Tìm bài viết

Vì Bài viết và hình ảnh quá nhiều,nên Quí Vị và Các Bạn có thể xem phần Lưu trử Blog bên tay phải, chữ màu xanh (giống như mục lục) để tỉm tiêu đề, xong bấm vào đó để xem. Muốn xem bài cũ hơn, xin bấm vào (tháng....) năm... (vì blog Free nên có thể nhiều hình ảnh bị mất, hoặc không load kịp, xin Quí Bạn thông cảm)
Nhìn lên trên, có chữ Suối Nguồn Tươi Trẻ là phần dành cho Thơ, bấm vào đó để sang trang Thơ. Khi mở Youtube nhớ bấm vào ô vuông góc dưới bên phải để mở rộng màn hình xem cho đẹp.
Cám ơn Quí Vị

Nhìn Ra Bốn Phương

Thứ Năm, 30 tháng 5, 2024

ĐỜI RỘNG HẸP- ĐẠO BAO LA - TRƯƠNG CÔNG HẢI


Làm người ai cũng có ước mơ, như Napoleon nói” Bước chân vô lính thì phải mơ làm tướng.” Thiết nghĩ, những người xuất gia khi còn là Sa Di thì phải mơ làm Thượng Toạ, chưa nói đến Bồ Tát, có vậy mới chuyên tâm tu luyện Pháp Phật để thành một bậc chân tu sau này, nếu không thì họ chỉ là người nương nhờ, vì không muốn nói là kẻ ăn mày cửa Phật. Xuất gia làm Tu Sỹ thì cũng như một người lính chuyên nghiệp, họ phải học binh pháp, rèn luyện kỹ năng, xả thân nơi chiến trường. Còn là Tu Sỹ thì phải học Kinh Pháp, nghiêm giữ giới luật, diệt Ngã, truyền bá Đạo Pháp là một nghĩa vụ.
<!>
Xưa, Đức Thích Ca đi giảng Đạo như một sứ mệnh, gọi là Khất Sỹ nhưng không chủ động xin, chúng sanh tự nguyện cúng dường, cúng gì dùng nấy.
Nay Sư lợi dụng Pháp, quảng cáo cúng dường, rồi bày thêm trò mèo trục vong, đem phước đức ra câu, đem nghiệp chướng ra hù để moi tiền trục lợi.
Nên nhớ, đã có Phật là không có thần thánh. Chữ Đạo trong Đạo Phật ta dùng là lối đi, một hướng đi (WAY), chúng ta quen nghĩ là một tôn giáo (religions).
Pháp Phật là một hệ thống triết lý nhân văn, đặt căn bản trên nỗi khổ của muôn loài, cụ thể là loài người.

Nhà nước giúp dân xoá đói giảm nghèo bằng chính sách. Pháp Phật giúp con người thoát khỏi những muộn phiền, hệ lụy trong kiếp trần ai bằng cách tu để diệt Tham Sân Si, tiến lên Bi Trí Dũng…Bày cách gieo nhân tốt gặt quả đẹp ở đời.
Pháp Phật đưa ra giải pháp Bát Chánh Đạo để giải thoát mầm khổ từ Tứ Diệu Đế mà con người thường vướng phải.
Hệ thống tư duy, triết lý của Ngài đầy tính logic và khoa học thuyết phục lòng người, như nhà khoa học vật lý Albert Einstein đã công nhận :
“ Phật Giáo không cần phải từ bỏ quan điểm của mình để theo khoa học, Phật Giáo bao gồm cả khoa học cũng như vượt qua khoa học”.
Tóm lại Đức Phật là một triết gia, là nhà khoa học về tâm lý nhân văn, khi thành đấng Giác Ngộ rồi Ngài đã mất đi phần con mà chỉ còn lại phần NGƯỜI.
Vài vị xàm tăng hiện nay tu sao không biết mà phần CON thì tăng mà phần người lại giảm. Tu luyện ngược Pháp nên bị tẩu hỏa nhập ma, biến thành ma tăng như kiểu Tây Độc Âu Dương Phong, nhân vật của Kim Dung, đánh võ ngược, giảng xàm giáo Pháp.

Ba ngôi Tam Bảo : Phật thì đã nhập diệt, còn Pháp, nhưng cũng chỉ là kinh sách, chỉ có Tăng là người. Một số vị tận dụng lợi thế, thuyết pháp theo hướng trục lợi, biến Phật tử thành Con Nhang, mập mờ giữa Phật Pháp và Đạo Giáo có xuất xứ từ bên Tàu.
Về mặt tu tập, xu hướng của Pháp Phật là giải thoát từng cá nhân ra khỏi phiền não và những hệ lụy trong kiếp trần ai. Phương pháp tu tập cũng rất thoáng vì có nhiều cách để tu.
Nếu muốn thoát tục hẳn thì xuất gia vào chùa để làm Điệu, làm Sa Di, tu lên Đại Đức rồi giảng Pháp để hoá độ chúng sanh, như vậy thì được gọi là Thầy, mang họ Thích của Phật kèm Pháp danh, chứ không phải cứ có họ Thích rồi thích gì cũng được.


Vì là tu sỹ nên phải triệt để tuân theo giới luật, sự giữ gìn giới luật chính là thước đo phẩm hạnh của bậc chân tu.
Việc giữ giới rất khó, giữ được giới tức là đã thắng được mình.
Theo kinh Pháp Cú: “Thắng được mười vạn quân địch ngoài chiến trường dễ hơn tự thắng chính mình.” tự đấu tranh thắng được cái ác trong người mình, khơi dậy được tâm thiện lành là điều kiện tiên quyết để tu học Phật Pháp.
Cũng như một người lính trước hết phải tập đi đều, học cách tuân thủ quân lệnh. Là Tu sỹ trước hết phải diệt được Tham, Sân, Si mới nói được chuyện Bi,Trí, Dũng.
Chưa kể nhiều chùa, Thầy đi tụng kinh, cúng vái tang ma mà gia chủ phải chi tiền. Tại sao không xem đây là một nghĩa vụ tâm linh mà phải có tiền mới đi. Phật đâu có bán Pháp, sao Tăng lại làm ngược lại.
Phật tử cúng dường cho chùa mấy cũng được, chẳng lẽ chùa không lại phước được mấy câu kinh à.
Thứ đến, nếu chưa thể xuất gia mà muốn tiếp cận đạo Pháp thì cứ lên chùa xin làm cư sỹ, theo Thầy tụng kinh, học Pháp.
Sau nữa, dễ hơn thì tu tại gia, ăn chay niệm Phật gõ mõ tụng kinh, làm lành tránh dữ.
Cuối cùng hạng bét như tôi cũng tu, nhưng tu theo cách của mình. Cả đời không đi chùa vì tôi không muốn Phật thấy để ban phát cho cái gì cả, mà chỉ ở nhà tu tâm, sửa mình để thấy Phật, như cách những con Chiên dọn mình chờ thấy Chúa vậy.
Tôi không ăn chay mà thành ra ăn chay. Mỗi bữa tôi ăn hai phần rau quả, chỉ một phần thịt cá, tính ra thì chay mỗi tháng cũng được 20 ngày.
Đức Phật xưa không ăn chay, nay theo Pháp Phật không nên sát sanh mà ăn chay để nhắc nhở về sự tu tâm là điều tốt cho cả về đạo đức lẫn sức khỏe.
Ăn chay, là một giới luật bắt buộc của các tu sỹ Bắc Tông, người thường như chúng ta ăn chay là một cách phát nguyện thiện tâm, cũng là một cách khởi duyên tu.
Thứ nữa, là tôi không tu theo Tăng mà theo Pháp, tức là đi theo ngón tay chỉ trăng của Phật, tôi tự sửa mình, tự tu tâm, cố gắng hết sức để thay đổi bản thân bằng cách chế ngự bản năng phần CON trong người mình, từng bước giảm Tham, Sân, Si, buông bỏ cho lòng thanh thản, tiếp đến học cách nâng cao phẫm chất làm người theo ba chữ Bi, Trí, Dũng.
Cả đời tôi chỉ mong tu cho được 6 chữ đó, được chừng nào hay chừng nấy. Kinh kệ tính sau.
Nói nhỏ: Ngày xưa đi đường thấy tiền ai rớt là dừng xe lượm bỏ túi ngay. Ngày nay cũng lượm nhưng để dành cho ăn xin, hoặc bù thêm để giúp kẻ khó khăn.
Vợ con, hay ai nói chi cũng cố cho qua hết, làm chi với ai có thiệt một chút cũng được. Tánh khí hồi xưa ngông nghênh, cứ sướng thì chìu không sướng thì chà, nay lại khác, sướng thì chìu, không sướng thì bỏ chạy.
Xưa chuyện chi cũng đôi co, ỳ xèo hơn thua, nay cho qua, thiệt tí cũng được, vì chộ đời rồi.
Sửa mình cho đạt được chữ “chộ” này cũng đủ để bưa đời. Tôi là người thường, cố gắng tu ngang đó cũng đã quá khó rồi.
Chuyện Thầy Minh Tuệ, Thầy có quyền chọn con đường tu tập của mình, và Thầy đang bắt đầu tu theo hạnh Đầu Đà, giữ 13 giới, có nghĩa là Thầy đang thử thách để chế ngự các bản năng vật dục của phần CON trong con người của Thầy. Đây là bước đi cơ bản để tự thắng mình theo kinh Pháp Cú.
Nếu Thầy thành công, phần con sẽ mất, thì tự nhiên lộ ra phần NGƯỜI, đó là phẩm hạnh, là điều kiện cần và đủ của một bậc chân tu sau này.
Trong số người đi theo Thầy có người ngưỡng mộ cách tu, muốn thử sức như Thầy. Tiếc là quần chúng không ý thức được việc thể hiện thái quá như vậy, vô tình làm ảnh hưởng đến bước chân tu của Thầy.
Ngoài ra, việc nhiều người ngưỡng mộ, đi theo, tu theo, đó là hiệu ứng từ một hậu quả tất yếu do mất lòng tin xưa nay vào các xàm tăng.
Trước đây Thầy Minh Tuệ đi như vậy mấy năm rồi mà có ai theo đâu.
Giá trị của Thầy Tu luôn nằm trong lòng Phật Tử, câu nói: “ Chiếc áo không làm nên Thầy Tu” hơn bao giờ hết, lúc này mới thấm thía.
Cá nhân tôi rất kính phục tư cách cũng như phương pháp tu của Thầy Minh Tuệ. Chỉ ngưỡng mộ, ủng hộ thôi chứ không lạy như bao người, vì Thầy còn đang trên đường làm một hành giả.
Chắc mọi người cũng như tôi, chúng ta sẽ phủ phục sau nầy, khi Thầy thành Đạo quả.
Chuyện là, trong phim Tây Du Ký, ngoài Đường Tăng ra, những nhân vật khác kể cả nhân vật Trư Bát Giới, cùng phe với dân ăn chơi, sau mười mấy năm dầm mưa dãi nắng, vượt qua bao nhiêu thử thách rồi cũng được phong chữ Phật đội trên đầu mũ, bởi họ có tâm Phật, phụng sự vô điều kiện cho việc thỉnh kinh, góp công truyền bá Phật Pháp.
Nhưng ngược lại, vị làm nhiệm vụ phát kinh, được chọn từ chân tăng mà tay thì nhận chiếc bát vàng, do đã gợi ý hối lộ.
Tâm con người ứng biến, khó phân biệt được ranh giới chánh tà. Pháp Phật có là chân lý hay không còn tùy mấy Tăng vận dụng, gặp Tăng mà tà tâm thì bó tay.
Đạo đi vào Đời bằng con đường của Tâm, Đời đi vào Đạo cũng vậy. Chữ Tâm được tượng hình bằng: “ Một vầng trăng khuyết, ba sao giữa trời “(ND), ngó mông lung vậy nhưng chức năng thì vi diệu. Tâm mà tốt thì chứa được vô lượng Phật tính, là nguồn gốc của mọi duyên lành, nghiệp khởi.
Cho nên nếu không có điều kiện tu Chùa thì cứ tu Tâm.
Có câu nói nầy để các bạn suy gẫm cho nhẹ lòng :
ĐỜI rộng hẹp
ĐẠO bao la
ĐẠO ĐỜI một cội
Gần xa tại LÒNG.

TRƯƠNG CÔNG HẢI
Tháng 5/2024
(Mùa Phật Đản)

Không có nhận xét nào: