Bỏ nước ra đi
Sống đời lưu vong,
Phận mình nào có sá gì,
Thương người ở lại cu ky ôm sầu.
(Thiên ca bốn, Lê Phùng Xuân)
Khi Xuân trở về, cơn mưa đã dứt hột. Con đường trở nên lầy lội hơn. Bùn trền trệt như đám trái lười ươi bị mắc mưa. Chàng bước đi nặng nề. Hai chơn bang bang như đi hàng hai cho đỡ bị trợt té. Rút cuộc chàng cũng cà lê cà lết về tới lều. Hậu cứ tiểu đoàn nhỏ xíu. Hổng có trại gia binh. Các đại đội không có chỗ trú quân. Họ chia nhau từng khu trong vườn cây cà phê, sầu riêng, mít của dân chúng quanh Xuân Lộc. Vành đai ấp chiến lược vẫn còn, nên đóng quân bên trong rất an toàn.
<!>
Họ căn lều lụp xà lụp xụp dưới những tàng cây, che mưa che nắng. Độc thân chỉ cần một cái poncho và một cái võng là đủ. Những người lính có vợ phải che thêm những tấm ni lông cho rộng ra. Những ngày nắng ráo, hai vợ chồng nằm dưới đất. Những hôm mưa, họ treo võng kè kè sát bên nhau trong cái lều chật hẹp.
Bùn đỏ bám đầy đôi giày. Xuân lấy một khúc cây nhỏ gạt bớt đất đỏ. Chàng ngồi trên võng, chật vật tháo đôi giày ra mà không để tay dính bùn. Cái radio ấp chiến lược màu xanh vang lên tiếng hát buồn trong lúc mưa gió như thế nầy. Mừng luôn luôn bắt đài Quân Đội từ 7 giờ đến 9 giờ tối. Nó mê giọng êm thủ thỉ của cô Dạ Lan. Gần sáng, là gia đình Bác Tám của đài khác. Còn lại là radio ra rả suốt ngày. Xuân nghe riết phát chán.
- Hao pin lắm. Sao hông tắt Mừng?
- Tui xin pin tép của thằng Hòa. Đâu có hao, thẩm quyền.
Mừng không biết cách ghép. Lúc thì hai tép, lúc thì ba tép, làm cho cái radio kêu rè rè. Chắc nó bỏ đi đâu rồi.
- Cô Mận! Tắt radio đi. Cô vừa ca mà để máy như vậy ai mà nghe được.
- Trung Úy tắt đi. Tui làm biếng đứng dậy quá hà!
Phùng Xuân đi đến chỗ Mừng. Chàng tắt radio cho bớt ồn. Nghe cổ ca ơ ơ theo cái võng lắc lư, đong đưa còn đỡ buồn hơn.
- Mừng! Có phải em gái của mầy thiệt hông hay là bồ bịch đó mậy?
- Dạ, em tui thiệt mà Trung Úy!
- Sao cổ hông ở nhà mà đi theo mầy làm gì?
- Gia đình có hai anh em. Mùa nầy ở quê hổng có việc làm. Nó nhớ tui. Nó buồn nó lên thăm tui. Hổm rày, tui kêu nó đi dìa đi mà nó chưa chịu dìa. Hổng biết mắc chứng gì mà nó khoái ở đây hoài. Nó nói lúc rày ở dưới quê chưa có việc, chờ gần Tết, lúa chín. Lúc đó họ mới kêu công gặt.
Cô Mận còn trẻ, khoảng dưới đôi mươi, bới tóc đuôi gà theo kiểu con gái miệt vườn. Má bầu trắng, tròn trỉnh xinh xắn, có duyên con gái. Cổ vui tươi và nói tía lia khi kể chuyện nhà quê. Khi nào tới bữa cơm, là cổ cũng có chuyện để nói.
Hàng ngày Mừng nấu cơm cho Xuân và em nó. 3 người ăn cơm chung. Xì xà xì xụp cho qua bữa: canh rau, cá khô, rau canh, khô cá, mì gói, gói mì! Cô Mận múm mím cười, hơi ló hai cái răng nanh khi nghe Xuân nói như thế. Ăn xong, việc của cổ là rửa ba cái gà mên, treo lên đầu võng. Rồi cổ nằm võng đong đưa qua lại, tiếp tục ca nữa. Mỗi lần ư, ư là gân cổ rung lên như gà giò mới biết gáy.
- Ca hoài sao cô Mận? Hổng chán à?
- Tui đâu biết ca tân nhạc. Mà Trung Úy có mê vọng cổ hôn? Tân cổ giao duyên cũng hay lắm à nghen!
- Ơ…ơ… Cũng biết thưởng thức chút chút.Tui nhớ hồi khoảng năm 1958 hay 1959 gì đó, tui có đến rạp hát một lần. Cái rạp đó ở đâu trên đường Nguyễn Trải. Tên là Thủ Đô thì phải.
- Để làm gì?
- Thì để xem hát chớ làm gì. Thằng bạn học có người quen trong đó. Nó dẫn vô hổng có tốn tiền. Bữa đó, tui hông nhớ gánh hát tuồng tích gì, nhưng tui hổng quên được cô đào Bích Sơn và kép Hoàng Giang. Họ diễn hay lắm. Khán giả vỗ tay muốn bể rạp luôn. Cô Bích Sơn, người Bắc, còn kẹp tóc, mà ca cải lương mùi lắm. Tiếng nói kép Hoàng Giang cũng rổn rảng. Tụi tui ở trong cánh gà thấy đủ thứ hết trơn. Xong tuồng, hạ màn. Cô đào Bích Sơn và kép Hoàng Giang lên xe hơi về nhà. Sân khấu ngổn ngang. Họ lo dọn dẹp mọi thứ. Chừng đó, cũng đã gần 2 giờ sáng rồi mà họ có ngủ đâu! Tui thấy họ tụm ba tụm năm chia nhau đánh bài. Nào cát tê, bài cào, xập xám, phé. Ối thôi, tùm lum. Tiếng cãi cọ vang rền. Đã đời, họ lăn đại ra ngủ trên sàn. Trời nóng, nam trần trùi trụi, ngáy khò khò. Nữ, quần vén lên cao, áo tốc lòi ngực ra, ngủ say như chết. Gần trưa hôm sau họ mới dậy, rồi quây quần quanh chiếc bàn hình chữ nhựt ăn cơm với chỉ độc nhứt có món mắm chưng hột vịt và những tô rau trộn đủ thứ.
- Cái đó là Trung Úy coi cải lương. Nhưng mà trong cải lương cũng có ca vọng cổ.
- Tui đâu phân biệt được.
- Vọng cổ là một bài hát có 32 nhịp, như hổm rày tui ca cho Trung úy nghe đó. Mùi lắm à nhen! À, mà rồi, Trung Úy có ăn hôn?
- Có. Tụi tui cũng xáp vô ăn luôn. Tui thấy đào chánh, kép chánh họ sung sướng. Chớ những người phụ coi bộ họ sống cũng chật vật lắm.
- Vậy là Trung Úy cũng mê mê vọng cổ rồi đó. Để hôm nào tui ra chợ kiếm mấy bài tân cổ giao duyên thiệt mùi, tui ca cho Trung Úy nghe chơi đỡ buồn.
Dưới võng của cô Mận có đủ thứ những cuốn tập nho nhỏ, chất cho một đống. Buổi sáng, cô đi chợ với anh cô. Hôm nào Xuân làm biếng, hoặc đường bùn lầy trơn trợt chàng không đi, Xuân nhờ cổ mua 1 tờ báo. Ở đơn vị chỉ có báo Tiền Tuyến. Đi chợ về, cô lo cơm nước. Ăn rồi, cô nằm ca ít bài. Xong, bỏ võng treo tòn teng ở đó, đi tới chỗ mấy bà vợ lính, nói chuyện ba hồi ba đổi, rồi đi rủ chị Hiền ra suối tắm.
Từ ngày anh Hiền chết đi, chị Hiền không chịu về quê, ở lại đây, sống cùng với đại đội. Chị đi chợ mua thức ăn nấu cho mấy người lính độc thân.Vì thế, chị cũng có cái ăn cái uống sống đắp đổi qua ngày. Mỗi người lính có 1 ca gạo (khoảng 600g) (1) mỗi ngày. Họ ăn không hết. Hai người là dư một phần cơm cho chị. Về quê làm gì? Quê chị đâu miệt Phan Rang, nghèo lắm.
Dòng suối nhỏ, ở cuối đầu sân bay, chảy xuyên qua vườn cà phê ông Đại Tướng Lê vănTỵ. Dòng suối nầy là nơi tắm giặt và cũng là nơi lấy nước ăn uống cho cả đại đội khi về trú quân ở Long Khánh. Hình như có giờ giấc và nơi ấn định sẵn đâu hổng biết. Đàn ông và đàn bà có khu riêng biệt. Đầu nguồn là nơi lấy nước để ăn uống. Chính giữa là nơi tắm giặt của đàn bà, trẻ con. Dưới cùng là của các ông. Vì không có nhà tắm, các bà và các cô thường mặc nguyên quần áo khi tắm. Có người bỏ áo, kéo quần lên tận ngực. Khi họ đến đó, trời còn nắng. Một đám người đang tắm và giặt quần áo. Thêm mấy đứa con nít đùa giỡn bắn nước tung tóe…
- Ê. Đừng vô chỗ lùm tre thay đồ nghe chị Hiền!
- Sao vậy?
- Chị hổng nghe hôm trước vợ Hạ sĩ Y Clip mang con ra suối đẻ rồi chui vào lùm tre đó bả vạt nang tre cắt rún cho con sao? Ý, thấy mà ghê!
- Tội nghiệp. Ông đó người Thượng, ở đâu trên miệt KonTum- PleiKu. Ổng đi lính lâu lắm rồi, trước anh Hiền của tui.
- Sao ổng hông chịu đem vợ vào nhà thương để đẻ?
- Mấy người Thượng họ theo tục lệ của họ. Họ hông đem vào nhà thương đâu. Đẻ xong họ còn đem con xuống suối tắm nữa cà.
Y Clip, hơi lớn tuổi, nói tiếng Việt lơ lớ, thật thà, ít trò chuyện với anh em trong đại đội. Ai có hỏi thì nó trả lời một vài tiếng, rồi mỉm cười. Hai vợ chồng chiếm một góc xa ở cuối bìa vườn, quây lá chuối chung quanh thành một căn lều nho nhỏ. Họ chứa đủ thứ: nồi niêu, xoong chảo, lon guigoz, thùng đạn đựng nước… Cô vợ ở trong đó, ít khi ra ngoài. Thậm chí khi đẻ con rồi, cô không bao giờ bồng con ra.
Anh chàng người miền núi nầy đi rừng rất giỏi, biết nhiều loại rau ăn được. Và đã nhiều lần đơn vị không tìm được suối, Xuân quá khát. Y Clip đã cắt dây chìu từng đoạn để lấy từng nắp bi đông nước cho Xuân uống.
- Chị Hiền! Chị có đem nước về hôn?
- Hông. Nhờ trời mưa, tui hứng được mấy thùng và 2,3 ống đạn. Chắc nấu cơm, rửa chén cũng được mấy bữa.
- Còn em phải đem 2 thùng. 3 người thì cần nhiều hơn. Anh hai em ảnh xài hao nước lắm.
- À! Mà còn cho ông Trung Úy. Ổng lấy nước tắm nữa chứ gì?
- Hông. Ổng lấy nước rửa chưn hông hè.
- Sao hổng lấy nước nhiều nhiều cho ổng tắm?
- Thôi đi bà. Ổng muốn tắm thì đi ra suối tắm chứ. Tui đâu có hầu ổng. Bà muốn gì vậy? Bộ bà cũng muốn hả? Ổng chưa có vợ đó nghen!
- Ê! Đừng gắp cá bỏ cho người khác nhen! Tui thấy có bữa, trước lều của ổng có một ống nước.
- Hôm nào anh hai em siêng, ảnh vác về cho ổng tắm đó bà! Tui hổng có siêng như vậy đâu!
Hai người vừa thay đồ vừa cười như nắc nẻ. Rồi họ ngắt nhéo, la chí chóe trong lùm cây cà phê. Chị Hiền thầm nghĩ. Coi vậy chớ con nhỏ nầy ghê lắm. Mấy hôm nay, chị thấy nó mắc võng gần ông Trung Úy hơn. Chị hỏi. Nó nói bà chủ vườn kêu đừng cột võng vô góc cà phê. Đung đua hoài, lông gốc, chết cây. Bây giờ nó xê lại gốc soài riêng càng sát ổng hơn. À, mà thấy nó diện hơn lúc trước: chảy đầu bẽ ba gọn ghẻ và mặc áo bà ba bông coi đẹp đẽ. Và nghe nó ca nhiều bài vọng cổ mùi lắm. Cái gì mà yêu anh lính chiến xa nhà….... Chị tủm tỉm cười.
- Bà cười cái gì đó bà? Ờ, mà chị Hiền? Sao chị hông lên phụ với bà Tư Thiệt bán có đỡ hơn hôn?
- Thằng Lưu Anh nó ở trên đó rồi. Nó đeo con Tươi như sam. Hơn nữa con nhỏ sắp đẻ rồi còn gì.
Lưu Anh là người Tàu Chợ Lớn, đi quân dịch đã 2 năm nay. Nó hiền từ, tháo vát, cao lớn, cũng khá đẹp trai. Không hiểu sao nó chiếm được cảm tình của bà Tư Thiệt. Chồng bà nầy đã chết trận hơn mấy năm nay. Bả không chịu về quê, bám theo đại đội mở cái quán nho nhỏ bán đủ thứ như gánh hàng xén. Lính đại đội làm biếng ra chợ, hơn nữa từ chỗ đóng quân cuốc bộ ra chợ cũng xa hơn 2 cây số nên thiếu chút đỉnh đến tiệm bả mua mau hơn. Đôi khi có những món như: mì ăn liền, rượu đế, khô mực nhậu lai rai… rất tiện lợi cho mấy anh chàng lính độc thân. Bả còn cho mua chịu, ghi sổ, đến kỳ lãnh lương thì trả lại.
Bà chỉ có độc một đứa con gái. Năm nay, cô bé cũng được khoảng 15 tuổi. Cô nầy có nước da trắng mượt mà, cặp mắt trong sáng và có nụ cười rất tươi. Cô có da có thịt, cao ráo hơn mẹ. Nhiều chàng lính độc thân cũng ngấm nghé. Bà mẹ, hơi lùn, ít khi cười, có lẽ vì bà hơi lé kim và một mắt bị cườm. Nhưng, bà rất lanh lợi và nói chuyện có duyên.
Từ khi về đại đội, chỉ mươi ngày sau là thằng Lưu Anh đi gánh nước, đi chợ chở nước đá, la de, rượu đế và các thứ lặt vặt... Lúc đó con bé Tươi mới có 13 tuổi. Mới đầu thằng Lưu Anh còn về võng nó ngủ. Nhưng sau đó, nó ở lì trên tiệm, không về lều, trừ khi nào có phiên cắt gác. Lần lần nó thay bà Tư cáng đáng mọi công việc. Và cuối cùng, cô bé Tươi có bầu lúc 14 tuổi. Trong đại đội, không ai nói gì vì bà Tư có thưa gởi gì đâu. Thằng Lưu Anh khôn, lăn chai bám riết rồi cũng được. Còn mấy thằng Bình, thằng Thiện cứ đứng vòng ngoài đưa mắt ngó thì được cơm cháo gì! Và con Tươi thản nhiên mang cái bụng bầu chang bang cặp kè đi chợ với thằng Lưu Anh bổ đồ hàng bữa…
Chiếc GMC chở trung đội vũ khí nặng sắp sửa chuyển bánh. Lưu Anh mang súng đứng dựa vào thành xe nhìn Tươi vừa ẳm con ra đứng trước cửa quán. Đứa con còn đỏ hỏn, chưa đầy tháng. Tiếng nói om sòm, tiếng la hét của những người lính khác vang lên gần như lấn át tiếng máy nổ của 4 xe nhà binh. Kẻ dặn vợ con, người dặn kẻ ở lại lo dùm công việc nầy, công việc nọ.
Đoàn xe chưa có lịnh di chuyển. Xuân và Chúc còn đứng dưới đất. Hai đứa đang nói chuyện:
- Cuối cùng rồi tao cũng gặp mầy.
- Tớ đâu có ngờ cậu ở Sư Đoàn nầy.
- Ờ! Cái Sư Đoàn có số 10 nầy làm cho ông Hoàng Tử lưng gù mới về khó chịu. Ổng tin dị đoan. Số 10 là bù. Thế là đổi thành 18. Chín nút là nhứt rồi. Hổng hiểu rồi đây 9 nút có ngon lành hay hông hay là chúng nít???
Đỗ Bá Chúc không thích đi sĩ quan. Nó không khai bằng cấp. Để khỏi bị động viên, nó lo nhảy trước. Nghỉ dạy, nó chạy chọt làm anh binh nhì phòng 2 của Tiểu khu Tây Ninh, tà tà ở văn phòng. Một ít sau, nó chán lính bàn giấy. Hơn nữa bị các sĩ quan và thượng sĩ ít học hơn nó đì nó. Nó nản. Nó đi lính biệt kích một thời gian. Cuối cùng, chàng ta bèn nộp đơn vào Thủ Đức. Ra trường với cái quai chảo, nó phân vân chưa biết chọn nơi nào. À! Cái Sư Đoàn 18 có số tốt, lại ở gần Sài Gòn. Thế là hắn về đây. Phùng Xuân cho nó về làm Trung đội trưởng Trung đội 3.
Hai đứa gặp nhau, bá vai chửi thề. Tổ cha mầy, sao lại ra tới đây! Họ kịp chưa nhậu 1 bi đông rượu đế nào. Có lịnh hành quân.
*****
Sông La Ngà là phụ lưu của sông Đồng Nai, bắt nguồn từ Di Linh. Khi đến bán bình nguyên Gia Rai, sông chảy ngoằn ngoèo, tạo nên những cái hồ bán nguyệt rất đẹp mắt từ những khúc đoạt giang. Đồng xanh bát ngát, trù phú. Thời Tổng Thống Ngô Đình Diệm đã có những khu trù mật Vỏ Xu, Vỏ Đắt dành cho những gia đình từ Trung Phần vào đây lập nghiệp. Nơi đây còn hoang dã. Có rất nhiều thú để săn bắn như nai, min... Voi đôi khi còn đi từng đàn. Cá dưới sông suối còn dẫy đầy. Gần quận Tánh Linh (tỉnh Bình Tuy), có Biển Lạc rộng khoảng 5km2, có rất nhiều loại cá...
Xuân rít một hơi dài điếu thuốc Ruby quân tiếp vụ lỏng le, rồi búng tàn ra xa. Đoàn xe bắt đầu đi về Tân Phong, qua Suối Cát. Đến ngã ba Ông Đồn, quẹo trái. Ngọn núi Chứa Chan cao chễm chệ nằm sát đường. Bụi đỏ tung mịt trời. Xe sau không nhìn thấy xe trước. Gia Ray kia rồi. Hậu cứ của Trung Đoàn 52 trên đồi Phượng Vĩ. Hàng năm Sư Đoàn hành quân về vùng nầy khoảng đầu năm, lúc mùa gặt sắp tới, để bảo vệ dân thu lúa, không cho VC về lấy.
Đại đội đóng quân cuối xã Vỏ Xu, sát những cánh đồng lúa đang ngã màu vàng. Chừng 2 hôm sau, gia đình binh sĩ lục đục kéo tới. Họ lại căng lều, làm thành những cái thum nho nhỏ trong những đám chuối. Xuân nhận thấy đó là điều vô cùng nguy hiểm, nhưng làm sao bây giờ. Tiền lương của họ không đủ để san ra làm đôi cho gia đình, bắt buộc họ phải sống như vậy.
- Chà! Sao mà nhiều đồ ăn quá vậy? Lại có mấy con cá chép nướng to tổ bố nữa.
- Bữa nay 30 rồi. Tất niên mà thẩm quyền hổng nhớ sao?
Thức ăn để một dọc dài trên những tàu lá chuối. Một góc tư nước đá, 3 kết lade con cọp lớn ngã nghiêng ở góc chuối. Mấy người vợ lính lên tiếng mời Phùng Xuân. Mọi người bắt đầu. Lai rai ba sợi, tán dóc qua lại. Tiếng nói, cười vang dội. Rồi đến độ ngà ngà, cụng ca cộp cộp. Anh em vui vẻ. Ở cuối đầu kia, các bà lâu lâu cũng thêm vài câu nói tiếu lâm làm buổi tiệc thêm hào hứng. Mận và chị Hiền cũng xúm xít cười nói huyên thiên với mấy bà vợ lính.
Các chàng lính nhà ta hơi mềm môi, bắt đầu gõ chén gõ đũa vô gà men, ca hát vang trời. Đám quỷ sứ đó bắt đầu nói trây. Và rồi thì là rượu nói “Má ơi! con muốn lấy anh thợ bào. Còm lưng ảnh đẩy cái nào cũng sâu. Má ơi! Con muốn lấy chồng. Con ơi! Mẹ cũng một lòng như con”...thì mấy bà la lên rần rần. Không hiểu mấy bà có thích không mà Phùng Xuân thấy mấy bả cũng phụ họa thêm. Tội nghiệp, họ bị chê như vậy mà họ cũng ráng lết ra tới ngoài nầy để vui vẻ cùng chồng 3 ngày Tết.
Xuân cảm thấy trong mỗi bàn tiệc nhậu của đám đàn ông lúc nào cũng nói đến chuyện trây trúa. Và bao giờ họ cũng lấy đề tài là mấy bà. Những chuyện tiếu lâm luôn luôn chê các bà thậm tệ, coi họ như con cái lúc nào cũng ham hố cái đó của con đực. Trong lúc đó, họ không bao giờ nghĩ là họ xấu xa hơn, đụng đâu là bốc hốt tới đó. Vậy mà mấy bà cũng vui vẻ phụ họa cùng cánh đàn ông.
Xuân ngồi xếp bằng dưới đất quá lâu. Chàng thấy ê hai chơn. Chàng duỗi dài chơn trái. Vô tình, chơn này xé rách một vài miếng lá chuối khô. Một chồng giấy báo cũ lộ ra. Phía trong chồng báo cũ là một mớ giấy tờ lộn xộn. Chàng đưa mắt liếc coi. Có những thiệp đám cưới. “Sao thiệp báo tin đám cưới Yvette có ở đây? Lại có đến hai ba cái?”
Phùng Xuân cầm lên một cái thiệp in rất trang nhã. Xuân lẩm nhẩm đọc. Đầu óc chàng quay cuồng:
- Ai có mớ nhựt trình cũ nầy đây?
- Dạ. Của em Trung Úy.
- Làm sao chị có được những thiệp báo tin đám cưới nầy?
- Dạ. Nhà em vựa ve chai. Chắc mấy người mua lẻ họ đem đến. Có gì hông, Trung Úy?
Xuân không trả lời. Chàng ngồi im, ngồi im thật lâu, không biết đến bao lâu. Cho đến khi Chúc nhắc đến phiên Xuân phải uống. Chàng cầm ca lên, thò vào nón sắt múc cho thật đầy rồi đưa lên ực mạnh một hơi hết sạch. Chúc quay nhìn Xuân. Không dè mới hơn năm nay thôi mà Xuân thay đổi nhanh chóng. Thời thầy giáo hiền lành đạo mạo ở Tây Ninh đã qua rồi? Nó liếc một lần nữa. Có gì vậy Xuân? Có gì cậu thay đổi dữ vậy?Đâu có lẽ là đời lính tráng làm cậu khoác một cái áo khác?
Sanh xách 2 xị đế về. Chỉ quay 1 vòng là muốn hết. Riêng phần Xuân uống hơn nửa xị. Rồi lại thêm 2 xị nữa. Nhóm người ăn uống lần lần bớt đi. Chỉ còn lại Xuân, Thiếu Úy Thanh, Chúc. Cuối cùng là đế pha xá xị không đá, đầy một nón sắt. Thiếu Úy Thanh e dè hơn, uống cầm chừng. Ông Thượng sĩ Danh Sơn, lúc đầu thì tố dữ lắm, bây giờ lẳng lặng rút lui đâu mất tiêu.
- Thanh! Mầy uống ít. Tối nay coi chừng đại đội dùm tao. Trung đội Nghĩa trực đêm nay, dặn Nghĩa cẩn thận mấy toán tiền đồn.
- Bây giờ cũng sắp giao thừa rồi. Sau giao thừa thì hưu chiến đó, Trung Úy.
- Tin VC là bán lúa giống.Nó phản thùng. Nó đột kích thì mình chết mẹ hết.
Nhưng rồi Xuân quay mặt qua bên, ụa lên một cái. Một vòi rồng nước đục đồ ăn lẫn rượu bắn tràn qua sau. Sau đó, là thêm hai ba hơi rồi chàng gục đầu xuống. Không có một tiếng nói. Cõi không vắng lặng. Đầu óc quay cuồng. Thời gian ở đâu? Không gian ở đâu? Đêm đã khuya. Xuân mơ màng nghe văng vẳng Yvette! Yvette!... Hình như có tiếng trách móc thì thầm bên tai:
- Uống gì mà uống dữ vậy hôn hè? Cho chó ăn chè. Í ẹ! Chua lè chua lét! Tanh ói! Dơ quần dơ áo hết chơn hết chọi!
Một cái khăn ướt đắp lên mặt Xuân, xoa xoa nhiều lần. Mát rười rượi. Đôi bàn tay mềm mại lật nghiêng Xuân qua lại, cổi áo dính đầy đồ ăn và rượu. Và rồi, từ từ tháo đôi giày ra. Và rồi, cái quần dài…
- Chèng đét ơi! Sao mà …………………………
*******
Mái tóc dài ngào ngạt mùi lúa thơm phủ trùm lên mặt Xuân. Và hai tay mềm dịu trở nên cứng rắn nắm tóc chàng cà nghịt, cà nghịt như muốn bứt ra từng sợi... Yvette! Yvette!
Đêm 30 Tết. Trời tối như bưng. Giao thừa đã qua. Gà gáy canh hai…
Phùng Xuân mở bừng mắt ra. Trời đã bửng sáng. Đầu óc còn quay mòng mòng. Chàng nằm im một lúc. Xong ráng chống hai tay ngồi dậy. Chàng ngó qua ngó lại. Im lặng. Cái gì đã xảy ra đêm hôm qua? Thiệp báo tin mừng của Yvette. Uống rượu. Uống thật nhiều la de. Rồi đế. Đế pha xá xị.... Mữa... Mữa... Mữa tới mật xanh luôn. Say không còn biết trời trăng... Bộ quần áo dính đầy đồ ói tanh nằm kia. Ai đã thay chúng? Ai đã làm gì mình đêm qua? Da thịt Xuân còn ướt rít trịt. Ai? Ai? Xuân vụt đứng dậy. Chàng ngó quanh quất. Vắng teo. Đại đội đi đâu? Lều võng còn kia mà!..
Mừng chợt hiện ra, nhìn chàng. Nó cười cười:
- Đêm qua thẩm quyền say quá. Uống dữ à nhen. Hết lade rồi đế.
- Tôi uống nhiều lắm hả? Ủa! Sao ở đây im lặng quá vậy?
- Anh em trong nhà dân chúng đang hô "dô dô", vui vẻ ăn Tết. Bữa nay mùng 1 mà Trung Úy.
- Đêm qua hổng có gì hả? Thằng Lanh có trực máy hay bỏ đi đâu rồi. Thiếu Úy Thanh có cắt 1 trung đội ứng chiến hôn?
Chàng đứng lên, vươn vai, bẻ người qua lại cho tỉnh táo. Xong xuôi đâu đó, chàng đi một vòng xem lại nơi đóng quân. Đám nầy tụm ba tụm bảy đang cười nói um sùm bên xị đế và mấy con khô cá khoai nướng. Họ mời Xuân. Chàng lắc đầu từ chối. Đêm hôm qua xỉn quá rồi. Đám kia chùm nhum bên sòng bài cát tê hay xập xám chướng. Chàng biết vui 3 ngày Tết, nhưng có anh em ra giêng sạch túi. Cấm cản cũng không được. Mấy đại đội khác đều như vậy. Mấy bà vợ nhiều khi cũng có máu đỏ đen như chồng. Qua mùng 3, hết Tết, hết hưu chiến. Tất cả phải trở lại như cũ. Đêm đêm phải di chuyển chỗ ngủ, hết binh, hết tố. Không còn cù lủ, đồng hoa, suốt, ba tây, bù, chín nút gì ráo trọi…
Cái lều của cô Mận không còn ở góc bụi chuối gần sát bên Xuân. Đồ đạc được tem tém. Buổi ăn trưa chỉ còn 2 thầy trò:
- Ủa! Cô Mận đâu rồi Mừng?
- Nó với mấy bà vợ lính về quê ăn Tết. Họ theo xe đò đi từ khuya. Nó nói đi sớm về đến Cần Thơ cho khỏe, với lại gởi lời chào Trung Úy. Ra giêng, họ kêu công gặt rồi.
Xuân ngưng đũa, cầm chén cơm nghĩ đến chuyện đêm qua. Cô Mận chớ hổng ai trồng khoai đất nầy. Cô gái miệt vườn nầy ghê thiệt! Hông hiểu cổ để ý mình từ lúc nào. Cũng em em như Loan, Khanh, Vân. Các cô nầy nhiều khi vượt ra ngoài lề lối…
*******
Buổi trưa bến xe Chợ Lớn đầy nhung nhúc người. Và xe tới bến. Rồi xe đi. Không bao giờ ngớt. Cuộc sống có nhiều cơ cực vì ngăn sông cấm chợ, nhưng người ta cố tìm đủ mọi cách luồn lách để mà sống. Chỉ có cái là đi buôn lậu. Họ tìm mọi cách qua mặt quản lý thị trường. Giấu hàng đủ mọi nơi trong xe chở khách, mọi chỗ trong thân người. Đút lót, quà cáp khi qua mỗi trạm.
- Mừng! Mừng! Anh đi đâu đây?
- Trời ơi! Ông thầy còn sống hả?
- Chết hồi nào đâu? Còn sống nhăn răng đây.
- Vậy mà sau năm 1975, tui ở miền Tây, người ta đồn Sư Đoàn 18 bị banh ta lông ở trận Long Khánh hết rồi. Tui nghĩ chắc ông thầy cũng hông chạy đâu khỏi. Rồi ông thầy đi cải tạo có lâu hông?
- Đủ nếm mùi tù VC. Bây giờ anh làm gì?
- Đang làm lơ xe đò. Xe lúc nầy vô quốc doanh ráo trọi thành thử đói lắm. Xe tui chạy chui. Tui phải bán thêm thứ khác đủ nuôi mấy đứa nhỏ và thằng cháu nầy.
- Thằng cháu nầy con của ai?
- Con của con Mận đó ông thầy!
- Cổ ra sao rồi? Chồng cổ chết rồi hả?
- Em tui có chồng con gì đâu! Đầu năm đó, Mận ở Long Khánh về. Mấy tháng sau thì cái bụng nổi lên chình ình. Ở nhà hỏi: có chửa với ai? Em tui hổng nói. Mặt mày buồn so. Tới kỳ sanh đẻ xong rồi ở vậy nuôi thằng nầy cho đến trọng tuổi thì bị ban cua chết. May là lúc đó tui đổi về gần nhà nên mang thằng nhỏ dìa nuôi cho đến bây giờ. Nó theo tui phụ lơ kiếm chút đỉnh sống qua ngày. À, mà ông thầy, ngộ nghen! Lúc nghe tin đồn Sư Đoàn 18 bị thua trận, em tui buồn rũ rượi. Ngày ngày, Mận nó đốt nhang khấn vái hoài.
Phùng Xuân giựt mình ngó qua thằng nhỏ cũng cở trạc tuổi 20. Từ năm 1966, 1967 đến giờ cũng tròn trèm 20 năm. Nó có vẻ cũng hao hao giống mình. Mà biết có phải con mình trong cái đêm hôm mình say rượu hông?Chàng bán tín bán nghi ngó nó một hồi lâu.
- Ông thầy làm cái gì nhìn thằng Phùng dữ vậy? Bộ nó giống ông thầy lắm hả?
Phùng Xuân thót mình quay lại, ngó thấy Mừng chúm chím cười. Xuân đoán Mừng nghi ngờ điều gì. Cái gì cũng có thể được, nhưng có cái không có thể được! Sao cuộc đời nhà binh mình đa đoan nhiều quá vậy? Xuân gây buồn phiền cho bao nhiêu người? Từ lúc mới ra đơn vị đã nhìn thấy Hiền chết ngay trước mặt mình. Chuyện của Mận có phải tại mình không? Cái không thể biến thành cái có thể. Thằng Phùng đang trờ trờ trước mặt mình đây mà! Xuân có nên nói thiệt câu chuyện đã xảy ra cho Mừng nghe hôn? Mà chắc gì Mừng tin. Nó đâu có nghĩ là em mình dám làm điều đó. Có khi nó còn nghĩ ngược lại. Ông thầy coi em tui như gái qua đường, chơi rồi bỏ. Như thế lại càng khổ cho mình nữa. “Làm sao đây hở cô Mận?” Tui đành có lỗi với cô. Dù sao cũng cám ơn cô. Những ngày tháng nằm kế bên võng của cô, nghe những bài ca vọng cổ mùi mẫn của cô cũng làm cho tui đỡ buồn. Tình yêu thời chiến tranh của cô quá bồng bột, hông tính toán. Thiệt tình tui hông ngờ được.
Lê Phùng Xuân
(Trích trong Trăng Suông )
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét