Tuần Này Bắc Cali: 2 Nơi Mừng Lễ Kỷ Niệm Hai Bà Trưng! -Hàng năm, đến ngày 6 tháng 2 âm lịch, dân chúng Việt Nam lại nhớ đến ngày lễ Kỷ Niệm Hai Bà Trưng. Đây là một ngày Lễ lớn chính thức trước 1975. Công tư sở và các trường học đều đóng cửa nghỉ lễ. Tại Sài Gòn và các tỉnh lớn đều có tổ chức lễ Kỷ Niệm Hai Bà rất trọng thể. Ngoài ra, Chính Phủ Việt Nam Cộng Hòa còn công nhận Ngày Lễ Kỷ Niệm Hai Bà Trưng là Ngày Phụ Nữ Việt Nam. Vì thế, các bà các cô đều cảm thấy hãnh diện, tự hào vô cùng trong ngày lễ kỷ niệm Hai Bà.
<!>
Tại Hải Ngoại, ngày Lễ Kỷ niệm Hai Bà cũng được tổ chức trang nghiêm tại những địa phương, cộng đồng có đông nhiều người Việt cư ngụ. Riêng tại miền Bắc Cali, năm nay 2024, có 2 nơi tổ chức, để nhắc nhở và nhớ ơn công đức Hai Bà.
Theo sách sử, Bà Trưng Trắc và Bà Trưng Nhị là hai chị em, con quan Lạc Tướng ở Huyện Mê Linh, Phong Châu. Năm 34 Thái Thú Tô Định được vua Hán Quang Vũ sai sang trấn nhậm quận Giao Chỉ. Tô Định là người bạo ngược, chính trị tàn ác nên dân Giao chỉ rất oán hận. Đến năm 40, Tô Định giết ông Thi Sách cũng là con Quan Lạc Tướng, người quận Châu Diên (Vĩnh Yên) , là chồng Bà Trưng Trắc. Vì nợ nước, thù nhà, Bà Trưng Trắc đã cùng em là Trưng Nhị phất cờ khởi nghĩa, đem quân đánh thành Liên Lâu, khiến Tô Định và quân Đông Hán phải bỏ quận Giao Chỉ, chạy trốn về Tàu.
Lúc bấy giờ, các quận Cửu Chân, Nhật Nam (thuộc Việt Nam), và Hợp Phố (Quảng Đông), cùng hưởng ứng nổi lên theo Hai Bà. Chẳng bao lâu, quân Hai Bà đã hạ được 65 thành trì. Hai Bà được tôn lên làm vua, đóng đô ở Mê Linh, tức là Trưng Nữ Vương.
Ba năm sau (năm 43), vua Hán sai Mã Viện chỉ huy một lực lượng quân sự đông đảo, đào rừng khoét núi kéo sang đánh báo thù và xâm chiếm nước ta. Tại mặt trận Lãng Bạc, quân Hai Bà thua, phải rút về Cấm Khê cố thủ. Mã Viện tiến quân vây đánh, quân Hai Bà tan vỡ, chạy đến xã Hát Môn, huyện Phúc Lộc (Sơn Tây), Hai Bà phải gieo mình xuống sông Hát Giang tự trầm để bảo toàn danh tiết. Bấy giờ là ngày mồng 6 tháng 2 năm Quý Mão (năm 43 Tây Lịch). Hiện nay có nhiều đền thờ Hai Bà ở nhiều nơi trong nước, kể cả ở nước ngoài và bên Trung Quốc tại các tỉnh Quảng Đông, Quảng Tây, Vân Nam, Quý Châu và Hồ Nam dưới hình thức "Đạo Kính Vua Bà!" để ghi tạc công đức của hai vị nữ anh hùng dòng giống Việt .
Kỷ Niệm Hai Bà Trưng, chúng ta học được những bài học ý nghĩa như sau:
- Thứ nhất là tinh thần kiên trì bất khuất chống ngoại xâm dành quyền độc lập của dân tộc Việt Nam: Nhà Hán diệt nước Nam Việt năm 111 trước Tây Lịch, thi hành một chính sách đô hộ và đồng hoá dân ta rất là tàn bạo. Sau 151 năm kiên nhẫn chịu đựng, dân Lạc Việt đã cùng nổi dậy theo phò Hai Bà đánh đuổi ngoại xâm, đúng với tinh thần "giặc đến nhà đàn bà cũng đánh", và "Quốc Gia hưng vong, thất phu hữu trách". Hai Bà Trưng đã mở đường độc lập cho nước nhà.
- Thứ hai là tinh thần bình đẳng, bình quyền dân tộc: Hai Bà thuộc nữ giới, mà người Hán thời đó coi rẻ như trẻ nít " nhi nữ thường tình", nhưng đối với dân tộc Việt, đã không hề có sự phân biệt trai, gái, gìa trẻ, lớn bé, tất cả cùng đứng lên theo phò Hai Bà đánh giặc. Phải đợi hàng ngàn năm sau, tinh thần "bình đẳng, bình quyền" này trên thế giới mới được nhiều quốc gia công nhận.
- Thứ ba là cuộc đấu tranh vì chính nghĩa luôn luôn được dân tộc Việt Nam yểm trợ: Chúng ta phân biệt "đấu tranh" khác với "chiến tranh". Chiến tranh là sức mạnh của kẻ xâm lược dùng bạo lực xâm chiếm và cai trị theo đường lối riêng của họ, còn đấu tranh là vũ khí tự vệ của người dân bị áp bức, là vũ khí bảo vệ hoà bình. Toàn dân Lạc Việt nổi lên theo Hai Bà đánh giặc chính là cuộc đấu tranh đầy chính nghĩa.
- Thứ tư là ý thức, trách nhiệm và danh tiết của nhà lãnh đạo: Hai Bà lãnh đạo toàn quân, toàn dân vào cuộc kháng chiến đánh đuổi Hán quân, chắc chắn phải ý thức được việc mình làm là đúng, là chính nghĩa. Vì thế, trước sau như một, Hai Bà đã giữ đúng trách nhiệm và danh tiết của nhà lãnh đạo, thà chết chứ không chịu khuất phục kẻ thù. Đây chính là bài học quý giá đối với các nhà lãnh đạo Việt Nam đấu tranh cho sự tự do công bằng xã hội trong nước.
Nhân ngày 6 tháng 2 lễ kỷ niệm Hai Bà, chúng con là kẻ hậu sinh nơi Hải Ngoại, xin cùng thắp nén hương lòng tưởng nhớ đến công đức Hai Bà và xin nguyện noi gương Hai Bà. Gìn giữ giang sơn, đánh đuổi quân xâm lăng, không hèn như nhà cầm quyền CS hiện nay, bán đất, bán biển, bán nước! cho ngoại bang cốt chỉ để giữ cái ghế cai trị!
Tin Việt Nam Hôm Nay
Tòa Hà Nội Tuyên Ông Đỗ Minh Hiền 6 Năm Tù Vì Có Quan Điểm Chính Trị, Triết Học Riêng
(Hình: Ông Đỗ Minh Hiền tại phiên tòa.)
-Vào ngày 11/3/2024, ông Đỗ Minh Hiền (67 tuổi) ngụ tại quận Hoàng Mai, thành phố Hà Nội, bị tòa án thủ đô tuyên 6 năm tù theo cáo buộc “làm, tàng trữ, phát tán hoặc tuyên truyền thông tin, tài liệu, vật phẩm nhằm chống Nhà nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam” theo điều 117 Bộ luật Hình sự.
Truyền thông nhà nước trong cùng ngày dẫn bản án mà Tòa Sơ thẩm Hà Nội tuyên cho ông Đỗ Minh Hiền như vừa nêu. Bản thân ông này được cho biết khai trước tòa đã tự viết, phát tán các tài liệu với mục đích muốn mọi người biết đến quan điểm chính trị, triết học của bản thân; ông không bị tổ chức, cá nhân nào tài trợ, xúi giục….
Cơ quan An ninh Điều tra thuộc Công an thành phố Hà Nội cho biết vào tháng 8/2022, cơ quan này nhận được công văn của Bộ Nội vụ đề nghị xử phạt ông Đỗ Minh Hiền vì đã sử dụng thư điện tử phát tán nội dung mà theo Bộ Nội vụ CSVN là nói xấu lãnh đạo Đảng Cộng sản và Nhà nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam.
Ông Đỗ Minh Hiền bị bắt vào ngày 14/7/2023 theo cáo buộc từ năm 2013 ông bắt đầu phát tán các tài liệu bị cho có nội dung chống chế độ qua thư điện tử cá nhân. Đó là các tài khoản thư điện tử “MINHHIEN’, địa chỉ vseobusedumai.com lập từ năm 2000 và sử dụng đến tháng 3/2023; tài khoản “hung ngo” địa chỉ ngo283667@gmail.com.
Cơ quan ANĐT cho rằng những thông tin, số liệu mà ông Đỗ Minh Hiền sử dụng được lấy từ các nguồn trên mạng Internet gồm BBC, Dân Làm Báo, Bauxite Việt Nam…. Những thông tin này bị cho không được ông Đỗ Minh Hiền kiểm chứng; nhưng lồng ghép các quan điểm cá nhân bị cho cực đoan và chống đối đảng, Nhà nước Việt Nam.
Cơ quan An ninh Điều tra thuộc Công an thành phố Hà Nội ủy thác điều tra cho cơ quan cùng cấp thuộc Công an 26 tỉnh, thành phố và cơ quan để thu thập các tài liệu bị cho do ông Đỗ Minh Hiền phát tán đi.
Công An Hà Nội Phạt Chủ Tài Khoản Facebook Vì Đưa Tin Nữ Tài Xế Vi Phạm Tự Xưng Là Cháu Bộ Trưởng Công An
(Hình: Phòng PA05 xử phạt anh V.S.T. về hành vi bị cho “cung cấp, chia sẻ thông tin giả mạo, thông tin sai sự thật, xuyên tạc, vu khống, xúc phạm uy tín của cơ quan, tổ chức, danh dự, nhân phẩm của cá nhân”.)
-Vào ngày 10/3/2024, người đăng tin trên Facebook về một nữ tài xế vi phạm nồng độ cồn và tự xưng là cháu của Bộ trưởng Công an Tô Lâm, anh V.S.T. (sinh năm 1986, ngụ tại xã Cự Khê, huyện Thanh Oai), bị phạt hành chính 7,5 triệu đồng.
Truyền thông nhà nước loan tin trong cùng ngày dẫn nguồn từ Phòng An ninh Mạng và Phòng/chống Tội phạm sử dụng Kỹ thuật Cao (PA05) thuộc Công an thành phố Hà Nội về biện pháp vừa nêu.
Phòng PA05 xử phạt anh V.S.T. về hành vi bị cho “cung cấp, chia sẻ thông tin giả mạo, thông tin sai sự thật, xuyên tạc, vu khống, xúc phạm uy tín của cơ quan, tổ chức, danh dự, nhân phẩm của cá nhân” theo điểm a, Khoản 1, Điều 101 Nghị định 15.
PA05 thuộc Công an Hà Nội cho biết vào ngày 5/3 họ phát giác một tài khoản đăng thông tin liên quan vụ va chạm giao thông xảy ra trong cùng ngày tại phố Trần Cung, quận Cầu Giấy.
Nội dung tin nêu rõ: “Đã xác định chị đại dược cho là con cháu Bộ trưởng Tô Lâm; người gây tai nạn và được công an bảo vệ như vị vua, vị tướng…”.
Phòng PA05 cho rằng đó là thông tin sai sự thật, gây ảnh hưởng đến uy tín, hình ảnh của lãnh đạo Bộ Công an và Công an thành phố Hà Nội.
Vụ tai nạn cụ thể được cơ quan chức năng thông tin: Vào khoảng 11 giờ khuya ngày 5/3, bà Lương Hồng Trang lái xe hơi biển số 30H-119.59 đi trên đường Trần Cung, hướng đi Phạm Văn Đồng đã đụng xe gắn máy của anh N.V.A. đang dừng sát vỉa hè.
Vụ đụng xe dẫn đến cãi vã khiến người người hiếu kỳ đứng xem và có người phát trực tiếp sự việc lên mạng xã hội.
Cảnh sát Giao thông đã đến kiểm tra đo nồng độ cồn của nữ lái xe Lương Hồng Trang. Kết quả cho thấy nồng độ cồn khí thở của bà Trang là 0,573mg/lít; anh N.V.A. không có nồng độ cồn.
Trên mạng xuất hiện tin bà Lương Hồng Trang tự xưng là cháu ông Bộ trưởng Tô Lâm.
Phó Thủ Tướng Yêu Cầu Làm Rõ Nguyên Nhân Vụ Tai Nạn Giao Thông Trên Xa Lộ Cam Lộ-La Sơn
(Hình: Hiện trường vụ xe khách đâm vào xe vận tải dừng đỗ trên xa lộ Cam Lộ-La Sơn làm 2 người chết.)
-Vụ tai nạn giao thông nghiêm trọng đã xảy ra trên tuyến cao tốc Cam Lộ-La Sơn thuộc địa phận xã Phong Sơn, huyện Phong Điền, tỉnh Thừa Thiên Huế, làm hai người chết.
Truyền thông loan tin cho hay trong ngày 11/3/2024, Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang đã ký Công điện, chỉ đạo nhanh chóng làm rõ nguyên nhân và khắc phục hậu quả.
Theo ông Hoàng Anh Tuấn – Chánh văn phòng Ban An toàn Giao thông tỉnh Thừa Thiên Huế, nguyên nhân vụ tai nạn qua xác định ban đầu là do lái xe hơi khách không chú ý quan sát nên va chạm với xe vận tải đang dừng đỗ bên đường, gây tai nạn khiến 2 người chết, 9 người bị thương.
Vụ tai nạn xảy ra vào khoảng 7 giờ 40 tối 10/3/2024, lúc bấy giờ ông Lê Hoàng Quân, trú tại tỉnh Đắc Nông điều khiển xe khách giường nằm loại hai chỗ ngồi, 44 chỗ nằm, thuộc nhà xe Dương Thảo tại tỉnh Đắc Nông chạy tuyến cố định Nghệ An-Đồng Nai đang lưu thông trên cao tốc Cam Lộ-La Sơn theo hướng Quảng Trị đi Đà Nẵng, khi đến địa điểm trên thì để đuôi xe phía bên phải va vào phía sau bên trái đuôi xe hơi tải thuộc công ty trách nhiệm hữu hạn thương mại vận tải San Hiền, địa chỉ tỉnh Thừa Thiên-Huế bị nổ lốp xe đang đỗ phía trước cùng chiều.
Hậu quả, vụ va chạm khiến 2 người chết tại chỗ, gồm anh Cụt Văn Sơn, và chị Cụt Thị Phong, đều trú tại huyện Kỳ Sơn, tỉnh Nghệ An. Có 9 người bị thương được Trung tâm Vận chuyển cấp cứu 115 tỉnh Thừa Thiên-Huế đưa vào cấp cứu tại Bệnh viện Trung ương Huế cơ sở 2 và 5 người khác bị thương nhẹ.
Ủy ban An toàn Giao thông tỉnh Thừa Thiên Huế cho biết, trên tuyến cao tốc Cam Lộ-La Sơn-Hòa Liên, trước đó từ ngày 23/1 (tại Đà Nẵng) và ngày18/2 (tại Thừa Thiên Huế) cũng đã liên tiếp xảy ra tai nạn giao thông làm chết và bị thương nhiều người.
Nhóm Doanh Nghiệp Hoa Kỳ Muốn Ký Hợp Đồng Cung Cấp Thiết Bị An Ninh Cho Công An và Quân Đội CS Việt Nam
-Nhóm hơn chục doanh nghiệp Hoa Kỳ vào tuần tới sẽ gặp gỡ 2 Bộ Công an và Quốc phòng Việt Nam nhằm có thể ký kết hợp đồng cung cấp thiết bị an ninh cho hai bộ này.
Thông tấn xã Reuters loan tin ngày 11/3/2024, dẫn nguồn từ phía tổ chức các cuộc gặp gỡ như thế. Hoạt động này thuộc khuôn khổ đối thoại dẫn đến nâng cấp quan hệ Việt- Mỹ lên mức đối tác chiến lược- toàn diện hồi tháng 9/2023 nhân chuyến thăm của Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden đến Hà Nội.
Thông tấn xã Reuters dẫn phát biểu của một đại diện Hội đồng Kinh doanh Hoa Kỳ-ASEAN (US-ABC), ông Vũ Tú Thành, nêu rõ những cuộc gặp gỡ sẽ bắt đầu vào ngày 18/3. Một thỏa thuận không mang tính ràng buộc có thể được ký bên lề các cuộc gặp đồng thời giúp mở đường cho những thỏa thuận trong tương lai dễ dàng hơn.
Vị viên chức này cho biết suốt nhiều tháng trời, Bộ Công an CSVN và US-ABC đã thảo luận về một biên bản ghi nhớ (MOU) giữa hai phía mà không có sự tham dự trực tiếp của những công ty thuộc nhóm doanh nghiệp Hoa Kỳ.
Lần này, tập đoàn không gian và quốc phòng Boeing sẽ tham gia các cuộc thảo luận. ATMO, một hãng có trụ sở ở Mỹ chuyên cung cấp các dịch vụ về khí tượng bằng Trí tuệ Nhân tạo (AI) cũng sẽ có mặt. Tuy nhiên danh sách đầy đủ của những tên tuổi khác chưa được tiết lộ. Ông Vũ Tú Thành từ chối trả lời câu hỏi liệu những công ty Hoa Kỳ từng tham gia các cuộc thảo luận về quốc phòng vừa qua có mặt tại những cuộc thảo luận lần này hay không.
Riêng Boeing trả lời yêu cầu bình luận của thông tấn xã Reuters qua thư điện tử rằng tập đoàn này sẽ nêu bật mối quan hệ đối tác ngày càng tăng với phía Việt Nam và cơ hội củng cố khả năng không gian của Hà Nội.
US-ABC mà một số thành viên là các tập đoàn lớn của Hoa Kỳ đã gửi một Dự thảo hợp đồng cho Bộ Công an CSVN. Dự thảo bao gồm những lĩnh vực mà phía các tập đoàn Mỹ có thể hỗ trợ; trong đó có cung cấp kỹ thuật phát giác và ngăn ngừa tội phạm, kỹ thuật phân tích dữ liệu lớn, trực thăng, dịch vụ hàng không và an ninh mạng.
Bộ Công an CSVN chưa trả lời yêu cầu bình luận của thông tấn xã Reuters về tin vừa nêu.
Tòa Bình Dương Trả Hồ Sơ Để Điều Tra Bổ Sung Vụ Cháy Karaoke An Phú Làm Hơn 30 Người Chết
(Hình: Lý do vụ cháy được xác định là do chập điện.)
-Tòa án tỉnh Bình Dương đã trả hồ sơ vụ cháy Karaoke An Phú để tiếp tục điều tra bổ sung.
Ngày 11/3/2024, mạng báo Pháp Luật Tp. HCM (PLO) loan tin dẫn nguồn từ Tòa án tỉnh Bình Dương về quyết định vừa nêu. Viện Kiểm sát tỉnh Bình Dương cũng đã hai lần trả hồ sơ vụ án để điều tra bổ sung vụ án này.
Karaoke An Phú ở Bình Dương do ông Lê Anh Xuân, 44 tuổi, ngụ tại Tp. HCM làm chủ. Quán có ba tầng với khoảng 30 phòng hát, hoạt động từ 2016 đến lúc xảy ra hỏa hoạn.
Theo ông Mai Hùng Dũng, Phó Chủ tịch thường trực Ủy ban Nhân dân tỉnh Bình Dương, vụ cháy xảy ra từ đêm 6/9/2022. Đám cháy bùng phát tại tầng hai. Lực lượng cấp cứu ngay trong đêm 6/9 đến sáng 8/9 đã cứu được hàng chục người mắc kẹt trên sân thượng xuống đất an toàn và đưa 33 thi thể nạn nhân ra khỏi hiện trường. Lý do vụ cháy được xác định là do chập điện.
Cơ quan Cảnh sát Điều tra thuộc Công an tỉnh Bình Dương ra quyết định khởi tố vụ án “vi phạm về quy định phòng cháy, chữa cháy” ngày 8/9/2022.
Sau vụ cháy tại karaoke An Phú khiến hơn 30 người chết, nhiều người dân cho biết trong thăm dò ý kiến trên mạng báo Tuổi Trẻ rằng, cần tổng rà soát các điểm kinh doanh karaoke và đóng cửa ngay các cơ sở nếu không bảo đảm an toàn phòng cháy chữa cháy.
Cựu Giám Đốc Trung Tâm Đăng Kiểm 28-01S ở Hòa Bình Nhận Án 4 Năm Tù Vì Hối Lộ
(Hình: Trung tâm Đăng kiểm Xe cơ giới 28-01S.)
-Vào ngày 11/3/2024, nguyên Giám đốc Trung tâm Đăng kiểm Xe cơ giới 28-01S thuộc Sở Giao thông-Vận tải tỉnh Hòa Bình, ông Trịnh Thành Công bị tuyên án 4 năm tù về tội “nhận hối lộ”.
Truyền thông nhà nước loan tin dẫn mức án đối với ông Trịnh Thành Công như vừa nêu tại phiên xử Sơ thẩm diễn ra tại Tòa án tỉnh Hòa Bình. Cùng ra tòa và bị tuyên án với ông Trịnh Thành Công còn có các bị cáo gồm Trần Thu Hường - nguyên Phó Giám đốc, Bùi Trung Linh - nguyên Phó phòng Kiểm định, Kim Ngọc Hiếu - nguyên Trưởng phòng Kiểm định và các đăng kiểm viên Vũ Mạnh Tuấn, Nguyễn Xuân Ngọc, Phạm Thái Sơn, Ngô Minh Hòa, Dương Đức Thành, và Nguyễn Viết Dương.
Cáo trạng cho thấy từ tháng 3 đến tháng 9/2022, nhóm vừa nêu lợi dụng chức vụ để nhận tổng cộng hơn 107 triệu đồng từ các lái xe đến TT 28-01S để đăng kiểm nhờ bỏ qua các lỗi về an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường.
Ông Trịnh Thành Công bị cho có vai trò chủ chốt nên chịu mức án cao nhất 4 năm tù. Những người còn lại gồm Kim Ngọc Hiếu 36 tháng tù, Trần Thu Hường và Bùi Trung Linh mỗi người 30 tháng tù; số còn lại đều bị tuyên phạt 24 tháng tù nhưng được hưởng án treo.
Thị Trường Bia Việt Nam Dự Kiến Tăng Đến Hơn 14.000 Triệu Mỹ Kim Vào Năm 2032
(Hình: Tại khu vực Á Châu, thị trường bia của Việt Nam chỉ thua Trung Quốc và Nhật Bản; còn ở Đông Nam Á thì đứng đầu.)
-Thị trường bia Việt Nam được dự phóng đến năm 2032 sẽ đạt tổng trị giá 14.154,2 triệu Mỹ kim. Giai đoạn 2024 đến 2032 tỷ lệ tăng trưởng kép hằng năm là 7,27%.
Mạng báo EIN Presswire loan tin ngày 6/3/2024 dẫn dự phóng vừa nêu của công ty chuyên phân tích và tư vấn toàn cầu Astute Analytica.
Tổng giá trị thị trường bia năm 2023 của Việt Nam là hơn 7.500 triệu Mỹ kim. Vào năm 2022, mức tiêu thụ bia trong năm của Việt Nam đạt mức kỷ lục là 3,8 triệu kilolít; chiếm 2,2% thị trường bia toàn cầu.
Tại khu vực Á Châu, thị trường bia của Việt Nam chỉ thua Trung Quốc và Nhật Bản; còn ở Đông Nam Á thì đứng đầu.
Phân tích cho rằng ngành công nghiệp bia của Việt Nam đang phải đối mặt với những thách thức do khó khăn kinh tế thế giới, và quy định nồng độ cồn bằng 0 của Chính phủ Hà Nội. Những yếu tố này có thể tác động đến mức tiêu thụ bia tại Việt Nam trong tương lai.
Cam Bốt Bắt 109 Người Việt Tham Gia Cờ Bạc Trái Phép Tại Tỉnh Sihanoukville
(Hình: 78 công dân Việt Nam được phía Cam Bốt bàn giao cho Việt Nam ở cửa khẩu Mộc Bài, Tây Ninh, hôm 11/10/2023.)
-Cảnh sát Cam Bốt đã thực hiện hai cuộc đột kích truy quét hoạt động cờ bạc trái phép tại tỉnh Sihanoukville và bắt được 195 người ngoại quốc, trong đó có 109 người mang quốc tịch Việt Nam.
Tờ Khmer Times ngày 11/3/2024 cho biết, Cảnh sát Cam Bốt đã đưa những người tham gia cờ bạc trái phép tới Tổng cục Xuất-nhập cảnh Cam Bốt để tiến hành trục xuất.
Hai cuộc đột kích diễn ra vào các ngày 9/3 và 10/3. Trong ngày 9/3, lực lượng cảnh sát đã bắt giữ 109 người Việt Nam, 54 người Thái Lan, 8 người Đài Loan và một người Trung Quốc.
Vào ngày 10/3, cảnh sát Cam Bốt tiếp tục đột kích vào khu Sangkat 3 ở Sihanoukville và phát giác 279 người Cam Bốt, 27 người Trung Quốc và một người Miến Ðiện có hoạt động đánh bạc trái phép.
Ngoài các quản lý đã bị đưa đến tòa án tỉnh, những người ngoại quốc còn lại bị đưa đến Tổng cục Xuất-nhập cảnh Cam Bốt để trục xuất khỏi quốc gia này.
Hoạt động trấn áp nêu trên được nói nhằm loại bỏ tất cả các loại địa điểm lừa đảo trực tuyến ở tỉnh Sihanoukville.
Những năm gần đây, số người Việt sang Cam Bốt tham gia đánh bạc và số lao động bị ép sang Cam Bốt làm việc tại các sòng bạc gia tăng.
Hôm 3/1/2024, phát ngôn viên Bộ Công an, Trung tướng Tô Ân Xô cho truyền thông hay Công an các địa phương phía Nam đã tiếp nhận từ phía Cam Bốt hơn 600 người làm việc trong các sòng bạc được phía Cam Bốt giải cứu, trao trả về nước.
Theo ông Xô, nhiều đường dây tội phạm tổ chức đưa người Việt Nam ra ngoại quốc trái phép đã hình thành với sự câu kết giữa các đối tượng ở trong và ngoài nước, cả người Việt Nam và người ngoại quốc. Một trong những phương thức, thủ đoạn chủ yếu để đưa công dân Việt Nam di cư, xuất cảnh trái phép ra ngoại quốc là tìm kiếm, dụ dỗ nạn nhân sang các quốc gia gần biên giới với Việt Nam (Xuất cảnh sang Cam Bốt, Lào, Thái Lan, Miến Ðiện...) để làm việc nhẹ lương cao, tổ chức cho nạn nhân xuất cảnh mà không cần chứng minh tài chánh, bằng cấp, thủ tục nhanh gọn.
Việt Nam-Tân Tây Lan Ký Biên Bản Đối Thoại Chính Sách Quốc Phòng Lần Thứ Tư
(Hình: Thượng tướng Hoàng Xuân Chiến đồng tại Đối thoại.)
-Đối thoại chính sách Quốc phòng Việt Nam-Tân Tây Lan lần thứ 4 đã diễn ra tại thủ đô Wellington, Tân Tây Lan vào ngày 11/3/2024.
Tại Đối thoại, truyền thông loan, thượng tướng Hoàng Xuân Chiến - Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Việt Nam - khẳng định Việt Nam luôn nhất quán đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, hòa bình, hữu nghị, hợp tác, phát triển, là đối tác tin cậy của các nước trên thế giới; Việt Nam kiên định Chính sách quốc phòng tự vệ, “Bốn không”.
Đối với vấn đề Biển Đông, ông Chiến cũng nhắc lại Việt Nam kiên quyết, kiên trì chủ trương giải quyết mọi tranh chấp bằng biện pháp hòa bình trên cơ sở luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước của Liên Hiệp Quốc về Luật biển 1982 (UNCLOS 1982) và các cam kết ở khu vực.
Cũng tại sự kiện này, hai bên đã trao đổi, thống nhất Dự thảo Kế hoạch hợp tác 3 năm giai đoạn 2024-2026. Theo đó, trong thời gian tới, hai bên đẩy mạnh nghiên cứu mở rộng hợp tác một số lĩnh vực như hợp tác Hải quân, Không quân, Biên phòng, Tình báo, An ninh mạng, Quân y, công nghiệp Quốc phòng, Thương mại Quân sự, Cứu cấp-Cứu nạn….
Ngài Andrew Bridgman, Tổng Thư ký Quốc phòng Tân Tây Lan chia sẻ về chính sách quốc phòng của Tân Tây Lan, trong đó nhấn mạnh sự tham gia của các Bộ, ngành của Chính phủ và phát triển xây dựng lực lượng quốc phòng đến năm 2040; khẳng định việc thúc đẩy hợp tác quốc phòng Việt Nam-Tân Tây Lan là một ưu tiên, góp phần quan trọng vun đắp hòa bình, thịnh vượng ở khu vực cũng như thế giới.
Ông Chiến đề nghị hai bên tiếp tục tăng cường tham vấn, phối hợp tại các cơ chế đa phương hai bên cùng tham gia, hoặc đồng chủ trì, nhất là các Nhóm Chuyên gia ADMM+, nhằm nâng cao hội nhập quốc tế về quốc phòng của Việt Nam và thúc đẩy quan hệ Đối tác Chiến lược ASEAN-Tân Tây Lan.
Nhân dịp này, Thượng tướng Hoàng Xuân Chiến trân trọng mời lãnh đạo Bộ Quốc phòng, các doanh nghiệp quốc phòng Tân Tây Lan sang Việt Nam tham dự Triển lãm Quốc phòng Quốc tế Việt Nam lần thứ hai vào tháng 12 năm nay.
Kết thúc Đối thoại, hai bên đã ký Biên bản Đối thoại Chính sách Quốc phòng Việt Nam-Tân Tây Lan lần thứ 4.
Trước đó, trong ngày 8/3 tại thủ đô Canberra của Úc Ðại Lợi, đối thoại Chính sách Quốc phòng Việt Nam-Úc Ðại Lợi lần thứ 7 đã diễn ra. Kết thúc đối thoại, hai bên đã ký Biên bản Đối thoại Chính sách Quốc phòng Việt Nam-Úc Ðại Lợi lần thứ 7 và Danh mục các hoạt động hợp tác quốc phòng năm 2024 giữa hai Bộ Quốc phòng.
Quảng Ninh: Tỉnh Cửa Ngõ Với Trung Quốc Được Tăng Cường Thêm 1.000 Công An
(Hình: Bộ trưởng Bộ Công an, ông Tô Lâm, đưa ra thông báo này ngày 7/3/2024 trong chuyến công tác của đoàn Đảng ủy Công an Trung ương với Ban Thường vụ Tỉnh ủy Quảng Ninh.)
-Bộ Công an CSVN sẽ tăng cường thêm khoảng 1.000 biên chế cho lực lượng này tại tỉnh Quảng Ninh, một cửa ngõ giữa Việt Nam và Trung Quốc. Số tăng cường này chú trọng cho lực lượng công an cơ sở và công an xã.
Truyền thông nhà nước loan tin về thông báo vừa nêu của Bộ trưởng Bộ Công an, ông Tô Lâm, đưa ra ngày 7/3/2024, trong chuyến công tác của đoàn Đảng ủy Công an Trung ương với Ban Thường vụ Tỉnh ủy Quảng Ninh.
Ông Tô Lâm cho rằng Quảng Ninh là địa phương có vị trí trọng yếu về chính trị, kinh tế, quốc phòng, an ninh đối nội và đối ngoại của Việt Nam. Tỉnh này được cho là cầu nối liên kết phát triển kinh tế-xã hội giữa các địa phương vùng kinh tế trọng điểm phía Bắc, Việt Nam và tỉnh Quảng Tây, Trung Quốc.
Người đứng đầu ngành công an Việt Nam yêu cầu tỉnh Quảng Ninh phải tăng cường công tác bảo đảm an ninh mạng, an ninh kinh tế, an ninh nông thôn, an ninh dân tộc, an ninh chính trị nội bộ; tập trung giải quyết những điểm “nóng’ về an ninh trật tự….
Ông Tô Lâm ra chỉ thị phải thực hiện bằng được mục tiêu kéo giảm tội phạm một cách căn bản, bền vững; và phấn đấu xây dựng hệ thống xã, phường không tội phạm, không ma túy, không tệ nạn xã hội….
Bộ trưởng Công an Tổ Lâm hứa sẽ đẩy mạnh hoàn thiện cơ sở vật chất cho công an xã tại tỉnh Quảng Ninh nhằm mục tiêu kéo giảm tội phạm, không để hình thành điểm nóng về an ninh trật tự, bảo đảm Quảng Ninh là điểm đến an toàn cho các nhà đầu tư ngoại quốc….
Cũng trong ngày 7/3, ông Tô Lâm tham gia lễ khởi công xây dựng trụ sở Công an tỉnh Quảng Ninh tại phường Hồng Hà, thành phố Hạ Long.
Giới Đầu Tư Ngoại Quốc Cảnh Báo Ngưng Bỏ Thêm Tiền Nếu Việt Nam Không Có Chính Sách Hỗ Trợ Về Thuế
(Hình: Việt Nam định thuế thu nhập doanh nghiệp ở mức 20%; tuy nhiên để thu hút ngoại quốc đầu tư, mức này có thể chỉ là 5% và thời gian ân hạn được kéo dài cho “trường hợp đặc biệt”.)
-Ngày 7/3/2024, thông tấn xã Reuters dẫn nguồn từ nhân vật tham gia đàm phán giữa giới đầu tư và chính phủ Việt Nam cho hay các nhà đầu tư đa quốc lớn lên tiếng có thể ngưng bỏ thêm tiền cho những dự án mới tại Việt Nam vì không được hỗ trợ thuế theo quy định mới.
Kể từ đầu năm 2024, Việt Nam bắt đầu đánh thuế Tối thiểu Toàn cầu ở mức 15% đối với các tập đoàn đa quốc lớn đang có những dự án đầu tư tại Việt Nam. Quyết định đánh thuế này được Quốc hội Việt Nam thông qua ngày 29/11/2023.
Chính sách thuế tối thiểu toàn cầu cho phép các quốc gia đánh thuế lợi nhuận từ hàng hóa, dịch vụ của các tập đoàn đa quốc gia với doanh thu hơn 20 tỉ Mỹ kim/năm và có tỷ suất lợi nhuận trước thuế/tổng doanh thu từ 10% trở lên.
Với quy định về thuế tối thiểu toàn cầu, một tập đoàn, công ty đa quốc gia sẽ bị đánh thuế 15% đối với các khoản lợi nhuận tạo ra tại các nước (có thuế suất bằng 0% hoặc thuế suất thấp thông qua cơ chế đánh thuế bổ sung, từ chối khấu trừ thuế hoặc thuế khấu trừ tại nguồn) với mức thuế suất hiệu dụng (effective tax rate) tối thiểu.
Việt Nam định thuế thu nhập doanh nghiệp ở mức 20%; tuy nhiên để thu hút ngoại quốc đầu tư, mức này có thể chỉ là 5% và thời gian ân hạn được kéo dài cho “trường hợp đặc biệt”. Đơn cử Samsung trong năm 2019 chỉ đóng 5,1% tại một tỉnh thôi.
Thống kê cho thấy, với mức thuế mới, chi phí thuế của 122 công ty ngoại quốc đầu tư tại Việt Nam tăng đáng kể. Phía Nhà nước Việt Nam sẽ thu thêm hơn 601 triệu Mỹ kim tiền thuế mỗi năm.
Chủ nhiệm Ủy ban Tài chánh & Ngân sách thuộc Quốc hội, ông Lê Quang Mạnh, lên tiếng sau khi thông qua Nghị quyết đánh thuế tối thiểu toàn cầu rằng “Việt Nam cần có những chính sách ưu đãi mới để có thể duy trì là một điểm đến hấp dẫn đối với các nhà đầu tư ngoại quốc”.
Việt Nam Sẽ Nghiên Cứu Sửa Đổi Thuế Ưu Đãi Hiện Hành Để Thu Hút và Bảo Vệ Nhà Đầu Tư Ngoại Quốc
(Hình: Bộ Tài chánh Việt Nam nói sẽ nghiên cứu trình Chính phủ Hà Nội cho thành lập “Quỹ hỗ trợ đầu tư từ nguồn thuế thu nhập doanh nghiệp bổ sung để hỗ trợ cho các nhà đầu tư tại Việt Nam”.)
-Theo thông tin được đưa ra vào ngày 7/3/2024 tại Hội nghị Xúc tiến Đầu tư có tên “Việt Nam- Điểm đến đầu tư” diễn ra ở thủ đô Hán Thành của Nam Hàn, Bộ Tài chánh Việt Nam nói sẽ nghiên cứu trình chính phủ Hà Nội cho thành lập “Quỹ hỗ trợ đầu tư từ nguồn thuế thu nhập doanh nghiệp bổ sung để hỗ trợ cho các nhà đầu tư tại Việt Nam”.
Thông tấn xã Việt Nam loan tin dẫn phát biểu của Tổng Cục trưởng Tổng cục Thuế Mai Xuân Thành cho biết theo chỉ đạo của Bộ Tài chánh, Tổng cục Thuế đã tham mưu và phối hợp với các bộ, ngành tiến hành tham vấn ý kiến của cộng đồng doanh nghiệp có vốn ngoại quốc đầu tư (FDI) về thuế tối thiểu toàn cầu trong khuôn khổ Diễn đàn Chống xói mòn cơ sở thuế và chuyển lợi nhuận.
Chính phủ Hà Nội đã giao cho Bộ Tài chánh rà soát các chính sách thuế ưu đãi hiện hành để sửa đổi theo hướng tăng tính hấp dẫn nhằm thu hút vốn ngoại quốc đầu tư từ các nhà đầu tư hiện hữu cũng như các nhà đầu tư tiềm năng trong tương lai.
Việt Nam Xuất “Siêu” Sang Hoa Kỳ, Nhập Siêu Từ Trung Quốc
(Hình: Báo cáo của Bộ Công thương Việt Nam đưa ra số liệu vừa nêu và truyền thông nhà nước loan tin ngày 7/3/2024.)
-Truyền thông nhà nước loan tin ngày 7/3/2024 cho hay theo Báo cáo của Bộ Công thương Việt Nam, trong 2 tháng đầu năm nay, Việt Nam xuất siêu sang Hoa Kỳ ước đạt hơn 15 tỉ Mỹ kim, tăng gần 37% so với cùng kỳ năm 2023; trong khi đó lại nhập siêu từ Trung Quốc gần 13 tỉ Mỹ kim, tăng hơn 98% so với cùng kỳ năm 2023.
Tính chung 2 tháng đầu năm 2024, cán cân thương mại hàng hóa ước tính xuất siêu 4,72 tỉ Mỹ kim, cao hơn với mức xuất siêu của cùng kỳ năm trước. Trong đó, khu vực kinh tế trong nước nhập siêu 3,53 tỉ Mỹ kim; khu vực có vốn ngoại quốc đầu tư (kể cả dầu thô) xuất siêu 8,25 tỉ Mỹ kim.
Trong hai tháng đầu năm 2024, Hoa Kỳ dẫn đầu các thị trường xuất cảng lớn của Việt Nam, ước đạt 17,4 tỉ Mỹ kim, tăng gần 34% so với cùng kỳ năm trước; tiếp đến là Nhật Bản ước tăng gần 20%, EU, ước tăng hơn 14%...
Trong hai tháng đầu năm, Việt Nam nhập siêu từ Trung Quốc ước đạt 12,8 tỉ Mỹ kim, tăng 98,2% so với cùng kỳ năm trước; nhập siêu từ Nam Hàn ước đạt 3,7 tỉ Mỹ kim, giảm 4,3% so với cùng kỳ năm trước; nhập siêu từ ASEAN ước đạt 1 tỉ Mỹ kim, giảm 21,9% so với cùng kỳ năm trước.
Xuất Cảng Gạo của Việt Nam Năm Nay Dự Kiến Giảm Xuống Mức 6,5 Đến 7 Triệu Tấn
(Ảnh: Công nhân đang chất gạo vào nhà máy xay xát ở Cần Thơ.)
-Thông tấn xã Reuters loan tin ngày 7/3/2024 - dẫn nguồn từ Hiệp hội Lương thực Việt Nam - ước tính số liệu dự kiến xuất cảng gạo của Việt Nam năm 2024 sẽ giảm xuống mức từ 6,6 đến 7 triệu tấn so với mức kỷ lục 8,1 triệu tấn trong năm 2023.
Tính đến trung tuần tháng 2/2024, xuất cảng gạo của Việt Nam tăng hơn 14% so với cùng kỳ năm 2023 với 663.000 tấn. Hiện nhu cầu gạo của các nước như Nam Dương, Phi Luật Tân, Mã Lai Á, Trung Quốc và Phi Châu đều tăng do hiện tượng El Nino được dự báo sẽ kéo dài đến giữa năm 2024.
Hiện khu vực Đồng bằng Sông Cửu Long, vựa lúa của Việt Nam, đang phải hứng chịu đợt khô hạn kéo dài có khả năng tác động đến tình trạng sản xuất lúa gạo.
Ngoài ra, giá lúa gạo từ đầu năm 2024 đến nay được cho biết liên tục giảm; mức giảm đến khoảng 90Mỹ kim/tấn. Hiện, gạo loại 5% tấm của Việt Nam giao dịch ở mức 574 Mỹ kim/tấn, thấp hơn gạo Thái Lan 39 Mỹ kim/tấn và Ấn Độ 13 Mỹ kim/tấn. Trong khi đó, gạo loại 25% tấm giao dịch khoảng 570 Mỹ kim/tấn, thấp hơn gạo Thái Lan 7 Mỹ kim/tấn.
Việt Nam, nước xuất cảng gạo lớn thứ ba thế giới sau Ấn Độ và Thái Lan, vừa qua cũng cho biết có kế hoạch cắt giảm dần lượng gạo xuất cảng để tập trung vào sản phẩm có chất lượng, giá cao vào khi vừa thích ứng với tình trạng biến đổi khí hậu và bảo đảm an ninh lương thực nội địa.
Cụ thể vào năm 2023 Việt Nam thông báo kế hoạch cắt giảm lượng gạo xuất cảng hằng năm xuống còn chừng 4 triệu tấn vào thời điểm 2030.
Cựu Giám Đốc Bệnh Viện Thủ Đức và Thuộc Cấp Bị Truy Tố Thêm Tội Do Dính Líu Kit Test COVID-19 Việt Á
(Hình: Cựu Giám đốc Bệnh viện Thủ Đức, ông Nguyễn Minh Quân, tại phiên tòa sáng 1/12/2023.)
-Cựu Giám đốc Bệnh viện Thủ Đức Nguyễn Minh Quân, cựu Phó Giám đốc Nguyễn Lan Anh và một số viên chức dưới quyền bị Viện Kiểm sát Nhân dân Tp. HCM truy tố thêm tội “vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng” trong quá trình đấu thầu mua kit xét nghiệm của Công ty Việt Á.
Cáo trạng nêu rõ ông Lê Trung Nguyên, nhân viên kinh doanh Công ty Việt Á, khi biết được nhu cầu mua vật tư, kit xét nghiệm COVID-19 tại Bệnh viện Thủ Đức đã giới thiệu bạn là Phạm Vũ Phong bán sản phẩm do Việt Á sản xuất qua Công ty Nam Phong.
Giám đốc Nguyễn Minh Quân ký các quyết định phê duyệt lựa chọn nhà thầu là Công ty Việt Á và Công ty Nam Phong mà không qua khâu thẩm định dẫn đến thiệt hại cho Bệnh viện Thủ Đức gần 15 tỉ đồng. Phó Giám đốc Nguyễn Lan Anh ký hợp đồng với Công ty Nam Phong gây thiệt hại cho Bệnh viện Thủ Đức hơn 3 tỉ đồng, giúp cho Công ty Nam Phong hưởng lợi gần 2 tỉ đồng.
Ông Phạm Vũ Phong chi gần 1 tỉ đồng thông qua ông Lê Trung Nguyên để thông thầu.
Bà Trương Bảo Trân nhận của ông Phạm Vũ Phong gần 1 tỉ để soạn thảo, hoàn thiện thủ tục mua kit xét nghiệm do Việt Á làm ra từ Công ty Nam Phong.
Bà Mai Lệ Quyên, Trưởng khoa Vi sinh, lựa chọn sản phẩm kit xét nghiệm của Công ty Việt Á và được Lê Trung Nguyên “bồi dưỡng” 100 triệu đồng.
Vào ngày 24/1 vừa qua, Cơ quan cảnh sát điều tra Công an Tp. HCM đề nghị truy tố cựu Giám đốc Bệnh viện thành phố Thủ Đức Nguyễn Minh Quân trong việc mua kit xét nghiệm của Công ty Việt Á.
Vào tháng 12/2023, Tòa án Nhân dân Tp. HCM đã xét xử Sơ thẩm vụ án vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng; tham ô tài sản, rửa tiền xảy ra tại Bệnh viện Thủ Đức và các đơn vị liên quan và tuyên phạt cựu Giám đốc Nguyễn Minh Quân 21 năm tù về tội tham ô tài sản và rửa tiền. Cựu Phó Giám đốc bệnh viện Nguyễn Lan Anh 3 năm 6 tháng tù về tội vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng.
Cựu Chủ Tịch Ủy Ban Nhân Dân Tỉnh Quảng Ngãi và Chủ Tịch Ủy Ban Nhân Dân Bị Bắt
(Hình: Ông Cao Khoa (trái) và Đặng Văn Minh.)
-Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Quảng Ngãi - Đặng Văn Minh và cựu Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh này - Cao Khoa bị khởi tố và bị bắt giam theo cáo buộc “nhận hối lộ”. Ông Cao Khoa bị khởi tố và bị bắt giam ngày 7/3; sang ngày 8/3/2024, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Đặng Văn Minh bị bắt.
Cục Cảnh sát Điều tra Tội phạm về Tham nhũng, Kinh tế,Buôn lậu (C03) thuộc Bộ Công an CSVN ngày 7/3 ra những quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can và bắt tạm giam đối với ông Cao Khoa như vừa nêu theo Điều 354 Bộ Luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi năm 2017). Những quyết định của C03 đã được Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao phê chuẩn.
Sang trưa ngày 8/3, truyền thông nhà nước loan tin, tại khu vực nhà ông Cao Khoa ở đường Lê Hồng Phong, thành phố Quảng Ngãi, xuất hiện nhiều xe công vụ mang biển xanh cùng công an. Một số cán Bộ Công an được ghi nhận đi vào bên trong tư gia ông Cao Khoa.
Ông Cao Khoa sinh năm 1954 từng giữ các chức vụ Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Quảng Ngãi, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Quảng Ngãi Khóa XI, nhiệm kỳ 2011-2016. Vào ngày 22/7/2014 ông này bị miễn nhiệm chức Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Quảng Ngãi và được nghỉ hưu theo chế độ.
Vào ngày 25/2 vừa qua, CO3 gửi công văn cho Ủy ban Nhân dân tỉnh Quảng Ngãi đề nghị cung cấp và chỉ đạo các đơn vị trực thuộc cung cấp các thông tin, hồ sơ, tài liệu liên quan quá trình phê duyệt chủ trương đầu tư; lựa chọn nhà đầu tư; thực hiện đầu tư, xây dựng, kê khai, thực hiện nghĩa vụ thuế, thanh tra, kiểm tra… các dự án, công trình do Công ty Cổ phần Tập đoàn Phúc Sơn và các công ty thành viên làm chủ đầu tư, thi công trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi.
Chủ tịch Hội đồng Quản trị Công ty Cổ phần Tập đoàn Phúc Sơn, ông Nguyễn Văn Hậu, vào ngày 26/2 bị bắt giam theo cáo buộc tội “vi phạm quy định về kế toán gây hậu quả nghiêm trọng”.
Bí Thư và Chủ Tịch Tỉnh Vĩnh Phúc Bị Bắt Vì “Nhận Hối Lộ”
(Hình: Bí thư tỉnh Vĩnh Phúc, bà Hoàng Thị Thúy Lan (trái) và Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Lê Duy Thành.)
-Vào ngày 8/3/2024, Bí thư tỉnh Vĩnh Phúc, bà Hoàng Thị Thúy Lan và Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh, ông Lê Duy Thành bị bắt về tội “nhận hối lộ”.
Cơ quan Cảnh sát Điều tra thuộc Bộ Công an CSVN cho biết vào ngày 7/3 quyết định khởi tố bị can, bắt tạm giam đối với hai viên chức tỉnh Vĩnh Phúc vừa nêu và một số người khác.
Các biện pháp được tiến hành từ việc mở rộng điều tra vụ án “vi phạm quy định về kế toán gây hậu quả nghiêm trọng” do ông Nguyễn Văn Hậu và đồng phạm thực hiện xảy ra tại Công ty Cổ phần Tập đoàn Phúc Sơn (Tập đoàn Phúc Sơn), Công ty Cổ phần Đầu tư Thương mại và Bất động sản Thăng Long và các đơn vị liên quan.
Theo lời khai của ông Nguyễn Văn Hậu, người bị bắt hồi tháng Hai vừa qua, và những người liên quan cùng tài liệu có được Cơ quan Cảnh sát Điều tra thuộc Bộ Công an quyết định khởi tố bổ sung vụ án về các tội “nhận hối lộ”, “vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng”, “lợi dụng ảnh hưởng đối với người có chức vụ quyền hạn để trục lợi” xảy ra tại các tỉnh Vĩnh Phúc, Quảng Ngãi, Vĩnh Long và các đơn vị có liên quan.
Ngoài bà Hoàng Thị Thúy Lan và ông Lê Duy Thành, những người còn lại gồm các ông Hà Hoàng Việt Phương - Trưởng ban Quản lý Khu kinh tế Dung Quất và các Khu công nghiệp, nguyên Phó Giám đốc Sở Giao thông-Vận tải; Phạm Ngọc Thủy - Phó Giám đốc Sở Giao thông-Vận tải, nguyên Trưởng phòng Kỹ thuật & Chất lượng Sở Giao thông-Vận tải; ông Lê Quốc Đạt - Giám đốc Ban quản lý dự án Đầu tư xây dựng các công trình giao thông, nguyên Trưởng phòng Quản lý Đầu tư Sở Giao thông-Vận tải tỉnh Quảng Ngài và ông Phạm Ngọc Cương, Phó tổng Giám đốc Tập đoàn Phúc Sơn. Những người này cùng bị khởi tố về tội “Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng” quy định tại khoản 3, Điều 222 Bộ luật Hình sự; ông Đặng Trung Hoành- Chánh Văn phòng Huyện ủy huyện Mang Thít (tỉnh Vĩnh Long) bị khởi tố về tội “Lợi dụng ảnh hưởng đối với người có chức vụ, quyền hạn để trục lợi”, quy định tại khoản 3 Điều 366 Bộ luật Hình sự.
Thêm 4 Người Bị Đề Nghị Truy Tố Tại Trung Tâm Đăng Kiểm 60-04D ở Đồng Nai
(Hình: Trung tâm Đăng kiểm Xe Cơ giới 60-04D ở phường Tân Biên, thành phố Biên Hòa.)
-Cơ quan Cảnh sát Điều tra thuộc Công an tỉnh Đồng Nai đề nghị truy tố thêm 4 người trong vụ án tại Trung tâm Đăng kiểm Xe cơ giới 60-04D, sau khi có kết luận điều tra bổ sung.
Truyền thông nhà nước loan tin ngày 8/3/2024, nêu rõ 4 người bị đề nghị truy tố thêm gồm các ông Nguyễn Quyết Nghĩa (nhân viên Trung tâm đăng kiểm 60-04D), Nguyễn Minh Thông và Trương Vĩnh Phát (hai đối tượng “cò” đăng kiểm) về tội “Nhận hối lộ” và Nguyễn Duy Khang (nhân viên Công ty trách nhiệm hữu hạn vận tải Hà Nguyễn) về tội “Đưa hối lộ”.
Hồi ngày 12/12/2023, Công an tỉnh Đồng Nai ban hành kết luận điều tra đề nghị truy tố 11 người về tội “đưa hối lộ” và “nhận hối lộ” tại Trung tâm Đăng kiểm Xe Cơ giới 60-04D ở phường Tân Biên, thành phố Biên Hòa.
Theo kết luận điều tra mà Công an Đồng Nai cho truyền thông nhà nước biết, ba lãnh đạo gồm cựu Giám đốc Lương Minh Tú và hai cựu Phó Giám đốc Lê Sơn Tuyền, Trần Đức Duy bị đề nghị truy tố tội “Nhận hối lộ”.
Sáu cựu nhân viên khác Trung tâm Đăng kiểm Xe Cơ giới 60-04D cùng bị truy tố tội danh này.
Hai người bị đề nghị truy tố tội “Đưa hối lộ” gồm ông Võ Chí Giang- cựu nhân viên Trung tâm dạy nghề lái xe Sài Gòn; và ông Lê Tín Trung- cựu Giám đốc Công ty trách nhiệm hữu hạn Một thành viên Thương mại Dịch vụ Vận tải Vũ Khang.
Kết luận điều tra cho thấy các cựu lãnh đạo và nhân viên Trung tâm Đăng kiểm Xe Cơ giới 60-04D nhận tiền từ các chủ xe đến trung tâm làm đăng kiểm rồi bỏ qua những lỗi kiểm định không đạt tiêu chuẩn an tòan kỹ thuật và bảo vệ môi trường.
Tổng số tiền nhận từ các chủ xe trong năm 2022 là hơn 1,8 tỉ đồng.
Riêng 2 ông Võ Chí Giang và Lê Trung Tín bị kết luận đưa hối lộ do chuyển cho đăng kiểm viên Lê Văn Lộc tiền để bỏ qua các lỗi khi đăng kiểm xe.
Trung tâm Đăng kiểm Xe Cơ giới 60-04D bị lực lượng chức năng tỉnh Đồng Nai ập vào khám xét hồi ngày 10/1/2023 sau khi có nghi vấn về nhận hối lộ và đưa hối lộ để bỏ qua lỗi khi xe đến đăng kiểm.
Ban Cán Sự Đảng Bộ Bộ Lao Động-Thương Binh và Xã Hội Phải Chịu Kỷ Luật Vì Liên Quan AIC
(Hình: Chủ tịch AIC đang bỏ trốn Nguyễn Thị Thanh Nhàn.)
-Tại cuộc họp kỳ thứ 37 diễn ra từ ngày 6/3 đến 8/3/2024, Ủy ban Kiểm tra Trung ương đảng Cộng sản Việt Nam yêu cầu Ban cán sự đảng Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội kiểm điểm, xem xét trách nhiệm, xử phạt kỷ luật các đảng viên có vi phạm liên quan đến Công ty Cổ phần Tiến bộ Quốc tế (AIC) của Chủ tịch đang bỏ trốn Nguyễn Thị Thanh Nhàn.
Ủy ban này kết luận rằng Ban cán sự đảng Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội đã vi phạm nguyên tắc tập trung, quy chế làm việc; thiếu trách nhiệm, buông lỏng lãnh đạo, chỉ đạo để Bộ này và một số tổ chức, cá nhân vi phạm nghiêm trọng quy định của đảng, pháp luật của Nhà nước trong tham mưu, thực hiện cơ chế, chính sách về lĩnh vực đào tạo dạy nghề; trong thực hiện các gói thầu do Công ty Cổ phần Tiến bộ Quốc tế (AIC) và các doanh nghiệp trong hệ sinh thái AIC thực hiện.
Trách nhiệm đối với những vi phạm vừa nêu bị Ủy ban Kiểm tra Trung ương quy cho Ban cán sự đảng Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội các nhiệm kỳ 2011-2016, 2016-2021 và các ông, bà: Đào Ngọc Dung, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Ban cán sự đảng, Bộ trưởng; Phạm Thị Hải Chuyền, nguyên Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Ban cán sự đảng, Bộ trưởng; các nguyên Ủy viên Ban cán sự đảng, Thứ trưởng: Nguyễn Ngọc Phi, Huỳnh Văn Tí, Doãn Mậu Diệp, Lê Quân; ông Nguyễn Tiến Dũng, nguyên Tổng Cục trưởng Tổng cục Dạy nghề; các nguyên Bí thư Đảng ủy, Tổng Cục trưởng Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp: Dương Đức Lân, Nguyễn Hồng Minh; ông Trương Anh Dũng, Bí thư Đảng ủy, Tổng Cục trưởng Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp; Phạm Quang Phụng, Bí thư Chi bộ, Vụ trưởng Vụ Kế hoạch Tài chánh, Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội.
Liên quan đến những vi phạm nêu trên còn có trách nhiệm của một số tổ chức đảng, đảng viên khác.
Cũng tại cuộc họp Kỳ thứ 37, Ủy ban Kiểm tra Trung ương đề nghị Ban Bí thư đảng Cộng sản Việt Nam xem xét thi hành kỷ luật đối với các ông Phạm Đình Cự-nguyên Phó Bí thư Tỉnh ủy, Bí thư ban cán sự đảng, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Phú Yên; ông Nguyễn Tư Sơn - nguyên Tỉnh ủy viên, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Gia Lai; ông Nguyễn Thế Bình, Tỉnh ủy viên, Bí thư Đảng ủy, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Hà Giang vì họ đã suy thoái tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống.
Các trường hợp này còn bị cho vi phạm quy định những điều đảng viên không được làm và trách nhiệm nêu gương, vi phạm quy định của đảng Cộng sản, pháp luật của Nhà nước trong thực hiện chức trách, nhiệm vụ được giao, gây hậu quả rất nghiêm trọng, dư luận bất bình, ảnh hưởng xấu đến uy tín của tổ chức đảng và cơ quan quản lý nhà nước địa phương.
Cảng Cá Xây Bằng Tiền Formosa Bồi Thường Chậm Tiến Độ
(Hình: Cảng cá này là một trong 4 dự án tại Hà Tĩnh mà Chính phủ Hà Nội quyết định cho xây dựng với tổng mức đầu tư 400 tỉ đồng.)
-Dự án Cảng cá Cửa Nhượng được xây dựng với khoản tiền bồi thường gây hải sản chết hàng loạt của Formosa hồi năm 2016 mới vừa được khai triển xây dựng hồi tháng 1/2024 và đến cuối năm nay mới hoàn thành.
Truyền thông nhà nước loan tin ngày 7/3 cho biết dự án Cảng cá Cửa Nhượng tại Hà Tĩnh với kinh phí 280 tỉ đồng do Formosa bồi thường đến cuối năm nay mới có thể hoàn thành.
Đây là một trong 4 dự án tại Hà Tĩnh mà Chính phủ Hà Nội quyết định cho xây dựng với tổng mức đầu tư 400 tỉ đồng trích từ khoản do Formosa bồi thường sau thảm họa môi trường mà nhà máy của Công ty trách nhiệm hữu hạn Gang Thép Hưng Nghiệp Formosa gây nên cho 4 tỉnh miền Trung Việt Nam từ Hà Tĩnh đến Thừa Thiên- Huế.
Đó là các dự án đầu tư xây dựng cảng cá Cửa Nhượng (huyện Cẩm Xuyên) với mức đầu tư 280 tỉ đồng; nạo vét và chỉnh trị tuyến luồng, cửa vào khu neo đậu tránh trú bão Cửa Hội - Xuân Phổ (Nghi Xuân) 20 tỉ đồng; đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng dịch vụ hậu cần nghề cá tại khu neo đậu tránh trú bão Cửa Khẩu - Kỳ Hà (thị xã Kỳ Anh) 40 tỉ đồng và dự án đầu tư xây dựng mở rộng cảng cá Thạch Kim (Lộc Hà) trị giá 60 tỉ đồng.
Bốn dự án được thực hiện với mục đích được cho biết nhằm nâng cấp cơ sở hạ tầng dịch vụ, hậu cần nghề cá cho cộng đồng ngư dân ven biển trong nỗ lực khôi phục, phát triển sản xuất thủy hải sản.
Cả bốn dự án theo kế hoạch đến cuối năm 2020 phải hoàn thành, bàn giao đưa vào sử dụng.
Thế nhưng đến nay chỉ có dự án khu neo đậu trú bão Cửa Khẩu Kỳ Hà hoàn tất đưa vào sử dụng, ba dự án còn lại đều chậm tiến độ.
Phương Án Giải Quyết Công Ty Công Nghiệp Tàu Thủy Dung Quất Sẽ Trình Bộ Chính Trị Vào Quý II/2024
(Hình: Đề án tái cơ cấu Công ty Công nghiệp Tàu thủy Dung Quất (DQS) sẽ được trình Bộ Chính trị đảng CSVN vào quý II năm nay.)
-Đề án tái cơ cấu Công ty Công nghiệp Tàu thủy Dung Quất (DQS) sẽ được trình Bộ Chính trị đảng Cộng sản Việt Nam vào quý II năm nay.
Vào ngày 7/3/2024, truyền thông nhà nước dẫn thông báo vừa nêu của Phó Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ, bà Mai Thị Thu Vân, tại cuộc họp Ban Chỉ đạo Giải quyết các tồn tại, yếu kém của một số dự án, doanh nghiệp chậm tiến độ, kém hiệu quả thuộc ngành Công thương cho ý kiến đối với phương án giải quyết DQS.
Phó Thủ tướng Lê Minh Khái, người chủ trì cuộc họp yêu cầu Ủy ban Quản lý Vốn Nhà nước tại Doanh nghiệp nghiên cứu đầy đủ các ý kiến liên quan DQS để báo cáo Thường trực Chính phủ chậm nhất vào ngày 25/3.
Ủy ban Quản lý Vốn Nhà nước tại Doanh nghiệp cho biết công tác xây dựng phương án giải quyết DQS kéo dài đã 10 năm, qua 3 nhiệm kỳ Ban Chỉ đạo.
DQS là một trong 12 dự án của ngành Công thương nợ hơn 63.000 tỉ đồng.
Mười một dự án kia gồm Dự án nhà máy sản xuất đạm Ninh Bình, Dự án cải tạo, mở rộng nhà máy sản xuất đạm Hà Bắc, Dự án nhà máy sản xuất phân bón DAP số 1 - Hải Phòng, Dự án nhà máy sản xuất phân bón DAP số 2 - Lào Cai, Dự án nhà máy sản xuất nhiên liệu sinh học Quảng Ngãi, Dự án nhà máy sản xuất nhiên liệu sinh học Phú Thọ, Dự án nhà máy sản xuất nhiên liệu sinh học Bình Phước, Dự án mở rộng sản xuất giai đoạn 2 nhà máy gang thép Thái Nguyên, Dự án khai thác và tuyển quặng sắt mỏ Quý Xa và Dự án nhà máy gang thép Lào Cai (Dự án Nhà máy thép Việt Trung), Dự án nhà máy sản xuất xơ sợi polyester Đình Vũ, Dự án nhà máy bột giấy Phương Nam.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét