Tìm bài viết

Vì Bài viết và hình ảnh quá nhiều,nên Quí Vị và Các Bạn có thể xem phần Lưu trử Blog bên tay phải, chữ màu xanh (giống như mục lục) để tỉm tiêu đề, xong bấm vào đó để xem. Muốn xem bài cũ hơn, xin bấm vào (tháng....) năm... (vì blog Free nên có thể nhiều hình ảnh bị mất, hoặc không load kịp, xin Quí Bạn thông cảm)
Nhìn lên trên, có chữ Suối Nguồn Tươi Trẻ là phần dành cho Thơ, bấm vào đó để sang trang Thơ. Khi mở Youtube nhớ bấm vào ô vuông góc dưới bên phải để mở rộng màn hình xem cho đẹp.
Cám ơn Quí Vị

Nhìn Ra Bốn Phương

Thứ Ba, 26 tháng 9, 2023

HOUSTON, TEXAS - Nguyễn Tài Ngọc


Mười ngày trước vợ chồng tôi có dịp đi Houston, Texas. California và Texas chỉ có giống nhau về dân số nhiều nhất nhì nước Mỹ (California 39.6 triệu, Texas 29.7 triệu) và về dân số người Việt đông nhất, theo thống kê 2020 (với tổng số người Việt ở Mỹ là 1,852,906 người):
1. California 677,507 người Việt
2. Texas 278,124 người Việ
3. Florida 83,136 người Việt
4. Washington State 75,491 người Việt.
<!>
5. Virginia 61,353 người Việt.
6. Georgia 59,836 người Việt.
7. Massachusetts 50,459 người Việt.
8. Pennsylvania 41,731 người Việt.
9. North Carolina 34,047 người Việt.
10. Illinois 32,801 người Việt
11. Oregon 31,789 người Việt.
12. New York 29,608 người

Còn lại thì tất cả đều khác. California theo Dân Chủ, Texas theo Cộng Hòa. California gì cũng đắt, Texas gì cũng rẻ. California cấm mang súng, tỷ lệ người chết vì súng là 8.5/100,000 người. Texas cho phép mang súng, với tỷ lệ người chết vì súng là 14.2/100,000 người.

Thống Đốc Texas Greg Abbott ký sắc lệnh HB1927 năm ngoái, đã hiệu lực vào ngày 1 Tháng 9 2021 cho phép dân chúng có quyền mang súng ngoài công cộng mà không cần có giấy phép, không cần học cách bắn súng

Trả lời một số người than phiền chống đối là sắc lệnh mới sẽ gây thêm nhiều người chết vì súng, Abbott tuyên bố: “Quý vị có thể nói luật tôi ký hôm nay bảo vệ quyền mang súng, thế nhưng luật tôi ký hôm nay mang lại tự do cho tiểu bang Ngôi sao Đơn độc.” (cờ của tiểu bang Texas có một ngôi sao trắng).
Ai mang súng cũng được nên số nạn nhân chết vì đạn lạc đã gia tăng: Đầu năm nay, Tony Earls ở Quận Harris County, Texas, khi lấy tiền ở ATM thì bị cướp. Lúc tên cướp bỏ chạy, Earls quay lại thấy một chiếc xe truck, nghĩ rằng xe đó cướp mình nên rút súng bắn. Không ngờ đó chỉ là xe một gia đình thường dân lái xe vào máy ATM rút tiền như Earls. Cô bé 9 tuổi Arlene Alvarez ngồi trong xe bị đạn lạc bắn chết.

Tháng 7 năm nay, Earls bị đưa ra tòa về tội ngộ sát giết cô bé nhưng bồi thầm đoản tha bổng vì luật Texas cho phép dân mang súng, và vì Earls không cố ý bắn cô bé chết.

Từ năm 2020 đến năm 2021, California mất dân từ 39.49 triệu xuống còn 39.23 triệu, trong khi Texas tăng từ 29.21 triệu đến 29.52 triệu người. Lý do vì nhà cửa, xăng nhớt ở Texas rẻ và Texas không đánh thuế tiểu bang.

Downtown Houston
Có ba thứ ở Texas tôi không thích: đất đai bằng phẳng không đồi núi, đường sá thành phố cũ kỹ, nứt, thiếu duy trì và lái xe lên freeway thì hầu như nơi nào cũng phải trả lệ phí.

Tôi đã đi Houston nhiều lần nên lần này chủ ý không xem thắng cảnh mà để vợ tôi gặp lại bạn Trung học cũ Regina Pacis và để tôi có dịp gặp một người tôi quen biết qua email ở San Antonio.

1. Leeland Street Graffiti park, 2102 Leeland St, Houston:
Houston có nhiều nơi vẽ graffiti. Nơi này là nhiều nhất.




2. Club Westside – 1200 Wilcrest Dr, Houston:
Đây giống như là một cái gym hay health club tư nhân. Hội viên có thể chơi tennis, bóng chuyền, bóng rổ, bơi lội…Trẻ con có khu trò chơi riêng dành cho con nít. Đất đai, sân tennis, phòng thể thao khang trang, rộng rãi, cây cối um tùm. Có sáu con hươu cao cổ, một đám flamingo, chim két, khỉ, cá koi,… không khác nào một resort có sở thú nhỏ.

Lệ phí mỗi tháng một người là $175 dollars. Một cặp vợ chồng là $225 dollars. Một gia đình là $275 dollars.






3.Tượng Đài Chiến Sĩ Việt Mỹ - 11360 Bellaire, Houston



Ở phía sau khu plaza này, tôi thấy có một cái tượng nữa, không có bảng chú thích nên không biết là tượng gì. Tôi đoán là cảnh người Việt di tản năm 1975 nhưng có vẻ không đúng vì hai người đàn ông hai bên giống người Tầu.


Vào Internet tìm thì website RFA nói đúng là tượng đài người Việt di tản năm 1975 do họa sĩ Phạm Thông tạc dựng. Tôi thấy quần áo của hai người đàn ông bên ngoài giống người Tầu, và quần áo của cặp vợ chồng đứng giữa giống như nông dân (anh chồng còn quấn khăn trên đầu), không phản ảnh đúng quần áo mặc của người Việt di tản năm 1975, phần lớn sống trong thành phố.

4. Gerald D. Hines Waterwall, 2800 Post Oak Blvd, Houston:
Đây là một thác nước cao 20 thước đối diện building Williams Tower. Xem miễn phí nhưng đậu xe tốn tiền.

5. Kim Sơn (buffet) 10603 Bellaire Blvd, Houston:

Ai đến Houston thì nhất định phải đến đây ăn một lần cho biết. Kim Sơn là tiệm ăn buffet all you can eat với thức ăn Việt Nam và Tầu.






Nam California mấy chục năm trước đây có nhiều tiệm buffet chỉ có thức ăn Việt Nam nhưng tất cả đều thất bại và dẹp tiệm. Lý do là thức ăn hạn chế, sơ sài, không nhiều lựa chọn. Có ngon đến đâu mà chỉ có bánh chưng, bánh dầy, bánh cuốn, bánh đúc… thì tía tôi ăn cũng ngán. Nếu ăn những món nước như mì, phở, bánh canh… thì ăn hai bát là đã ngồi nghỉ thở, cần người tiếp trợ không khí hô hấp cho sống trở lại nên chẳng ai dám ăn buffet toàn là thức ăn Việt.

Kim Sơn thì trái lại, ngoài hai thức ăn chính Việt và Tầu thì còn có seafood cua rang muối & sò ốc, thức ăn Mỹ đơn giản French fries, gà chiên… một ít sushi và món ăn tráng miệng tôi thích nhất: bốn, năm món chè khác nhau, bánh da lợn, thạch, yaourt và nước đậu đỏ bánh lọt đủ loại.






Món nước đặc biệt Việt Nam thì có đến bảy món: bún bò Huế, bánh canh, mì thập cẩm, cháo lòng, hủ tiếu Nam Vang, bún nước lèo, hoành thánh. Tôi chỉ ăn có hai món bánh canh và cháo lòng vì sức ăn Hercules của tôi có giới hạn. Cả hai đều ngon.




Tôi đặc biệt thích món cháo lòng vì nó mang tôi trở lại thời thơ ấu mê ăn món cháo này, thỉnh thoảng ăn được vài lần vì nhà nghèo không có tiền. Thời đó, tôi mê cháo lòng với dầu cháo quẩy, còn mê hơn Thẩm Thúy Hằng hay Bà Năm Sa Đéc.

Những món ăn Việt khác tôi đều thích: bánh cuốn, bánh bèo, bánh xèo, bánh khọt, nem nướng, thịt nướng lá lốt, gỏi cuốn, xôi chiên giòn với gà mỡ hành... chỉ có nem nướng là không ngon. Thức ăn Tàu thì nhiều hơn, món nào cũng ngon. Hai món điểm tâm tôi thích là xíu-mại và bánh cuốn tôm với xì dầu. Những người mê chè và đậu đỏ bánh lọt đến đây sẽ như lạc vào mê hồn trận: mắt chẳng để ý đến em nào đẹp lộng lẫy mà chỉ thấy chè là trên hết.





Nói đến buffet thì casino ở Las Vegas đắt nhất là Caesars Palace $80 dollars/1 người, Bellagio $65 dollars/1 người. Ở Sài-Gòn bây giờ ai muốn ăn buffet ở khách sạn Caravelle, giá là một triệu ba trăm chín mươi chín nghìn -1,399,000- đồng. Nghe triệu triệu thấy đắt ghê gớm nhưng thật sự là nó đắt: $56 dollars Mỹ. So sánh những giá trời ơi đất hỡi đó với ở đây thì giá buffet ở Kim Sơn rất phải chăng: $28 dollars/một người. Nếu quý vị nói biết văn sĩ Nguyễn Tài Ngọc thì họ sẽ tính thêm một dollar.


Đối với tôi , Buffet Kim Sơn ngon nhất thế giới Việt Nam Cộng Hoà, không nơi nào sánh bằng. Chỉ tiếc là không có cua King crab như trong buffet ở Las Vegas casinos (cua rang muối của Kim Sơn thịt bở, ăn chả bõ công một tí nào).



Sáng ngày Thứ Bảy, chúng tôi lái xe đi San Antonio cách Houston 200 miles (320 km), khoảng ba tiếng lái xe. Có hai nơi chúng tôi muốn ghé thăm ở San Antonio: Chùa Phước Huệ và San Antonio Riverwalk.

6. Chùa Phước Huệ, 6292 Lockhill Road, San Antonio:



Qua bài viết, tôi hân hạnh biết Thầy Thích Phước Quang hơn hai năm nay. Thầy là một nhân vật tôi rất kính trọng và ngưỡng mộ nên sẵn dịp, tôi ghé thăm.

Thầy là bác sĩ, mặc dù tuổi ngoài 80 vẫn còn hành nghề. Có một điểm đặc biệt tôi không biết khi quen Thầy là năm 1972, Thầy được Y sĩ Đại tá Hoàng Cơ Lân, Chỉ huy trưởng trường Quân Y, mời Thầy chỉ huy tất cả sinh viên Y Nha Dược với chức vụ là Y sĩ Thiếu tá Tiểu đoàn trưởng. Anh của tôi là Y sĩ Nguyễn Tài Mai, lúc bấy giờ giờ là Sinh viên Quân Y, là thế hệ sinh viên thứ hai Thầy xem. Trái đất tròn, Thầy và Y sĩ Đại tá Hoàng Cơ Lân đều biết anh của tôi.


Hình này Y sĩ Đại tá Hoàng Cơ Lân còn giữ, gửi cho tôi. Người quỳ giữa là anh tôi, Nguyễn Tài Mai. Người đứng bên phải là Y sĩ Đại tá Hoàng Cơ Lân. Người đứng bên trái là Trung Tướng Nguyễn Bảo Trị, Tổng cục trưởng Tổng Cục Quân Huấn, đang gắn lon Trung Úy cho anh tôi nhân dịp lễ mãn khóa Sinh viên Quân Y năm 1974.

Năm 1966-1970, Thầy là Chỉ huy trưởng Bệnh viện Tiểu Khu Quảng Tín, kiêm Giám Đốc bệnh viện dân sự tỉnh, Trưởng Ty Y tế, Trưởng Ty vệ sinh lo cho Tỉnh và bẩy quận.

Từ năm 1972 trong thời gian xem sinh viên Quân Y Dược, Thầy giúp Đại Tá Hoàng Cơ Lân đoàn ngũ hoá và nội trú hoá sinh viên Quân y. Thầy gặp rất nhiều chống đối nhưng vẫn thành công.

Cuối năm 1973, Thầy sang trường Đại học Y khoa Dân sự, làm Phó trưởng khu và dậy Ký sinh trùng học.

Thầy văn võ song toàn: Đệ Ngũ đẳng võ Nhu đạo và Đệ Tam đẳng Taekwondo. Năm 1975 Thầy qua Mỹ, thi đậu ECFMG và hành nghề. Năm 1976 đậu FLEX. 1978 đậu Board Family practice. 1979 đậu Board Geriatric. Từ năm 1978 đến 2002, Thầy làm Clinical Professor cho University of Texas Health Sciences Center ở San Antonio.

Năm 2002 Thầy xuất gia làm Thầy chùa. Năm 2007, Thầy xây Chùa Phước Huệ trên miếng đất ba mẫu Thầy mua với tiền hành nghề bác sĩ. Tất cả tượng hình do Thầy mua từ Việt Nam gửi qua.



Có hai đặc điểm nổi bật của chùa Phước Huệ chắc có lẽ ít chùa nào có, ở Mỹ cũng như ở Việt Nam:

1. Thầy không quyên tiền đóng góp, không đòi hỏi tiền của Phật tử đến chùa. Thầy không bao giờ tổ chức sinh hoạt quyên tiền. Thỉnh thoảng dự lễ tang của Phật tử, Thầy cũng không lấy tiền. Nếu người nào muốn đóng góp, Thầy bảo họ bỏ tiền vào trong hộp kín vì Thầy không muốn phân biệt người cho, kẻ không.

Chùa là do một mình công sức của Thầy tạo mãi và gây dựng Thầy là bác sĩ và cho đến giờ vẫn còn hành nghề bác sĩ để có tiền trả chi phí chùa. Thầy có hai người ở luôn trong chùa giúp việc. Một là anh người Mỹ trẻ Thầy đặt tên Quang Trí, tự nhiên đến chùa muốn đi tu với Thầy, và một là ni sư người Việt. Cả hai đều có việc làm, anh sư trẻ làm cho một ngân hàng nhưng không phải vào sở, cô ni sư hôm tôi đến đi làm nên chúng tôi không được gặp.

2. Phật tử đến chùa có cả người Mỹ lẫn người Việt nên Chủ Nhật thầy có hai buổi thuyết pháp riêng biệt, một bằng tiếng Anh cho người Mỹ lúc 12:30 trưa, và một bằng tiếng Việt lúc 9 giờ sáng.







Ở chơi hai tiếng, chúng tôi ra về với tâm lòng nhẹ nhàng thanh tịnh như cảnh trí của chùa.



Vào năm 1921, một cơn lụt khủng khiếp giết chết 51 người sinh sống dọc theo sông San Antonio River. Vì thế, thành phố muốn thiết lập một hệ thống thoát nước cho khỏi ngập lụt. Robert Hugman, một kiến trúc sư sinh ở San Antonio, đưa ra ý kiến xây Riverwalk dài 5 km với 20 cầu cho khách bộ hành và cả trăm cây cối cao khoảng mười tầng, cùng một con đập nhỏ.



Khởi công năm 1939 và liên tục tân trang với lần cuối cùng vào năm 1988, San Antonio Riverwalk bây giờ là một thắng cảnh thu hút nhiều du khách: 2.2 triệu du khách cư dân ở vùng San Antonio và 9.3 triệu du khách đến từ nơi khác.

Du khách đến Riverwalk tiêu $2.4 tỷ dollars mỗi năm, tạo ra 52,000 việc làm trực tiếp hay gián tiếp.








8. Trung Tâm Phật giáo Chùa Việt Nam, Houston, 10002 Synott Rd, Sugar Land:

Chùa này đất đai chắc chắn phải là lớn nhất nhì trên nước Mỹ. Nó tọa lạc trên mười hai mẫu đất ở Sugarland, Houston. Lái xe từ khu phố Việt Nam trên đường Bellaire đến đây mất 15 phút.



Trung Tâm Phật giáo Chùa Việt Nam, Houston, Texas

(Ở California, tôi nghĩ chùa Việt Nam lớn nhất là ở Adelanto trên 6 mẫu đất, tên là Thiền Viện Chân Nguyên. Nó nằm xéo trên freeway 15 đi Vegas, từ downtown Los Angeles lái đến đây mất một giờ 45 phút:)

Thiền Viện Chân Nguyên, California

(Ở Fort Worth, Texas, chùa Hương Đạo tháng 5 năm nay khởi công dự án xây chùa chắc chắn là lớn nhất nước Mỹ với kinh phí dự định là $100 triệu dollars. Có tiền hay không thì hậu tính. Đây là phác họa chùa sẽ xây:)


Dự án xây chùa Hương Đạo, Fort Worth, Texas

Đặt chân lên khuôn viên và bước vào chánh điện của chùa ở Houston, một người không khỏi nhủ thầm là nó tráng lệ, nguy nga, và đắt tiền.







Thế nhưng nỗi hào hứng của tôi tắt nhanh như gió thổi tắt cây đèn cầy khi tôi hỏi anh bạn tôi Tam bảo nghĩa là gì. Tôi tưởng anh bạn tôi tên Thích Biết Hết tỏ tường mọi sự trong trời đất, thế nhưng anh cũng không biết nên khi gặp một anh sư trẻ, anh khệ nệ hỏi: “Thưa Thầy, Tam bảo nghĩa là gì?”


Thay vì trả lời ngay, anh sư trẻ trợn mắt nhìn hai chúng tôi như người vừa đi cày ở ruộng mới lên, quắc mắt vài giây rồi trả lời cộc lốc như là “có thế mà không biết, sao chúng bay ngu thế?”: “Tam bảo là Phật, Pháp, Tăng”. Trả lời vắn tắt như thế rồi “Thầy” lững thửng bỏ đi để lại tôi đoán mò: “Phật là Phật, Pháp là giáo pháp, tăng là sư sãi."

Tính tôi cẩn thận, nếu không biết thì phải tìm hiểu đến nơi đến chốn. Về nhà tôi vào Internet tra khảo thì theo Internet giải thích, tôi đã đoán sai vì anh sư trẻ không giải thích ngọn nguồn cho rõ: “Tam bảo là ba cơ sở chính của Phật giáo: Phật, Pháp, Tăng. Phật là bậc giác ngộ. Pháp là giáo pháp của bậc giác ngộ. Tăng là những người bạn đồng học. Người có niềm tin kiên cố nơi Tam bảo được gọi là bậc Dự lưu (vào dòng). Người Phật tử biểu lộ sự tin tưởng bằng cách quy y Tam bảo”.(theo https://vi.wikipedia.org/wiki/Tam_b%E1%BA%A3o)

Anh sư trẻ này chắc nhỏ hơn tôi ít nhất 15 tuổi. Anh bạn tôi lớn hơn tôi nên anh sư trẻ chắc chỉ cỡ tuổi con anh ấy. Thế mà lối trả lời của anh sư trẻ hách xí xằng, không kính lão đắc thọ. Thay vì cầm đuốc soi sáng cho người khác kính trọng nối gót đi theo mình bằng cử chỉ khiêm nhường, anh ta đã quăng lựu đạn chẳng những làm cả hai chúng tôi chết queo trong sự bất bình với câu trả lời cộc lốc không giải thích rõ, mà còn chết queo cả cái tôn giáo anh đại diện để người khác tìm hiểu.

Ở chùa Phước Huệ của Thầy Thích Phước Quang, tôi ngạc nhiên bấy nhiêu về việc Thầy không quyên tiền Phật Tử thì ở Trung Tâm Phật giáo Chùa Việt Nam ở Sugarland Houston, tôi lại càng chán ngấy vì giống như bao chùa khác, mọi sự là tiền bạc. Theo cô bạn của tôi, tro của mẹ cô để ở trong tháp này, gia đình phải trả $3000 dollars. Chưa hết, mỗi tháng phải đóng $30 dollars nữa.



Dọc theo hàng lang và tường gạch bên hông chùa là tên của người đã đóng góp tài chính:



Trước cửa vào chính điện, hai bên có hai TV to tướng liệt kê danh sách những người “hộ trì tam bảo”. Người nào “Chưa đóng” hay “Đóng rồi” đều bị vạch mặt tỏ tường cho toàn dân thiên hạ thấy:

Tôn giáo là nơi người ta đến để được nương tựa và hỗ trợ tinh thần. Thầy tu, ông Cha, Mục sư… là những người có ơn phước được Đức Phật hay Đức Chúa Trời rèn luyện để cầm cây đuốc soi sáng hướng dẫn mọi người đến nơi vĩnh cửu theo tôn giáo của họ. Tôn chỉ của người cầm đuốc là cho hơn là nhận, khi làm bất cứ một việc gì thì tay phải không cho tay trái biết, khi bố thí đừng thổi kèn, chứ không phải tôn chỉ là tiền trao cháo múc, tôn chỉ là liệt kê danh sách ai chưa đóng tiền để họ xấu hổ nên phải đóng tiền gấp gấp.

Không Kinh Phật nào nói muốn cho linh hồn siêu thoát thì tro phải đặt trong chùa. Không Kinh Phật nào nói tro để trong chùa thì phải trả tiền chùa. Và cũng không Kinh Phật nào nói tro để trong chùa với kinh đọc ê a cả ngày thu và phát qua máy phát thanh thì linh hồn sẽ được siêu thoát.

Đó chỉ là tin nhảm nhí đặt ra để thu tiền người mê hoặc.

Cuối cùng, trên con đường chính Bellaire Blvd khu người Việt ở Houston và những con đường cắt ngang (tương tự như Bolsa Ave ở khu người Việt Westminster ở miền Nam California), nhan nhãn những tên Việt Nam phụ thuộc gắn vào như đường Bellaire có thêm tên “Đại lộ Sài-Gòn”:






Đường Turtlewood Dr có một tấm bảng gắn ở dưới thêm tên đường là Nguỵ Văn Thá (tôi không chụp tên Turtlewood Dr ở trên):


Ở các thành phố Mỹ có đông người Việt, hay Thị Trưởng và ban Quản trị Hội đồng Thành phố đa số là người Việt, họ biểu quyết gắn tên đường người Việt phụ trội thêm vào tên đường chính. Lưu ý đây chỉ là hình thức vì tên đường chính yếu tiếng Anh không thay đổi.

Thí dụ dưới đây là Google Map của khu đường Bellaire mà người Việt gắn thêm tên “Đại lộ Sài-Gòn”, và Turtlewood Dr mà người Việt gắn thêm tên “Ngụy Văn Thà”: chỉ có tên tiếng Anh Bellaire Blvd và Turtle Dr, chả có tên tiếng Việt ở đâu hết:


Tôi chống đối hoàn toàn việc người nước ngoài, không hẳn chỉ người Việt thôi, mà Tây, Tầu, Nhật, Pháp, Ả-Rập…,tất cả người ngoại quốc, đặt tên đường mang tên người nước họ trên đất Mỹ. Ở Mỹ mà còn muốn đặt tên đường người nước mình thì không khác gì ăn cơm quốc gia thờ ma Cộng Sản. Ông bà muốn vinh danh người nước Việt? Không cần khoe khoang hình thức bày vẽ bên ngoài, giữ sự kính trọng đó trong lòng. Còn nếu thật sự muốn khoe khoang hình thức bên ngoài thì về Việt Nam mà đặt, công dân Mỹ không cần biết tên người nước khác.

Người Việt nào cũng đều than phiền người Tầu sang Việt Nam lập thành phố riêng, chỉ nói tiếng Hoa, dùng tiền tệ của họ, đặt tên đường tiếng Hoa bỏ tiếng Việt, thế thì tại sao mình muốn đặt tên đường tiếng Việt trên nước Mỹ?

Nếu người Cam Bốt, người Lào, người Thái Lan, người Phi.. đến Sài-Gòn muốn đặt tên danh nhân nước họ thay thế đường Nguyễn Huệ, Lê Lợi, Hai Bà Trưng, Lê Thánh Tôn…, quý vị có đồng ý hay không? Tôi bảo đảm câu trả lời là không.

Nếu con đường quý vị đang ở trên nước Mỹ tên là Bluebird Street, xóm quý vị có mười căn nhà, bẩy căn là do người Hoa làm chủ, họ nắm đa số nên đổi tên đường Bluebird Street thành Đường Mao Trạch Đông, quý vị có đồng ý hay không? Tôi bảo đảm là không.

Thế thì tại sao mình muốn đặt tên đường tiếng Việt trên nước Mỹ?

Một điểm nữa tôi muốn nêu ra là người Việt giỏi cái hời hợt hình thức bên ngoài muốn khoe ra cho mọi người thấy nhưng nội dung thì không sâu sắc, không trau chuốt.

Xin xem lại hai hình tên đường bên trên. Thoạt nhìn tôi đã thấy chướng mắt ngay lập tức. Trước khi đọc tiếp câu dưới giải thích, quý vị xem thử có thể phát hiện cái chướng trong hai ảnh tên đường bên trên hay không?

Hình thứ nhất, chữ SàiGon viết sai, thiếu dấu huyền trên chữ Gon: SàiGòn.

Hình thứ hai, tên Thá viết sai, dấu đúng là dấu huyền: Thà. Ngụy Văn Thà là Thiếu Tá Hải Quân tử trận trong trận chiến Hoàng Sa với Trung Cộng vào ngày 19 tháng 1 năm 1974.


Trung Tá Hải Quân Ngụy Văn Thà (được truy thăng cấp bậc sau khi tử trận). Ảnh: Wikipedia.

Tên địa danh, danh nhân viết sai, để chình ình như thế không biết đã bao nhiêu năm nay mà không thấy chướng thì làm sao có thể bàn đến chuyện đại sự?

Không có nhận xét nào: