Tổng thống Joe Biden bắt tay lực lượng biên phòng tại Brownsville, bang Texas ngày 29/2. Ảnh: AP Tổng thống Biden và ông Trump tới thăm các thành phố biên giới ở Texas trong một ngày, nơi thể hiện lập trường chính sách nhập cư không thể khác biệt hơn. Trong chuyến thăm Texas, bang giáp Mexico, cùng trong ngày 29/2, Tổng thống Mỹ Joe Biden chọn đến Brownsville, trong khi cựu tổng thống Donald Trump chọn Eagle Pass, hai thành phố biên giới cách nhau gần 500 km. Brownsville từ lâu ghi nhận làn sóng người nhập cư cao nhất ở Mỹ. Nhưng ngay cả khi số người di cư đổ về các cửa khẩu tăng vọt, thành phố vẫn tìm cách giúp đỡ họ. Cư dân thành phố quyên góp nhu yếu phẩm và hướng dẫn những người di cư cách có thể đi được tới cuối hành trình mong muốn.
<!>
Song tại Eagle Pass, câu chuyện nhập cư lại hoàn toàn khác biệt. Thống đốc Texas Greg Abbott đã biến cộng đồng ven sông biên giới Rio Grande thành tiền tuyến chống người nhập cư. Hàng rào bằng dây thép gai và container cũ được dựng lên để cảnh báo người nhập cư không được vượt qua. Xe tải quân sự và lực lượng Vệ binh Quốc gia bang Texas mang súng đóng tại công viên lớn nhất thành phố.
"Eagle Pass có thể trở thành đòn bẩy cho việc ai sẽ trở thành tổng thống Mỹ tiếp theo", cựu nghị sĩ Dân chủ Poncho Nevarez nói. "Đây là nơi chúng ta sẽ thấy ông Biden có thể tái đắc cử, hay ông Trump sẽ trở lại Nhà Trắng lần nữa".
Thành phố Brownsville được xem là thành trì của đảng Dân chủ và theo đuổi cách tiếp cận truyền thống trong vấn đề nhập cư, đó là cân bằng giữa an ninh biên giới và nguyên tắc nhân đạo. Trong bài phát biểu tại đây, ông Biden than phiền về tình trạng bế tắc của dự luật an ninh biên giới do vấp phải phản đối của phe Cộng hòa tại Hạ viện, kêu gọi cựu tổng thống Trump cân nhắc lại việc ủng hộ dự luật.
"Thay vì chơi canh bạc chính trị với vấn đề này, thay vì yêu cầu các nghị sĩ quốc hội chặn dự luật, tôi muốn nói với ông Trump rằng hãy hợp tác với tôi", ông Biden nói.
Brownsville là nơi nữ tu Norma Pimentel cùng với các lãnh đạo tôn giáo, dân sự giúp đỡ người di cư qua biên giới Mỹ - Mexico, sau khi Tổng thống Biden đảo ngược chính sách "Ở lại Mexico" của ông Trump ba năm trước.
Thành phố gần 190.000 cư dân tự quyên góp ngân sách và cùng với các khoản hỗ trợ từ liên bang để nhanh chóng chuyển người di cư tới những địa điểm mà bạn bè hoặc người thân họ đang chờ đợi.
Khi hàng rào biên giới được củng cố và lính tuần tra tăng cường hiện diện dọc thung lũng Rio Grande, mạng lưới các tổ chức phi chính phủ ở cả hai bên biên giới đã xuất hiện và cùng nhau phối hợp với chính quyền Mỹ để tạo ra hệ thống giúp đỡ người nhập cư.
"Chúng tôi là những người phản ứng đầu tiên", Andrea Rudnick, lãnh đạo nhóm tình nguyện Team Brownsville, nói.
Thị trưởng John Cowen gọi đây là "mô hình Brownsville". Mô hình này đã giúp họ cùng lực lượng biên phòng xử lý dòng người nhập cư qua thành phố, có lúc lên đến 45.000 người trong 30 ngày hồi năm ngoái, đến mức người dân địa phương thậm chí không nhận thấy sự gia tăng đáng kể. Cowen thêm rằng thành phố vẫn là một trong những nơi an toàn nhất cả nước.
"Chúng tôi chưa bao giờ chứng kiến tình cảnh hỗn loạn hay mất kiểm soát", ông nói.
Trước năm 2021, Eagle Pass hiếm khi chứng kiến số lượng người di cư vượt quá khả năng ứng phó của lực lượng biên phòng. Thành phố 30.000 dân từng khá cô lập với các cộng đồng biên giới khác ở Texas. Song khi số lượng người vượt biên liên tục tăng, người dân thành phố muốn siết chặt kiểm soát.
Trước nỗi lo lắng của các cư dân Eagle Pass, trong đó có nhiều chủ trang trại quyền lực, về tình trạng người nhập cư gia tăng, Thống đốc Abbott đã áp dụng biện pháp cứng rắn, theo cách mà một số quan chức địa phương nói chính quyền Tổng thống Biden không làm được.
Văn phòng Thống đốc Abbott đã chi hàng triệu USD cho sáng kiến biên giới mang tên Chiến dịch Lone Star. Bang Texas đã triển khai lực lượng Vệ binh Quốc gia, rải hàng rào dây thép gai, dựng tường biên giới và triển khai thiết giáp Humvee để chốt chặn ở biên giới.
Người di cư đứng ở mép sông Rio Grande, cạnh hàng rào thép gai, trong lúc Vệ binh Quốc gia Texas cùng thiết giáp Humvee đứng gác cạnh đó. Ảnh: Reuters
Cách làm của Abbott khiến nhiều cư dân Eagle Pass nhớ về các chính sách thời Trump, người mà họ xem có lập trường cứng rắn hơn đối với người di cư vượt biên trái phép.
"Chúng tôi biết chính sách nào hiệu quả hay không. Chúng tôi cảm thấy an toàn dưới thời ông Trump", Freddy Arrellano, cựu chủ tịch đảng Cộng hòa ở hạt Maverick, nơi có thành phố Eagle Pass, nói.
Tuy nhiên, chính sách quyết liệt này cũng đi kèm hệ quả là thành phố Eagle Pass đã trở thành vùng đất "quân sự hóa". Vệ binh Quốc gia bang Texas đóng quân ở Shelby Park, dải đất quan trọng dọc bờ sông, và đẩy toàn bộ lực lượng biên phòng Mỹ ra khỏi khu vực.
Những người chỉ trích chiến dịch Lone Star nói rằng cách làm mạnh tay của Thống đốc Abbott mang tính phô diễn sức mạnh hơn là mang lại hiệu quả thực tế. Tuy nhiên, Eagle Pass lại là nơi hoàn hảo cho Trump, ứng viên hàng đầu đảng Cộng hòa, thể hiện lập trường chống nhập cư cứng rắn của ông, theo Nevarez.
"Trump nhận thấy nếu có một cuộc chiến gay gắt về vấn đề này, ông ấy muốn ở đúng điểm nóng", Nevarez cho hay.
Trong chuyến thăm ngày 29/2, ông Trump ca ngợi chiến dịch kiểu quân sự hóa của Thống đốc Texas ở Eagle Pass và đưa ra các bình luận như trong chiến dịch tranh cử năm 2015, khi ông cho rằng người di cư góp phần làm tăng tình trạng khủng bố và bạo lực ở Mỹ.
"Họ đến từ những nhà tù, trại giam và các trại tâm thần", ông nói. Ông cũng nói với các binh sĩ Texas đang tuần tra biên giới rằng "các bạn đang ở trong một cuộc chiến".
Hơn 2,4 triệu người di cư đã vượt biên giới phía nam vào Mỹ trong năm 2023, phần lớn đến từ Trung Mỹ và Venezuela, khi họ chạy trốn đói nghèo, bạo lực và thiên tai trầm trọng hơn do biến đổi khí hậu.
Lập trường chống nhập cư là trọng tâm bản sắc chính trị của ông Trump, người theo chủ nghĩa dân túy cực hữu, trong nhiều năm qua. Ông đã cam kết thực hiện chương trình trục xuất lớn nhất từ trước đến nay nếu trở lại Nhà Trắng.
Ông đã dành phần lớn thời gian trong nhiệm kỳ 2017-2021 để cam kết hoàn thành bức tường lớn dọc biên giới Mỹ - Mexico, song mới hoàn thành một phần nhỏ. Tuy nhiên, số lượng cửa khẩu đã giảm trong nhiệm kỳ của ông.
Trong lần tranh cử này, ông Trump đã tăng cường những bình luận gay gắt về người nhập cư, cáo buộc họ "đầu độc" dòng máu Mỹ. Chiến dịch của ông cũng mô tả biên giới như "hiện trường phạm tội" và cho biết cựu tổng thống sẽ phác thảo kế hoạch nước Mỹ trước tiên, bảo vệ biên giới Mỹ ngay sau khi nhậm chức.
Phát biểu khi thăm Eagle Pass, ông Trump chỉ trích cách Tổng thống Biden xử lý vấn đề biên giới. "Bây giờ Mỹ tràn ngập tội ác di cư của ông Biden", ông nói.
Trong cuộc thăm dò do Gallup thực hiện ngày 1-20/2, những người được hỏi cho biết nhập cư là vấn đề quan trọng nhất mà Mỹ phải đối mặt, khi làn sóng người vượt biên vào nước này tiếp tục tăng.
Cựu tổng thống Donald Trump (trái) và thống đốc Texas Greg Abbott (ngồi xe lăn) thăm biên giới Mỹ - Mexico ở thành phố Eagle Pass, bang Texas ngày 29/2. Ảnh: Reuters
Các cuộc thăm dò gần đây cho thấy di cư là điểm yếu đối với nỗ lực tái tranh cử của ông Biden. Khảo sát của NBC cho thấy ông Trump dẫn trước ông Biden trong vấn đề nhập cư.
Những kết quả thăm dò này là tín hiệu cho chính quyền ông Biden hiểu rằng lập trường nhập cư của Mỹ đã thay đổi đáng kể so với 4 năm trước. Ông Biden từng chạy đua chống lại các biện pháp kiểm soát biên giới gắt gao của ông Trump và áp dụng chính sách nhập cư cởi mở hơn. Tuy nhiên, trước áp lực ngày càng tăng từ đối thủ, Tổng thống Mỹ và đảng Dân chủ nhiều khả năng sẽ nghiêng về các biện pháp kiểm soát chặt chẽ hơn.
"Chúng tôi sẽ không tách những đứa trẻ nhập cư khỏi vòng tay bố mẹ và chia cắt các gia đình, nhưng chúng tôi sẽ phải thiết lập trật tự cho khu vực biên giới", hạ nghị sĩ Vicente Gonzalez, đảng viên Dân chủ của hạt Cameron, nơi có thành phố Brownsville, cho hay.
Thanh Tâm (Theo Washington Post, AFP, WSJ)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét