Mặt trời từ từ lặn xuống đáy Hồ Thác Bà...
Một ngày Tháng Giêng Âm Lịch năm Đinh Tỵ 1977 đã đi qua... Hôm nay tù cải tạo Đội 11 của Trại 4 được về sớm vì có buổi đọc báo sau bữa cơm chiều. Mỗi tuần có 1 buổi đọc báo, đôi khi kéo dài cả giờ. Chúng tôi ngồi nghe mà buồn ngủ muốn chết. Cán bộ quản giáo Đội 11 là 1 trung úy Việt Cộng có tên Thu. Cán bộ Thu luôn luôn là người chủ trì các buổi đọc báo hằng tuần của lán chúng tôi. Cán bộ Thu bị sứt môi trên, nên chúng tôi lén gọi y bằng cái tên “Thu Sứt”. Thu Sứt ngồi giữa phòng, chúng tôi ngồi vây quanh...
<!>
Cầm tờ báo Quân Đội Nhân Dân trên tay, với nét mặt thật trang nghiêm và trịnh trọng, Thu Sứt mở lời:
- Qua mục “Đọc báo để học tập” hôm nay, tôi sẽ thay mặt Đảng và Nhà Nước dạy các anh 1 bài học về vấn đề nhân quyền!
Tiếp đó Thu giơ tờ báo lên cao, chỉ ngón tay trỏ vào cái tiêu đề, lớn tiếng đọc từng chữ:
-Chuyện giết 2 ông Mục sư da đen MaTinh Lu Tơ Kinh.
Y ngừng lại 1 giây, gật gù cái đầu,rồi tiếp tục giảng dạy:
- Học xong bài này, các anh sẽ hiểu lý do vì sao bọn đế quốc Mỹ tàn ác đã giết 2 ông mục sư da đen là Ma Tinh và Lu Tơ Kinh.
Xếp tờ báo lại, để trên đùi, Thu đảo mắt nhìn quanh:
- Trong số các anh, có ai biết 2 ông da đen này không? Các anh có biết vì sao mà 2 ông này bị chúng nó giết không?
Hơn 30 mạng cải tạo viên của Lán 11 đều ngồi ớ ra, chẳng ai hiểu gì. Hầu hết các cựu sĩ quan Việt Nam Cộng Hòa tù cải tạo ở đây đều biết Mục Sư Martin Luther King là ai, vì lý do gì mà ông ta đã chết. Nay bỗng dưng nghe cán bộ nói có tới 2 ông mục sư Mỹ đen bị sát hại, một ông tên là Ma Tinh, một ông tên là Lu Tơ Kinh thì ngạc nhiên lắm! Chẳng lẽ chỉ qua chưa tới 2 năm bị giam cầm mà chúng tôi đã không hay biết gì về chuyện 1 ông mục sư da đen Martin Luther King nay đã biến thành 2 ông mục sư da đen Ma Tinh và Lu Tơ Kinh? Tôi ngồi sát sau lưng cán bộ Thu nên nhìn rõ cái đề bài in rất đậm: “Chuyện giết hại ông Mục sư da đen Martin Luther King” nhưng chữ “hại” bị mất dấu nặng (.) thành ra chữ “hai” do đó mà cán bộ quản giáo của chúng tôi mới đọc là “2” ông Ma Tinh và LuTơ Kinh.
Biết thế, nhưng tôi cứ giơ tay lên rồi phát biểu ngay:
- Báo cáo cán bộ! Đế quốc đã giết 2 ông này vì 2 ông này là chiến sĩ tranh đấu cho nhân quyền!
Bình thường thì trong trại này người ta thấy tôi là 1 anh tù lờ ngờ, ngớ ngẩn, lù đù, chậm chạp trong mọi lãnh vực, từ học tập tới sinh hoạt hằng ngày.
Cán bộ Thu là người phụ trách Đội 11. Ngày nào y ta cũng dẫn chúng tôi đi lao động. Y ta quản lý mọi hoạt động, mọi sinh hoạt của Đội 11, cả trong vòng rào và ngoài vòng rào. Y biết kỹ tính nết và khả năng của từng tù cải tạo trong Đội 11. Y ta đâu có lạ gì tôi? Vì thế mà chẳng thèm trưng cầu ý kiến anh em trong Đội 11, y tự tiện đặt cho tôi cái tên “Anh Long Lù Đù”. Gặp tôi ở bất cứ đâu, bất cứ lúc nào, cán bộ Thu cũng gọi tôi là, “Anh Long Lù Đù! Anh Long Lù Đù!”
Ấy vậy mà hôm nay trước mắt cán bộ quản giáo Thu thì tôi đã tỏ ra là 1 trại viên vô cùng tiến bộ. Tên Thu gật đầu hài lòng:
- Đúng rồi! “Anh Long Lù Đù” hôm nay giỏi lắm! Anh Long trả lời rất là đúng!Tôi tuyên dương anh đấy! 2 ông Ma Tinh và Lu Tơ Kinh bị Mỹ giết chỉ vì 2 ông ấy đã là da đen mà còn dám đứng lên tranh đấu cho nhân quyền! Người ta chỉ tranh đấu đòi nhân quyền,mà nhân quyền thì có ăn được đâu? Có bán được đâu? Người ta đòi nhân quyền chứ có đòi cơm ăn, áo mặc, nhà cửa, ruộng đất, tiền bạc gì đâu mà cũng giết người ta? Đấy! Các anh thấy chưa? Đế quốc Mỹ khát máu như thế đó! Các anh có thấy thương cho 2 ông này không?
Khi nói ra những lời này, nét mặt cán bộ quản giáo của chúng tôi trông thật là thảm thương. Đôi mắt cán bộ rươm rướm lệ. Chắc cán bộ tiếc thương 2 ông mục sư lắm! Chắc cán bộ oán giận bọn đế quốc lắm!
Cán bộ Thu đưa tờ báo cho anh tù đội trưởng là cựu Đại úy Đặng Kim Bảng:
- “Anh Long Lù Đù” mà còn thấu triệt được ý nghĩa của bài báo, chắc các anh khác cũng thấu triệt rồi! Như thế là buổi đọc báo hôm nay đã đạt được mục tiêu. Tôi cho các anh nghỉ sớm. Anh Bảng giữ tờ báo này rồi cho anh em chuyền tay nhau mà đọc.
Tôi ngây người không cựa quậy nổi! Ai ngờ cái tên quản giáo này vừa ngu, lại vừa lười! Tôi cứ tưởng, sau khi tôi có ý kiến thì y sẽ bắt ai đó đọc lại bài báo, sẽ thấy cái sai của y, và thấy ngay cái sai của tôi. Nếu sự việc diễn ra như thế, thì trước mắt cán bộ Thu, tôi vẫn là 1 anh tù không những đã đần độn, ngớ ngẩn, ngu ngơ, khù khờ, mà còn có tính a dua, nhanh nhảu đoảng! Chủ ý của tôi một đàng, chuyện xảy ra một nẻo!
Tôi nào có ngờ! Tên Thu này còn ngu hơn cả con bò!
Buổi đọc báo để học tập hôm đó đã kết thúc quá sớm.
Chờ cho tên cán bộ Việt Cộng đi xa, ông tù cải tạo cựu Trung tá Nguyễn Công Luận mới đứng giữa buồng mở trang báo ra chỉ cho mấy người vây quanh:
- Mẹ nó! Rõ ràng cái tiêu đề của bài báo là, “Chuyện giết hại ông Mục sư da đen Martin Luther King” ấy vậy mà, khi in lên giấy chỉ thiếu 1 dấu nặng (.) dưới chữ “hại” thế là 1 ông Martin Luther King biến thành 2 ông Ma Tinh và Lu Tơ Kinh!
Anh Luận ngồi cạnh tôi, chắc cũng đọc được cái đề bài. Anh ấy cũng giơ tay xin phát biểu. Có lẽ anh Luận định sửa sai tên Thu, không ngờ tôi nhanh nhảu quá, khiến cho anh ấy không kịp mở lời thì chúng tôi đã được nghỉ rồi! Nghe anh Luận cặn kẽ giải thích, anh em mới vỡ lẽ vì sao cán bộ Thu cứ nằng nặc kết tội đế quốc Mỹ khát máu đã đang tay giết chết một lúc 2 nhân mạng can tội tranh đấu cho nhân quyền.
Hết giờ đọc báo, tôi vội kéo tay anh bạn tù Lê Thái Bình tức là Cựu Đại úy Đại Đức Thích Trí Thọ ra cửa để đi 1 vòng thăm hỏi bạn tù. Tôi và Bình chui vào căn nhà đối diện Lán 11 là Lán 4 của Đội 4. Lúc này, trong hiên sau Lán 4, cũng có cả chục ông tù đang ngồi tán gẫu.Trong số các ông tù hiện diện, tôi cũng có mấy người quen:
1) Cải tạo viên Lê Phong Ba, vốn là Đại Đức Thích Giác An, cựu Đại úy Phó Giám Đốc Sở Tuyên Úy Phật Giáo Quân Đoàn II.
2) Cải tạo viên Đức Già, tôi không nhớ họ của bác Đức. Bác Đức vốn là Thiếu tá Trưởng Ban Thăng Thưởng Phòng Tổng Quản Trị Quân Đoàn II.
3) Cải tạo viên Nguyễn Văn Triết, vốn là Thiếu tá Thiết Đoàn Trưởng Thiết Đoàn 3 Kỵ Binh.
Từ thời còn ở Pleiku thì 2 ông Đức và Giác An biết tôi vì họ đã từng có mặt ở Sân Vận Động Pleiku ngày 15 tháng 9 năm 1974 để tham dự lễ khao quân và choàng vòng hoa chiến thắng cho chiến sĩ Tiểu Đoàn 82 Biệt Động Quân của tôi sau 33 ngày đêm tử thủ.
Bác Đức nhiều lần nhắc đi, nhắc lại chuyện 1 ngày giữa tháng 8 năm 1974 tôi đang bị Sư Đoàn 320A Cộng Sản vây hãm, bác ấy được lệnh ôm cái gối con có cặp lon trung tá mới toanh, theo chân ông Đại tá Phạm Duy Tất bay trực thăng vào Pleime để thả xuống cho tôi, nhưng máy bay vừa tới Hàm Rồng thì phải quay về, vì có lệnh của Sài Gòn giữ cái lon đó lại.
Thầy Giác An thì cứ thắc mắc rằng sao tôi ngu quá! Gây thù chuốc oán với những vị quyền cao, chức trọng ở Sài Gòn làm gì để bị đì tới nỗi không ngóc cổ lên được! Còn ông Triết Xe Tank lại là bạn đồng hành của tôi từ khi ông ta còn là Trung úy Chi đoàn trưởng Chi Đoàn 1/3 Chiến Xa ở Pleiku.
Ngày 1 Tết Mậu Thân 1968 tôi cùng Trung úy Triết, Chi đoàn trưởng 1/3 và Thiếu úy Tài, Chi đoàn trưởng 2/3 đều bị trọng thương và nằm trong Khu Ngoại Thương 2 của Bác Sĩ Thới, trong Quân Y Viện Pleiku. Tôi và ông Triết thương mến nhau từ đấy. Bây giờ, qua ông Triết, tôi có thêm 1 ông bạn mới thuộc giới đánh nhau bằng bút, đó là cựu Thiếu Tá Chiến Tranh Tâm Lý Tô Thùy Yên. Trước đây tôi không quen ông thi sĩ Tô Thùy Yên, nhưng vì ông này thân với ông Triết, nên có lúc kiếm được củ khoai, củ mài, con cá, mớ rau, tôi đều chia cho 2 vị này. Không lâu sau, ông Tô Thùy Yên tên thật là Đinh Thành Tiên cũng có cảm tình với tôi, coi tôi là bạn để ông ta tâm sự. Cũng trong Lán 4 này, lâu lâu tôi gặp 1 cựu Thiếu tá Biệt Cách 81 là cải tạo viên Phạm Châu Tài. Thiếu tá Phạm Châu Tài là đàn em của Đại tá Trần Phương Quế; ông Quế là chú tôi. Anh Tài đồng trang lứa với tôi. Lúc nào anh ta cũng lạc quan, yêu đời.
Sau một hồi tán dóc với mấy ông bạn Lán 4 thì Thầy Bình quay qua nói chuyện riêng với Thầy Giác An, còn tôi cũng cáo từ để xuống bếp thăm thầy Thinh. Thầy Thinh cũng là 1 Đại Đức Tuyên úy Phật Giáo. Tôi không nhớ họ của thầy Thinh, nhưng nhớ pháp danh của thầy là Thích Thiện Thanh. Thầy Thinh giữ chân bổ củi và đốt lò cho nhà bếp. Tối tối, tôi thường xuống cửa nhà bếp ngồi chơi với thầy Thinh, không phải để nghe ông ấy giảng giải đạo nghĩa tu hành hay đọc kinh Phật, mà để nghe ông ấy độc tấu những bài tình ca tân nhạc thật là mùi. Có điều, cây đàn của thầy Thinh không phải là loại Tây Ban Cầm bình thường, mà là 1 cây guitar phím lõm, còn gọi là guitar vọng cổ.Vì phím đàn bị khoét lõm, nên khi ngón tay nhạc sĩ nhấn trên phím thì âm thanh phát ra sẽ một nửa mang nét mạch lạc, dứt khoát của Tây Ban Cầm, còn nửa kia lại mang nét dập dìu, uyển chuyển của Hạ Uy Di Cầm. Có phải vì lý do đó mà khi nghe tiếng guitar phím lõm sô lô, tôi cảm thấy lòng mình mềm yếu hơn nếu so sánh với lúc nghe tiếng guitar bình thường. Hầu như ngày nào tôi cũng được thầy Thinh cho nghe một lần bài “Biệt Ly” của Doãn Mẫn. Tôi không biết vì lý do gì mà thầy Thinh lại thích bản nhạc này. Tôi cũng không tiện hỏi thầy rằng, trong đời, thầy đã trải qua 1 cuộc chia ly sầu thảm nào chưa!
Riêng tôi thì năm lên 4 tuổi, tôi đã biết thế nào là nỗi buồn đau của một lần biệt ly. Vào 1 buổi tối năm 1946, bố tôi đã đưa tiễn mẹ con tôi lên đường về quê nội Hải Dương. Ngồi trên toa xe lửa khởi hành rời Hà Nội, tôi đã rơi nước mắt khi nghe tiếng còi tàu rúc lên từng hồi.
Đoàn tàu từ từ đi vào bóng đêm, cùng lúc dưới sân Ga Hàng Cỏ trong ánh đèn vàng của điện đường, hình bóng bố tôi đứng bên cái xe đạp cứ mờ dần, mờ dần...
Sau buổi biệt ly ngày ấy, tôi không còn dịp nào gặp lại bố tôi nữa.
Thế rồi, tôi đã trải qua không biết bao nhiêu lần biệt ly nữa xảy ra trong đời. Mỗi lần đối diện một cuộc chia tay, tôi đều hồi tưởng lại câu văn mà năm 1950 tôi đã học thuộc lòng:
“Ôi! Cái cảnh biệt ly sao mà buồn vậy!”
Câu văn này trích từ bài “Biệt Ly” trong quyển Quốc Văn Giáo Khoa Thư Lớp 3.
Đã biết hình ảnh một cuộc chia ly sẽ là nỗi ám ảnh không thể quên cho một con người, vì thế mà ngày tôi đi nộp mình cho kẻ địch, tôi đã lẳng lặng lên đường, tôi đã không ôm hôn và đã không nói một lời từ biệt với vợ con tôi.
Thầy Thinh thuộc rất nhiều bài tình ca, bài nhạc nào thầy đàn cũng hay. Ngón đàn của thầy Thinh quả là có một không hai! Tiếng đàn cứ như là “nước chảy, hoa trôi...” Tôi là cựu binh Biệt Động Quân, là con trai, mà còn mê mệt tiếng đàn của thầy thì phải biết thầy đàn hay cỡ nào! Chẳng biết ngày xưa, đã có bao nhiêu cô con gái, bao nhiêu cô nữ sinh, bao nhiêu cô nữ Phật Tử phải đánh rơi con tim vì tiếng đàn của thầy?
Rồi kẻng gióng lên “Keng! Keng!” báo hiệu tắt đèn; không còn ai được phép đi chơi trong sân hay la cà bên lán khác. Chỉ vài phút sau khi có tiếng kẻng, nhiều ông tù đã ngáy ầm ầm...
Chừng nửa đêm, tôi thức giấc buồn đi tiểu. Vườn rau nằm sát Lán 4 là chỗ phóng uế ban đêm cho trại viên ở 3 Lán 4, 10 và 11. Dù trời khuya không có mây giăng và cũng không có sương mù, vậy mà vườn rau trước mặt tôi cũng chỉ là một vũng tối đen. Gió Bắc từng cơn lùa về… Trời lạnh quá! Bên cạnh tôi là một bóng người. Anh ta cứ đứng co ro vừa run vừa càm ràm cái gì đó.
Tiểu tiện xong, tôi quay mình, tính đi vào lán, thì nghe anh ta la to:
- Mẹ ơi! Mẹ có biết rằng con đang đói rét lắm không?
Đúng là lá rụng về cội, vào những lúc đau khổ nhất, tuyệt vọng nhất, người mà ta muốn chia sẻ chính là người đã sinh ra ta.
Nghe tiếng anh bạn tù than van, bất giác tôi cũng chạnh lòng nhớ mẹ tôi, rồi buột miệng:
- Mẹ ơi! Con nhớ mẹ! Con thương mẹ lắm! Mẹ ơi!
Đất nước tang thương, mẹ mất con, chồng xa vợ, tan đàn xẻ nghé bởi vì đâu? Đổ lỗi cho ai bây giờ?
Lỗi vì chính ta đã không chiến đấu hết mình, hết sức?
Lỗi tại đồng minh bội bạc? Lỗi vì cấp chỉ huy bất tài?
Tôi chợt nhớ câu tuyên bố của Tổng Thống Nguyễn Văn Thiệu: “Đất nước còn, còn tất cả! Đất nước mất, mất tất cả!” Nếu chỉ xét về mặt tuyên truyền thì câu nói đó của ông Tổng Thống thật là hay, thật là hữu lý. Còn xét về mặt thực tế, thì chúng ta nhận ra ngay, những người nhanh chân bỏ chạy, dù có mất nước, mất hết quyền lực, địa vị, nhà cửa, xe cộ, ruộng vườn, họ vẫn còn vợ con, còn tiền gửi ở ngân hàng ngoại quốc.
Đìều quan trọng nhất là họ còn tự do, còn cơ hội xây dựng lại cuộc đời. Họ có mất tất cả đâu?
Trái lạị, để bảo vệ đất nước, bảo vệ nền Cộng Hòa, chúng tôi đã không trốn chạy, đã chiến đấu tới giờ phút chót, rồi chấp nhận đi tù, chúng tôi mới là những kẻ đã mất tất cả. Ấy vậy mà, suy cho cùng thì chúng tôi cũng thấy mình còn chút gì đó để tự an ủi. Chút gì đó chính là cái danh dự của một quân nhân!
Một ông binh nhì đã chiến đấu tới giờ phút chót thì suốt cuộc đời còn lại, vẫn có thể ngửng mặt tự hào. Còn một ông đại tướng, khi quân thù còn ở cách Sài Gòn cả trăm cây số mà đã lo dắt díu vợ con giành giựt một chỗ ngồi trên boong tàu di tản, thì sau này có dám nhìn mặt ai hay không? Lịch sử đã chứng minh rằng, đến khi đất nước lâm nguy mới lộ mặt những cấp chỉ huy tham nhũng, bất tài và hèn nhát. Lịch sử sẽ lưu giữ tất cả.
Rồi đây mọi người sẽ biết ai là người tiếp tay với kẻ thù, giết chết hàng ngàn chiến hữu của tôi ở pháp trường cát Thuận An.
Rồi đây mọi người sẽ biết ai là tác giả cuộc hành quân tự sát trên Liên Tỉnh Lộ 7B tháng 3 năm 1975 khiến cho hàng chục ngàn quân dân Vùng 2 phải bỏ mạng một cách oan uổng.
Ngay trước mắt tôi, cũng trong tháng 3 năm 1975, cấp chỉ huy trực tiếp của tôi đã sớm hiện nguyên hình là thứ dòi bọ, tham sống sợ chết, mặt xanh như tàu lá, vội vội, vàng vàng leo lên trực thăng đào ngũ bỏ anh em.
Ấy vậy mà, trước tình hình dầu sôi, lửa bỏng nguy kịch đó, dưới quyền chỉ huy của tôi, Liên Đoàn 24 Biệt Động Quân vẫn là 1 đơn vị có kỷ luật. Là những chiến binh cuối cùng còn hiện diện trên Cao Nguyên Vùng 2, tới tháng 4 năm 1975, đồng ngũ Liên Đoàn 24 Biệt Động Quân của tôi vẫn vững tay súng, bền gan, cam chịu đói khát, rét mướt, vừa đánh vừa lui, chết từng giờ, chết từng ngày, chết đâu, chôn đó, suốt con đường Liên Tỉnh Lộ 8B dặm dài đầy gian khổ. Một nửa quân số của Tiểu Đoàn 82 Biệt Động Quân đã phơi thây trong cuộc rút lui này. Nửa còn lại chưa kịp chấn chỉnh đội hình đã phải gồng mình, chen vai,góp sức với các bạn Sư Đoàn 18 Bộ Binh để tạo dựng chiến thắng sau cùng của Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa trong trận Long Khánh kéo dài 12 đêm ngày. Cho tới trưa 30 tháng Tư năm 1975, cả giờ đồng hồ sau khi Dương Văn Minh tuyên bố đầu hàng, sát nách Thủ Đô Sài Gòn, những người lính của Tiểu Đoàn 82 Biệt Động Quân vẫn còn chiến đấu. Những chiến sĩ Tiểu Đoàn 82 Biệt Động Quân đã ngã xuống bên nhau, linh hồn của họ bay lên trời, biến thành những vì sao…
Thế rồi, gần 2 năm sau ngày thua trận, tôi, con chim đầu đàn của Pleime Vùng 2 đang sống kiếp tù đày.
Đêm nay, một đêm Tháng Giêng Âm Lịch năm Đinh Tỵ 1977, tôi đang đứng giữa sân Trại giam số 4 Cẩm Nhân, Yên Bình, Yên Bái, Hoàng Liên Sơn, Bắc Việt, ngửng mặt ngắm trời mây. Dõi mắt về Nam, lòng tôi chợt chùng xuống rưng rưng... Trên kia, giòng Ngân Hà trôi lờ lững... Tôi giơ cao tay vẫy gọi. Giòng sông chứa đầy sao chầm chậm tiến lại, mỗi lúc mỗi gần hơn, mỗi sáng hơn. Tôi có cảm tưởng như là mình đang núp dưới bóng che của Ngân Hà. Rồi vào phút giây nào đó, tôi biết chắc rằng những vì sao chói lòa trong dải Ngân Hà trên đầu tôi chính là các bạn tôi; các bạn tôi đang cúi xuống nhìn tôi... Lấp lánh, lấp lánh, ánh mắt của họ thật là trìu mến và vô cùng ấm áp...
Con sông bạc cứ bồng bềnh...Lòng tôi vui như mở hội.
Tôi dướn người lên bám lấy bờ sông. Con sông chợt tròng trành chao đảo, khiến cho tôi trượt chân rơi vào khoảng không, mắt tôi bỗng tối sầm... Một giây sau, tôi mở mắt ra, thì thấy mình đang nằm đè trên một luống rau dền... Vậy là, khoảnh khắc trước đây tôi đã sống trong ảo giác! Vườn rau vẫn là một vũng tối đen…
Gió Bấc từng cơn lại lùa về…
Yên Bái…
Đêm Xuân lạnh buốt...
Vương Mộng Long
Seattle, Xuân Giáp Thìn 2024
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét