Tìm bài viết

Vì Bài viết và hình ảnh quá nhiều,nên Quí Vị và Các Bạn có thể xem phần Lưu trử Blog bên tay phải, chữ màu xanh (giống như mục lục) để tỉm tiêu đề, xong bấm vào đó để xem. Muốn xem bài cũ hơn, xin bấm vào (tháng....) năm... (vì blog Free nên có thể nhiều hình ảnh bị mất, hoặc không load kịp, xin Quí Bạn thông cảm)
Nhìn lên trên, có chữ Suối Nguồn Tươi Trẻ là phần dành cho Thơ, bấm vào đó để sang trang Thơ. Khi mở Youtube nhớ bấm vào ô vuông góc dưới bên phải để mở rộng màn hình xem cho đẹp.
Cám ơn Quí Vị

Nhìn Ra Bốn Phương

Chủ Nhật, 26 tháng 5, 2024

ĐIẺM TUẦN BÁO PHÁP QUỐC NGY 26/05/2024 - Mỹ Loan


Gấu trúc Trung Quốc và gấu Nga trong điệu vũ chống phương Tây
Le Point cho rằng Pháp chỉ hoài công khi trông cậy vào Tập Cận Bình để thuyết phục Vladimir Putin xuống thang trong hồ sơ Ukraina, vì gấu trúc panda và gấu Nga đang cùng nhảy điệu luân vũ chống lại phương Tây - Thụy My
<!>
Việt Nam : Đấu tranh quyền lực sẽ còn gay cấn cho đến đại hội đảng
Trước hết liên quan đến Việt Nam, The Economist nhận thấy « Những người cộng sản đang nắm quyền lo giành những chức vụ cao nhất ».Tuần báo Anh nhận định chức chủ tịch nước của ông Tô Lâm không phải là quyền lực nhất, vì tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng mới là người nắm quyền, tuy nhiên quan trọng trong đối ngoại. Tổng thống Nga Vladimir Putin không đến Hà Nội được sau chuyến thăm Trung Quốc vì chiếc ghế chủ tịch nước lúc đó bỏ trống. Đây cũng là vị trí để hy vọng lên tổng bí thư. Ông Trọng lãnh đạo đã ba nhiệm kỳ, sẽ rời chức vụ trong đại hội đảng năm 2026, nếu tình trạng sức khỏe cho phép ông ngồi đến lúc đó.

Người phó của ông Tô Lâm được giao tạm quyền lãnh đạo bộ Công An, cho đến khi tìm được người thay thế ở Bộ Chính trị. Theo The Economist, có thể ông Tô Lâm là người đã hất cẳng ông Võ Văn Thưởng. Nếu một trong những người của Tô Lâm lên làm bộ trưởng công an, quyền hành của ông càng thêm vững chắc. Nhưng theo chuyên gia Lê Hồng Hiệp của Viện Iseas-Yusof Ishak ở Singapore, nếu Tô Lâm lên tổng bí thư có thể biến Việt Nam thành một Nhà nước công an, đe dọa sự sống còn của chính đảng cộng sản, phá vỡ khái niệm đồng thuận.

Còn nếu ngược lại, bộ trưởng công an là người của phe khác, bản thân ông Tô Lâm có nguy cơ trở thành mục tiêu của việc « đốt lò ». Dù sao đi nữa, công an nằm trong số những định chế tham nhũng nhất Việt Nam, và người thân của ông Tô Lâm, cũng như các quan chức cao cấp khác, đều dính dáng đến các vụ làm ăn. Chẳng hạn người em trai của Tô Lâm có nguồn lợi trong ngành địa ốc, năng lượng và giao thông. Nếu ông bị cáo buộc tham nhũng vì những vụ trong quá khứ, thượng tầng sẽ lại rung chuyển.

Nói cách khác, chống tham nhũng và đấu tranh quyền lực sẽ càng dữ dội hơn, ít nhất là đến đại hội đảng, đặc biệt nếu sức khỏe ông Trọng xấu đi trước đó. Các công ty ngoại quốc đang tận dụng bùng nổ đầu tư tại Việt Nam có lý do để lo ngại, không phải vì sợ thay đổi đường lối kinh tế mà chủ yếu là do các dự án được duyệt rất chậm.

Bắc Triều Tiên : Kim Jong Un gia tăng hành quyết để kiểm soát


Tại một quốc gia châu Á khác là Bắc Triều Tiên, Courrier International giải thích « Kim Jong Un tổ chức chính sách khủng bố như thế nào ». Tuần báo Pháp dịch lại tờ Mainichi Shimbun ở Tokyo thuật lại lời một quan chức đã đào thoát nhận định, nhà lãnh đạo tối cao do không có cơ sở vững chắc trong chính quyền, siết chặt kiểm soát người dân thông qua các vụ hành quyết.

Cựu quan chức an ninh, tạm gọi là ông Choe, bỏ trốn sang Hàn Quốc tị nạn từ năm 2019, đã trả lời độc quyền Mainichi Shimbun tại Seoul vào cuối tháng Hai. Đây là bằng chứng hiếm hoi về tình trạng nhân quyền tại Bắc Triều Tiên trong những năm gần đây. Nếu trước đây án tử hình dàn cho tội sát nhân hay những trọng tội khác, thì nay áp dụng rộng rãi hơn theo các « sắc lệnh » được niêm yết trên đường phố. Chẳng hạn đánh cắp cáp điện thoại, ăn trộm hay giết gia súc…Đối với tù chính trị, những vụ hành quyết thường diễn ra trong bí mật để tránh gây xúc động.

Vào tháng Giêng năm nay, Kim Jong Un hủy bỏ khái niệm « thống nhất », « hòa giải » với Hàn Quốc, gây sốc cho dân chúng. Dù mục tiêu này là xa vời, nhưng Bắc Triều Tiên và Hàn Quốc cùng chung văn hóa. Hồi năm 1960 rồi 1980 Kim Il Sung từng đề nghị thống nhất hai nước Triều Tiên theo hệ thống liên bang. Năm 2000, Kim Jong Il đã gặp tổng thống Hàn Quốc Kim Dae Jung để ký kết tuyên bố chung ngày 15/06 trong đó có mục tiêu thống nhất hai miền nam bắc trên cơ sở liên bang. Có nhiều giải thích cho sự thay đổi của Kim Jong Un : mặc cảm người mẹ sinh tại Nhật và có cha mẹ người Hàn Quốc, thất bại trong cuộc họp thượng đỉnh với tổng thống Donald Trump ở Hà Nội…

Trung Quốc và Nga đang trong tuần trăng mật

Liên quan đến hồ sơ Ukraina, Le Point cho rằng Pháp chỉ hoài công khi trông cậy vào Tập Cận Bình để xoa dịu Vladimir Putin, vì gấu trúc panda và gấu Nga đang cùng trong một điệu vũ chống lại phương Tây. Cả hai đang trải qua tuần trăng mật hoàn hảo. Tập Cận Bình ôm vai Vladimir Putin thắm thiết khi đón tiếp ở Bắc Kinh vào giữa tháng Năm – một cách làm bỉ mặt Emmanuel Macron.

Chưa đầy một tuần lễ sau khi được tổng thống Pháp tiếp đón long trọng, ông ta bất chấp đòi hỏi của Paris và các nước khác về việc dùng ảnh hưởng của mình để kềm lại Putin ở Ukraina. Trong cuộc đối đầu với Hoa Kỳ, Tập đã chọn Putin làm đối tác. Bắc Kinh và Matxcơva sóng đôi hơn bao giờ hết kể từ thời Stalin và Mao. Putin vừa gặp Tập đến lần thứ 43 ! Cả hai có cùng một tầm nhìn về thế giới với ý đồ đế quốc, thù ghét Mỹ và muốn bảo vệ cách cai trị độc tài không bị dân chủ lây sang. Họ tin rằng phương Tây đang suy tàn, giờ đây là thời cơ của mình.

Đối với Tập Cận Bình, chiến tranh Ukraina là một món quà từ trên trời rơi xuống. Cuộc chiến này bộc lộ những hạn chế của phương Tây và khiến Hoa Kỳ không thể tập trung sức mạnh để hướng về châu Á, nhờ đó Trung Quốc có được thời gian quý giá để tăng cường quân đội. Bắc Kinh còn mua được dầu khí với giá rẻ mạt, vì Putin không thể bán cho châu Âu được nữa, đồng thời đẩy nước Nga vào quỹ đạo của Trung Quốc.

Matxcơva cam phận chư hầu, Bắc Kinh gây rối thế giới : Phương Tây không còn ảo tưởng

Lâu nay phương Tây vẫn tin rằng Nga quá kiêu hãnh để có thể chấp nhận làm chư hầu cho Trung Quốc. Dưới thời Stalin, Mao phải đóng vai đàn em.Xưa nay phương Tây vẫn bám vào hy vọng là đảng Cộng sản Trung Quốc lo duy trì sự ổn định để làm ăn hơn là gây rối loạn thế giới. Giờ đây cả hai ảo tưởng trên đều tan biến. Bởi vì nếu đạn pháo bắn vào Ukraina là của Bắc Triều Tiên, các drone của Iran, chính Trung Quốc là nước chủ chốt đóng góp vào việc chuyển đổi nền kinh tế Nga thành một cỗ máy chiến tranh.

Chính Trung Quốc xuất khẩu sang Matxcơva hàng loạt thiết bị lưỡng dụng : chất bán dẫn, kính ngắm, công nghệ viễn thông, radar…Cũng chính Trung Quốc giúp Nga né tránh cấm vận Mỹ. Năm2023, buôn bán đôi bên đạt kỷ lục 240 tỉ đô la, tăng 60 % so với trước chiến tranh, Trung Quốc thay chân châu Âu trở thành đối tác thương mại lớn nhất của Matxcơva.

Tập Cận Bình không muốn tình hình xấu đi đến nỗi phải sử dụng vũ khí nguyên tử hay đối đầu quân sự giữa Nga và phương Tây. Nhưng ông ta cũng không có lợi gì nếu cuộc xung đột nhanh chóng chấm dứt. Niềm vui sướng nhất của ông Tập là nhìn thấy Putin ảo tưởng đang tái lập vị thế đại cường của Nga, trong khi chính Trung Quốc mới là kẻ thống trị.

Tổng thư ký NATO đề nghị không « trói tay » Ukraina

Cũng về Ukraina, tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg trên The Economist kêu gọi các nước đồng minh nên dỡ bỏ các hạn chế, cho phép Kiev dùng vũ khí viện trợ tấn công các mục tiêu hợp pháp trên lãnh thổ Nga để có thể tự vệ hiệu quả. Ông tuyên bố đã đến lúc nới lỏng một số quy định đã áp đặt, nhất là hiện nay các trận đánh đang diễn ra ở Kharkiv gần biên giới. « Đây là cuộc chiến tranh xâm lược của Nga vào Ukraina. Ukraina có quyền tự vệ, kể cả tấn công vào các mục tiêu trên lãnh thổ Nga ». Các nhà phân tích ghi nhận đã nhiều lần Mỹ từ chối cấp những vũ khí mà Kiev đang cần khẩn cấp, để rồi vài tháng sau lại đồng ý : từ rốc-kết đa nòng Himars, xe tăng Abrams cho đến chiến đấu cơ F-16, hỏa tiễn đạn đạo ATACMS.

Kremlin thanh trừng hàng loạt tướng trong quân đội

Về tình hình nội bộ Nga, các báo Le Monde, Le Figaro cuối tuần, Courrier International đều chú ý đến việc hàng loạt sĩ quan cao cấp trong quân đội bị thanh trừng, sau khi cách chức bộ trưởng quốc phòng Shoigu. Nạn nhân mới nhất là tướng Vadim Chamarine, phó tổng tham mưu trưởng quân đội, bị tạm giam vì nhận hối lộ đặc biệt quan trọng, có nguy cơ lãnh án đến 15 năm tù giam.

Vladimir Verteletski, phụ trách hậu cần bộ quốc phòng bị bắt vì cáo buộc tương tự. Trước đó một hôm, tướng Ivan Popov bị tạm giam vì tội gian lận. Tướng lãnh này nổi tiếng vì chỉ trích những sai lầm của bộ tham mưu trong chiến dịch Ukraina, được yêu mến vì quan tâm đến binh sĩ. Trường hợp hai tướng Chamarine và Popovn cho thấy chiến dịch bắt bớ đã rời khỏi bộ quốc phòng để mở rộng ra cả bộ tham mưu và sĩ quan cao cấp, bắt đầu từ vụ câu lưu bất ngờ thứ trưởng Timour Ivanov phụ trách các dự án đại quy mô như tái thiết Mariupol, cùng với giám đốc nhân sự Yuri Kuznetsov và nhiều đối tác dân sự của hai người này.

Làn sóng bắt bớ bao giờ dừng lại ? Với việc viên phó bị bắt, Valeri Guerassimov, tổng tham mưu trưởng quân đội từ 2012 và là người chịu trách nhiệm về « chiến dịch quân sự đặc biệt » tại Ukraina có thể cảm thấy bị đe dọa. Guerassimov và Shoigu vốn là một cặp. Tuy bị cách chức bộ trưởng nhưng Shoigu vẫn được giao chức vụ khác. Đối với Vladimir Putin, lòng trung thành là quan trọng nhất, nhưng sự bảo đảm này không dành cho những đối tượng hạng hai như tướng lãnh và viên chức cao cấp của bộ quốc phòng. Kremlin dường như muốn hạn chế nạn tham nhũng, ăn cắp trong quân đội, phù hợp với việc bổ nhiệm nhà kinh tế Beloussov để giám sát luồng tài chánh cho kỹ nghệ quốc phòng.

Ngay sau khi tướng Chamarine bị bắt, báo chí nhà nước nhấn mạnh vợ ông ta đã mua một chiếc Mercedes giá 130.000 euro, cao gấp 4 lần thu nhập chính thức hàng năm của hai vợ chồng. Nhà chính trị học Vladimir Pastoukhov nhận xét : « Trong quân đội Nga, các tướng lãnh không ăn cắp cũng hiếm hoi như những người không uống rượu ». Putin ngày càng e ngại quân đội, dành ưu tiên cho lực lượng an ninh. Tương tự với nhà chính trị học Ekaterina Schulmann : « Kremlin không thể để cho giới quân sự có quá nhiều quyền lực. Còn về các tướng lãnh được yêu thích thì khó thể dung thứ ».

Bàn tay Azerbaijan phía sau bạo loạn ở Tân Calédonie

Về quan hệ giữa Paris và Baku, L'Express tiết lộ chuyện Azerbaijan giựt dây trong cuộc bạo loạn ở Tân Calédonie, nhằm trả đũa việc Pháp ủng hộ Armenia trong chiến tranh Thượng Karabakh. Từ nhiều tháng qua, quốc gia Kavkaz nằm cách hòn đảo trên 13.000 kilomet tạo được ảnh hưởng ngày càng lớn ở lãnh thổ hải ngoại Pháp.

Trong đám đông người Kanak biểu tình, một số mặc áo thun có logo của Nhóm sáng kiến Baku (GIB), một tổ chức phi chính phủ Azerbaijan lập ra bên lề Phong trào không liên kết tháng 7/2023 nhằm « đấu tranh chống chủ nghĩa thực dân », với Pháp trong tầm ngắm. Chỉ trong 9 tháng, tổ chức non trẻ này đã mở ra 8 hội nghị ở Liên Hiệp Quốc hay tại các nước châu Âu, mời những đại diện phong trào độc lập tại lãnh thổ hải ngoại Pháp, và phổ biến thông tin trên mạng xã hội.

Giám đốc của GIB Abbas Abbasov, là cựu phó thủ tướng Azerbaijan (1992-2006), vừa công khai tuyên bố ủng hộ người Kanak. Tuần trước hôm 16/05 Nhóm sáng kiến Baku tổ chức một hội nghị video với sự tham gia của phe đòi độc lập tại quần đảo Polynésie, Guyane, Martinique, Guadeloupe của Pháp, thậm chí cả đảo Corse, để tỏ tình liên đới với người bản địa Tân Calédonie. Hồi tháng Tư, một phái đoàn Tân Calédonie do dân biểu Omayra Naisseline dẫn đầu đã đến Baku ký với chủ tịch Quốc hội Azerbaijan một bản ghi nhớ hợp tác, được cho là mưu toan can thiệp của Baku vào chuyện nội bộ Pháp.

Chỉ trong vài phút, 5.000 bài viết liên quan đến Tân Calédonie từ các danh khoản Azerbaijan đã được đăng lên các mạng xã hội - một cung cách sao chép y hệt Nga. Tại Polynésie thuộc Pháp, nhóm đòi độc lập Tavini Huiraatira cũng ký bản ghi nhớ tương tự với Azerbaijan. Ở đảo Corse, khi tổng thống Emmanuel Macron đến thăm hồi tháng Hai, các nhà báo Azerbaijan được gởi đến để tuyên truyền đậm về phong trào độc lập Nazione, cường điệu hóa tình hình hòn đảo.

Nam Phi : Cử tri da đen thất vọng

L’Express tuần này đưa chân dung tổng thống Pháp Emmanuel Macron lên trang bìa với lời khẳng định « Chiến lược của chúng ta là đúng đắn ». Le Nouvel Obs đăng lời kêu gọi của 70 chuyên gia, trí thức, nghệ sĩ, dân biểu, nhấn mạnh « Chúng tôi đòi hỏi công lý cho môi trường ». Le Point nói về tổng thống Azerbaijan « Ilham Aliev : Nhà độc tài muốn phá rối nước Pháp ».

Courrier International dành hồ sơ cho « Nam Phi : Một tương lai để viết ra ». Ba mươi năm sau khi chính sách Apartheid kết thúc, đảng Đại hội Dân tộc Phi (ANC) của ông Nelson Mandela đã làm dân chúng thất vọng não nề vì quản lý tồi, tham nhũng, điện nước bị cúp liên miên, thất nghiệp…Các chính khách toàn hứa hão, chỉ thấy xuất hiện mỗi khi đến kỳ vận động bầu cử. Đặc biệt các chính khách da đen lại làm cử tri da đen chán nản nhất vì bất tài và chỉ phục vụ cho quyền lợi của chính mình và người thân.

Nghi vấn về cái chết của tổng thống Iran, « đao phủ Teheran »

 
Tại Trung Đông, Courrier International và The Economist đều đặt nghi vấn về tai nạn trực thăng khiến tổng thống Iran Ebrahim Raissi thiệt mạng hôm 19/05.Quân đội Iran bác bỏ thông tin chiếc trực thăng bị bắn hạ, nói rằng không có vết đạn nào, và không có dấu hiệu gì khả nghi. Tuy nhiên truyền thông Iran nhất là báo chí lưu vong nêu ra những tuyên bố bất nhất của chính quyền, và một số chi tiết khác.

Chẳng hạn một người thân cận của tổng thống trên một trực thăng khác nói rằng thời tiết quang đãng khi cất cánh, và bỗng nhiên chiếc trực thăng của ông Raissi biến mất. Việc tìm kiếm quá chậm chạp trong khi đã liên lạc được với một số người đi cùng trước khi những người này tử vong. Thuyết âm mưu nhanh chóng lan tràn trên mạng xã hội, trong đó những nhân vật như Mojtaba Khamenei, con trai của giáo chủ bị nghi ngờ vì là người hưởng lợi trong cái chết của Raissi.

Trong bài « Kinh cầu hồn cho kẻ tra tấn », Le Nouvel Obs dẫn lời một chính khách Iran so sách Ebrahim Raissi với một « Eichmann thực sự của quốc xã ». Một báo cáo của Amnesty International cho biết chi tiết : trẻ em bị sát hại vì đi cùng với cha mẹ biểu tình, người thân bị bắt vì cầu nguyện cho người thân trước mộ…Raissi là một trong những kẻ tra tấn tồi tệ nhất của Cộng hòa Hồi giáo. Cáo buộc trên đây không phải của một tổ chức phi chính phủ phương Tây mà của Ali Montazeri, giáo sĩ ôn hòa, sau khi 30.000 tù chính trị bị hành quyết vô tội vạ năm 1998. Raissi năm đó 27 tuổi, phó chưởng lý, là một trong bốn thành viên của « ủy ban tử thần ».

Không có nhận xét nào: