Tìm bài viết

Vì Bài viết và hình ảnh quá nhiều,nên Quí Vị và Các Bạn có thể xem phần Lưu trử Blog bên tay phải, chữ màu xanh (giống như mục lục) để tỉm tiêu đề, xong bấm vào đó để xem. Muốn xem bài cũ hơn, xin bấm vào (tháng....) năm... (vì blog Free nên có thể nhiều hình ảnh bị mất, hoặc không load kịp, xin Quí Bạn thông cảm)
Nhìn lên trên, có chữ Suối Nguồn Tươi Trẻ là phần dành cho Thơ, bấm vào đó để sang trang Thơ. Khi mở Youtube nhớ bấm vào ô vuông góc dưới bên phải để mở rộng màn hình xem cho đẹp.
Cám ơn Quí Vị

Nhìn Ra Bốn Phương

Thứ Bảy, 4 tháng 5, 2024

ÔM RƠM CÓ ĐƯỢC GÌ KHÔNG ? - Hoang Ha và Hiếu Gió


Mượn bài viết này của Bùi Thanh Hiếu để trả lời một người bạn đặc biệt của tôi, người bạn này đã rất nhiều lần khuyên tôi: hãy lo cho mình thôi, không quan tâm việc người khác hay xã hội, hay bức xúc điều gì đó...cho thanh thản...trẻ mãi không già. Tôi cũng đã đôi lần phản hồi, nhưng hình như người bạn đó không hiểu những gì tôi nói. Có thể tôi đã nói những điều to tát gì chăng? Mong bài viết giản dị này của Hiếu, có thể làm cho người bạn đó của tôi "ngộ" được chút gì. Hiếu nói rất đúng, và tôi cũng tâm đắc câu Hiếu nói "Người đa đoan, đa cảm hay nghĩ sẽ khó có hạnh phúc dù ngồi ở chỗ hạnh phúc đi chăng nữa".
<!>
Tôi cũng rất thích từng câu từng chữ trong bài thơ CHỊ TÔI của cô Đoàn Thị Tảo ( Đoàn Tảo ), "Tình riêng bỏ chợ, tình người đa đoan".

Bởi tôi cũng như Hiếu, là kẻ đa đoan, đa cảm.

BÀNG QUAN XÃ HỘI

Lo cho mình đã, chuyện xã hội thì hơi sức đâu mà quan tâm.

Đấy là lời của nhiều người khuyên tôi. Họ nói cũng có lý, mình còn lo công việc và gia đình. Làm sao mà để ý được chuyện xã hội, làm được gì đâu, chỉ mất thời gian mua thêm nhiều phiền toái.
Xã hội bây giờ rất nhiều người sống như vậy. Ngoài việc kiếm tiền và quan tâm đến thú vui của họ, mọi việc khác đối với họ chẳng đáng bận tâm. Tôi ngồi nhiều cuộc nhậu, giữa những người mặc quần áo sang trọng và trên bàn là những món ăn ngon. Những câu chuyện của họ không hề khiến tôi đau đầu tí nào, bởi nó là những câu chuyện xoay quanh tình tiết của bộ phim, một ngôi sao ca nhạc có bồ mới, hãng quần áo hiệu nào đó sắp giảm giá...

Họ chẳng hại ai cả, họ cũng không nhờ vả vay mượn gì ai. Những người trên bàn tiệc đó đều mang gương mặt viên mãn. Chuyện lũ lụt chết vài chục người ở miền Trung hay chuyện biển Đông là những câu chuyện đối với họ là những chuyện mất thời gian, chả giải quyết việc gì. Họ thực sự hạnh phúc.

Người đa đoan, đa cảm hay nghĩ sẽ khó hạnh phúc dù ngồi ở chỗ hạnh phúc đi chăng nữa. Tôi là kẻ như vậy, tôi đưa mắt nhìn quanh thấy người phụ nữ phục vụ đang quay người để che cơn nôn khan, tôi nghĩ cô ta chắc đang mang bầu. Rồi tôi lại nghĩ không biết đứa con trong bụng cô sau này lớn lên, có biết khi cô mang thai đã đứng chờ đến gần 12 giờ đêm để phục vụ bàn tiệc cho những người hạnh phúc kia không ? Người dự tiệc ấy chẳng có lỗi gì với mẹ con cô, đồng tiền mà họ thanh toán cho bữa tiệc có phần trả công để cô phục vụ và đứa con trong bụng cô. Nghĩ loanh quanh như vậy chẳng giải quyết vấn đề gì, chỉ có điều nó khiến tôi không muốn làm phiền gì cô. Lẽ ra tôi gọi lấy ít ớt, thêm tí chanh hay thêm tí mù tạt..nhưng đắn đo rồi nghĩ chẳng có cũng không sao.

Đấy, rõ ràng đa nghĩ chẳng có lợi gì.

Một chiều đầu thu năm 2000, tầm 2 giờ chiều tôi đi trên cái xe máy 82 qua đoạn Kép hay Mẹt gì đó. Bên cạnh con đường cái là những ngọn núi đồi đất. Tôi thấy một thằng bé chừng 8 tuổi, mặc quần đùi cầm mấy cuốn sách đi ven đường. Khi đi qua nó chừng vài trăm mét, tôi bỗng nghĩ.
- Phía trước phải vài cây số mới đến nhà dân, thằng bé đi bộ vài cây thế xa quá.

Tôi vòng xe lại dừng cạnh thằng bé nói.
- Lên xe chú chở đi.

Thằng bé sững người rồi nhảy tót lên yên sau. Tôi chở nó đi qua vùng dân cư thứ nhất, vài cây số nữa đến vùng dân cư thứ hai. Chẳng thấy nó nói gì, tôi sợ nó quên quay lại bảo.
- Mày đến chỗ nào thì nhìn đường bảo nhé, không chú ý là chú đi qua mất.

Thằng bé nói.
- Cháu lên Lạng Sơn.

Tôi giật mình định phanh lại, nhưng trấn tĩnh nhanh không phanh mà chỉ giảm ga. Từ chỗ tôi đón thằng bé lên đến Lạng Sơn dễ phải còn tầm đến 70 km. Nó đi đâu? Tôi vừa lái xe vừa hỏi.
- Thế cháu đi đâu mà lên tận đấy?

Thằng bé trả lời rất thản nhiên.
- Cháu lên mẹ cháu, mẹ cháu dạy học trên đó.

Tôi giả bộ không có gì dù trong bụng giật thót, cố ra vẻ như hai người bạn trò chuyện. Thằng bé kể nó ở với bố, bố nó lấy vợ khác. Hôm nay nó xin phép bố về thăm mẹ, bố nó đồng ý cho nó về thăm mẹ. Nó ra đường đi thì gặp tôi.

Trong khi nghe nó kể, tôi hỏi lại những câu nhẹ nhàng, như chuyện trò bình thường, không tỏ thái độ gì cả. Tôi nói chú cháu mình cần nghỉ ăn uống chút. Chúng tôi dừng quán bên đường , nhặt vài cái bánh nếp ăn và uống Bò Húc. Nó ăn hai cái, tôi ăn một. Tôi trả tiền xong rồi hai chú cháu lên đường.

Đến 6 giờ chiều chúng tôi đến Lạng Sơn, thằng bé vẫn nhớ nhà, nó chỉ đường tôi đi qua trung tâm mười mấy cây, leo lên một ngọn đồi, trên đó có một ngôi làng. Đến sân nhà, mẹ nó đang rửa rau, nhìn thấy tôi phi xe vào giữa sân, đằng sau là đứa con trai, mẹ nó hét toáng.
- Ôi con à, con đi lên đây à?

Mẹ nó nhào đến đỡ nó xuống, tôi hỏi con chị à. Người mẹ ôm con trong lòng gật đầu.

Thằng bé nói.
- Chú ấy chở con lên đây.

Bà mẹ mời tôi vào nhà, hàng xóm quanh nhà toàn họ hàng, họ nghe tiếng người đi sang. Chẳng biết bên trong thằng bé nói gì với mẹ, khi tôi đang chờ chén nước đón khách của mấy người đàn ông. Bà mẹ chạy ra sụp lạy tôi trong nước mắt.
- Tôi đội ơn chú, không có chú con tôi chết giữa đường cũng nên, chú ở lại cho gia đình mời chú bữa cơm tạ ơn.

Tôi nói tôi phải về trung tâm, sáng mai tôi phải làm việc. Lúc đó bà mẹ vừa khóc vừa kể thằng con nhớ mẹ, nó bỏ nhà đi, may giữa đường gặp tôi cho đi nhờ và chở về nhà.

Bây giờ mấy ông hàng xóm toàn là anh em , họ hàng với bà mẹ mới sững người và nghe câu chuyện. Họ nắm tay tôi nói.
- Anh không đi được, anh phải ở đây dùng cơm với gia đình, chỗ ăn ngủ chúng tôi phải trách nhiệm lo cho anh. Anh mà đi chúng tôi chặn đường không để anh đi như thế.

Thế là mọi người gọi nhau ý ới kéo sang làm cơm, thịt gà, bắt vịt, mua nọ kia. Trong lúc chờ cơm mọi người đưa tôi đến phòng nghỉ, chỉ chỗ tắm giặt. Tôi cất đồ, soạn quần áo đi tắm. Tắm xong ra xem chút sổ sách để ngày mai làm gì trước, lúc đó tôi là nhân viên của một nhà sách, tôi phải đến các cửa hàng sách ở Lạng Sơn để kiểm xem những sách nào đã bán được , bán bao nhiêu rồi để biết cấp thêm hàng cho họ và thu số tiền sách đã bán.

Bữa cơm thịnh soạn đã được dọn ra, phải đến hai chục người, chia thành 4 mâm , trải chiếu giữa nhà. Tôi ngồi mâm giữa với các bậc cha chú trong họ nhà thằng bé. Họ cũng bảo tôi chỉ nhấp chút rượu lấy lệ vì tôi nói không biết uống.

Lúc này nhiều người mới hỏi chuyện. Tôi kể lại việc gặp thằng bé giữa đường, đầu tiên tôi nghĩ nó đi bộ xa vài cây, nên quay lại đón nó. Sở dĩ tôi làm vậy vì tôi biết trước đó là một quãng đường hai bên là núi, đồi và rừng keo, không có nhà dân. Nhưng khi hỏi nó thì nó nói đi thăm mẹ, tôi hỏi thêm đã biết nó bỏ nhà bố để đi thăm mẹ. Trong đầu tôi đã tính, nếu tôi bắt nó phải chỉ nhà bố để tôi chở về, nó nhảy xuống xe mà chạy mất, sau đó nó lại đi bộ tiếp thì không biết hậu quả thế nào. Nếu tôi tìm đồn công an đưa nó vào đó, tôi sẽ mất một đêm ở đó nhỡ hết việc của tôi. Thôi thì tốt nhất là cho nó đi theo, không gặp được mẹ thì hôm sau tôi chở nó về nhà bố.

Tôi quay sang hỏi thằng bé.
- Lúc đấy không gặp chú, cháu đi không đến nơi mà đêm xuống sẽ ngủ đâu.

Thằng bé nói.
- Cháu ngủ vệ đường.

Mẹ nó rú lên, ơi con ơi là con, phúc tổ cho nhà mình gặp chú con ơi.

Họ nhà mẹ nó có ông bác, trạc hơn 50 tuổi, ông ta giới thiệu làm cán bộ gì đó, mọi người có vẻ rất nể trọng. Ông nghe câu chuyện rồi gật gù nói.
- Chú xử lý như vậy là quá ổn. Nhưng tôi có điều cứ nghĩ, là sao chú có thể thấu hiểu mọi cách và xử lý được như thế. Người khác thì họ đi thì cứ đi, ai mà để ý được một thằng bé đang đi bộ ven đường. Chắc chắc có tâm linh gì xui khiến, nên chú đi qua rồi còn quay lại đón cháu.

Lúc ấy tôi chưa đến 30, nên cũng không nói gì được nhiều. Chuyện có sao kể thế, ông ấy nói tâm linh tôi cũng ừ công nhận.

Giá như bây giờ, lúc tôi đã bằng tuổi ông ta, tôi sẽ nói chẳng có tâm linh nào cả, do con người hết. Con người chỉ lo cho việc của mình, thì không thể nhận ra những điều bất thường, những cái khổ đau của người khác, những cái khó khăn của người khác. Còn nếu chú ý đến người khác, sẽ nhận ra những điều khó mà họ đang gặp, có thể giúp được họ hoặc ít ra cũng không làm gì cho họ khó thêm.

Sáng hôm sau tôi chia tay gia đình họ trong sự quyến luyến biết ơn. Tôi chẳng bao giờ quay lại đấy để mà thấy lòng biết ơn của họ nữa. Khi tôi đã đi xa ngọn đồi ấy, trong lòng tôi chỉ có một sự lâng lâng.

Đó là tôi nghĩ, ngày sau khi cậu bé kia lớn lên. Cậu sẽ có cảm nhận được những điều cậu nhìn thấy. Ví dụ chỉ đơn giản trong buổi nhậu nào đó khi tất cả say sưa, cậu nhận ra rằng người phụ nữ phục vụ đang quay mình giấu cơn nôn khan.

Không có nhận xét nào: