Tìm bài viết

Vì Bài viết và hình ảnh quá nhiều,nên Quí Vị và Các Bạn có thể xem phần Lưu trử Blog bên tay phải, chữ màu xanh (giống như mục lục) để tỉm tiêu đề, xong bấm vào đó để xem. Muốn xem bài cũ hơn, xin bấm vào (tháng....) năm... (vì blog Free nên có thể nhiều hình ảnh bị mất, hoặc không load kịp, xin Quí Bạn thông cảm)
Nhìn lên trên, có chữ Suối Nguồn Tươi Trẻ là phần dành cho Thơ, bấm vào đó để sang trang Thơ. Khi mở Youtube nhớ bấm vào ô vuông góc dưới bên phải để mở rộng màn hình xem cho đẹp.
Cám ơn Quí Vị

Nhìn Ra Bốn Phương

Thứ Hai, 4 tháng 9, 2023

Chất làm đặc thực phẩm Carrageenan là một chất gây bệnh - BaoMai

Dù quý vị có tin hay không, thì hầu hết thực phẩm chế biến sẵn mà chúng ta ăn đều chứa một chất làm đặc gọi là carrageenan. Các nghiên cứu cho thấy, chất phụ gia thực phẩm này là một chất độc, góp phần gây ra tình trạng không dung nạp và dị ứng thức ăn. Trong cuốn sách “Hướng Dẫn Dành Cho Người Tiêu Dùng về Các Chất Phụ Gia Thực Phẩm Độc Hại,” tác giả Bill và Linda Bonvie giới thiệu nhiều chất phụ gia trong thực phẩm hàng ngày, cách xác định cũng như cách loại bỏ ra khỏi thực đơn ăn uống.
<!>
Trong phần trích dẫn của cuốn sách, chúng ta sẽ tìm hiểu về carrageenan.


Dựa vào số lượng quảng cáo trên truyền hình về các loại thuốc dùng để giảm các triệu chứng khác nhau của đường tiêu hóa, ta có thể dễ dàng kết luận rằng đây là vấn đề mà hàng triệu người Mỹ đang gặp phải; từ đầy hơi, khó chịu đến các tình trạng nghiêm trọng hơn như hội chứng ruột kích thích và viêm loét đại tràng.

Tuy nhiên, có thể nào nhiều căn bệnh trong số này lại là hậu quả từ một chất phụ gia “xấu,” một chất từ lâu được coi là an toàn nhờ đặc tính “tự nhiên” đến mức được phép dùng trong thực phẩm hữu cơ, mặc dù ngày càng có nhiều bằng chứng khoa học cho thấy điều này là không đúng?

Câu trả lời là “có.” Nếu bạn đang phải đối mặt với các vấn đề về dạ dày kinh niên, rất có thể những triệu chứng sẽ được giảm nhẹ chỉ bằng cách loại bỏ thực phẩm chế biến sẵn có chứa chất làm đặc thực phẩm carrageenan khỏi thực đơn.

Nhiều loại thực phẩm và đồ uống đã qua chế biến có chứa carrageenan, từ nước dừa, sản phẩm sữa ít béo, sản phẩm thay thế sữa, thanh dinh dưỡng, cho đến thịt nguội và thịt gà nấu sẵn.


Có thể thay thế carrageenan bằng các chất phụ gia khác có tác dụng tương tự nhưng an toàn hơn, như guar gum (là chất chiết xuất từ hạt cây guar, năm 1988 các nhà nghiên cứu của Cục quản lý Thực phẩm và Dược phẩm đã phát hiện rằng guar gum không gây tổn thương ruột kết ở chuột thí nghiệm, trong khi chất làm đặc thực phẩm carrageenan thì có). Trong một số trường hợp, chỉ cần lắc đều hộp đựng sản phẩm trước khi dùng là có thể có hiệu quả tương tự. Tuy nhiên, nhiều công ty thực phẩm vẫn tiếp tục dùng carrageenan, bao gồm các công ty tuyên bố chỉ có các thành phần “lành mạnh” trong những sản phẩm này.

Cách các nhà hoạch định chính sách im lặng trước những nghiên cứu báo động về Carrageenan


Những lo ngại về tính an toàn của carrageenan đã xuất hiện từ năm 1969, khi các nhà nghiên cứu liên kết việc dùng chất này trong thực phẩm với bệnh đường tiêu hóa và ung thư ruột kết ở động vật trong phòng thí nghiệm.

Năm 2013, trong một báo cáo có tiêu đề “Carrageenan: Cách Một Chất Phụ Gia Thực Phẩm “Tự Nhiên” Khiến Chúng Ta Bị Bệnh,” Viện Cornucopia, là một nhóm nghiên cứu chính sách nông trại phi lợi nhuận có trụ sở tại Wisconsin đã trình bày chi tiết các nghiên cứu khoa học và các bằng chứng khác phản đối thành phần này, thúc giục người tiêu dùng tránh xa thực phẩm chứa chất làm đặc thực phẩm carrageenan.

Báo cáo lưu ý rằng “những người tiêu thụ carrageenan thường xuyên hoặc hàng ngày, thì tình trạng viêm sẽ liên tục và kéo dài. Đây là một vấn đề sức khỏe nghiêm trọng vì tình trạng viêm kéo dài là tiền thân của những căn bệnh nghiêm trọng hơn,” đồng thời cho biết có hơn 100 căn bệnh ở người bao gồm ung thư có mối liên hệ với viêm nhiễm kéo dài.

Viện Cornucopia cũng đã gửi thư cho Ủy viên Cục quản lý Thực phẩm và Dược phẩm lúc bấy giờ là bà Margaret Hamburg, đề xuất xem xét lại đơn kiến nghị của một công dân nộp vào năm 2008, vốn yêu cầu Cục quản lý Thực phẩm và Dược phẩm cấm sử dụng carrageenan trong thực phẩm. Cơ quan này đã bác bỏ đơn kiến nghị vào năm 2012. Đây là đơn kiện do Tiến sĩ Joanne Tobacman đệ trình. Bà là bác sĩ kiêm nhà khoa học tại Đại học Illinois ở Chicago, người đã dành gần hai thập niên để nghiên cứu các tác động của carrageenan và đã xuất bản 18 bài nghiên cứu được bình duyệt về chủ đề này.


Bức thư do bà Charlotte Vallaeys, là giám đốc Chính sách Thực phẩm và Nông trại của Viện ký tên, với nội dung: “Khi nhiều tài liệu khoa học được tài trợ công khai cho thấy tác hại khi tiêu thụ một chất phụ gia thực phẩm vốn đang được sử dụng rộng rãi nhưng lại không cần thiết, Cục quản lý Thực phẩm và Dược phẩm nên hành động vì lợi ích sức khỏe cộng đồng.” Bà cho biết mọi tuyên bố ủng hộ tính an toàn của carrageenan trong thực phẩm “có thể bị bác bỏ, dựa trên bằng chứng khoa học vững chắc.”

Bức thư trên cũng bao gồm một phụ lục về các nghiên cứu vốn chỉ ra điểm thuận lợi và không thuận lợi đối với bản kiến nghị. Đó là các nghiên cứu ủng hộ đơn kiến nghị được tài trợ bởi các tổ chức công lập và tư nhân mà không có bất kỳ lợi ích tài chính nào đối với kết quả, trong khi các nghiên cứu không ủng hộ đơn kiến nghị thì “hầu như là do ngành công nghiệp tài trợ, lợi nhuận có được từ việc tiếp tục sử dụng carrageenan trong thực phẩm.”


Bức thư còn cho biết “không có lợi ích gì cho xã hội hoặc sức khỏe cộng đồng khi thêm chất làm đặc thực phẩm carrageenan vào thức ăn hoặc đồ uống,” vốn “chỉ để thay đổi kết cấu của thực phẩm.”

Cũng như nhiều trường hợp khác liên quan đến các chất ổn định thực phẩm, Cục quản lý Thực phẩm và Dược phẩm đã từ chối hành động theo kiến nghị. Không nản lòng, vào tháng 04/2016, Viện Cornucopia đã cập nhật và công bố một báo cáo dài 49 trang về chất làm đặc thực phẩm carrageenan với phụ đề Các nghiên cứu mới củng cố mối liên hệ giữa carrageenan với viêm nhiễm, ung thư và tiểu đường. Báo cáo bao gồm các bản tóm tắt chi tiết về các phát hiện khoa học từ năm 1969 đến 2016, các biểu đồ và đồ thị về các vấn đề kỹ thuật, phản ứng của người tiêu dùng liên quan đến carrageenan và các triệu chứng tiêu hóa, thậm chí có một phần dành cho phản hồi của các nhà sản xuất thực phẩm đối với dữ liệu khoa học về carrageenan.

Nói cách khác, báo cáo này không đơn thuần là đánh giá hời hợt. Trong lúc đọc, chúng ta sẽ sớm nhận ra rằng các nhân viên của Viện đã thực sự nghiên cứu rất kỹ vấn đề này và tập hợp lại thành một thứ có thể gọi là “tiền án” đau lòng để gióng lên hồi chuông cảnh báo về các quy định. Tuy nhiên, những nỗ lực và chuyên môn của nhiều nhà nghiên cứu thể hiện trong bản đánh giá dường như không tạo ra một chút khác biệt nào đối với các nhà hoạch định chính sách của Cục quản lý Thực phẩm và Dược phẩm. Cũng như nhiều trường hợp khác được ghi lại trong cuốn sách cho thấy, rất hiếm khi những nhà xây dựng chính sách của cơ quan này tuyên bố một chất phụ gia thực phẩm vốn đã được phê chuẩn trước đây là không an toàn và ra lệnh loại bỏ.


Báo cáo mới nhất cho thấy, carrageenan có nguồn gốc từ rong biển đỏ, có thể được chế biến thành 2 loại: “food grade” (Tạm dịch: “cấp độ thực phẩm” được chứng nhận là an toàn cho người) hoặc “degraded” (Tạm dịch: “không được phân cấp”). Carrageenan không được phân cấp được công nhận là “chất có thể gây ung thư ở người,” không được phép sử dụng trong thực phẩm do tính vô cùng dễ gây viêm đến nỗi trong các nghiên cứu khoa học, chất này được sử dụng rộng rãi để gây viêm động vật thí nghiệm nhằm thử nghiệm một số loại thuốc.

Mặc dù “cấp độ thực phẩm” nghe có vẻ đủ an toàn, nhưng nhiều nghiên cứu đã cho thấy dù chỉ một lượng nhỏ loại này được thêm vào thực phẩm cũng đủ để gây viêm ruột kết ở người. Báo cáo khẳng định rằng nguyên nhân là do chất làm đặc thực phẩm carrageenan có “các liên kết hóa học đặc trưng mà các loại rong biển hoặc gum (kẹo cao su chiết xuất từ đậu guar) khác không có.” Liên kết này được cho là kích hoạt phản ứng miễn dịch tương tự như cách mà cơ thể phản ứng lại với các mầm bệnh như Salmonella, dẫn đến viêm đường tiêu hóa. Báo cáo cũng cho biết, tình trạng viêm kéo dài có thể dẫn đến các căn bệnh nghiêm trọng khác, bao gồm ung thư.
Tuy nhiên, có lẽ điều đáng lo ngại nhất là những phát hiện cho thấy carrageenan “cấp độ thực phẩm” không thực sự là sản phẩm vô hại như được mô tả. Trước hết, không có một mẫu nào do 6 phòng thí nghiệm khác nhau phân tích theo yêu cầu của Ủy ban châu Âu hoàn toàn không tìm thấy loại “không được phân cấp,” vốn được coi là nguy cơ gây ung thư. Một phòng thí nghiệm báo cáo rằng ⅔ mẫu vượt quá 5% (con số lớn nhất được tìm thấy trong một mẫu là 25%). Ngoài ra, các nghiên cứu mô phỏng các điều kiện acid trong đường tiêu hóa của người phát hiện rằng carrageenan cấp thực phẩm có thể chuyển đổi thành loại “không được phân cấp” trong quá trình tiêu hóa.

Loại bỏ carrageenan khỏi thực đơn đã thay đổi cuộc sống


Đáp lại một cuộc khảo sát trực tuyến do Viện đăng tải trong 3 năm, khoảng 1,397 cá nhân đã báo cáo rằng các triệu chứng đường tiêu hóa đã hoàn toàn biến mất hoặc cải thiện đáng kể sau khi từ bỏ thực phẩm có chứa chất làm đặc thực phẩm carrageenan.

Chẳng hạn, một cư dân đến từ Manitoba, Canada, mô tả rằng cô bị “co thắt dạ dày dữ dội, cơ thể đau nhức và đầy hơi cực độ.” Các triệu chứng kéo dài từ 24 đến 48 tiếng sau khi ăn nhiều loại thực phẩm khác nhau. Sau đó, cô thấy trong một Tập san thực phẩm nói rằng tất cả những thực phẩm này đều chứa carrageenan. Cô nói, kể từ khi loại bỏ carrageenan khỏi thực đơn thì các vấn đề này đã không còn. Tuy nhiên, cô cũng cho biết bản thân đã phải rất cẩn thận để không ăn dù chỉ một lượng nhỏ, vì chừng đó thôi cũng đủ khiến cô “khổ sở hàng giờ.”

Một người khác đến từ Morgantown, Tây Virginia, kể về việc “không ngừng nôn mửa và đổ mồ hôi/ớn lạnh,” phải đến phòng cấp cứu để truyền dịch và uống thuốc, đồng thời bị mất nước nghiêm trọng. Tất cả các xét nghiệm đều không tìm ra nguyên nhân ngoại trừ một nguyên nhân liên quan đến đồ uống barium có chứa carrageenan. Khi đồ uống gây nôn mửa dữ dội, cô nhận ra rằng thành phần này có thể là nguyên nhân.

Sau đó, có một cư dân đến từ St. Louis mô tả việc bị đau dạ dày đến mức “khiến cô bất lực thực sự” sau khi ăn kem và sinh tố ở quán cà phê, mặc dù cô không bị chứng không dung nạp lactose. Sau khi nhận thấy rằng tất cả các sản phẩm liên quan đều có điểm chung là carrageenan, cô bắt đầu tránh chất phụ gia này và hiện có thể làm những việc mà trước đây cô ấy không thể làm, như đi cắm trại qua đêm và chèo thuyền.


Một phụ nữ đến từ Ottawa, Canada, chia sẻ, “Bây giờ tôi đã loại bỏ carrageenan khỏi thực đơn, cuối cùng tôi cũng có thể sống một cuộc sống bình thường.”

Người tiêu dùng đưa ra quyết định

Như Viện Cornucopia đã chỉ ra trong thư gửi Cục quản lý Thực phẩm và Dược phẩm, một số nhà sản xuất thực phẩm đã thay thế carrageenan bằng các chất làm đặc và ổn định khác, hoặc loại bỏ hoàn toàn chất làm đặc và yêu cầu khách hàng của họ lắc sản phẩm trước khi dùng. “Nếu carrageenan bị cấm, ngành công nghiệp thực phẩm sẽ nhanh chóng thích nghi.” Trong một số trường hợp, đó dường như chính xác là những gì đang diễn ra với áp lực từ những người tiêu dùng sáng suốt đóng vai trò là chất xúc tác cho sự thay đổi.

Một minh họa hoàn hảo cho điều này là sự thay đổi 180 độ do công ty WhiteWave Foods thực hiện, bao gồm các thương hiệu Horizon và Silk. Việc công ty phản đối bất kỳ đề nghị nào nhằm loại bỏ chất làm đặc thực phẩm carrageenan khỏi các sản phẩm do WhiteWave sản xuất được ghi lại trong báo cáo ban đầu của Viện vào năm 2013. Báo cáo cho biết những phản hồi từ người tiêu dùng được đăng trên Facebook của Horizon Organic về việc họ yên tâm như thế nào đối với tính an toàn của carrageenan cấp thực phẩm. Khi những người tiêu dùng trả lời rằng các nghiên cứu khoa học cho thấy điều ngược lại, họ lại nhận được câu trả lời chiếu lệ về cách công ty “luôn theo dõi và xem xét khoa học mới nổi.”


Hơn nữa, báo cáo còn lưu ý rằng phó chủ tịch và là nhà vận động hành lang chính của công ty, mặc dù nằm trong số những người cung cấp các phát hiện khoa học mới nhất về tác hại của chất phụ gia, rốt cuộc đã làm chứng ủng hộ việc giữ carrageenan trong thực phẩm hữu cơ tại cuộc họp NOSB năm 2012.

Tuy nhiên, sau khi cô Vani Hari, người viết blog “Food Babe” cảnh báo những người đang theo dõi blog này về sự nguy hiểm của carrageenan, thì công ty WhiteWave đã hoàn toàn đổi hướng 180 độ và công bố kế hoạch loại bỏ carrageenan vào năm 2014, đồng thời cho biết, “Người tiêu dùng của công ty đã bày tỏ quan điểm, mong muốn có những sản phẩm không có carrageenan và chúng tôi đang lắng nghe họ!”


Hãng thông tấn Associated Press dẫn lời phát ngôn viên của công ty là Sara Loveday, nói rằng WhiteWave “vẫn nghĩ rằng carrageenan an toàn, nhưng đã quyết định loại bỏ chất này vì phản hồi của khách hàng quá mạnh mẽ.” Cô nói thêm, “Khi người tiêu dùng lên tiếng về điều đó và thể hiện mạnh mẽ đến một mức độ nhất định, thì chúng ta biết rằng đã đến lúc phải thay đổi.”

Rõ ràng, những phản hồi như vậy là cần thiết để loại bỏ chất phụ gia gây viêm này và các thành phần độc hại khác ra khỏi thực phẩm. Hãy bắt đầu bằng thói quen đọc thành phần sản phẩm trên bao bì (ngay cả những sản phẩm hữu cơ, có liên quan đến carrageenan), tránh những sản phẩm có chất phụ gia gây hại và để cho các nhà sản xuất những thực phẩm đó biết lý do tại sao.

Cách để loại carrageenan ra khỏi thức ăn dành cho vật nuôi


Bất chấp tất cả các nghiên cứu vốn liên kết chất này với những tác hại đối với hệ tiêu hóa, carrageenan vẫn còn trong các loại “thức ăn cho người,” cho nên không có gì ngạc nhiên khi carrageenan cũng có mặt trong nhiều loại thức ăn đóng hộp dành cho vật nuôi đặc biệt là thức ăn dành cho mèo.

Việc tìm thức ăn đóng hộp chất lượng cao cho mèo không chứa thành phần cảnh báo này đôi khi hơi khó khăn. Nhưng nếu bạn muốn giữ cho chú mèo Fluffy vui vẻ, đồng thời có thể tránh cho bản thân và chú mèo phải ghé thăm bác sĩ thú y một cách không cần thiết, thì có vài cửa hàng vật nuôi hiện đang cung cấp một số sản phẩm không chứa chất làm đặc thực phẩm carrageenan (như nhãn hiệu Wild Calling và Nutro FreeStyle), còn có những sản phẩm khác có thể đặt hàng trực tuyến.

Tuy nhiên, trừ khi một sản phẩm được quảng cáo là “không chứa carrageenan,” tốt nhất bạn nên kiểm tra thành phần trước khi mua (cũng giống như với “thức ăn cho người”), vì chất này thường được che đậy trong những thành phần có lợi hơn.

Linda và Bill Bonvie là hai chị em ký giả đã dành hơn hai thập niên để viết về các vấn đề an toàn thực phẩm và môi trường cho các tập san và báo. Họ cũng là đồng tác giả của một số cuốn sách bao gồm “Chemical-Free Kids” (Tạm dịch: Trẻ Em Không Dùng Hóa Chất”) và “A Consumer’s Guide to Toxic Food Additives.” (Tạm dịch: Hướng Dẫn Dành Cho Người Tiêu Dùng về Phụ Gia Thực Phẩm Độc Hại)


Bài viết này đã được điều chỉnh từ cuốn sách “Hướng dẫn dành cho người tiêu dùng về các phụ gia thực phẩm độc hại” của Bill và Linda Bonvie.

Công Thành

Không có nhận xét nào: