Có một chứng bệnh liên hệ mật thiết với “rầu thúi ruột”, “buồn đứt ruột”:
Thò tay mà ngứt ngọn ngò,
Thương em đứt ruột, giả đò ngó lơ.
Thương yêu, thất tình, sầu đau đến độ “buồn đứt ruột”, buồn đến độ ruột đứt ra từng đoạn, từng khúc, từ Hán gọi là “đoạn trường”. Chứng buồn rầu đứt ruột này khởi sự từ chứng “rầu thúi ruột”. Chúng ta thường than thở là rầu thúi ruột, buồn thúi ruột, buồn nẫu ruột, buồn não lòng, buồn đứt ruột… Chứng này không những thấy trong văn chương bình dân ca dao tục ngữ mà con thấy trong văn chương bác học, đặc biệt nhất là trong truyện Kiều của Nguyễn Du, vì thế để nói hết ý, trong bài này tôi xin trích dẫn thêm truyện Kiều.
Não lòng thay, bấy hóa công,
Ngày xanh mòn mỏi má hồng phôi pha…
(Nguyễn Du, Kiều).
hay
Trải qua một cuộc bể dâu,
Những điều trông thấy mà đau đớn lòng.
(Nguyễn Du, Kiều).
Nẫu lòng, não lòng là luỗng thối lòng ruột giống như trái cây bị luỗng thối vì chín nẫu quá. Buồn đau, sầu lo đến độ làm luỗng thối cả ruột gan. Thối ruột, nẫu ruột, đây chính là chứng lở loét khúc ruột đầu tiên nằm ngay phía dưới bao tử gọi là ruột đầu (duodenum) và làm lở loét dạ dầy. Chứng này thường gọi gộp chung lại là chứng lở loét dạ dầy-ruột đầu (gastroduodenal ulcer) hay nói gọn hơn là chứng đau bao tử, đau dạ dầy. Đã từ lâu, con người đã nhận biết đầu óc, tâm thần và đời sống, xã hội của con người ảnh hưởng mật thiết đến ruột gan. Phôi học (embryology) cho biết lúc cấu tạo ra não óc, hệ thần kinh và ruột gan, hệ tiêu hóa có liên hệ mật thiết với nhau vì thế đầu óc ảnh hưởng tới ruột gan, dạ dầy. Cơ thể học cũng cho thấy thần kinh lang thang (vague) chạy vào bao tử, gan ruột, tim phổi liên hệ mật thiết với não bộ. Trước đây một trong những phương cách chữa bằng giải phẫu chứng loét bao tử ruột đầu khó trị là cắt đứt dây thần kinh này (vagotomy). Buồn, đau, sầu, khổ, nhớ, thươngảnh hưởng tới ruột dạ dầy như thấy qua các câu:
Quả dưa gang ngoài xanh trong trắng,
Quả mướp đắng ngoài trắng trong vàng.
Từ ngày anh gặp mặt nàng,
Lòng càng ngao ngán, dạ càng ngẩn ngơ.
Ruột là gì? Ruột có một nghĩa là sợi dây dài vì thế ruột còn có nghĩa là lòng. Lòng là dài như thấy qua từ ghép lòng thòng, lòng vòng là dài. Hán Việt ruột gọi là trường (ruột non là tiểu trường, ruột già là đại trường). Trường cũng có một nghĩa là dài như trường giang (sông dài). Với nghĩa dài, lòng liên hệ ruột thịt với Anh ngữ “long” là dài. Theo qui luật biến âm r=d=n như dòm = nom, dăm = năm (dăm ba = năm ba) ta có ruột = duột = nuột, nuộc. Nuộc là cái dây như thấy qua từ ghép nuột lạt, nuộc lạt, nuộc chạc. Ruột dài như cái dải, cái dây sống động, chuyển động. Do đó nhiều lúc ruột được coi như là một thứdây leo, khi buồn phiền dây ruột bị héo úa:
Yêu nhau, ruột héo, xương mòn,
Yêu nhau đến thác vẫn còn yêu nhau.
Rõ hơn ta thấy dây ruột được ví với dây bầu dây bí:
Ba cô đội gạo lên chùa,
Một cô yếm thắm bỏ bùa cho sư.
Sư về sư ôm tương tư,
Ốm lăn ốm lóc cho sư trọc đầu.
Ai làm cho dạ sư sầu,
Cho ruột sư héo như bầu đứt dây.
Ruột nhiều khi cũng được ví với con tằm:
Nào khi mô, em nói vói anh,
Sông cạn mà tình không cạn,
Vàng mòn mà nghĩa không mòn.
Nay chừ nước lại xa non,
Đêm năm canh tơ tưởng, héo hon ruột tằm.
hay
Anh đi mô, không bóng không tăm,
Năm canh em đợi, ruột tằm héo hon.
Con tằm là loài nhả tơ và dân dã cho rằng tơ là những sợi dài từ trong ruột tằm nhả ra vì thế mà tằm và tơ cho là liên hệ tới ruột. Ta thường nghe nói tới “tơ lòng”, “gỡ rối tơ lòng”, “rút ruột tơ tằm”, “ruột rối như tơ vò” là vậy. Tơlòng vì thế coi như liên hệ đến đầu óc và tâm tình của con người, liên hệ tới ruột gan:
Ruột tằm bối rối vò tơ,
Tay khoan tay rẽ cho vơi mối sầu.
Nguyễn Du cũng có câu:
Ngổn ngang trăm mối bên lòng.
hay
Càng trông mặt, càng ngẩn ngơ,
Ruột tằm đòi đoạn như tơ rối bời.
Giới nghệ sĩ do đó thường được ví với con tằm nhả tơ:
Con tằm đến thác vẫn còn vương tơ.
Ta cũng thường nghe nói “đau như cắt ruột”, đau như có con dao cắt ruột:
Ngồi buồn nghĩ đến hình dong,
Con dao lá trúc cắt lòng đôi ta.
hay
Chiều chiều chẳng cắt mà đau,
Cách em một phút, ruột rầu như dưa.
hay
Tay cắt tay sao nỡ,
Ruột cắt ruột sao đành.
Mấy khi mà gặp bạn lành,
Trách trời vội sáng tan tành đôi ta.
và đau như bào ruột, bào gan, trong Kiều có câu:
Sinh đà ruột rát như bào.
hay
Sinh càng thảm thiết, khát khao,
Như nung gan sắt, như bào lòng son.
Ta cũng thường nghe nói tới những câu như “nát lòng”, “nát ruột, nát gan” như trong Kiều có câu:
Sinh càng nát ruột, tan hồn.
Và nặng hơn nữa như đã nói là “buồn đứt ruột” mà từ Hán gọi là “đoạn trường”. Buồn đến độ ruột đứt ra từng đoạn, từng khúc:
Thò tay mà ngứt ngọn ngò,
Thương em đứt ruột, giả đò ngó lơ.
Truyện Kiều của Nguyễn Du còn có tên là Đoạn Trường Tân Thanh tức “Khúc Ca Mới Đứt Ruột”. Có thật sự buồn đến nỗi ruột đứt ra từng đoạn từng khúc không? Xin thưa là có. Đứt ruột “đoạn trường” dựa vào sự thật là trong thiên nhiên có một loài khỉ có tình mẫu tử rất tuyệt vời. Khỉ mẹ rất yêu thương con. Vì một lý do gì đó, khỉ con bị chết mà còn thấy xác, khỉ mẹ ngồi ôm xác con cho tới khi xác con rữa thối. Các con khỉ khác trong bầy phải lén rình cướp lấy xác đem dấu đi. Nếu con bị bắt mất, khỉ mẹ ngồi ôm hai bầu sữa, buồn rầu, bỏăn, bỏ uống cho tới chết. Đem xác khỉ mẹ mổ bụng ra, thấy ruột khỉ mẹ đứt ra từng đoạn, từng khúc. Vì thế cho nên mới có câu “Buồn đứt ruột” hay đoạn trường là vậy. Vì tựa của truyện Kiều là Đoạn Trường Tân Thanh, nên trong Kiều nhiều chỗ Nguyễn Du tả cảnh sầu đau, sầu khổ, tương tư, đến não lòng,đứt ruột. Nguyễn Du rất nhiều lần nhắc tới hai từ Đoạn Trường:
Ví đem vào tập đoạn trường,
Thì treo giải nhất chỉ nhường cho ai.
(Truyện Kiều,TK, Vân Hạc tr.39)
hay
Đoạn trường là sổ thế nào?
(TK, tr. 40)
hay
Đoạn trường lại chọn mặt người vô duyên.
(TK tr.144)
hay
Đoạn trường thay lúc phân kỳ.
(TK tr.158)
hay
Đoạn trường lúc ấy nghĩ mà buồn tênh.
(TK, tr.283)
hay
Xụt xùi kể nỗi đoạn tràng.
hay
Này thôi hết kiếp đoạn tràng là đây.
(TK tr.514)
hay
Kiếp sao chịu những đoạn trường thế thôi.
(TK tr.520)
hay
Ma đưa lối, quỉ đưa đường,
Lại tìm những chốn đoạn trường mà đi.
(TK tr.522)
hay
Làm cho sống đọa thác đầy,
Đoạn trường cho hết kiếp này mới thôi.
(TK tr.525)
hay
Đoạn trường sổ rút tên ra,
Đoạn trường thời phải đón mà trả nhau.
(TK tr.534)
hay
Đoạn trường tiếng ấy hại người bấy lâu.
(TK tr.598)
Rõ ràng đời Kiều là một “kiếp đoạn trường”. Trong phạm vi của bài viết, xin chỉ nói qua một chút đỉnh về chứng đau bao tử, rầu thúi ruột của Kim Trọng. Nhân vật Kim Trọng thương nhớ, tương tư, yêu Kiều cũng bị chứng “rầu thối ruột”. Hãy quan sát Kim Trọng ngồi nghe Kiều đánh đàn:
Ngọn đèn khi tỏ, khi mờ,
Khiến người ngồi đó cũng ngơ ngẩn sầu.
Khi tựa gối, khi cúi đầu,
Khi vò chín khúc, khi chau đôi mày.
Rằng: “hay thì thực là hay,
Nghe ra ngậm đắng, nuốt cay thế nào!”
Lựa chi những bậc tiêu-tao,
Rột lòng mình, cũng nao nao lòng người.
Chín khúc ở đây theo Đông Y là chín khúc ruột. Vò chín khúc là chín khúc ruột bị vò nát, vo tròn bóp lại. Ruột vo tròn lại làm quặn đau khiến cho Kim Trọng “khi tựa gối” nghĩa là chàng ta ép bụng vào đầu gối cho bớt đau, “khi cúi đầu”, Kim Trọng cúi đầu thấp xuống, thu người nhỏ lại cho bớt đau và “khi cau đôi mày”, rõ ràng là vì đau quá nên phải nhăn mặt cau mày. Hiển nhiên Kim Trọng có những triệu chứng “nát lòng”, “nát dạ”, “nẫu lòng”, “não lòng”, “cũng nao nao lòng người” tức rầu thúi ruột, tức đau bao tử. Thật vậy tiếng đàn của Kiều là tiếng đàn đoạn trường, đứt ruột:
Bốn dây như khóc như than,
Khiến người trên tiệc cũng tan nát lòng.
Hoạn Thư nghe tiếng đàn, cũng nhận ra tiếng đàn của Kiều là khúc đàn đoạn trường nên đã quát mắng Kiều:
Tiểu thư lại thét mắng nàng:
“Cuộc vui gẩy khúc đoạn trường ấy chi?”
Kiều cũng xác nhận sau này khi gặp lại Kim Trọng là những khúc đàn nàngđánh cho Kim Trọng nghe lần đầu là những tiếng nhạc đoạn trường:
Nàng rằng: “vì chút nghề chơi,
Đoạn trường tiếng ấy hại người bấy lâu”.
Nghe tiếng nhạc đoạn trường của Kiều, Kim Trọng bị chứng rầu thúi ruột, bịđứt ruột là chuyện tất nhiên. Chứng rầu thúi ruột của Kim Trọng hiện thấy rõ khi Kim Trọng trở lại tìm Kiều và biết nàng đã bán mình chuộc cha:
Sinh càng thảm thiết, khát khao,
Như nung gan sắt, như bào lòng son.
Ruột tằm ngày một héo hon,
Tuyết sương ngày một hao mòn mình ve.
Thẫn thờ lúc tỉnh, lúc mê,
Máu theo nước mắt, hồn lìa chiêm bao.
(TK tr.546)
Kim Trọng cũng như những người đau bao tử ruột tằm héo hon, sầu thương vàăn uống không được người gầy còm, “hao mòn mình ve”. Những câu trên cho thấy rõ Kim Trọng có những triệu chứng loét bao-tử-ruột-đầu cấp tính. Thật vậy Kim Trọng bị loét bao tử ruột đầu rất nặng:
Thẫn thờ, lúc tỉnh, lúc mê.
Trạng thái tâm thần (mental status) Kim Trọng đã thay đổi, sa sút, “thẫn thờ”, “lúc tỉnh”, “lúc mê”. Kim Trọng đang ở trong trạng thái lơ mơ, mơ mơ, tỉnh tỉnh giới Tây Y gọi là “lethargy”. Nguyên nhân vì đâu gây ra “thẫn thờ, lúc tỉnh, lúc mê”? Xin thưa, Kim Trọng đang bị chẩy máu trong ruột. Mất máu làm cho lượng máu lưu thông thiếu kém (hypovolemia) không đủ máu đem đến não đãđưa đến tình trạng thay đổi trạng thái tâm thần “lúc tỉnh, lúc mê”. Chẩy máu trong ruột Kim Trọng rất trầm trọng, nặng đến độ có thể làm mất mạng, đến độ“hồn lìa chiêm bao” nghĩa là ở trong trạng thái mê man, ngất xỉu hay hôn mê(comatose). Kim Trọng đã mất máu nhiều đến độ bất tỉnh, hôn mê.
Quả thật đúng như vậy, đau ruột, héo ruột, vò ruột, rối ruột như tơ vò, nẫu ruột, não lòng, thối ruột, cắt ruột, bào ruột, đứt ruột đưa đến chứng chẩy máu trong ruột bao tử như thấy qua câu ca dao:
Dao vàng cắt ruột máu rơi,
Ruột đau chẳng mấy, bằng lời em than.
Chẩy máu có thể âm ỉ lâu dài dẫn đến chứng thiếu máu làm mỏi mệt, bải hoải, yếu đuối. Chứng mất máu, thiếu máu khiến cho da vàng, da tái mét:
Thương anh, em chẳng nói ra,
Trong ruột thì héo, ngoài da thì vàng.
Chẩy máu nhiều đưa tới chứng ói ra máu hay đi cầu phân đen như bã cà phê.
Dân gian thường lầm lẫn chứng ói ra máu này với chứng thổ huyết do lao phổi gây ra. Danh từ thổ huyết rất lầm lẫn, mập mờ. Dân gian rất sợ khi thấy một người ói ra máu vì sợ bị lây bệnh lao. Chứng rầu thối ruột mửa ra máu thấy rất nhiều trong lịch sử và văn học nghệ thuật. Xin kể ra đây một hai thí dụ.
Trong Tam Quốc Chí có một nhân vật Trương Phi, nổi tiếng rất trực tính, tính tình nóng nẩy, ruột “thẳng như ruột ngựa”, hay tức giận, đầy nhiệt huyết, “gan dạ”, “can trường”… Những người đau bao tử tính cũng thẳng tính, khí khái, hay tức giận, nóng tính, “có lòng, có dạ” như Trương Phi. Cuối đời, Trương Phi tức giận với kẻ thù, hét lên một tiếng lớn, hộc máu ra rồi rơi xuống ngựa mà chết. Trương Phi chết đúng như dân dã thường nói “tức hộc máu mồm ra mà chết”. Trương Phi hộc máu mồm là mửa ra máu vì tức quá đến đứt ruột, lủng bao tử chứ không phải thổ huyết vì bệnh lao. Trương Phi mặt mày hồng hào, đỏ như son, là dũng tướng, khỏe mạnh không hề có triệu chứng nào về ho lao cả. Một thí dụ rất điển hình nữa là truyện tình trái ngang Lương Sơn Bá Chúc Anh Đài đã làm say đắm giới mộ điệu cải lương. Hai người yêu nhau, khi Lương Sơn Bá đi lấy vợ, nàng Chúc Anh Đài ốm tương tư, “rầu thúi ruột”, ói ra máu mà chết. Coi tuồng cải lương không thấy Chúc Anh Đài ho hen gì cả, nàng không có triệu chứng ho lao nên không chết vì thổ huyết do bệnh lao mà chết vì “rầu thúi ruột”, lủng bao tử mà chết…
Chứng rầu thúi ruột cộng thêm với các loại thực phẩm như cay, cứng, chua quá, các chất kích thích như cà phê, thuốc lá, rượu mạnh và cách sống nhưnghệ sĩ tính quá là những yếu tố tham sự vào chứng lở loét dạ dầy ruột đầu làm cho chứng này gia trọng thêm. Tuy nhiên mới đây vào năm 1982, một bác sĩ người Úc đã khám phá ra vi trùng Helicobacter pylori cũng gây ra chứng loét dạ dầy.
Vì vậy cách chữa trị chứng rầu thúi ruột là uống thuốc trụ sinh và quẳng gánh sầu lo đi.
Để chấm dứt, ta đã biết Kim Trọng bị loét bao tử nặng. Một câu hỏi nữa cũng cần tìm câu trả lời là cụ Nguyễn Du, một nghệ sĩ thiên tài, thất thế, sống trong một thời thế hỗn mang đã tả các nhân vật của cụ có triệu chứng bệnh bao tử tài tình đến như vậy, cụ có suy bụng ta ra bụng người không? Cụ có bị yếu hay đau bao tử không? Nhiều khi câu nói “văn là người” cũng đúng.
(Trích trong Ca Dao Tục Ngữ Tinh Hoa Dân Việt)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét