Tìm bài viết

Vì Bài viết và hình ảnh quá nhiều,nên Quí Vị và Các Bạn có thể xem phần Lưu trử Blog bên tay phải, chữ màu xanh (giống như mục lục) để tỉm tiêu đề, xong bấm vào đó để xem. Muốn xem bài cũ hơn, xin bấm vào (tháng....) năm... (vì blog Free nên có thể nhiều hình ảnh bị mất, hoặc không load kịp, xin Quí Bạn thông cảm)
Nhìn lên trên, có chữ Suối Nguồn Tươi Trẻ là phần dành cho Thơ, bấm vào đó để sang trang Thơ. Khi mở Youtube nhớ bấm vào ô vuông góc dưới bên phải để mở rộng màn hình xem cho đẹp.
Cám ơn Quí Vị

Nhìn Ra Bốn Phương

Chủ Nhật, 11 tháng 4, 2021

Những "Junior" lạc loài trên đất Việt - KD

 Trên chiếc xe Lam miệt Long Thành, một bà đứng tuổi ẵm bé trai lai da trắng trong lòng với cử chỉ âu yếm ân cần, ánh mắt trìu mến thương yêu. Nếu đoán không lầm thì đây là bà Ngoại và đứa cháu cưng. Khi các lực lượng đồng minh hiện diện tại miền Nam tham chiến thì cũng là lúc bắt đầu có những cuộc tình không biên giới giữa những người lính viễn chinh và các cô thiếu nữ bản xứ, kết quả là có không ít những đứa trẻ mang hai dòng máu ra đời. Chúng có thể lai da trắng hoặc da đen, có Cha là Quân nhân Hoa Kỳ, Úc, Tân Tây Lan.. hoặc cũng có thể là con của những viên chức dân sự các nước Âu châu khác. 

<!>

Không ai phân biệt được từng đứa thuộc chủng tộc nào mà chỉ gọi chung là "Mỹ lai" và cũng không ai có thể thống kê chính xác ở miền Nam đã có bao nhiêu đứa con lai như vậy. 

Từ trước khi Hiệp định Paris 1973 được ký kết thì đã có hàng ngàn trường hợp Quân nhân đồng minh khi kết thúc nhiệm vụ và hồi hương thì xin phép đưa vợ con của họ tại Việt Nam về quê nhà. Chính phủ và Quân đội Hoa Kỳ không từ chối bất cứ một trường hợp nào vì theo luật của họ, con của công dân Hoa Kỳ dù sinh ra ở bất cứ nơi đâu trên thế giới mà được thừa nhận thì đương nhiên có tư cách là công dân Hoa Kỳ. Một số khác dù có ý định cùng nhau rời khỏi Việt Nam hoặc sẽ rước đi sau nhưng vì chiến cuộc hoặc nhiều lý do khác mà họ bị thất lạc, không thể nào tìm gặp lại được núm ruột của mình. 

Có vô số trường hợp người lính Mỹ hồi hương mà hoàn toàn không biết mình đã để lại một bào thai vừa mới tượng hình trong bụng mẹ, người tình của anh ta. Khi lời hứa sẽ trở lại Việt Nam tìm gặp lại nhau không thành và mọi liên lạc bị cắt đứt thì người cha đó không bao giờ biết mình có một đứa con cách xa nửa vòng trái đất. 

Đầu tháng 4/1975 trong Chiến dịch Babylift, Quân đội Hoa Kỳ đã đưa mấy trăm đứa trẻ mồ côi trong các Cô nhi viện ở Sài Gòn di tản, trong số này chỉ có rất ít trẻ lai vô thừa nhận, số còn lại đang sống với Mẹ hoặc Ông bà, thân nhân ở khắp các Tỉnh và vùng nông thôn xa xôi, chúng không có cơ hội được đưa ra khỏi con tàu sắp đắm. 
Miền Nam trước 1975 hầu hết mọi gia đình dù giàu sang hay nghèo khó thì đều rất khắt khe, xem trọng lễ giáo gia phong. Rất nhiều cô gái trẻ trót sinh ra một đứa bé nhìn y hệt như người cha ngoại quốc của nó thì không dám nuôi, càng không dám đem về cho gia đình nhìn nhận chăm sóc vì sợ hãi cha mẹ, e ngại làng xóm láng giềng dị nghị. Họ sẽ thuê người khác nuôi rồi hàng tháng trả một số tiền. 
Nếu người mẹ trẻ không có việc làm, không đủ khả năng thì đành phải gạt nước mắt đem gửi đứa con rứt ruột đẻ ra vào nương nhờ trong các Cô nhi viện. 

Sau 30/4/1975 hàng triệu người tìm mọi cách vượt biên đào thoát khỏi "thiên đường Cộng Sản", nhiều gia đình mang theo những đứa trẻ da trắng mắt xanh hoặc da đen tóc xoăn tít là con cháu cật ruột của mình. 
Đến đầu năm 1980, khi những người đã đặt chân đến bến bờ tự do thông báo cho người thân ở quê nhà biết rằng khi đến các Trại tạm cư trên đảo, nhà nào có con lai thì được ưu tiên cứu xét cho đi định cư dễ dàng thì ở miền Nam khởi sự cuộc săn lùng tìm kiếm mua bán những đứa trẻ có hình dáng không phải là da vàng mũi tẹt. Giá cả của mỗi đứa trẻ như vậy khoảng 4-5 cây vàng tùy từng trường hợp, và chúng sẽ cùng gia đình mới bí mật xuống tàu ra khơi, phó thác số phận cho biển cả. 

Vài năm sau, song song với các Chương trình HO, ODP... Chính phủ Hoa Kỳ cũng đề ra Chương trình ra đi định cư chính thức cho trẻ lai còn kẹt lại trên khắp miền Nam (Amerasian Homecoming Act). 
Thời kỳ mới bắt đầu áp dụng, phía Hoa Kỳ tỏ ra rất dễ dàng thông qua mọi trường hợp, không đòi hỏi giấy tờ chứng minh nguồn gốc xuất thân của đương sự mà chỉ cần có hình dạng giống người Âu Mỹ là được duyệt xét cho xuất cảnh ngay. 
Về sau, họ bắt buộc phải xuất trình một số giấy tờ cần thiết, phỏng vấn kỹ lưỡng hơn và phải xác định đương sự được sinh ra từ ngày 1/1/1962 đến ngày 1/1/1976 thì mới xem xét cho phép đi Hoa Kỳ định cư.  Cuối cùng thì họ dùng căn cứ để hoàn tất hồ sơ thủ tục bằng phương pháp hệ di truyền ADN. 

Theo con số nhà cầm quyền Việt Nam đưa ra, trong 20 năm từ 1986 đến 2006 đã có 25.000 con lai cùng gia đình được rời khỏi miền Nam đến Hoa Kỳ theo Chương trình ra đi chính thức với tổng số hơn 80.000 người. Những trường hợp bị "rớt" lại thì không ít vì thiếu cơ sở chứng minh huyết thống, giấy tờ thất lạc hoặc đơn giản chỉ vì quá nghèo không có tiền dùng làm chi phí cho việc đi lại tới lui lo thủ tục hồ sơ giấy tờ vốn tốn kém rất nhiều tiền bạc, thời gian. 
Giữa thập niên 2000s, Chương trình Amerasian Homecoming Act chấm dứt, đóng lại vĩnh viễn cánh cửa cơ hội cuối cùng của những đứa trẻ không bao giờ biết Cha mình là ai và thực tế là còn hàng ngàn người như vậy vẫn đang sống lây lất tại miền Nam. 

Tàn cuộc chiến, những đứa trẻ lai cũng chịu chung số phận với hàng chục triệu quân dân miền Nam. Người may mắn đã tìm đến được bến bờ tự do, hạnh phúc, thịnh vượng. Kẻ bất hạnh ngày qua ngày sống vất vưởng trong đói khổ cơ hàn mà tâm trí thì luôn mơ ước mộng tưởng mình được sống ở xứ sở có Tượng Nữ thần Tự do.

Không rõ đã có bao nhiêu "Junior" cho đến tận lúc trút hơi thở cuối cùng giã từ dương thế trên manh chiếu rách mà vẫn còn ấp ủ giấc mơ đẹp đẽ xa vời với một nụ cười trong đôi mắt mờ đục đang dần khép lại..

ST

Không có nhận xét nào: