Tìm bài viết

Vì Bài viết và hình ảnh quá nhiều,nên Quí Vị và Các Bạn có thể xem phần Lưu trử Blog bên tay phải, chữ màu xanh (giống như mục lục) để tỉm tiêu đề, xong bấm vào đó để xem. Muốn xem bài cũ hơn, xin bấm vào (tháng....) năm... (vì blog Free nên có thể nhiều hình ảnh bị mất, hoặc không load kịp, xin Quí Bạn thông cảm)
Nhìn lên trên, có chữ Suối Nguồn Tươi Trẻ là phần dành cho Thơ, bấm vào đó để sang trang Thơ. Khi mở Youtube nhớ bấm vào ô vuông góc dưới bên phải để mở rộng màn hình xem cho đẹp.
Cám ơn Quí Vị

Nhìn Ra Bốn Phương

Thứ Bảy, 9 tháng 3, 2024

Làng Vạn Phúc: Ngàn năm sóng lụa - BaoMai

Câu ca dao tái hiện những sản phẩm dệt vốn được dùng may trang phục thời xưa (the, lĩnh, sồi, lụa, nhiễu…). La, Bưởi, Phùng, Vạn Phúc, Mỗ, … là những làng nghề ven các con sông chi lưu của sông Hồng, tạo thành một vành đai tơ lụa của Thăng Long – Kẻ Chợ, lưu giữ đời sống văn hóa phong tục từng là linh hồn mảnh đất Kinh kỳ.
<!>
Áo lụa Hà Đông


Người Sài Gòn ai cũng biết đến bài “Áo lụa Hà Đông” của Nguyên Sa với hai câu thơ nổi tiếng: “Nắng Sài Gòn anh đi mà chợt mát. Bởi vì em mặc áo lụa Hà Đông”. Lụa Hà Đông trong nhiều tác phẩm văn học, điện ảnh, chính là thứ lụa lộng lẫy, thanh nhã ở làng Vạn Phúc – một trong những làng nghề dệt lụa dệt tơ tằm đẹp và nổi tiếng nhất Việt Nam với lịch sử hàng ngàn năm.


Vạn Phúc là một làng cổ có rất nhiều di tích văn hóa – lịch sử. Đình làng Vạn Phúc có ngôi miếu cổ thờ đức Thành hoàng A Lã Đê Nương hơn 1,100 năm tuổi, hiện còn lưu giữ được một khung cửi cổ, rất nhiều sắc phong của các triều đại cùng những đồ thờ tự quý hiếm. Chùa và giếng cổ Vạn Phúc còn lâu đời hơn cả đình, miếu, bởi có mặt trước cả khi đức Thành hoàng về làng, như trong thần phả còn ghi rõ. Đây cũng chính là cái nôi lụa gấm đất Việt còn lưu giữ được những nét truyền thống và đặc trưng vốn có của vùng quê thanh bình.

Trước kia làng lụa Vạn Phúc là ấp Vạn Bảo hoang sơ nằm bên bờ sông Nhuệ, được bà A Lã Đê Nương là vợ của quan Thái thú Cao Biền về khai khẩn, mộ dân, và truyền dạy nghề dệt. Cái tên Vạn Phúc ra đời từ thời Nguyễn, do kỵ chữ “Bảo” trong tên húy “Bảo/Bửu Lân” của vua Thành Thái.

Lụa Vân được nhắc trong câu ca dao trên là dòng lụa huyền thoại từng vang bóng một thời của Làng Vạn Phúc, đặc sắc nhất trong các sản phẩm lụa cổ truyền của Vạn Phúc vì sự mỏng mịn, mềm mại như mây, là thứ lụa tuyệt phẩm mịn mát với hoa văn tinh xảo vừa nổi vừa chìm.

“Ðiều đặc biệt là để dệt lụa Vân, người thợ phải thao tác hoàn toàn thủ công với hai loại go dây và go võng thay vì một loại go dây như các loại lụa thường. Có lẽ chính vì sự cầu kỳ, khó khăn trong khi dệt mà lụa vân đã từng bị lãng quên,” ông Phạm Khắc Hà – Chủ tịch Hiệp hội Làng nghề Vạn Phúc chia sẻ.

Ươm tơ dệt lụa


Trong các loại vải, lụa tơ tằm là thứ vải quý có nguồn gốc tự nhiên, được dệt bằng những sợi tơ do chính con tằm nhả ra. Để làm nên một tấm lụa hoàn chỉnh phải trải qua bao công đoạn, từ trồng dâu, nuôi tằm, ươm tơ, lấy tơ, nhập tơ, guồng tơ, đánh ống, mắc cửi, nối cửi, dệt rồi nhuộm…

Trồng dâu nuôi tằm


Ở xã hội xưa, làm nông và nuôi tằm là hai ngành nghề được triều đình tổ chức nghi thức tế lễ chính thức bằng các hoạt động như Tịch điền và tế Xã Tắc Tiên Nông. Điều này cũng đủ thấy sức ảnh hưởng của nông nghiệp đến đời sống của người dân và xã hội thời bấy giờ.

Tằm ưa khí hậu mát mẻ, nên người ta thường nuôi tằm vào mùa thu và mùa xuân. Vòng đời của con tằm từ 23 đến 25 ngày, trải qua bốn lần lột xác, được nuôi bằng lá dâu để tằm tạo ra tơ.

Dâu thường được trồng trên những ruộng đất phù sa màu mỡ, và mỗi năm được đốn hai lần để phát triển nhanh và khoẻ, đủ cung cấp lá cho các lứa tằm. Sau khoảng ba tuần tằm phát triển đến kích thước tối đa của nó, mình tròn, da căng bóng, trong suốt, tằm ngừng ăn, đó là lúc tằm chín, sẵn sàng để nhả tơ, tạo kén.

Ươm tơ

Tiếp đến là quy trình ươm tơ để kéo sợi tơ từ kén tằm thành sợi tơ tằm. Người thợ cho kén tằm vào đảo trong nồi nước sôi để làm cho lớp keo tơ tan ra giúp kén mềm, dễ rút sợi. Kén tằm được khỏa nước liên tục và cuốn vào guồng kéo sợi quay thành từng bó tơ dài rồi phơi lên sào cho khô. Sau khi phơi xong, tơ sẽ được cuốn vào những ống suốt để chuẩn bị cho quy trình dệt. Tùy theo chất lượng tơ, cách xử lý sợi tơ và cách xoắn sợi tơ, ta sẽ có những loại tơ khác nhau như sợi mốt, sợi mành, sợi đũi, sợi đơn, sợi khổ, sợi xoắn… rồi tùy theo cách dệt lại cho ra loại vải khác nhau.

Xe sợi dệt lụa


Sau khi tằm nhả tơ, đóng kén, những tổ kén già có phẩm chất tốt sẽ được chọn để kén – tức là kéo các sợi tơ từ kén ra khỏi con tằm. Xong công đoạn kéo kén thì những sợi tơ dài sẽ được chuốt thẳng rồi bước vào công đoạn guồng tơ. Đây chính là công đoạn làm thủ công để tránh bị rối tơ khi cho vào guồng.

Lụa được dệt bằng khung cửi. Kiểu dệt cổ truyền là phối hợp các loại sợi dọc và ngang bằng cách tay đưa, chân dậm cùng lúc sao cho sợi dọc và sợi ngang khít với nhau, độ dày vừa phải. Người thợ dệt phải có tay nghề khéo léo, tỉ mỉ kiên nhẫn thì mới dệt được tấm vải ưng ý.


Gấm, vân, lĩnh, đoạn, vóc, the, sa, xuyến, băng, cấp, lượt, lương, lụa, là, nhiễu, kỳ cầu, đũi, sồi, nái… là các sản phẩm dệt ra từ tơ tằm, nhưng lụa vẫn là loại vải được ưa dùng nhất. Những vuông lụa dệt xong chỉ có màu trắng ngà hay vàng mỡ gà, được nhuộm qua nhiều công đoạn bằng các nguyên liệu từ tự nhiên như hột dành dành, lá bàng, than, gạch, mặc nưa… để tạo nên những thước lụa óng ả đủ màu sắc và hoa văn phong phú.

Trải qua hàng nghìn năm, từ thời vua Hùng, dân ta đã biết trồng dâu, nuôi tằm, ươm tơ, dệt lụa. Qua đôi tay khéo léo, những tấm lụa tơ tằm mềm mượt được dệt nên từ sự chăm chút, kiên nhẫn, tỉ mỉ, óc thẩm mỹ tuyệt vời của những dân làng vốn vẫn âm thầm một nắng hai sương với cây dâu, con tằm, để rồi nối tiếp qua bao đời, tạo nên bản sắc văn hóa truyền thống đặc sắc của người Việt.

Danh tiếng ngàn năm


Nằm bên bờ sông Nhuệ, làng lụa Vạn Phúc vẫn còn giữ được ít nhiều nét cổ kính ngày xưa như hình ảnh cây đa cổ thụ, giếng nước, sân đình. Trong nhiều gia đình, khung dệt cổ vẫn được giữ lại, dù ngày nay máy móc hiện đại đã trở nên phổ biến.

Hàng trăm năm trước, những thước lụa quý, mềm mịn mát tay, ấm vào mùa đông mà mát vào mùa hè, với hoa văn cực kỳ tinh xảo này không chỉ là vật phẩm tiến cống vua các triều đại Lý, Trần, Lê, Nguyễn, mà còn theo chân khách buôn sang phương Tây, Trung cộng, Nhật Bản, Triều Tiên, và một số nước Đông Nam Á qua con đường giao thương tại các cửa biển.


Dưới triều Nguyễn, lụa cùng các phụ phẩm khác như sa, gấm, đũi của Vạn Phúc được lựa chọn để may quốc phục cho hoàng triều.

Đến thời Pháp thuộc, lụa Vạn Phúc đã gây được tiếng vang lớn khi mang sang dự “đấu xảo” ở hội chợ Marseille và Paris (Pháp), và đã được người Pháp đánh giá là một trong những dòng lụa tinh xảo, đẹp nhất của vùng Đông Dương. Đến năm 1958, tơ lụa Vạn Phúc đã được xuất sang những nước Đông Âu và cho đến nay lụa Hà Đông được ưa chuộng tại nhiều nước trên thế giới.

Vậy là từ khung cửi thô sơ, dưới bàn tay tài khéo của những người thợ lành nghề Vạn Phúc, những súc lụa tơ tằm đã trở thành mặt hàng được ưa chuộng của cả giới thượng lưu khi đó.


Hiện nay, làng Vạn Phúc có khoảng 1,000 khung dệt, sản xuất nhiều loại lụa cung cấp cho thị trường trong và ngoài nước, trong đó có các loại lụa cao cấp như lụa vân quế hồng diệp và lụa vân lưỡng long song phượng.

Đây là làng nghề dệt lụa truyền thống đã được công nhận là “Làng nghề dệt lụa tơ tằm lâu đời nhất vẫn còn duy trì hoạt động đến ngày nay”.

Không có nhận xét nào: