Tìm bài viết

Vì Bài viết và hình ảnh quá nhiều,nên Quí Vị và Các Bạn có thể xem phần Lưu trử Blog bên tay phải, chữ màu xanh (giống như mục lục) để tỉm tiêu đề, xong bấm vào đó để xem. Muốn xem bài cũ hơn, xin bấm vào (tháng....) năm... (vì blog Free nên có thể nhiều hình ảnh bị mất, hoặc không load kịp, xin Quí Bạn thông cảm)
Nhìn lên trên, có chữ Suối Nguồn Tươi Trẻ là phần dành cho Thơ, bấm vào đó để sang trang Thơ. Khi mở Youtube nhớ bấm vào ô vuông góc dưới bên phải để mở rộng màn hình xem cho đẹp.
Cám ơn Quí Vị

Nhìn Ra Bốn Phương

Thứ Bảy, 2 tháng 3, 2024

PHẠM HỮU QUANG - GIANG HỒ TA CHỈ GIANG HỒ VẶT


Giang hồ ta chỉ giang hồ vặt / Nghe tiếng cơm sôi cũng nhớ nhà, là hai câu thơ, thú vị và thi vị, nhiều năm nay, vẫn luôn được mọi người nhắc đến trong niềm yêu mến và thương tưởng. Giang hồ nghĩa là gì, mà sao trong thơ ca, văn chương và cả đời thường, lại nhắc tới nhiều vậy? Học giả Đào Duy Anh trong Giản Yếu Hán Việt tự điển giảng hai chữ giang hồ như sau: Tam giang và ngũ hồ là chỗ ẩn dật - không có chỗ định trú - hư phù không tin được. Nghĩa rộng ra, giang hồ là từ dùng để chỉ cuộc sống phóng túng, rày đây mai đó, không ở yên một chỗ.
<!>
Từ nghĩa gốc sông to và ao lớn, chỉ cảnh thiên nhiên, người ta ám chỉ đến những người từng trải việc đời, rồi xa hơn nữa, người ta ám chỉ đến những người ngao du đây đó, thích du lịch, thích phiêu lưu, sống lang thang. Và nếu hiểu theo nghĩa xấu, thì giang hồ là làm giặc, là ăn cướp.

Trong tự điển Truyện Kiều, Đào Duy Anh còn lấy hai câu sau đây để diễn giải thêm một nghĩa nữa của giang hồ, khi dùng cho nữ giới, thì đó là gái làng chơi, gái ăn sương:

Chạnh niềm nhớ cảnh giang hồ
Một mùa quan tái bốn mùa gió trăng

**
Giang hồ trong đời sống hàng ngày, thì bị hiểu theo nghĩa xấu nhiều hơn, kiểu như là, du đãng, giới đâm thuê chém mướn, bảo kê, và phong phú với các tên gọi khác như: dân anh chị, lưu manh, ma cô.

Và, từ giang hồ, còn gắn liền với địa lý, địa danh: giang hồ Tôn Đản, dân chơi Cầu Ba Cẳng.

Tôi thì hiểu từ “giang hồ” kể từ ngày Sài Gòn có phong trào thuê đầu video về nhà xem phim. Phim lúc ấy, toàn phim bộ HongKong, phim kiếm hiệp của Kim Dung cũng có, mà phim xã hội đen thời hiện đại cũng có luôn, phim nào, cũng có giới giang hồ.

Giang hồ vốn là những người sống ngoài vòng pháp luật. Câu tôi thường được nghe nhứt là, chốn giang hồ hiểm ác.

Tuy hiểm ác, nhưng không có nghĩa, giang hồ chỉ bao gồm toàn người xấu. Họ là những người chọc trời khuấy nước, kiểu như, dọc ngang nào biết trên đầu có ai. Họ hành hiệp trượng nghĩa và rất ghét những kẻ ỷ mạnh hiếp yếu, bắt nạt người già, phụ nữ và trẻ nít.

Còn giang hồ mà gắn với cái đuôi lãng tử, thì lại là khác nữa. Giang hồ lãng tử không quần tụ thành nhóm. Họ riêng lẻ, hoặc chỉ một, cùng lắm là hai, với bầu rượu túi thơ, đây đó rong chơi, tự do, không bị ràng buộc bởi gia đình, bởi công việc. Mấy ông nhà thơ xưa thì giang hồ kiểu như thế này thì nhiều lắm. Là nghe các ông kể lại trong tác phẩm của mình thôi, chớ có ai thời nay được chứng kiến đâu mà dám chắc.
******
TÁC GIẢ

Phạm Hữu Quang sinh năm một ngàn chín trăm năm mươi hai tại Cần Thơ và mất năm hai ngàn tại Long Xuyên. Khi mất, ông vừa bước qua tuổi bốn mươi chín. Sau khi tốt nghiệp đại học sư phạm, ông cũng đi dạy học ít năm ở Thoại Sơn rồi nghỉ hẳn. Ông sáng tác không nhiều, dù lúc mới mười bảy tuổi, ông đã có thơ đăng trên báo.
Thơ ông, nghe mênh mênh mang mang như xứ sở sông nước Cần Thơ ông vậy, và buồn, cái buồn rất đỗi phương nam:

Có khác đâu buổi chiều mười năm trước
Tiễn em xa mưa nổi bóng hiên ngoài
Ta vô cớ cười rung như tiếng lạc
Mười năm ư? Chưa dứt hạt mưa bay
(Chiều Mưa Trở Lại Thị Trấn N - 1982)

Phương nam, cái buồn không héo hắt ruột gan như khúc giữa miền trung, cái buồn cũng không lịm tím vào hồn như phương bắc. Buồn phương nam khác hẳn.

Nó là cái buồn của buổi chiều cô đơn màu sông nước, buồn hoài buồn hủy. Tuy buồn không kêu gào, không khóc lóc, không kể lể, nhưng hễ ai mà động tới, mà nhắc tới là mệt lắm đa.

Động tới, nhắc tới, là khóc chớ sao. Khóc cũng chỉ khóc lẳng lặng thôi. Mặt mũi có tèm lem thì lấy hai ống tay áo mà quẹt qua quẹt lợi, chớ không có khăn mùi xoa mùi xiếc chi đâu. Ai hiểu thì cảm ơn. Bằng như không hiểu thì cũng cố mà chịu chớ biết sao bây giờ:

Ừ thì ta hát em nghe
Câu thơ hát trước câu vè hát sau
Tình tang tang tính tang tình
Em đi bỏ chỉ một mình ta nghe
(Khúc Ru - 1986)

******
Và dưới đây là toàn bài thơ GIANG HỒ, trong đó có hai câu nổi tiếng mà tôi vừa nhắc đến ở trên:

Tàu đi qua phố, tàu qua phố
Phố lạ mà quen, ta giang hồ
Chẳng lẽ suốt ngày bên bếp vợ
Chẻ củi, trèo thang với giặt đồ

Tàu mà đi qua phố thì chắc là tàu lửa rồi. Kiểu này là tác giả ngồi trên xe lửa nè. “Qua phố” điệp hai lần, nhằm diễn tả, nơi đây, phố nối tiếp phố, nhà nối tiếp nhà, đường nối tiếp đường, dằng dặc, không dứt.

Nhưng mà quen, là phố quen, bởi vì, tác giả đã từng sống, đã từng giang hồ ở nơi đây. Và ông giải thích cái lý do, tại sao mình lại đi giang hồ bằng một câu hỏi ngược với bạn đọc: Chẳng lẽ suốt ngày bên bếp vợ / Chẻ củi, trèo thang với giặt đồ.

**

Giang hồ đâu bận lo tiền túi
Ngày đi, ta chỉ có tay không
Vợ con chẳng kịp chào xin lỗi
Mây trắng trời xa, trắng cả lòng

Rồi dường như cũng thấy có lỗi, nên tác giả tỏ ra áy náy khi bỏ lại vợ con ở nhà, ông vội vàng phân trần: Giang hồ đâu bận lo tiền túi / Ngày đi, ta chỉ có tay không / Vợ con chẳng kịp chào xin lỗi.

Nghĩa là, có bao nhiêu tiền, ông cũng để lại nhà cho vợ con. Không xin tiền vợ. Không phiền hà vợ.

Mây trắng trời xa, trắng cả lòng - câu thơ mới nặng nỗi làm sao. Nỗi này vừa là nỗi thương mình vừa là nỗi thương vợ thương con.

Thương mình ở chỗ, làm cái thân đàn ông, mà bước ra ngoài sân là chẻ củi, trèo thang, bước vô nhà trong là bếp vợ, là giặt đồ, thế nên, thèm lắm, dăm ba bữa, đi giang hồ với chúng bạn. Mà đi rồi, ngồi trên tàu rồi, thì lòng lại chẳng yên. Ngó lên trời, chỉ toàn là mây trắng mênh mang, như lòng ông cũng mênh mang hệt thế.

Mây trắng trời xa, trắng cả lòng - là câu thơ hay thứ nhứt của bài này!
**
Giang hồ ta ghé nhờ cơm bạn
Đũa lệch mâm suông cũng gọi tình
Gối trang sách cũ nằm nghĩ bụng
Cười xưa Dương Lễ với Lưu Bình

Giang hồ kiểu của Phạm Hữu Quang là rong ruổi, là thong thả, là vui chơi, là thù tạc ít bữa bên bạn bè thân thiết.

Tuổi của ông, chắc luôn, hồi trung học, thể nào cũng có học bài Chí Làm Trai của Nguyễn Công Trứ: vòng trời đất dọc ngang ngang dọc / nợ tang bồng vay giả giả vay / chí làm trai nam bắc đông tây / cho phỉ sức vẫy vùng trong bốn bể.

Bây giờ, không nam bắc đông tây được, không bốn bể dọc ngang ngang dọc được, thì lâu lâu, cũng làm chuyến nhảy tàu, đi đó đi đây với người ta, không phỉ sức được nhiều thì cũng thỏa phần nào cho bớt tủi.

Đêm, gối đầu trên trang sách cũ nhà bạn, ông chợt thấy vui vui, khi xem ra, thấy mình với bạn giống Lưu Bình Dương Lễ. Nhưng giống đây là giống tình bạn thân thiết thôi, chớ tui không phải là Lưu Bình đâu nha cha nội.

**
Giang hồ có buổi ta ngồi quán
Quán vắng mà ta chẳng chịu về
Cô chủ giả đò nghiêng ghế trống
Đếm thấy thừa ra một gốc si

Đi giang hồ kiểu hồi xưa, không có cái a-lô, nên cũng hên xui lắm. Đến mà bạn có nhà, thì xem như may mắn. Còn bằng, bạn không có nhà, thì ra ngoài quán ngồi chờ, chớ biết phải làm sao. Nên mới: Giang hồ có buổi ta ngồi quán / Quán vắng mà ta chẳng chịu về.

Thấy đã khuya mà ông khách vẫn còn, bèn: Cô chủ giả đò nghiêng ghế trống / Đếm thấy thừa ra một gốc si.

Phải nói là Phạm Hữu Quang làm thơ hay quá chừng chừng. Hay ở chỗ, trong cái tình thế dở khóc dở cười của ổng, ổng cũng không biết phải làm sao, nên mới ngồi lì ra như thế. Mà đó giờ, ngồi lì ở hàng quán một mình, từ lúc mở cửa cho đến lúc quán tắt đèn, thì chỉ có thể là trường hợp của mấy anh chàng trồng cây si cô bán quán.

Ở đây, tác giả tự giễu cợt mình, ngồi gì mà ngồi lì quá, để cô chủ cổ phải giả đò đếm ghế, ghế thiếu một cái, mà chình ình giữa quán, lại thừa ra một gốc si.
Đếm thấy thừa ra một gốc si - là câu thơ hay thứ nhì của bài này!

**
Giang hồ mấy bận say như chết
Rượu sáng chưa lưa đã rượu chiều
Chí cốt cầm ra chai rượu cốt
Ừ. Thôi. Trời đất cứ liêu xiêu

Thiệt là tôi cũng có hơi bối rối với từ “lưa” ở trong khổ thơ này, gõ google thì thấy giải thích “lưa” là dư thừa, nên tôi đoán câu thơ thứ hai trong khổ này, có nghĩa là, rượu sáng còn đây, đã rượu chiều.

Giang hồ là vậy đó. Ở xa, lâu ngày mới đến thăm bạn, thì ăn bữa cơm, thế nào cũng có chén rượu đưa cay. Có bao nhiêu rượu quý, bao nhiêu rượu ngon, bao nhiêu rượu để dành, phen này mang ra đãi bạn, rót cho bằng hết mới thôi, rót cho bằng hết mới chịu.

Phạm Hữu Quang rất tài thơ khi dùng nghệ thuật “chơi chữ” ở khổ thơ thứ năm này. Chơi chữ nghĩa là, lợi dụng sự đặc sắc về âm, về nghĩa của từ ngữ để tạo nên sắc thái dí dỏm, hài hước, trào phúng cho câu văn hoặc câu thơ, câu đối, câu đố.

Cụ thể, ở trong câu thơ thứ ba của khổ thơ này, ông cho điệp lại hai từ đồng âm mà khác nghĩa: cốt - chí cốt cầm ra chai rượu cốt.

Chí cốt: là người bạn thân thiết, gắn kết, đồng cam cộng khổ, keo sơn bền chặt, dù vui hay buồn, dù thất bại hay thành công, cũng luôn bên nhau, san sẻ mọi sự.

Rượu cốt: là rượu nước đầu, còn gọi là rượu bọt, có nồng độ rất cao, khoảng sáu bốn, sáu lăm độ. Nếu muốn ra rượu có nồng độ vừa phải, thì người ta sẽ pha nước cốt này với các lần chưng cất thứ hai, thứ ba, kế tiếp.

**
Giang hồ ta chẳng hay áo rách
Sá gì chải lược với soi gương
Sáng nay mới hiểu mình tóc bạc
Chợt tiếng trẻ thưa ở bên đường

Nhiều khi mê mải với cuộc đời, với cơm áo nặng gánh hai vai, lâu lâu nhảy tàu, làm liều một chuyến giang hồ, thăm bạn cố tri, vui thì có vui rồi đó, nhưng lắm lúc, nghe có tiếng trẻ, nó khoanh tay ở bên đường, rồi cúi đầu, cháu chào bác ạ, cháu chào ông ạ, nghe mà giật mình.

Có khi nào chải chuốt hay săm soi đâu mà biết, nên hôm nay, chúng nó chào thế, có lẽ vì đầu tóc mình, đầu tóc mình đã bạc trắng hết rồi.
Ngậm ngùi làm sao!

**

Giang hồ ba bữa buồn một bữa
Thấy núi thành sông biển hoá rừng
Chân sẵn dép giày, trời sẵn gió
Ngựa về. Ta đứng. Bụi mù tung

Mới nói, không đi thì bực bội, bứt rứt ở trong lòng. Mà đi rồi, thì có khi, cái bứt rứt, cái bâng khuâng, cái nôn nao trong lòng, không rõ lý do, nó dâng lên, chiếm cứ, gấp hai, gấp ba lần, so với lúc còn ở nhà ấy chớ.

Trong ba bữa, tính ra, chỉ hai bữa vui thôi, đến bữa thứ ba, ngó cái này, ngó cái kia, sao thấy lênh đênh, mênh mang lắm lắm, không diễn tả được.

Rồi tự hỏi: dưới chân sẵn dép giày đây, để đi, trời đang sẵn gió cao kia, để bay, thì ta còn ngại ngần chi, ta còn lo ra chi, mà không đi tiếp cho phỉ chí bình sinh, cho thỏa lòng mong ước đó đây, bấy lâu nay?

Kìa con ngựa, nó mỏi chân, đang muốn quay về. Đường trước mặt, thì mù bay bụi cát. Ta thì sao? Ta đứng đây. Dùng dằng. Về hay đi tiếp?

Thiệt là rối ren. Thiệt là không biết phải tính đường nào cho phải. Mà giang hồ cảm sao, thì giang hồ viết ra như vậy, chớ còn buồn vì lẽ gì, thì giang hồ cũng chưa gọi được tên.
Giang hồ ba bữa buồn một bữa - là câu thơ hay thứ ba của bài này!

**

Giang hồ tay nải cầm chưa chắc
Hình như ta khóc. Mới hôm qua
Giang hồ ta chỉ giang hồ vặt
Nghe tiếng cơm sôi cũng nhớ nhà.

Đến khổ thơ cuối cùng này, chịu không nổi nữa, đành thừa nhận, nhớ nhà!
Mà nhớ nhà đây, không phải là nhớ vợ, nhớ con đâu nha, là ta nhớ cái tiếng cơm sôi thôi.

Ừa, nhớ tiếng cơm sôi, vậy mà không biết sao, dường như ta có khóc, khóc mới hôm qua nè, chớ có đâu xa.
Như cái tàu lá chuối mắc mưa, ỉu xìu, tự cười mình, có cái tay nải thôi mà cầm còn không chắc, xốc tới xốc lui, rớt lên rớt xuống. Giang hồ gì cái thứ chán mớ đời mình chớ.

Rồi buột miệng luôn, giang hồ như ta ấy à, chỉ giang hồ vặt.
Cả bốn câu thơ trong khổ thơ này, đều tuyệt hay.

******
Bàn thêm chút ở cái tiếng cơm sôi, Cái tiếng cơm sôi ấy mà, có viết đến mấy trang, e cũng chẳng đủ. Tiếng cơm sôi, nay chỉ còn trong thế hệ tôi đổ về trước. Sắp nhỏ bây giờ, lớn lên với cái nồi cơm điện, với cái lò vi sóng, hỏi nó tiếng cơm sôi thế nào, nó đi gõ google liền. Chắc luôn.

Tiếng cơm sôi, chỉ nghe được khi nấu cơm bằng cái nồi có cái nắp vung rời. Khi cơm sôi, cái nắp nó nhảy tưng tưng lên, rung rinh, nghe gạo ở trỏng đang hồi rút nước, nổi bong bóng, nó lụp bụp, lục bục. Lúc đó, phải mau mau mà cho nhỏ lửa lợi, rồi dùng cây đũa cả, hay đôi đũa ăn, ngoáy tròn, đều tay, cho cơm được xới lên, cho hạt nào cũng no nước.

Má tôi ưa có cái màn đổ nước ban đầu cho dư tay, để lúc sôi như này, má tôi chắt lấy nước cơm. Bà hỏi một vòng, xem có đứa nào trong tụi tôi thích cái nước sền sệt ấy không. Nếu không, thì bà cho miếng đường vô rồi húp, coi bộ rất ngon lành.
Tôi nhớ hoài không quên, những năm khổ sở, cơm, thường độn khoai lang, khoai mì, bắp. Tại sao không quên ư? Thì những năm khổ sở ấy, nó kéo dài suốt cả tuổi thơ tôi mà.

******
Ở bài Cuốc Kêu Cảm Hứng, Nguyễn Khuyến viết:

Có phải tiếc xuân mà đứng gọi
Hay là nhớ nước vẫn nằm mơ
Thâu đêm ròng rã ai kêu đó
Giục khách giang hồ dạ ngẩn ngơ

Còn Trần Tế Xương thì viết trong Tự Đắc:

Ăn mặc vẫn ra người thiệp thế
Giang hồ cho biết bạn tương tri
Gặp thời gặp vận nên bay nhảy
Cho thỏa rằng sinh chẳng lỗi thì

Bích Khê với Mộng Trong Hương thì thế này:

Nửa cánh giang hồ bạc nhớ thương
Đêm nay buồn lắm gục bên giường
Ngoài ly Lý Bạch trời như mộng
Sau khói phù dung mộng cố hương

Và đây là Vũ Hoàng Chương trong Đời Vắng Em Rồi Say Với Ai:

Sóng dậy đìu hiu biển dấy sầu
Lênh đênh thương nhớ dạt trời u
Thôi rồi ta nắm tay lần cuối
Chia nẻo giang hồ vĩnh biệt nhau

Riêng bài Chẳng Hay của tác giả Còn Chút Gì Để Nhớ - Vũ Hữu Định, thì giang hồ tự xưng của Định cũng rất dễ thương:

Giang hồ đâu có ai phong ấn
Mà nghĩ từ quan trở lại quê.

Cái từ giang hồ ấy mà, nó xuất hiện khắp nơi. Phim ảnh thì có Tiếu Ngạo Giang Hồ. Còn nhạc thì ôi thôi, hằng hà sa số, Mưa Trên Phố Huế, Còn Thương Rau Đắng Mọc Sau Hè, Phôi Pha, Đàn Chim Việt, Hương Lúa Đồng Quê - đều có từ giang hồ ở trỏng.

******
Để nói về các ông, lâu lâu lại làm cách mạng, đòi vợ thả cho đi mấy bữa, để cùng bạn bè rong chơi, tự do thù tạc, thì không có bài nào mô tả hay bằng bài Giang Hồ. Và cũng không câu thơ nào, nói về giang hồ, mà lại làm người ta xúc động cho bằng hai câu thơ của Phạm Hữu Quang:

Giang hồ ta chỉ giang hồ vặt
Nghe tiếng cơm sôi cũng nhớ nhà.

Sài Gòn 27.02.2024
Phạm Hiền Mây

Không có nhận xét nào: