Trong bộ Tôn Vũ Binh Pháp có đoạn, Ngô Hạp Lư hỏi Tôn Vũ - Tôn Khanh cho Ta biết trong 13 bộ binh pháp của Khanh, bộ nào nói đạo cầm quân là quan trọng hơn hết. - Thưa Chủ Công, bộ "Đạo Làm Tướng" là quan trọng nhất. Không biết ta mà cũng không biết địch trăm trận trăm bại. Biết ta mà không biết địch mười trận, năm thắng năm bại. Biết ta biết địch trăm trận trăm thắng. Kế đến là người tướng giỏi nhất trong các tường giỏi là chiếm thành địch mà không cần dụng binh. Bởi công thành là hạ sách, công lương là trung sách, công tâm mới là thượng sách.
Ngô Hạp Lư gật gù khen ngợi, phong cho Tôn Vũ chức "Đại Nguyên Soái" chinh phạt Sở khiến cho Ngô Phù Thi (em ruột) và Ngô Phù Sai (con ruột) điên tiết ganh tỵ, chỉ có Ngũ Tử Tư rất hài lòng. Chính vì sự ghen tỵ này mà sau này Phù Thi nghe lời Quốc Vô Cữu (một hàng tướng của Sở) cướp ngôi nhưng thất bại, Phù Sai lên ngôi thay cha đối đãi tệ bạc Tôn Vũ, Tôn Vũ về quê ẩn dật, để đưa đến kết quả Nhà Ngô diệt vong vì liên quân Sở-Việt sau này.
Về sau này, trong bộ Hán Sở Tranh Hùng, Hàn Tín đã áp dụng triệt để binh pháp của Tôn Vũ để chiếm Yên-Ngụy-Tề, bao vây Sở Bá Vương Hạng Vũ mà không hao binh tổn lực, chỉ dùng "Trí" mà không cần dùng "Dũng" nhiều. Bàn về "TRÍ" thì không ai so bì được với Gia Cát Lượng. Còn nói về "thủ thành" không tấn công thì Tư Mã Ý mới là đệ nhất thiên hạ, đến nỗi Gia Cát Lượng khích tướng bằng cách gửi tặng một bộ áo vương phi (đàn bà) mà Mã Ý hoan hỷ nhận và tự nhiên mặc vào cười ha hả nhưng vẫn đóng cửa thành im ĩm chờ đợi quân Tây Thục (Khổng Minh) hết lương thực rút quân về Hán Trung.
Đã từ lâu, Xạo tôi có dí dỏm rằng "thế cuộc ngày nay chẳng khác nào "Thế Tam Quốc Chí" ngày xưa của Tàu Phù. Tào Tháo (Bắc Ngụy) lấy danh nghĩa phò trợ Thiên Tử Hán Thất (bù nhìn Hán Hiến Đế) để thống nhất thiên hạ. Lưu Bị (Tây Thục) lấy danh nghĩa họ Lưu là giòng dõi Hán Cao Tổ khôi phục Nhà Hán đã bị Đổng Trác, Tào Tháo cướp ngôi. Tôn Quyền (Đông Ngô) có địa lợi nhân hòa chỉ chờ thời cơ Bắc Ngụy và Tây Thục đánh nhau, lợi dụng thời cơ cướp lấy cả thiên hạ.
Cả ba đều lấy danh nghĩa này danh nghĩa nọ, thực tế là chỉ muốn làm "Cha Thiên Hạ". Đơn giản chỉ có thế.
Ngày nay, Nga-Tàu Mỹ có khác chi đâu Bắc Ngụy-Tây Thục-Đông Ngô ngày xưa.
Nga (Vladimir Putin) muốn chiếm Ukraine để bước đầu khống chế Âu Châu, kiểm soát vựa lúa mì và Black Sea rồi tính bước kế tiếp là Phi Châu.
Tàu (Tập Cận Bình) thì qua chiêu bài "một vành đai một con đường", giúp đỡ các quốc gia còn lạc hậu nghèo đói trên toàn thế giới qua chính sách xây dựng hạ tầng cơ sở để che đậy âm mưu thôn tính không những Á Châu mà cả thế giới qua hình thức "cho vay bẩy nợ".
"Người Mỹ" thì sao? "Người Mỹ" chứ không phải bất cứ một Ông Tổng Thống nào. Ngày nay Người Mỹ có cả ngàn Tôn Vũ, có cả vạn Tiêu Hà, Trương Lương, Hàn Tín...chứ không phải chỉ có "Một Ông Tổng Thống" để thống nhất thiên hạ, thống nhất thiên hạ của Mỹ được khoát cái áo mỹ miều là "Trật Tự Mới Của Thế Giới". Đã nói là "Trật Tự" thì phải có trên có dưới, có lớn có nhỏ, có giàu có nghèo, có văn minh có lạc hậu...quan trọng nhất là chế độ hiện hữu. Chế độ Dân Chủ hay chế độ Quân Chủ Lập Hiến? Chế độ Độc Tài Đảng Trị hay chế độ Thần Quyền như khối Hồi Giáo? Chế độ Quân Phiệt ? Tôn Giáo Phiệt? Chắc hẳn là nhân loại không ai chấp nhận Cộng Sản (Chế Độc Độc Tài Đảng Trị) và cũng không ai chấp nhận chế độ Thần Quyền Hồi Giáo quá khích cực đoan giết người không theo chế độ thần quyền hay giáo quyền của họ.
Với vị thế dẫn đầu thế giới với chế độ Tự Do-Dân Chủ hiện nay, Mỹ bắt buộc phải vô hiệu hóa, nếu không nói là triệt tiêu những chế độ hay thế lực muốn triệt tiêu nền tự do dân chủ của nhân loại, hay nói khác hơn là muốn tiêu diệt chủ nghĩa tư bản của Mỹ và tây phương. Tây phương ở đây muốn nói đến Âu Châu, cái nôi của nền văn minh nhân loại. Trong suốt thời kỳ chiến tranh lạnh, Mỹ đã đẩy lùi sự đe dọa Âu Châu từ khối Warszawa chỉ đạo từ Đảng Cộng Sản Nga. Đầu thập niên Liên Xô sụp đổ, Đảng Cộng Sản Nga giải tán, Âu Châu phè phỡn tự do làm ăn với Nga Tàu, trong khi Mỹ bắt đầu phải lo đối phó đe dọa thứ hai từ Bắc Kinh, mối đe dọa này còn nguy hiểm tai họa lớn hơn mối đe dọa từ Mạc Tư Khoa. Mối đe dọa này nếu không ngăn chặn kịp thời, Mỹ và Tây Phương sẽ mất Thái Bình Dương và cả vùng Bắc Á, Đông Á và không chừng cả vùng Nam Á để kết thúc là Hoa Kỳ sẽ "Death By China"!
Để thực thi ngăn chặn mối đe dọa từ Đảng CSTQ, Mỹ đã đưa Donald Trump lên làm Tổng Thống. Vừa ngồi vào Tòa Bạch Ốc là Trump thẳng thừng có thái độ với Xã Hội Chủ Nghĩa ngay. Hăm dọa sẽ rút ra khỏi Nato, Năm 2017, đích thân Trump gặp riêng Putin hai lần ở Geneve, Trump không nhắc nhở gì đến việc Putin chiếm Crimea và một số lãnh thổ vùng Donbass của Ukraine. Không có thông cáo hay tuyên cáo chung giữa Mỹ và Nga gì cả, hai người họ bàn thảo với nhau những gì chỉ có "Trời" biết.
Chỉ biết sau khi trở về Mỹ, Donald Trump thành lập ngay Khối QUAD (Mỹ-Nhật-Úc-Ấn) với mục đích đơn giản là giữ an toàn cho tuyến đường hàng hải quốc tế ở Thái Bình Dương-Ấn Độ Dương, nhưng ẩn chứa bên trong là "kế hoạch răn đe" của Mỹ, trong lúc Tập Cận Bình cứ ra rã hăm dọa sẽ giải quyết Đài Loan bằng vũ lực. Cũng cùng thời điểm (đầu năm 2018) này Trump "tuyên chiến" công khai với Bắc Kinh qua hình thức thuế má (Trade War). Tưởng không cần nhắc lại hậu quả của "Trade War" này, nhưng hậu quả này, Joe Biden hưởng trọn. Trên mặt ngoại giao, Biden tỏ ra ôn hòa nhã nhặn hơn, chừng mực hơn Trump, nhưng thực chất vấn đề vẫn "vũ như cẫn". Biden còn thành lập thêm Khối AUKUS, lôi cả Hoàng Gia Anh Quốc vào cuộc, mức thuế 45% không tăng không giảm.
Donald Trump và Joe Biden bất đồng trên rất nhiều điểm, nhưng họ có cùng quan điểm về quan hệ thương mại của Mỹ với Tàu Cộng. Cả hai người đều cho rằng nền kinh tế lớn nhất thế giới đơn giản là quá phụ thuộc vào nền kinh tế lớn thứ hai. Ý muốn nói rằng từ lâu nền kinh tế của siêu cường số một là Mỹ lại bị lệ thuộc quá nhiều vào Trung Cộng, một siêu cười số hai. Do đó, đã từ lâu, từ thời Donald Trump, các quan chức cao cấp của Mỹ đi khắp thế giới ca ngợi lợi ích của “Friend Shoring” – tức dịch chuyển sản xuất khỏi Trung Quốc và đưa đến các thị trường ít rủi ro hơn. Các nhà lãnh đạo doanh nghiệp lớn của Hoa Kỳ cũng lên tiếng ủng hộ Friend Shoring và thực sự lo lắng trước tình hình kinh tế ảm đạm của Trung Quốc, cũng như tình hình chính trị khó đoán định của nước này. Sự kiện này đưa đến tình trạng "kinh tế dội ngược" cho Bắc Kinh. Tình trạng này còn nguy hiểm gấp trăm lần tình trạng kinh tế suy thoái. Hàng hoá sản xuất mà không có thị trường tiêu thụ thì chỉ bán thốc bán tháo cho người dân của mình dù có lỗ lã bao nhiêu cũng phải giải quyết để giữ quân bình mức độ sản xuất. Trước năm 2018, trước khi Trump áp dụng 45% thuế lên hàng hóa Trung Cộng...Số liệu thống kê của Mỹ cho thấy Mỹ nhập nhiều hàng từ Trung Cộng hơn so với con số mà thống kê của Tàu Cộng cho thấy.
Nhưng giờ (dưới thời Joe Biden) thì ngược lại. Tàu ghi nhận xuất khẩu sang Mỹ tăng 30 tỷ USD trong khoảng thời gian từ năm 2020 đến năm 2023, trong khi Mỹ ghi nhận nhập khẩu từ Tàu giảm 100 tỷ USD. Nếu dữ liệu của Bắc Kinh là chính xác thì tỷ lệ của Tàu trong nhập khẩu của Mỹ dù giảm nhưng vẫn thấp hơn nhiều so với dữ liệu của Mỹ. Tỷ lệ hàng nhập khẩu của Mỹ đến từ Trung Cộng đã giảm 1/3 từ 46% xuống còn khoảng 14%. Một phần của sự suy giảm đó xảy ra sau khi ông Trump áp thuế cao vào năm 2018 và ảnh hưởng càng ngày càng tăng cho đến hôm nay. Một phần khác phản ánh mối lo ngại ngày càng tăng về tham vọng lãnh thổ của Trung Quốc: nếu Trung Quốc xâm chiếm Đài Loan, nhiều chuỗi cung ứng ở châu Á sẽ sụp đổ. Nhất là Ấn Độ và Việt Nam. Hiện nay Ấn-Việt là hai quốc gia đóng vai trò "trung gian" lớn nhất, nhập hàng Trung Cộng rồi chuyển hàng hóa sang Mỹ với mức thuế thấp hơn (chỉ có 27% thay vì 45% tù Tàu). Đây là kẻ hở của Mỹ dành riêng cho Bắc Kinh còn một chút hơi thở thoi thóp, nếu Mỹ ra lệnh cấm vận Tàu Cộng thì ông cố nội Việt Nam cũng không dám đóng vai trò "trung gian" để hưởng lợi. Đây cũng là một cách gián tiếp Mỹ giúp cho Việt Nam "kiếm chút cháo" mà không làm gì cả.
Bấy nhiêu đó cũng làm cho Tập Cận Bình ăn không ngon ngủ không yên rồi, huống chi nếu Donald Trump trở lại Tòa Bạch Ốc, mức thuế này sẽ tăng lên 60% như lời đe dọa của Trump.
Từ "Công Lương" chuyển dần qua "Công Tâm" của sách lược Hoa Kỳ đối phó với Trung Cộng.
Muốn làm "Anh Đại" một băng đảng thì phải có huynh đệ, như anh Đại Cathay hay Sơn Côn Đảo chẳng hạn. Muốn làm "Anh Đại" Châu Á nói chung và vùng Đông Nam Á-Nam Á nói riêng thì Bắc Kinh cũng cần phải có huynh đệ. Nhìn quanh nhìn quẩn thì Đảng CSTQ chỉ có bốn (4) đệ tử trung thành từ bấy lâu nay: Việt-Miên Lào và Bắc Hàn. Bốn đệ tử này vì bị Bắc Kinh cấy sinh tử phù lâu đời nên cắn răng chịu phép, muốn thoát Trung cũng không được. Hầu hết các quốc gia còn lại trong vùng Thái Bình Dương-Ấn Độ Dương thì giữ thái độ trung dung, bởi họ dè dặt chính sách của Hoa Kỳ qua bài học Việt Nam Cộng Hòa. Họ không ngã theo bên nào, chỉ làm ăn buôn bán cả hai bên có lợi để xây dựng đất nước của họ. Ngoại trừ Nhật và Nam Hàn vì địa chính trị, vì liên hệ trong lịch sử chiến tranh, họ không có chọn lựa nào khác, phải ngã hẳn theo Mỹ để tìm sự bảo vệ nếu bị uy hiếp từ Bắc Kinh.
Kể từ năm 2012, khi Tập Cận Bình lên ngôi với chính sách ngoại giao chiến lang, với chính sách cho vay bẩy nợ, cái mặt nạ "nhân nghĩa" của Nhậm Ngã Hành ngày càng rõ nét, kiêu ngạo hống hách với các quốc gia nhược tiểu, xúi dục tên nhóc con Kim Ủn Ỉn vô lễ trịch thượng với các nước lớn, thậm chí còn tuyên bố sẽ san bằng nước Nhật và Mỹ trong vòng 15 phút thì "hết ý kiến"! Điều này khiến quần hùng phải rà xét lại tất cả đường lối ngoại giao của mình đối với Bắc Kinh, nhất là các quốc gia vùng Đông Nam Á.
Năm 2017, "Ông Thần" Kim Mao Sư Vương vác Đồ Long Đao nhảy lên võ đài tỷ thí với Tập, qua cuộc chiến thương mại, Tập đã xính vính, lại thêm Trump lôi Nhật, Úc, Ấn vào phe đồng minh (QUAD), Tập phải xuống giọng sau giáng đòn nặng ký "Trade War" của Trump khiến một vành đai một con đường của Tận vỡ từng mắc xích.. Năm 2020, không ai ngờ được Biden lại thắng Trump. thiên hạ hí hửng thở phào nhẹ nhõm, cứ tưởng rằng Biden sẽ "dễ thở" hơn Trump, nào ngờ "Ông Già Gân" Biden còn nặng ký hơn Trump nhiều. Biden chẳng những không giảm mức 45% của Trump mà còn mở một mặt trận mới, mặt trận "CHIP", đồng thời lôi cả Anh Quốc vào cuộc (AUKUS), hơn thế nữa, chống lưng cho Nhật-Nam Hàn và Philippine thành lập liên minh quân sự. Nặng ký nhất là không biết bị dụ dỗ như thế nào mà Việt Nam đồng ý ký kết "Đối Tác Chiến Lược Toàn Diện" với Hoa Kỳ khiến cho Tập phải bay qua Hà Nội gặp Nguyễn Phú Trọng ngay sau đó. Họ bàn gì với nhau cũng chỉ có "trời biết"!
Theo tài liệu của Viện Lowy Institute của chính phủ Úc Đại Lợi, một viện chuyên sưu tầm và lưu trữ những sự kiện quan trọng đã và đang xảy ra trên khắp vùng Thái Bình Dương và Ấn Độ Dương cho biết kể từ năm 2021 đến năm 2023, Mỹ đã tham gia vào khoảng 33% trong số 525 cuộc tập trận quân sự chung được ghi nhận do các quốc gia Đông Nam Á thực hiện, ở cấp độ song phương hoặc đa phương. Nếu tính cả Úc và Nhật Bản, Washington và các đồng minh đã tham gia hơn 60% các cuộc tập trận có sự tham gia của các quốc gia Đông Nam Á. Riêng các nước như Việt-Miên-Lào-Miến Điện vì địa lý nên không tham gia. Brunei, Indonesia, Malaysia, Philippines, Singapore và Timor-Leste thì có nhiều cuộc tập trận với Mỹ hơn, xin nhắc các quốc gia này luôn có những tranh chấp hàng hải với Trung Cộng liên quan đến các tuyên bố lãnh thổ chồng lấn ở Biển Đông của Tập Cận Bình.
Nhật Bản, Nam Hàn, Úc thì khỏi phải bàn. Ngoại lệ duy nhất là Thái Lan, do Bangkok là đồng minh hiệp ước của Mỹ từ năm 1952 và là đồng minh ngoài NATO quan trọng từ năm 2003, nói một cách khác Thái Lan như Anh-Mỹ từ khuya rồi.
Về phía Trung Cộng, cũng có những cuộc tập trận chung với một số quốc gia thành viên ASEAN có tên là Aman Youyi, nhưng các cuộc tập trận này chủ yếu nhằm mục đích tạo điều kiện thuận lợi cho việc hợp tác, gọi là làm quen giữa quân đội của giữa hai nước hay nhiều nước, khác với Mỹ là tập trận chung để tăng cường sự hợp tác quân sự nhằm mục đích bảo vệ an ninh chung về chủ quyền biển đảo và an ninh chung cho tuyến đường hàng hải ở Biển đông. Danh chính ngôn thuận!
Chỉ tóm tắt một cách tổng quan như thế cũng đủ cho thấy sự tranh chấp giữa Washington và Bắc Kinh ngày càng leo thang, leo thang tới mức độ nào đó sẽ bùng vỡ thành sự xung đột, cá nhân xạo tôi nghĩ rằng khó có thể là một xung đột vũ trang quân sự. Bởi người Tàu cũng am hiểu và thẩm thấu Tôn Ngô Binh Pháp hơn ai hết. Tập Cận Bình và Chính Trị Bộ Đảng CSTQ cũng biết người biết ta, cũng biết thiên thời địa lợi nhân hoà, cũng biết cân đo đong đếm để so sánh tiềm năng và thế lực của mình đối với đối thủ của mình. Do đó, từ ngày Tập Cận Bình đắc cử chức vụ Tổng Bí Thư nhiệm kỳ ba tháng 3 năm 2023 (2023-2028), Tập "im lặng", nhũng như con chi chi, thay vì "ngoại giao chiến lang" thì bây giờ là nền "ngoại giao tàu hủ" (tofu). Mềm xèo dễ vỡ!
Bằng chứng rõ ràng nhất là: Trong lễ tuyên thệ nhậm chức ngày 10/3/2023 tại Đại Lễ Đường Nhân Dân Bắc Kinh, trong phần đề cập đến Đài Loan, Tập tuyên bố "Vấn đề Đài Loan chúng ta không cần phải dùng vũ lực mà phải để Đài Loan tự hiểu thế nào là một dân tộc thống nhất..."
Người có câu "được đằng chân leo đằng đầu" hoặc "cây muốn lặng mà gió chẳng muốn ngừng".
Cho đến giờ, Bắc Kinh (Tập Cận Bình) cũng hiểu và biết rằng, vòng vây kinh tế, quốc phòng, quân sự của Mỹ càng ngày càng khép chặt Trung Hoa Lục Địa. Hiện nay Mỹ có năm hạm đội, thì ba đã có mặt ở Thái Bình Dương cộng với đồng minh hầu hết là trụ cột của Khối Asean. Không phải để "công thành", mà chỉ để đặt trên bàn Tập Cận Bình và Đảng Cộng Sản Trung Quốc một bài toán "nhức óc" đối với vận mệnh của một dân tộc đa văn hóa gần một tỷ rưỡi dân này.
Lúc quốc biến nên hòa hay nên chiến? Câu hỏi này xin dành riêng cho Tập Cận Bình.
Để kết thúc bài viết này, xin phép, xạo tôi bắt chước Mao Tông Cương, cương đại cho "hồ hởi phấn khởi" một phút!
Hòa thì hòa như thế nào?
Chiến thì chiến như thế nào?
Nếu cả hai bất khả thi chỉ còn cách thứ ba là "hàng". Nhưng hàng rồi có "khả tín" hay không, cái này thì để cho Tân Tổng Thống Hoa Kỳ năm 2025 trả lời.
Còn nếu không chiến, không hoà mà cũng không hàng...thì cứ bắt chước Mao Chủ Tịch đóng kín cửa giải quyết nạn nhân mãn và giải quyết nạn kinh tế hàng hóa "dội ngược", rút lại lời tuyên bố là "Năm 2035 Trung Quốc sẽ thay thế Mỹ để làm Anh Đại thế giới".
Quyết định này Tập không thể đơn phương quyết định, còn Bắc Đới Hà, còn Chính Trị Bộ Đảng và còn hậu duệ của Đặng Tiểu Bình, Giang Trạch Dân...cái đám hậu duệ được gọi là "Thái Tử Đỏ" này chỉ có "America First".
Mà còn nếu Tập làm "Anh Đại" thế giới thì liệu Putin và Điện Cẩm Linh có OK hay không thì mới là chuyện ly kỳ hấp dẫn hơn nhiều.
Trong một thùng cua, có một con muốn bò lên miệng thùng thì sẽ có con khác kéo xuống.
Cuối tuần xạo chơi cho vui rồi...bỏ.
Thân Kính Chúc Quý Vị Một HAPPY WEEKEND.
Út Bạch Lan.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét