Tìm bài viết

Vì Bài viết và hình ảnh quá nhiều,nên Quí Vị và Các Bạn có thể xem phần Lưu trử Blog bên tay phải, chữ màu xanh (giống như mục lục) để tỉm tiêu đề, xong bấm vào đó để xem. Muốn xem bài cũ hơn, xin bấm vào (tháng....) năm... (vì blog Free nên có thể nhiều hình ảnh bị mất, hoặc không load kịp, xin Quí Bạn thông cảm)
Nhìn lên trên, có chữ Suối Nguồn Tươi Trẻ là phần dành cho Thơ, bấm vào đó để sang trang Thơ. Khi mở Youtube nhớ bấm vào ô vuông góc dưới bên phải để mở rộng màn hình xem cho đẹp.
Cám ơn Quí Vị

Nhìn Ra Bốn Phương

Thứ Năm, 28 tháng 9, 2023

ĐIỂM BÁO PHÁP QUỐC :NGÀY 27/09/2023 - Duke Nguyen

Tập Cận Bình có thực sự kiểm soát được quân đội Trung Quốc ?Le Monde ngày 27/09/2023 nhận định « Tập Cận Bình đối mặt với sai lầm của chính mình trong việc bố trí nhân sự cho quân đội Trung Quốc ». Mười năm sau khi lên cầm quyền, liệu ông Tập có thực sự kiểm soát được quân đội ? Việc thay hai tướng lãnh của quân chủng hỏa tiễn và sự mất tích của bộ trưởng Quốc Phòng Lý Thượng Phúc khiến người ta phải đặt ra câu hỏi này. Chủ tịch Quân ủy Trung ương Tập Cận Bình và tân tư lệnh Quân chủng hỏa tiễn Vương Hậu Bân (T), chính ủy Từ Tây Thịnh (P), sau khi cả hai được phong tướng. Ảnh của Tân Hoa Xã ngày 31/07/2023. AP - Li Gang Thụy My
<!>
Chống tham nhũng trong quân đội : Chưa có hồi kết
Suốt cả thập niên qua, Tập Cận Bình nắm trong tay cả ba vị trí tổng bí thư, chủ tịch nước và chủ tịch Quân ủy Trung ương - cơ quan lãnh đạo quân đội. Theo tác giả Bates Gill của Asia Society Policy Institute, trước thời ông Tập, trong những năm 1990 và 2000, quân đội Trung Quốc trở nên độc lập hơn và phi chính trị. Tham nhũng lan tràn trong việc quản lý các quán bar, nhà thổ, công ty vận tải… ; tham ô, mua quan bán tước phổ biến ở mọi cấp.

Từ 2014, Tập Cận Bình cho bắt giam hai tướng Từ Tài Hậu (Xu Caihou) và Quách Bá Hùng (Guo Boxiong), đều là phó chủ tịch Quân ủy. Tổng cộng trong mười năm qua đã có 13.000 quân nhân bị kỷ luật, trong đó có hơn một chục tướng. Tập cũng sắp xếp lại đội ngũ để phá vỡ quyền lực của những ông trùm, cho tăng ngân sách nhưng giảm bớt 300.000 quân để duy trì lực lượng hành động ở con số 2 triệu. Những động thái này khiến Tập Cận Bình gây không ít bất mãn trong quân đội.

Những diễn biến mới đây cho thấy việc tổ chức lại quân đội vẫn chưa kết thúc. Theo Washington, bộ trưởng Lý Thượng Phúc bị điều tra vì tham nhũng. Vốn là kỹ sư, ông Lý là một trong những người chủ trì chương trình không gian Trung Quốc. Năm 2017, ông được bổ nhiệm làm chủ nhiệm bộ Phát triển Trang bị của Quân ủy, có nghĩa là giám sát mọi việc mua bán vũ khí. Cũng vì mua vũ khí Nga nên Lý Thượng Phúc bị Hoa Kỳ trừng phạt.

Sau thanh trừng đối thủ, đến lượt tay chân thân tín
Thế nhưng cuối tháng Bảy, Ủy ban Kiểm tra Trung ương mở điều tra về bộ phận này. Liệu Ủy ban sẽ lần đến những năm trước cái mốc 2017 hay không ? Người tiền nhiệm của Lý Thượng Phúc là thượng tướng Trương Hựu Hiệp (Zhang Youxia), dù đã 73 tuổi vẫn được ông Tập cho lưu giữ chức vụ phó chủ tịch Quân ủy. Trên thực tế, Trương Hựu Hiệp là tướng lãnh quyền lực nhất, là gạch nối giữa Tập Cận Bình và quân đội. Nếu đến lượt ông Trương bị điều tra tham nhũng, sẽ là một trận động đất trong giới quân nhân.

Trương Hựu Hiệp không xuất hiện trước công chúng từ ngày 08/09 đến nay, gây ra nhiều đồn đãi. Nhất là cùng lúc đó ông Tập lại trảm cả đầu não lực lượng rất chiến lược là hỏa tiễn, bổ nhiệm hai tướng từ hải quân và không quân lên thay. Nếu trong những năm đầu, việc thanh trừng nhắm vào các đối thủ chính trị của Tập Cận Bình, thì những nhân vật bị kỷ luật hiện nay do chính ông Tập đưa lên. Bates Gill kết luận, chừng như tham nhũng vẫn dai dẳng, như vậy cần đặt dấu hỏi về khả năng áp đặt của ông Tập lên đế chế Giải phóng quân.

Bất đồng về việc đánh chiếm Đài Loan ?


Nhưng phải chăng chỉ có vấn đề duy nhất là tham nhũng ? Marc Julienne, Viện Quan hệ Quốc tế cho rằng, với vị trí và chuyên môn của Lý Thượng Phúc trong lãnh vực không gian, khó thể đơn giản như vậy. Tương tự, việc thay người, đưa hai sĩ quan chưa hề có kinh nghiệm trong lãnh vực hỏa tiễn lên lãnh đạo quân chủng chiến lược này cho thấy có thể do bất đồng chính trị nên những « con chiên lạc » mới bị loại ra ngoài.

Nhà Trung Quốc học Alex Payette chỉ ra nhiều cái tên trong danh sách « mất tích », ngoài Trương Hựu Hiệp, Lưu Á Châu (Liu Yazhou) cựu chỉ huy lực lượng hỏa tiễn và Lý Ngọc Siêu (Li Yuchao) cựu chính ủy đại học Quốc phòng, « không mấy hào hứng về một chiến dịch quân sự chống Đài Loan ». Dù ý kiến các chuyên gia có khác nhau, nhưng chứng tỏ Tập Cận Bình đã sai lầm trong việc bố trí nhân sự, và không ai kể cả những người thân cận ông ta có thể tránh được việc bất ngờ bị thất sủng.

Kinh tế Trung Quốc lao đao, dân Hoa lục vẫn tiêu xài
Về kinh tế, Le Monde cảnh báo đừng vội « chôn vùi » Trung Quốc quá sớm. Đã đành là nhiều công ty địa ốc mất khả năng chi trả, chính quyền các địa phương nợ nần rất nhiều, hơn 1/5 thanh niên thành phố thất nghiệp...nhưng không thể nói là Trung Quốc đang sụp đổ. Tại Bắc Kinh và các thành phố lớn, các nhà hàng, trung tâm thương mại vẫn đông khách, khó tìm mua vé xe lửa trong kỳ nghỉ Trung Thu.

Mặc cho xu hướng dân tộc chủ nghĩa và mẫu Huawei mới nhất Mate 60 Pro vừa ra, người tiêu dùng vẫn chen chúc trước các cửa hàng Apple để mua iPhone 15. Tóm lại, dù Trung Quốc đang lao đao, người dân Hoa lục vẫn bình thường. Sau ba năm bị phong tỏa do chính sách zero Covid, số tiền tiết kiệm của các hộ gia đình đã tăng thêm 2.500 tỉ đô la trong năm 2022. Và do dân số sút giảm nên GDP tính theo đầu người tăng lên, thế nên việc mua iPhone không quá khó, kể cả Tesla.

Tư lệnh Hạm đội Hắc Hải còn sống hay đã chết ?
Liên quan đến chiến tranh ở Ukraina, đô đốc Nga Sokolov được Ukraina cho là đã tử thương, nhưng lại xuất hiện trong một video của Nga, sự thật ra sao ? Libération phân tích trong mục Check News. Ngày 25/09 danh khoản Telegram của lực lượng đặc biệt Ukraina thông báo đô đốc Viktor Sokolov đã thiệt mạng trong vụ oanh kích ngoạn mục hôm 22/09 trúng ngay tổng hành dinh Hạm đội Hắc Hải ở Crimée, AFP và nhiều tờ báo đã đưa lại thông tin này. Nhiều video nghiệp dư quay tại Sébastopol cho thấy cảnh các hỏa tiễn Scalp tấn công, và những hình ảnh vệ tinh xác nhận tòa nhà đã bị phá hủy. Tuy nhiên giám đốc tình báo Ukraina Kyrylo Budanov hôm 23/09 vẫn tỏ ra thận trọng chưa xác nhận.

Về phía Nga ban đầu chần chừ không nói gì về số nạn nhân trong vụ oanh kích. Nhưng đến hôm qua 26/09 ông Sokolov tái xuất hiện trong một cuộc họp qua video với bộ trưởng Quốc Phòng Serguei Shoigu. Lực lượng đặc biệt Ukraina cho biết « đang làm rõ thông tin » vì nhiều xác biến dạng chưa thể nhận diện. Libération không thể khẳng định tính xác thực của video trên, nhưng giờ được ghi là 11 giờ 20 ngày 26/09, bối cảnh và dạng thức phù hợp với các video trước đó của bộ Quốc Phòng Nga. Ông Sokolov được zoom cận cảnh nhiều lần, khác hẳn với những cuộc họp bình thường, có lẽ nhằm chứng minh ông ta còn sống.

Đây không phải là lần đầu tiên « người chết sống lại » đối với phía Nga, như trường hợp thủ lãnh Chechnya, Ramzan Kadyrov. Matxcơva cũng đã nhiều lần loan tin tổng tham mưu trưởng quân đội Valeri Zaloujny hay giám đốc tình báo Kyrylo Budanov của Ukraina đã thiệt mạng.

Lãnh hai đòn ở Hắc Hải, Nga cay cú trả đũa vào Odessa
Cũng về Ukraina, phóng sự của Le Monde mô tả « Odessa, một đêm dưới bom Nga ». Một trận mưa hỏa tiễn và drone đã trút xuống thành phố cảng Ukraina làm hai người chết và gây nhiều thiệt hại nặng nề.Vào khoảng mười hai giờ rưỡi khuya Chủ nhật 24/09, đêm Odessa bốc lửa trong suốt nửa tiếng đồng hồ. Bầu trời rực đỏ, những tiếng nổ vang rền khi phòng không chặn được hỏa tiễn Nga và khi chúng đạt được mục tiêu, ánh sáng của những lằn đạn nhắm vào các drone.

Chỉ riêng trong đêm hôm đó, Nga đã phóng đi 19 drone Shahed và hai hỏa tiễn hành trình P-800 Oniks, thêm 12 hỏa tiễn Kalibr. Một tàu ngầm Nga tham gia chiến dịch này. Ukraina khẳng định đã bắn hạ tất cả các drone Nga trong đêm, nhưng một trong số các hỏa tiễn Kalibr và Oniks đã xuyên qua được lưới phòng không.

Đó là chuyện thường ngày tại nhiều thành phố Ukraina từ đầu cuộc xâm lăng, nhưng cho đến nay Odessa chưa hề bị oanh kích ồ ạt như vậy. Nga nói rằng chỉ nhắm vào những nơi có « lính đánh thuê nước ngoài », nhưng không đưa ra được bằng chứng nào. Theo tờ báo, Matxcơva trả đũa hai sự kiện : một chuyến tàu thứ hai chở lúa mì Ukraina đến Istanbul theo một hành lang trên Hắc Hải bất chấp đe dọa của Nga, và vụ oanh kích vào tổng hành dinh Hạm đội Hắc Hải làm 34 sĩ quan Nga tử thương.

Xe tăng Abrams của Mỹ đã hiện diện trên chiến địa


Trên chiến trường, các xe tăng Abrams của Mỹ sẽ mang lại những gì cho Kiev ? Đã nhiều tháng những chiếc Challenger của Anh và Leopard của Đức có mặt trên chiến địa, và cuối cùng những chiếc Abrams M1A1 rất được chờ đợi cũng đến nơi. Le Figaro cho rằng 31 chiến xa đầu tiên là sự hỗ trợ quý giá, vào lúc lực lượng Ukraina gặp nhiều khó khăn trong việc vượt qua phòng tuyến của Nga.

Đó không phải là phiên bản M1A2 tân tiến nhất, vì luật liên bang cấm xuất khẩu những vũ khí nhạy cảm để tránh rơi vào tay địch. Vả lại Matxcơva đã hứa thưởng nhiều triệu rúp nếu phá hủy và nhất là tịch thu được xe tăng của phương Tây. Tuy vậy xe tăng nổi tiếng Abrams của Mỹ vượt trội loại T-80. Ưu điểm trước hết là hỏa lực, với đại bác nòng trơn 120 ly có thể đạt tới mục tiêu cách 4 kilomet. Kế tiếp là tính cơ động : với loại tua-bin mới, chiến xa này có thể vừa chạy vừa khai hỏa một cách chính xác.

Chuyên gia Yann Boivin, cựu chỉ huy một trung đoàn xe tăng Leclerc giải thích, Abrams được chế tạo để tiến công thay vì để thủ trước Hồng quân, sẽ hữu ích cho lực lượng Ukraina ở Robotyne nhằm vượt qua phòng tuyến thứ nhì của Nga. Cần chú ý xem Hoa Kỳ chuyển giao những thiết bị nào kèm theo, chẳng hạn những ru-lôphá mìn sẽ là một ưu thế rất lớn. Ngược lại, kiểu M1A1 có những nhược điểm như lớp bảo vệ chưa thật chắc chắn, phải bảo trì thường xuyên và uống nhiều xăng, gần 7 lít/kilomet ; nên phải có nhiều phụ tùng thay thế và xe bồn đi kèm. Đó cũng là một trong những lý do khiến Washington do dự.

Vĩnh biệt Thượng Karabakh, quê hương nay đã thành quá khứ !
Về cuộc di tản của cả trăm ngàn dân Thượng Karabakh, báo chí Pháp thuật lại trong các bài phóng sự với rất nhiều thương cảm. Les Echos mô tả « Thượng Karabakh vắng hẳn và Armenia rung chuyển », La Croix cho biết « Tại Goris, dòng người tị nạn thường xuyên đổ về từ Thượng Karabakh ». Le Monde nói đến « Cuộc chạy trốn khẩn cấp của người Armenia », Libération dẫn lời một người chạy loạn « Tôi biết rằng sẽ không bao giờ trở lại Thượng Karabakh ».

Họ phải tha hương vì không có cách nào khác, Baku đã ra lệnh hoặc trở thành dân Azerbaijan, hoặc ra đi. Tổng thống Azerbaijan, Ilham Aliev nói về « tái hòa nhập một cách hòa bình », nhưng ai có thể tin được khi sau cuộc chiến năm 2020, chính ông ta đã đòi truy lùng họ « như những con chó ». Nỗi lo một cuộc thanh lọc chủng tộc lớn hơn bao giờ hết khi những bài viết thù địch nở rộ trên các kênh Telegram của Azerbaijan, cổ vũ việc sát hại, tra tấn cư dân Artsakh, thậm chí thưởng tiền. Những người dân cuối cùng chạy khỏi Thượng Karabakh nhìn thấy người Azerbaijan phá hủy những cây thánh giá, các giáo đường, đốt nhà dân…

Đến hôm qua, hơn 50.000 người đã sang đến Armenia, hầu hết chỉ kịp mang theo vài món đồ dùng cá nhân. Cốp xe của gia đình Jrahars Petrossian trống rỗng, họ chỉ có đôi dép mang trong nhà, cho Le Monde biết phải chạy trốn lúc các xe tăng đã bao vây. Robert Sarkissian nói với Libération : « Tôi có hai căn nhà ở Stepanakert, và giờ đây tất cả những gì tôi còn lại là trên chiếc xe này ».

Một nữ giáo viên cho biết : « Tất cả mọi người đều ra đi, đây là hồi kết của Thượng Karabakh. Trừ một bà cụ vừa mất đứa con trai trong cuộc chiến mới đây, bà muốn luôn ở gần mộ con ». Những người phải rời bỏ vùng đất sinh sống từ nhiều đời biết rằng họ sẽ chẳng bao giờ được quay lại. Baghdassar, 36 tuổi, nghẹn ngào : « Làm thế nào các vị hiểu được tâm trạng một kẻ bị mất quê hương ? »

Không có nhận xét nào: