Kính tiễn thi sĩ Nguyễn Đức Sơn. Ông mất lúc 3h sáng ngày 11/6/2020. Lẽ ra không nên đăng bài này trong ngày ông mất, nhưng nghĩ cũng nên có chút thông tin cho bạn đọc, nhất là lớp trẻ… (Hà Đình Nguyên) Nếu như Bùi Giáng đôi khi còn ý tứ ẩn dụ, nói lái trong ngôn ngữ thơ của mình thì Nguyễn Đức Sơn lột trần huỵch toẹt… Vậy mà đã có một giai nhân đồng ý theo ông đi khắp cuối trời góc bể, từ tuổi trăng tròn cho đến khi thành bà nội…Nguyễn Đức Sơn sinh ngày 18 Tháng Mười Một, 1937, ông gốc Thừa Thiên – Huế nhưng sinh tại làng Dư Khánh gần bãi biển Ninh Chữ (Ninh Thuận.) Học Trung học Võ Tánh (Nha Trang) rồi Đại học Văn khoa Sài Gòn nhưng bỏ học nửa chừng vì “…
<!>
Từ đây cho đến một triệu năm nữa, bất cứ lúc nào cái đại học này sản xuất ra được một thi sĩ, một nhà văn hay một giáo sư Việt văn đúng nghĩa, tác giả vui lòng xin chịu chặt đầu!” (trích lời tự giới thiệu trong tập thơ “Đêm Nguyệt Động” – An Tiêm – Sài Gòn xuất bản 5.1967).
Nguyễn Đức Sơn làm thơ (lúc đầu lấy bút hiệu là Sao Trên Rừng) và mau chóng tạo được sự chú ý bởi một giọng văn rất “không giống ai”.
Nhà văn Tam Ích nhận xét: “Riêng về thơ, thì tôi thấy có Nguyễn Đức Sơn là lỗi lạc, Phạm Thiên Thư, đại đức, là khác thường” (Khởi hành số 16 ra ngày 14 Tháng Tám, 1969.)
Nhà thơ Trần Tuấn Kiệt cũng cho rằng “Về thơ ở trần gian này, riêng tôi khoái có vài người gọi là bậc siêu thần bạt thánh côn đồ lão tổ nhất là Bùi Giáng, Nguyễn Đức Sơn, Phạm Công Thiện. Ngoài ra, hết!” (Sóng Thần ra ngày 5.5.1972). Về nhận xét này, Nguyễn Đức Sơn đã có thơ “cảm thán”:
Khoảng giữa thập niên 60, Nguyễn Đức Sơn trốn quân dịch bằng cách… đi dạy học (tư thục) ở Bình Dương. Cách ngôi nhà (và là nơi dạy học) Sơn ở 300 mét là chùa Tây Tạng (hiện vẫn còn ở đường Thích Quảng Đức – Thủ Dầu Một – Bình Dương.)
Sở dĩ chùa có tên như vậy là do Thượng tọa trụ trì Thích Trí Bổn là người Việt Nam đầu tiên đi Tây Tạng về. Thượng tọa rất mê thơ, đặc biệt ngưỡng mộ thơ Nguyễn Đức Sơn.
Anh giáo nghèo làm thơ cũng thường hay sang chùa cùng thầy đàm đạo nhưng cặp mắt cứ liếc ngang liếc dọc. Sư thầy có một cô cháu gái tên Phượng mang hai dòng máu Việt-Pháp nên đẹp như tiên giáng thế. Trong mắt Sơn, mỗi lần Phượng xuất hiện thì sân chùa như sáng rực lên…
Phượng thời thiếu nữ
Phượng sinh năm 1950, mẹ Phượng vốn là cán bộ hoạt động cách mạng từ thời thiếu nữ, bị Pháp bắt và kết án tử hình. Lúc đó một quan chức người Pháp ở Tòa bố Thủ Dầu Một đã “cứu” bằng cách lấy bà làm vợ.
Họ có 3 người con, Phượng là con đầu và đẹp hơn cả. Bà mẹ luôn mặc cảm là đã đi ngược với lý tưởng ban đầu của mình nên một hôm đã lén lấy cây súng lục của chồng tự sát, lúc ấy Phượng mới 5 tuổi.
Khi ba chị em được người cha làm thủ tục đưa sang Pháp thì người cậu ruột của Phượng là Thượng tọa Thích Trí Bổn bảo lãnh đàn cháu, đưa về chùa nuôi nấng…
Phượng ở trong chùa nhưng không đi tu, hàng ngày cô sang “trường thầy Sơn” để học Anh văn và “dạy” cho thầy biết thế nào là tiếng sét ái tình! Thượng tọa Trí Bổn vốn mến tài của Sơn nên cũng vun đắp cho mối tình này. Khi Nguyễn Đức Sơn tạm biệt đất Bình Dương để về Sài Gòn, thượng tọa Trí Bổn đã có thơ tiễn:
Tiễn Ông Sơn
Về Sài Gòn nhưng lòng vẫn gởi về chùa Tây Tạng, không phải để… tu, mà là nhớ thương một người con gái mang tên Phượng mà mình đã nặng lòng. Nguyễn Đức Sơn đã nhờ cậy nhiều người có uy tín đi hỏi Phượng làm vợ. Nhà văn Nguyễn Miên Thảo kể về món quà cưới đặc biệt và đám cưới ly kỳ của Sơn – Phượng như sau:
Đôi vợ chồng trẻ
“Một hôm vào giữa năm 1967, Sơn nhờ tôi báo với Đại đức Thích Thanh Tuệ (chủ nhà in An Tiêm) in gấp tập thơ “Đêm Nguyệt Động” để kịp ngày cưới của Sơn và Phượng sẽ tổ chức vào khoảng mười ngày sau tại chùa Tây Tạng…
Ngày cưới, một chiếc xe con 4 chỗ chở “đoàn nhà trai” từ Sài Gòn lên Bình Dương, gồm: Đại đức Thích Thanh Tuệ, nhà văn Bửu Ý, Đại đức Thích Nguyên Tánh (tức nhà thơ Phạm Công Thiện) và tôi.
Nguyễn Đức Sơn trong bộ com-lê sẫm màu sang trọng đứng đợi sẵn. Khi biết tập thơ “Đêm Nguyệt Động” không in kịp, Nguyễn Đức Sơn đã “chào” đoàn nhà trai bằng câu chửi: “Đ.M thầy, thầy có biết ngày này là ngày trọng đại của tôi không?”. Thầy Thanh Tuệ cười trừ, còn mọi người thì đã biết tính nết Sơn vốn thế…
Đám cưới cử hành tại đại điện chùa Tây Tạng, thầy Thích Trí Bổn – cậu ruột của cô dâu làm chủ hôn. Đại diện nhà trai là Đại đức Thích Thanh Tuệ, Phạm Công Thiện và Bửu Ý làm phụ rể.
Trước căn nhà gỗ trong vùng rừng núi Đại Lào (Blao, Lâm Đồng)
Khi lễ phật, Thượng tọa Trí Bổn và Đại đức Thanh Tuệ quỳ phía trước, Sơn và Phượng quỳ phía sau, Sơn dùng miệng mum hết chân thẻ nhang, khi cắm nhang vào lư, ba cây nhang của Sơn lùn tịt, không giống ai… Khi qua làm lễ cáo tổ tiên, Sơn nháy mắt với tôi, tôi nghĩ bụng Sơn sắp “bày trò” gì nữa đây.
Quả đúng như vậy, bàn dọn cỗ là bàn tròn, loại mặt rời đặt trên cái giá 4 chân hình chữ X. Phượng và Sơn quỳ trước bàn cáo tổ tiên, lạy bốn lạy, Sơn lạy thêm một lạy nữa và trồi người lên phía trước, khi đứng dậy đầu Sơn đụng vào cạnh bàn khiến cỗ bàn đổ nhào chẳng còn một món khiến ai nấy đều phải phì cười…”
Phượng bây giờ tần tảo
Thế còn tập thơ “Đêm Nguyệt Động” ra sao, mà Nguyễn Đức Sơn rất muốn có trong ngày cưới (chắc là để tặng quan khách?) – Nó là tập thơ mỏng gồm 17 bài thơ ngắn. Trong trang lót, tác giả ghi: “Tặng Nguyễn Thị Phượng, kỷ niệm năm thứ mười bảy của em trên trái đất muôn đời còn hoang vu này… bất ngờ báo trước giai đoạn phiêu lưu cuối cùng của một đứa con trai… khi tuột từ một thân cây xuống và khi đứng trước một con thú bạn cùng đi hai chân, có mái tóc dài và có một cái gì ngàn đời không thể hiểu nỗi. (N.Đ.S).”
Điều đáng nói là hầu hết các bài thơ trong tập thơ này đều “gọi đích danh” cái cử chỉ mà người ta gọi là “tiểu tiện” cho… thuận nhĩ:
Chắc chắn trong giai đoạn yêu nhau (chưa cưới), Phượng đã từng được đọc những vần thơ “choáng váng” như thế của Sơn. Điều gì xảy ra trong tâm hồn một cô gái tuổi trăng tròn, chưa từng bước vào đời? Phải có một tình yêu mãnh liệt cô gái ấy mới vượt qua tất cả, để rồi chính cô là nguồn thi hứng bất tận của Nguyễn Đức Sơn cho đến tận bây giờ…
*Ảnh do nhà thơ-tu sĩ Nguyễn Đức Vân (con của Nguyễn Đức Sơn) cung cấp
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét