Tìm bài viết

Vì Bài viết và hình ảnh quá nhiều,nên Quí Vị và Các Bạn có thể xem phần Lưu trử Blog bên tay phải, chữ màu xanh (giống như mục lục) để tỉm tiêu đề, xong bấm vào đó để xem. Muốn xem bài cũ hơn, xin bấm vào (tháng....) năm... (vì blog Free nên có thể nhiều hình ảnh bị mất, hoặc không load kịp, xin Quí Bạn thông cảm)
Nhìn lên trên, có chữ Suối Nguồn Tươi Trẻ là phần dành cho Thơ, bấm vào đó để sang trang Thơ. Khi mở Youtube nhớ bấm vào ô vuông góc dưới bên phải để mở rộng màn hình xem cho đẹp.
Cám ơn Quí Vị

Nhìn Ra Bốn Phương

Thứ Tư, 13 tháng 3, 2024

Sao không gởi lời yêu dấu? - Phùng Xuân

Người tình ơi! -Thời nao xa vời vợi. - Người tình ơi!! - Xin gởi lời - Yêu dấu  - Muộn màng! - (Lê Phùng Xuân)
Chiếc xe ngừng trước sân nhà. Bao năm qua ngôi nhà vẫn như cũ. Hàng dừa cao lớn hơn trước, đầy trái. Nắng trưa xuyên qua kẽ lá cau, đong đưa theo làn gió. Cô học trò nhận ngay ra ông thầy dạy mình ngày xưa. Sau một tiếng la lớn: “Thầy!” mừng rơn, rồi đứng nhìn ông thầy trân trân, hơi rươm rướm nước mắt. Có điều gì nuối tiếc hả Bình Quang? Em bây giờ đã có một bầy con đang đứng lóc nhóc khoanh tay chào ông thầy trong bộ đồ nhà binh đây nè. Thầy hông còn là thầy khả kính, đạo mạo như ngày xưa nữa đâu Bình Quang. Dưới lớp áo nầy, thầy đã biến thành nếp người ăn nói ba trợn, phang ngang bửa củi rồi. 
<!>
Bình Quang không nói, chỉ mỉm cười, nhìn chàng trai “thầy giáo” có vẻ “phong trần hơn xưa” với 3 bông mai đen gắn trước ngực. Được một lúc, nàng bắt đầu kể huyên thiên về chuyện hay cúp cua giờ hoá học của bạn nàng, của những người ở trường xưa mà quên kéo ghế mời ông thầy ngồi và rót nước cho ông thầy uống. Lớp thầy ngày xưa và học trò trai lớn lên đều đã đi lính hết rồi. Nàng kể có nhiều bạn trai trang lứa lần lần mất đi hết.
- Sao vậy?
- Tụi nó có thằng nào chịu đí lính Tiểu Khu hay lính Sư Đoàn đâu thầy. Tụi nó chê. Hùa nhau đăng lính Biệt Cách, Nhảy Dù, Thủy Quân Lục Chiến hay cùng lắm là Biệt Động Quân. Tụi nó nói một là xanh cỏ hay là đỏ ngực.
- Em có còn nhớ Trung Tín hôn?
- Em còn nhớ. Hồi đó, tụi nó đồn rùm lên. Và mấy con nhỏ quỷ cái đó ở đâu mà tụi nó cũng có cuốn tập đó. Rồi tụi em cũng chuyền nhau lén lút coi.
- Em cũng có đọc?! Bây giờ mới khai ra! Hèn gì mà!... Thằng Tín đâu có đi mấy binh chủng dữ dằn đó đâu. Có lần thầy đi hành quân với Thiết Giáp. Nó ngồi trên xe đội bê rê đen, kêu “Thầy” một tiếng làm thầy giựt mình. Lúc đó học trò cũng lon lá đâu thua gì thầy. Nó là Chi Đội phó rồi. Còn mấy thằng khác đi chi binh chủng ngầu dữ vậy?
- Trời ơi! Tụi nó khoái đồ rằn ri, oai hơn, phong sương (!) hơn, coi có vẻ người hùng hơn, thầy ơi. Ngồi ở quán nhậu, mặt thằng nào thằng nấy còn búng ra sữa, mà miệng phì phà đầy khói. Áo trận toàn là đồ bông hông hà. Hùng dũng hiên ngang lắm! Hùng đâu hổng thấy, mà lâu lâu em nghe tin thằng nầy chết ở ngoài Trung, thằng kia mất tích ở Đồng Tháp. Bây giờ nếp sống nhà binh thay đổi tụi nó nhiều lắm thầy ơi. Con nhỏ em bà con cũng vậy. Nó mê lính. Nó là lính rồi thầy.

Một cô nữ quân nhơn từ dưới nhà sau bước lên. Chơn đi giày cao gót, nhún nha nhún nhảy. Miệng cười chúm chím. Tay cầm ly nước dừa, mời Xuân.
- Chào Đại Úy.
- Em bà con bạn dì của em đó thầy. Nó tên Ngọc Tuyết, đi lính truyền tin của Tiểu Khu ở trong căn cứ Trảng Lớn. Nó đó, cũng khoái lính lắm. Lúc trước, nó lấy 1 anh chàng Thiếu Úy Lực Lượng Đặc Biệt, bạn học. Rồi thằng đó cũng đi bán muối. Nó buồn quá. Sau đó là 1 anh chàng Thiếu Úy Địa Phương Quân. Cơ khổ, bị đánh đồn rồi cũng lên bàn thờ luôn.
- Rồi cô Tuyết định lấy lính nào cho hổng chết đây? Thời buổi nầy sống chết biết đâu mà rờ. Gặp đó chết đó. Bom đạn nhiều quá. Biết đâu mà tránh bây giờ. Súng đạn tránh mình chớ mình có tránh nó được đâu!
- Nó còn trẻ lắm. Chưa đầy 20 mà đã 2 đời chồng.Hình như mấy hôm rày có hành quân qua bên Miên lớn lắm hả thầy? Em thấy chồng em làm ở nhà thương về kể có chết và bị thương nhiều lắm. Thầy ở đây có lâu hông?
- Hông. Thầy cũng hổng biết bao lâu. Đời lính tráng rày đây mai đó, có ở chỗ nào lâu đâu.

Buổi trưa. Nắng nóng đổ lửa. Đường trong căn cứ nhiều chỗ lồi lõm. Ngọc Tuyết đạp xe len lỏi qua từng khu đóng quân mà Xuân đã chỉ cho nàng. Ngọc Tuyết không muốn Xuân đến rước cô ta hoài. Mấy con nhỏ quỷ cái đó hay xì xào lắm!.. Cuối cùng cô ta cũng tìm ra được đúng bunker nơi chàng ở.

Nàng dựng chiếc xe đạp bên hông rồi tự nhiên chui vào. Ánh sáng từ những lỗ châu mai soi rọi yếu ớt. Bên trong hơi tối nhưng đỡ nóng hơn bên ngoài chút ít. Xuân đang ở trần trùng trục, nằm trên cái sạp đóng bằng những miếng ván thông vụn ghép vụng về. Người ở trước chắc là cũng ở tạm bợ nên lượm lặt ván đâu đó rồi gá ghép cho có chỗ nằm.
- Dữ hôn. Trưa nắng như vầy mà cũng ráng chạy tới đây. Mồ hôi mồ kê chảy tùm lum tùm la.
- Biết anh cả mấy tuần nay mà hổng biết chỗ mới anh ở như thế nào. Mấy chỗ cũ thấy anh nằm võng lắc lư sụt sà sụt sịt. Bữa nay xuống ca, chạy tới coi thử anh ở “băng kơ” có đỡ hơn hông?
- Thì về đây đóng tạm. Có mấy cái hầm của đơn vị cũ thì chui vào. Đâu như em vậy. Có doanh trại đàng hoàng.

Xuân lấy bi đông rót cho nàng một ly nước lạnh. Ngọc Tuyết uống chừng nửa. Còn lại một ít, cô nàng ngưng lại, nhìn Xuân một lúc. Cổ rót nước vào lòng bàn tay rồi bụm lại đưa lên rửa mặt. Nước bắn tung tóe, chảy xuống ướt vạt áo trước. Ngọc Tuyết tự nhiên vói lấy cái khăn nhỏ vắt đầu sạp lau mặt. Và, từ từ mở hai ba nút áo ra, rồi lau vào trong ngực:
- Áo em ướt hết rồi. Em muốn thay áo. Anh có áo khác hông?

Xuân lấy cái áo của mình đưa cho cổ. Ngọc Tuyết cầm lấy áo, rồi làm như không có ai, quay lưng lại cổi áo và luôn cái xú cheng ướt vứt xuống đầu sạp. Xuân ngó thấy, chưng hửng. Gì lạ vậy? Mấy tuần nay, hai đứa chỉ đi tới lui gặp nhau ở nhà Bình Quang và ở ngoài lều võng. Cô học trò cũ tinh quái, nhiều khi cũng nói ra nói vào những lời bóng gió giữa Tuyết và ông thầy. Xuân cà rỡn ỡm ờ cho qua câu chuyện. Thế mà hôm nay...

Sau khi mặc áo khô, gài sơ sịa hai nút dưới, nàng quay lại đưa mắt nhìn Xuân, miệng chúm cha chúm chím, cười cười. Một sự mời mọc đáng yêu? Xuân bước tới. Một cái hun thật lâu cho đến khi Ngọc Tuyết ngã dài trên cái sạp hẹp té không đủ cho hai người nằm…

Cô nầy thuộc làu làu câu Kiều: “Vành ngoài bảy chữ, vành trong tám nghề”. Không có trậm trầy trậm trật. Thiệt bài bản. Sít rịt. Mồ hôi họ tràn như lỗ mội, thay phiên tắm cho nhau, chảy chèm nhẹp trên ván thông khô đến hai ba lần. Bên ngoài nắng nổ đom đóm. Vắng lặng…

Ngọc Tuyết vẫn còn nằm trên mình Xuân. Nàng rướn lên, vói tay lấy bao thuốc Ruby Quân Tiếp Vụ màu xanh, nắm lắc mạnh một vài cái cho một điếu thuốc ló ra. Xong nàng đưa bao thuốc lại gần miệng, mím môi ngậm lấy một điếu. Nàng bỏ bao thuốc lại, lấy tay cầm điếu Ruby lỏng le vỗ vỗ tạch tạch xuống ván một lát cho chặt. Hai ngón tay se se phần giấy còn dư trở nên giống như tim đèn cầy. Ngọc Tuyết ngậm điếu thuốc rồi cầm lấy Zippo bung nhẹ một cái trốc. Ngọn lửa xanh bùng lên. Nàng bập, bập, bập. Đầu điếu thuốc đỏ rực. Ngọc Tuyết rít rít hai ba hơi, xong phà thiệt mạnh làn khói thuốc xám dài lan tỏa khắp căn hầm... Nàng gục mặt xuống ngực Xuân, hun lấy hun để mồ hôi nhem nhép. Rồi lại lần khân cà mấp cà máy, cà tưng cà tiu. Sau đó, nàng nằm im re. Chắc cổ say thuốc hay...? Phùng Xuân chợt nhớ đến câu nói của mấy thằng lính quỉ sứ: “Gái hai chồng n...c nổ con ngươi”. Chàng cười thầm.
- Em học ở đâu được cái mửng đó vậy?
- Ở ông chồng lính Biệt Cách của em, chứ ở đâu! Mỗi lần tụi em ngủ với nhau xong, ảnh đều làm như vậy đối với em. Ảnh cũng hút Ruby Quân Tiếp Vụ như anh. Nên lúc gặp anh ở nhà chị Quang, em nghe mùi thuốc Ruby nầy của anh, em nhớ tới ảnh. Ảnh chết mất xác đâu đó trong mật Khu Dương Minh Châu lúc nhảy toán. Lúc đó, em mới 17 tuổi. Từ đó, em khoái đến phát ghiền mùi thuốc Ruby Quân Tiếp Vụ và đôi khi cũng cụng vài ly lade để nhớ lại ông chồng chịu chơi của em. Hình như ngày xưa, chị Bình Quang cũng yêu anh dữ lắm, phải hôn?
- Ờ! Lúc đó chị em còn học trò, chắc cũng khoảng 16, 17. Tình yêu thầy trò mơ mộng như tiểu thuyết. Chắc chị em nghĩ như vậy. Nhưng anh đâu có quyền yêu Bình Quang được vì anh còn trách nhiệm của người thầy giáo. Hơn nữa lúc đó, anh có người yêu rồi.
- Nhưng mà bây giờ anh cũng có vợ rồi. Sao anh còn ve em làm gì?
- Xí! Thì em cũng cua anh chớ bộ. Nhưng mà dù sao, đây cũng là sự phản bội của anh. Phản bội của thằng lính thời chiến tranh, có cái tội là sống xa nhà, nay đây mai đó, thiếu vắng mùi đàn bà như chàng nhạc sĩ Trúc Phương ví von. Biết làm sao bây giờ? Có một mớ ông lính hông chung tình? Họ luôn luôn tìm cách “ăn chè Nhà Bè”. Và họ cũng hông dám nói với vợ là họ đã bồ bịch với các cô gái khác hoặc đi chơi đĩ. Họ giấu biệt vợ nhà đang ngày đêm trông nom con cái... Còn như em bây giờ, người nữ quân nhơn yêu mùi thuốc súng anh lính chiến pha áo trận như các ông nhạc sĩ vẽ vời? Nhưng thực sự, có khi nào có mùi thuốc súng đâu? Có mùi mồ hôi của áo quần, của vớ, của giày thì có. Em ghiền mùi thuốc lá. Mai đây, anh đi rồi, em lại yêu một mùi thuốc lá khác, có phải vậy hôn?
- Mấy ông lính hay trở treo như bánh phồng. Anh có nước hôn?
- Ờ! Có. Ở bên ngoài. Mỗi ngày ô đô xách tới 2 thùng đạn đủ để tắm và đánh răng rửa mặt.
- Hổng có nhà tắm hở anh?
- Lính tráng như tụi anh làm gì có nhà tắm hả em! Đi trong rừng hai ba bữa gặp được con suối là mừng. Còn về đây anh đứng tắm ngoài trời hông à. Thôi em ráng đứng trong nầy tắm đi. Anh nhắm mắt lại, được hôn?
- Thôi khỏi đi. Ai mà tin lính được.

Nàng cứ tự nhiên lấy lon thịt hộp, dè xẻn múc từng lon, nhè nhẹ đổ từ ngực xuống. Rỉ rả rọc rạch nước tuôn qua những làn cong cơ thể, len qua khe, rồi nhễu lịch bịch xuống nền sàn thông khô. Ngọc Tuyết đã xài gần hết 1 thùng nước để lau mình. Xong, nàng chưa chịu bận quần áo vô, lấy tờ báo quạt lia lịa.
- Trời nóng quá.Em hổng muốn bận đồ nữa.
- Thôi đi cô. Tôi hết xí quách rồi!
- Mới có chút síu sìu siu.Anh sò rồi phải hôn?
- Sò hay là hổng sò gì chút nữa thì biết. Một, hai lần nữa là hổng còn nước để lau mình đâu. Mà thôi để dành nước, vì em ở đây suốt đêm, phải lau mình nhiều lần nữa. Còn anh, chắc anh phải tắm búng quá!
Thân thể lồ lộ của một người đàn bà trẻ trung ở tuổi đôi mươi, đã hai đời chồng lính trong thời chinh chiến, đầy đủ sức khêu gợi, nhởn nhơ trước mặt chàng không chút thẹn thùng. Còn hơn “Dày dày sẳn đúc một tòa thiên nhiên” của cô Kiều. Sao cô nữ quân nhơn nầy dạn quá vậy hay là cô ta lẳng lơ? Không có đâu! Ngọc Tuyết sống thực đó mà. Nhiều khi chàng không hiểu tình cảm của những cô gái ở miền quê lúc chiến tranh. Họ mất chồng thường xuyên, nên sẳn sàng yêu những người lính mà họ cảm thấy gần gủi với cái chết giống như chồng họ? Cũng không phải? Thế còn cô Mận thì sao?

Bom đạn quá nhiều, giết chết thanh niên ngoài chiến trường làm cho các em hụt hẫng, hay là các bài ca mùi mẫn đã làm cho các em yêu lính xả láng? Ai mà biết được? Ai mà biết được cô nữ sinh Xuân Lan yêu tha thiết chàng sĩ quan trẻ đẹp Trần Công Điềm như thế nào?

Trăng sáng màu đất xám đỏ ngật ngờ. Ánh trăng núp lấp ló bên những đống gò mối. Mút đằng kia là sân bay mập mờ trong màu sáng ngà ngà. Hai đứa ngồi nhìn chân trời trăng khuất đằng xa. Những doanh trại cũ kỹ do Mỹ giao lại nằm im lìm trong màu ngà đục đục. Ánh trăng gật gù óng ánh màu nâu đỏ trong chung rượu nếp than. Sương trăng thơm thoang thoảng, tan nhè nhẹ, lập lờn theo khói thuốc Ruby mờ mờ.
- Ngày mai, em sẽ đổi ca với con nhỏ bạn. Em sẽ làm ca ngày suốt tuần. Tối tối, em tới với anh.

Đâu có được như ý của nàng. Ngọc Tuyết chỉ đến có 3 đêm. Đơn vị Xuân phải vội vã đi thay thế cho đơn vị bạn. Chàng không kịp nói một lời từ biệt.

Ghi chú:
- Có một từ “tắm búng” hơi xa lạ. Khi đi hành quân, không có nước tắm, lấy tay kỳ cọ trộn với mồ hôi cho ra ghét rồi búng đi xa.
- Một số nam quân nhân trong QĐVNCH có vợ hoặc người yêu là nữ quân nhân. Có những mối tình đẹp đẽ viên mãn cho đến những năm cuối đời ở Mỹ. Ngược lại, có những mối tình dang dỡ, hai đàng nuối tiếc nhau mãi mãi... như Thiếu Tướng TBD... và...; Đại Tá TVT và... Có mối tình đẹp của Thiếu Tướng Trương Quang Ân và Dương thị Kim Thanh. Hai ông bà tử nạn phi cơ trên đường đi ủy lạo binh sỹ.

Lê Phùng Xuân
(Trích trong Trăng Suông)

Không có nhận xét nào: