<!>
Nó bò ra phía sau chèo thay ông nội. Tội nghiệp thằng nhỏ, từ lúc mới đẻ cho tới bây giờ là 14 tuổi nó nào có biết chèo chống gì đâu, bơi lội thì cũng bì bõm, vừa đủ để bắt cá, giăng câu cho ra vẻ con nhà đồng áng.
Nghe nói phải đi thăm ba bằng chiếc ghe tam bản mượn của bác Năm, hôm qua thằng Nhứt quyết lòng tập chèo từ trưa cho tới tối mò để chuẩn bị cho chuyến đi ngày hôm nay.
Quanh năm suốt tháng, ngay từ hồi còn trong bụng mẹ nó đã theo cha ở hết hậu cứ này đến hậu cứ khác.
Ngay sau ngày giải phóng, ba nó đưa mẹ con nó về sống nhờ ông bà nội.
Non một tháng sau nó nghe nói ba nó đi học tập cải tạo vì là sĩ quan ngụy.
Sau mấy tháng sống cơ cực ở quê chồng, má nó gởi nó cho ông bà nội, nói là đi tìm chồng rồi dông mất tiêu.
Hai hôm trước, sau cả năm không tin tức, ông bà nội nó mới biết chỗ ba nó đang học tập. Những chữ như học tập, cải tạo, giải phóng, ngụy… thằng Nhứt chỉ mới nghe người lớn nói, nó cũng bắt chước nói theo mà chẳng biết ý nghĩa gì. Thằng Nhứt tuy nhỏ tuổi nhưng nhờ ăn nhiều mau lớn nên tay chèo khá mạnh. Ông Giáo cầm dầm ra trước mũi ghe bơi tiếp thằng cháu.
Ngồi trong mui nhìn ra sau lái, bà Giáo thấy tự nhiên sao hôm nay thằng cháu lớn xộn, chắc tại trong lòng nó đang vui. Tay chèo của nó khá vững nhờ đôi tay dài. Cái điệu bỏ chưn mặt ra đằng sau rồi nhún mình một chút, hất mặt lên một chút mỗi khi đẩy hai mái chèo tới trước coi sao mà giống thằng cha nó quá.
Tội nghiệp thằng con trai của bà, vợ chồng nó đặt tên con trai đầu lòng là Nhứt để mong tiếp tục với con Nhì, thằng Ba… Rốt lại cũng giống như vợ chồng bà: một cây sanh vỏn vẹn một trái. Bây giờ thì coi như hết rồi.
Khi bắt đầu đi vào sông Yên, thằng Nhứt đẩy mạnh mái chèo tay mặt, lơi mái chèo tay trái để đưa chiếc ghe cập theo cái voi rộng trồng lát. Dễ chừng có tới cả công lát xanh mịt. Mũi ghe lần lần đi vào sông Yên. Nước bắt đầu ngược. May mà chiếc ghe nhỏ nên cũng nhẹ chèo. Sông thì rộng mà nhà cửa hai bên thì chẳng có bao nhiêu, thưa thớt như đồng hoang.
Ngồi trước mũi ghe, ông Giáo đẩy mạnh thêm cây dầm. Có lúc thằng Nhứt dở cả hai cây chèo khỏi mặt nước để tránh mấy dề lục bình đang trôi ngược thì chiếc ghe gần như đứng lại. Bà Giáo ngồi trong mui ghe, hai tay vịn chặt be ghe như ngầm tiếp sức đẩy ghe về phía trước.
Trước khi đi tới một nơi hoàn toàn xa lạ này, ông bà Giáo đã nghe ngóng, hỏi han đường đi nước bước. Họ biết trước là sẽ phải đi nước ngược trên sông Yên. Rồi đi nước ngược trên sông Thượng, sông Đối, trước khi đến Khu Trại Ngọc Trai nằm trong vùng U Minh Hạ. Trại Ngọc Trai, không phải chỉ ông bà Giáo mới nghe lần đầu, mà cả những người lối xóm như ông bà Chín Nâu, ông Hai Cảnh là những người từng ở vùng U Minh Hạ cũng chưa nghe tới bao giờ.
Họ chỉ nghe mang máng là trại Ngọc Trai mới có sau ngày giải phóng. Ông Hai Cảnh nói nếu muốn đi nước xuôi thì ngay sau khi ra khỏi sông Vàm Ngo, đậu ghe lại năm bảy tiếng, chờ nước lớn thì đi dễ hơn, đỡ vất vả.
Lúc đầu ông bà Giáo vì tay chân già yếu chỉ muốn đi đường bộ, nhưng người ta nói đi đến đó chỉ có xuồng ghe là phương tiện tiện lợi nhứt, lại chở được nhiều đồ tiếp tế.
Vùng đó dẫy đầy sông rạch, ít cầu, nhiều nơi nước nổi, có khi dễ gặp mìn bẫy vì ở đó nghe nói trước kia là vùng trái độn, mặc bên nào nấy chôn mìn, bẫy, lựu đạn. Khi nghe người ta nói đã có nhiều người học tập bị đạp mìn, chết không còn miếng thịt, ông bà Giáo càng lo hơn.
Thật sự thì ông bà Giáo đã mất ăn mất ngủ từ cả năm nay, từ ngày thằng con trai giã từ gia đình, nói là chỉ đi học tập một tháng rồi về. Một tháng, rồi hai, ba tháng vẫn không thấy về; chỗ ở cũng không biết. Hỏi đầu làng cuối xóm cũng không ai biết; hỏi xã, hỏi huyện thì cũng chẳng ai cho tin.
Có đứa học trò cũ nay đang làm Chủ Tịch Huyện, hỏi nó, nó nói để nó dọ hỏi giùm. Nó còn khuyên ông thầy đừng nóng, để ảnh học tập tốt, lao động tốt rồi cũng sớm về. Cả năm rồi có nghe nó cho tin tức gì đâu. Tới cơ quan tìm nó thì lần nào cũng cho hay là bận họp hành. Tới nhà thì nói nó đi vắng.
Ông Giáo nhớ ngày xưa nó là thằng trốn học có tiếng trong cái lớp Tư của ông dạy; lên các lớp trên nó cũng đi học bữa đực bữa cái.
Cuối năm lớp Nhứt, thi rớt vào lớp Đệ Thất trường tỉnh, nó bỏ học đi bưng. Phải nó siêng hơn một chút, chắc bây giờ là thủ tướng!
Nhưng ông bà Giáo cũng có cái số may. Hai hôm trước, ông Giáo đang ngồi uống cà phê ngoài vàm, tình cờ có người khách lạ cho biết chỗ ở của thằng con.
Nghe tin con, ông bà Giáo vui hơn đào được hũ vàng, vội vã cơm gạo đi thăm và tiếp tế. Ông bà Giáo dư biết là con trai họ đang đói khổ vì làm người tù sau ngày mất nước, chớ chẳng phải giải phóng giải phiết hay học tập cải tạo cải tiết gì hết.
Lòng già thương con càng nghĩ càng đau. Đi tới trời, ông bà cũng đi tới nói chi mấy khúc sông con.
Ghe càng đi vào sông Yên thì gặp thêm gió ngược thổi mạnh. Sóng lớn. Ghe nhỏ lại chở đồ nhiều nên chòng chành. Nóng lòng gặp con, ông bà Giáo quyết đi không nghỉ ngơi gì hết. Thằng Nhứt cũng nóng lòng gặp ba nên chèo hoài không biết mệt. Nước ngược cũng đi. Sóng gió cũng đi. Hơn một năm chờ đợi, lâu quá rồi. Ông Giáo đã nghe nói nhiều về con sông Yên. Tên là Yên nhưng nhiều sóng gió. Sông Yên là con sông cái nối những con sông nhỏ, đưa nước ra biển qua ngả Bảy Giá. Ngày xưa người địa phương nặng mê tín, và cũng vì lòng ước ao nên đặt là sông Yên để hy vọng sông sẽ trở thành yên lặng, bình yên, không sóng to gió lớn; cũng như người dân quê nghèo rớt mồng tơi, sanh con đặt tên là Giàu, là Đủ, là Dư…Người ta chỉ đoán sông Yên rộng chừng hơn trăm thước, dài chỉ non cây số, nhưng là con sông dữ, có nhiều ghe xuồng bị chìm, nhứt là ghe xuồng của người từ xa mới tới lần đầu.
Có lời đồn đãi là người ta đã vài lần thấy cá mập từ Bãi Giá lội vào.
Thời chiến tranh bốn lăm năm mươi, sông Yên là nơi tập hợp các thằng chõng chết trôi, những xác người cụt đầu, cụt chưn, cụt tay trôi về từ các nhánh sông con. Có ngày nhiều quá chôn không kịp, người ta đẩy xác luôn ra biển.
Thủy táng.
Bây giờ thì ông bà Giáo và thằng cháu nội thấy thế nào là con sông dữ khi chiếc ghe tam bản đến gần chỗ giao lưu của sông Yên với ba con sông nhỏ là sông Thượng, sông Hạ và sông Giữa. Nước từ ba con sông nhỏ đổ vào sông Yên tạo thành vùng nước xoáy mạnh.
Chỗ này lòng sông rộng hơn và gió thì thêm mạnh. Ra khỏi vùng nước xoáy, nước chảy xiết. Trời đã xế chiều mà chiếc ghe vẫn còn trong vùng nước xoáy, vài phút đồng hồ mới đi được một xãy tay. Thằng Nhứt giữ vững tay chèo, cốt sao cho ghe đỡ chồng chành và không bị lật úp. Thằng nhỏ chưa quen chèo nhưng nhờ mạnh tay nên giữ được ghe đi gần bờ. Ông Giáo cũng ráng hết sức giữ cho mũi ghe không quay vòng. Bà Giáo thì ngồi yên, lâm râm niệm Phật.
Trong tiếng cầu kinh, trong tiếng gió vù vù và tiếng nước xoáy, cả ba người trên chiếc ghe tam bản bên này bờ sông bỗng thấy phía bên trái, chỗ vàm sông Hạ, thấp thoáng trong màu chiều, một bè rồi hai, rồi ba, bốn, năm… chiếc bè gỗ trôi ra từ sông Hạ, nhập vào sông Yên rồi dừng lại ở đầu voi. Ông Giáo nhớ ngay lời người ta nói về những người tù và những chiếc bè tràm từ thượng nguồn sông Hạ theo con nước ròng đổ vào sông Yên. Tại chỗ nước xoáy này, khi vừa tới voi, những bè tràm sẽ cắm sào dừng lại, đợi khi nước lớn sẽ theo sông Thượng bè tiếp về trại tù Ngọc Trai ở thượng nguồn sông Đối. Khi thêm một chiếc bè vừa ra khỏi vàm sông Hạ, lúc ráng chiều nhuộm đỏ khúc sông, thằng Nhứt dụi mắt hai ba lần, nó thấy người đàn ông ngồi trên bè hơi quen. Nó lớn tiếng kêu ông bà nội cùng nhìn người đàn ông. Có phải đây là sự nhiệm mầu, hay là vì thần giao cách cảm, để linh tính cho người tù trên bè tràm và ba người trên ghe tam bản biết rằng họ là những người máu mủ ruột thịt. Họ đã cùng cất tiếng gọi nhau. Ba. Má. Con. Ba. Con. Con. Ba. Má…
.
Những tiếng gọi lẩn vào nhau, chồng chất lên nhau. Gọi nhiều lần. Tiếng gọi bay trong gió, vang trong chiều tà. Có một tíc tắc, thằng Nhứt đã quên tay chèo, cúi khum người, hai tay nó bụm miệng kêu lớn ba, ba. Thiếu người cầm lái, chiếc ghe xoay vòng, ngã nghiêng như chiếc lá trong phong ba. Ông Giáo ngồi phía trước dồn hết sức lực trên đôi tay già, cầm chắc cây dầm giữ cho ghe thăng bằng. Khi bà Giáo thấy đầu hai cây chèo đập vào sau ót thằng Nhứt, máu phun thành vòi thì thằng Nhứt đã lọt tũm xuống sông. Ngay lúc đó người tù cũng bỏ bè tràm, phóng mình về phía chiếc ghe. Nước xoáy. Gió mạnh. Bà Giáo la một tiếng thất thanh, bà thấy một vùng tối mênh mông trước mặt mình. Ông Giáo thì thấy một màu đỏ ối nhuộm hết khúc sông, nhuộm hết bầu trời.
Những con sóng như những bàn tay máu vung cao. Nước xoay vòng bè tràm như cây tăm trong ly nước khuấy. Chiếc ghe cũng xoay vòng rồi trôi theo dòng nước. Bè tràm như ngựa không cương, trôi nhanh về phía hạ lưu. Người tù cũng trôi đâu mất, không thấy trồi lên mặt nước. Những bạn tù chưa kịp lặn tìm xác bạn thì bị nòng súng chĩa sau lưng. Có một người tù nhanh trí vội vã lấy hai cây tràm làm thành hình thập tự giá cắm ngay tại vàm sông Hạ, chỗ đất bồi.
Ba ngày sau, xác người tù tấp vào một tay đáy ở Bãi Giá, bụng sình chương, hai hốc mắt trống hoác. Xác thằng Nhứt thì không ai thấy; có lẽ trôi tuốt ra biển. Bà Giáo chết đi sống lại nhiều lần trước cái xác tròn như trái banh lông và trước cửa biển mênh mông trời nước, không một bóng người. Ông Giáo thì cứ ngậm hoài trên đôi môi điếu thuốc rê không cháy.
Từ đó ông bà Giáo cúng hết vườn đất cho chùa, dọn nhà về vùng sông Yên. Căn nhà sàn nhỏ dựng ngay dưới bến sông, chỗ ngả ba nước xoáy, nơi có cắm cây tràm thập tự giá. Mỗi buổi chiều, khi ráng đỏ nhuộm một gốc trời ông bà Giáo bắt ghế ngồi ngoài hàng hiên, mỗi người một góc. Nước vỗ như lời than khóc dưới chân. Nhiều khi nước phát ra những tiếng Ba. Má. Nội. Ba. Má. Nội… thành những tràng dài như tiếng hú rớt xuống từ cõi xa xăm mộng tưởng. Có khi dưới chân, nước là những con bạch tuột có hàng trăm vòi. Là máu. Là cái bụng sình chương. Là đôi con mắt thiếu tròng. Là giọt máu phun ra từ cái đầu xanh non như lá cỏ. Sóng nước ở một bãi bờ xa lạ trong một đất nước bỗng nhiên xa lạ đã thủy táng hai người thân yêu nhứt của ông bà giáo già.
Nhưng mà, lạ chưa, bây giờ ông bà cũng muốn sống hết đời ngay trên những lớp phong ba của một dòng sông dữ! Ôi! Cũng là một cách thủy táng đau thương! Ông bà ngồi đây mà tâm hồn thì đang bập bềnh trên sóng nước. Muôn đời oan hồn người con trai duy nhứt và đứa cháu nội duy nhứt đang trôi nổi bồng bềnh đâu đây trong khói, trong sương, trong màu chiều đỏ như máu và trong màn đêm đen như mực.
Trời nước mênh mông, phong ba cuồng nộ đã chôn sống hai người thân yêu nhứt của họ, cũng đang chôn sống thể xác họ, nhưng không chôn hết được nỗi buồn của người bỗng khánh tận lúc cuối đời.
x Xx
Từ đó và mãi cho đến bây giờ, sau gần bốn mươi năm, người địa phương gọi khúc sông nầy là Sông Oan.
Trần Bang Thạch
( Tác giả )
Thân mến
TQĐ
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét