Nội dung bài viết : Hai nhà cuối phố
Đây không phải là một câu chuyện cười, nó là một bài học cuộc sống nhằm chữa lành những trái tim tổn thương sau những trận cãi vã nảy lửa, nhưng quả thực nó cũng khá hài hước.
Hai nhà cuối phố
Nghe nói ở một khu phố nọ có hai gia đình láng giềng. Không khí nhà bên trái rất ồn ã, ngày nào họ cũng cãi vã. Không chỉ giữa vợ chồng mà con cái của họ cũng rất hay cãi nhau; đôi khi con cái cũng cãi nhau tay đôi với bố mẹ. Nhà họ thường phát ra những tiếng mắng chửi, và cằn nhằn dai dẳng. Tiếng ồn kiểu như vậy khiến những nhà hàng xóm xung quanh rất khó chịu.
Gia đình bên nhà đối diện với họ lại khác hẳn. Đó là một gia đình rất hòa thuận, cha mẹ yêu thương nhau và con cái rất ngoan hiền, hiếu thảo. Vào một ngày nọ, người đàn ông nhà bên trái sang thăm nhà người hàng xóm bên phải, nhân tiện vì tò mò mà hỏi:
– “Vợ chồng tôi khắc khẩu, chẳng mấy khi không có cãi vã, tôi thấy rất mệt mỏi. Vợ chồng nhà anh chắc hợp tính nhau nên mới hòa thuận, vui vẻ được như vậy. Anh có bí kíp nào không, xin hãy chia sẻ với tôi để gia đình chúng tôi tránh khỏi những tranh cãi?”
Người hàng xóm vui vẻ trả lời: “Tôi sẽ nói cho anh biết. Đó là vì gia đình của tôi đều là người tốt, còn gia đình của anh đều là người xấu”.
Anh nhà hàng xóm bên trái phô ra gương mặt ngạc nhiên pha lẫn sự bất mãn: “Anh nói cái quái gì thế? Ý của anh là gì?”
Người hàng xóm đáp: “Cả gia đình của anh đều chung sống với nhau. Khi có chuyện gì đó sai, chẳng phải anh đều cho cho rằng tất cả là do ‘bọn họ’ đều làm sai hay sao? Nếu có chuyện gì đó hay ho và tốt đẹp thì đều do một mình anh. Điều đó chẳng đồng nghĩa với việc gia đình anh toàn là người xấu là gì?
Mọi người trong gia đình của anh cũng giống anh. Họ đều cho rằng mình là người tốt, còn những người khác đều xấu. Gia đình của tôi thì khác. Nếu có chuyện gì không tốt xảy ra, đều là do tôi làm; những người khác trong gia đình tôi đều không có lỗi. Vì lỗi là tại tôi, như vậy, tôi chỉ cần xin lỗi họ là được rồi. Chỉ thế thôi. Nào có bí kíp gì đâu.”
Người hàng xóm nghe xong liền nghệt mặt ra rồi từ từ tỉnh ngộ. Anh ta đứng ngẩn người một lúc lâu và chợt mỉm cười xin phép ra về.
Cãi vã là do bạn cho rằng bạn luôn đúng còn đối phương là người xấu
Kỳ thực chẳng có ai là người không có lỗi. Bạn nên thừa nhận sai lầm của mình. Con người đáng sợ nhất khi họ sai mà không nhận lỗi, lại còn đổ lỗi cho người khác. Như vậy không chỉ anh em cãi nhau, mất niềm tin với nhau mà cả cha con, mẹ con cũng không tránh khỏi sự bực dọc, cãi vã và ngờ vực lẫn nhau.
Nếu người thân trong gia đình bạn nói: “Tôi chưa tốt, việc này tôi làm chưa đúng, tôi nên chịu trách nhiệm về chuyện này, tôi sẽ rút kinh nghiệm cho lần sau”; khi đó bạn có còn nghĩ đây là người xấu không?
Nhận lỗi chưa bao giờ là điều đáng xấu hổ cả.
Trong gia đình bất hòa, hay xung đột cãi vã, người ta thường nói: “Tôi là người tốt, anh ta/ cô ta/ nó là người xấu. Tôi luôn là người phải chịu đựng bọn họ”. Bạn thử nghĩ xem, có người nào trên đời lại “luôn đúng không sai” hay không?
Ví dụ như khi tách trà đã uống nửa chừng, bạn thản nhiên đặt nó trên mép bàn và em trai của bạn đi đến. Nó vô tình chạm vào làm đổ tách trà xuống nền nhà và tách trà vỡ đôi.
Bạn tức tối quát mắng: “Sao mày làm vỡ tách trà của tao? Mắt mày để trên trán à?”
Em trai của bạn hốt hoảng nhưng cũng chẳng im lặng: “Sao anh không để tách trà vào sâu bên trong? Tại anh để chông chênh, em không nhìn thấy nên không may làm vỡ đấy chứ”.
Thế là hai người cãi nhau, mặc kệ tách trà nằm lăn lóc trên sàn.
Nếu bạn thấy em trai làm vỡ tách trà mà nói thế này: “Nước trà còn nóng em có bị bỏng không? Tất cả là lỗi của anh, vì anh đã không đặt nó đúng chỗ”.
Em trai của bạn đáp: “Em xin lỗi anh, em vô tình làm vỡ tách trà của anh rồi.”
Nếu sự việc diễn ra theo chiều hướng này thì chẳng phải chỉ cần dọn tách trà bị vỡ đi là xong hay sao?
Mọi việc đều có nhân quả xa xôi và nhân quả hiện thời: nếu bạn đổ lỗi cho người khác về điều gì đó, họ cũng sẽ trách bạn; nếu bạn tự trách mình vì đã làm sai điều gì đó, thông thường đối phương sẽ tha thứ cho bất kỳ lỗi lầm nào bạn mắc phải.
Nếu bạn giữ quan niệm này trong cách ứng xử của mình, bạn sẽ luôn bình an ở bất cứ nơi nào bạn đặt chân đến.
Trước mọi sự việc, đầu tiên bạn hãy bình tĩnh lại và tự hỏi bản thân về mọi việc thay vì chỉ đổ lỗi cho người khác. Đây không chỉ là phép ứng xử mà thực sự là tri thức.
Sống ở đời biết nhận lỗi là “kim bài miễn họa”, là báu vật, là hành trang quý giá nhất mà một người cần mang theo. Khi bạn làm sai mà không biết để nhận lỗi là điều gây phản cảm nhất. Mong rằng đọc xong bài viết này chúng ta sẽ không còn phải cãi vã nữa.
Sang năm mới Giáp Thìn 2024, Minh Nguyệt cũng xin được gửi lời kính chúc đến độc giả thân thiết luôn được an khang – thịnh vượng.
Nguồn: (Triệu Lệ)
Minh Nguyệt biên dịch.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét