Tìm bài viết

Vì Bài viết và hình ảnh quá nhiều,nên Quí Vị và Các Bạn có thể xem phần Lưu trử Blog bên tay phải, chữ màu xanh (giống như mục lục) để tỉm tiêu đề, xong bấm vào đó để xem. Muốn xem bài cũ hơn, xin bấm vào (tháng....) năm... (vì blog Free nên có thể nhiều hình ảnh bị mất, hoặc không load kịp, xin Quí Bạn thông cảm)
Nhìn lên trên, có chữ Suối Nguồn Tươi Trẻ là phần dành cho Thơ, bấm vào đó để sang trang Thơ. Khi mở Youtube nhớ bấm vào ô vuông góc dưới bên phải để mở rộng màn hình xem cho đẹp.
Cám ơn Quí Vị

Nhìn Ra Bốn Phương

Thứ Tư, 29 tháng 5, 2024

Buổi Thuyết Trình của LS Đỗ Thái Nhiên về “Ngôn Ngữ của Miền Nam Việt Nam Đang Tiếp Tục Bị Xâm Thực” - Minh Phượng


Ngày chủ nhật 26 tháng 5, năm 2024 tôi được chị Kim Ngân mời tham dự buổi thuyết trình của LS Đỗ Thái Nhiên về đề tài “Ngôn Ngữ của Miền Nam Việt Nam Đang Tiếp Tục Bị Xâm Thực” (theo bản tin BBC News, ngày 4 tháng 3, 2024). Mở đầu chương trình là lời giới thiệu về tiểu sử và quá trình hoạt động của LS Đỗ Thái Nhiên. Ông là cựu LS tòa thượng thẩm Sài Gòn, cựu sĩ quan tổng quản trị bộ tổng tham mưu QLVNCH. Sau 30/4/75, ông là một trong những cựu tù nhân chính trị, và đã vượt biên, định cư tại Hoa Kỳ năm 1986. Ông là tác giả của các quyển sách sau:

<!>

“Triết Học Lý Đông A”, 2005

“Một Quan Niệm Chung cho Nhân Quyền”, 2014

“Vận Động Hòa Bình”, 2023

Xin xem phần giới thiệu rất trang trọng, chi tiết, về LS Đỗ Thái Nhiên (LS ĐTN) trong YouTube sau:

Theo thiển ý, LS Đỗ Thái Nhiên có cách trình bày rất lôi cuốn, với giọng nói điềm đạm, chậm rãi rất dễ thuyết phục người nghe. Ông cũng có cách trả lời rõ ràng, trân trọng từng câu hỏi của khán thính giả trong phần hội luận và vì vậy, buổi thuyết trình này rất đáng được quan tâm, lưu trữ vì những nhận định sâu sắc, và vì cung cách thể hiện quan điểm của LS .

Bài thuyết trình được chia làm 3 phần, xen kẽ với ba phần phụ diễn văn nghệ vô cùng đặc sắc.

Trong phần đầu, LS ĐTN đưa ra những ví dụ cụ thể về những từ ngữ, danh từ  bị đổi thay, gây ra nhiều xáo trộn, đầy rẫy trong sách giáo khoa, báo chí sau 1975. Vấn đề chính là việc đảng CSVN độc quyền giáo dục, độc quyền về mặt truyền thông, độc quyền phổ biến, cho in sách vở báo chí, và đã đảng hóa ngôn ngữ miền Nam. Ngôn ngữ đảng bị nhồi nhét vào chương trình giáo dục (nhất là ở trình độ trung và tiểu học), vào sách báo, toàn bộ hệ thống truyền thông. Việc ”xâm thực” này đã  đi ngược lại chính hiến pháp của chính CSVN về việc “tôn trọng quyền sống độc lập, cách sống và phương ngữ (ngôn ngữ địa phương)”. Xin mời nghe phần trình bày này trong YouTube sau đây

Sau phần trình bày thứ nhất, chị Kim Ngân đã cho khán thính giả thưởng thức bài “Tình Ca” của Phạm Duy. Tôi đã được nghe chị đàn hát trước đây, nhưng có lẽ đây là bài hát chị hát nghe hay nhất, cảm động nhất trong không bầu khí trang nghiêm, thân mật, của buổi thuyết trình.

Trong phần thuyết trình kế tiếp, LS Đỗ Thái Nhiên nói về tác động văn hóa và hậu quả của sự xâm thực ngôn ngữ của đảng CSVN. Văn hóa là sự kết tinh với nhiều nỗ lực của con người trong xã hội, của nhà thơ, văn, nhạc sĩ, từ tâm tình tiếng nói của người dân bình thường trong mỗi địa phương. Ngôn ngữ gói ghém phong tục tập quán, nói lên tình yêu quê cha đất tổ, và với người Việt Nam, đó là tiếng hát, câu hò của người dân, biểu tượng trí thông minh, óc sáng tạo của dân mình. Ngôn ngữ là linh hồn văn hóa của một dân tộc. Yếu tố tinh thần, linh hồn và hành chánh địa phương, với châm ngôn  “phép vua thua lệ làng” đã bị vùi dập bởi việc xâm thực này.  Có một câu LS ĐTN khẳng định, và tôi đồng ý nhất là: “Ngày 30 tháng 4, 1975, là ngày VNCH, nói một cách khoa học và nghiêm chỉnh, bị xóa sổ do bàn cờ quốc tế thay đổi, hoàn toàn không có vấn đề thua trận” . Và vì CSVN nhân cơ hội bàn cờ quốc tế xoay vần, đã xóa bỏ hiệp định Ba Lê, chiếm lấy toàn bộ guồng máy hành chánh của VN. Và sau 1975, CSVN đã tìm cách chiếm giữ linh hồn quốc gia, xâm thực ngôn ngữ VN bằng đảng ngữ. Đó một âm mưu, một hành động có chủ đích, để có thể cai trị quần chúng dễ dàng hơn và khỏa lấp những điều xấu ác, những tham nhũng, băng hoại của toàn bộ đảng CSVN.  Xin mời xem toàn phần 2 trong YouTube sau:

Sau phần 2, khán thính giả đã được nghe bài “Hội Trùng Dương” được trình bày rất điêu luyện bởi các ca sĩ của VVH ( Lâm Dung, Ái Phương và Hoàng Oanh)

Trong phần 3, LS ĐTN nói đến việc người VN hải ngoại có thể làm gì và cần làm gì về sự vi phạm bản tuyên ngôn quốc tế nhân quyền bởi sự xâm thực ngôn ngữ này của CSVN. Sự bình đẳng tự do phải được thể hiện một cách triệt để trong một xã hội dân chủ đa nguyên. Nếu người dân không có quyền lên tiếng nói, không thể bày tỏ nguyện vọng, suy nghĩ và thể hiện tinh thần, văn hóa, truyền thống, tập tục lâu đời của từng địa phương, thì xã hội đó không thể được xem là một xã hội tự do và dân chủ. LS ĐTN so sánh về cơ cấu tổ chức gia đình kiểu “kim tự tháp”, nơi mà người cha làm chủ, vợ con phải răm rắp tuân theo, giống như một nhà độc tài bắt tất cả thần dân phải theo mọi mệnh lệnh ban ra. Đối lại, một xã hội được lập ra theo  cơ cấu gia đình hạt tâm (nuclear family), nơi mà mọi người trong gia đình đều có bổn phận, và giữ vai trò thiết yếu, sống hài hòa, cùng góp phần tạo nên một gia đình tròn trịa, đầy đủ, là một  xã hội mà mọi người dân đều được xem là phần tử và những quyền căn bản nhất của con người được bảo đảm, dù sự đóng góp có thể khác biệt, ít hay nhiều, tùy theo khả năng, sở thích. Trong xã hội này, mọi phần tử và ngôn ngữ địa phương đều được bảo vệ bởi cơ cấu hành chánh, và tất cả đều được tôn trọng như nhau. Vậy thì làm thế nào để khôi phục lại phương ngữ đang bị xâm thực? Người Việt hải ngoại có thể thực hiện điều này bằng cách nghiên cứu, và phát huy căn bản văn hóa của quần chúng, trong đó truyện cổ VN, cùng ca dao, tục ngữ, được truyền đạt một cách có hệ thống. Nó cũng đồng nghĩa với sự thành tâm kết nối, trao đổi giữa những người Việt hải ngoại, để đối chiếu, thực hiện và truyền đạt về lại chính VN cái nôi văn hóa Việt với tất cả phương ngữ đa dạng, phong phú trên toàn nước Việt Nam. Xin mời vào YouTube sau đây để xem trọn phần thuyết trình rất hay của LS Đỗ Thái Nhiên.

Sau phần 3 của buổi thuyết trình, ba chị Lâm Dung, Ái Phương và Hoàng Oanh đã trình diễn một màn hò ba miền rất duyên dáng như sau:

Sau đó có phần hội luận và khán giả đã có những câu hỏi, những băn khoăn, thắc mắc khác nhau về đề tài này. LS ĐTN đã tuần tự trả lời rất rõ ràng, đầy đủ. Xin mời xem một câu hỏi tôi đưa ra và câu trả lời của LS Đỗ Thái Nhiên trong YouTube sau:

Hình chụp chung sau buổi thuyết trình:

Xin chân thành cảm ơn LS Đỗ Thái Nhiên đã chia sẻ với cộng đồng người Việt hải ngoại một buổi thuyết trình sâu sắc, với những đề nghị thiết thực, chân thành. Xin cảm ơn chị Kim Ngân cùng quý chị trong ban văn nghệ  VVH đã đóng góp những màn văn nghệ xen kẽ thật tuyệt vời, chứa chan tình tự dân tộc tha thiết, thâm trầm. 

Minh Phượng

 27/5/2024

TB: Xin mời nghe bài hát “Thương Ca Tiếng Việt” về giữ tiếng Việt cho trong sáng P hát và thu trước đây:

Không có nhận xét nào: