Tìm bài viết

Vì Bài viết và hình ảnh quá nhiều,nên Quí Vị và Các Bạn có thể xem phần Lưu trử Blog bên tay phải, chữ màu xanh (giống như mục lục) để tỉm tiêu đề, xong bấm vào đó để xem. Muốn xem bài cũ hơn, xin bấm vào (tháng....) năm... (vì blog Free nên có thể nhiều hình ảnh bị mất, hoặc không load kịp, xin Quí Bạn thông cảm)
Nhìn lên trên, có chữ Suối Nguồn Tươi Trẻ là phần dành cho Thơ, bấm vào đó để sang trang Thơ. Khi mở Youtube nhớ bấm vào ô vuông góc dưới bên phải để mở rộng màn hình xem cho đẹp.
Cám ơn Quí Vị

Nhìn Ra Bốn Phương

Thứ Ba, 30 tháng 4, 2024

Tin Bài 49 Năm Tháng Tư Đen và Tin Việt Nam Hôm Nay Theo Dòng Thời Sự - Lê Văn Hải


49 Năm Sau Ngày “Giải Phóng” Người Việt Vẫn Còn Bỏ Nước Ra Đi! Thuyền Chở Di Dân Việt Nam Bị Úc Ðại Lợi Chặn, Chiếc Này Là Chiếc Thứ Năm, Kể Từ Tháng Chín Năm 2023 Đến Nay.(Hình: Một nhóm người Việt được đưa lên đảo Christmas của Úc Ðại Lợi hôm 14/4/2013.) -Cơ quan chức năng Úc Ðại Lợi xác nhận đã chặn được một thuyền chở ba công dân Việt Nam hướng vào nước này. Đây được cho là chiếc thuyền đầu tiên trong chừng một thập niên qua thuộc dạng hành trình từ Việt Nam đến Úc Ðại Lợi; và cũng là chiếc mới nhất trong danh sách thuyền từ Việt Nam nhắm đến Úc Ðại Lợi bị chặn trong hai năm qua. Chiếc này là chiếc thứ năm kể từ tháng chín năm 2023 đến nay.
<!>
Lực lượng Biên phòng Úc Ðại Lợi (ABF) thông tin như vừa nêu vào ngày thứ sáu vừa qua nêu rõ chiếc thuyền chở ba công dân Việt bị chặn hồi tháng ba vừa rồi và đây được mô tả là hoạt động buôn người.
ABF ra thông cáo cho biết cả 3 công dân Việt Nam đã được đưa về Việt Nam một các an toàn thông qua hợp tác chặt chẽ với phía Chính phủ Hà Nội.

Theo ABF, vào tháng Chín năm 2023, có một chiếc thuyền chở 11 người bị Úc Ðại Lợi chặn lại ngoài khơi và chuyển tất cả đến đảo Nauru để thanh lọc. Sang tháng 11, có 12 người khác cũng được chuyển đến Nauru để được thanh lọc sau khi thuyền của họ lên được bờ mà không bị phát giác; chiếc thuyền sau đó mất dấu, không thể tìm thấy.
Ba người Việt trên chiếc thuyền bị chặn hồi tháng Ba vừa qua không được chuyển đến Nauru để thanh lọc, mà phải về Việt Nam theo thỏa thuận mà Hà Nội và Canberra ký lâu nay.
Ngoài số người Việt tìm đường đến Úc Ðại Lợi bằng thuyền như vừa nêu; trong thời gian qua, Anh Quốc cũng loan tin số người Việt tìm đường vào Xứ Sương mù bằng thuyền qua Biển Manche cũng tăng vọt. Chính phủ Luân Đôn vừa thông qua dự luật đưa tất cả những người ngoại quốc tìm đường nhập lậu vào Anh sang Rwanda ở Phi Châu.

49 Năm Rồi, Mà Nỗi Đau Ngày Mất Nước Vẫn Còn Mãi…


(Hình: Các cựu quân nhân VNCH, Hoa Kỳ và Đồng Minh trong buổi lễ tưởng niệm Tháng Tư Đen tại Tượng Đài Chiến Sĩ Việt-Mỹ, Westminster hôm 27 Tháng Tư, 2024)
-“Sao mà không sợ được. Ngày 30 Tháng Tư là ngày mất nước của mình mà. Là người dân Việt Nam, ai mà quên được ngày Sài Gòn bị cưỡng chiếm được.”
Gần 50 năm sau ngày thủ đô Sài Gòn thất thủ trong tay Cộng Sản mà cột mốc 30 Tháng Tư, 1975 vẫn là dấu ấn không thể phai mờ trong tâm khảm người cao niên gốc Việt tại thủ đô tị nạn Little Saigon.

Bao nhiêu kỷ niệm vui buồn lũ lượt quay về khi gần Ngày Quốc Hận.
Bà Mai Thị Thế, 84 tuổi ở Midway City, còn nhớ rành rành ngày 30 Tháng Tư, 1975 bà cùng gia đình được xe GMC quân đội VNCH chở từ Long Khánh lên Sài Gòn chạy loạn khi Cộng Sản đang trên đường xua quân tiến chiếm Dinh Độc Lập.
“Lúc đó tôi đang có bầu bốn tháng, cả gia đình sáu người, hai vợ chồng và bốn con, dắt díu nhau tới nhà thờ Bắc Hà. Chúng tôi có biết gì đâu, cứ nghĩ ở ngoài đạn bom nguy hiểm, vô nhà thờ an toàn hơn,” bà Thế hồi tưởng. “Cha tốt lắm, chứa chấp cả trăm người, ăn ở la liệt đầy giáo đường. Lúc chúng tôi chuẩn bị về nhà, cha còn phát gạo cho chúng tôi nữa.”

Bây giờ bà Thế không còn nhớ từng chi tiết ngày chạy loạn năm đó, nhưng ấn tượng còn rõ nét trong đầu bà là một sự căng thẳng và sợ hãi tột cùng.
“Sao mà không sợ được. Ngày 30 Tháng Tư là ngày mất nước của mình mà,” bà nói.
“Là người dân Việt Nam, ai mà quên được ngày Sài Gòn bị cưỡng chiếm được.”
Ông Nguyễn Sâm, ở San Diego, cho rằng chiều 30 Tháng Tư, là ngày ông chứng kiến cảnh tượng hãi hùng nhất trong cuộc đời binh nghiệp của mình.
“Là hạ sĩ quan Thiết Giáp, tôi chạy khỏi Huế hồi Tháng Ba. Tôi cứ đón xe đi từng đoạn ngắn. Đến Sài Gòn là chiều 30 Tháng Tư. Từ trưa, tài xế xe đò dừng xe ven đường để tất cả anh em binh sĩ xuống xin vô nhà dân thay đồ dân sự rồi, nhưng lúc xe lăn bánh vô Sài Gòn, nhìn quân phục, ba lô chất thành đống hai bên đường mà nước mắt tôi cứ chảy ròng,” ông Sâm kể.
“Suốt thời gian tám năm mặc quân phục, tôi mắt thấy tai nghe bao nhiêu tang thương đau khổ mà chưa bao giờ đổ lệ,” ông bùi ngùi. “Vậy mà bữa đó tôi không cầm được nước mắt khi mục kích cảnh cả một quân đội bị khai tử, bị chôn vùi dưới những nấm mồ ba lô và quân phục đó.”

Bao nhiêu chính nghĩa, bao nhiêu hy sinh và bao nhiêu lý tưởng của ông Sâm, cũng như của bao nhiêu quân, dân, cán chính VNCH đã “giẫy chết” ven đường vào Sài Gòn hôm 30 Tháng Tư, 1975, theo ông Sâm.
Ông lắc đầu: “Bây giờ 76 tuổi rồi, nước mắt tôi không trào ra như hồi đó nữa, nhưng cứ nghĩ lại hình ảnh tang thương điêu tàn lúc đó, ruột tôi thắt lại và tôi khóc bên trong. Cả một chế độ sụp đổ mà.”
Ông Quang Nguyễn, ở Santa Ana, cho biết hôm 30 Tháng Tư, 1975 ông đang trên đường từ Pleiku về Sài Gòn.
“Tôi là lính pháo binh đóng quân ở Pleiku và rất nóng ruột về nhà coi gia đình ra sao. Thời buổi loạn lạc, bất trắc xảy ra bất cứ lúc nào. Tôi lo lắng lắm. Ngồi trên xe mà lòng dạ bồn chồn. Tới khi nghe tin Tổng Thống Dương Văn Minh đầu hàng, tôi càng lo hơn,” ông Quang kể. “Chưa bao giờ tôi lo lắng, bồn chồn như bữa đó.”

Bà Nhiệm Trần, ở Garden Grove, có lý do để nhớ mãi Ngày Quốc Hận.
Bà kể: “Chúng tôi là dân di cư nên rất sợ Cộng Sản. Nhưng nỗi sợ hãi lên đến độ kinh khủng khi 1, 2 giờ chiều, chị giúp việc trong nhà lôi ra một lá cờ trên đỏ dưới xanh, giữa có sao vàng ra treo. Mấy hôm sau tôi mới biết là cờ Giải Phóng Miền Nam. Tôi sợ quá vì lá cờ của chị đã cũ sờn và bạc màu. Chị làm cho chúng tôi hơn năm năm. Không biết trong thời gian qua, mình có lỡ mồm lỡ miệng nói gì mà đến tai ‘họ’ thì ở tù mọt gông.”
Ông Kiệm Nguyễn, ở Tustin, chứng kiến cảnh người bạn đồng ngũ bị bắn gục ở Thị Nghè.
Ông kể: “Như vầy, Đà Nẵng đầu hàng hồi Tháng Ba, hai đứa tụi tôi về Sài Gòn đang chờ lệnh tái động viên nên súng đạn còn nguyên. Trưa đó nghe tin ‘tụi nó’ chiếm Dinh Độc Lập và đài phát thanh Sài Gòn rồi, tụi tôi rủ nhau đem súng ra cầu Thị Nghè liệng xuống sông. Tính ghé cà phê chờ tối rồi liệng.”

Không dè, thấy cảnh bộ đội hung hăng la hét chửi bới ai đó ngoài đường, bạn ông là Nguyễn Phùng Tuấn, chịu không nổi, móc súng chạy ra đường định “thanh toán” tên cán bộ to mồm nhưng vừa đến gần thì bị một tên bộ đội đứng gần đó bắn gục.
“Lính tráng bộ binh tụi tôi thấy cái chết ‘hà rầm’ nhưng bữa đó tôi ngồi chết trân trên ghế, không biết phải làm gì,” ông Kiểm thú nhận. “Có lẽ vì tôi sợ. Tôi nghĩ vậy.”

(Đằng-Giao/NV- April 30, 2024)


Thắng Cũng… Làm Giặc!


(Hình: Cờ vàng tại một buổi lễ kỷ niệm Ngày Quân lực VNCH tổ chức ở khu Eden, Falls Church, Virginia)
-Nửa thế kỷ qua, nhà cầm quyền CSVN chưa bao giờ ngưng chủ trương chia rẽ. Đó là một chính sách. Cách nói “bọn ba que đu càng” không phải là “cảm xúc;” và những kẻ sử dụng lối nói này không phải là một bọn vô học. Nó là một tổ chức, được đào tạo và huấn luyện để đánh “ba que” trên “mặt trận đấu tranh tư tưởng.”
“Thua làm giặc” là lẽ thường nhưng “thắng” cũng làm giặc! Nửa thế kỷ qua, kẻ “chiến thắng” dường như chưa bao giờ hưởng trọn cảm giác chiến thắng thật sự, vẫn ấm ức, tức tối, vẫn hậm hực đấm ngực thình thịch: Tại sao cờ vàng vẫn tung bay trong cộng đồng hải ngoại khắp thế giới, từ Mỹ sang Úc, từ Pháp đến Canada? Thế thì “ý nghĩa lịch sử” của ngày “đại thắng mùa xuân 1975” là gì? Gọi tên gì bây giờ về sự kiện này cho đúng nhỉ?

Nói đến cờ vàng là nhà nước CSVN lập tức điên tiết. Tháng Năm 2023, khi Công ty Royal Australia Mint và Bưu chính Úc phát hành các vật phẩm có hình cờ vàng, Phạm Thu Hằng, phó phát ngôn Bộ Ngoại Giao CSVN, lập tức cau mày: “Chúng tôi lấy làm tiếc và kiên quyết phản đối việc công ty Royal Australia Mint và Bưu chính Úc đã phát hành các vật phẩm với hình ảnh ‘cờ vàng,’ cờ của một chế độ đã không còn tồn tại. Việc này hoàn toàn không phù hợp với xu thế phát triển tốt đẹp của quan hệ Đối tác chiến lược Việt-Úc.”
Làm thế quái nào mà cộng đồng người Việt hải ngoại cứ mãi treo “lá cờ của một quốc gia không còn tồn tại, ngoại trừ trong ký ức và trong trí tưởng tượng”; và làm thế nào mà bọn “phản động lưu vong” tiếp tục “luận điệu xuyên tạc cho rằng cờ vàng ba sọc đỏ mới là cờ chính nghĩa trong khi cờ đỏ là cờ máu” nhỉ? Bọn chúng không biết “bố mày là ai” à? Vâng, chúng tôi biết tỏng “bố các anh” là ai. “Bố các anh” chính là những kẻ đưa một thứ chủ nghĩa man rợ vào quê hương, và chúng tôi cũng biết rõ “bố các anh” lẫn các anh tàn phá đất nước này ra sao…

Chuyện cờ vàng-cờ đỏ có phải là di chứng những năm hai miền chia cắt bởi chiến tuyến “cộng sản” và “cộng hòa,” giữa bên “thua trận” và phe “thắng trận”? Yếu tố lịch sử và quá khứ là có nhưng không phải là lý do duy nhất và nguyên nhân lớn nhất. Người Việt hải ngoại vẫn tưởng niệm ngày “Quốc hận;” 30 Tháng Tư được xem là “ngày mất nước;” cờ vàng ba sọc với họ là cờ tổ quốc và họ vẫn đứng nghiêm chào trang trọng lá cờ, cùng với Quốc Ca VNCH. Chế độ cộng sản đang cai trị, với họ, là một chế độ không chính danh và không xứng đáng…
Với nhà cầm quyền CSVN, thái độ của người Việt hải ngoại là sự hằn học và ấm ức của kẻ “thua cuộc.” Những người “không thức thời” này không hiểu rằng cờ đỏ sao vàng mới là lá cờ được quốc tế công nhận… Nhưng mà, nếu đó là một thực tế không thể phủ nhận thì cũng nên thừa nhận những thực tế khác. Sự “chỉ trích” và “lên án” người hải ngoại của nhà cầm quyền cộng sản không phản ánh đầy đủ bản chất vấn đề.

Sự tức giận của người Việt hải ngoại thật ra không chỉ là tâm trạng uất giận của “thế hệ mất nước” sống với quá khứ. Chính hiện tại và thực trạng mới khiến sự căm thù cộng sản của người Việt hải ngoại trở nên không nguôi. Cộng sản với họ chỉ là một bọn ăn hại và tàn phá. Đây mới là yếu tố khiến người Việt hải ngoại thù ghét cộng sản dai dẳng. 30 Tháng Tư có thể chỉ còn là một ký ức cần được khép lại, nếu gần nửa thế kỷ qua Việt Nam đã trở thành một cường quốc khu vực, và nửa thế kỷ qua Việt Nam đã bứt khỏi cái bóng Trung Cộng.
Trong thực tế, khi nhìn vấn đề cờ vàng-cờ đỏ với những tranh luận và lý lẽ quen thuộc của bộ máy tuyên truyền cộng sản, có thể thấy rằng chính phe được mặc định là “thắng cuộc” mới là những kẻ thua cuộc. Sự ấm ức và tức tối phát xuất từ chính tâm lý này. Cho đến giờ, sau gần 50 năm đằng đẵng, cờ đỏ vẫn không thể được treo trong các cộng đồng người Việt hải ngoại nói chung (trong khi tại các cộng đồng người Hoa ở nhiều nước thế giới, cờ Trung Cộng – chứ không phải cờ Đài Loan – đã đường hoàng được treo lên).

Hóa ra “các bố” chưa chiến thắng, chí ít là trong lòng người. Thế hệ cha anh VNCH đã ra đi gần hết nhưng cờ vàng, dù không được treo trong trụ sở Liên Hiệp Quốc như lá cờ của một chính thể được công nhận một cách chính thức, vẫn tồn tại. Quốc ca VNCH vẫn vang lên, không chỉ vào dịp Quốc Hận 30 Tháng Tư. Cờ vàng không chỉ xuất hiện ở những sự kiện lễ lạc hay Tết nhất. Cờ vàng không chỉ có ở những địa điểm cộng đồng. Cờ vàng thậm chí được treo trong nhà hàng, tiệm ăn, trên ngực áo, trên cà vạt và thậm chí được sơn lên xe. Thế này là thế nào? Là “các đồng chí chúng ta” – sau 50 năm – chưa thắng chứ gì!
Nửa thế kỷ qua, nhà cầm quyền CSVN chưa bao giờ ngưng chủ trương chia rẽ. Đó là một chính sách. Cách nói “bọn ba que đu càng” không phải là “cảm xúc;” và những kẻ sử dụng lối nói này không phải là một bọn vô học. Nó là một tổ chức, được đào tạo và huấn luyện để đánh “ba que” trên “mặt trận đấu tranh tư tưởng.”

Các cuộc ra quân của “dư luận viên ba củ” ở những thời điểm cụ thể cho thấy rằng chính quyền cộng sản luôn thiết lập chiến tuyến để phân biệt “địch-ta”, không chỉ đối với người Việt hải ngoại mà cả với người trong nước. Những kẻ từng chiến thắng trên chiến trường nay vẫn cầm AK bàn phím lên mạng tìm diệt kẻ thù. Vấn đề ở chỗ, các chú em bộ đội ngày nay trên trận địa thông tin – dù không còn mang dép râu và đội nón cối mà ngồi trong phòng lạnh – vẫn loay hoay và lúng túng bất lực trên mặt trận giờ đây không còn tiếng “đại bác đêm đêm dội về thành phố…”
Bao giờ mới có một cú sốc 30 Tháng Tư về văn hóa để xóa sạch “bóng quân thù”? Xin lỗi, không thắng nổi, đừng mơ! Trận chiến này là trận chiến của tư tưởng, của tư duy, là cuộc giằng co và lấn lướt của khái niệm tự do. Mặt trận này không đánh nhau bằng súng mà bằng… bolero! Chẳng phải tự nhiên mà “nhạc đỏ” chết không kèn không trống và “nhạc vàng” sống dậy từ Bắc đến Nam. Chẳng phải tự nhiên mà sách báo VNCH bây giờ nhan nhản trên mạng để bất kỳ ai cũng có thể dễ dàng tải đọc.

(Trúc Phương/NV/ April 30, 2024)


Ý Nghĩa của Việc Trùng Tu Nghĩa Trang Quân Đội Biên Hòa Trong Công Cuộc "Hòa Giải Dân Tộc"!


(Hình: Kiến trúc "Vành khăn tang" trong Nghĩa trang Quân đội Biên Hòa đã xuống cấp.)
-Trong cuộc chiến Việt Nam 1954-1975, cả hai phía Bắc Việt và Nam Việt Nam đều bị thiệt hại nhân mạng với con số vô cùng lớn. Cả hai phía đều xây nhiều nghĩa trang quân đội làm nơi an nghỉ của những người lính đã hi sinh. Sau 1975, hầu hết các nghĩa trang quân đội của phía Việt Nam Cộng Hòa (VNCH) đã bị tàn phá, bởi cả thời gian và con người. Hiện nay chủ yếu chỉ còn Nghĩa trang Quân đội Biên Hòa sót lại tương đối nguyên vẹn với cái tên mới là Nghĩa trang Nhân dân Bình An.
Với sự vận động kiên trì của Chính phủ Hoa Kỳ và một số hội đoàn trong cộng đồng người Mỹ gốc Việt, chủ yếu là từ các cựu chiến binh VNCH và thân nhân, Nhà nước Việt Nam đã cho phép trùng tu một phần Nghĩa trang Quân đội Biên Hòa. Tuy nhiên, theo RFA được biết, đợt trùng tu cuối cùng diễn ra vào năm 2018 và việc trùng tu chưa hoàn tất. Ông Philipp Nguyễn, một trong những người tham gia các đợt vận động và trùng tu Nghĩa trang này cho RFA biết Nghĩa trang còn cần phải được trùng tu rất nhiều nữa, nếu không nó có thể bị sập đổ bất kỳ lúc nào.

Nhân dịp 30 tháng Tư, 2024, Đài Á Châu Tự Do (RFA) xin giới thiệu một cuộc trao đổi với với ông Phillip Nguyễn, nhà sáng lập tổ chức Viet Benevolence Foundation (Quỹ Việt Nam nhân ái) để tham gia vận động Chính quyền Việt Nam tiếp tục cho phép tu bổ Nghĩa trang Quân đội Biên Hòa về các vấn đề liên quan.

RFA: Xin ông cho biết tình trạng Nghĩa trang Quân đội Biên Hòa hiện nay.

Philip Nguyễn: Trước hết cho tôi cảm ơn và xin chào khán thính giả RFA. Tôi đã từ chối rất nhiều yêu cầu phỏng vấn. Nhưng bây giờ là những ngày cuối tháng Tư, sắp đến dịp Lễ 30 tháng Tư, tôi cảm thấy mình có một chút trách nhiệm nào đó, trả lời những câu hỏi một cách thành thật trung thực, với kinh nghiệm riêng của mình.
Tôi không có bằng chứng rằng bên Việt Nam cản trở việc trùng tu Nghĩa trang Quân đội Biên Hòa. Trong quá trình làm việc với phía Việt Nam, tôi không có trải nghiệm đó.
Nhưng nếu hỏi phía Việt Nam có tạo điều kiện tốt hơn cho chúng ta làm điều đó hay không thì có lẽ câu trả lời là không. Họ chỉ làm những gì tối thiểu nhất mà họ có thể làm. Đó là kinh nghiệm của tôi.
Về việc trùng tu thì có nhiều hội đoàn, tổ chức, cá nhân đã làm, tôi không nói hết được. Có nhiều việc khác nhau cần làm để trùng tu. Nếu nói việc dọn dẹp vệ sinh như quét lá, sơn vôi, thì đã có làm rồi và hiện vẫn có một hai nhóm đang làm việc đó Nhưng cái quan trọng nhất bây giờ là làm cái Vành khăn tang và đường thoát nước bên trong Nghĩa trang. Nếu không có dự án lớn thì không thể thi công công trình thoát nước để chống xói mòn các ngôi mộ khi có mưa xuống. Nếu không trùng tu lại cái Vành khăn tang thì sớm muộn gì công trình này trong Nghĩa trang sẽ bị đổ sụp xuống.

Công trình Vành khăn tang trong Nghĩa trang hiện đã ở tình trạng khẩn cấp, đến nỗi một lần tôi đi chung với bà văn phòng Tổng lãnh sự Mỹ ở Sài Gòn, tôi cố tình dẫn bà đi dưới cái Vành khăn tang. Bà ấy đã giật mình và dạt ra ngoài vì sợ nó sụp xuống.
Công trình này mô phỏng cái khăn tang trong văn hóa Việt Nam, bày tỏ sự tiếc thương với người đã mất. Trong bản gốc, xung quanh Vành khăn tang có những ống nước, khi mưa xuống, nước mưa sẽ theo đó chảy xuống. Đó kiến trúc mô phỏng dòng nước mắt dành cho người đã khuất. Bây giờ sau hơn nửa thế kỷ, những ống nước đó bị đất đá bịt lại, khi có mưa, nước không thoát được và động lại trên đó, gây mục nát và hư hại công trình.
Không có công trình nào không được trùng tu mà có thể tồn tại sau hơn nửa thế kỷ. Đến nay công trình này chưa sập là vì nó được xây dựng rất tốt. Đó là biểu tượng của Nghĩa trang nhưng hiện giờ chưa trùng tu được.

RFA: Ông có cho rằng việc trùng tu Nghĩa trang Quân đội Biên Hòa nên là việc chung của cả người Việt trong và ngoài nước, bất kể họ thuộc bên nào trong cuộc chiến, thay vì chỉ là việc của các cựu binh VNCH và thân nhân?

Phillip Nguyễn: Xin cảm ơn đã hỏi tôi câu này. Khi nói đến việc trùng tu Nghĩa trang Quân đội Biên Hòa, người ta thường nghĩ đó là việc của những người phía VNCH, nhất là những người từng trong Quân lực VNCH. Nhưng trong góc nhìn của tôi, đó là trách nhiệm chung cho cả dân tộc, không chỉ cho Miền Nam mà cho cả Miền Bắc. Vì sao? Vì đó là một di tích lịch sử rất quan trọng mà mỗi chúng ta đều có tránh nhiệm bảo tồn, cho dù di tích lịch sử đó có thể không đem lại "sự thuận tiện" cho chúng ta.
Bất kể chúng ta đứng ở phía nào thì lịch sử vẫn là lịch sử. Nghĩa trang Quân đội Biên Hòa là một nhân chứng lịch sử về một giai đoạn lịch sử đã qua. Việc gìn giữ di tích này do đó là việc chung cho cả hai Miền Nam Bắc. Đó là góc nhìn của tôi từ ống kính lịch sử.

RFA: Ông có nghĩ rằng không chỉ Chính phủ Hà Nội mà cả người dân Miền Bắc nên coi việc trùng tu Nghĩa trang Quân đội Biên Hòa như là một cách thực hiện hòa giải dân tộc một cách thật tâm?

Phillip Nguyễn: "Hòa giải dân tộc" bây giờ là một cách nói gây ra tranh cãi vì nhiều người nghĩ rằng Chính quyền Việt Nam có những câu nói rất hay, rất hài hòa về sự hòa giải nhưng trên thực tế thì không phải như vậy. Nếu họ có làm thì họ làm theo kiểu là "hòa tan" chứ không phải là "hòa hợp". "Hòa tan" tức là họ chỉ muốn hòa tan phía bên kia. Điều đó gây ra nhiều chống đối từ hải ngoại, đặc biệt là ở Mỹ.
Để trả lời câu hỏi của bạn thì tôi nghĩ thế này. Có nhiều việc người sống không làm được nhưng người chết làm được. Đây chính là việc mà người chết có thể làm được.
Chúng ta hãy xem đây là cơ hội để thực hiện việc hòa giải. Đó là cơ hội rất lớn. Tôi cảm thấy rằng Chính quyền Việt Nam đã bỏ lỡ rất nhiều cơ hội để làm việc đó.
Đây là cơ hội vì đây là một di tích lịch sử quan trọng. Nếu chúng ta có thiện tâm, thiện chí với việc hòa giải thì trước hết hãy hòa giải với người đã chết trước đã, sau đó sẽ hòa giải với người đang sống.
Như tôi, như bạn và hàng triệu người Việt Nam khác, chúng ta đang viết một trang sử nhân đạo. Một trăm năm sau, ngàn năm sau, con cháu chúng ta có học được bài học gì từ chúng ta không?

Chúng nó mai sau có học được bài học rằng cha ông chúng nó đã từng nhồi da xáo thịt, từng huynh đệ tương tàn, nhưng rồi cũng vì những mục đích lớn của quê hương dân tộc, vì một cái gì thiêng liêng cho quê hương đất nước mà đã bỏ qua những cái tôi cá nhân của mình, chấp nhận đi tới. Chúng ta phải cho con em chúng ta sau này biết rằng chúng ta dù Nam hay Bắc, dù phía này hay phía kia trong cuộc chiến, nhưng cuối cùng vẫn là anh em Việt Nam.
Nhưng chúng ta không thể chỉ nói mà cần phải hành động.
Đây đâu phải là lần đầu tiên nước Việt chúng ta có huynh đệ tương tàn, có nồi da xáo thịt? Cuộc huynh đệ tương tàn gần nhất là anh em Quang Trung - Nguyễn Ánh. Họ còn chém giết nhau tàn nhẫn hơn nữa, nhưng rồi lịch sử ngày hôm nay chúng ta đều tôn trọng sự đóng góp của cả hai bên. Chúng ta đều bảo tồn di tích lịch sử của cả hai bên nên chúng ta có một trang sử trọn vẹn hơn. Nếu không, con cháu chúng ta chỉ biết lịch sử một chiều, chỉ biết một mặt của đồng xu mà không biết mặt bên kia, chỉ biết "history" mà không biết "herstory".

Người ta nói rằng một cơ chế sai có thể giết chết một thế hệ nhưng một trang sử sai có thể giết hàng trăm thế hệ. Đó là lý do vì sao mà Chính quyền Việt Nam đừng nên xem Nghĩa trang Quân đội Biên Hòa là một cái chướng ngại, một cái gì cần phải lo lắng về mặt chính trị cho chế độ. Bởi vì ngày hôm nay, luồng gió chính trị đã thay đổi hết rồi. Bây giờ Việt Nam đã hoàn toàn được lãnh đạo dưới một Đảng Cộng sản rồi. Không có lý do gì để lo sợ rằng đây là nghĩa trang quân đội cũ, rồi có ai đó sẽ kiếm cách này, cớ kia để tạo khó khăn cho Chính quyền Việt Nam. Theo tôi thì ngược lại, Chính quyền Việt Nam có thể tận dụng cơ hội để để xây dựng hòa hợp hòa giải thực sự, không chỉ nói mà có hành động.
Thực sự trong Chính quyền Việt Nam có rất nhiều người rất là tốt, có rất nhiều thiện chí. Tôi đã gặp rất nhiều người mà tôi rất cảm kích. Họ có tấm lòng nhân ái rất là lớn, rất muốn làm những gì mà tôi đang nói. Chẳng qua là số người đó ít quá, họ không làm được gì, và hơn nữa ở Việt Nam thì ai muốn làm gì cũng phải theo chỉ thị đưa xuống cho nên ở địa phương và cấp bên dưới có muốn cũng không làm được.

RFA: Theo ông, nếu bây giờ, vào một ngày đẹp trời nọ, bỗng dưng Chính quyền Hà Nội không chỉ cho phép những hội đoàn hay cá nhân như ông tiếp tục trùng tu Nghĩa trang Quân đội Biên Hòa mà chính họ đứng ra làm việc đó thì tác động của việc làm này sẽ là thế nào?

Phillip Nguyễn: Tác động của việc đó sẽ rất đẹp. Rất đẹp. Chúng ta có thể dẫn chứng trường hợp nội chiến Mỹ. Khi Miền Bắc Mỹ thắng Nam Mỹ, họ đã tôn trọng cả hai bên. Vị tướng Grant và tướng Lee của hai bên đã bắt tay nhau. Việc đầu tiên họ làm là trùng tu nghĩa trang của tử sĩ cả hai bên. Họ không cần nói nhiều. Chỉ cần làm như vậy, họ đã xóa biết bao hận thù của hai bên.
Mà ngay cả khi họ nỗ lực thật tâm như vậy, ngày nay hận thù Nam Bắc ở Mỹ vẫn còn. Ngày nay khi đi viếng các nghĩa trang ở miền Nam nước Mỹ, chúng ta thấy mộ của hai bên đều giống nhau. Ta thử hình dung nếu như ở Mỹ, nếu bên thắng cuộc mà đối xử với bên thua cuộc như ở Việt Nam, đặc biệt là trong 20 năm đầu tiên thì sao?

Theo tôi, thay vì bỏ công bỏ sức ra tuyên truyền, kêu gọi, thay vì lên sân khấu hát những bài ca về đoàn kết, thì Chính quyền Việt Nam chỉ cần làm một việc nhỏ như vậy. Đối với ngân sách Việt Nam bây giờ, chi phí trùng tu Nghĩa trang Quân đội Biên Hòa chỉ là đồng xu một cent (1/100 Mỹ kim.) Đối với số ngoại tệ mà cộng đồng hải ngoại đã gửi về nước bao nhiêu năm qua, lên đến hàng trăm tỉ Mỹ kim, thì chi phí đó thậm chí còn không bằng một đồng xu. Nhưng điều đáng buồn là họ không làm việc đó.
Trong cuộc chiến nào cũng vậy, người thắng cuộc là người có trách nhiệm hòa giải với người thua cuộc. Người thua cuộc không có trách nhiệm đó, vì người thắng cuộc là bên cầm giữ chìa khóa mở cánh cửa hòa giải, đang cầm cây bút viết lại lịch sử, chứ không phải ngược lại. Mặc dù trong việc hòa giải này, cộng đồng hải ngoại cũng cần hợp tác, nhưng người tiên phong, giữ trách nhiệm chính luôn luôn là bên thắng cuộc.

RFA: Tại sao nhà cầm quyền Cộng sản Việt Nam ôm một nỗi lo thường được cho là vô lý, đó là nếu trùng tu Nghĩa trang Quân đội Biên Hòa thì sẽ có ai đó lợi dụng để khôi phục chế độ VNCH. Hoặc như gần đây, họ cấm các hoạt động từ thiện trợ giúp các thương phế binh VNCH, những người bị thương tật trong chiến tranh, bây giờ đều là những cụ già tầm 80 đến 90 tuổi cả rồi. Cuộc sống rất khó khăn và cô đơn. Không ai có thể hiểu được những cụ già thương tật như vậy lại có thể đe dọa đến một chế độ có một triệu quân và 6 triệu công an.

Phillip Nguyễn: Tôi không hiểu đường lối của họ. Tôi chỉ đơn giản là không hiểu. Tôi nghĩ có thể họ chỉ mượn cái cớ về an ninh quốc gia, thành phố, tỉnh, làng xóm thôi. Cứ nhìn vào 50 năm qua, đã từng có một điều gì gây tổn hại an ninh cho Việt Nam mà do ngoại quốc đưa về? Không có. Trong khi đó, bà con Việt kiều đã về Việt Nam rất nhiều, gửi rất nhiều tiền về Việt Nam. Có rất nhiều du học sinh Việt Nam đã sang Mỹ. Hai xã hội đã hòa nhập với nhau rất tốt. Không có lý do gì để ôm nỗi lo như vậy.
Tôi nghĩ rằng họ có thể muốn xóa bỏ lịch sử VNCH. Họ muốn người ta không còn nhớ đến VNCH nữa. Ngoài ra không còn cách nào khác để giải thích cả.
Đến bây giờ còn làm khó làm dễ các chú các bác thương phê binh, những người tuổi đời đâu còn bao nhiêu nữa. Cùng lắm họ sống thêm được 5 năm nữa. Họ không thể sống đến 10 năm nữa. Vậy tại sao lại phải ngăn cản họ nhận trợ giúp tuổi già từ bạn bè ở ngoại quốc?

Hành động đó sẽ đi vào lịch sử sau này. Đó sẽ là một vết dơ lịch sử. Họ có thể xem hành động đó thì không có gì. Nhưng tôi nghĩ là không phải. Con người ngày hôm nay sẽ ghi nhớ những điều đó. Thời đại ngày nay đã khác, những việc làm đó sẽ được ghi nhớ. Đời sau sẽ nhớ về một bên thắng cuộc không có tấm lòng nhân ái.
Nói vậy thì nghe nó hơi nặng nề. Những năm gần đây, chính quyền đã có nhiều cố gắng. Nói chung họ đã thay đổi nhiều lắm. Những năm gầy đây có rất nhiều điều tốt. Cá nhân tôi chưa tận mắt thấy việc công an đi tịch thu quà mà các chú bác thương phế binh được nhận. Mặc dù qua báo chí thì cũng có nghe việc đó rất nhiêu nhưng tự cá nhân tôi thì chưa tận mắt thấy. Nếu đã xảy ra việc như vậy thì họ quá tàn nhẫn, không còn sự nhân bản, nhân đạo của con người.

Những việc làm đó chỉ gây thêm khó khăn cho nước Việt Nam mà thôi.
Bây giờ đã gần 50 năm sau chiến tranh, giả sử bây giờ ở thành phố tôi đang sống, Grand Rapids, thành phố lớn thứ hai ở tiểu bang Michigan, nếu tôi đưa một đoàn doanh nhân Việt Nam đến đây gặp ông thị trưởng để kết nối kinh doanh thì nhà tôi có thể bị cháy đấy. Nhưng tại sao lại như vậy? Các cháu du học sinh Việt Nam sang đây cũng bị kỳ thị trong khi các cháu nhỏ có làm gì đâu?
Nhưng ai gây ra những sự chia rẽ đó? Ai gây ra những kì thị đó? Ai nuôi dưỡng mãi những mối thù đó? Tôi chỉ hỏi vậy chứ bạn cũng biết câu trả lời rồi.
Sau cuộc chiến này cũng vậy, người thắng cuộc, Chính quyền Việt Nam có nhiều thuận lợi, cơ hội để thúc đẩy sự hòa giải.

RFA: Người ta thường lấy chuyện người Mỹ, người Nhật, người Đức hòa giải sau nội chiến để so sánh với Việt Nam hiện đại. Nhưng trong lịch sử, Việt Nam cũng có truyền thống "nghĩa tử là nghĩa tận", tức là thù hận chỉ dành cho người sống, khi ai đó đã nằm xuống, mọi ân oán phải được gạt sang một bên.

Phillip Nguyễn: Trong nhà có hai anh em. Mộ bia của nhà em cần được tu sửa. Em tu sửa là chuyện đương nhiên. Anh làm thay em thì ý nghĩa to lớn hơn nhiều. Người bên hải ngoại này về tu sửa là chuyện bình thường. Còn nếu phía Chính quyền Việt Nam tu bổ lại nó thì nó mới có ý nghĩa.
Tôi bảo đảm là nếu Việt Nam có chương trình tu bổ lại những nghĩa trang VNCH, khi họ tìm được mộ xương của người lính VNCH, họ không vứt bỏ như lâu nay thì không cần phải nói nhiều, người dân sẽ tự hiểu được. Họ thấy được một xã hội văn minh, một thể chế chính trị nhân đạo.
Tất nhiên nếu Chính quyền Việt Nam đứng ra tu bổ Nghĩa trang Quân đội Biên Hòa, không phải bên này ai cũng vui đâu. Cũng có vài người không vui. Họ không muốn nhìn thấy cái mặt tốt đẹp của Việt Nam đâu. Đây là điều đáng buồn nhưng đây là điều có thật. Dẫu sao đó cũng chỉ là chuyện cá nhân. Còn đó vẫn là chuyện chính thể nên làm để là khép lại một trang sử đau thương.

Một nhà văn từng nói "hãy cho tôi biết một đất nước có văn minh hay không bằng cách cho tôi xem cách họ đối xử với người chết".
Cách một đất nước đối xử với người chết nói lên cái nhân bản, nhân văn của họ. Giả sử trong cuộc chiến đó, Miền Nam thắng cuộc và đối xử với những ngôi mộ của bộ đội Miền Bắc như vậy, tôi sẽ là người đầu tiên phản đối. Chỉ có người không có tình yêu thương mới ngồi yên, chỉ có người không có tình dân tộc, không có lòng yêu quê hướng đất nước của mình thì mới chấp nhận điều đó. Vì sao? Vì tất cả chúng ta đều là người Việt Nam. Chúng ta hãy tìm hết mọi cách để giữ cho người đã khuất một nơi an nghỉ cuối cùng.

RFA xin cảm ơn ông Phillip Nguyễn đã dành cho chúng tôi cuộc phỏng vấn này.


"Tránh Xa Bắc Kỳ"
(Bình luận của blogger Nguyễn Nhơn)


(Hình: Đường phố Hà Nội hôm 17/12/1986.)
-Bàn luận trong gia đình hay chỗ bạn bè thân thiết thì nói sạch sẽ tuốt luốt, N. khẳng định rất chắc chắn và cương quyết. Đề tài này tuy tế nhị nhưng chúng tôi đều đã có nhiều năm và nhiều phen trải nghiệm cùng kiểm nghiệm, cuối cùng đều thống nhất với nhau.
Nhưng để nói ra chỗ bàn dân thiên hạ thì phải cân nhắc rất nhiều. Nó nhạy cảm quá, mà những tấm gương ăn gạch của đám đông- dù họ nói không hề sai-thì vẫn luôn còn đấy.
Đúng rồi, tôi muốn nói đến chuyện kỳ thị Nam-Bắc, đặc biệt là sau thời điểm thống nhất đất nước.

Không Chơi, Không Làm Ăn Với Người Bắc
Kỳ thị vùng miền thì ở đâu và thời nào cũng có. Tuổi tôi không chứng kiến được đời sống Việt Nam trước 1975, nhưng đọc văn của các tác giả miền Nam giai đoạn đó thì thấy rất rõ: dân miền Nam thời đó không kỳ thị Nam-Bắc, chí ít không kỳ thị sâu bằng sau thời điểm này. Theo quan sát của tôi, sau 1975, sự kỳ thị Nam-Bắc giống như chiếc rãnh xẻ ra trong cao su. Nó rất đàn hồi và giỏi biến dạng đến nỗi nhiều lúc trông từ bên ngoài như vẫn hoàn toàn nguyên lành, nhưng thực ra nó vẫn ở đó và ngày càng sâu hơn.

Nguyên nhân trực tiếp thì là vì sau 1975, người miền Nam tiếp xúc với người miền Bắc nhiều hơn và sát gần hơn.
Gia đình tôi dặn con cháu: Không thân thiết với người Bắc, không làm ăn với người Bắc, hết sức cẩn trọng với đồng nghiệp là người Bắc, cố gắng không mua bán gì ở các cửa tiệm do người Bắc làm chủ, và quan trọng nhất, dĩ nhiên không lấy chồng lấy vợ người Bắc.
Ngạc nhiên chưa, gia đình tôi lại không phải là người miền Nam thuần túy kiểu sinh ra lớn lên tại miền Nam và/hoặc mất mát nhiều sau thời điểm tháng 4/1975.
Không phải! Cha mẹ tôi gốc Nam Bộ nhưng đều lưu lạc sinh sống ở rất nhiều nơi, cả ngoại quốc, mà nhấn mạnh này: Thời gian sinh sống dài thứ nhì của cha mẹ tôi là ở miền Bắc, đến vài chục năm. Dài thứ nhất thì chắc chắn là ở miền Nam rồi.

Sự cảnh giác của cha mẹ tôi, sau đó là toàn thể gia đình tôi bắt nguồn từ kinh nghiệm trong các mối quan hệ với người Bắc. Dĩ nhiên ở đây nói về số nhiều.
Dịch vụ: Người Bắc nói chung làm dịch vụ rất kém. So với sự xởi lởi, sòng phẳng và linh hoạt của người (làm dịch vụ) miền Nam thì chạy xịt khói không tới. Từ người chủ cho đến nhân viên bán hàng người Bắc thường có vẻ mặt khinh khỉnh, nói năng với khách lạnh nhạt hoặc thô lỗ. Họ sẵn sàng phân biệt và gọi khách bằng những đặc điểm cơ thể mang tính body shaming như chị Béo kia, anh Hói nọ. Mặt bên kia của đặc điểm này thì lại là những lời ngọt ngào tâng bốc quá mức đến giả tạo. Tư vấn và hậu mãi cho khách đều không tốt, hay nói chung là không có. Họ chỉ cần bán được hàng xong thì sẵn sàng trở mặt với khách. Tư tưởng chém khách luôn đặt trên đỉnh đầu, đặc biệt là chém khách nói giọng miền Nam (dân miền Nam được mặc định là có tiền và hào sảng, dễ dàng bỏ tiền). Người làm dịch vụ người Bắc dường như luôn có nỗi hổ thẹn ngầm vì cái nghề đang nuôi sống mình, do đó họ thường có các hành động và lời nói phủ nhận nghề nghiệp, ví dụ như chỏng lỏn với khách, bỏ mặc khách hoặc thậm chí quát tháo, mắng mỏ khách. Người bán hàng thì gian dối, vụ lợi.


(Hình: Người bán hàng trên đường phố Hà Nội hôm 21/3/1993.)
Lối sống: (Nhiều) người Bắc bị cho là có lối sống nịnh nọt, ích kỷ, giả trá, đội trên đạp dưới, hai mặt, háo danh, vụ lợi.
Cách đây khoảng chục năm, hàng loạt công ty gia công giày da và may mặc ở Bình Dương đã nổi tiếng vì công khai treo băng-rôn tuyển dụng hàng loạt công nhân, nhưng nộp hồ sơ vào thì "trừ công nhân Nghệ An, Thanh Hóa, Hà Tĩnh".
Sự việc gây một chấn động không nhỏ trong dư luận xã hội nói chung vào thời điểm đó, nhưng bất ngờ là ngay tại nơi nó diễn ra thì không mấy ai ngạc nhiên.

Là vì, công nhân xuất thân từ ba địa phương nói trên được người tuyển dụng nhận xét chung là hay kết bè kết đảng, trộm cắp lừa đảo thậm chí đập phá tài sản của chính công ty mình, gây gổ ẩu đả với những công nhân khác, lôi kéo ngừng việc tập thể sai pháp luật.
Sự việc kéo theo vô số người bình luận, phân tích. Rất nhiều nam nữ công nhân sinh ra ở ba địa phương trên lên báo nói mình bị oan. Nhiều người lên án các công ty có hành vi chọn lọc này, bảo họ vơ đũa cả nắm gây thiệt thòi cho người lao động. Có người nói tính cách của người quê mình là bộc trực, yêu ghét rõ ràng, đoàn kết… nhưng bị người tuyển dụng hiểu sai.
Có điều người tuyển dụng không bỏ thời gian đi đãi cát tìm vàng. Họ cứ ra lệnh cho bảo vệ: Nếu nghe giọng hoặc xem hồ sơ thấy nơi sinh, quê quán là mấy địa phương trên thì không nhận hồ sơ. Hoặc, vẫn nhận, để người ta không có cớ kiện thưa. Nhưng nhận xong vứt sọt rác.

Dân Bắc: Dân Nam Dại, Dễ Lừa
Trong khi đó, dân Nam thực lòng và thẳng thắn thì bị dân Bắc chê là ít học, cục mịch, hời hợt, thiếu sâu sắc tinh tế, không "khôn", lừa dễ lắm. Thế cho nên dân Nam chọn cách né xa dân Bắc để khỏi phải mất công đề phòng với những người luôn mang tâm kế, thích dùng thủ đoạn và cách sống lắt léo để giành lợi ích về mình.
Trừ các mối quan hệ công việc hoặc các mối quan hệ bắt buộc phải giữ, thì thái độ của dân Nam với dân Bắc là kính nhi viễn chi hoặc chỉ xã giao, tuyệt đối không hơn.
Dĩ nhiên, ở đâu cũng có người nọ người kia. Nhưng với người nói giọng miền Bắc thì cái sự "người nọ" lại đông hơn "người kia" quá nhiều.
Ở các không gian khác, sự kỳ thị không rõ ràng như ở các Khu công nghiệp-Khu chế xuất Bình Dương, nhưng vẫn luôn tồn tại. Trong công sở, nhân viên buộc phải giữ quan hệ xã giao để phục vụ công việc, thế nhưng ra ngoài phạm vi này, vẫn rất nhiều nơi tự động chia thành nhóm dân Bắc-nhóm dân Nam, nhóm này không thực lòng và thân thiết với nhóm kia.

Hỏi, thì hầu như tất cả mọi người sẽ nói: Không phải ghét người Bắc, mà ghét cách sống của họ.
Nhưng, cách sống bị khinh ghét đó của (nhiều) người Bắc không phải là thuộc tính từ xưa của họ, mà nó sinh ra và được vun đắp, bồi dưỡng, khai hoa kết quả và ngày càng phát triển bền vững trong sự nghiệp của chế độ (gọi là) cộng sản được áp đặt trên miền Bắc trong suốt mấy chục năm, và sau đó là cả nước. Nên nói chung là ghét người Bắc nhưng dần dần đã có không ít người miền Nam bị cảm nhiễm những thói xấu này.
Trong khi đó, cũng do sự hòa trộn văn hóa và lối sống, nhiều người Bắc lại học được tính cách rõ ràng rạch ròi và trượng nghĩa của miền Nam.
Tuy nhiên, nói một cách thành thật và tỉ mỉ thì hầu như chẳng còn cộng đồng nào còn giữ được trọn vẹn những đặc tính vốn có của mình. Chỉ là tính cách nào được số đông thống nhất là đặc điểm chung của cộng đồng đó mà thôi.
Quay trở lại nguồn gốc của hình ảnh "Bắc Kỳ bị ghét".

Siêu Nhân Con Người Mới Xã Hội Chủ Nghĩa
Những thế hệ người Bắc từ 1954 đã được giáo dục từ khi mặc quần thủng đít là lớn lên phải trở thành "con người mới Xã hội chủ nghĩa". À không, siêu nhân mới Xã hội chủ nghĩa mới đúng. Tiêu chuẩn của nó như thế này:
"Thứ nhất, con người mới Xã hội chủ nghĩa phải có tinh thần đoàn kết quốc tế trong sáng, trên lập trường của giai cấp công nhân.
Tinh thần đoàn kết quốc tế trong sáng chính là tinh thần đoàn kết với các dân tộc bị áp bức, với nhân dân lao động các nước trong cuộc đấu tranh giải phóng con người khỏi ách áp bức, bóc lột (…).
Thứ hai, con người mới Xã hội chủ nghĩa phải có tư tưởng mới, có đạo đức cách mạng: Cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư, trung thực, chân thành, lối sống trong sáng, có khát vọng mới, hướng tới hạnh phúc, tự do.
Thứ ba, con người mới Xã hội chủ nghĩa phải có lòng vị tha, bao dung, thương yêu con người, tôn trọng nhân cách con người và coi trọng đạo lý làm người" (Trích Hồ Chí Minh: Toàn tập, tập 13, Nhà xuất bản. Chính trị quốc gia - Sự thật, Hà Nội, 2011, tr.66).

Sự nghiệp xây dựng con người mới Xã hội chủ nghĩa ở miền Bắc đến nay là 70 năm. Chẳng biết trong gần một thế kỷ ấy có bao nhiêu con người mới được sinh ra, chỉ biết chế độ quá độ tiến lên chủ nghĩa xã hội đã đẻ ra vô số tục ngữ ca dao mới, mà một trong số đó khái quát về những con người rất đặc trưng của xã hội mới như sau:

Ai cũng có việc làm nhưng không ai làm việc.
Ai cũng không làm việc nhưng ai cũng có lương.
Ai cũng có lương nhưng không ai đủ sống.
Ai cũng không đủ sống nhưng ai cũng sống.
Ai cũng sống nhưng không ai hài lòng.
Ai cũng không hài lòng nhưng ai cũng giơ tay "đồng ý"!

Ở nông thôn thì:

Mỗi người làm việc bằng hai
Để cho chủ nhiệm mua đài mua xe!
Mỗi người làm việc bằng ba
Để cho chủ nhiệm xây nhà lát sân.

Đối chiếu thực tế ấy với những tiêu chuẩn con người mới như của thánh thần, những "tư tưởng mới, đạo đức cách mạng: Cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư, trung thực, chân thành, lối sống trong sáng, có khát vọng mới, hướng tới hạnh phúc, tự do", thu được kết quả là… một lũ nói dối như cuội!
Trong cái xã hội đó, người ta nói dối và lấy lòng cấp trên, giẫm đạp cấp dưới, lý tưởng cả đời là thăng quan tiến chức hoặc xây nhà mình cao hơn nhà thằng hàng xóm…. Nó trở thành một lối sống, thậm chí một lẽ sống bắt buộc, người nào đi ngược dòng sẽ bị tẩy chay và gánh chịu vô số thiệt thòi. Từ nói dối dẫn đến lừa lọc, thủ đoạn, xảo quyệt, "xã hội mới" đã đào luyện ra những sản phẩm méo mó để phù hợp và phục vụ chính nó như thế đấy.

Các tiêu chí con người mới Xã hội chủ nghĩa không tưởng đến nỗi hài hước, đồng thời vô cùng khắc nghiệt ở chỗ nó bắt con người bằng xương bằng thịt phải tự đánh giá mình bằng hệ thống chuẩn mực đó. So sánh với ngũ thường-Nhân, Nghĩa, Lễ, Trí, Tín đơn giản nhưng thâm sâu vô cùng thì nó chỉ là một trò hề dối mình lừa người.
Ngụp lặn suốt mấy chục năm trong cái hệ thống như thùng thuốc nhuộm đó, ai không trở thành con lươn trơn tuột giỏi luồn lách nịnh nọt thì phải gọi là của hiếm, sắp tuyệt chủng.

Những người đó được gọi là "người Bắc nhưng mà tốt".
Cho nên nguồn cơn của sự ghét người Bắc, bên ngoài là bắt đầu từ những con người cụ thể, nhưng bên trong, nó là ý thức tẩy chay, chống lại cả một hệ thống, cách thức vận hành xã hội. Cùng với khoảng cách với thế giới ngày càng ngắn lại, sự tẩy chay đó lẩn vào trong nhưng dai dẳng và không phai nhạt đi chút nào.

Bao giờ còn cái cỗ máy quái thai nhào nặn ra những con người quái thai như thế thì sự kỳ thị vẫn còn, và còn sâu sắc đến tận xương tủy.


Hôm nay (30/4/2024), Những vần thơ Tưởng Niệm ngày Quốc Hận 30/4/1975

(Nam Dao)


Ngày Quốc Hận năm nay như năm trước,
Vẫn là ngày Quốc Hận của năm sau!
Nếu mọi người còn chung một niềm đau,
Còn quay quắt ôm nỗi sầu vong quốc.

Vĩnh Liêm

Bốn câu thơ trên của nhà thơ Vĩnh Liêm sáng tác vào dịp tưởng niệm Quốc Hận, không phải chỉ là tâm sự của riêng cá nhân tác giả mà nó phản ảnh tâm tư của người dân miền Nam nói riêng và của cả dân tộc Việt Nam nói chung. Niềm đau chung nỗi sầu vong quốc đã được ghi lại bằng những vần thơ, câu văn hay dòng nhạc. Đối với nhà thơ Lê Chân, tác giả của “Bài thơ Tháng Tư Đen”, 30/4 là ngày đoạn trường, ngày phủ màu tang trắng trên quê hương dân tộc:

Anh ơi ! Tháng Tư đen
Ngày ba mươi đoạn trường !
Anh nuốt hờn tủi nhục,
Em suối lệ trào tuôn.

Anh ơi ! Tháng Tư đen
Tháng Tư cơn Quốc nạn
Trời đất cùng kinh hoàng,
Tháng tư phủ mầu tang.

“Tháng Tư đen không chỉ là buông súng,
Ngày toàn dân phải trả gía”hòa bình” .
Bằng tủi nhục bằng ngàn năm tăm tối,
Bằng đọa đày cả thế hệ tương lai .”

Tháng Tư ôi ! Nhục hình
Ngập trời cảnh điêu linh.
Khóc thương bao Anh Hùng,
Vì Tổ Quốc hy sinh.

Hay nỗi đau uất hận của nhà thơ Dương Thượng Trúc được gói ghém trong bài thơ Tháng Tư Tổ Quốc Phủ Màu Tang

Tháng tư Tổ Quốc phủ màu tang.
Dân tộc đau thương oán hận tràn.
Tủi phận nam nhi đời lữ thứ.
Hướng về quê mẹ lệ chứa chan…

Không phải chỉ riêng có Dương Thượng Trúc tác giả của bốn câu thơ trên mang nỗi sầu biệt xứ mà còn có Vĩnh Liêm và rất nhiều nhà thơ khác cũng đã nói lên dùm tâm trạng của hơn ba triệu thuyền nhân tỵ nạn CSVN nơi xứ người :

Vẫn là chuyện tháng Tư buồn thảm ấy,
Thế mà sao tôi vẫn nhớ thân thương!
Vì tháng Tư nên tôi phải ly hương,
Nơi đất khách ôm nỗi sầu biệt xứ.

Chuyện bi thảm của Miền Nam bức tử,
Là chuyện buồn của lịch sử sang trang.
Là niềm đau uất hận đã dâng tràn,
Là ly cách muôn đời dòng sữa Mẹ.

Vĩnh Liêm (Vẫn chuyện tháng tư)

Chuyện buồn của lịch sử sang trang cũng đã được nữ sĩ Ngô Minh Hằng ghi chép lại khá đầy đủ qua bài thơ “Hỡi ai thương nhớ quê hương”:

Hỡi ai thương nhớ quê hương
Xin nghe tôi kể chuyện buồn tháng Tư
Tháng Tư, trời đất mây mù
Lệnh hàng, buông súng, thiên thu còn buồn!
Nghẹn ngào, nhục tủi, đau thương
Oan khiên máu đỏ ngập đường lui quân
Thân người đổ xuống theo thân
Không làn đất phủ, không lần tiễn đưa!
Xác người bón gốc rừng thưa
Nước tôi có một Tháng Tư kinh hoàng!
Tháng Tư nghe lệnh đầu hàng
Bao người thương lá cờ vàng, quyên sinh!
Nước nguy, vị nước, quên mình
Mất thành, anh dũng cùng thành, chết theo!
Tháng Tư khói lửa ngặt nghèo
Vô danh quốc sử bao nhiêu anh hùng!
Tháng Tư vợ trẻ khóc chồng
Mẹ già chan chứa giọt hồng khóc con
Tháng Tư đại bác nổ giòn
Trẻ thơ chết thảm dưới cơn đạn thù
Tháng Tư rộng cửa lao tù
Nước tôi từ đấy đau nhừ nỗi đau
Núi rừng người nối chân nhau
Kiếp tù lạ nhất địa cầu, thảm chưa!
Trong tù, tù chết như mơ
Ngoài tù, dân chết bên bờ biển đông
Biển xanh pha đỏ máu hồng
Rừng xanh lệ đỏ từng dòng mồ hôi!
Tháng Tư ai biến nước tôi
Thành lò hỏa ngục thiêu người tang thương!

Đất nước VN đã được thống nhất gần nửa thế kỷ. Thời gian cũng khá đủ dài để xây dựng lại quê hương sau chinh chiến điêu linh và đem lại cơm no áo ấm hạnh phúc cho muôn dân. Nhưng điều gì đã khiến cho hơn ba triệu người Việt tỵ nạn CS ở hải ngoại ưu tư trăn trở phải chọn lựa ôm mối sầu biệt xứ cách ly muôn đời dòng sữa Mẹ VN. Bài thơ ‘Quốc hận 30 tháng 4 cuả Sao Linh được Đỗ Quân phổ nhạc cũng là một trong những câu trả lời cho câu hỏi tại sao những người mang căn cước tỵ nạn chính trị CSVN vẫn chưa trở về quê cha đất tổ:

Anh hỏi em sao không về thăm mẹ
Ngày lìa đời mẹ nhắm mắt không yên
Vắng bóng em nên mẹ chết ưu phiền
Vầng tang trắng thiếu đứa con gái út
Em hỏi anh vì sao em bỏ nước?

Tại vì sao mẫu tử phải chia lìa
Tại vì sao chồng vợ phải phân chia
Ngàn người chết biển đông trong rừng thẳm
Em hỏi anh hơn ba mươi năm lẻ

Quê hương mình dân chúng vẫn điêu linh
Độc lập tự do sao dân không cơm áo
Hiếp đáp người, đàn áp bắt dân oan
Nào Biển Đông Nam Quan, Bản Giốc

Sao cắt dâng Tàu cuí mặt khom lưng
Cô gái thanh xuân nước mắt rưng rưng
Vì manh aó bán thân lìa cha mẹ
Trẻ thất học lang thang trên đường phố

Kiếm mưu sinh trong đống rác vĩa hè
Nguời dân oan mất nhà và mất đất
Nguời nông dân cày ruộng thiếu cơm ăn
Tuy xa quê nhưng lòng luôn khắc khoải

Vui sướng gì khi đất nước lầm than
30 tháng 4 anh ơi còn nhớ
Ngày đau buồn cả nước quấn khăn tang
Ba mươi tháng tư Việt Nam ngày Quốc hận

Ngày kinh hoàng rúng động cả năm châu
Giặc cộng xâm lăng bao nguời dân đã chết
Vì tự do ta làm thân viễn xứ
Em sẽ về khi quê hương bừng sáng

Ngày tự do dân chủ sẽ không xa
Tuổi trẻ Việt Nam kiên gan bất khuất
Sẽ dựng lại một mùa xuân nhiệm mầu

Nỗi lòng đồng bào hải ngoại nghĩ về Ngày Quốc Hận 30/4 đau xót như thế ấy. Thế còn đồng bào quốc nội nghĩ gì về ngày 30/4. Bài thơ dưới đây của một công dân mới 2 tuổi đời vào năm 1975 nay đã nghĩ gì trong mùa tưởng niệm quốc hận 30/4

Tháng tư con hai tuổi
Ba bồng con đứng nép bên đường
Xích xe tăng rào rạo nghênh ngang
Con bật khóc ngực ba đau nhói

Tháng tư với mặt trời mọc ngược
Đêm thành ngày trắng bỗng thành đen
Gió không thổi người đi như chạy
Hầm hố nào thành luỹ tan hoang

Giờ cũng tháng tư
Con trên bốn mươi tuổi
Xích xe tăng vẫn nghiến mặt đường
Nghe rào rạo trong đêm tăm tối

Đường tự do nối mọi trái tim
Bị chặt khúc đào lên lấp xuống
Đường dân chủ vun vút dùi cui
Nòng súng nhắm vào từng khuôn ngực

Chúng muốn ta đi bằng đầu gối
Rụng hết tay chân biến thành lươn
Chúng muốn biến ta thành đinh ốc
Trong cỗ xe bọc thép tối om

Chúng muốn ta sống đời thực vật
Không biết đau la hét nói cười
Chỉ mở mắt nằm như cá chết
Trong nhà mồ lạnh lẽo trống không

Tháng tư trở lại làm cai ngục
Thay xích xiềng ổ khoá xà lim
Thay óc não buồng tim lá phổi
Thay con người thành lũ cừu non

Tháng tư đen tháng tư quỷ ám
Cả một bầy vượn cáo nhố nhăng
Kìa lũ sói đến từ phương bắc
Hú trên ngàn rớt rụng vầng trăng

Tháng tư đó làm đời con ngạt thở
Bốn mươi chin lần bốn mươi chín sợi dây
Mỗi lần đến lại siết thêm một chút
Ba già rồi ai cởi trói cho con!

Khuất Đẩu (Tháng tư đen)

Ngoài những vần thơ uất hận, những câu thơ châm biếm miả mai cuả ngòi bút Bút Trẻ trong bài thơ “Tháng tư đen” là những cái bạt tai ô nhục ngàn đời không rửa sạch dành cho những kẻ bán nước buôn dân:

Tháng tư đen như mực… Tầu
vấy lên cả nước… một mầu tang chung
Tháng tư đen như mặt… Hồ
Dân Ta ngồi…rửa nỗi nhơ ngàn đời
Tháng tư đen như…Bô Xi
bưng Bô cho Hán tặc…Xi đầy nhà
Tháng tư đen như…đảng tà
đỉnh cao ngu tối, chuyên… “chà đồ Nhôm”
Tháng tư đen, xã hội đen
bạo quyền…cướp trắng, dân hèn… trắng tay

Dẫu rằng đất nước đang chìm trong đen tối trước nạn Hán hóa, nhưng 4000 năm lịch sử hào hùng của tổ tiên đã đem lại cho ngòi Bút Trẻ niềm tin:

Tháng tư đen, Đuốc Tiền Nhân
Bất Tuân Dân Sự!… toàn dân lên đường
Tháng tư đen, Sử vẫn Xanh
Anh Hùng Hào Kiệt !… quyết giành Giang Sơn

Riêng đối với nhà thơ Lê Chân dù mang tâm trạng u uẩn khóc đời lưu vong:

Bốn mươi chin năm qua,
Tháng Tư đau từng giờ .
Tháng Tư trong hơi thở,
Tháng Tư gợi hồn thơ .

Vần thơ ôm uất hận,
Ta khóc đời lưu vong .
Anh hùng há thua được,
Khí tiết còn Non Sông .

Tiết khí còn non sông còn, nhà thơ Lê Chân đã biến những đau thương thành xúc tác lên đường vang lời thề rửa nhục giang sơn.

Hãy biến những đau thương,
Thành hành động kiên cường .
Hãy cất cao tiếng nói,
Vì tương lai xuống đường .

Tổ quốc Việt Nam ta
Hãy trả lại cho ta !
Vạn tấm lòng tha thiết,
Thề cứu lấy Quốc gia .

Anh ơi! Tháng Tư đen
Hãy ngẩng cao cuộc đời .
Lịch sử đang gọi mời ,
Lịch sử chính tay người .

Hãy viết lên anh ơi,
Hoa Lài trang sử mới .
Hãy thét lên anh ơi ,
Hoa Lài réo hồn tôi .

Anh ơi ! Nước non dơ
Ta lấy gì rửa sạch ?
Cơn cuồng phong cách mạng ,
Ta rửa nhục giang san .

Máu Trung Tá Long đã thấm xuống lòng đất

Anh ơi ! Ngày tang chung
Thúc giục hồn Anh hùng
Anh Hùng nơi lòng đất
Khí phách còn Núi Sông

(bài thơ tháng tư đen)

Và dĩ nhiên lịch sử VN sẽ lật sang trang mới huy hoàng và tươi sáng vì ngọn lửa Diên Hồng đang bùng cháy trong lòng dân tộc VN

Đây quê hương bao năm dài tăm tối
Tủi nhục ơi! Tang tóc đến ngất trời
Dậy! Dậy! Đi cách mạng khắp nơi nơi
Hoa Lài kia là chân lý cuộc đời

Giờ thái thú tham tàn đang thống trị,
Cam tâm cúi đầu bán nước cầu vinh .
Chúng hèn với giặc, ác với dân mình,
Hào kiệt ơi! Sao anh nỡ làm thinh?

Hỡi những trái tim thao thức Việt Nam,
Hỡi những trái tim khắc sâu lời nguyền .
Hỡi những trái tim kêu gào khẩn thiết,
Hỡi những trái tim chưa lần ngủ yên .

Không! Ta không van xin bạo quyền .
Không! Ta vươn vai phá tan xích xiềng
Không! Ta biến mình thành ánh đuốc
Không! Ta thề cứu lấy Non Sông

Lê Chân (Hào kiệt đâu ??)

Lịch sử hào hùng của giòng giống tiên rồng rồi cũng sẽ được lập lại. Sẽ có một ngày màu tang quốc Hận 30/4 sẽ đi vào dĩ vãng khi mặt trời tự do dân chủ và tình người chan hoà khắp nẻo đường đất nước Việt Nam. Ngày ấy tất phải đến. Không một bạo lực nào có thể cản ngăn được bánh xe lịch sử đang chuyển mình theo khát vọng của toàn dân.

Nam Dao (Adelaide)

‘Vinfast bán xe nhưng nên hiểu là mạng nguời không rẻ rúng’ (như dưới XHCN) Cho tới thời điểm này, Vinfast vẫn còn làm thinh về tai nạn, không một lời thăm hỏi, xin lỗi nạn nhân!

(Lê Minh Nguyên- April 30, 2024)

Chiếc VF8 bốc cháy sau khi tông vào một cây sồi, bốn người bị mắc kẹt trong xe chết cháy
-Vinfast không thể và không nên ứng xử thờ ơ trước một tai nạn kinh khủng như vậy ở Mỹ, không nên đem cung cách ứng xử với nguời tiêu dùng ở Việt Nam để áp dụng ở Mỹ, vì sẽ thất bại ê chề!
Gia đình bốn nguời chết hết vì đi xe Vinfast đụng vào cây sồi bốc cháy khoảng 9 giờ tối 24/4 ở Pleasanton, Bắc California.
Tốc độ cho phép lái trên đường Stoneridge Drive của thành phố này là 40 dặm một giờ, có nghĩa là tốc độ tương đối chậm, có thể thắng kịp khi gặp sự cố.
Cảnh sát cho biết việc xe chạy quá tốc độ có góp một phần vào tai nạn và không có chỉ dấu gì là do rượu, ma túy hay dằn co gây gỗ.
Xe va vào trụ lề đường rồi lạc tay lái đụng vào cây, bốc cháy dữ dội ngay sau đó mà ông Larry Lai, sống gần nơi đây cho biết ông đang ở bên ngoài thì nghe thấy tiếng nổ vào thời điểm xảy ra tai nạn. Ông nói: “Cứ 5 đến 10 giây lại có một tiếng nổ lớn, có thể khoảng 5 đến 8 lần”.

Ba người chết đã được nhận diện là:

-Tarun Cherukara George, 41 tuổi
-Rowan George, 13 tuổi
-Aaron George, 9 tuổi
Nguời thứ tư do bị cháy quá tệ nên chưa thể nhận diện sớm được, chỉ biết là phái nữ.

VinFast từ chối phản hồi với hãng tin NBC Bay Area. Cho tới thời điểm này, Vinfast vẫn còn làm thinh về tai nạn.
Trong nước các báo loan tin thì bị gỡ bài.
Vinfast không thể và không nên ứng xử thờ ơ trước một tai nạn kinh khủng như vậy ở Mỹ, không nên đem cung cách ứng xử với nguời tiêu dùng ở Việt Nam để áp dụng ở Mỹ, vì sẽ thất bại ê chề!
Việc xe chạy quá tốc lực của con đường cho phép, vẫn còn chưa rõ là lỗi từ người lái – một kỹ sư làm việc cho Google và được láng giềng quý mến – hay từ phần mềm.

Dù cuộc điều tra đang tiến hành để biết chính xác nguyên nhân xảy ra tai nạn, nhưng cháy và nổ liên tục khi xe vừa đụng vào cây cho thấy nguời trong xe không có những phút giây cần thiết để tẩu thoát, nguời cứu hộ không có thời gian và điều kiện để tiếp cận giải cứu – đây là những điều mà Tesla đã cẩn thận làm và test tới test lui trước khi đưa ra thị trường.
Vinfast bán xe nhưng nên hiểu là mạng nguời không rẻ rúng.

Coi Chừng Vinfast! Có Những Trải Nghiệm, Có Thể Mất Mạng! Đừng Tin Những Gì CS Quảng Cáo!

-VinFast bị tai nạn là do chạy quá nhanh, và khám nghiệm tử thi không có độ cồn rượu bia, không có chất nghiện ma túy. Nhưng cảnh sát chờ điều tra tiếp chứ chưa khẳng định 100% điều gì.
Cũng nên nhắc lại, xe điện Vinfast đã thường bị tự phực cháy, rớt bánh, đồng hồ vận tốc bị lỗi, màn hình bị tắt…v.v. Xe Vinfast đợt đầu tiên nhập vào Mỹ 999 chiếc, nhưng bị bộ giao thông an toàn Hoa Kỳ bắt phải đem về sửa lại vì màn hình và đồng hồ vận tốc nhiều lỗi.
Xe điện Vinfast cũng hay bị lỗi vô-lăng (tay lái) tự nhiên đôi lúc bị cứng lại, và ga đạp không thể kiểm soát vận tốc, xe bị giựt…
Bên cạnh, ở Mỹ chỉ có ShowRoom chứ không có dealer xe Vinfast. Dealer là phải có bán đồ phụ tùng, và có department sửa xe, và trả lời những thắc mắc kỹ thuật cho khách hàng. Vậy xe hư thì đem đến đâu sửa, nếu tôi ở tiểu bang Ohio, Newyork, Alabama, Nebraska…v..v.. charge điện ở đâu, sửa ở đâu, xe hư biết làm sao đây?

Chưa kể, bản số xe tạm, bảo hiểm an toàn xe rất mắc. Vinfast có quá nhiều thiếu sót, yếu điểm chưa thể khắc phục trong nội địa thì làm sao người bản xứ chấp nhận?
Thị trường xe điện Vinfast tại Mỹ bán chưa tới 200 chiếc, và cho thuê khoảng 300 chiếc. nhưng đa số là cho những người quen, nhất là mấy chàng nàng youtubers phe ta để quảng cáo dùm, và sẵn sàng làm bức tường cản ai chê bai Vinfast..
Doanh thu 3 tháng đầu năm 2024 bị lỗ $600 triệu Mỹ kim, ông Phạm Nhật Vượng tuyên bố sẽ không buông, và lấy tiền túi đắp vào $1 tỷ nữa, nhưng với chiều hướng này thì từ lỗ đến lỗ, $1 tỷ chỉ giúp được 5 tháng. Vấn đề là niềm tin của giới đầu tư ê chế và lánh xa. Doanh số năm 2023, VinFast lỗ trên $2 tỷ mỹ kim.
Doanh số trong nước xe điện Vinfast bán cho hãng Taxi Xanh trên 70% tổng số xe sản xuất. Taxi xanh là công ty con của Vingroup, và Vinfast cũng cùng một mẹ với Taxi xanh. Có nghĩa là Vinfast bán cho Vinfast.

Những lãnh đạo Vinfast thuyết phục được thống đốc North Carolina-Roy Cooper cho miếng đất vài trăm mẫu để xây dựng nhà máy sản xuất, nhưng 9 tháng nay kể từ ngày khua chiêng trống ngày động thổ vẫn chưa thấy làm gì. Và Vinfast nếu ra ý kiến chỉ muốn xây dựng 20% diện tích miếng đất mà thôi, với điều kiện tiểu bang phải cho mượn $2 tỷ Mỹ kim.
Tại sao Vinfast không được ưa chuộng trên thế giới, kể cả trong nội địa? Những người có tiền như giới trung lưu, đại gia, nhất là các lãnh đạo Việt Nam lắm tiền bạc trong nước, gần như 100% không có nhà nào mua Vinfast để dùng làm phương tiện (?). Người dân trong nước không ủng hộ thì sao thế giới ủng hộ?

Vinfast cố gắng lên sàn giao dịch ra IPO để hấp dẫn giới đầu tư mua cổ phiếu Vinfast, nhưng một mình ông Vượng nắm giữ 2 tỷ cổ phiếu, và đưa ra sàn giao dịch chỉ có 5 triệu cổ phiếu, bởi vậy không lôi cuốn. Vì ông Vượng sợ nếu bán trên 50% cổ phiếu ra sàn giao dịch thì giới đầu tư có thể mua và hất cẳng ông ra.
Hiện tại cổ phiếu chỉ có $2.50 - $2.70/share, nhưng tổng cổ phiếu ra sàn giao dịch chưa tới 3 triệu, thì không có cách chi hấp dẫn giới đầu tư.
Đã vậy, tuần vừa qua với sự kiện tai nạn làm chết một gia đình 4 người, đây là một cú sốc lớn cho hãng xe Vinfast, chắc chắn sẽ bị ảnh hưởng doanh hiệu và niềm tin của người tiêu thụ bỏ gần $50000 để mua xe điện Vinfast.
Nhìn chung hãng xe Vinfast không đủ khả năng cạnh tranh thị trường xe điện ở hải ngoại, xe còn mắc, độ an toàn và nhiều bộ phận hardware, software quá nhiều lỗi, và nhất là dễ bị cháy, bị rớt bánh xe làm chết người. Ở trong nước đã có nhiều sự kiện tương tự, nhưng báo chí truyền thông nội địa được chi trả và bịt miệng cấm loan tin ngoài chuyện uống rượu lái xe tông cháy chết người.

Thật ra không ai chống đối xe Vinfast, nó cũng như hàng trăm hãng xe trên thế giới. giới tiêu thụ khi bỏ $50000 Mỹ kim, thì họ phải đắn đo để tìm hiểu so sánh, với số tiền đó họ sẽ không mua rủi may Vinfast mà họ mua xe Đức, Nhật, Đại Hàn và Mỹ. Đó là chuyện bình thường, chứ đừng đem chính trị vào thương mại.
Cũng nên nhắc lại, trước khi có xe điện, Vinfast đã sản xuất xe xăng. Nhưng làm 2 năm rồi đóng cửa "dẹp tiệm". Như vậy, những người mua xe xăng nay sẽ thế nào? Xe xăng hư thì phải đem ra nghĩa địa chôn? Bỏ ra gần cả $100000 Mỹ kim mua xe xăng, 2 năm sau phải quăng, đem đi trả, hoặc đổi thì không có ai nhận lại, nếu có nhận thì nhận được những câu nói khó nghe, chửi bới hoặc đưa lên phường “uống trà”….
Đó là vấn đề kinh doanh không lương thiện, không uy tín, không tạo được niềm tin trong nước thì sao vươn ra thế giới?
Tại Little Saigon, một số truyền thông (chỉ có giới youtuber mà thôi) lên tiếng chống đối, bôi nhọ, và dèm pha những ai chê bai xe Vinfast, họ ra sức nhục mạ những người lên tiếng không tốt về hãng xe điện này. Mấy chàng nàng Youtubers thường dùng chữ “những kẻ cuồng chống Xe Việt Nam, những truyền thông thổ tả chống Vinfast, chống Vinfast là chặt đứt việc làm người dân trong nước, là phá hoại, là phản động, là nghịch lại với dân tộc Việt Nam”..v..v.. Nhưng bảo đảm hỏi mấy chàng nàng youtubers này có bỏ $50,000 mua xe Vinfast không, thì chắc chắn nghe đủ lý do để từ chối.

Không ai xa lạ, nếu bạn nào có cơ hội hãy hỏi cô MC Nguyễn Cao Kỳ Duyên đã mua Vinfast chưa, xách xe điện này chạy vòng vòng lần nào chưa? có lần nghe con gái ông tướng râu kẽm Nguyễn Cao Kỳ đã tuyên bố “tôi đặt mua xe Tesla, nhưng bây giờ thấy xe Vinfast tôi canceled Tesla, mua Vinfast”.
Sau tai nạn lái xe Vinfast làm 4 người chết, có lẽ bây giờ có thể sẽ nghe câu nói bất hủ của Nguyễn Cao Kỳ Duyên “Tui nịnh chứ tôi đâu có ngu”…

Không phải Mua Vinfast là yêu nước!

Không phải không thích Vinfast là chống dân tộc!

Nói vậy, thiên hạ cười cho !!

(Lucky Phan)


Tin Việt Nam Hôm Nay

Hai Facebooker Bị Bắt Theo Điều 331 Trong Vòng 2 Ngày


(Hình: Bà Bùi Thị Linh.)
-Hôm 27/4/2024, bà Bùi Thị Linh (35 tuổi) bị Công an tỉnh Điện Biên bắt với cáo buộc "lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm quyền, lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân" theo Điều 331, Bộ luật Hình sự CSVN.
Mạng báo An ninh Thủ đô loan tin ngày 28/4, cho biết bà Bùi Thị Linh từ ngày 22/7/2023 đến nay đã đăng 50 bài viết, "livestream" trên danh khoản Facebook "tài xế đòi" liên quan việc cơ quan chức năng bắt giữ chồng bà này là ông Phạm Văn Dũng. Ông Dũng bị bắt trong một vụ án về chứa chấp, sử dụng chất ma túy tại quán Karaoke Q5 do Công an Điện Biên giải quyết hồi đầu năm 2023.

Nội dung của những bài viết và "livestream" của bà Bùi Thị Linh bị cơ quan chức năng cho là có những lời lẽ xúc phạm danh dự nhân phẩm của nhiều cán bộ, lãnh đạo Công an, Viện Kiểm Sát, Tòa án…. Bà này còn bị cho chống đối lực lượng chức năng, không hợp tác nên phải cưỡng chế đưa về cơ quan Công an làm việc.
Cũng tin liên quan việc bắt giữ theo Điều 331, trong ngày 28 tháng Tư, Công an thành phố Hà Nội cho biết vừa thực hiện lệnh bắt giữ đối với ông Dương Minh Cường (28 tuổi), ngụ tại quận Hai Bà Trưng.

Những hoạt động cụ thể của ông Dương Minh Cường khiến ông bị cáo buộc vi phạm Điều 331 không được Công an thành phố Hà Nội nêu rõ.
Điều 331 Bộ luật Hình sự CSVN lâu nay bị các tổ chức theo dõi nhân quyền quốc tế cho là "mơ hồ' mà Chính phủ Hà Nội dùng nhằm "bịt miệng' công dân muốn bày tỏ ý kiến cá nhân của họ.


Thêm Người Bị Bắt Theo Điều 331 "Xâm Phạm Lợi Ích Nhà Nước"


(Hình: Ông Dương Minh Cường.)
-Ông Dương Minh Cường (28 tuổi, ngụ tại số 5, ngách 35, ngõ 164 Hồng Mai, Quỳnh Lôi, Hai Bà Trưng, Hà Nội) bị bắt theo cáo buộc "Lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân" quy định tại Điều 331 Bộ luật Hình sự.
Vào ngày 28/4/2024, Công an thành phố Hà Nội cho truyền thông nhà nước biết biện pháp vừa nêu đối với ông Dương Minh Cường. Trước khi bắt ông này, lực lượng chức năng tiến hành khám xét nơi ở của ông.
Viện Kiểm Sát Nhân Dân thành phố Hà Nội cũng phê chuẩn các biện pháp của phía Công an.

Tin không nêu rõ những hoạt động, hành vi nào của ông Dương Minh Cường đã thực hiện khiến ông bị bắt theo cáo buộc của Công an thành phố Hà Nội.
Điều 331 Bộ luật Hình sự Cộng sản Việt Nam lâu nay bị các tổ chức theo dõi nhân quyền cho là "mơ hồ" mà chính phủ Hà Nội sử dụng nhằm "bịt miệng" những công dân bày tỏ ý kiến cá nhân của họ.
Gần nhất vào ngày 26 tháng Tư, Cơ quan Cảnh sát Điều tra thuộc Công an tỉnh Kiên Giang tiến hành khởi tố bị can và bắt tạm giam Facebooker Dương Hồng Hiếu (46 tuổi), cũng theo cáo buộc "lợi dụng quyền tự do dân chủ" theo Khoản 2, Điều 331 của Bộ luật Hình sự vì chỉ trích một chức sắc cao cấp của Giáo hội Phật giáo Việt Nam (quốc doanh).

Báo mạng Kiên Giang nêu rằng từ năm 2020 đến nay, ông Hiếu, đã sử dụng các danh khoản mạng xã hội "Dương Hồng Hiếu", "Dương Hiếu" và "Phù Dung" để "tự kêu oan, đăng tải nhiều nội dung không đúng sự thật, bịa đặt, vu khống, xuyên tạc, xúc phạm danh dự, nhân phẩm, làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh Kiên Giang và nhiều cá nhân tu sĩ, chức sắc trong Ban trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh Kiên Giang".
Trên trang Facebook "Dương Hồng Hiếu" với hình ảnh của ông Hiếu trong quân phục sỹ quan quân đội và quần áo dân sự, có nhiều bài viết chỉ trích các bài giảng của Thượng tọa Thích Chân Quang, trụ trì chùa Phật Quang ở xã Tân Hải, thị xã Phú Mỹ, tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu.
Bên cạnh việc chỉ trích các bài giảng của thượng tọa Thích Chân Quang, ông Hiếu còn lên tiếng về việc phá huỷ di tích lịch sử chùa Phù Dung và di sản văn hóa núi rừng Bình San ở xã Bình San, thành phố Hà Tiên, tỉnh Kiên Giang.


Báo Cáo: Nông Dân Trồng Cà-Phê Việt Nam Tăng Tần Suất Tưới Nhưng Thiếu Nước


(Hình: Vietnam Coffee Deforestation.)
-Một báo cáo hôm 29/4/2024 cho biết nông dân trồng cà-phê ở Việt Nam, nước sản xuất cà-phê Robusta lớn nhất thế giới, đang tăng tần suất sử dụng hệ thống tưới tiêu ở các vùng sản xuất chính của đất nước trong bối cảnh khô hạn khắc nghiệt, nhưng họ đang thiếu nước tưới, thông tấn xã Reuters đưa tin.
Công ty Tư vấn J.Ganes cho biết trong một báo cáo sau chuyến thực địa tại Việt Nam: Trong mùa khô này, nhiều nông dân đã sử dụng hệ thống tưới tới bảy lần, so với thông thường năm lần trong một vụ bình thường và họ nhận thấy cần phải tưới cho cây cà-phê lần thứ tám nếu có nước.

Nhà phân tích Judith Ganes, chủ tịch của công ty Tư vấn J.Ganes, cho biết: "Tình trạng thiếu nước nghiêm trọng và nhiệt độ khắc nghiệt đã gây ra sự mất cân bằng dinh dưỡng cho cây cà-phê". Bà cho biết thêm rằng các giếng được nông dân sử dụng để lấy nước tưới đang cạn kiệt.
Báo cáo cho biết môi trường nóng và khô hạn đã tạo điều kiện cho các loài gây hại như rệp cochinilla lây lan ở một số trang trại. Loài côn trùng này có thể làm tổn thương hoa và quả nhỏ trên cây, dẫn đến năng suất thấp.
Cơ quan thời tiết quốc gia cho biết hôm 28/4 rằng một đợt nắng nóng dữ dội đang quét qua vùng Đông Nam Á và nhiệt độ tối đa đo được ở một số vùng miền Bắc và miền Trung Việt Nam dao động từ 40,2 đến 44,0 độ C.

Thời tiết khô hạn ở Việt Nam là yếu tố mới nhất khiến giá cà-phê Robusta LRCc2 cao kỷ lục. Thị trường vốn đã nóng do sản lượng của Việt Nam và Nam Dương trong niên vụ vừa qua dưới mức trung bình và hiện nay điều kiện khí hậu không thuận lợi cho việc phát triển vụ mùa mới.
Báo cáo về một trong những vùng sản xuất cà-phê chính của Việt Nam cho biết: "Dịch bệnh do rệp cochinilla ở Gia Lai rất rộng và chưa được kiểm soát. Tốc độ lây lan của rệp cochinilla rất nhanh nên tình trạng này rất đáng lo ngại".
Bà Ganes cho biết dự báo sẽ có mưa vào tháng Năm, điều này có thể làm giảm tình trạng khô hạn.


Cam Bốt Từ Chối Đàm Phán Với Việt Nam Về Kênh Đào Funan Techo

-Trong một cuộc họp tại Nam Vang hôm 28/4/2024, Thủ tướng Cam Bốt Hun Manet khẳng định không gì có thể ngăn cản Nam Vang tiến hành dự án xây kênh đào Funan TechoCanal.
Theo nhật báo Khmer Times, bất chấp những phản ứng dữ dội từ phía Việt Nam, cho rằng dự án này sẽ tác động xấu tới môi trường và phục vụ lợi ích quân sự của Trung Quốc, Thủ tướng Cam Bốt Hun Manet bày tỏ thái độ "kiên định" về dự án và khẳng định kênh Funan Techo "không chỉ vì lợi ích của gia đình "Hun" mà còn nhằm mục đích nâng cao phúc lợi của tất cả người dân Cam Bốt". Thủ tướng Cam Bốt cũng cho biết sẽ không huy động vốn của dân cho dự án kênh đào Funan Techo, vì vậy "không ai có thể lấy đi tiền của dân".
Trang Khmer Times cũng đăng tải phản đối của chủ tịch Thượng Viện, cựu Thủ tướng Hun Sen, bác bỏ những cáo buộc về hiện diện quân sự của Trung Quốc tại Cam Bốt, đồng thời khẳng định sẽ cho xây dựng kênh đào này bằng mọi giá và không cần phải đàm phán, xin ý kiến của nước nào.
Dự án kênh nhân tạo Funan Techo, được thực hiện với sự hợp tác và tài trợ từ Trung Quốc, ước tính trị giá 1,7 tỉ Mỹ kim. Dài 180 cây số, kênh đào dự kiến được khởi công xây dựng vào cuối năm 2024, kết nối thủ đô Nam Vang với các cảng của Cam Bốt ở Vịnh Thái Lan. Theo kế hoạch, kênh đào này sẽ hoạt động từ năm 2028. Dự án trên sông Mêkông được cho là "làm mất đi nguồn thu của Việt Nam từ việc vận chuyển hàng hóa qua cửa sông Mêkông", ảnh hưởng đến môi trường sinh thái tại khu vực hạ lưu.


Tập Đoàn Dabaco Bán 20% Vốn Cho Ngoại Quốc, Sản Xuất Thành Công Vắc-Xin Dịch Tả Heo


(Hình: Các lọ vắc-xin ngừa dịch tả heo Phi Châu được giới thiệu ở Hà Nội hôm 3/6/2022.)
-Ông Nguyễn Như So - Chủ tịch Tập đoàn Dabaco (mã cổ phiếu DBC) - tiết lộ cổ đông mua 20% số vốn của Dabaco là tổ chức ngoại quốc, đồng thời xác nhận sẽ sớm đưa vắc-xin dịch tả heo Phi Châu ra thị trường.
Ông Nguyễn Như So cho truyền thông hay tin trên trong ngày 28/4/2024 tại Đại hội cổ đông thường niên 2024 diễn ra cùng ngày. Ông So khẳng định, nếu chấp nhận phát hành cổ phiếu cho các nhà đầu tư tài chính đơn thuần, việc chào bán có thể đã hoàn tất từ lâu.

Dabaco có kế hoạch chào bán riêng lẻ 48,4 triệu cổ phiếu cho nhà đầu tư chiến lược, tương đương 20% tổng lượng cổ phiếu lưu hành. Chủ tịch Tập đoàn Dabaco chia sẻ toàn bộ số tiền huy động vốn dự kiến khoảng 2.700 tỉ đồng, sẽ được dùng để đầu tư vào khu trang trại sản xuất, kinh doanh giống heo và chăn nuôi heo thương phẩm chất lượng cao trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa và một phần dùng để trả nợ vay ngân hàng. Trên thị trường chứng khoán, kết thúc ngày 26/4, thị giá cổ phiếu DBC đạt 28.000 đồng/cổ phiếu.
Tại cuộc họp, ông So cũng cho biết việc nghiên cứu vắc-xin dịch tả heo Phi Châu đã được thực hiện thành công dưới sự hợp tác giữa Bộ Nông nghiệp Mỹ và Bộ Nông nghiệp & Phát triển nông thôn Việt Nam, sẽ được sản xuất và vận hành thương mại trong quý II hoặc trễ nhất là quý III/2024.
Tập đoàn Dabaco đặt mục tiêu không chỉ lưu hành vắc-xin trong nước mà sẽ xuất cảng sang các quốc gia chăn nuôi heo lớn.


Việt Nam và Nhật Bản Xem Xét Những Khó Khăn Trong Các Dự Án Hợp Tác Trong Lĩnh Vực Giao Thông-Vận Tải


(Hình: Hội đàm song phương Việt Nam-Nhật Bản hôm 29/4/2024.)
-Vào ngày 29/4/2024, Bộ trưởng Bộ Giao thông-Vận tải Việt Nam Nguyễn Văn Thắng và Bộ trưởng Bộ Đất đai, Cơ sở Hạ tầng, Giao thông & Du lịch Nhật Bản Saito Tetsuo hội đàm xem xét những khó khăn, tồn tại trong các dự án hợp tác giữa hai nước.
Truyền thông Nhà nước loan tin trong cùng ngày cho biết dự án đường cao tốc Bến Lức-Long Thành đang vướng mắc về thủ tục, tiến độ và những chi phí phát sinh; dự án đường sắt đô thị Sài Gòn - tuyến số 1 (Bến Thành-Suối Tiên) đã hoàn thành chừng 97% khối lượng nhưng vấp một số khó khăn liên quan đào tạo, bảo dưỡng-bảo trì, đánh giá chứng nhận an toàn hệ thống, sự phối hợp các nhà thầu thi công…

Bộ trưởng Giao thông-Vận tải Việt Nam cho biết bộ này đang chỉ đạo các cơ quan, đơn vị chủ động, tích cực làm việc với các cơ quan hữu quan trong nước và phía Nhật Bản để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc nhằm có thể thúc đẩy tiến độ cho các dự án.
Vào dịp này hai phía cũng ký hợp tác toàn diện trong lĩnh vực giao thông-vận tải giữa hai nước.
Bộ trưởng Giao thông-Vận tải Nguyễn Văn Thắng đề nghị phía Nhật bản xem xét, hỗ trợ Việt Nam sử dụng nguồn vốn ODA thế hệ mới của Nhật bản cho các dự án như đường sắt tốc độ cao Bắc-Nam, cầu Cần Thơ 2, đường sắt Sài Gòn-Cần Thơ….


Điều Gì Khiến Quảng Ninh Trở Thành Điểm Thu Hút Vốn Đầu Tư Trực Tiếp Ngoại quốc Nhất Nước?


(Hình AFP, chụp trên cao, cho thấy các tàu đậu ở cảng tại Vịnh Hạ Long ở Quảng Ninh hôm 28/12/2023.)
-Tỉnh Quảng Ninh vào năm 2023 đã trở thành địa phương nhận được nhiều vốn đầu tư trực tiếp từ ngoại quốc nhất, vượt hai thành phố lớn là Hà Nội và Tp. HCM, theo số liệu của Tổng cục Thống kê. Điều này được đánh giá là do vị trí rất gần Trung Quốc, thuận lợi cho dây chuyền cung ứng và chuyển dịch sản xuất từ nước láng giềng sang Việt Nam.
Nikkei Asia hôm 28/4 có bài phân tích của tác giả Atsushi Tomiyama nhận định các điều kiện về địa lý đã khiến địa phương này trở thành điểm mới hấp dẫn đầu tư ngoại quốc.

Số liệu của Tổng cục Thống kê cho thấy, trong năm 2023, Quảng Ninh nhận 3,1 tỉ Mỹ kim vốn đầu tư trực tiếp ngoại quốc, đứng đầu cả nước. Tiếp theo là Thái Bình với 2,68 tỉ Mỹ kim, Bắc Giang với 1,53 tỉ Mỹ kim.
Quảng Ninh được dự đoán sẽ nhận thêm một tỉ Mỹ kim vốn đầu tư ngoại quốc trong quý một của năm 2024 và nhiều khả năng vượt cón số ba tỉ Mỹ kim trong năm thứ hai liên tiếp.
Theo tác giả bài báo, Quảng Ninh có đường biên giới với Trung Quốc đã trở thành điểm hấp dẫn mới vào khi cuộc chiến thương mại giữa Trung Quốc và Mỹ đang lên cao. Lý do là vì ví trí gần Trung Quốc của Quảng Ninh và 250 cây số đường bờ biển. Vì vậy, địa phương này được coi là một trong các địa điểm tốt nhất cho các doanh nghiệp chuyển dịch sản xuất khỏi Trung Quốc. Các yếu tố này cũng là để giữ Trung Quốc trong dây chuyền cung ứng hiện tại và làm cho việc vận chuyển sản phẩm thuận lợi hơn.

Ngoài ra, theo bài báo, số lượng các nhà máy điện gió và khí hóa lỏng ở Quảng Ninh cũng gia tăng gần đây. Điều này cho thấy sự chuyển dịch năng lượng ở Quảng Ninh khi tỉnh này có trữ lượng than chiếm đến 90% trữ lượng cả nước. Các ngành công nghiệp như thiết bị điện tử, kỹ thuật, hóa dầu, kỹ thuật tế bào quang điện cũng đang mở rộng tại tỉnh này.
Bên cạnh đó, các cảng biển ở Hải Phòng gần Quảng Ninh và đường cao tốc kết nối tỉnh với Hà Nội và các địa phương khác tiếp giáp Trung Quốc cũng được đánh giá là yếu tố hấp dẫn cho vị trí của Quảng Ninh.
Tầm quan trọng chiến lược của Quảng Ninh cũng được thể hiện trong các kế hoạch đường xe lửa mới. Bộ Kế hoạch và Đầu tư hồi tuần trước cũng cho biết hai đường xe lửa cao tốc nối Hà Nội và Trung Quốc sẽ bắt đầu được lắp đặt vào trước năm 2030. Các đoàn tàu theo dự kiến sẽ dừng ở Hải Phòng và Quảng Ninh.


Các Tập Đoàn Ngoại Quốc Cung Cấp Dịch Vụ Internet ở Việt Nam Nộp Gần 3.000 Tỉ đồng Thuế


(Hình: Logo của các hãng kỹ thuật lớn trên thế giới.)
-Các công ty kỹ thuật ngoại quốc cung cấp dịch vụ qua internet ở Việt Nam đã nộp gần 3.000 tỉ đồng tiền thuế trong vòng bốn tháng qua, trong đó 6 "ông lớn" bao gồm Meta (Facebook), Google, Microsoft, TikTok, Netflix, Apple nắm đến 90% thị phần doanh thu dịch vụ thương mại điện tử xuyên biên giới tại Việt Nam.
Truyền thông Nhà nước hôm 28/4 dẫn số liệu từ Tổng cục Thuế cho biết, hiện có 94 nhà cung cấp ngoại quốc đăng ký thuế qua cổng thông tin điện tử. Đây là cổng được thiết lập từ tháng 3/2022. Tính đến nay, số tiền thuế mà các công ty ngoại quốc đã nộp qua cổng này là 14.572 tỉ đồng.

Bộ Tài chính Việt Nam đang gia tăng thực hiện các biện pháp để tăng quản lý thuế với điện tử thương mại trong nước và xuyên biên giới. Báo chí trong nước cho biết, Bộ Tài chính đang tiếp tục rà soát, thanh tra, kiểm tra và giải quyết vi phạm với cá nhân, tổ chức không chấp hàng kê khai hoạt động thương mại điện tử.
Doanh thu thương mại điện tử của Việt Nam trong năm 2023 được ước tính là khoảng 146,3 tỉ Mỹ kim và số thuế đã nộp là 97.000 tỉ đồng.


Tham Nhũng Cố Hữu ở Khu Vực Công Đang Làm Xói Mòn Lòng Tin của Dân Chúng ở Việt Nam


(Hình AFP, minh họa, chụp từ trên cao cảnh những người bán cá ở Hậu Giang hôm 25/10/2023.)
-Tham nhũng cố hữu trong khu vực công đang làm xói mòn niềm tin của người dân, đặc biệt là những lo ngại về quan hệ thân hữu khi bổ nhiệm các chức vụ.
Báo cáo Chỉ số Hiệu quả Quản trị và Hành chính công cấp tỉnh ở Việt Nam năm 2023 (PAPI 2023) của Chương trình Phát triển của Liên Hiệp Quốc (UNDP) công bố hồi đầu tháng này nhận định như vậy.
PAPI đã được thực hiện trên toàn quốc từ năm 2011. Trong báo cáo mới nhất đã có 19.536 người tham gia khảo sát và được lựa chọn ngẫu nhiên trên cả nước.

PAPI đánh giá tám chỉ số chính bao gồm: sự tham gia của người dân ở cấp địa phương, tính minh bạch, trách nhiệm giải trình với người dân, kiểm soát tham nhũng ở khu vực công, thủ tục hành chính công, cung ứng dịch vụ công, quản trị môi trường, quản trị điện tử.
PAPI 2023 cho thấy có tiến bộ trong khía cạnh kiểm soát tham nhũng khu vực công và quản trị điện tử trong khi trách nhiệm giải trình với người dân ở khâu đưa ra quyết định tại địa phương lại giảm sút. Cung ứng dịch vụ công vẫn tương đương như khảo sát năm 2022.
Cũng theo báo cáo, mặc dù có cải thiện nhẹ trong nhận thức về kiểm soát tham nhũng ở địa phương nhưng quan ngại về tham nhũng vẫn cao trên toàn quốc.
Hà Nội và Sài Gòn là hai nơi có chỉ số "Kiểm soát tham nhũng trong khu vực công" lần lượt là 6,73 và 6,63 – đều thuộc mức "Trung bình thấp", theo đánh giá trong báo cáo mới.
Mức này của Hà Nội vào năm 2022 là 6,8 và Sài Gòn là 6,32.
Trách nhiệm giải trình trong quản trị cũng cho thấy bước tụt dốc đáng kể trong năm 2023, theo báo cáo. Điều này đặt ra những thách thức trong việc chống tham nhũng trong khu vực công. Sự tụt dốc này, đặc biệt là về minh bạch trong ngân sách và chi tiêu, nhấn mạnh tầm quan trọng của việc tiếp cận với thông tin chính xác để các viên chức phải chịu trách nhiệm.


Tỷ Lệ Giải Ngân Vốn Đầu Tư Công Bốn Tháng Đạt Gần 15% Kế Hoạch


(Hình: Tổng số vốn giải ngân của chín dự án quan trọng quốc gia ngành Giao thông-Vận tải đạt 12% trong quý I/2024.)
-Còn 7 bộ, cơ quan Trung ương chưa giải ngân được vốn đầu tư công; tính đến hết tháng 4/2024, có 25 địa phương tỷ lệ giải ngân dưới 15%.
Đó là số liệu từ báo cáo của Bộ Tài chính về tình hình thanh toán vốn đầu tư nguồn ngân sách nhà nước trong bốn tháng qua, được truyền thông loan trong ngày 28/4.
Bộ Tài chính cho rằng, tỷ lệ giải ngân ước bốn tháng của cả nước tăng so với cùng kỳ năm 2023, đạt 115.906,9 tỉ đồng. chiếm 16,41% tổng kế hoạch (cùng kỳ năm 2023 giải ngân đạt 14,66% tổng kế hoạch và 15,65% kế hoạch được giao).

Qua đó, có bảy bộ, cơ quan trung ương và 35 địa phương có tỷ lệ ước giải ngân đạt trên mức bình quân chung của cả nước gồm Đài truyền hình Việt Nam (73,48%), Bộ Xây dựng (41,44%), Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (28,28%), Bộ Giao thông-Vận tải (25,64%), Long An (38,25%), Phú Thọ (32,25%), Tiền Giang (31,2%), Lào Cai (30,56%)…
Tuy nhiên, báo cáo của Bộ Tài chính còn thể hiện có 7 bộ, cơ quan trung ương có tỷ lệ giải ngân là 0%, có 25 địa phương tỷ lệ giải ngân dưới 15%.
Bộ Tài chính cho hay, đến hết tháng 3/2024 vừa qua, tổng số vốn giải ngân của chín dự án quan trọng quốc gia ngành Giao thông-Vận tải là 11.339,77 tỉ đồng, đạt tỷ lệ 12,3% kế hoạch năm 2024 được giao (92.152,86 tỉ đồng). Trong đó, vốn ngân sách trung ương giải ngân trên 10.160 tỉ.


Ủy Ban Kiểm Tra Trung Ương Phát Giác Sai Phạm Tại 5 Dự Án Điện Gió ở Đắc Nông


(Hình: Một dự án điện gió trên địa bàn tỉnh Đắc Nông.)
-Truyền thông loan trong ngày 29/4/2024 cho hay Ủy ban Nhân dân tỉnh Đắc Nông chỉ đạo các sở, ngành chuẩn bị hồ sơ 5 dự án điện gió để cung cấp cho Ủy ban Kiểm tra Trung ương theo yêu cầu.
Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Đắc Nông Lê Văn Chiến, cho biết Thanh tra Chính phủ đã ban hành thông báo kết luận thanh tra việc chấp hành chính sách, pháp luật trong quản lý, thực hiện quy hoạch và đầu tư xây dựng các công trình điện theo Quy hoạch điện VII và Quy hoạch điện VII điều chỉnh. Kết luận đã chỉ ra những bất cập, vi phạm trong quá trình khai triển các dự án điện gió. Do đó, tỉnh Đắc Nông đang thực hiện giải quyết, khắc phục các nội dung đã được nêu ra tại kết luận.

Trên địa bàn tỉnh Đắc Nông có sáu dự án điện gió được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt bổ sung Quy hoạch điện VII điều chỉnh bao gồm: Dự án điện gió Đắc N'Drung 1 là 100MW; dự án Đắc N'Drung 2 có công suất 100MW, dự án Đắc N'Drung 3 có công suất 100MW; dự án điện gió Đắc Hòa có công suất 50MW; dự án Asia Đắc Song 1 có công suất 50MW; dự án Nam Bình 1 có công suất 30MW....
Trong số 6 dự án này, chỉ có Dự án điện gió Đắc Hòa, công suất 50MW đã đưa vào vận hành thương mại từ tháng 11/2021. Tuy vậy, mới đây, Ủy ban Kiểm tra Trung ương trong kết luận thanh tra đã chỉ ra những bất cập, vi phạm trong quá trình khai triển các dự án điện gió tại tỉnh này. Các sai phạm được nói tập trung vào việc cho thuê đất trên đất quy hoạch khoáng sản; việc khởi công, nghiệm thu và vận hành thương mại các dự án nhà máy điện gió trên địa bàn tỉnh Đắc Nông....
Qua đó, Thanh tra Chính phủ kiến nghị Thủ tướng giao Bộ Công an tiếp nhận hồ sơ, tài liệu để xem xét, điều tra liên quan đến việc quản lý, sử dụng đất thực hiện đầu tư năm dự án điện gió (trừ Dự án điện gió Asia Đắc Song 1 do chưa xây dựng) chồng lấn trên đất quy hoạch.


Nam Hàn Tái Điều Tra Chống Bán Phá Giá Đối Với Ván Ép Việt Nam


(Ảnh: Bên trong một xưởng ván ép tại Việt Nam.)
-Nam Hàn tái điều tra việc chống bán phá giá đối với sản phẩm ván ép xuất xứ từ Việt Nam giai đoạn 2020-2023.
Truyền thông trong nước ngày 24/4/2024 dẫn nguồn từ Chi hội Gỗ dán Việt 
Nam như vừa nêu với cảnh báo khi phía Nam Hàn ra các phán quyết cuối cùng về thuế chống bán phá giá, nhiều doanh nghiệp xuất cảng sản phẩm này sang Xứ Kim Chi sẽ đối mặt với nguy cơ đóng cửa.
Biên độ mức thuế chống bán phá giá dao động từ 4,2% đến 13,04%.
Chi hội phó Chi hội Gỗ dán Việt Nam, ông Trịnh Xuân Dương, được truyền thông nhà nước dẫn để nghị đưa ra đối với Cục Phòng vệ Thương mại Việt Nam là đề xuất cùng cơ quan quản lý Nam Hàn giữ nguyên mức thuế chống bán phá giá như lần điều tra trước là 10,45%. Điều này sẽ tạo điều kiện cho các doanh nghiệp Việt Nam duy trì được thị trường và ổn định sản xuất trong tình hình mà kinh tế toàn cầu nói chung đang bị suy giảm.
Thống kê được đưa ra hiện có hơn 150 doanh nghiệp dự kiến phải chịu mức thuế cao hơn 4%.
Cảnh báo từ phía Chi hội Gỗ dán Việt Nam là khi không cạnh tranh nổi, các doanh nghiệp trong ngành phải đóng cửa, công nhân mất việc do hàng trăm nhà máy phải đóng cửa, các nhà cung cấp vật liệu cũng phải dừng hoạt động, rừng không được trồng mới do không có đầu ra….

Không có nhận xét nào: