Tìm bài viết

Vì Bài viết và hình ảnh quá nhiều,nên Quí Vị và Các Bạn có thể xem phần Lưu trử Blog bên tay phải, chữ màu xanh (giống như mục lục) để tỉm tiêu đề, xong bấm vào đó để xem. Muốn xem bài cũ hơn, xin bấm vào (tháng....) năm... (vì blog Free nên có thể nhiều hình ảnh bị mất, hoặc không load kịp, xin Quí Bạn thông cảm)
Nhìn lên trên, có chữ Suối Nguồn Tươi Trẻ là phần dành cho Thơ, bấm vào đó để sang trang Thơ. Khi mở Youtube nhớ bấm vào ô vuông góc dưới bên phải để mở rộng màn hình xem cho đẹp.
Cám ơn Quí Vị

Nhìn Ra Bốn Phương

Thứ Bảy, 2 tháng 9, 2023

TIN THẾ GIỚI CẬP NHẬT :02/09/2023 - Duke Nguyen


Phái đoàn Quốc hội Mỹ thăm Đài Loan Một phái đoàn quốc hội Hoa Kỳ đã đến Đài Loan vào ngày 31/8, để gặp các nhà lãnh đạo cấp cao của Đài Loan. Phó Chủ tịch Ủy ban Quân vụ Hạ viện, Dân biểu Rob Wittman, dẫn đầu phái đoàn gồm ba người. Phái đoàn sẽ đến thăm Đài Loan từ ngày 31/8 đến ngày 2/9. Chuyến thăm như một phần rộng hơn của Mỹ tới khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương. Theo Người phát ngôn Văn phòng Tổng thống Lin Yu-chan (林聿禪), Tổng thống Thái Anh Văn (蔡英文) đã hoan nghênh sự đến của phái đoàn vào tối thứ Năm.
<!>
Theo CNA , cả ba thành viên trong phái đoàn đã gặp bà Thái tại Văn phòng Tổng thống vào sáng thứ Sáu (1/9). Phái đoàn Hoa Kỳ cũng sẽ gặp các quan chức cấp cao khác của Đài Loan để thảo luận về quan hệ Mỹ-Đài Loan, an ninh khu vực, thương mại và đầu tư cũng như các vấn đề quan trọng khác mà hai bên cùng quan tâm.

Tổng thống Marcos thề sẽ đáp trả việc Trung Quốc tuyên bố ‘bản đồ 10 đoạn’ ở Biển Đông


Tổng thống Ferdinand Marcos Jr. ngày 1/9 cho biết, Philippines sẽ không xem nhẹ trước việc Bắc Kinh tuyên bố bản đồ phi pháp mới khi ông tái khẳng định rằng ông sẽ tiếp tục bảo vệ “chủ quyền lãnh thổ, quyền lãnh thổ của Biển Philippines ở Biển Đông.

Phát biểu với các phóng viên bên lề của một lễ kỷ niệm, Tổng thống cũng cho biết chính phủ của ông sẽ có phản ứng với việc Trung Quốc công bố “bản đồ” nhưng không tiết lộ “chi tiết hoạt động”.

Trong một cuộc phỏng vấn truyền thông, Tổng thống nói: “Bây giờ, một lần nữa, chúng tôi nhận được tin rằng đường chín đoạn đã được mở rộng thành đường 10 đoạn. Chúng tôi phải đáp trả tất cả những điều này và chúng tôi sẽ làm như vậy”.

Tuyên bố của ông được đưa ra sau khi Trung Quốc công bố “bản đồ tiêu chuẩn” cập nhật, trong đó có đường 10 đoạn bao trùm phần lớn Biển Đông, bao gồm cả vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) của Philippines ở Biển Đông.

Tổng thống cho biết, Philippines sẽ không từ bỏ các yêu sách lãnh thổ của mình ở Biển Tây Philippines, đồng thời nói thêm rằng chính phủ sẽ nhất quán trong việc khẳng định quyền sở hữu của mình.

Ông nói: “Chúng tôi sẽ tiếp tục bảo vệ chủ quyền lãnh thổ của mình. Chúng tôi không thay đổi cách tiếp cận của mình. Chính các nước xung quanh chúng tôi đã thay đổi cách tiếp cận của họ”.

Ông Marcos cũng cho biết Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển (Unclos) mang lại cho Philippines cơ sở vững chắc về các yêu sách lãnh thổ hàng hải trước cách tiếp cận “đang thay đổi” của các quốc gia khác, chẳng hạn như đường 10 đoạn của Trung Quốc.

Ông Marcos nói: “Tôi nghĩ điều đó đặt chúng tôi trên một nền tảng rất vững chắc về các yêu sách của chúng tôi về chủ quyền lãnh thổ, lãnh thổ hàng hải. Và điều này đã được rất nhiều quốc gia trên thế giới xác nhận và ủng hộ”.

Ông nói thêm: “Và tôi nghĩ chúng ta cần duy hộ điều đó”.

Trước đó, ngày 31/8, chính phủ Philippines, thông qua Bộ Ngoại giao (DFA), đã bày tỏ việc không thừa nhận bản đồ tiêu chuẩn mới 2023 của Trung Quốc do Bộ Tài nguyên TQ ban hành vào ngày 28 tháng 8.

ISW: Lực lượng Ukraina tiếp tục tấn công gần Bakhmut, tiến về phía tây tỉnh Zaporizhzhia


Ngày 1/9, ISW dẫn lời Bộ Tổng tham mưu Ukraina cho biết, lực lượng nước này tiếp tục các hoạt động tấn công ở phía nam Bakhmut.

Theo ISW, dựa trên các cảnh quay định vị địa lý cho thấy: lực lượng Ukraina đã tiến nhẹ về phía tây bắc Klishchiivka, cách Bakhmut khoảng 7km về phía tây nam.

Đồng thời, Bộ Tổng tham mưu Ukraina báo cáo rằng các lực lượng Ukraina đã đạt được thành công theo hướng

Novodanylivka-Novopokropivka (cách Orikhiv 5 đến 13km về phía nam) ở phía tây tỉnh Zaporizhzhia. Tuy nhiên, quân đội Ukraina không nêu chi tiết về bước tiến này.

Trong khi đó, các nguồn tin Nga khẳng định: quân đội Nga đã đẩy lùi các cuộc tấn công của Ukraina gần Robotyne (cách Orikhiv 10 km về phía nam) và Verbove (cách Orikhiv 18 km về phía đông nam).

Chiến tranh Ukraina :Cầu Crimée lại bị drone tấn công

Nga thông báo trong đêm qua rạng sáng nay, 02/09/2023, đã phá hủy trên biển ba drone hải chiến của Ukraina tấn công vào cầu Crimée.


Ảnh minh họa: Cầu Crimée bốc cháy sau một vụ đánh bom ngày08/10/2022. AP
Thanh Phương
AFP dẫn thông báo bộ Quốc Phòng Nga cho biết các drone của Ukraina đã bị phá hủy vào lúc 2 giờ 20 phút, giờ Matxcơva, trước khi các drone này chạm đến cây cầu được xây dựng khi vùng Crimée bị Nga sáp nhập vào năm 2014.

Cây cầu này thường xuyên là mục tiêu tấn công của phía Ukraina. Ngày 12/08 vừa qua, Nga đã ngăn chặn được hai cuộc tấn công vào cây cầu chiến lược ở eo biển Kerch, nhưng một cuộc tấn công trước đó vào tháng Bảy đã gây nhiều hư hại cho cây cầu, được dùng để vận chuyển thiết bị quân sự cho quân đội Nga ở chiến trường Ukraina.

Bộ Quốc Phòng Nga cho biết thêm là đã bắn hạ hai drone của Ukraina bay trên vùng Belgorod, sát biên giới Ukraina.

Hôm qua, lần đầu tiên Kiev nhìn nhận trong tuần này đã mở một cuộc tấn công bằng drone ngay từ lãnh thổ của Nga nhắm vào một sân bay ở thành phố Pskov, nằm cách Ukraina đến 700 km. Theo lãnh đạo cơ quan tình báo quân sự Ukraina Kyrylo Boudanov, trong cuộc tấn công này, hai phi cơ quân sự của Nga đã bị phá hủy và hai chiếc máy bay khác bị hư hại nặng.

Hoa Kỳ, nguồn hỗ trợ quân sự và tài chính chủ yếu cho Kiev, đã hoan nghênh những “bước tiến đáng kể” của lực lượng Ukraina trên mặt trận ở miền nam trong 72 tiếng đồng hồ qua. Theo lời hai quan chức Mỹ được hãng tin Reuters trích dẫn, chính quyền Biden lần đầu tiên sẽ cung cấp cho Kiev các loại đạn có chứa chất uranium nghèo, có thể bắn thủng các xe thiết giáp, xe tăng của Nga.

Ba Lan phủ nhận trực thăng quân sự ‘‘xâm phạm không phận’’ Belarus

Quân đội Ba Lan hôm qua, 01/09/2023, lên tiếng bác bỏ cáo buộc của nước láng giềng Belarus, về trực thăng quân sự xâm nhập không phận. Bộ Ngoại Giao Ba Lan nêu khả năng một ‘‘hành động khiêu khích’’ của Minsk.


Lực lượng biên phòng Ba Lan tuần tra ở biên giới giữa Ba Lan và Belarus, tháng 6/2022. © AP/Michal Dyjuk
Trọng Thành
Trả lời AFP, ông Jacek Goryszewski, một phát ngôn viên của quân đội Ba Lan, khẳng định đây là ‘‘những tuyên bố dối trá’’. Theo ông, ‘‘đã không hề có các xâm phạm như vậy, căn cứ vào thông tin mà hệ thống radar ghi nhận được, và báo cáo của các phi công’’. Về phần mình, thứ trưởng bộ Ngoại Giao Ba Lan, Pawel Jablonski, trên đài truyền hình Polsat News, cho biết Vacxava ‘‘sẽ phân tích tình hình. Tuy nhiên, bất luận ra sao, các tuyên bố của Belarus cần phải được xem xét hết sức thận trọng’’.

Các phản ứng như trên của Ba Lan được đưa ra sau khi Belarus triệu đại diện ngoại giao của Ba Lan tại Minsk vào hôm qua, để lên án việc xâm phạm chủ quyền ‘‘không thể chấp nhận được’’ của trực thăng quân sự Ba Lan. Sự việc diễn ra vào trưa hôm qua theo Belarus. Để chứng minh cho việc này, lực lượng biên phòng Belarus tung lên mạng Telegram một đoạn video cho thấy ‘‘trực thăng Ba Lan Mi-24 vượt biên giới phía đông vào sâu trong lãnh thổ khoảng 1.200 mét trước khi trở về bên kia biên giới’’.

‘‘Vụ trực thăng quân sự xâm nhập không phận’’ nói trên, theo cáo buộc của Minsk, diễn ra trong bối cảnh quan hệ căng thẳng giữa Belarus, đồng minh của Nga và các nước láng giềng phương Tây, trước hết là Ba Lan và ba nước vùng Baltic. Hôm thứ Hai 28/08, Vacxava và ba nước Baltic yêu cầu Belarus ‘‘trục xuất ngay lập tức’’ công ty lính đánh thuê Wagner của Nga, bị xem như mối đe dọa với an ninh quốc gia. Hàng nghìn lính đánh thuê Wagner có mặt tại Belarus từ tháng 6/2023, theo một thỏa thuận với Minsk.

Mỹ phê chuẩn việc bán xe thiết giáp cho Bulgari
Hôm qua, bộ Ngoại Giao Mỹ thông báo với Quốc Hội đã bật đèn xanh cho việc bán 183 xe thiết giáp Stryker, với tổng trị giá 1,5 tỉ đô la. Trong số 183 xe thiết giáp nói trên có một nửa là để vận chuyển bộ binh. Theo bộ Ngoại Giao Mỹ, các phương tiện này sẽ giúp Bulgari ‘‘tăng cường khả năng tự vệ, cũng như gia tăng khả năng răn đe trước các đe dọa khu vực’’.

Quyết định bán thiết giáp cho Bulgari của Mỹ diễn ra một tháng sau khi chính quyền Sophia viện trợ 100 xe thiết giáp chở quân cho Ukraina. Đây là lần đầu tiên quốc gia vùng Balkan, thành viên khối Liên Xô cũ, quyết định viện trợ trực tiếp vũ khí cho Kiev, sau nhiều tháng lưỡng lự.

Bulgari, quốc gia Đông Âu cũ, vốn có quan hệ mật thiết với Nga. Trong cuộc bầu cử Quốc Hội Bulgari tháng 4/2023 vừa qua, phe thân Nga gia tăng ảnh hưởng, trong bối cảnh không liên đảng nào giành được đa số đủ để lập chính phủ.

Không gian : Lần đầu tiên Ấn Độ phóng một phi thuyền thăm dò Mặt trời

Một tuần sau khi đưa được một phi thuyền lên Mặt trăng, hôm nay, 02/09/2023, lần đầu tiên Ấn Độ phóng lên không gian một phi thuyền thăm dò Mặt trời.


Tàu vũ trụ Aditya-L1 cất cánh từ trung tâm vũ trụ ở Sriharikota, Ấn Độ, ngày 02/09/2023. Ảnh do Trung tâm Nghiên cứu Không gian Ấn Độ (ISRO) cung cấp. AP
Thanh Phương
Phi thuyền Aditya-L1 (Mặt trời) đã được phóng lên vào lúc 11 giờ 50 phút, giờ địa phương. Cuộc phóng phi thuyền, được truyền hình trực tiếp, đã thành công, theo thông báo của một quan chức Tổ chức Nghiên cứu Không gian Ấn Độ.

Trong hành trình kéo dài 4 tháng, vượt qua đoạn đường dài 1,5 triệu km, phi thuyền của Aditya-L1 mang theo các thiết bị khoa học để nghiên cứu bầu khí quyển của Mặt Trời, các cơn bão từ của Mặt Trời và tác động của nó đối với môi trường xung quanh Trái Đất.

Hoa Kỳ và Cơ quan Không gian châu Âu đã phóng các phi thuyền lên quỹ đạo của Mặt trời để nghiên cứu ngôi sao này, bắt đầu với chương trình của cơ quan không gian NASA vào thập niên 1960, nhưng đối với Ấn Độ thì đây là lần đầu tiên. Nhật Bản và Trung Quốc cũng đã thực hiện các chuyến bay quan sát Mặt trời nhưng là từ quỹ đạo Trái đất.

Như vậy, nếu thành công, Ấn Độ sẽ là quốc gia châu Á đầu tiên đặt thành công một phi thuyền thăm dò lên quỹ đạo của Mặt trời.

Điểm đáng chú ý là Ấn Độ đang bắt kịp các cường quốc không gian với một chi phí rất thấp. Ngân sách dành cho chương trình không gian của Ấn Độ còn tương đối khiêm tốn, tuy đã được gia tăng đáng kể từ năm 2008 khi New Delhi phóng một phi thuyền thăm dò lên quỹ đạo của Mặt trăng.

Trong cuộc phóng thành công phi thuyền lên Mặt trăng vào tháng trước, một kỳ công mà cho tới lúc đó chỉ có ba nước làm được, đó là Nga, Hoa Kỳ và Trung Quốc, Ấn Độ đã chi ra chưa tới 75 triệu đôla.

Tại Mông Cổ, Giáo hoàng kêu gọi hành động nhiều hơn vì sinh thái toàn cầu
Giáo hoàng Phanxicô có bài phát biểu sáng hôm nay, 02/09/2023, tại Mông Cổ. Trước các lãnh đạo quốc gia châu Á này, người đứng đầu đạo Công giáo đã bày tỏ lòng tôn kính đối với truyền thống minh triết lâu đời của người Mông Cổ, đặc biệt trong việc bảo vệ môi trường sinh thái.



Thủ tướng Mông Cổ Luvsannamsrai Oyun-Erdene tiếp giáo hoàng Phanxicô tại thủ đô Ulan-Bator, ngày 02/09/2023. via REUTERS - POOL
Trọng Thành
Theo AFP, trong bài phát biểu sáng nay, giáo hoàng cũng lên án nạn tham nhũng tại quốc gia này. Một vụ bê bối tham nhũng mới đây trong ngành khai mỏ Mông Cổ đã làm dấy lên hàng loạt cuộc biểu tình phản kháng hồi tháng 12/2022. Ngài kêu gọi « hành động khẩn cấp và mạnh mẽ để bảo vệ Trái đất, ngôi nhà chung », cũng như làm nhiều hơn nữa để bảo vệ môi trường tại Mông Cổ, một trong những quốc gia xuất khẩu than đá nhiều nhất thế giới.

Tường trình của đặc phái viên Éric Sénanque từ Ulan-Bator:

Giáo hoàng Phanxicô đã chọn hình ảnh ẩn dụ về ngôi lều tròn « yurt » truyền thống để bày tỏ lòng trân trọng với Mông Cổ. Ngài giải thích : « Tôi tưởng tượng mình, với lòng tôn trọng và dạt dào cảm xúc, lần đầu tiên được bước vào một trong những căn lều hình tròn nằm rải rác khắp nơi trên đất nước Mông Cổ hùng vĩ, để được gặp gỡ quý vị, để được hiểu quý vị hơn. »

Giáo hoàng nhấn mạnh đến sự minh triết của người Mông Cổ, « được tích lũy qua nhiều thế hệ làm nghề chăn nuôi và trồng trọt, luôn cẩn trọng để không làm xáo trộn sự cân bằng mong manh của hệ sinh thái. »

Người đứng đầu Giáo hội Công giáo cũng ca ngợi Mông Cổ là một quốc gia hoàn toàn đi theo con đường hiện đại hóa, khi nhấn mạnh « vai trò quan trọng » của Mông Cổ ở trung tâm lục địa châu Á rộng lớn và trên trường quốc tế, đồng thời hoan nghênh quyết tâm của Ulan-Bator chống phổ biến vũ khí hạt nhân, và lựa chọn từ bỏ án tử hình.

Cuối cùng, Giáo hoàng Phanxicô tri ân tinh thần tôn trọng và sự đóng góp của các truyền thống tôn giáo tại Mông Cổ, khi ca ngợi « sự hòa hợp và đoàn kết giữa các tín đồ thuộc các tín ngưỡng khác nhau ».

Nhà lãnh đạo Giáo hội Công giáo kết luận : « Tôi rất vui mừng khi thấy cộng đồng Công giáo, cho dù nhỏ bé và kín đáo, tham gia nhiệt tình và đóng góp tích cực cho sự phát triển của đất nước ». Tại Mông Cổ, cộng đồng Công giáo chỉ có khoảng 1.500 tín đồ.

Đài Loan ủng hộ đối thoại giữa Vatican và Trung Quốc

Hôm nay, 02/09/2023, Đài Loan tuyên bố ủng hộ những nỗ lực của Vatican để cải thiện quan hệ với Bắc Kinh, bày tỏ hy vọng là đối thoại giữa hai bên sẽ giúp giảm bớt “ tình trạng suy thoái về quyền tự do tôn giáo và nhân quyền” ở Trung Quốc.


Tượng của linh mục Dòng Tên người Ý Matteo Ricci, người xây dựng nhà thờ đầu tiên trong thời nhà Minh, ở lối vào của Nhà thờ Công giáo Nam Bắc Kinh, một nhà thờ Công giáo được chính phủ cho phép, ở Bắc Kinh, Trung Quốc ngày 29 tháng 9 , 2018. REUTERS - JASON LEE
Thanh Phương
Theo AFP, trong một thông cáo, bộ Ngoại Giao Đài Loan khẳng định : « Đất nước chúng tôi tôn trọng đầy đủ quyền tự do tôn giáo và ủng hộ các nỗ lực liên tục của Tòa thánh mở đối thoại với Trung Quốc để giải quyết các vấn đề tôn giáo của Giáo hội Công Giáo ở Trung Quốc. »

Hôm qua, khi phi cơ của ngài bay ngang qua Trung Quốc, giáo hoàng Phanxicô đã gởi một bức điện với « những lời chúc tốt đẹp » đến chủ tịch Tập Cận Bình, kèm theo thông điệp « đoàn kết và hòa bình ». Đáp lại thông điệp của giáo hoàng Phanxicô, Bắc Kinh tuyên bố muốn « tăng cường sự tin cậy lẫn nhau » với Vatican và « thúc đẩy tiến trình cải thiện quan hệ song phương ».

Vatican hiện là quốc gia duy nhất ở châu Âu còn duy trì quan hệ ngoại giao với Đài Bắc và cho tới nay vẫn chưa thiết lập bang giao với Bắc Kinh. Trong khi đó Bắc Kinh vẫn xem Đài Loan là một phần lãnh thổ của Trung Quốc, sớm muộn gì cũng sẽ được thống nhất với Hoa lục, nếu cần sẽ dùng đến vũ lực.

Chuyến tông du của giáo hoàng Phanxicô được xem là rất quan trọng trong tiến trình cải thiện quan hệ giữa Vatican với Trung Quốc. Nhưng việc cải thiện quan hệ giữa hai bên sẽ gây bất lợi cho Đài Loan, hiện đang mất dần các đồng minh ngoại giao vào tay Bắc Kinh. Hiện nay chỉ còn 13 quốc gia trên thế giới chính thức công nhận Đài Loan.

Gruzia: Đảng cầm quyền muốn truất phế tổng thống thân châu Âu

Gruzia, quốc gia vẫn có quan hệ rất phức tạp với Nga, lại lâm vào khủng hoảng chính trị sau khi hôm qua, 01/09/2023, lãnh đạo đảng cầm quyền Giấc mơ Gruzia thông báo đã bắt đầu tiến hành thủ tục truất phế tổng thống Salomé Zourabichvil, đang có mặt ở Bruxelles để vận động cấp cho Gruzia quy chế ứng viên gia nhập Liên Hiệp Châu Âu.


Tổng thống Gruzia Salome Zourabichvili (T) và chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen tại Bruxelles ngày 01/03/2022. AP - Virginia Mayo
Trọng Thành
Từ thủ đô Tbilissi, thông tín viên Régis Genté tường trình:

Quyết định này được cho là dựa trên cơ sở pháp lý. Theo Hiến pháp, chính sách đối ngoại của Gruzia là thuộc thẩm quyền của chính phủ và tổng thống Zourabichvili bị xem là vi phạm Hiến pháp khi đã quyết định mà không có sự chấp thuận của chính phủ khi đi đến nhiều thủ đô châu Âu để kêu gọi cấp cho Gruzia quy chế ứng viên gia nhập Liên Hiệp Châu Âu.

Hội Đồng Châu Âu sẽ quyết định về vấn đề này vào tháng 12 tới sau khi đã từ chối cấp quy chế ứng viên cho Gruzia do nước này có chính sách bị xem là ngược lại với các nguyên tắc của châu Âu.

Đảng cầm quyền hiện nay ở Gruzia nằm dưới sự kiểm soát của một nhà tài phiệt đã làm giàu ở Nga, ông Bidzina Ivanichvili. Từ ít nhất là hai năm qua, đảng này vẫn tìm cách gây tổn hại cho quan hệ với các đối tác châu Âu.

Điều này đã gây ra những căng thẳng chính trị nội bộ, do có đến 80% dân số Gruzia muốn nước họ được thâu nhận vào Liên Hiệp Châu Âu. Nhưng Nga thì không chấp nhận xu thế đó. Matxcơva đã từng xua quân chiếm một phần lãnh thổ Gruzia trong cuộc chiến tranh mùa hè năm 2008 nhằm ngăn chận nước này xích gần lại phương Tây.

Trung Quốc : 770 cuộc đình công, biểu tình tại các nhà máy trong nửa đầu 2023

Đình công, biểu tình của người lao động tại Trung Quốc gia tăng. Theo một báo cáo của một tổ chức phi chính phủ, chuyên theo dõi quyền của người lao động, có trụ sở ở Hồng Kông, chỉ riêng trong tháng 8/2023 vừa qua đã có 90 vụ biểu tình hay đình công trên phạm vi cả nước.


Công nhân Trung Quốc tại nhà máy lắp ráp xe ô tô Tenglong Automobile Co., Tương Dương, tỉnh Hồ Bắc, miền trung Trung Quốc. AP - Andy Wong
Trọng Thành
Thông tín viên Stéphane Lagarde tường trình từ Bắc Kinh :

Trung Quốc cũng là một quốc gia nổi tiếng với biểu tình, ngoại trừ việc truyền thông nhà nước Trung Quốc hiếm khi đưa tin. Theo báo cáo của tổ chức phi chính phủ « China Labour Bulletin », cập nhật ngày 31/08, tổng cộng trong nửa đầu năm 2023 đã xảy ra 770 « sự cố lớn » – như ngôn từ mà báo chí chính thức Trung Quốc sử dụng, so với 830 vụ trong toàn bộ năm 2022.

Chỉ tính riêng trong tháng Tám, tổ chức phi chính phủ về quyền của người lao động đã ghi nhận gần 90 sự kiện ở mọi lĩnh vực và trên cả nước. Ở thành phố Dư Diêu (Yuyao), tỉnh miền đông Chiết Giang, các công nhân giao hàng đình công. Tình hình tương tự ở Phúc Châu, tỉnh đông nam Phúc Kiến, với các tài xế xe tải, hoặc ở mỏ than ở Thiểm Tây, miền tây bắc.

Tiếp theo đó, nhiều cuộc biểu tình đã diễn ra, đặc biệt là phản đối việc nợ lương tại một xưởng sản xuất bánh công nghiệp ở Hồi Hột, khu tự trị Nội Mông (miền bắc), tại một công ty in Đài Loan ở Thâm Quyến (đông nam), tại một dự án xây dựng ở tỉnh Sơn Đông (miền đông), tại một xưởng giày ở Ôn Châu (đông nam), hoặc thậm chí ở nhà máy điện hạt nhân ở tỉnh Liêu Ninh (đông bắc).

Công nhân ngành điện tử và dệt may bị ảnh hưởng nặng nề nhất bởi suy thoái hậu Covid. Trong những tháng gần đây, xuất hiện nhiều video ngắn trên các mạng xã hội, bày tỏ nỗi lo lắng và bất bình.

Tổ chức Nobel rút ý định mời đại sứ Nga, Belarus và Iran dự lễ trao giải Nobel

Trong thông báo hôm nay, 02/09/2023, Tổ chức Nobel cho biết sẽ không mời các đại sứ Nga, Belarus và Iran đến dự lễ trao giải Nobel ngày 10/12/2023, sau khi bị chỉ trích mạnh mẽ.


Ảnh minh họa: Huy chương Nobel được trưng bày tại một buổi lễ ở New York, ngày 08/12/2020. AP - Angela Weiss
Minh Anh
Thông cáo của tổ chức ghi rõ : « Chúng tôi đã chọn lặp lại biện pháp đặc biệt của năm 2022, nghĩa là không mời các đại sứ Nga, Belarus và Iran đến dự lễ trao giải. »

AFP nhắc lại, hôm thứ Năm, 31/08/2023, Tổ chức Nobel cho biết năm nay này sẽ mời tất cả các đại sứ hiện diện tại Thụy Điển, gồm cả các đại sứ Nga, Belarus và Iran, đến dự lễ trao giải nhằm tạo điều kiện cho đối thoại hòa bình. Nhưng nhã ý này của tổ chức đã làm dấy lên làn sóng chỉ trích, từ thủ tướng Thụy Điển cho đến chính quyền Kiev, vì lời mời này bị xem là đi ngược với « các giá trị của Alfred Nobel ».

Trong mùa giải Nobel 2022, hai đại sứ Nga và Belarus đã không được mời vì cuộc chiến tranh Ukraina, còn đại sứ Iran cũng vắng mặt do cuộc trấn áp làn sóng phản đối chính quyền Teheran.

Từ Stockholm, thông tín viên đài RFI, Carlotta Morteo giải thích thêm :

« Thế giới ngày càng bị chia rẽ, và không gian đối thoại đang bị thu hẹp », giám đốc điều hành Quỹ Nobel nói tóm tắt như thế nhằm biện minh cho quyết định chìa tay thân thiện.

Ủy ban Na Uy, cơ quan trao giải Nobel Hòa Bình, cũng có cùng lập luận. Thư ký của ủy ban cho rằng, xin trích, « điều khó chịu cho các đại diện của những nhà nước chuyên chế, những chính quyền trấn áp dân tộc mình, hay gây chiến, là phải có mặt tại chỗ để nghe những thông điệp này hơn là không được mời dự lễ. »

Phát ngôn viên bộ Ngoại Giao Ukraina đã phản ứng, cho rằng điều này trước hết khơi dậy « cảm giác không bị trừng phạt », đồng thời kêu gọi Ủy ban Noel rút lời mời, nhằm hậu thuẫn cho những nỗ lực cô lập nước Nga.

Thủ lĩnh phe đối lập Belarus sống lưu vong, Svetlana Tikhanovskaia, cũng phẫn nộ không kém, nhắc lại rằng giải Nobel Hòa bình năm 2022, luật sư người Belarus Ales Bialiatski, vẫn đang bị chế độ Lukashenko cầm tù.

Tại Thụy Điển, thủ tướng Ulf Kirstersson, cho biết ông « rất ngạc nhiên ». Ông nói : «Tôi có lẽ sẽ không làm như thế, nếu tôi phải lo việc mời khách ». Nhưng ông không nói rõ có sẽ tẩy chay lễ trao giải hay không, như quyết định mà lãnh đạo các đảng cánh tả, đảng Xanh, cánh trung và cực hữu đã thông báo.

Không có nhận xét nào: