Sài Gòn có nhiều địa danh có liên quan đến nhân vật như: xóm Chiếu, ngã tư Hàng Xanh, ngã ba Ông Tạ, ngã ba Chú Ía, chợ Bà Chiểu, chợ Bà Hoa, cầu Ông Thìn, cầu Ông Lãnh, cầu Bà Đô …Cầu Bà Đô trước nằm gần cuối đường Bến Chương Dương nối Bến Hàm Tử, Lâu ngày kênh rạch bồi lấp không còn nhìn ra hình dáng cây cầu nữa ngoại trừ một tấm bảng nhỏ bên đường. Địa điểm này hồi sau 75 là nơi tụ tập của những người đi vượt biên, từ đây họ sẽ lên ghe xuôi rạch Bến Nghé ra cửa biển. Sau này tấm bảng cũng mất, cây cầu nhỏ hóa thân thành một đoạn đường ngắn của đại lộ mới mở rộng.
Chợ Bà Hoa ở trên đường Nguyễn Mai Ninh, thoạt tiên chỉ là khu chợ nhỏ của những người Quảng Nam tránh chiến tranh di tản vào Sài Gòn. Sau này trở thành một khu Bảy Hiền tấp nập. Chợ Bà Hoa ngày càng nhộn nhịp, chật chội nhưng không còn chỗ nào mở rộng vì chung quanh nhà dân san sát, máy dệt chạy suốt ngày.
Cứ nghe địa danh là biết ngay đặc điểm của địa phương đó. Gọi tên Ngã Năm Chuồng Chó bởi trường Quân khuyển từng đóng ở đó, Xóm Thuốc vì có thời kỳ chuyên trồng thuốc lá, Cầu Kho là cây cầu cạnh kho chứa lương thực, ngã ba Ông Tạ vì nơi đây có một vị được gọi là ông Tạ.
Địa danh Ông Tạ khá đặc biệt vì nhân vật này vẫn còn tồn tại cho đến tận những năm về sau. Tuy vậy, ngay chính tại địa phương, cũng không nhiều người biết rõ lắm về lai lịch Ông Tạ.
Thuở ấy,chàng thanh niên Nguyễn Văn Bi tuy gốc gia đình nông dân nhưng không thích công việc cày cuốc, trồng trọt, chăn nuôi của nhà nông mà lại ham muốn dấn thân vào nghề y.
Đông y trước kia vốn không có trường lớp bài vở rõ ràng như Tây y mà chỉ dạy theo kiểu truyền nghề từng người, một thầy một trò dần dần năm này qua năm khác vừa học vừa hành. Ai muốn học Đông y phải tìm thầy giỏi, chuyên tâm theo đuổi nhiều năm để hàng ngày được thầy chỉ dẫn thực hành cách chẩn bệnh, bốc thuốc. Bài thuốc khi thay đồi một vị đã thay đổi cách chữa những bệnh khác nhau.
Thay vì Tây chia ra hai ngành Y và Dược đào tạo bác sĩ và dược sĩ riêng rẽ thì thầy lang của thuốc Bắc và thuốc Nam kiêm nhiệm cả hai lãnh vực đó. Vừa khám bệnh vừa kê toa, bốc thuốc. Thuốc men thầy cũng tự tìm lấy: lá. rễ, củ, hạt… tự thái, sao, tẩm, phơi… Về sau, nguồn dược liệu thường được tập trung trồng trọt, thu hái… rồi mới tỏa ra các nơi cung cấp cho phòng khám chẩn trị của các thầy lang.
Nguyễn Văn Bi rời nhà, lang bạt qua các ngọn núi tỉnh Tây Ninh tầm sư học nghề, ông được các thầy thuốc Nam truyền cho những bài thuốc cổ truyền với nguyên liệu thuốc Nam, một số dược thảo là cây cỏ thiên nhiên tìm trong rừng núi, số khác trồng trong vườn nhà. Khi đã thành thạo Nam y, ông hạ sơn và tiếp tục học Đông y ở các tiệm thuốc của người Trung Hoa.
Sau thời gian dài, khi đã nắm vững nghề thuốc, ông bắt đầu hành nghề độc lập, bắt mạch và bốc thuốc chữa bệnh cho dân chúng.
Từ trước năm 54, đô thị chưa lan rộng, cả khu vực quanh hương lộ 14 vẫn chỉ là bãi đất mênh mông với ít đám rau hay cỏ dại mọc lan tràn, thưa thớt dăm nóc nhà và một mái chùa nhỏ có tên Thánh Thọ.
Đường xá hoang vu, cảnh chùa cũng vắng vẻ. Ông Bi mua nguyên khu vực hương lộ có chùa Thánh Thọ trong đó. Ông là cư sĩ tu tại gia, thường được gọi là ông Thủ Tạ, bắt đầu mở phòng khám bệnh. Mặc dù tấm bảng lớn đề tên phòng khám treo ngay trước cửa nhưng ít ai để ý. Hỏi thăm “Trần Thái đường”, dân địa phương chẳng ai biết bởi tất cả mọi người đều gọi ngắn gọn là “phòng khám Ông Tạ”.
Ông Tạ thông thạo Hán văn nên có thể tự nghiên cứu sách vở, tài liệu. Ông biết kết hợp cách chữa bệnh của người Việt và người Hoa, kết hợp cả thuốc Nam và thuốc Bắc với nhau một cách thông thạo, nhuần nhuyễn. Đông y không chia nhỏ ra nhiều chuyên khoa như Tây y nên hầu hết thầy lang đều “đa khoa”. Ông Tạ rất mát tay chữa khỏi nhiều bệnh. Bệnh nhân mau hết bệnh với chi phí rất ít hoặc miễn phí. Thời đó khi người nghèo chưa chạm được đến Tây y, hầu hết bệnh nhân chỉ trông cậy vào các thầy thì ông Tạ chính là người cứu nhân độ thế vậy.
Bởi vậy, danh tiếng của ông không những nổi trong khu vực mà còn mau chóng bay đi xa. Bệnh nhân khắp nơi kéo đến đông tới nỗi phải chầu chực từ sáng sớm để đợi tới phiên. Ngay cả tây đầm ngoại quốc cũng tìm đến xin chữa trị vì tiếng đồn về ông là “chẩn bệnh như thần”.
Ngoài tài y dược, ông còn có cái tâm của một lương y đạo đức. Gặp bệnh nhân nghèo, ông chữa bệnh, cho thuốc không tính tiền. Dân chúng xung quanh không có nhà, ông cắt đất cho ở. Năm 54, làn sóng di cư vào Nam đổ vào đây khiến khu Ông Tạ không còn vắng vẻ nữa mà trở nên càng ngày càng đông đúc.
Đến năm 75, ông chỉ còn sở hữu hai ngàn mét vuông đất ở góc đường và mặc dù đường đã đổi tên mới nhưng tiếng tăm về ông lan rộng tới nỗi góc đường Lê Văn Duyệt- Thoại Ngọc Hầu (nay là Cách Mạng Tháng 8- Phạm Văn Hai) được mọi người gọi là Ngã ba Ông Tạ, rồi chợ Ông Tạ, cầu Ông Tạ… Nguyên khu vực rộng rãi này được gọi chung là khu Ông Tạ mà không cần biết tới tên trên bản đồ hành chánh.
Dù sao cầu Ông Tạ bắc ngang kênh Nhiêu Lộc đã bị phá bỏ, thế bằng hai cây cầu nhỏ phân thành hai luồng xe xuôi ngược qua lại hai bờ kênh..
Dân di cư tập trung đông đảo biến nơi này thành một khu “Bắc kỳ” thuần túy. Những người miền Bắc trên đường vào Nam mang theo nguyên vẹn cuộc sống từ y phục, giọng nói, ẩm thực… vào khu đất mới. Đến nay, dân cư ở đây đã qua mấy đời: ông bà, cha mẹ, con cháu nhưng họ vẫn giữ nguyên giọng nói quê cũ.
Trước kia, dân di cư ở các nơi về thành phố, thường ghé đến đây vì có khá đủ hàng hóa cần thiết cho họ mua bán. Dân di tản sau này cũng vậy, nhắn về người quen tìm mua hạt giống cải bẹ xanh trồng vào mùa xuân, loại cải để muối dưa chua hay lá dong vào sát tết…. Đến khu Ông Tạ là chắc chắn nhất, khỏi cần đi tìm nhiều nơi vì ở đây bày bán đầy đủ các loại hạt giống rau, củ cho dân di cư trồng trọt, nhất là các loại rau thường dùng trong ẩm thực của người Bắc.
Sau khi chợ Ông Tạ bị giải tán, chợ mới Phạm Văn Hai được thành lập thu gom người buôn bán vào đó thì đi trên đường, nhìn vào các con hẻm nhỏ hai bên, người ta vẫn thấy cảnh buôn bán rơi rớt từ chợ nhỏ trước kia. Họp dài dài theo ngõ hẹp là rau cỏ, thịt thà bày dưới đất dọc theo lối đi. Hàng hóa đặc Bắc: rau thì là, cà váu, củ dong riềng, mắm tôm, mắm tép… Tết đến rợp trời lá dong và lạt giang. Mọi người kháo nhau muốn ăn tương Bắc, mắm tôm ngon, phải tìm đến đúng chợ Ông Tạ. Đó là không kể mộc tồn và bê thui là hai món “đặc sản”. Các quầy nhỏ nhắn, gọn gàng đứng rải rác dọc theo đường treo lủng lẳng hoặc bày trên mặt quầy mộc tồn vài con, bê thui nguyên đùi vàng ươm. Khách hàng ghé xe vào mua mang đi chứ không có bàn ghế bày ăn tại chỗ vì lề đường quá hẹp.
Khu Ông Tạ cũng nổi tiếng với khu phố Hàn Quốc nằm đằng sau chợ Phạm Văn Hai đông người Hàn Quốc sinh sống với nhiều cửa hàng, quán xá chuyên bán thực phẩm, thức ăn kiểu Hàn.
Mặc làng xã chung quanh biến đổi thành phố phường đông đúc. Ông Tạ người to, cao, uy nghi, phúc hậu, nhìn rất tốt tướng. Sau 75 ông vẫn tiếp tục nghề chữa bệnh mãi và qua đời năm 1983, thọ ngoài bảy mươi tuổi. Sinh thời không lập gia đình, không có con nên ông truyền nghề thuốc cho một người cháu ruột và hai con trai của người cháu này.
Có điều lúc còn sống, do thương người, ông Tạ cho một số người buôn bán tạm vào ở trong khuôn viên của nhà thuốc. Trong đó, có một người phụ nữ. Sau khi ông mất, giữa người này và các cháu của ông xảy ra tranh chấp tài sản. Đất đai Ông Tạ lúc này nằm giữa đô thị, đã trở thành “tấc đất tấc vàng”. Cuối cùng, nhà cửa chia thành hai. Một nửa thuộc về người phụ nữ là ngôi mộ của Ông Tạ và phần diện tích được chia đã bán cho chủ mới xây căn nhà lầu bốn tầng. Một nửa thuộc về người cháu là nhà thuốc và chùa Thánh Thọ ngày xưa mà nay thành ngôi tự của gia tộc Ông Tạ.
Người cháu ruột mất, thương hiệu “nhà thuốc Ông Tạ” thuộc về hai người cháu trai là Nguyễn Văn Huệ ngay nhà ông Tạ và Nguyễn Văn Đông cũng ở gần đó. Nay thì ông Huệ mất cách đây 3 năm và ông Đông cũng đã dọn đi.
Bây giờ tới khu Ông Tạ quá đỗi quen thuộc nhà cửa san sát, buôn bán rộn rịp, ít ai để ý khi đi ngang qua một mặt tiền với tấm bảng Trần Thái Đường cũ kỹ phai màu. Qua lối vào hơi tối, trong khuôn viên là mảnh sân rộng rãi và phòng mạch không thay đổi. “Nhà thuốc Ông Tạ” chính gốc thường xuyên đóng cửa. Một người cháu trong họ đặt chiếc bàn nhỏ bán nước giải khát kiêm bán ít hộp thuốc Đông y gia truyền. Ai cần mua thì mới mở cửa lấy thuốc.
Ngày nay việc học nghề Y dễ dàng hơn xưa. Các lương y ngoài kiến thức gia truyền còn theo học ở trường lớp chính quy nên rút ngắn được thời gian mò mẫm nghiên cứu thầy cầm tay truyền nghề như trước kia. Việc sản xuất thuốc cũng phát triển quy củ. Ngoài khu Hải Thượng Lãn Ông ở quận 5 chuyên bán dược liệu, nhiều cửa hàng thuốc Đông y chỉ lấy thuốc đóng vỉ, đóng hộp theo kiểu công nghiệp do các công ty sản xuất về bán, chứ không cần thầy chẩn bệnh. Ngay cả tiệm thuốc Tây cũng bán nhiều hộp thuốc Đông y phổ biến.
Trong con hẻm xế “Trần Thái đường” giờ đây cũng hiện diện một phòng khám Đông y “Ông Tạ” với chủ nhân là lương y Trần Văn Sửu. Bà nội của ông Sửu và ông Tạ vốn là chị em ruột. Ông Sửu cũng định hướng các con trong tương lai sẽ nối nghiệp nghề thuốc gia truyền từ đời ông cậu quá lừng lẫy.
Một tấm chân dung to được treo trang trọng giữa phòng thuốc và tấm nhỏ hơn lộng dưới tấm kính trên bàn cho thấy hình ảnh chủ nhân xưa, Ông Tạ, người được lưu danh cho cả một vùng phố thị sầm uất ngày nay.
Hàm Anh
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét