện cho tôi nhớ lại, biết đọc ra và tưởng chừng đã hiểu được đúng hơn tư tưởng của nhà văn danh tiếng Pháp. Giờ đây tôi cũng đã biết thay đổi cách nhìn vấn đề.
<!>
Dưới ngòi bút Camus, Sisyphe quả có là con người nổi loạn. Nhưng Sisyphe không nổi loạn cốt để tạo thành tích nổi loạn. Sisyphe không nhờ nổi loạn mới được sống mãi trong trí tưởng tượng dân gian như là người hùng nổi loạn. Thực ra dù có nổi loạn hay không nổi loạn, Sisyphe cũng dã là nạn nhân của các thần linh rồi. Sisyphe phải nổi loạn vì muốn dành lại quyền làm chủ cuộc sống của mình.

Trong câu chuyện thần thoại Hi Lạp, ta có thể hình dung các thần linh như những chúa tể chuyên quyền độc đoán lấy việc lũng đoạn cuộc sống thế gian làm thú tiêu khiển. Họ đặt ra những luật chơi tai ngược để buộc mọi người thi hành. Có tên Sisyphe chẳng may nhìn ra tính phi lý của các luật chơi đó. Thế là hắn phải biết đến mối bất hạnh lớn nhất ở đời. Cho tới giờ hắn quen sống an phận, đôi khi còn mãn nguyện với một vài ân sủng mà các thần linh trong những phút cao hứng sẵn sàng ban phát cho hắn. Từ khi phát hiện ra thân phận con rối của mình hắn đâm bất mãn và tính đến chuyện thoát ly để dành quyền sống. Nhưng hắn còn e ngại vì biết rằng các thần linh bạo chúa bản chất bất khoan dung sẽ thẳng tay trừng trị những ai có ý đồ chống đối. Hắn đã tính chọn giải pháp làm ngơ, giả vờ chấp nhận luật chơi để được an thân. Nhưng mưu cầu sự bình an bằng một thái độ sống giả dối như vậy liệu có khác gì khước từ quyền làm người, đó là điều hắn cho là không thể chấp nhận được. Dẫu có phải mang số kiếp nô lệ hắn vẫn là con người và còn có phẩm giá của một con người. Các thần linh có thể đày đọa hắn trong thân phận của một tên nô lệ nhưng không có quyền biến hắn thành món đồ chơi cho họ được. Thế là hắn quyết định phải đứng lên đòi quyền sống để bảo vệ phẩm giá con người của hắn.

Huyền thoại Hi Lạp, qua các sự tích, dù có diễn giải hành vi phạm pháp ra sao, ta cũng nên hiểu hành vi đó như là biểu hiện cho ý chí phản kháng của Sisyphe ; và bản án chẳng qua chỉ là một toan tính thâm độc của các thần linh nhằm bắt hắn phải trả giá cho mưu cầu tự do này. Với bản án, các thần linh quyết không còn nương tay cho hắn được hưởng cuộc sống dễ thở như trước. Họ sẽ ném trả hắn về đúng vị trí nô lệ được dành cho hắn. Từ nay Sisyphe sẽ phải làm công việc đảy đá mỗi ngày để có dịp suy ngẫm về hậu quả nổi loạn của mình. Sisyphe muốn có tự do ư ? Từ nay hắn sẽ được quyền tự do để tha hồ mà xoay sở với nhục hình đảy đá. Sisyphe muốn dành lại quyền làm chủ cuộc sống ư ? Từ nay hắn sẽ được quyền hoàn toàn quyết định về cái thân xác nô lệ của mình. Hắn có thể chọn lựa sống mòn mỏi trong tuyệt vọng với công việc đảy đá hàng ngày. Nhưng hắn cũng có thể chọn con đường giải thoát bằng tự sát để khỏi phải kéo lê một kiếp sống đọa đày. Khi đặt Sisyphe trước trạng huống vấn nạn (dilemme) này, các thần linh chắc mẩm sẽ làm cho Sisyphe phải thấm thía được cái giá hắn phải trả do ý thức nổi loạn của y. Thế là từ nay, sáng sáng mỗi lần đứng trước tảng đá định mệnh, Sisyphe không tránh khỏi băn khoăn với câu hỏi ta phải xử trí sao đây ? Câu hỏi vấn nạn này đã ám ảnh tâm trí Camus, thúc đảy ông muốn đi tìm một thái độ ứng xử thích đáng cho Sisyphe. Và kết quả là, qua nhân vật thần thoại Hi Lạp, ông tưởng chừng kiếm ra được chìa khóa cho vấn đề vốn là đầu mối ưu tư của ông : vấn đề tự tử.

Trở về với câu hỏi tiền đề cho cuốn tiểu luận : Nếu cuộc đời là phi lý ta có nên tiếp tục mãi cuộc sống vô nghĩa hay không ? Thoạt xét, câu trả lời tưởng chừng thuận lý phải là không. Nhưng nếu tỉnh táo xét lại, ta sẽ thấy giải pháp này không triệt để. Thực ra tự tử không giải quyết cho ta vấn đề phi lý. Ta tự tử để phủ nhận phi lý ; nhưng không vì hành động này mà ta thủ tiêu được phi lý. Xét cho cùng, tự tử không hề là một giải pháp mà chỉ là một lối thoát cho những ai không chịu đựng nổi sự phi lý tức « cảnh sống trong mâu thuẫn giữa một thế giới u minh dày đặc và khát vọng của tâm linh muốn thấy mọi sự ở đời đều được soi tỏ » (« ce qui est absurde, c’est la confrontation de cet irrationnel et de ce désir éperdu de clarté qui résonne au plus profond de l’homme » A. Camus - Le Mythe de Sisyphe- Folio, édit. Gallimard 1942, p.39) (8)*. Vì ta mang ảo tưởng về cuộc sống thế gian, cái ngày phi lý bỗng dưng nhảy bổ vào đời tư của ta : ta chới với, ta tuyệt vọng. Trong cơn hoảng hốt, ta vội cầu cứu Thần chết. Nhưng ta có đấy hay không có đấy, phi lý vẫn trơ gan cùng tuế nguyệt. Bởi vậy nếu biết chờ cho cơn sóng gió qua đi, ta mới thấy tự tử chỉ là một hành động tự hủy vô ích. Nhưng « liệu ta có sống nổi với một bản án chung thẩm hay không ? »(…il veut savoir s’il est possible de vivre sans appel – Sdd, p. 78) (8)* Bản án chung thẩm là phải sống mãi trong tuyệt vọng, sống không trông mong hứa hẹn được gì ở ngày mai. Đây chính là câu hỏi Camus cho rằng mới thực sự đáng quan tâm. Và ông cho rằng « tới đây vấn đề đã được đảo ngược. Nếu trước đây ta băn khoăn tự hỏi phải chăng cuộc đời cần có ý nghĩa mới nên sống thì nay, trái lại, cuộc đời càng đáng sống hơn chính vì nó vô nghĩa » (A ce point, le problème est inversé. Il s’agissait précédemment de savoir si la vie devait avoir un sens pour être vécue. Il apparaît ici au contraire qu’elle sera d’autant mieux vécue qu’elle n’aura pas de sens – Sdd, p.78) (8*) Cũng bởi cuộc đời là vô nghĩa nên ta mới cần phải sống. Sống để không đầu hàng định mệnh, sống để thể nghiệm phi lý, sống để đảm đương thân phận con người. « Đảm đương » (assumer), đây là cái ý then chốt ta cần làm sáng tỏ vì, theo Camus, điều quan trọng không phải là ta chối bỏ cái chết để chọn cái sống, mà là ta phải sống như thế nào. Ta có thể sống theo kiểu cam phận, nghĩa là chấp nhận thân phận phi lý như một số kiếp, một định mệnh do sắp đặt của một quyền lực bất khả kháng. Đổ lỗi cho số phận giúp ta tìm ra giải đáp cho vấn đề phi lý. Đồng thời nó cũng trút bỏ cho ta gánh nặng trách nhiệm với bản thân : Ta có thể vin vào số phận làm nguồn an ủi để có lý do tồn tại.

Ngược lại, ta cũng có thể khước từ sống cam phận để tỏ ra không đầu hàng với số phận. Nhưng thay vì đương đầu với phi lý ta lại tìm cách né tránh vấn đề. Ta coi cuộc sống thế gian này chỉ là giai đoạn chuyển tiếp, một giai đoạn thử thách để chuẩn bị cho ta một cuộc sống mai hậu hoàn mỹ hơn : đó là đời sống vĩnh hằng thực sự. Và ta đi tìm lẽ sống trong một niềm tin ảo tưởng mang hình thức tình cảm, tín ngưỡng, chủ nghĩa, ý thức hệ v.v… Nhưng đi tìm lẽ sống bằng một niềm tin ảo tưởng không hề giải quyết cho ta vấn đề phi lý. Thực ra đó chỉ là một cách quay lưng lại vấn đề hoặc đánh tráo vấn đề. Chúng ta tự tìm cách tự ru ngủ, tự đánh lừa bằng một niềm tin ảo tưởng để khỏi phải trực diện đối đầu với vấn đề thân phận con người. Đó là một thái độ sống giả dối, sống bằng ngụy tín (la mauvaise foi) mà A. Malraux, J.P Sartre, J. Anouil, Georges Bernanos …, các nhà văn cùng thế hệ với Camus đều lên tiếng tố cáo (9). Riêng Camus, ông không ngần ngại coi thái độ sống này là một sự tự sát triết học (le suicide philosophique) vì, thực tế, chúng ta đã tự thủ tiêu về mặt tinh thần để được tồn tại chỉ bằng thân xác.(Je prends la liberté d’appeler ici suicide philosophique l’attitude existentielle : Tôi tự cho phép gọi thái độ tồn sinh đó là sự tự sát triết học – Sdd. tr.63 ). (8*) Rút lại, Camus cho rằng chỉ có đảm đương thân phận con người phi lý mới thực sự là con đường cứu rỗi.

Đảm đương thân phận đòi hỏi ta một thái độ sáng suốt thành thực. Sáng suốt để biết nhìn ra sự thật và thành thực dể dám sống với sự thật. Nếu phi lý thuộc về cốt lõi con người và cuộc sống tự nó đã là phi lý thì chúng ta không trông mong tìm ra lẽ sống ngoài phi lý, nghĩa là chúng ta phải dám sống với phi lý, sống bằng phi lý. Mà muốn sống với phi lý, sống bằng phi lý chúng ta không có cách nào khác hơn là trực diện đối đầu phi lý, bởi vì « phi lý chỉ có nghĩa chừng nào ta không tìm cách thỏa hiệp với nó. » (l’absurde n’a de sens que dans la mesure où l’on n’y consent pas – Sdd, tr. 52). (8)* Vậy « sống là nuôi dưỡng phi lý, và muốn nuôi dưỡng phi lý ta phải dám chiếu tướng nó. » (Vivre, c’est faire vivre absurde. Et le faire vivre, c’est avant tout le regarder – Sđd, tr.78) (8*) Đó là phương châm sống của Camus : « Có chiếu tướng phi lý, ta mới ý thức được rằng không hề có đời sống cho mai hậu. Và đó chính là lý do để ta quyết định rằng tự do tùy thuộc nơi ta. » (L’absurde m’éclaire sur ce point : il n’y a pas de lendemain. Voici désormais ma liberté profonde. Sđd, tr.84) (8)* Nhờ dám chiếu tướng phi lý, ta mới thấy dấy lên nỗi bất bình biến thành sức mạnh nổi loạn thúc giục ta phải đương đầu với phi lý. Càng thêm ý thức được phi lý, ta càng được nuôi dưỡng trong quyết tâm chọn lựa nổi loạn, biến nó thành đam mê đem lại ý nghĩa cho đời sống ; và ta quyết định từ bỏ con đường tự tử. Đó chính là bài học nghịch lý Camus rút ra được từ phi lý. » (Je tire ainsi de l’absurde trois conséquences qui sont ma révolte, ma liberté et ma passion. Par le seul jeu de la conscience, je transforme en règle de vie ce qui était invitation à la mort – et je refuse le suicide. Sdd, tr.90) (8*)

Tóm lại, nếu phi lý là vấn đề cơ bản đặt ra cho mỗi cuộc sống thì chỉ có đảm đương thân phận mới là thái độ sống đích thực. Đảm đương để không tìm cách chối bỏ phi lý bằng tự tử. Đảm đương để khỏi đầu hàng khuất phục bằng một thái độ sống cam chịu. Đảm đương để khước từ cuộc sống tha hóa bằng cách đi tìm lẽ sống trong một niềm tin ảo tưởng. Đảm đương để chấp nhận dấn thân vào một cuộc trường chinh. Dưới con mắt Camus, con người phi lý thực ra cũng chỉ là chinh nhân (un conquérant). Nhưng không phải là chinh nhân theo nghĩa thường tình : Hắn không lao đầu vào các cuộc phiêu lưu mạo hiểm do thúc đẩy của bản tính hiếu động. Hắn cũng không là kẻ hiếu chiến thích gây chuyện binh đao nhằm tạo dựng một sự nghiệp lẫy lừng. Cũng là chinh nhân, nhưng chỉ có con người phi lý mới là kẻ biết đi chinh phục sự sống đích thực. Chỉ có hắn mới biết dấn thân vào một cuộc hành trình gian khổ để đi tìm cái hữu lý trong sự phi lý nhằm đem lại ý nghĩa cho đời mình. Trong cuộc tìm kiếm này hắn chỉ dựa trên có một vũ khí sắc bén độc nhất : sự sáng suốt. Là kẻ đi chinh phục sự sống, chỉ có hắn mới biết lấy ánh sáng của ý thức soi rọi vào cái thế giới tối tăm dày đặc mưu toan phủ nhận hắn. Và trước những thế lực thù nghịch chỉ rình rập đè bẹp hắn, hắn càng thấy cần biểu dương con người mình bằng một quyết tâm nổi loạn để khẳng định ý chí tự do. Và chính nhờ vào ý chí phấn đấu không mệt mỏi này mà hắn tìm ra được sự đam mê đem lại ý nghĩa cho đời sống. Nếu hắn có chọn đảm đương thân phận là để được sống cho mình ; bởi vì hắn biết rằng chỉ có hắn mới là cứu cánh cho chính hắn, và đời người chỉ có một ; nếu hắn muốn được là một cái gì đó thì chỉ có trong cuộc đời này mà thôi. (J’installe ma lucidité au milieu de ce qui la nie. J’exalte l’homme au milieu de ce qui l’écrase et ma liberté, ma révolte et ma passion se rejoignent alors dans cette tension, cette clairvoyance et cette répétition démesurée. Oui, l’homme est sa propre fin. S’il veut être quelque chose, c’est dans cette vie. Sdd, tr. 121) (8)* Đó chính là động lực nuôi dưỡng ý chí phấn đấu cho Sisyphe, và đó cũng là lẽ sống hắn mới tìm ra nhờ vào ý thức nổi loạn.(9)

« Ta phải tưởng tượng Sisyphe được hạnh phúc », lời kết cho cuốn tiểu luận lại dội lên trong óc tôi. Nhưng giờ đây nó mang một âm thanh mới chuyên chở một nội dung mới bởi vì tôi đã biết kết hợp nó với con người thực Sisyphe tôi vừa phát hiện qua tác phẩm của Camus. Đó là hình ảnh Sisyphe lúc từ đỉnh núi nhìn tảng đá lăn xuống chân núi và, đăm chiêu, bắt đầu bước về phía hang động nơi tảng đá vẫn chực sẵn : « Chính vào lúc hắn đi xuống, vào cái khoảnh khắc hắn được quyền xả hơi này, Sisyphe mới làm tôi chú ý… Tôi thấy con người ấy đi xuống với những bước chân nặng nề nhưng đều đặn hướng về nỗi nhọc nhằn mà hắn biết là vô tận. Cái giờ phút vẫn tái diễn như một nhịp thở và cũng chắc chắn như sự bất hạnh của hắn, chính là giờ phút của ý thức. Vào lúc hắn rời đỉnh núi, cứ mỗi khoảnh khắc lại đưa hắn tới gần hang động của các thần linh, hắn thấy mình cao cả hơn cả định mệnh. Hắn mạnh hơn cả tảng đá được dành cho hắn (8)*… Tất cả niềm vui thầm lặng (in đậm do tôi) của Sisyphe là ở đó. Định mệnh là do nơi hắn quyết định. Tảng đá kia cũng trở thành vật sở hữu của hắn.(8)* (C’est pendant ce retour, cette pause, que Sisyphe m’intéresse…Je vois cet homme redescendre d’un pas lourd mais égal vers le tourment dont il ne connaîtra pas la fin. Cette heure qui est comme une respiration et qui revient aussi sûrement que son malheur, cette heure est celle de la conscience. A chacun de ces instants, où il quitte les sommets et s’enfonce peu à peu vers les tanières des dieux, il est supérieur à son destin. Il est plus fort que son rocher.- Sdd, tr.165… Toute la joie silencieuse de Sisyphe est là. Son destin lui appartient. Son rocher est sa chose.- Sđd, tr.167)

« Tất cả niềm vui thầm lặng của Sisyphe là ở đó », câu viết ngắn gọn chỉ vỏn vẹn có vài chữ đơn giản thế thôi. Có lẽ vì vậy mãi tới giờ này tôi mới nhìn ra cái trọng lượng của hai chữ thầm lặng ấy. Tôi cứ nghĩ chúng chỉ giữ vai trò bổ túc khiêm tốn của một tính từ nhằm giúp cho câu văn thêm tròn trịa. Ai ngờ hai chữ thầm lặng đó lại là chìa khóa giải mã cho bức thông điệp Camus có ý gửi đến chúng ta. Nó là kho tàng sức sống bền bỉ nuôi dưỡng cho Sisyphe một tinh thần đấu tranh bất khuất. Nó cũng là tụ điểm cho ý chí quật khởi, cho nghị lực kiên cường, là nguồn tích lũy hi vọng phấn khởi giúp cho Sisyphe, mệt nhọc, vẫn giữ được những bước đi chững chạc tiến về phía tảng đá. Bởi vì những bước đi đều đặn ấy chính là kết quả của hoạt động ý thức, của suy tư cân nhắc, vào những giờ phút hắn được quyền xả hơi, khi xuống núi. Những bước chân đó chính là biểu tượng cho chiến thắng vẻ vang nhất mà Sisyphe có thể tự hào : chiến thắng được chính bản thân. Và đó mới là nguồn vui đích thực của Sisyphe, một nguồn vui thuộc về riêng hắn và chỉ có hắn biết cảm nhận. Không, niềm vui hạnh phúc của Sisyphe không hề phù phiếm như tôi tưởng. Không ! Chủ đích của Sisyphe khi cố vần cho được tảng đá lên tới đỉnh núi không cốt để, sau đó, được quyền khoanh tay ưỡn ngực kên kên xì po với các thần linh, hoặc nheo mắt hất hàm ngó lại thế gian ra vẻ ta đây cũng là một quân tử Tàu thuộc loại cà cuống chết đến đít hãy còn cay. Nếu Sisyphe đã có ý đi tìm hạnh phúc trong ảo ảnh hào quang của chiến thắng cao ngạo ấy thì chẳng mấy chốc hắn phải nhận ra tính hư ảo của cái hạnh phúc phù phiếm đó, khi hắn nhìn tháy tảng đá lại ào ào lăn xuống khe núi. Không, niềm hạnh phúc chỉ đến với Sisyphe khi hắn bắt đầu phải kéo những bước chân nặng nhọc để đi xuống núi.

Lúc bấy giờ trời đã xế chiều. Nắng hoàng hôn tô lên vạn vật một sắc vàng mềm mại óng ả. Chỉ có khoảng trước mặt là đen thẫm vì bóng Sisyphe đổ dài như muốn đè nặng lên cả một vùng thung lũng. Nhìn vũng tối bao la trước mặt, Sisyphe bỗng cảm thấy dâng lên một nỗi chán chường vô hạn. Trong một khoảnh khắc choáng váng, hắn bỗng ao ước cái vũng tối đó biến thành mõm đen ngòm của một quái vật khổng lồ đang há tác hoác sẵn sàng nuốt chửng hắn để giúp hắn được đi vào hư vô. Vào lúc nỗi chán chường mệt mỏi xâm chiếm khiến Sisyphe muốn để hai đầu gối khuỵu xuống cho toàn thân được bổ nhào xuống vực thẳm, một làn gió mát thoảng mùi thơm cỏ dại chợt thổi qua mơn trớn da thịt, đánh thức mọi giác quan nơi hắn. Sisyphe bừng tỉnh. Hắn đứng thẳng lên, mở mắt nhìn. Xung quanh hắn vạn vật như sống dạy trong bàu không khí dịu mát óng ánh một màu mỡ gà. Hoa lá xôn xao, thông reo vi vút, chim muôn ríu rít gọi đàn. Dưới khe, suối tuôn róc rach như cũng muốn đóng góp những nốt nhạc vui tươi vào bản giao hưởng chứa chan hạnh phúc này. Ồ, cuộc sống thế gian tuyệt vời quá ! Vậy mà chỉ riêng có hắn, Sisyphe, lại bị gạt sang bên lề. Tại sao vậy ? Tại sao lại có sự bất công này ? Sisyphe nhắm mắt, cố hít một hơi dài để lấy lại sự tỉnh táo. Không khí trong lành ùa vào hai buồng phổi, len lỏi từng thớ thịt, khai thông mạch máu khiến mọi giác quan trở nên bén nhọn. Hắn đánh giá được hương thơm của từng thứ cỏ dại, từng loại hoa rừng. Tiếng thông reo vi vút hơn, tiếng suối nghe cũng réo rắt hơn.Mọi ưu phiền mệt mỏi cơ hồ đều tan biến. Sisyphe lặng đi trong một khoái cảm hoan lạc như toàn thân vừa được ngấm một chất men say. Hắn mở mắt. Vạn vật hiện ra tưng bừng rộn rã hơn dưới ánh hoàng hôn rực rỡ. A, hạnh phúc thế gian là thế đấy ! Nhớ lại ý định toan tự hủy vừa qua, Sisyphe rùng mình. Tại sao hắn lại có ý nghĩ dại dột như vậy. Ai đâu có quyền cấm hắn được hưởng cuộc sống hạnh phúc thế gian. Các thần linh chăng ? Sisyphe ném vội cái nhìn xuống vũng tối trước mặt. Khối đá ngàn cân lại hiện lên ngạo nghễ như một thách đố buộc hắn phải trở về với thân phận mình.

Sisyphe sửa thế đi cho được khoan thai nhịp nhàng. Hắn cần lấy lại bình tĩnh để suy nghĩ sáng suốt. Hắn sinh ra để hưởng lộc trần thế. Hắn chẳng vừa được nếm mùi hạnh phúc thế gian đó sao. Vậy mà các thần linh lại dùng quyền lực độc đoán cột chặt hắn vào tảng đa định mệnh kia. Thay vì cuộc sống an lạc, họ lại đày đọa hắn trong lao tác đảy đá vô nghĩa mỗi ngày. Sisyphe nghiến răng nắm chặt hai bàn tay như muốn nghiền tan tảng đá nguyền rủa. Nhưng rút cục hắn đành buông tay đấm, thở dài. Sức mấy hắn đương đầu lại nổi các thần linh. Hắn đâu có thể tự mình giải thoát khỏi sợi xích oan nghiệp đó. Càng nghĩ, Sisyphe càng thấy thấm thía cho tình cảnh phi lý bi đát của mình. Vào lúc hắn sắp để rơi vào tuyệt vọng, ngàn thông bỗng reo lên vi vút như muốn nhắc nhở tới những khoái cảm hoan lạc vừa qua. Ý thức và bản năng sinh tồn lại trỗi dậy nơi hắn. Sisyphe vừa đi vừa suy ngẫm. Cuộc đời dẫu sao vẫn là vô giá và đời người chỉ có một. Sao hắn lại dại dột để cho tảng đá tầm thường kia định đoạt thay hắn ý nghĩa của sự sống còn. Các thần linh có thể đày đọa hắn trong số kiếp một tên khổ sai nô lệ. Nhưng họ không thể cướp đi của hắn quyền hưởng hạnh phúc của một con người. Chừng nào hắn còn là một khối óc, còn là một con tim ; chừng nào hắn vẫn còn biết suy nghĩ, biết cảm xúc, biết giận, biết buồn biết vui, biết thương, biết nhớ, biết mơ ước, biết hi vọng…, chừng đó hắn vẫn là hắn, là Sisyphe, là con người, nghĩa là vẫn có thể hòa nhập với cuộc sống thế gian. Vậy là Sisyphe đã quyết định. Không, nhất định không. Hắn sẽ không để cho mình sa vào cái bẫy của các thần linh. Hắn chẳng dại gì khước từ hạnh phúc thế gian bằng một hành động tự hủy. Hắn cũng không dại dột chịu giam mình trong thân phận một tên nô lệ khổ sai, chỉ biết rên xiết với nguyền rủa để suốt đời phải chịu thiệt thòi. Số phận nô lệ có thể do thần linh toan tính sắp đặt, nhưng định mệnh con người lại tùy thuộc nơi hắn. Nếu hắn quyết định chọn làm người, không ai có thể tước đoạt quyền sống của một con người nơi hắn được.

Niềm tin lấy lại, Sisyphe thấy bừng lên một sức sống hắn không có ngờ. Hắn cũng phát hiện thêm rằng hắn không hề là con người mất tự do : cuộc đời hắn không có bị lệ thuộc vào tảng đá oan nghiệt ấy. Các thần linh có thể kìm kẹp thân xác hắn bằng mọi thứ nhục hình. Nhưng hắn đâu chỉ có tồn tại bằng thân xác : hắn vẫn có thể vươn lên hiện hữu bằng ý thức tự do(10). Sisyphe nhớ lại những cảm xúc hoan lạc khi nãy. Chưa bao giờ ngàn thông lại reo vui vi vút, suối nhạc róc rách lại tưng bừng rộn rã như vậy. Lại còn hương vị cây cỏ mới nồng nàn, gió mát mơn trớn mới êm dịu làm sao. Nếu không có cái rã rời mệt mỏi của thể xác, nếu không có sự bừng tỉnh của cảm quan vào lúc tâm thần hắn tưởng như đã tê cứng vì tuyệt vọng, liệu hắn có cơ hội để được thưởng thức những cảm xúc tuyệt vời ấy ? Sisyphe mỉm cười. Lẽ ra hắn phải cám ơn tảng đá hắn vẫn thường nguyền rủa đó mới phải. Không có nó, có lẽ chẳng bao giờ hắn có thể nhìn ra được hết vẻ đẹp của thế gian này. Không có nó, có lẽ hắn chẳng hề biết đến những cảm xúc nhiệt tình ấy làm hắn càng thêm gắn bó với cuộc sống thế gian. Nếu không có nhục hình đẩy đá tạo điều kiện cho lương tri được thức tỉnh, rất có thể hắn mới tồn tại, chỉ biết có sinh hoạt như một tạo vật giữa muôn ngàn tạo vật khác. Giờ đây nhờ vào những mệt nhọc của thể xác, nhờ vào những phấn đấu chống lại tuyệt vọng, con người thực sự mới được thức tỉnh nơi hắn : Hắn đã biết vươn lên ý thức hiện hữu. Giờ đây hắn không chỉ có ngó mà đã biết nhìn. Giờ đây không chỉ có thở hít mà còn biết đánh giá các mùi hương. Giờ đây hắn không chỉ có nghe mà còn biết thưởng thức các điệu nhạc. Ha ! Ha ! Ha ! Bằng nhục hình đẩy đá, các thần linh toan đày đọa hắn trong kiếp sống của thân trâu ngựa. Họ đâu ngờ rằng thủ đoạn đó lại tạo điều kiện cho hắn thoát ra khỏi hàng tạo vật (créature) để vươn lên dịa vị một kẻ tạo sinh (créateur).

Sisyphe dừng lại lắng nghe tiếng thông reo nước chảy, thưởng thức cảnh vật tuyệt mỹ xung quanh bằng cái nhìn hân hoan sáng tạo của con người nghệ sĩ. Chưa bao giờ hắn lại cảm thấy hài lòng như lúc này. Hắn tự hỏi không biết có nên cám ơn các thần linh đã dành cho hắn cái nhục hình khổ sai ưu ái ấy ? Hang động dưới kia không còn là cõi ngục tù tăm tối giam cầm hắn nữa : nó sẽ là chốn nghỉ ngơi để hắn phục hồi sức sống. Và tảng đá kia hết còn là gông cùm giam cầm hắn trong bóng tối : nó đã trở thành bàn đạp giúp hắn vươn cao hơn tới ánh sáng cuộc đời. Sisyphe mỉm cười mãn nguyện, tiếp tục đi với những bước chân khoan thai bình thản. Nhưng từ xa, trong cái ánh nhờ nhờ của lúc chạng vạng tối, các thần linh lại nhìn ra bóng của Sisyphe chập chờn in lên vệ đường trong một dáng đi lủi thủi mệt nhọc. Và trên các bộ mặt hắc ám đại gian ác của họ đều nhếch lên một nụ cười khoái trá nham hiểm. Họ đâu có ngờ rằng Sisyphe đang tiến về phía hang đá trong một niềm vui thầm lặng. Như khi ta tìm lại tổ ấm sau một ngày lao động mệt nhọc. Hang động kia sẽ là vùng bóng tối bao trùm yên lặng giúp cho Sisyphe tìm lại được sự nghỉ ngơi cần thiết. Và phiến đá kia đã trở thành vật thân thiết rất cần cho Sisyphe để đi vào giấc ngủ như con « nu nuộc » rất cần cho một đứa trẻ thơ. Và cũng như đứa trẻ thơ với con « nu nuộc », Sisyphe sẽ giang tay áp má, trút bỏ hết nhọc nhằn lên tảng đá để vô tư đi vào giấc ngủ và sẵn sàng thức giấc đón chào một ngày mai. Ngày mai… Ngày mai…

« Tôi bỏ lại Sisyphe dưới chân núi ! Có ai trút bỏ được món nợ trần đâu. Nhưng Sisyphe dạy cho ta bài học trung kiên cao cả là phải phủ nhận các thần linh và gánh vác trách nhiệm cuộc đời. Hắn cũng vậy, cho là mọi sự đều tốt đẹp. Thế là cái vũ trụ từ nay vô chủ, hắn thấy nó chẳng phù phiếm mà cũng không cằn cỗi. Mỗi hạt cát của phiến đá này, mỗi tia thán khí ánh lên từ ngọn núi dày đặc bóng tối này cũng đủ làm nên một thế giới. Cũng vậy, cuộc vật lộn để vần cho được tảng đá lên đỉnh núi cũng đủ lấp đầy trái tim một đời người. Ta phải tưởng tượng Sisyphe được hạnh phúc. » (Je laisse Sisyphe au bas de la montagne ! On retrouve toujours son fardeau. Mais Sisyphe enseigne la fidélité supérieure qui nie les dieux et soulève les rochers. Lui aussi juge que tout est bien. Cet univers désormais sans maître ne lui paraît ni stérile ni futile. Chacun des grains de cette pierre, chaque éclat minéral de cette montagne pleine de nuit, à lui seul forme un monde. La lutte elle-même vers les sommets suffit à remplir un cœur d’homme. Il faut imaginer Sisyphe heureux. Sdd, tr. 168). (8)*

Bài học của Camus là vậy đó. Cũng đơn giản thôi. Bài học nhắc nhở ta rằng phi lý là cốt lõi thân phận con người và không hề có một thế giới trật tự an bài. Thế nhưng nếu không có ánh sáng nào thỏa mãn được ta khát vọng chính đáng về hợp tình hợp lý, ta không vì thế khước từ sứ mạng làm người. Tự hủy hay đổ lỗi cho số phận do thần linh định đoạt đều là thái độ đầu hàng hèn nhát. Trái lại, ta phải dám nhìn sự thật, biến nhận thức sáng suốt đó thành sức mạnh nổi loạn để biểu lộ tinh thần bất khuất và khẳng định quyết tâm hiện hữu bằng ý thức tự do. Chính sự chấp nhận đương đầu với định mệnh khắt khe đã giải phóng cho Sisyphe khỏi thân phận phi lý và giúp hắn tìm ra được ý nghĩa cho mỗi hành động trong cuộc sống hàng ngày. Đó cũng là lý do khiến ta phải tưởng tượng Sisyphe được hạnh phúc.

(còn tiếp)
(8)* Những phần chữ in nghiêng đều là những lập luận của Camus nói lên quan điểm của ông về vấn đề « tự tử và phi lý». Những trích đoạn này (có kèm theo nguyên tác), chúng tôi chỉ làm công tác chuyển ngữ nghĩa là có chỗ dịch lại, có chỗ tìm cách diễn ý hoặc làm sáng ý miễn sao gắng phản ánh được trung thực tư tưởng Camus. Với những ý tưởng thâm trầm sâu sắc được diễn tả qua một bút pháp cô đọng đôi khi rất trừu tượng của Camus, chúng tôi cho rằng tìm cách dịch từng câu từng chữ theo nguyên tác chưa hẳn đã là phương pháp thích hợp để tạo nhịp cầu giao cảm giữa tác giả và độc giả.

(9) Coi R-M Albérès : La révolte des écrivains d’aujourd’hui - Editions Corrréa 1949, Chương mở đầu : Littérature prométhéenne pp. 11-25 (Thế hệ văn học Prométhée). Prométhée, nhân vật thần thoại Hi lạp, vì ăn cắp lửa thiêng của thần Zeus (Thái Dương) để đem ánh sáng văn minh cho loài người, nên bị thần Zeus trừng phạt bằng cách đem cột vào dãy núi Caucase để mặc tình cho chim ưng đến moi gan. Nhưng do sức sống bền bỉ nên mỗi lần bị chim ưng ăn hết lá gan, Prométhée lại mọc được ra lá gan khác để nuôi sống mình. Do ý nghĩa biểu tượng của câu chuyện thần thoại này mà Albérès đã xếp các nhà văn Pháp khoảng thời gian 1930-50 như André Malraux, Georges Bernanos, J. P. Sartre, Albert Camus, A. de Saint-Exxupéry…, thuộc loại thế hệ Prométhée theo nghĩa :

a) Trước hết, họ là những nhà văn phản kháng. Không phải phản kháng chính trị, mà là phản kháng văn học. Dù là vô thần như Sartre hay Camus, hay là tín hữu công giáo như Bernanos, bắng cách này hay cách khác họ đều lên tiếng chống lại các nền tảng văn học cổ điển đã trở thành những lâu đài rêu phong mục nát, những tín niệm giáo điều đã trở thành xơ cứng và đặc biệt là thái độ ngụy tín của những kẻ còn bám víu vào những hệ giá trị đã bị xói mòn ấy.

b) Cũng như Prométhée tự nuôi sống bằng chính lá gan do mình tái tạo, thế hệ các nhà văn Prométhée đều không dựa dẫm trên bất kỳ chủ nghĩa hay lý thuyết văn học sẵn có nào, mà bằng tìm tòi sáng tạo và ánh sáng ý thức của chính mình để đề ra những giải pháp ý nghĩa cho đời sống.

c) Nhân đây, cũng do ý nghĩa biểu tượng của sự tích Prométhée, ta có thể mượn ý của nhà phê bình Albérès mà suy rộng ra rằng các nhà văn phản kháng, các nhà trí thức đấu tranh cho tự do dân chủ, cho nhân quyền tại Việt Nam hiện nay cũng như tại bất cứ nơi nào trên thế giới khi mà ở đó còn độc tài áp bức thi các nhà đấu tranh tư tưởng đó đều có thể coi là những hậu thân của Prométhée .

Trước hết do mục tiêu đấu tranh cho lý tưởng tự do dân chủ và nhân quyền, họ cũng là những kẻ muốn ăn cắp lửa thiêng để đem ánh sáng dân chủ tự do mưu cầu cho cuộc sống hạnh phúc thế gian. Tiếp đến, do thái độ phản kháng này mà họ đã phải chịu cảnh khổ sai tù đày, cũng như Prométhée đã phải chịu hình phạt bị chim ưng mổ gan ; nhưng, cũng như Prométhée tái tạo được lá gan, họ vẫn nuôi dưỡng được ngọn lửa đấu tranh bằng tinh thần bất khuất của mình.

Như những nhà đang đấu tranh cho tự do, dân chủ và nhân quyền ở Việt Nam, không ngại hi sinh tính mạng như người dân trong vụ Đồng Tâm, hay phải sống lưu vong hay tù đày như Dương Thu Hương (10), Điếu cày Nguyễn Văn Hải, Tạ Phong Tần, Mẹ nấm Nguyễn Thị Như Quỳnh vvv... Gàn đây nhất, là những vụ dấu tranh bảo vệ quyền tự do dân chủ của người dân Hồng Kông và nhất là các cuộc biểu tình phản kháng còn tiếp diễn của người dân Myramar chống lại đám quân phiệt cướp đoạt quyền hành bất hợp pháp, cho dù gần một ngàn người dân đã phải hi sinh tính mạng trước họng súng của bạo lực.

Nêu lên các diễn biến trên, chúng tôi chỉ muốn gợi ý rằng ý thức phi ly về thân phận con người Camus đem ra bàn trong « Le mythe de Sisyphe » chưa hẳn chỉ là lý thuyết xuông và có những chuyện kể mà ta cho thuộc loại hoang đường thì chính những yếu tố hoang đường đó, với ý nghĩa biểu tượng mà chúng chuyển tải, đôi khi lại phản ánh đúng hiện thực xã hội loài người.
Khước từ các điều kiện tồn tại do xã hội qui định, chấp nhận sự câu thúc của thân xác để vươn lên ý thức tự do bằng ý chí, phải chăng đó là điều mà Dương Thu Hương đã thể nghiệm thời gian ở tù do thái độ chống đối Nhà nước (vào năm 1991) khi khẳng định : « Tôi quyết định sống như một người tự do. Tôi tự tạo cho mình một mặt trời tự do ngay trên mảnh đất sình lầy. Và trong khoảnh khắc quyết định ấy, tôi tự thấy tôi hoàn toàn thay đổi : Hạnh phúc. Hoàn toàn hạnh phúc trong cô đơn tuyệt đối và cùng cực» (Dương Thu Hương : Tự do ảo, khoảng sinh tồn của ngòi bút. Hợp Lưu số 50, tr. 87). Tuy nhiên có điều làm tôi thắc mắc là cái tự do mà Dương Thu Hương cho là « Ta phải học cách sống có nó và xứng đáng với nó » (Sdd,tr.89), cái tự do đó mới là tự do đích thực vì nó biểu hiện cho phẩm tính cao cả của con người (cũng như Sisyphe) vậy tại sao lại gọi là tự do ảo ? Hay Dương Thu Hương cho rằng cái tự do đó, chỉ tồn tại ở dạng thức ảnh (virtuel) hoặc chỉ tồn tại trong trí tưởng tượng của nhà văn nên mới gọi là tự do ảo ?

Nguyễn Bảo Hưng

Không có nhận xét nào: