Tìm bài viết

Vì Bài viết và hình ảnh quá nhiều,nên Quí Vị và Các Bạn có thể xem phần Lưu trử Blog bên tay phải, chữ màu xanh (giống như mục lục) để tỉm tiêu đề, xong bấm vào đó để xem. Muốn xem bài cũ hơn, xin bấm vào (tháng....) năm... (vì blog Free nên có thể nhiều hình ảnh bị mất, hoặc không load kịp, xin Quí Bạn thông cảm)
Nhìn lên trên, có chữ Suối Nguồn Tươi Trẻ là phần dành cho Thơ, bấm vào đó để sang trang Thơ. Khi mở Youtube nhớ bấm vào ô vuông góc dưới bên phải để mở rộng màn hình xem cho đẹp.
Cám ơn Quí Vị

Nhìn Ra Bốn Phương

Thứ Ba, 30 tháng 4, 2024

Trường Quốc Gia Nghĩa Tử - Trang Nguyên

Trường Quốc Gia Nghĩa Tử xây dựng hoàn chỉnh (Ảnh: Internet)
Từ năm 1962, bên cạnh thực hiện các chương trình Quân tiếp vụ, Trại gia binh nhằm giúp đỡ gia đình quân nhân, Bộ Quốc phòng VNCH còn khai triển một chương trình giáo dục phổ thông và dạy nghề dành cho con em gia đình nghĩa tử vị quốc vong thân. Mặc dù chương trình đã lên kế hoạch nhưng ngân sách thực hiện lại chưa có, nên phải kêu gọi các mạnh thường quân ủng hộ kinh phí để bắt tay vào việc. Ðó là những khó khăn ban đầu dành cho Trung tá Bác sĩ Trương Khuê Quan, Cục Trưởng Cục Xã Hội Quân Đội Việt Nam Cộng Hòa khi thực hiện dự án trường Quốc Gia Nghĩa Tử và khu nội trú. 
<!>
Trường được xây trên mảnh đất rộng 5 mẫu, toạ lạc trên đường Võ Tánh gần Lăng Cha Cả. Học sinh được miễn học phí và không phải trả chi phí nội trú cũng như sinh hoạt ăn uống, y tế cho đến khi tốt nghiệp phổ thông.
Theo điều Luật số 3/62 của Bộ Quốc Phòng quy định sự liên đới quốc gia tương trợ các cựu chiến sĩ và cô nhi quả phụ tử sĩ:

ĐIỀU THỨ 17: Quốc Gia thừa nhận nghĩa tử là các trẻ vị thành niên, dưới 18 tuổi, mà cha hoặc mẹ là chiến sĩ đã bỏ mình vì chính nghĩa quốc gia, hoặc đã chết vì chiến thương.

ĐIỀU THỨ 19: Các nghĩa tử, sẽ được nuôi nấng dạy dỗ, trông nom săn sóc hay trợ giúp cho đến khi đủ 18 tuổi.

Khó khăn ban đầu tạm thời được giải quyết nhờ sự đóng góp nhiệt tình của các nhà hảo tâm và nhân sĩ trí thức. Kinh phí xây dựng trực tiếp từ Bộ Quốc Phòng được giải ngân. Trường Quốc Gia Nghĩa Tử tiến hành xây dựng đợt đầu theo đồ án của Kiến trúc sư Trương Đức Nguyên và nhà thầu Trần Ngọc Trình không nhận thù lao. 2 khu nhà lầu 2 tầng với 30 phòng học và khu văn phòng được xây dựng nhanh chóng để có thể tiếp nhận 3,000 học sinh ghi danh đợt đầu cho các cấp học phổ thông trong niên khoá 1963-1964. Tuy vậy, trong niên khoá đầu tiên chỉ có 500 học sinh ghi danh vào trường Quốc Gia Nghĩa Tử.


Cổng trường tạm dựng cho lễ phát thưởng niên học 72-73 (Ảnh: Internet)
Sau khi thực hiện xong các công trình chính, nhận thấy trường cần phải có khu nội trú dành cho học sinh có hoàn cảnh gia đình khó khăn và không có phương tiện đi lại, trường cho cất khu nội trú vào năm sau cho niên học 1964-1965. Khu nội trú là một toà nhà 2 tầng dài 125 mét, bao gồm phòng lưu trú, nhà ăn tập thể, phòng y tế và khu thể thao. Khu nội trú có thể cung cấp chỗ trú ngụ cho 1,200 học sinh mà không cần đòi hỏi những giấy tờ chứng thực hoàn cảnh gia đình. Vài năm sau, do ngân sách dành cho học sinh nội trú có giới hạn, nhà trường thay đổi quy định, ưu tiên dành cho cô nhi mất cả cha lẫn mẹ, hoặc gia đình nghĩa tử đông con.

Từ năm 1967, cùng với sự thay đổi giáo dục nhằm đào tạo thế hệ học sinh phổ thông có được kỹ năng căn bản về nghề nghiệp, nhà trường thành lập thêm hệ Phổ thông Kỹ thuật gồm các nghề điện, mộc, gia chánh. Sang năm 1968, trường cải tiến mô hình đào tạo giáo dục giống như bên trường Trung học Kiểu mẫu Thủ Đức để thử nghiệm chương trình giáo dục tổng hợp (học sinh vừa học văn hóa vừa học chuyên môn), gồm 8 ban: ban A: Khoa học (giống như bên trung học phổ thông), ban B: Toán, ban C: Sinh ngữ, ban D: Cổ ngữ, ban E: Doanh thương tổng quát, ban F: Công kỹ nghệ, ban G: Kinh tế gia đình, ban H: Canh nông.

Tết năm Mậu Thân 1968, trường bị phá huỷ vì bom đạn, ngay sau đó công binh Đại Hàn tái thiết lại nhanh chóng để học sinh có chỗ học trong niên khoá 1968-1969. Đồng thời mô hình trường Quốc Gia Nghĩa Tử được nhân rộng ra các thành phố khác ở miền Nam như Huế, Đà Nẵng, Biên Hoà, Cần Thơ. Công binh Đại Hàn cũng giúp nhà trường xây thêm phòng thư viện vào năm 1970 và 1 bệnh xá ngay cạnh trường để chăm sóc sức khoẻ cho học sinh. Đến tháng 3/1971 thì khánh thành. Đây là một thư viện trường học có thể nói là lớn nhất trong các trường trung học ở Sài Gòn với chục ngàn đầu sách, tài liệu kỹ thuật. Ngân sách thực hiện thư viện do Cơ quan Viện trợ Nhân đạo của Mỹ tài trợ.
Trong lúc ghi lại lịch sử hình thành trường Quốc Gia Nghĩa Tử đến niên học 1970-1971, tôi lại nhớ đến thằng Thăng, một trong số đám bạn cùng xóm học tiểu học ở trường Chí Hoà. Gia cảnh Thăng rất khó khăn vì nhà đông anh em, mẹ nó phải lo chạy ăn từng bữa. Cha nó chết trận hồi năm Mậu Thân khi phản công ở phi trường Tân Sơn Nhất. Số tiền tử tuất của cha nó chu cấp cho gia đình không đủ, mẹ nó phải bươn chải bán buôn nhỏ ngoài chợ kiếm chút tiền nuôi đám con 7 đứa lớn bé. Thăng ham học, học giỏi liền các năm. Nhưng sau khi mất cha, việc học của Thăng học sa sút hẳn. Từ năm lớp Nhì học lực nó xuống trung bình, rồi lên lớp Nhất lại càng tệ hơn nữa!


Học sinh trường Quốc Gia Nghĩa Tử tan học về nhà gần khu Lăng Cha Cả (Ảnh: Internet)
Một hôm, trong giờ sinh hoạt lớp, thầy Đạo nhắc nhở việc học hành của Thăng trước lớp. Năm nay là năm cuối bậc tiểu học công lập, các em phải cố gắng thi đỗ vào trung học công lập để cha mẹ đỡ phải tốn tiền đóng học phí ở trường tư. Thầy hỏi nguyên do nhưng Thăng cứ lặng thinh cúi đầu. Thấy Thăng cứ im lặng, thằng bạn ngồi cạnh tôi lên tiếng giùm: “Thưa thầy, bạn Thăng đi bán bong bóng dạo buổi sáng, buổi chiều đi học, lấy đâu thời gian để học bài”.

Một tuần sau đó, Thăng ghé qua nhà gặp tôi, nói là tuần tới sẽ vào học nội trú ở trường Quốc Gia Nghĩa Tử, cuối tuần được về thăm nhà 1 lần. Hai thằng ngồi dưới gốc cây trứng cá trước sân nói đủ thứ chuyện tương lai. Thăng kể, sau buổi sinh hoạt lớp, thầy Đạo có đến nhà gặp mẹ nó. Thầy đề nghị, cho tao chuyển trường đến trường Quốc Gia Nghĩa Tử vì lên trung học không cần phải thi. Hơn nữa, trường có chương trình phổ thông kỹ thuật, vừa học chữ vừa học nghề để mai sau tao không vào được đại học, cũng có được một cái nghề mưu sinh.

Nghe chuyện thằng bạn, mới biết rằng thầy Đạo rất quan tâm đến nó. Việc chuyển trường không mấy khó khăn. Thầy có một người em là quân nhân biệt phái sang dạy ở trường Quốc Gia Nghĩa Tử. Mọi thủ tục giấy tờ thầy nhờ người em lo liệu, mặc dù xét theo gia cảnh Thăng không được vào học nội trú. Thầy Đạo sẽ viết thêm một lá thư tường trình đề nghị trường Quốc Gia Nghĩa Tử chấp nhận.


Phu nhân TT. Nguyễn Văn Thiệu đến dự khai trương thư viện mới cất xong tại trường Quốc Gia Nghĩa Tử (Ảnh: Internet)
Cuối cùng Thăng cũng được vào trường học tiếp lớp Nhất và lên Đệ Thất ban Kỹ thuật mà không cần phải qua kỳ thi tuyển. Trong khi đó, lớp chúng tôi chỉ có 1/3 học sinh là thi đậu vào trung học công lập.

Từ khi Thăng chuyển trường, năm thì mười hoạ mới thấy Thăng ghé thăm tôi vào cuối tuần vào ngày thứ Bảy. Nó kể tôi nghe đủ thứ chuyện trong trường vào những ngày đầu mới đến còn bỡ ngỡ cách sinh hoạt của học sinh nội trú, từ cái ăn cái ở, học hành giờ giấc. Nhất là buổi khánh thành thư viện mới xây, nhà trường đề nghị học sinh xếp hàng chào đón phu nhân TT. Nguyễn Văn Thiệu đến cắt băng khánh thành. Trong buổi lễ có rất nhiều quan chức lớn, cố vấn Mỹ tham gia.

Thời gian trôi qua, Thăng ít khi đến nhà tôi mỗi khi nó về thăm gia đình, cho đến năm 1975.
Chúng tôi lại gặp nhau trong những năm phổ thông trung học tại trường Trần Quốc Tuấn khi học sinh Quốc Gia Nghĩa Tử phải chuyển sang các trường khác. Và thêm lần nữa khi tốt nghiệp trung học, chúng tôi cùng nhau thi vào Khoa Báo chí của trường Đại học Tổng Hợp và Thăng cũng gặp lại vị giáo sư Văn học Nguyễn Khuê đáng kính từng dạy môn Việt văn hồi năm đệ Tứ tại trường Quốc Gia Nghĩa Tử.

Không có nhận xét nào: