Tìm bài viết

Vì Bài viết và hình ảnh quá nhiều,nên Quí Vị và Các Bạn có thể xem phần Lưu trử Blog bên tay phải, chữ màu xanh (giống như mục lục) để tỉm tiêu đề, xong bấm vào đó để xem. Muốn xem bài cũ hơn, xin bấm vào (tháng....) năm... (vì blog Free nên có thể nhiều hình ảnh bị mất, hoặc không load kịp, xin Quí Bạn thông cảm)
Nhìn lên trên, có chữ Suối Nguồn Tươi Trẻ là phần dành cho Thơ, bấm vào đó để sang trang Thơ. Khi mở Youtube nhớ bấm vào ô vuông góc dưới bên phải để mở rộng màn hình xem cho đẹp.
Cám ơn Quí Vị

Nhìn Ra Bốn Phương

Thứ Hai, 5 tháng 4, 2021

Tháng Tư Tang Khó - Nguyễn Nhơn

 

Tháng tư buồn, nhớ quê nhà Miền Nam yếu dấu. Nhớ về Làng Bưng Cầu, nơi chôn nhau, cắt rốn, Thủ Dầu Một, Bình Dương. Nhớ người mẹ già nay không còn nữa. Nhớ lời mẹ dạy ngày xưa: Một là, không được dối trá. Hai là, sống cho có nghĩa, có nhân. Con nghe lời mẹ dạy, chuộng điều nhân nghĩa. Gặp thời buổi vận nước ngả nghiêng, bọn hung tàn, quỉ đỏ phủi sạch “Đại Nghĩa Dân tộc”, bằng súng đạn tàn phá, xâm chiếm Miền Nam. Bằng tấm lòng nhân nghĩa, con của mẹ không đương cự được, đành để mất nước, thân lưu lạc xứ người. Ngày nay con của mẹ cũng đã già, mỗi độ Tháng Tư về chỉ biết ngậm ngùi nhìn về bên kia bờ Đại Dương, nhớ nhà, nhớ xứ.

<!>

QUÊ NHÀ MIỀN NAM, MỘT THUỞ HUY HOÀNG

Làng Bưng Cầu, tuy chỉ cách tỉnh lỵ Thủ Dầu Một chưa đầy năm cây số ngàn, vẫn là một làng quê, phần lớn là đồng khô, cỏ cháy, chỉ có một vạc ruộng chạy dọc dài theo hai bên bờ suối, có cây cầu ván bắc ngang nên mới gọi Bưng Cầu. Tên chữ thì đẹp là Tương Bình Hiệp. Ở nhà mẹ dạy điều nhân nghĩa, cắp cặp đệm vô trường làng, thầy dạy, học lễ, học văn: Tiên học lễ, hậu học văn. Lễ là khoanh tay, cúi đầu, đi: thưa, về: trình. Văn là học chữ cho biết điều nghĩa, lý. Cứ vậy mà đi cho hết lớp nhứt trường làng. Rồi, sáng tinh mơ, quơ “con cúi”soi đường ra học trường tỉnh, biết thêm sự tích bà Trưng, bà Triệu, Hội nghị Diên Hồng. Ra tỉnh, gặp cơn gia biến, học trầy trật mãi tới 15 tuổi mới thỉnh được cái bằng Tiểu học. Nhưng, vậy vẫn còn ngon, các ông nhỏ thế hệ 1930s, vì chiến tranh, học hành dang dở,có ông tuổi 17, 18 mới giựt được cái certificat d’étude primaire. Hồi đó, lận lưng cái Tiểu học cũng có cơ hội làm ăn: hoặc có dịp xin vào thơ ký công nhựt, hoặc trợ giáo viên (instituteur auxiliaire), hoặc chịu khó lên vùng sở cao su, xin làm giám thị có khi cũng mở mặt.

Lên trung học mới thật là quờ quạng. Thời đó, cả Saigon và Miền Đông chỉ có mỗi một trường Trung học công lập Pétrus Ký, thi tuyển thật gắt gao, cả trăm lấy vào chỉ năm, bảy nhơn nên thi rớt, phải theo nghiệp trường tử, trường tư. Cả xứ Thủ chỉ có một Trung học Tư thục mà cũng không chuyên nghiệp, hầu như anh, chú học trước, dạy lại cho em cháu học sau. Cho nên việc học thật là trầy trật. Đã vậy còn thêm cái nợ mơ mộng tuổi thanh xuân. Nào là:

 Buồn vào hồn…không tên…
Thức giấc nửa đêm … nhớ chuyện xưa…vào đời
Đường phố…. vắng…đêm nao…ta hẹn hò.

Nào là:

Sơn nữ oi!
Làm chi … cho đớn đau lòng…
Trong một thời gian…rồi thương, rồi nhớ…

Đã vậy còn hơi hám chánh trị, giữa niên học 1956-57 đang học Đệ tứ niên, lo học thi túi bụi mà vẫn tham gia vận động bầu cử thành lập Đệ Nhất Cộng Hòa. Ngày lễ mừng Đệ Nhất Cộng Hòa, chàng trai tuổi 18 đứng trên kiệu hoa, hăng hái huơ dao chém rắn ba đầu Phong-Thực-Cọng. Học hành lãng đãng vậy mà cuối năm vẫn thi đậu một lượt cả hai bằng Brevet du premier cycle lẫn Trung học Đệ nhứt cấp mới thật là kỳ. Thừa thắng xông lên, ta học nhảy lớp. Cuối năm sau, đậu Tú tài phần 1 gọn bân. Năm sau, vừa học vừa dạy giờ, vừa lái Ếch bà rong chơi vẫn đỗ Tú tài toàn phần như số mạng định sẳn.

Viết vậy để cầu vui cho qua Tháng Tư buồn chớ thật sự chưuơng trình Trung học Phổ thông thời đó nặng lắm! Có thể nói mở mắt ra là thi: Thi lên lớp, thi lấy bằng cấp. Tám tuổi học lớp Ba: Thi lấy bằng sơ học. Mười hai tuổi, lớp Nhất thi bằng Tiểu học. Lớp Đệ tứ, thi Trung học Đệ nhất cấp. Lớp Đệ nhị thi Tú tài Phần 1. Năm sau, thi Tú tài toàn phần. Chỉ nội có cái Tú tài phần 1 chận đường tiến thủ không biết bao nhiêu người! Để mở rộng chương trình Trung học phổ thông, chánh phủ cho bãi bỏ các cuộc thi lấy bằng cấp, từ lớp 1 đến lớp 12 chỉ thi một lần Tốt nghiệp Trung học Phổ thông. Niên khóa 1957-58 toàn quốc chỉ có 4,000 cô cậu Tú. Năm 1970, 40,000 học sinh tốt nghiệp Trung học Phổ thông: Sĩ số tăng gấp 10 lần. Theo quốc sách Cộng đồng Đồng tiến, trường học mọc lên như nấm: Mỗi ấp lớn đều có trường sơ cấp, Xã có trường Tiểu học, Quận có Trung học Công lập.

Thời đó, có cái bằng Tú tài lận lưng là tương lai rộng mở. Muốn làm bác sĩ thì ghi danh lớp Lý-hóa-sinh (PCB), đại học khoa học. Muốn làm kỷ sư phải thi tuyển vào Trường Kỷ thuật Phú Thọ. Muốn làm giáo sư Trung học thì thi vào Đại học sư phạm. Muốn tham dự vào việc quản trị công quyền, nói nôm na là việc cai trị thì phải thi vào Học viện Quốc gia Hành chánh.

Thằng Đực làng Bưng Cầu bỗng nhớ lại ngày xưa, học lớp Nhứt trường tỉnh, một bửa chánh chủ tỉnh Tây làm phách, ăn hiếp thầy mình, la quở oan uổng thầy trước lớp. Mặc dầu thầy cương cường, bất phục, lớn tiếng cải lại không chịu để y làm nhục, kể như bảo vệ được danh dự của giới giáo chức, nhưng cậu tú Nhơn ngày nay cũng muốn tham dự vào việc cai trị để góp phần ngăn ngừa những việc bất công như vậy không tái diễn dưới thời VNCH nên mới thi vào Học viện Quốc gia Hành chánh.

Làm việc ở cơ quan an ninh Saigon một năm thấy không hợp mới xin trở về ngành hành chánh. Nhiệm sở kế tiếp là tỉnh Chương Thiện. Hồi đó, ít ai biết tỉnh Chương Thiện ở đâu bởi vì là tỉnh tân lập. Nơi đây vốn là hai xã xa xôi Vị Thanh, Hỏa Lựu thuộc Quận Long Mỹ, tỉnh Cần Thơ. Sau thời kỳ phát triển theo mô thức “ Khu trù mật”trở nên trù phú, được coi như là thành công của chính sách nầy nên biến cải thành tỉnh lỵ của tỉnh tân lập Chương Thiện. Thật ra thì tỉnh lỵ cũng chỉ vẽn vẹn có một dãy phố chạy dọc theo bờ kinh Xà No, dài chừng cây số. Nhà lồng chợ mới cất cũng nhỏ. Có điều giá sinh hoạt thật thoải mái. Ngưới dân thì cuộc sống no đủ, chút tiền thu được từ tiền bán gà, vịt, tôm, cá bỏ ống dành dụm cho việc mua sắm áo quần ngày tư, ngày Tết hoặc khi hữu sự. Nhưng mà, muốn được như vậy, cái giá người lính Quốc gia phải hy sinh thật là lớn lắm! Chỉ một trận đánh để đẩy lui bọn quỷ đỏ vào sâu mật khu U Minh, bảo vệ an ninh cho đồng bào suốt một dọc dài từ Ngọc Hòa, đầu kinh Xà No cho tới Cầu Đúc, Gò Quao (Kiên Hưng), Trung Đoàn 31 BB/QLVNCH đã phải hy sinh hàng hàng, lớp lớp chiến binh, hòm tử sĩ đặt suốt một đoạn đường băng phi cơ Caribou vận tải. Tạo thanh bình cho người dân được “an cư, lạc nghiệp”, biết bao xương trắng, máu đào đã đổ xuống, thấm mặt đất “Miệt ngàn, miệt thứ!” xa xôi. Cho nên câu hò vè:

Kinh Xà No người không lo đói
Gạo Nàng Mau vừa dẽo, vừa thơm”

cất lên vào buổi chiều tà, nghe lòng buồn man mát! Từ thuở người xưa đi vào khai phá vùng miệt ngàn, miệt thứ:

Dưới sông, sấu lội, trên bờ cọp đua
Đôi bàn tay rắn rỏi, vẹt cây xú, cây bần
Lập nên vườn tược tốt tươi
Dưới sông, vịt lội, trên bờ gà bươi

Để giữ được cuộc sống an bình cho thôn làng, người lính Dân vệ cũng từng phen hy sinh xương máu. Niềm vui quân-dân-chánh rạng rở khi:

Dưới sông, máy đuôi tôm chạy
Trên bờ xe máy Honda đua

Nhà cửa bằng gạch ngói lần lượt thay thế nhà tranh, vách lá. Người dân Miệt thứ nay cũng thảnh thơi, con cái được học hành.

Rời Chương Thiện, tôi về Miền Đông, xứ Bưởi vào giữa năm 1964. Hồi đó, từ ngả tư Xa Lộ- Tam Hiệp vào tới xã Bùi Tiếng, dân cư, nhà cửa sầm uất. Nhưng từ Bùi Tiếng vào đến cây xăng Vườn Mít, nhà cửa, cư dân thưa thớt. Cả tỉnh lỵ chỉ có một rạp hát Biên Hùng cũ kỷ. Nhà hàng ăn Tây chỉ có mỗi La Plage, bên bờ sông Đồng, xéo bên kia Đình Tân Lân. Nhà hàng Tàu chỉ có Hạnh Phước khi ấy chỉ là căn phố trệt.

Vậy mà chỉ năm ba năm sau, bộ mặt của Thành phố Biên Hòa đã biến đổi vượt bực. Rạp Lido trên đường Hàm nghi ngạo nghễ dựng lên. Cuối cùng là rạp Thanh Bình ở ngả ba Vườn Mít đồ sộ không kém bất cứ rạp ciné nào ở Saigon. Nhà hàng La Plage mở rộng, Hạnh Phước lên lầu. Đặc biệt về sau, nhà hàng Câu Lạc bộ Biên Hòa, tục gọi Biên Hòa Club chẳng những qui mô rộng lớn mà cảnh trí còn đẹp đẻ hơn bất cứ nhà hàng nào ở Saigon.

Đặc biệt là Khu Kỷ Nghệ Biên Hòa, tuy là theo mẫu Cao Hùng Đài Loan, nhưng phát triển rất nhanh, nỗi tiếng khắp Đông Nam Á. Vài phái đoàn Phi Châu cũng đến quan sát. Riêng ngành sản xuất giấy, hai xí nghiệp Cogido và Tân Mai đã đáp ứng đủ nhu cầu toàn quốc, kể cả giấy in báo cũng đủ dùng, khỏi phải theo chế độ cấp bông giấy theo Quota.Điều ít ai biết là nhà máy ráp máy cày Kubota chẳng những đáp ứng nổi nhu cầu nội địa mà còn xuất cảng qua cả Nam Dương. Đặc biệt hơn nữa, hảng sản xuất TV Sanyo chuẩn bị lập nhà máy lắp ráp máy truyền hình màu để xuất cảng khắp vùng Đông Nam Á và hứa hẹn lập cho một đài phát truyền hình màu ở Saigon.

Cho nên nói, Một Thuở Huy Hoàng, đâu phải là giàu sang, danh vọng gì mà chỉ muốn nói rằng, đó là kết tinh của bao nhiêu tâm huyết, mồ hôi nước mắt, xương trắng máu đào của hàng hàng, lớp lớp Quân-Dân-Cán-Chính đổ ra để vừa chiến đấu giữ nước vừa lo xây dựng, phát triển đem lại Tự do, no ấm cho cả 19 triệu dân trong suốt 21 năm dài. Vì vậy mà xót xa, đau đớn. Đau đớn đâu phải chỉ vì mất nước, lâm thân tù tội mà trước hơn hết là vì lũ quỷ đỏ phương Bắc tràn vô cướp phá tan hoang tất cả bao công trình quân dân Miền Nam đổ máu xây dựng nên !

Để rồi chỉ biết cùng nhau than thở:

Dép quay râu dẫm nát đời son trẻ
Nón tai bèo phủ lấp nẽo tương lai !

NGÀY NAY, TOÀN THỂ ĐẤT NƯỚC NHUỘM MÀU TANG

Có một vị Trung tá Thủy quân Lục chiến Mỹ gốc Việt, có ông nội và người cha trước kia bị vc sát hại, ngậm ngùi nói: Việc ngày trước có thể bỏ qua. Việc ngày nay mới thật là đau xót ! Vậy đó, thù nhà có thể bỏ qua, nhưng đất nước bị tàn phá, dân tình khốn khổ, khó bề nhịn được. Người cs cai trị đất nước còn bạo ngược hơn cả giặc nhà Minh cho đến nỗi người nhạc sĩ trẻ Việt Khang đã phải ngạc nhiên hỏi: Anh ở đâu? Sao lại mắng tôi bằng giọng nói dân tôi? Dân tộc anh ở đâu?

Vậy đó, vì sao mà một người Việt ở hải ngoại đang cầm súng bảo vệ an ninh cho đất nước, quê hương mới, chỉ biết nhìn về quê nhà đau xót? Vì sao mà một thanh niên Việt Nam đang sống trên chính đất nước mình mà không được tỏ bày lòng yêu nước, chống xâm lăng? Vì sao mà kẻ đánh đập, ngăn cấm anh lại nói giọng dân anh?

Chỉ vì những người chiến thắng là cs, hình dạng, ngôn ngữ VN nhưng xử sự,hành động bạo ngược theo giáo điều duy vật, vô thần, lòng ruột lai căng chẳng còn dân tộc tính, quên hếtđiều nhân nghĩa, truyền thống tổ tiên.

Mấy ngày nay, nhân tháng tư buồn, bài thơ “Hãy chụp giùm tôi” của tác giả Trần Văn Lương được phổ biến kèm theo bộ hình minh họa hai cảnh đời dưới thời xã nghĩa hung tàn: “Kẻ ăn không hết, người lần không ra.” Đại gia “hãnh tiến” tư bản đỏ cùng cường hào ác bá thời nay sống xa hoa, nhà lầu, xe xịn cả trực thăng, máy bay riêng hàng mấy triệu đô trong khi ngoài kia người dân, kể cảthiếu nhi bới bãi rác sống từng ngày. Nhìn tấm hình bà cụ già 76 tuổi, sáng tinh mơ, mùa đông rét buốt, lặn lội nơi bờ biển mò sò, bắt ốc chỉ đủ đong gạo sống cầm hơi mới thật là thảm!

Vì đâu nên nỗi?!

Chỉ vì công an, chỉ biết còn đảng, còn mình, đánh đập, giết hại dân nhưchuyện thường ngày ở huyện.

Chỉ vì cường hào ác bá tân thời, qui qui, hoạch hoạch, cướp ruộng vườn đểhàng hàng, lớp lớp dân oan vong gia, thất thổ, sống vô gia cư, tử vô địa táng !!!

Chỉ vì lũ đầu trâu mặt ngựa cầm quyền đành lòng để dân chết sống mặc bây, tiền thầy bỏ túi !

Chỉ vì người dân bị đẩy vào đường cùng, lừa đảo, tranh cướp nhau cầu sống !

Ngày kia, Sáu Kiệt nói: “ Ngày 30 tháng Tư, triệu người vui, triệu người buồn!’

Ngày nay, mọi người cùng nói: Ngày 30 tháng Tư, chỉ có vài trăm ngàn tham quan, tư bản đỏ là vui, còn toàn thể dân tộc đều buồn!

Cho nên mới nói, Toàn thể đất nước nhuộm màu tang!!

Chỉ vì chúng, chính chúng, phường phản nước, hại dân sồng phè phởn, ca múa trên bửa tiệc đầu lâu, xương máu dân lành !

Một tay gạt nước mắt, một tay run rẩy gõ bàn phiếm những dòng mở đầu, giờ đây không còn nghĩ gì được nữa, xin dừng lại nơi đây.


Nguyễn Nhơn

( Tháng Tư Tang khó)

Không có nhận xét nào: