Tìm bài viết

Vì Bài viết và hình ảnh quá nhiều,nên Quí Vị và Các Bạn có thể xem phần Lưu trử Blog bên tay phải, chữ màu xanh (giống như mục lục) để tỉm tiêu đề, xong bấm vào đó để xem. Muốn xem bài cũ hơn, xin bấm vào (tháng....) năm... (vì blog Free nên có thể nhiều hình ảnh bị mất, hoặc không load kịp, xin Quí Bạn thông cảm)
Nhìn lên trên, có chữ Suối Nguồn Tươi Trẻ là phần dành cho Thơ, bấm vào đó để sang trang Thơ. Khi mở Youtube nhớ bấm vào ô vuông góc dưới bên phải để mở rộng màn hình xem cho đẹp.
Cám ơn Quí Vị

Nhìn Ra Bốn Phương

Thứ Bảy, 6 tháng 5, 2023

Lễ Giỗ Tổ Hùng Vương Tại San Jose và Kính Chuyển Tin Việt Nam Hôm Nay - Lê Văn Hải


Sáng Hôm Nay: Tham Dự Lễ Giỗ Tổ Hùng Vương Tại San Jose! “Dù ai đi ngược về xuôi Nhớ ngày Giỗ Tổ Mồng Mười Tháng Ba!” Hầu như người Việt Nam nào, ai cũng thuộc câu ca dao này, câu này được học từ nhỏ, thời tiểu học. Hàng năm, cứ đến ngày 10 tháng 3 Âm lịch, ngày này, con dân đất Việt ở khắp mọi nơi, đều hướng lòng về Quốc Tổ Hùng Vương, nhất là về đất Tổ Phú Thọ, nơi có đền thờ và bia tưởng niệm các vua Hùng. Để nhớ về nguồn cội, cảm tạ các Tiền Nhân đã có công lập quốc, giữ nước, thành dân tộc Việt, với những trang sử oai hùng chống ngoại xâm, để lại cho con cháu một dải giang sơn gấm vóc, tồn tại trên 4 ngàn năm! Không một tấc đất nào về tay ngoại bang!
<!>
(Càng tự hào truyền thống Cha Ông bao nhiêu, càng căm thù CSVN bấy nhiêu, hết nhường đất biên giới, biển đảo, đặc khu…còn nuôi âm mưu bán nước cho Tầu Cộng, chỉ cần đạt mục đích “còn đảng còn mình!”)

Thời VNCH, trước 75, đây là Ngày Quốc Lễ! ăn mừng rất lớn. Hành động VNCH giữ nước, với trận chiến “Hoàng Sa, Trường Sa!” Thà chết, chứ không để một tấc đất nào lọt vào tay giặc! Ra hải ngoại, cộng đồng người Việt khắp nơi, cũng giữ được truyền thống “ăn quả nhớ kẻ trồng cây” tốt đẹp này, nên luôn luôn có những sinh hoạt, để nhớ đến Tổ Tiên dòng giống Lạc Hồng.


*Chút Lịch Sử Đời Hùng

Theo truyền thuyết, triều đại Hùng Vương có 18 đời vua. Hùng Vương thứ nhất lên ngôi vào năm 2879 trước Công nguyên, đặt quốc hiệu là Văn Lang, chia nước làm 15 bộ, truyền đời đến năm 258 trước Công nguyên, thì mất ngôi vào tay Thục Phán An Dương Vương.

Như vậy, triều Hùng trải qua trong khoảng 2.600 năm, nếu chia trung bình cho 18 đời vua thì mỗi đời vua xấp xỉ 150 năm.

Giải thích điều hơi khó hiểu này, một số học giả cho rằng thực chất 18 đời vua Hùng không phải là 18 cá nhân cụ thể, mà là 18 chi, mỗi chi này có nhiều vị vua thay phiên nhau trị vì và dùng chung vương hiệu. Ngay cả con số 18 cũng chỉ mang tính tượng trưng, ước lệ, vì 18 cộng lại là 9 con số thiêng đối với người Việt.

Như vậy, theo một số tài liệu lịch sử ghi lại, ngày giỗ tổ đã có từ cách đây 2.000 năm. Dưới thời Thục Phán An Dương Vương. Bằng chứng đẽ tìm thấy cột đá thề, đã được dựng trên núi Nghĩa Lĩnh, ghi rõ: "Nguyện có đất trời lồng lộng chứng giám, nước Nam được trường tồn lưu ở miếu Tổ Hùng Vương. xin đời đời trông nom lăng miếu họ Hùng và gìn giữ giang sơn mà Quốc Tổ trao lại, nếu thất hẹn, sai thề sẽ bị gió giăng, búa dập!".

Các đời vua khác sau này cũng luôn ghi nhớ, khẳng định vai trò các vua Hùng trong việc xây dựng giang sơn Đất Việt. Chính vì thế mà hàng năm, người Việt dành một ngày để mừng và tưởng nhớ những người đã lập và xây dựng nên đất nước. Trong tinh thần nhớ về Cội Nguồn “Chim có tổ, người có tông!”


*Tại Sao Lăng Vua Hùng Lại Ở Phú Thọ

Theo Ngọc phả Hùng Vương chép thời Hồng Đức hậu Lê, thì từ thời nhà Tiền Lê, nhà Lý, nhà Trần rồi đến Hậu Lê, các vua và người dân địa phương, đều đến lễ bái các vua Hùng. Vua đã giao thẳng quản lý Đền Hùng cho dân tại đó rông nom, sửa chữa, cúng bái. Và có bổn phận tổ chức ngày giỗ 18 đời Hùng Vương vào ngày 10 tháng 3 âm lịch mỗi năm.

Để đền bù công lao gìn giữ, tổ chức, dân địa phương được triều đình miễn cho những khoản thuế ruộng, nhiều quyền lợi khác.

Sang thế kỷ 20, năm 1917 triều vua Khải Định. Bộ Lễ chính thức gửi công văn đến tỉnh Phú Thọ, chính thức lấy ngày mồng 10 tháng 3 âm lịch, cử hành "quốc lễ" hàng năm.

Ngày Giỗ này, vua và các quan phải mặc phẩm phục, lên đền Hùng cúng tế rất trang trọng.


*Truyền Thuyết Con Rồng Cháu Tiên

Hay còn gọi sự tích Trăm Trứng Trăm Con, nhằm giải thích về nguồn gốc dân tộc, cũng như đề cao lòng tự hào và tinh thần đoàn kết của Người Việt Nam.

Câu chuyện có tính cách “thần thoại” như sau:

Ngày xưa, ở miền đất Lạc Việt, cứ như bây giờ là Miền Bắc nước ta, có một vị thần thuộc nòi rồng, con trai thần Long Nữ, tên là Lạc Long Quân. Thần mình rồng, thường ở dưới nước, thỉnh thoảng lên sống trên cạn, sức khỏe vô địch, có nhiều phép lạ.

Thần giúp nhân dân diệt trừ Ngư tinh, Hồ tinh, Mộc tinh, là những loài yêu quái bấy lâu tung hoành, làm hại dân lành. Thần dạy dân cách trồng trọt, chăn nuôi. Xong việc, thần thường về thủy cung, khi có việc cần, thần mới hiện lên.

Bấy giờ, ở vùng núi cao phương Bắc, có nàng Âu Cơ thuộc dòng họ Thần Nông, xinh đẹp tuyệt trần. Nghe tiếng vùng đất Lạc có nhiều hoa thơm cỏ lạ, tò mò bèn tìm đến thăm.

Duyên tiền địng, Âu Cơ và Lạc Long Quân gặp nhau, đèm lòng yêu thương. Rồi trở thành vợ chồng, cùng nhau chung sống trên cạn ở điện Long Tráng.

Ít lâu sau, Âu Cơ có mang (bầu), đến kỳ sinh nở. Chuyện thật lạ, nàng sinh ra một cái bọc trăm trứng! nở ra một trăm con! Con nào con ấy hồng hào, đẹp đẽ lạ thường. Hay hơn nữa, đàn con không cần bú mớm, mà tự lớn lên như thổi, mặt mũi khôi ngô, khỏe mạnh như thần.

Thế rồi một hôm, Lạc Long Quân vốn quen ở nước, cảm thấy mình không thể sống mãi trên cạn được, đành từ biệt Âu Cơ và đàn con, để trở về thủy cung. Âu Cơ ở lại một mình nuôi đàn con, tháng ngày chờ mong, buồn tủi. Cuối cùng nàng gọi chồng lên và than thở.

– Sao chàng bỏ thiếp mà đi, không cùng thiếp nuôi đàn con nhỏ?

Lạc Long Quân nói:

– Ta vốn nòi rồng ở miền nước thẳm, nàng là giòng tiên ở chốn non cao. Kẻ ở cạn, người ở nước, tính tình tập quán khác nhau, khó mà ăn ở cùng nhau một nơi lâu dài được. Nay ta đưa năm mươi con xuống biển, nàng đưa năm mươi con lên núi, chia nhau cai quản các phương. Kẻ miền núi, người miền biển, khi có việc gì thì giúp đỡ lẫn nhau, đừng quên lời hẹn.

Âu Cơ nghe theo, rồi cùng nhau chia tay nhau lên đường.

Người con trưởng được tôn lên làm vua, lấy hiệu là Hùng Vương, đóng đô ở đất Phong Châu, đặt tên nước là Văn Lang.

Triều đình có tướng văn, tướng võ, con trai vua gọi là quan lang, con gái vua gọi là mỵ nương, khi cha chết thì được truyền ngôi cho con trưởng, gần 29 đời truyền nối ngôi vua đều lấy danh hiệu Hùng Vương, không hề thay đổi.

Cũng bởi sự tích này mà về sau, người Việt Nam chúng ta đều là con cháu vua Hùng, Đều từ một bọc trứng mà sinh ra, Cùng gọi nhau là “Đồng Bào!” (từ một bào thai) vầ tự hào mình là Con Rồng Cháu Tiên!


Lời Mời Sinh Hoạt Giỗ Tổ Hùng Vương Tại Bắc Cali:

TRÂN TRỌNG KÍNH MỜI QUÝ ĐỒNG HƯƠNG VÀ CÁC ĐOÀN THỂ THAM DỰ LỄ GIỖ TỔ HÙNG VƯƠNG
ĐƯỢC TỔ CHỨC
NGÀY THỨ BẢY, (HÔM NAY) 6 THÁNG 5 NĂM 2023 LÚC 10:00 SÁNG TẠI VƯỜN TRUYỀN THỐNG VIỆT 1499 Roberts Ave San Jose Ca 95122
ỦY BAN DIỀU HỢP SINH HOẠT CỘNG ĐỒNG BẮC CALI KÍNH MỜI

Năm nay ngày Giỗ Quốc Tổ HÙNG VƯƠNG mùng 10 tháng 3 Âm lịch rơi vào ngày 29 tháng 4 năm 2023, tuần lễ rất bận rộn với nhiều sinh hoạt Tưởng Niệm Quốc Hận của Cộng đồng Người Việt Tỵ Nạn chúng ta, Vì thế nên trong buổi họp ngày 1 tháng 4 năm 2023, ban tổ chức Lễ chào Quốc Kỳ mỗi đầu tháng tại Vườn Truyền Thống VIỆT cùng một số quý đồng hương và quý đại diện các Hội đoàn, Đoàn thể Bắc Cali đã đồng ý tổ chức ngày

Giỗ Quốc Tổ ĐỨC HÙNG VƯƠNG
sẽ tổ chức chung với ngày chào kính Quốc Kỳ VNCH và HK đầu tháng 5 năm 2023 tại: VƯỜN TRUYỀN THỐNG VIỆT 1499 Roberts Ave – San Jose – CA 95122

Vào lúc 10:00 sáng Ngày Thứ Bảy 6 tháng 5 năm 2023

(để có đủ thời gian chuẩn bị trang trí chu đáo cho hai sinh hoạt, ban tổ chức xin được khai mạc chương trình đúng 10:00 sáng thay vì 9:00 sáng như mỗi đầu tháng chào Quốc Kỳ)
• Điểm tâm nhẹ và cà phê sáng vẩn do Cô Brenda Huỳnh (chuyên viên phụ trách các dịch vụ Bảo hiểm Sức khỏe và Medicare ) yểm trợ.

Trân Trọng Kính Mời
Quý Đồng Hương và quý chiến hữu QLVNCH tham dự.
T. M. Ban Tổ Chức Lễ Chào Kính Quốc Kỳ Mỗi Đầu Tháng tại Vườn Truyền Thống VIỆT
•Ủy Ban Điều Hợp Sinh Hoạt Cộng Đồng. •Liên Đoàn Hướng Đạo Diên Hồng
•Hội Người Việt Cao Niên Bắc Cali. •Nhóm Phụng Sự Cộng Đồng.


Tin Việt Nam Hôm Nay
Đại Sứ Anh ở Việt Nam Lên Tiếng Nhân Ngày Tự Do Báo Chí Thế Giới


(Hình: Đại sứ Anh tại Việt Nam Iain Frew.)

-Hôm 3/5/2023, Đại sứ Anh tại Việt Nam Iain Frew lên tiếng về tầm quan trọng của tự do báo chí trong việc thúc đẩy sự phát triển của xã hội nhân Ngày Tự do báo chí Thế giới.

Trong một đoạn video đăng trên trang Facebook của Tòa Ðại sứ Anh, ông Frew nói bằng tiếng Việt rằng “nền báo chí tự do là một thành tố quan trọng trong việc thúc đẩy sự phát triển của xã hội, giúp tất cả mọi người biết những sự kiện đang xảy ra xung quanh mình, cũng như tác động của những sự kiện lên cộng đồng”.

Nhà ngoại giao này nói thêm rằng “các nhà báo trên khắp thế giới, trong hành trình tìm kiếm sự thật, không ngừng đưa những bất công và những hành động sai trái ra ánh sáng”.

“Chúng ta sẽ giải quyết được nhiều thách thức lớn của nhân loại như biến đổi khí hậu và sức khỏe toàn cầu bằng việc đặt những câu hỏi hóc búa, đầy thách thức. Những bài báo này có thể không làm hài lòng một bộ phận độc giả, nhưng sứ mệnh theo đuổi sự thật là tối quan trọng”, ông Frew nói. “Vì vậy, tôi muốn gửi tới những nhà báo, phóng viên một thông điệp: Hãy không ngừng đặt câu hỏi!”

Đại sứ Anh lên tiếng cùng ngày các phái đoàn nhiều nước phương Tây tại Việt Nam, trong đó có Anh và Mỹ, ra tuyên bố chung, kêu gọi không “hăm dọa” và bắt bớ “tùy tiện” những người làm báo vì công việc của họ.

Cũng hôm 3/5, tổ chức Phóng viên Không biên giới (RSF) công bố bảng xếp hạng tự do báo chí năm 2023, theo đó ba nước Á Châu đứng cuối bảng là Việt Nam (178), Trung Quốc (179) và Bắc Hàn (180). Việt Nam hiện giam giữ 42 nhà báo sau song sắt, theo thống kê của RSF.

Nhà cầm quyền Cộng sản Việt Nam chưa lên tiếng về bảng xếp hạng này, nhưng trước đây từng nói rằng

Tổ chức Phóng viên Không biên giới ra các báo cáo dựa trên “những thông tin sai sự thật, không có cơ sở và với dụng ý xấu”.


Văn Bút Hoa Kỳ: Việt Nam Đứng Thứ Sáu Thế Giới Về Bỏ Tù Nhà Văn Trong Năm 2022


(Hình: Công an ngăn cản người chụp hình một vụ biểu tình phản đối Trung Quốc ở Nhà hát lớn, Hà Nội, năm 2012.)

-Trong phúc trình Chỉ số về tự do của người viết năm 2022, tổ chức Văn bút Hoa Kỳ (PEN America) xếp Việt Nam đứng thứ sáu thế giới với 16 nhà văn, nhà báo đang bị cầm tù và đứng thứ 10 trong danh sách các quốc gia cần quan tâm với 27 người đang bị hiểm nguy.

“Chính phủ Việt Nam tiếp tục đàn áp giới bất đồng chính kiến, đặc biệt tập trung vào việc kiểm soát quyền truy cập phương tiện truyền thông xã hội của công chúng và mở rộng khả năng của chính phủ để có quyền truy cập vào dữ liệu cá nhân”, Văn bút Hoa Kỳ trình bày trong báo cáo công bố ngày 27/4 vừa qua

Theo tổ chức có trụ sở ở New York, Cộng sản Việt Nam thông qua Luật An ninh mạng vào năm 2018, yêu cầu các nền tảng lưu trữ dữ liệu cục bộ và trao cho Chính phủ quyền kiểm soát nội dung và dữ liệu trực tuyến.

Bốn năm sau, vào năm 2022, Chính phủ Việt Nam đã thông qua Nghị định 53 quy định chi tiết việc thi hành Luật An ninh mạng, tăng cường quyền truy cập của Chính phủ vào dữ liệu cá nhân và do đó tăng khả năng đàn áp những người bất đồng chính kiến.

Nhiều Nhà Văn, Nhà Báo Bị Cầm Tù, Số Khác ở Tình Trạng Hiểm Nguy

Tổ chức này cho biết, có 16 người viết/nhà văn (writers) bị giam giữ tại Việt Nam vào năm 2022, 15 trong số họ là những nhà bình luận trực tuyến.

Trong số này có nhà bình luận trực tuyến Bùi Văn Thuận với những lời giễu cợt và chế giễu Chính phủ Việt Nam trên trang Facebook của mình, Trần Hoàng Huấn với nhiều bài đăng trên Facebook chỉ trích Chính phủ Việt Nam trong việc phân phối vắc-xin COVID-19 của hãng Trung Quốc Sinopharm, và nhà báo tự do Lê Mạnh Hà với nhiều video clip trên YouTube và bài viết trên Facebook về tranh chấp đất đai và tham nhũng.

Trong năm 2022, cả ba đều bị kết án tám năm tù giam về tội danh “Tuyên truyền chống nhà nước” theo Điều 117 của Bộ luật Hình sự 2015.

Một thành viên của liên minh Văn bút Quốc tế cũng nhắc lại việc xét xử nhà báo độc lập Lê Anh Hùng thiếu các chuẩn mực quốc tế về phiên tòa công bằng và việc bắt giữ nhà hoạt động Nguyễn Lân Thắng, blogger của Đài Á Châu Tự Do (RFA).

Tổ chức này nói Việt Nam có xu hướng áp dụng các bản án nặng nề nhiều năm tù giam bất chấp sự lên án từ Văn phòng Cao ủy Nhân quyền Liên Hiệp Quốc và các tổ chức nhân quyền.

Trong báo cáo của mình, Văn bút Hoa Kỳ cũng đưa ra danh sách 27 nhà văn, nhà báo Việt Nam đang gặp hiểm nguy, trong đó có 4 cựu tù nhân lương tâm: Nhà văn Nguyễn Xuân Nghĩa, blogger Nguyễn Hữu Vinh (Ba Sàm), nhà báo Nguyễn Vũ Bình, và nhạc sĩ Trần Vũ Anh Bình.

Nhạc sĩ Trần Vũ Anh Bình, người mãn hạn tù 6 năm vào giữa năm 2017, cho biết sau khi kết thúc án 2 năm quản chế, ông vẫn bị canh giữ gắt gao bởi lực lượng an ninh Tp. HCM.

Trong đợt nghỉ lễ kéo dài năm ngày vừa qua, công an địa phương đưa người đến canh giữ gần nhà ông Bình liên tục từ ngày 29/4 đến tối 2/5, ông nói với RFA ngày 4/5.

“Những người bất đồng chính kiến ở quốc nội bị kê vào danh sách đen để mà họ canh giữ.

Là một người nghệ sĩ, tôi nhìn thấy hình đất nước thế nào thì tôi cất tiếng lên. Chính vì nỗi lòng của tôi mà tôi bị bôi dấu đen trong con mắt và suy nghĩ của nhà cầm quyền Việt Nam”.

Tuy nhiên, ông cho biết ông không thể im lặng trước hiện tình đất nước cho dù có thể bị bắt lần nữa. Ông khẳng định:

“Tôi chỉ thổn thức với nỗi đau của quê hương. Tôi luôn sẵn sàng chịu khổ đau một lần nữa, nếu như nhà cầm quyền Cộng sản Việt Nam đặt cái tên tôi vào giấy khởi tố lần thứ hai”.

Chia sẻ với RFA, ông cho biết không chỉ đưa người canh giữ thường xuyên tư gia của ông, lực lượng an ninh còn can thiệp vào cuộc sống tình cảm, khiến ông không thể đến được với người mình yêu và làm cho cuộc sống của ông còn “tệ hơn ở trong tù”.

Phóng viên gửi email cho Bộ Ngoại giao Việt Nam đề nghị bình luận về phúc trình mới nhất của Văn bút Hoa Kỳ nhưng chưa lập tức nhận được phản hồi. Chính phủ Việt Nam thường phớt lờ các đề nghị bình luận của RFA.


(Ảnh: Cả hai chỉ số và cơ sở dữ liệu do PEN America thu thập, Việt Nam đều nằm trong top 10 thế giới.)

Áp Dụng Việc Báo Cáo Hàng Loạt Để Dập Tắt Tiếng Nói Bất Đồng

Văn bút Hoa Kỳ nhắc lại việc nhà cầm quyền Cộng sản Việt Nam thành lập Lực lượng 47 gồm 10.000 lính tác chiến mạng của quân đội hồi năm 2015, hay bên cạnh Lực lượng dân sự có tên là E47 để tấn công những tiếng nói phản biện trên mạng xã hội, giúp Nhà nước giám sát chặt chẽ và hạn chế quyền tự do ngôn luận trên các nền tảng kỹ thuật số.

Hai lực lượng trên sử dụng chiến lược báo cáo hàng loạt “vi phạm” tiêu chuẩn cộng đồng trên Facebook, khiến nền tảng này gỡ bỏ các trang hoặc thậm chí cấm chúng. Chiến lược này tận dụng quy trình khiếu nại rườm rà của Facebook trong bối cảnh công ty kỹ thuật của Mỹ thiếu chuyên gia nói tiếng Việt trợ giúp quá trình khiếu nại.

Trong khi đó, Chính phủ Việt Nam đang gia tăng yêu cầu đối với các nền tảng, bao gồm yêu cầu gỡ bỏ những gì họ xác định là “tin giả” trong vòng 24 tiếng đồng hồ.

Nạn nhân của các cuộc tấn công trực tuyến thực hiện bởi hai nhóm trên bao gồm các nhà báo tự do ở trong nước và cả ở ngoại quốc, như cựu tù nhân lương tâm Nguyễn Ngọc Như Quỳnh (tức blogger Mẹ Nấm), người đang sống lưu vong ở Hoa Kỳ.

Cuộc tấn công đa hướng vào quyền tự do ngôn luận của chính quyền đặt các nhà văn Việt Nam vào nguy cơ rất lớn, Văn bút Hoa Kỳ nói.

Văn bút Hoa Kỳ kêu gọi Nhà nước Việt Nam bãi bỏ Điều 117 của Bộ luật Hình sự 2015 vốn được sử dụng thường xuyên để bỏ tù nhà báo, blogger và người bất đồng chính kiến.

Tổ chức này cũng kêu gọi Hoa Kỳ tái giới thiệu và thông qua Dự luật Nhân quyền Việt Nam của lưỡng đảng, và yêu cầu Chính phủ Việt Nam tuân thủ các quyên tắc nhân quyền và tự do ngôn luận như một yếu tố nền tảng của mối quan hệ song phương đang mở rộng giữa hai quốc gia.

Hoa Kỳ cần cộng tác với các đối tác ASEAN để tiếp tục vận động cho việc trả tự do cho các nhà văn bị cầm tù và trợ giúp các nhà văn Việt Nam lưu vong, tổ chức này nói.

Dự luật Nhân quyền Việt Nam, được xây dựng bởi Dân biểu của hai đảng, nếu được thông qua, sẽ cho phép Hoa Kỳ trừng phạt các viên chức Việt Nam và những người khác đồng lõa với các hành vi vi phạm có hệ thống các quyền con người được quốc tế công nhận, bao gồm các vi phạm đặc biệt nghiêm trọng đối với quyền tự do tôn giáo.


‘Tự Do Báo Chí Là Huyết Mạch của Nhân Quyền’


(Hình: Ngoại trưởng Hoa Kỳ Antony Blinken phát biểu tại trụ sở tờ Washington Post ở thủ đô nước Mỹ nhân Ngày Tự do Báo chí Thế giới 3/5/2023.)

-Tự do báo chí đang bị đe dọa hơn bao giờ hết, nhưng vẫn có lý do để hy vọng, các nhà báo tuyên bố tại một sự kiện hôm 3/5/2023 kỷ niệm 30 năm Ngày Tự do Báo chí Thế giới.

Các phóng viên, chuyên gia về tự do báo chí và Ngoại trưởng Hoa Kỳ Antony Blinken tập trung tại trụ sở tờ Washington Post ở thủ đô nước Mỹ để thảo luận về những thách thức và mối đe dọa cấp bách nhất mà các nhà báo trên khắp thế giới phải đối mặt, từ việc bắt giữ và đưa thông tin sai lệch đến hành hung và xét xử.

Việc Nga bắt giữ phóng viên Evan Gershkovich của tờ Wall Street Journal của Mỹ vào tháng rồi với cáo buộc gián điệp vô căn cứ đã bị lên án mạnh mẽ tại sự kiện hôm nay.

Ông Blinken nói: “Chúng tôi biết rằng các nhà báo trên khắp thế giới đang ngày càng bị bao vây”. “Điều đó giờ đây một lần nữa được thể hiện rất mạnh mẽ trong việc ông Evan bị bắt và giam giữ ở Mạc Tư Khoa”.

Ông Blinken nói: “Chúng ta thấy một nước như Nga, giống như một số quốc gia khác, đang giam giữ người dân một cách sai trái, sử dụng họ như những con tốt chính trị, sử dụng họ làm đòn bẩy trong một hành vi hoàn toàn không thể chấp nhận được”.

Vào năm 2022, ít nhất 363 phóng viên đã bị giam giữ vì tác nghiệp, đánh dấu mức cao mới trên toàn cầu và tăng 20% so với năm 2021, theo Ủy ban Bảo vệ Nhà báo.

Đoạn trao đổi giữa Ngoại trưởng Mỹ và nhà báo David Ignatius của tờ Washington Post đã bị gián đoạn một lúc khi một số người biểu tình xông lên sân khấu kêu gọi trả tự do cho ông Julian Assange, người sáng lập WikiLeaks đang bị bỏ tù, người mà Hoa Kỳ cáo buộc là gián điệp vì đã tiết lộ các tài liệu quân sự của Mỹ.

Ông Paul Beckett, Trưởng văn phòng tại Hoa Thịnh Ðốn của tờ Wall Street Journal, cho biết ông Evan “trở lại Nga trong nghĩa vụ báo chí để đưa tin về một đất nước là một phần trong con người của ông nhưng đất nước ấy cần nhiều lời giải thích cho khán giả quốc tế”.

“Có một số phóng viên ngoại quốc hoạt động trong vòng các tòa Ðại sứ, giới ngoại giao và chính phủ. Và có một số người hoạt động tại chỗ”, ông Beckett nói. “Và ông ấy rất, rất giống một phóng viên thực địa”.

Trong một đoạn hội thảo khác, nhiều nhà báo đã thảo luận về sự quấy rối, trả thù và thời gian ngồi tù mà cá nhân họ đã trải qua do công việc của mình.

Bà Adefemi Akinsanya, phóng viên quốc tế của Arise News ở Nigeria, nhớ lại cảnh sát đã hành hung bà như thế nào vào năm 2021 khi bà đang tường trình lễ tưởng niệm một năm ngày giết hại những người biểu tình ở thành phố Lagos.

“Tôi đã bảo vệ bản thân mình. Tôi đã bảo vệ các thành viên trong nhóm của tôi. Tôi đã bảo vệ thiết bị của chúng tôi. Nhưng tôi vô tình nghĩ rằng tôi cũng đang bảo vệ tự do báo chí”, bà Akinsanya nói.

Ông Danny Fenster, một nhà báo người Mỹ bị bắt ở Miến Ðiện vào tháng 5 năm 2021, nói rằng việc bắt giữ ông có thể nhằm mục đích đe dọa các nhà báo khác và ngăn họ đưa tin về tình hình hậu đảo chính ở nước này.

Vào thời điểm đó, ông đang là quản lý của tạp chí tin tức tiếng Anh Frontier Miến Ðiện.

“Tôi nghĩ họ đã thấy rằng họ có thể gửi một tuyên bố tới các nhà báo quốc tế - ‘Đừng đến đây, đừng chú ý đến chuyện này’”, ông Fenster nói. “Họ cần gửi một thông điệp, thậm chí mạnh mẽ hơn, tới cộng đồng quốc tế”.

Ông Fenster được thả vào tháng 11 năm 2021.

Ông Clayton Weimers, Giám đốc điều hành văn phòng tại Hoa Kỳ của Tổ chức Phóng viên Không Biên giới (RSF), thống kê số lượng nhà báo bị giam giữ và bị bắt cao nhất vào năm 2022 kể từ khi tổ chức tự do báo chí này bắt đầu lập thống kê.

Nhưng “không phải tất cả đều là sự diệt vong và u ám”, ông Weimers nói. “Chúng ta luôn luôn tiến bộ”.

Đôi khi tiến bộ đó chậm chạp. Ví dụ, Nigeria hiện được xếp hạng 123 trên thế giới về tự do báo chí. Năm 2022 nước này được xếp hạng 129.

“Điều đó được hoan nghênh, bởi vì nếu ngược lại thì chúng ta sẽ không hài lòng”, bà Akinsanya nói. Nhưng Nigeria vẫn còn một chặng đường dài phía trước, bà nói thêm.

Bà Akinsanya nói: “Ngay cả khi phải đối mặt với những khía cạnh tiêu cực của công việc mà chúng tôi làm với tư cách là nhà báo, thì việc chúng tôi tiếp tục kiên trì là niềm hy vọng đối với tôi”.

Vào ngày 2/5, một quỹ quốc tế đã được công bố nhằm mục đích hỗ trợ các phương tiện truyền thông độc lập trong bối cảnh nó đang suy giảm.

Tại Liên Hiệp Quốc ở New York, Tổ chức Văn hóa, Khoa học và Giáo dục Liên Hiệp Quốc (UNESCO) đã đánh dấu ngày tự do báo chí bằng các cuộc thảo luận và hội thảo cấp cao.

Tại một cuộc hội thảo, người dẫn chương trình tiếng Ba Tư của Ðài Tiếng Nói Hoa Kỳ (VOA), bà Masih Alinejad, đã trình bày một Dự thảo Nghị quyết lên án sự đàn áp xuyên quốc gia và nhắm mục tiêu vào các nhà báo. Bà Alinejad, người bị buộc phải lưu vong khỏi Iran vào năm 2009, là mục tiêu của một vụ bắt cóc của Tehran vào năm 2021.

“Vào ngày này, chúng tôi kêu gọi tất cả các quốc gia thành viên thúc đẩy, bảo vệ và thực hiện quyền tự do quan điểm và ngôn luận”, một số nhà lãnh đạo Liên Hiệp Quốc nói trong một tuyên bố chung. “Sự an toàn của các nhà báo và nhân viên truyền thông phải được coi là một phần không thể thiếu của quyền tự do quan điểm và ngôn luận và là chìa khóa để chống lại thông tin sai lệch, kể cả trong bối cảnh xung đột”.

Trong một tuyên bố ngày 3/5, Tổng Thư ký Liên Hiệp Quốc Antonio Guterres nhấn mạnh tầm quan trọng của tự do báo chí và chia sẻ những lo ngại của ông về các mối đe dọa mà các nhà báo trên khắp thế giới đang phải đối mặt.

“Ngày này nhấn mạnh một sự thật cơ bản: tất cả tự do của chúng ta phụ thuộc vào tự do báo chí”, Tổng Thư ký nói. “Tự do báo chí là huyết mạch của nhân quyền”.


Không biết mắc cở! Campuchia vừa dạy VN bài học ‘bớt phô trương ảnh lãnh tụ’


(Hình: Cảnh sát Campuchia yêu cầu nhóm cổ động viên Việt Nam dẹp ảnh Hồ Chí Minh khi cổ vũ cho đội bóng nữ Việt Nam tại SEA Games)

-Một nhà báo kỳ cựu nói, phô trương ảnh Hồ Chí Minh trên khán đài sân vận động “chỉ là thói sùng bái cá nhân, mà thói này thì nhân loại nói chung, nhất là thế giới văn minh, rất ghét”.

Nhân chuyện Campuchia cấm đem ảnh Hồ Chí Minh vào sân chơi thể thao để nhảy nhót hò hét ủng hộ, xứ An Nam cũng cần coi lại cái cách dung túng những trò tuyên truyền dở hơi lâu nay.

Trước hết, nó không hợp, sân bóng không phải là chỗ biểu dương lãnh tụ. Sau nữa, trong thế giới văn minh văn hóa, nó có vẻ thô lậu, nhố nhăng, chả giống ai, cứ kiểu một mình một chợ, anh hùng làng này cóc thằng nào bằng ta. Sau nữa, đừng để thiên hạ người ta chê cười, mà lệnh cấm vỗ mặt như Campuchia vừa ban hành là biểu hiện dứt khoát của sự chê cười ấy.

Ngay trên đất mình còn chả nên thế, huống hồ cứ cái thói “đem ảnh đi đấm nước người”. Rồi lại còn hát “như có bác trong ngày vui đại thắng” nữa.

Còn cờ đỏ sao vàng tung bay trước gió thì được, OK, chẳng ai cấm, bởi cờ là biểu tượng của quốc gia, chứ không phải ảnh. Ảnh chỉ là thói sùng bái cá nhân, mà thói này thì nhân loại nói chung, nhất là thế giới văn minh, rất ghét.

Lạ kỳ cho một thể chế một quốc gia, cứ để cho thiên hạ “dạy” từng bài học ứng xử đối nhân xử thế nho nhỏ, mà “thầy” lại là “thằng em dại” Campuchia mới đau.

Tôi khuyên các vị lãnh đạo xứ này từ giờ nên bớt ngạo nghễ, tự sướng, ảo tưởng, lừa dối đi. Hãy sống cho tử tế và thực chất.

Vẫn biết rằng đối với các vị, làm được điều đơn giản như thế là cực khó bởi mấy thứ “phẩm chất” kia ngấm vào trong máu rồi, nhưng không làm thì xê ra cho người khác làm.

Tôi nói thật. (Đất Việt 5/05/2023)


Vẻ Vang Dân Việt: NASA và Lockheed Martin vinh danh Cty công nghệ của người Mỹ gốc Việt ở California
(Huy Nguyễn)


(Hình: Công ty Avatar Machine được vinh danh.)

-Vào ngày 3/5, Avatar Machine, một công ty chuyên về các dịch vụ sản xuất các thiết bị hàng không vũ trụ của người gốc Việt tại thành phố Fountain Valley bang California, được phái đoàn của Cơ quan Hàng không Vũ trụ Hoa Kỳ (NASA) và công ty sản xuất vũ khí Lockheed Martin đến thăm và vinh danh.

Avatar Machine đang hợp tác với Lockheed Martin, một công ty về an ninh, hàng không vũ trụ toàn cầu, với phần lớn hoạt động kinh doanh với Bộ Quốc phòng Hoa Kỳ và các cơ quan chính phủ liên bang Hoa Kỳ.

Phái đoàn đến thăm và ghi nhận về những đóng góp của công ty Avatar Machine cho chương trình Artemis, một chương trình của NASA với mục đích sẽ đưa người phụ nữ đầu tiên và người da màu đầu tiên lên Mặt trăng, sử dụng các công nghệ tiên tiến để khám phá bề mặt mặt trăng.

Trao đổi với đài VOA, ông Frank Nguyễn, Tổng giám đốc của Avatar Machine, cho biết rằng khi sản xuất hàng cho Lockheed Martin và NASA thì công ty của ông rất là “thương nghề” và “muốn làm cho mọi việc thành công 100%”.

“Khoảng 7, 8 năm nay thì NASA cũng liên lạc với công ty chúng tôi, nói là thấy đồ của Avatar Machine thông qua Lockheed cũng rất là tốt và đúng giờ,” Ông Frank nói. “Và người của NASA xuống để cảm ơn chúng tôi và hy vọng chúng tôi sẽ tiếp tục làm những gì mà chúng tôi đã làm trong 15 năm qua để cho các hãng khác làm chung sẽ thành công trên nước Mỹ.”

Ông Frank Nguyễn cho biết ông thành lập công ty Avatar Machine năm 2008 cùng với ông Liêm Đỗ, đồng sáng lập, sản xuất thiết bị cho máy bay và phi thuyền của công ty Lockheed Martin. Nhưng công ty của ông không ngờ là công ty Lockheed Martin bán thiết bị của Avatar Machine cho NASA.

“Làm thiết bị cho NASA có hai cái quan trọng nhất là đúng hẹn và chất lượng sản phẩm,” Ông Frank nói. “Những phàn nàn hay hoàn trả sản phẩm làm cho Lockheed Martin và NASA chưa bao giờ xảy ra.”

Theo báo Người Việt, buổi thăm viếng của đại diện NASA và Lockheed Martin và trao bằng khen (certificate of recognition) của chính quyền địa phương có sự tham dự của Thị trưởng Thành phố Fountain Valley, bà Kim Constantine; cựu Thị trưởng Thành phố Fountain Valley, ông Michael Võ, và các đại diện của các dân cử Quận Cam như Dân Biểu Trí Tạ, Thượng Nghị Sĩ California Janet Nguyễn, cùng đại diện của Dân Biểu Liên Bang Michelle Steel.

Trên trang Twitter của Thượng nghị sĩ Janet Nguyễn của Địa hạt 36 bang California, bà đã chúc mừng công ty Avatar Machine đã được NASA ghi nhận với tất cả sự chính trực và cống hiến cho Chương trình Không gian Artemis. “Với sự giúp đỡ của công ty,” Bà Janet viết. “Hoa Kỳ sẽ đưa các phi hành gia trở lại mặt trăng, cũng như một phần của thành phố Fountain Valley”.

Trên trang web của mình, NASA ghi nhận sự đóng góp của Avatar Machine trong số những nhà cung cấp để chế tạo máy bay X-59 cho NASA. Máy bay X-59 sẽ tạo dữ liệu về phản ứng với âm thanh mà nó tạo ra, và thiết bị này được kỳ vọng sẽ dẫn đến sự thay đổi trong các quy tắc cấm các chuyến bay siêu âm thương mại qua lãnh thổ Hoa Kỳ.

Với 23 nhân viên làm việc, công ty Avatar Machine chuyên về các dịch vụ gia công công nghệ điều khiển số (CNC) cho nhiều yêu cầu thương mại và công nghiệp bao gồm cả hàng không vũ trụ với mục tiêu hướng tới độ chính xác.

Chương trình Artemis của NASA viết: “Chúng tôi sẽ hợp tác với các đối tác thương mại và quốc tế và thiết lập sự hiện diện lâu dài đầu tiên trên Mặt trăng”.


Bà Nguyễn Phương Hằng và 4 Đồng Phạm Chuẩn Bị Hầu Toà


(Hình: Vụ Youtuber Nguyễn Phương Hằng sắp bị đưa ra xét xử.)

-Tòa án Nhân dân Tp. HCM đang lên kế hoạch đưa vụ án Nguyễn Phương Hằng và 4 đồng phạm ra xét xử.

Ngày 4/5/2023, truyền thông cho hay Tòa án Nhân dân Tp. HCM đã thụ lý hồ sơ vụ án Nguyễn Phương Hằng và 4 đồng phạm “Lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích hợp pháp của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân” từ Viện kiểm sát nhân dân cùng cấp. Theo đó, vụ án sẽ sớm được đưa ra xét xử.

Theo hồ sơ của VKS, trong vụ án này, các bị can bị truy tố gồm: Nguyễn Phương Hằng (52 tuổi, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Đại Nam); Nguyễn Thị Mai Nhi (Phụ tá của bà Hằng), Lê Thị Thu Hà (nhân viên Công ty cổ phần Đại Nam), Huỳnh Công Tân (Trưởng phòng Truyền thông Công ty cổ phần Đại Nam), Đặng Anh Quân (giảng viên trường Đại học Luật Tp. HCM).

Cơ quan điều tra xác định bà Hằng đóng vai trò chủ mưu, cầm đầu trong vụ án này; những người còn lại với vai trò giúp sức. Riêng ông Đặng Anh Quân được nhận định, giúp sức tích cực cho bà Nguyễn Phương Hằng thực hiện hành vi phạm tội liên tục, nhiều lần trong thời gian dài, gây bất bình trong dư luận xã hội, làm phức tạp tình hình trên không gian mạng, gây ảnh hưởng xấu đến tình hình trật tự an toàn xã hội.

Theo cáo trạng, từ khoảng tháng 3/2021, thông qua các tài khoản mạng xã hội, bị can Nguyễn Phương Hằng đã tổ chức nhiều buổi livestream phát ngôn trực tiếp về chuyện bí mật đời tư của nhiều cá nhân không đúng sự thật hoặc chưa được kiểm chứng. Trong số đó có ông Võ Nguyễn Hoài Linh (nghệ sĩ Hoài Linh), bà Nguyễn Thị Mỹ Oanh (ca sĩ Vy Oanh), bà Ðặng Thị Hàn Ni (cựu nhà báo - Luật sư, Thạc sĩ luật Hàn Ni), ông Huỳnh Minh Hưng (ca sĩ Ðàm Vĩnh Hưng), bà Trần Thị Thủy Tiên (ca sĩ Thủy Tiên) cùng chồng là Lê Công Vinh, ông Nguyễn Đức Hiển (Phó Tổng biên tập báo Pháp Luật Tp. HCM), bà Ðinh Thị Lan, bà Lê Thị Giàu, bà Trương Việt Hà…. Trong quá trình điều tra, bà Nguyễn Phương Hằng khai nhận các thông tin đã phát ngôn về các cá nhân trên là do đọc trên mạng Internet, báo chí và nằm mơ, chưa được kiểm chứng và không có căn cứ.

Đại diện cơ quan điều tra Công an Tp. HCM cho biết đối với các cá nhân sử dụng kênh YouTube để chia sẻ thông tin liên quan đến bà Hằng nhằm mục đích “câu like”, tăng thu nhập, hiện Công an Tp. HCM và các đơn vị chức năng liên quan đang xác minh, làm rõ để giải quyết.


Giá Điện Bắt Đầu Tăng 3% Từ Ngày 4/5


(Hình: Thợ điện đang lắp đồng hồ đo điện ở Hà Nội.)

-Kể từ ngày 4/5/2023, giá điện bán lẻ sẽ tăng lên 3% mỗi kWh. Quyết định tăng giá do Tổng Giám đốc Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) ký và được Chính phủ, Bộ Công thương đồng ý về chủ trương.

Truyền thông nhà nước loan tin cho biết biện pháp điều chỉnh tăng giá bán lẻ bình quân được thực hiện sau 4 năm “kìm giữ”.

Bộ Công thương Việt Nam cho biết do chi phí đầu vào tăng vọt, chủ yếu từ khâu phát điện tăng gần 21,5% so với năm 2021, nên EVN lỗ hơn 36 ngàn tỉ đồng. Nếu năm nay không tăng giá điện thì ước tính khoản lỗ cho cả năm 2023 sẽ lên mức chừng 64 ngàn tỉ đổng.

Thống kê của EVN cho thấy số gia đình tiêu thụ dưới 50kWH toàn EVN trong năm 2022 là 3,33 triệu gia đình; số tiêu thụ 100 kWh là 4,7 triệu gia đình; số tiêu thụ 300 kWh là gần 5 triệu gia đình; số tiêu thụ trên 300 đến 400 kWh là 2,21 triệu gia đình.

Số gia đình sản xuất phải sử dụng điện EVN là 1,8 triệu gia đình; số khách hàng kinh doanh dịch vụ dùng điện của EVN là hơn nửa triệu; và số khách hàng hành chính sự nghiệp dùng điện của EVN là hơn 660 ngàn khách hàng.


Đăng Kiểm: Phải Mất 6 Tháng Để Kiểm Định Hơn 2 Triệu Phương Tiện


(Hình: Trụ sở Đăng kiểm Việt Nam ở Hà Nội.)

-Theo thông tin từ Cục Đăng kiểm được báo Nhà nước trích dẫn hôm 4/5/2023, việc hàng loạt các trung tâm đăng kiểm bị dừng hoạt động do điều tra của Bộ Công an đã dẫn đến tình trạng ứ đọng các phương tiện chờ đăng kiểm và khiến việc kiểm định khoảng 2,5 triệu phương tiện sẽ mất tới 6 tháng.

Số liệu thống kê của Cục Đăng kiểm được truyền thông trong nước trích dẫn cho thấy, hiện cả nước đang duy trì 241 trung tâm đăng kiểm với 384 dây chuyền đang hoạt động, đăng kiểm được khoảng 550.000 xe mỗi tháng.

Bộ Công an Việt Nam phối hợp với công an các tỉnh thành từ hồi giữa tháng 12 năm 2022 đến nay tiến hành điều tra các hoạt động đăng kiểm tại nhiều trung tâm trên cả nước. Theo thông tin được Bộ Công an công bố hồi cuối tháng Ba vừa qua, đã có khoảng 500 người của hơn 70 trung tâm đăng kiểm bị khởi tố về các tội: Nhận hối lộ, Môi giới hối lộ, Giả mạo trong công tác và Sản xuất, mua bán công cụ, nhu liệu điện toán để sử dụng vào mục đích trái pháp luật.

Việc điều tra đã khiến hơn 100 trung tâm đăng kiểm phải tạm dừng hoạt động. Trong số này, 66 trung tâm đã được hoạt động trở lại nhưng với công suất tối thiểu là 1-2 dây chuyền thay vì 3-4 dây chuyền như trước đây vì không đủ lực lượng đăng kiểm. Ngoài ra, hiện vẫn còn 40 trung tâm đăng kiểm chưa thể hoạt động trở lại.

Lãnh đạo Cục Đăng kiểm Việt Nam cho biết, tình trạng ùn tắc đã và đang diễn ra tại 184 trung tâm đăng kiểm ở 43 tỉnh, thành. Đặc biệt, có hai tỉnh Bắc Kạn và Hòa Bình mỗi tỉnh chỉ có một trung tâm đăng kiểm nhưng đều đang dừng hoạt động.

Để đối phó với tình trạng thiếu đăng kiểm viên, Bộ Quốc phòng và Bộ Công an đã huy động lực lượng sang giúp các trung tâm đăng kiểm.


Vợ Chồng Cựu Phó Văn Phòng Sở Tài Nguyên và Môi Trường Hà Nội Lãnh 26 Năm Tù


(Hình: Hai vợ chồng bị cáo Lương Thế Hiển tại phiên tòa.)

-Cựu Phó văn phòng Sở Tài nguyên và Môi trường thành phố Hà Nội và vợ bị tòa tuyên tổng cộng 26 năm tù giam về tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản.

Tờ Pháp Luật loan tin trên trong ngày 4/5/2023, nêu cụ thể, ông Lương Thế Hiển – cựu Phó văn phòng Sở Tài nguyên và Môi trường – lãnh 18 năm tù và vợ là bà Nguyễn Thị Liên, 8 năm tù. Cả hai đều liên quan đến vụ án chuyển nhượng 3 lô đất vàng tại phố Bà Triệu, quận Hai Bà Trưng, thành phố Hà Nội.

Theo cáo trạng, 3 lô đất trên có tổng diện tích hơn 676 mét vuông, là nhà thuê ở cũ thuộc sở hữu nhà nước của 14 gia đình dân. Trong đó diện tích nhà cũ đã được bán và cấp 11 sổ đỏ cho 11 gia đình dân với tổng diện tích 308 mét vuông.

Từ tháng 5 đến tháng 9/2017, anh Nguyễn Thanh Thủy (trú quận Đống Đa, thành phố Hà Nội) mua gom được 11 nhà đất nêu trên. Cuối năm 2017, anh Thủy muốn mua nốt phần diện tích còn lại để gộp làm sổ đỏ chung. Do quy định pháp luật không cho phép người này mua nhà ở cũ thuộc sở hữu nhà nước, anh Thủy nhờ người quen là Lương Thế Hiển (khi đó vừa nghỉ hưu) giúp đỡ với tiền công 7 tỉ đồng.

Để làm thủ tục mua nhà cũ thuộc sở hữu nhà nước với giá thấp, ông Thủy và Hiển đã dùng hợp đồng giả cách hợp tác kinh doanh. Tuy nhiên, sau khi thực hiện các thủ tục nhà đất, ông Hiển và vợ đã chiếm đoạt các lô đất trên, bán lại cho người khác với giá 320 tỉ đồng.

Hội đồng Xét xử nhận định hành vi của các bị cáo là đặc biệt nghiêm trọng, giá trị tài sản đặc biệt lớn, gây sự chú ý của dư luận, xã hội. Trong đó, ông Hiển giữ vai trò chính, từ việc nhận dịch vụ mua gom nhà đất, bị cáo đã từng bước hợp thức giấy tờ đứng tên mình, số tiền sau khi giao dịch, ông Hiển mua nhiều tài sản đứng tên mình và các con.

Liên quan đến hành vi làm giả giấy tờ của ông Thủy, tòa án cho biết cơ quan tố tụng đã hoàn tất cáo trạng, chờ ngày xét xử. Ngoài hình phạt nêu trên, ông Hiển còn phải hoàn trả số tiền 319 tỉ đồng cho ông Lê Hải An.


Bốn Ngân Hàng Thương Mại Yếu Kém của Việt Nam Sẽ Bị Chuyển Giao Bắt Buộc


(Hình: Trụ sở Ngân hàng Nhà nước ở Hà Nội.)

-Bốn ngân hàng thương mại bị cho là có hoạt động yếu kém sẽ bị chuyển giao bắt buộc cho các ngân hàng khác để tái cơ cấu.

Theo một báo cáo của Ngân hàng Nhà nước gửi Uỷ ban Kinh tế Quốc hội trước kỳ họp thứ năm khai mạc vào ngày 22/5/2023 tới được truyền thông nhà nước trích dẫn, Ngân hàng Nhà nước đề nghị các cấp có thẩm quyền phê duyệt chủ trương giải quyết 4 ngân hàng yếu kém gồm: DongA Bank, Vietnam Construction Bank, Ocean Bank và Global Petro Bank.

Ba ngân hàng bị mua bắt buộc gồm: CBBank, OceanBank, GPBank.

Các ngân hàng được cho là sẽ tiếp nhận chuyển giao một trong bốn ngân hàng nói trên gồm Vietcombank, MB, VPBank, và HDBank.

Báo Nhà nước dẫn lời ông Phạm Quang Dũng - Chủ tịch Hội đồng Quản trị Vietcombank - cho biếtVietcombank đánh giá thời gian giải quyết ngân hàng được tiếp nhận sẽ không quá 8 đến 10 năm, để biến những tổ chức này thành các tổ chức tín dụng lành mạnh và hoạt động bình thường.

Phó tổng Giám đốc thường trực MB - ông Phạm Như Ánh được báo trong nước dẫn lời - nói rằng Ban điều hành đang thực hiện thủ tục định giá ngân hàng chuyển giao bắt buộc.

“Thời gian định giá 11 tháng từ tháng 3/2023 và dự kiến cuối năm nay hoặc đầu năm 2024 thì việc định giá mới xong và MB mới có thể nhận chuyển giao bắt buộc được”- ông Ánh cho biết.

Chủ tịch Hội đồng Quản trị VPBank Ngô Chí Dũng nói với báo Nhà nước VPBank đang trong quá trình nghiên cứu, đề xuất cơ quan chức năng. Tại Dự thảo đề án, trong 4 ngân hàng tham gia thì có 2 ngân hàng được nới room ngoại lên 49% nhưng việc này còn phụ thuộc vào quá trình phê duyệt.

Ngân hàng HDBank đã trình Đại hội đồng Cổ đông phương án góp không quá 9.000 tỉ đồng cho ngân hàng chuyển giao bắt buộc. Ngân hàng yếu kém sẽ hoạt động dưới hình thức ngân hàng trách nhiệm hữu hạn một thành viên do HDBank là chủ sở hữu 100% vốn điều lệ, là pháp nhân độc lập với HDBank.


Liên Hiệp Quốc: Chính Quyền Cộng Sản Việt Nam ‘Bắt Giữ Tùy Tiện’ Nhà Hoạt Động Đỗ Nam Trung


(Hình: Ông Đỗ Nam Trung bị CSVN tuyên mức án 10 năm tù giam và phạt bổ sung 4 năm quản chế, ngày 16/12/2021.)

-Nhóm Công tác về Bắt giữ Tùy tiện (WGAD) của Liên Hiệp Quốc vừa công bố bản ý kiến liên quan đến trường hợp của ông Đỗ Nam Trung, người đang thụ án tù 10 năm với cáo buộc “Tuyên truyền chống nhà nước”, cho rằng việc chính quyền tống giam ông là “tùy tiện”.

Văn phòng Cao ủy Nhân quyền Liên Hiệp Quốc tại Đông Nam Á viết trong một thông cáo khi công bố bản ý kiến này hôm 29/4/2023 nói rằng ông Đỗ Nam Trung là “một nhà hoạt động và đã từng bị bỏ tù vì quan điểm chính trị”.

WGAD nhận thấy việc giam giữ ông Trung là tùy tiện theo các tiêu chí I, II, III và V, đồng thời yêu cầu chính phủ Việt Nam “thực hiện các bước cần thiết để khắc phục tình trạng của ông Trung ngay lập tức và phù hợp với các quy định liên quan theo thông lệ quốc tế”. Theo WGAD, biện pháp khắc phục thích hợp là trả tự do cho ông Trung ngay lập tức.

Bản ý kiến này được các chuyên gia nhân quyền Liên Hiệp Quốc đưa ra sau khi chính phủ Cộng sản Việt Nam không phản hồi đúng hạn theo văn thư chất vấn mà nhóm này đã gửi ngày 16/6/2022 và sau đó được gia hạn đến ngày 15/9/2022. Đến ngày 4/10/2022 phía Việt Nam mới phản hồi, nhưng nhóm WGAD không chấp nhận.

Mục 64 của bản ý kiến ngày 9/3/2023 của Nhóm WGAD viết: “Nhóm công tác đề nghị Chính phủ bảo đảm các điều luật của mình, đặc biệt là điều 117 của Bộ luật Hình sự 2015, phù hợp với các khuyến nghị được đưa ra trong bản ý kiến và phù hợp với những cam kết của Việt Nam theo luật nhân quyền quốc tế”.

Bộ Ngoại giao Việt Nam chưa phản hồi ngay yêu cầu bình luận của Ðài Tiếng Nói Hoa Kỳ (VOA) đề bản ý kiến này.

Trong một phản hồi vào ngày 24/3/2023, phía Cộng sản Việt Nam viết: “Từ 2016 đến 2020, Đỗ Nam Trung đã có hành vi tuyên truyền, xuyên tạc, bôi nhọ chính quyền nhân dân; xúc phạm quốc gia, vĩ nhân, lãnh tụ, danh nhân, anh hùng dân tộc; tung tin thất thiệt xúc phạm nghiêm trọng uy tín, danh dự và nhân phẩm của một số tổ chức, cá nhân nhằm mục đích chống phá Nhà nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam, chia rẽ khối đại đoàn kết toàn dân tộc, làm suy yếu sự gắn bó giữa các mối quan hệ chủ yếu của xã hội, xâm phạm về an ninh quốc gia”.

WGAD lưu ý rằng trường hợp của ông Đỗ Nam Trung là một trong số các sự việc được đưa ra trước Nhóm công tác trong những năm gần đây liên quan đến việc tước đoạt quyền tự do của con người một cách tùy tiện, đặc biệt là những người bảo vệ nhân quyền, ở Việt Nam.

Ông Trung có một lịch sử hoạt động lâu dài ủng hộ dân chủ và tự do ngôn luận ở Việt Nam. Năm 2014, trong cuộc biểu tình phản đối hành động của Trung Quốc ở Biển Đông, ông Trung bị bắt và bị kết án 14 tháng tù theo điều 258 Bộ luật Hình sự 1999 vì kêu gọi và tham gia biểu tình. Sau khi được trả tự do, ông tiếp tục ủng hộ các nỗ lực dân chủ và nhân quyền trong nước, theo bản ý kiến của Nhóm công tác.

Ngày 6/7/2021, ông Trung bị bắt tại quận Đống Đa


Mười Người Dân Tham Gia Biểu Tình Phản Đối Công Ty Cà-Phê Ea Pôk Bị Khởi Tố


(Ảnh: Người dân căng biểu ngữ bằng tiếng Việt và tiếng Êđê để đòi trả lại đất hồi tháng 5/2022.)

-Mười người từng tham gia đợt biểu tình hồi tháng 5/2022 đòi Công ty Cổ phần Cà-phê Ea Pôk bồi thường vì phá hoại hoa màu trên đất của dân, vào ngày 4/5/2023 bị khởi tố. Trong số này có chín người bị bắt giam, một người bị cấm đi khỏi nơi cư trú.

Cơ quan Cảnh sát Điều tra thuộc Công an Huyện Cư M’gar, tỉnh Đắc Lắc thông báo quyết định vừa nêu cho truyền thông nhà nước. Cáo buộc đối với 10 người là có hành vi “hủy hoại tài sản”.

Mười người thuộc danh sách bị khởi tố gồm các ông Y Duy Êñuôl, 36 tuổi; Y Hoă Adrơng, 32 tuổi; Y Sôl Ayǔn, 23 tuổi; Y Phin Êñuôl, 21 tuổi; Y Lôk Adrơng, 31 tuổi; Y Rom Hwing, 32 tuổi; Y Ra Hun Niê, 18 tuổi; Y Trương Bkrông, 23 tuổi; Y Jan Êban, 25 tuổi; Y Ngoai Êñuôl, 34 tuổi, tất cả trú ở Buôn Lang, thị trấn Ea Pốk, huyện Cư M’gar, tỉnh Đắc Lắc.

Vào tháng 5/2022 mà ngày cao điểm là 18/5, hàng trăm người dân ở buôn Lang, thị trấn Ea Pôk, huyện Cư Mgar, tỉnh Đắc Lắc, đã biểu tình phản đối Công ty Cổ phần Cà-phê Ea Pôk hủy hoại hoa màu do người dân trồng.

Video và hình ảnh ghi lại cuộc biểu tình trên được chia sẻ trên mạng xã hội. Những hình ảnh được chia sẻ cho thấy lực lượng cảnh sát cơ động cũng có mặt ở hiện trường và xảy ra va chạm với người dân.

Đến ngày 28 tháng 5, người dân tiếp tục tổ chức biểu tình, căng biểu ngữ để yêu cầu phía công ty cà-phê trả lại đất. Báo chí Nhà nước đến nay không đưa tin tức gì về sự việc.

Theo tìm hiểu của Ðài Á Châu Tự Do (RFA), buôn Lang hiện có khoảng 250 gia đình dân, tất cả đều là người thuộc sắc dân Êđê bản địa, và toàn bộ người dân sống dựa vào canh tác nông nghiệp.

Người dân địa phương cho biết họ vốn dĩ đã canh tác trên mảnh đất này từ nhiều đời, tuy nhiên sau năm 1975 thì bị Nhà nước lấy và giao cho doanh nghiệp Nhà nước là Nông trường cà-phê Ea Pôk, sau đổi thành công ty Cổ phần Cà-phê Ea Pôk để trồng cây cà-phê.

Từ việc là chủ của khu đất người dân bỗng dưng trở thành kẻ làm thuê trên chính mảnh đất của mình.

Từ năm 1983 đến nay, người dân cho biết họ được phía công ty cho phép canh tác trên mảnh đất này, nhưng bị giao khoán sản lượng 18 tấn cà-phê/1ha, hoặc đưa ra mức nộp sản lượng lên đến 80% mỗi vụ thu hoạch.

Cũng theo người dân, đến năm 2010 thì phía công ty cho nhổ cây cà-phê và để người dân trồng các cây hoa màu khác, trong đó có cây ngô, nhưng lại không hỗ trợ cây giống, phân bón, lẫn thuốc trừ sâu.

Đồng thời, công ty giữ nguyên hình thức khoán sản lượng, hoặc đánh thuế lên đến 80% sản lượng mỗi vụ.

Tuy nhiên, gần đây, phía công ty muốn người dân dừng trồng hoa màu và chuyển sang trồng cây sầu riêng, điều này vấp phải sự phản đối của người dân, dẫn đến sự việc công ty tiến hành phá hủy hoa màu của người dân hôm 18 tháng 5 nhằm chuẩn bị đất để trồng sầu riêng.

Năm 2019, trước việc đời sống kinh tế khó khăn lẫn thái độ mà họ cho là vô trách nhiệm của phía công ty, người dân buôn Lang đã quyết định làm đơn gửi chính quyền để đòi lại đất và quyền canh tác.

Phóng viên của đài RFA từng gọi điện thoại cho Công ty Cổ phần Cà-phê Ea Pôk để đề nghị phía công ty đưa ra quan điểm, nhưng được người trực điện thoại cho biết phía báo chí phải đăng ký với lãnh đạo công ty, và chỉ được phỏng vấn khi lãnh đạo công ty này duyệt.


Xuống Cấp Chưa Từng Thấy! Nạn Bạo Lực Học Đường Có Thể Giải Quyết Bằng Tăng Cường Môn Đạo Đức?


(Ảnh: minh họa trẻ em Việt Nam.)

-Liên tiếp những năm qua, tin tức và hình ảnh về những vụ bạo lực học đường được truyền thông nhà nước loan tải khá dày đặc. Đơn cử như những vụ: “một nữ sinh Trung học Cơ sở ở Nghệ An bị lôi vào nhà vệ sinh đánh và lột đồ quay clip”; “một nam sinh Trung học Phổ thông ở Long An bị bạn đánh chết”; “một nữ sinh Trung học Cơ sở ở Huế bị bạn đánh tét đầu vì không mua nước uống dùm bạn”…. Mới đây là thông tin một nữ sinh Trung học ở Nghệ An tự tử, nghi do bị bạo lực học đường.

Để giải quyết tình trạng này, một số trường tiểu học, Trung học đã thay đổi cách dạy môn đạo đức với mục đích được nói là giúp trẻ thay đổi nhận thức về bạo lực, dạy trẻ cách tha thứ, biết yêu thương. Để phòng chống bạo lực học đường, có trường tổ chức phòng tư vấn tâm lý, có trường đề nghị nên có thêm những tiết học về sự nhân bản.

Một số chuyện gia về giáo dục cho rằng, giáo dục về bạo lực học đường phải bắt đầu từ khi trẻ còn nhỏ và liên tục đến khi trưởng thành. Với tình trạng bạo lực ở lứa tuổi học trò hiện nay, chỉ nhà trường đổi cách giáo dục thôi thì không thay đổi được gì.

Tiến sĩ Hà Sĩ Phu nêu quan điểm của ông với Ðài Á Châu Tự Do (RFA) sáng ngày 4 tháng 5 năm 2023:

“Giáo dục con người nó có 3 giai đoạn. Thứ nhất là lúc còn bé thì giáo dục là từ bố mẹ và gia đình. Lớn lên là giáo dục của nhà trường và lớn nữa là giáo dục của xã hội. Trong đó, giáo dục của người cầm quyền là rất quan trọng. Ở nước mình hiện nay thì tôi nghĩ, cả 3 khâu giáo dục đó đều hỏng cả.

Cha mẹ thì ít có giáo dục con cho đến nơi đến chốn. Phần lớn thời gian là kiếm tiền. Thứ hai là nhà trường thì rất là tệ. Nhà trường hiện nay không ra cái gì cả, bởi vì mục đích của nhà trường đáng lẽ là phải dạy cho trẻ nên người thì cái giáo dục của Cộng sản hiện nay lại giáo dục để làm công cụ của chế độ. Rồi lớn lên khi trưởng thành thì giáo dục của xã hội, của chính quyền này thì họ mất hết cả cái văn hóa ưu việt của dân tộc. Họ đưa ra một cái thứ văn hóa nô dịch, giáo dục con người để làm công cụ của chính trị thôi.

Con người được hình thành trong cái chế độ Cộng sản này chỉ là ‘con’ chứ không thành ‘người’. Bây giờ phải thay đổi thể chế thì mới bàn đến chuyện giáo dục được. Có một chuyện mà tuy không nói công khai những nhiều người cảm thấy. Đó là họ chỉ muốn giáo dục con người thành ‘con’ mà không thành ‘người’ để dễ điều khiển. Khi thành người thì họ khó điều khiển vì có trí tuệ, có lương tâm. Thấy những cái sai trái là người ta phản ứng, cho nên nhà cầm quyền mà ác tâm thì họ chỉ muốn dừng lại ở chế độ ‘con’ thôi. Do đó không góp ý gì được cả, bởi chủ trương, mục đích của họ là giáo dục sao cho dễ cai trị”.

Để góp phần giải quyết tình trạng bạo lực học đường, tháng 4 năm 2021, Sở Giáo dục và Đào tạo Tp. HCM có văn bản khẩn gửi trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo thành phố Thủ Đức và 21 quận, huyện, hiệu trưởng các trường Trung học Phổ thông, trung cấp, Cao đẳng trực thuộc và Giám đốc các trung tâm giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên yêu cầu nhà trường thực hiện các giải pháp phòng chống bạo lực học đường. Sở Giáo dục và Đào tạo đồng thời yêu cầu nhà trường ký kết với công an địa phương về công tác phối hợp bảo đảm an ninh trật tự, an toàn trường học.


(Ảnh: minh họa.)

Theo thầy giáo Đỗ Việt Khoa, bạo lực học đường do rất nhiều nguyên nhân, không thể liệt kê hết được. Nếu chỉ dùng những môn học lý thuyết như môn Giáo dục công dân thì không thể giải quyết được. Thầy Khoa nói:

“Trên thực tế thì môn Giáo dục công dân, môn Đạo đức nói chung ở các cấp học ở Việt Nam đều có, đều đang khai triển. Nó cũng không ít tiết mà thậm chí còn nhiều hơn trước kia. Thế nhưng bạo lực học đường trong thời gian qua vẫn cứ bùng phát. Đạo đức học sinh vẫn những vấn đề nghiêm trọng. Nó có rất nhiều nguyên nhân mà một mình ngành giáo dục có tăng số tiết đạo đức lên cũng không giải quyết được.

Đầu tiên là các cháu học sinh bắt chước những cái xấu, những cái bạo lực ở trên phim ảnh. Cái thứ hai là bắt chước sự áp bức, bạo lực ở các phương diện khác do người thân, do thầy cô gây ra.

Đặc biệt, giáo viên cấp tiểu học và mầm non thường có những bạo lực tinh thần với trẻ em bằng rất nhiều cách mà báo chí đã phản ánh nhiều rồi. Một nguyên nhân khác là cách giải quyết của các cơ quan chức năng chỉ là xuê xoa, không đủ mạnh”.

Không chỉ học sinh đánh nhau, môi trường giáo dục mới đây vẩn đục khi chứng kiến thầy giáo đánh nhau. Theo tin từ truyền thông nhà nước, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Ngư Thủy ở tỉnh Quảng Bình đã đánh Thầy Hiệu phó ngay sân trường đến nỗi phải vào bệnh viện điều trị.

Những vụ bạo lực học đường không chỉ để lại nỗi đau thể xác mà còn cả về tinh thần cho những người liên quan, làm mất hình ảnh thời học sinh tươi đẹp mà lẽ ra mỗi học sinh đều được sở hữu. Có lẽ chưa bao giờ tình trạng bạo lực học đường lại là vấn đề nhận được sự quan tâm nhiều của dư luận xã hội, của các cấp chính quyền những năm qua.

Chẳng hạn như Nghị định số 80/2017 của Chính phủ quy định về môi trường giáo dục an toàn, lành mạnh, thân thiện, phòng, chống bạo lực học đường, về các biện pháp phòng ngừa bạo lực học đường, hỗ trợ người học có nguy cơ bị bạo lực học đường, biện pháp can thiệp khi xảy ra bạo lực học đường; hay Thông tư số 38/2019 của Bộ Lao động Thương binh và Xã hội hướng dẫn xây dựng môi trường giáo dục an toàn, lành mạnh, thân thiện, phòng, chống bạo lực học đường, quy định về xử phạt khi xảy ra bạo lực học đường trong cơ sở giáo dục nghề nghiệp....

Ngoài ra, hệ thống văn bản quy phạm pháp luật, văn bản chỉ đạo cũng được ban hành với Luật Giáo dục 2005, Luật Trẻ em 2016 quy định các quyền của trẻ em, trong đó có quyền được bảo vệ khỏi bạo lực học đường.

Dù có nhiều văn bản chỉ đạo và hô hào đưa ra, tình trạng bạo lực học đường trong thực tế không giảm mà tăng như thông tin vừa nêu trong phần trình bày vừa rồi.

Không có nhận xét nào: