Tìm bài viết

Vì Bài viết và hình ảnh quá nhiều,nên Quí Vị và Các Bạn có thể xem phần Lưu trử Blog bên tay phải, chữ màu xanh (giống như mục lục) để tỉm tiêu đề, xong bấm vào đó để xem. Muốn xem bài cũ hơn, xin bấm vào (tháng....) năm... (vì blog Free nên có thể nhiều hình ảnh bị mất, hoặc không load kịp, xin Quí Bạn thông cảm)
Nhìn lên trên, có chữ Suối Nguồn Tươi Trẻ là phần dành cho Thơ, bấm vào đó để sang trang Thơ. Khi mở Youtube nhớ bấm vào ô vuông góc dưới bên phải để mở rộng màn hình xem cho đẹp.
Cám ơn Quí Vị

Nhìn Ra Bốn Phương

Thứ Tư, 27 tháng 9, 2023

Xa Chiến Trên Chiến Trường Trị Thiên 1972 - Sao Bắc Đẩu


Diễn biến đầu tiên mà tôi ghi nhận được của trận xa chiến lớn ngày 9/4/1972 là một sự việc khá ngộ nghĩnh, khó giải thích nhưng lại là điều thường xảy ra trên chiến trường: viên Thiếu Tá phi công của chiếc trực thăng đang đưa chúng tôi ra mặt trận quay lại nói với Thiếu Tướng Toàn: - 1 chiếc M.48 của mình gặp 2 chiếc T.54 của nó. Hai bên cách nhau 100 thước. Sự kiện này khó giải thích ở nhiều dấu hỏi như: tại sao chiếc M.48 lại đi một mình? Cả 2 loại M.48 và T.54 đều là những chiến xa nặng được trang bị nhiều loại súng bắn xa, tại sao hai bên lại tiến gần nhau chỉ 100 thước?
<!>
Những dấu hỏi này chỉ có thể do chính người xa trưởng của chiếc xe tăng này trả lời. Tôi không có dịp tìm gặp anh ta.
Viên Thiếu Tá phi công quay lại để báo cáo với Thiếu Tướng Toàn những diễn biến mới mà anh vừa nghe được qua máy truyền tin: Chiếc M.48 bắn cháy 1 chiếc T.54 rồi bỏ chạy. Thiếu Tướng Toàn, vị Tư Lệnh Phó của chiến trường giới tuyến cau mặt hỏi lại:
- Chiếc nào bỏ chạy?
- Chiếc M.48 của mình.
Tôi đoán được cái thắc mắc của Tướng Toàn: Hoặc chiếc M.48 bỏ chạy ngay từ đầu, hoặc nó phải bắn luôn chiếc thứ nhì khi đã khai hỏa. Hành động bắn cháy một chiếc T.54 và hành động bỏ chạy là những việc làm mâu thuẫn với nhau. Có thể người xạ thủ và người lái xe đã tự quyết định riêng rẽ.
Ðọc đến đây chắc nhiều độc giả quân nhân đã tự hỏi: Vậy người trưởng xa đâu? Tại sao anh ta không chỉ huy? Tôi xin viết lại lần thứ nhì câu tôi vừa viết ở đoạn trên, những câu hỏi này chỉ có 1 người trả lời được, người trưởng xa. Và tôi không có dịp tìm gặp anh ta.

Lần thứ 3, viên Thiếu Tá phi công quay lại. Anh cho Tướng Toàn biết diễn biến giờ chót: chiếc M.48 bỏ chạy trước chiếc T.54 đang đụng phải 7 chiếc khác sau lưng.
Ðến giờ này, ngồi tại tòa soạn viết bài, tôi thấy rằng biến chuyển này ngộ nghĩnh, khó giải thích nhưng nó là việc thường xảy ra trên chiến trường. Chắc chắn ngay chính Ðại Tá Nguyễn Trọng Luật, Tư Lệnh Lữ Ðoàn I Kỵ Binh cũng không giải thích được những dấu hỏi nêu lên quanh cuộc xa chiến giữa 1 chiếc M.48 và 9 chiếc T.54 này. Không ai chỉ huy chiếc xe đó đi phiêu lưu một mình vào giữa đất địch cả. Và cũng không người xa trưởng nào vừa ra lệnh bắn vào chiến xa địch vừa ra lệnh chạy.
Những việc này chỉ là phản ứng trực tiếp và tự nhiên của người lính. Chính vì vậy mà người ta có thể đo lường giá trị của 1 đơn vị qua những phản ứng của binh sĩ trên chiến trường: Ðược huấn luyện kỹ, có kinh nghiệm chiến đấu già dặn phản ứng của những người lính thiện chiến nhanh chóng và đúng. Ngược lại, loạt súng đầu tiên thường cướp tinh thần của những đơn vị non nớt, thiếu huấn luyện, thiếu kinh nghiệm.

Ðó là những phân tích mà tôi tìm được khi về đến Saigon. Ngay trong lúc đó tôi chỉ nghe lo lắng cho chiếc xe “lãng tử”. Quay nhìn Tướng Toàn, tôi thấy ông ra lệnh cho người sĩ quan có máy truyền tin:
- Gọi pháo binh cứu thằng M.48.
Ông cũng bảo viên Thiếu Tá phi công gọi khu trục. Tôi nhìn ra cửa sổ chiếc trực thăng, mù mịt sương muối và mưa phùn. Ðồng hồ cao độ trong máy bay chỉ 600 bộ (chưa đầy 200 thước). Từ những ngày đầu tiên mặt trận giới tuyến bộc phát dữ dội, khu trục cơ Mỹ vẫn từ chối can thiệp trực tiếp vì thời tiết xấu. Chúng ta có thể trách họ nhưng không thể phủ nhận rằng thái độ từ chối của họ không phải là không có lý do. Với một tầm mây thấp 200 thước, chỉ có những phi công Việt Nam vì máu chảy ruột mềm mới dám xuất trận.
Chúng ta hãy thử hình dung chiếc xe hơi với tốc độ 100 cây số giờ và chúng ta phải thắng đứng trong khoảng 100 thước để thấy cái khó khăn, sự can đảm vô biên của người phi công Việt Nam. Lao xuống với tốc độ trên 300 cây số/giờ, họ chỉ có hơn 100 thước để làm 3 việc: nhận định mục tiêu, oanh kích và ngóc lên kịp thời.
Một phút sau chúng tôi được tin pháo binh đã tác xạ với sự hướng dẫn của những kỵ binh trong chiếc M.48 đang đụng địch. 1 phi tuần AD 6 cũng đã cất cánh. Số phận chiếc M.48 vẫn còn chỉ treo đầu mành nhưng tất cả những gì có thể làm để cứu nó, những người bạn đồng đội của nó đã làm, làm trong sốt sắng, trong lo lắng thương yêu.
Tướng Lãm thiếu nợ nửa triệu bạc trong 2 giờ đầu tiên của trận đánh 9 tháng 4/1972.

Ðến Quảng Trị, chúng tôi vào thẳng Trung Tâm Hành Quân của Chuẩn Tướng Giai. Hơn chục cái máy vừa điện thoại, vừa truyền tin cùng làm việc một lúc. Hơn chục người thanh niên hò hét như những thằng điên trong ống nói. Họ đang sử dụng các hệ thống viễn liên vô tuyến để điều khiển Pháo Binh, Không Quân, Kỵ Binh, Thủy Quân Lục Chiến, Biệt Ðộng Quân và Bộ Binh theo lệnh của Chuẩn Tướng Giai.
1 anh Trung Úy Không Quân hét thật lớn với người bạn đồng đội đang nói chuyện cách anh khoảng 200 cây số:
- Mày đừng đem Rocket làm gì. Ở đây đang cần bom thứ 500 cân (cân Anh khoảng 250 ký). Mục tiêu là những xe tăng nặng.
Không hiểu đầu dây kia nói gì, chỉ thấy anh Trung Úy chửi thề rồi lại gân cổ hét lên:
- Xe tăng. Xe tăng là thiết giáp đó. Không phải quân trang.
Viết lại câu “Xe tăng là thiết giáp đó” nghe có vẻ ngớ ngẩn nhưng trong thực tế, những khó khăn liên lạc thường vẫn buộc người quân nhân phải dùng những cách ví von vô duyên hơn như vậy rất nhiều. Hai chữ “xe tăng” lại có thể nghe lầm thành “quân trang” lại có những thanh âm khác đi rất nhiều.
Tôi quan sát người Trung Úy. Nhìn kỹ người ta có thể đoán gần đúng tuổi anh khoảng 25-26. Nhưng thoạt trông, hàm râu 48 giờ chưa cạo, hai mắt quầng thâm vì những đêm mất ngủ và vẻ mệt mỏi làm anh già thêm ít nhất cũng 10 tuổi nữa.
Bên cạnh anh Trung Úy Không Quân là một Thiếu Úy Pháo Binh. Vừa nhai một khúc bánh mì thịt, anh vừa chăm chú theo dõi trên bản đồ những tin tức ghi nhận được về hoạt động của pháo binh địch.
Ðầu bàn, 1 gói xôi ăn dở bị tạm quên. 1 Sĩ Quan nào đó đã phải bỏ dở bữa ăn sáng đạm bạc để đáp ứng 1 nhu cầu hành quân của những đơn vị đang chiến đấu bên ngoài.
Một tấm bảng trên tường ghi nhận 4 diễn biến trong 2 giờ đầu tiên của ngày 9 tháng 4:
- 6 giờ 30, Tiểu Đoàn 6 TQLC bị tấn công và pháo kích. Chưa rõ kết quả.
- 7 giờ 10, Thiết Đoàn 20 Kỵ binh đụng chiến xa của địch. Hạ 10 chiếc. Chưa rõ loại.
- 8 giờ 15, Tiểu Đoàn 6 TQLC bắn hạ 12 chiến xa địch.
- 8 giờ 30, Liên Đoàn 5 BÐQ bị tấn công. Chưa rõ kết quả.
Ngày xa chiến lớn 9 tháng 4/1972 bắt đầu bằng cuộc tấn công 1 vị trí do Tiểu Đoàn 6 TQLC chiếm giữ. Lực lượng phỉ quân bắc việt đã điều động 16 chiến xa để tấn công 500 người lính Thủy Quân Lục Chiến VNCH trong 1 căn cứ mà họ không có vũ khí nặng để chống đỡ hiệu nghiệm chiến xa địch.
Thiếu Tá Tùng, Tiểu Đoàn Trưởng TÐ6 TQLC quyết định dùng lòng can đảm và sức người để trám lỗ trống kỹ thuật. Chiến sĩ Cọp Biển được lệnh kiên trì chịu đựng trong những vị trí chiến đấu, chờ xe tăng địch vào sát trong tận hàng rào phòng thủ mới nổ súng. Lý do: Những khẩu M.72 của họ chỉ có tác dụng trong vòng 150 thước.

Bên ngoài, vừa lầm lũi tiến tới những chiếc T.54 khổng lồ vừa rải đạn như mưa vào căn cứ của Tiểu Đoàn 6 TQLC. Những phát đạn đại bác thổi tung mọi công sự phòng thủ quân xa, chiến cụ trên mặt đất, nhưng dưới những hố cá nhân, những hào giao thông sâu vào lòng đất những con Cọp Biển gan lì vẫn ngồi yên chờ đợi.
Một tiếng mìn nổ, rồi tiếp theo đó nhiều tiếng mìn khác thi nhau nổ vang. Những quả mìn này gài trong hàng rào phòng thủ vị trí. Chúng không đủ sức làm lật những chiếc T.54 nặng nề nhưng chúng đã báo động, đã là 1 thứ hiệu lệnh cho những xạ thủ M.72.
Ðồng loạt họ đứng dậy. Ðồng loạt họ khai hỏa. Và trước khi những tên lính cộng phỉ bắc việt kịp hiểu sự việc vừa xảy ra thì trận chiến đã ngã ngũ: 12 trong số 16 chiến xa xung trận của bọn giặc xâm lược đã bị loại trong 1 phút ngắn ngủi.
Trung Tướng Hoàng Xuân Lãm đã treo giải thưởng 20.000 đồng cho mỗi chiếc chiến xa bị bắn hạ. Trong 2 giờ đầu tiên của trận xa chiến mồng 9 tháng 4, ông đã phải trả đến gần nửa triệu bạc tiền thưởng.
Tướng Toàn cười tươi bảo tôi: “Trung Tướng Tư Lệnh Quân Khu I đã ra lệnh cho Tỉnh Trưởng Quảng Trị ứng trước ngay số tiền này để thưởng cho các đơn vị. Trung Tướng cũng nhắn anh ghi nhận hộ lên Diều Hâu rằng ngày mồng 9 tháng 4 là ngày thê lương nhất của bọn kỵ binh bắc việt (kể từ ngày họ xua quân vượt tuyến).

10 giờ sáng chúng tôi được đưa ra mặt trận để quan sát tại chỗ. Chúng tôi không sử dụng trực thăng vì hiểu rằng trong trận địa, đáp trực thăng xuống đơn vị nào là chúng tôi đã gọi pháo binh địch đến đơn vị đó.
3 chiếc xe Jeep nổ máy. Chiếc thứ nhất có ThiếuTướng Toàn và những cận vệ của ông, 2 chiếc sau là những phóng viên báo chí, điện ảnh chúng tôi.
Trước khi lên đường, Tướng Toàn đã dặn chúng tôi nên chạy kha khá cho kịp xe ông vì dọc theo đường pháo binh bắc việt thường bắn chận những đoàn xe. Ngang căn cứ Ái Tử, chúng tôi đã bị bắn hơn chục viên đại bác. Một người lính cận vệ của Tướng Toàn rơi xuống xe sau loạt tiếng nổ.
Nửa giờ sau chúng tôi đến Bộ Tư Lệnh Lữ Ðoàn I Kỵ Binh. Trả lời câu hỏi của tôi về ước tính trận đánh, Ðại Tá Nguyễn Trọng Luật, Tư Lệnh Lữ Ðoàn nói:
- Hôm nay là một trong những ngày Hoàng Đạo của Lữ Ðoàn I.
Ðến giờ chúng tôi có một số chiến xa bị trúng đạn địch. Con số thiệt hại của kỵ binh bắc việt đã ghi nhận được tại Trung Tâm Hành Quân rồi.
Tại 1 tiểu đoàn khác, tôi bắt gặp 1 binh sĩ đang nhăn nhó, càu nhàu vì nồi cơm anh đang nấu trên bếp vừa bị pháo binh địch bắn vỡ. Binh sĩ thường nấu cơm ngay trên miệng hố cá nhân. Dĩ nhiên anh không thể bưng theo cả nồi cơm đang sôi.
Lúc chúng tôi đến thì bài toán khó giải quyết của anh là anh chưa tìm được người bạn đồng đội nào có nồi cơm rộng chỗ để anh “ghé” mớ gạo chưa chín nhưng đã nở mà anh còn vớt vát được trong cái nồi bể.
Nhận định của 4 vị Tướng Mặt Trận về chiến trường Trị Thiên:
Trận đánh chấm dứt trong ngày và bạn đọc cũng đã biết kết quả qua báo hàng ngày. Chúng tôi chỉ xin cống hiến những độc giả thân mến những nhận định của 4 vị Tướng mặt trận đang quần thảo với bọn cộng phỉ bắc việt tại chiến trường Trị Thiên.

Trung Tướng Hoàng Xuân Lãm: Ðịch quân đã đẩy mọi cố gắng của họ đến điểm cao nhất mà họ có thể đạt tới. Nói 1 cách khác, từ nay trở đi họ không còn khả năng làm được 1 hành động quân sự nào lớn hơn những việc họ đã làm từ nửa tháng nay.
Thiếu Tướng Nguyễn Văn Toàn: Dĩ nhiên địch quân đang cố gắng kéo pháo đến gần chúng ta hơn. Nhưng ý định của chúng là một việc, chúng có làm được không lại là một việc khác.Trong chiến tranh quy ước, tiếp vận là 1 yếu tố quyết định.Chỉ cần ngăn chận được tiếp vận của địch, chúng ta cũng có thể đánh bại chúng.
Thiếu Tướng Phạm Văn Phú: Cho đến ngày hôm nay, số tổn thất của những đơn vị bắc việt giao chiến với Sư Ðoàn I BB vẫn ở trong tỷ lệ 10 đổi 1. Gần 1 tháng nay trời rất xấu và yếu tố này đã làm giảm bớt sự kiến hiệu của không yểm. Cơ quan khí tượng loan báo rằng chỉ 1 hoặc 2 ngày nữa thời tiết sẽ khá hơn. Tôi nghĩ rằng lúc đó trận đánh giới tuyến sẽ mau đi đến ngã ngũ hơn.
Chuẩn Tướng Vũ Văn Giai: Ðịch quân không tiến thêm được 1 bước nào nữa. Mặt trận đang khựng lại tại chỗ. Giai đoạn này là giai đoạn chúng ta phản công tiêu diệt những đơn vị xâm nhập của địch./.

Sao Bắc Đẩu 1972

Không có nhận xét nào: