Người nghệ sĩ ước mơ lớn nhất của họ là để lại cho đời dăm ba tác phẩm hay ít bài thơ đắc ý, cho dù mai sau tác giả có đi vào quên lãng thì những vần thơ trác tuyệt đó vẫn là những đóa hoa muôn sắc. Hành trình vào cõi thơ là làm một cuộc phiêu lưu vô tận vì thơ bắt nguồn từ cảm xúc tâm hồn nơi ẩn chứa những mối tình thiêng liêng sâu kín nhất. Phải chăng làm thơ là đi giữa cõi mộng và thực để đời trổ nhánh đâm hoa, đưa thực vào mộng cho hồn vơi đi những nỗi đau trần thế? Hồn thơ tựa làn khói, mùi hương ; mà hương thì vô ảnh người đời chỉ cảm nhận chứ không thấy được hình tướng, nhưng ngay cả lúc hữu hình hồn thơ hóa thể thành sợi khói vầng mây chúng ta đều nhìn thấy nhưng nào ai nắm bắt được ?
Phải đợi đến lúc con tim rung cảm thúc đẩy hồn thơ nhập vào thi nhân thơ mới bật. Thơ vốn sẵn trong thiên nhiên hàm chứa nhiều tính chất trong trời đất, ngôn ngữ của thơ đôi khi ẩn trong văn, nhạc và hội họa nhưng hình ảnh và nhạc điệu của ngôn ngữ thơ lại rất khác với văn xuôi mà chỉ có những tâm hồn thơ mới cảm nhận được. Nhà thơ không làm công việc của nhà lý luận, nhà khoa học, nhà thần học hay triết gia…để tìm cái mới lạ trong thế giới hiện hữu, cái huyền bí của vũ trụ..vv..nhưng thi nhân có thể sống với tôn giáo, luân lý qua tâm linh để phát hiện thêm lẽ đạo của cuộc đời, và sống triết qua thơ. Thi sĩ Bùi Giáng đã thở bằng thơ trong bài đi vào cõi thơ, thi sĩ minh họa: «Cõi thơ là cõi bồng phiêu ». Nhập vào thơ là thả hồn phiêu bồng rong chơi trong cõi không gian vô tận không có ý niệm thời gian. Tâm hồn thi nhân hòa với ngoại cảnh để nghe tiếng buồn của hoa lá, thi sĩ muốn diễn tả những rung cảm đó cần phải có thi hứng, nhưng từ thi hứng đến nghệ thuật là bước khá dài đòi hỏi nhiều nghiên cứu học hỏi.
Thơ và nhạc là hai nghệ thuật riêng biệt nhưng rất khắng khít nhau làm say đắm lòng người. Thơ là nghệ thuật của «lời», nhạc là nghệ thuật của «âm thanh». Âm nhạc là một môn nghệ thuật dùng âm thanh làm ngôn ngữ để diễn đạt tư tưởng và tình cảm con người. Ngày nay người ta còn dùng âm nhạc trị bệnh tâm thần (musicothérapie).
Những nhạc sĩ sáng tác nhạc Việt vang bóng một thời đến Pháp du học từ thập niên 40, và đầu 50 như: Đan Trường, Lương Ngọc Châu, Lê Mộng Nguyên, Phạm Đình Liên, Lê Trạch Lựu, Trần Văn Khê. Sau năm 1975, Paris quy tụ một số nhạc sĩ tài danh đến, trong số đó có người định cư luôn, có người ở Paris một thời gian rồi sang định cư ở Mỹ như: Xuân Lôi, Trịnh Hưng, Mạnh Bích, Lam Phương, Xuân Vinh, AnhViệt Thanh, Anh Huy, Đào Tuấn Ngọc, Nguyễn Đình Tuấn, Phạm Văn Thoại, Lê Phương, Duyên Anh, Minh Nhật, Lê Khắc Thanh Hoài, Trần Quang Hải, Duy Quang… Trong mỗi nhạc sĩ đều có những mối tình riêng, và nỗi lòng ấy người thì thầm lặng gởi vào âm nhạc, người tâm tình trước công chúng, có người chỉ thố lộ cho bằng hữu. Những nhạc sĩ có những ca khúc viết cho người tình, người vợ: Lê Mộng Nguyên, Lê Trạch Lựu, Trịnh Hưng, Phạm Đình Liên, Lam Phương, Xuân Vinh, Lê Phương, Duyên Anh, Mạnh Bích, Duy Quang…
Nhạc sĩ Trịnh Hưng
Thời kỳ từ Bắc mới vào Sài gòn, Nhạc sĩ Trịnh Hưng có một thời gian ở chung nhà với gia đình người bạn thời chiến khu, và thầm yêu con gái người bạn tuổi chớm trăng tròn, tâm hồn rất trong sáng. Sự quan hệ giữa cô và nhạc sĩ Trịnh Hưng chỉ đơn thuần là tình cảm của người hâm mộ với nhạc sĩ, cô yêu tiếng nhạc, cảm mến tài năng của chàng nhạc sĩ nghèo mà không hề có tình cảm lứa đôi! Còn nhạc sĩ Trịnh Hưng thì yêu «đơn phương». Ông chôn chặt khối tình si trong lòng ,và từ nỗi đau đó đã giúp nhạc sĩ viết được một ca khúc tuyệt đẹp có giai điệu lãng mạn, cấu trúc cầu kỳ, và ca từ đãi lọc qua thể điệu Tango. Ðây là một bài độc nhất viết về “tình yêu đôi lứa” của Trịnh Hưng vì ông chuyên về chủ đề quê Hương. Bài Tango trữ tình có ca từ là những lời ray rứt, ai oán than thở tiếc nuối. Những lời thề ước thắm thiết trong ca từ được thêu dệt bằng trí tưởng tượng của nhạc sĩ, vì ở đây là tình yêu đơn phương thì làm sao có sự chia ly mà dang dở! Những người bạn gần gũi với nhạc sĩ Trịnh Hưng đều biết cuộc đời tình ái của ông. Dù đã lập gia đình và đã từng trải qua một số mối tình nhưng trong tâm hồn ông vẫn luôn ấp ủ hình bóng của mối tình đơn phương thuở mới vào Sài Gòn. Người xưa và ông chỉ thoáng gặp nhau chưa bao giờ gặp lại, chẳng biết vì sao mà ông có được tấm hình người đẹp và đã đặt tấm hình đó trên đầu giường! Mối tình đó theo năm tháng vẫn in sâu trong tâm hồn nhạc sĩ mãi đến lúc sắp lìa đời nhạc sĩ vẫn còn nhắc tên người tình xưa. Ôi chữ tình!
Ông nói:
“Tấm ảnh đó đã theo ông hơn nửa thế kỷ và lúc nào cũng để đầu giường”.
Tôi hỏi ông:
“Tại sao anh không viết thêm những bài trữ tình như thế nữa?”
Ông trả lời:
“Nàng đã mang hết tình yêu của tôi đi rồi, còn yêu gì nữa mà viết!”
Tôi hỏi tiếp:
“Ngày trước tôi không được nghe bài này, anh có lancer trên đài không?”
Trịnh Hưng cười nói:
“Có chứ! Tôi bỏ tiền ra lancer vài lần trên đài phát thanh Sài gòn nhưng không gây được ấn tượng thính giả nên dẹp luôn!”
Tôi im lặng, một thoáng suy tưởng về dòng nhạc tango lãng mạn, vào thời điểm đó những nhạc sĩ viết thể điệu Tango tuyệt vời là Hoàng Trọng, Dương Thiệu Tước, Ngọc Bích, Văn Thủy... thì bài Tìm Quên của Trịnh Hưng bị chìm là lẽ đương nhiên! Hơn nữa những ca khúc ca ngợi tình quê hương, về thân phận con người mang ý nghĩa cao cả và rộng lớn, được chính quyền thời đó khuyến khích cho phổ biến thường xuyên trên các đài phát thanh, còn những bản nhạc diễn tả tình cảm lứa đôi ngang trái chỉ là sầu úa riêng tư nên ít được phổ biến, mặc dù nhạc trữ tình thính phòng vẫn là đề tài muôn thuở nhưng chỉ dành cho số người đồng cảm hâm mộ. Hôm vào thăm nhạc sĩ Trịnh Hưng lúc ông còn tỉnh; tôi có đề cập đến bài Tìm Quên và định hỏi những ca sĩ nào hát bài đó nhưng ông say sưa kể chuyện đời và về những văn nghệ sĩ khác. Lòng tôi xa xót vì biết đây là những lời cuối của một kể sắp ra đi, do đó tôi thôi không hỏi và im lặng nghe ông nói.
Bài Tìm Quên:
“Buồn trông mây tím giăng ngang trời,
Chiều thu như chết trong lòng tôi.
Ðêm nào em khẽ nói bên tôi,
Đây tình yêu trong trắng trao tôi
Em thề yêu chỉ anh mà thôi.
Lời xưa âu yếm nay đâu rồi?
Thoáng như cơn gió đưa bèo trôi.
Ai ngờ câu chóp lưỡi đầu môi,
Đem tình yêu gian dối trao tôi,
Cho lòng tôi mang mãi hận đời!
Ôi tình lỡ rồi
mà hình bóng người còn như mãi trong lòng tôi.
Duyên tình lỡ làng
đành nhớ tiếng đàn tìm trong quên lãng theo thời gian!
Ðàn tôi đã đứt giây tơ rồi.
Mình tôi cam sống trong lẻ loi.
Ai làm cho đôi lúa đôi nơi,
cho lòng ta đau xótkhuôn nguôi
mong thời gian xóa đi hận đời.”
Nhạc sĩ Lê Mộng Nguyên
Trong sinh hoạt văn hóa của cộng đồng người Việt ở Paris, GSTS Lê Mộng Nguyên là người nổi tiếng diễn thuyết hay. Nhiều lần trong bài diễn thuyết ông đã nói về ca khúc Trăng Mờ Bên Suối, đó là ca khúc tiền chiến ra đời đã hơn 70 năm nhưng vẫn còn được công chúng yêu thích mãi đến hôm nay. Trong ca khúc có ẩn chứa mối tình đầu đời của nhạc sĩ Lê Mộng Nguyên trước ngày ông sang Pháp du học vào đầu năm 1950. Sau này Nhạc sĩ Lê Mộng Nguyên cùng tôi sang Mỹ ra mắt sách, và ông đã giới thiệu tác phẩm của tôi. Hôm đó tôi hân hạnh được gặp hai vị khách tham dự đến rất sớm, mà người đàn ông có một thời làm Tướng trong quân đội VNCH, còn người đàn bà đến cho tôi biết chính là người phụ nữ trong nhạc phẩm Trăng Mờ Bên Suối. Sau ngày ra mắt sách ông bà đã đến mời giáo sư Lê Mộng Nguyên và tôi đi ăn cơm. Trở về Paris nhạc sĩ Lê Mộng Nguyên cho tôi biết ông rất qúy trọng đôi vợ chồng người khách đó, và người đàn bà chính là thiếu nữ Hoàng Hoa thôn, là nguồn cảm hứng để ông sáng tác ca khúc Trăng Mờ Bên Suối vượt thời gian. Có lẽ ông qúa trân trọng một kỷ niệm đẹp của thời mới lớn, và thêu dệt kỷ niệm đó thành một ca khúc hay tặng đời, nên ông thích các bằng hữu gọi là nhạc sĩ hơn là giáo sư.
Trong những sinh hoạt văn học nghệ thuật ở Paris, có hai lần trong lúc ông đang diễn thuyết giới thiệu một tác phẩm ra mắt sách , giáo sư bị nhạc sĩ Lê Trạch Lựu đứng lên nói lớn: «Lại, Trăng Mờ Bên Suối nữa, Biết rồi, khổ lắm nói mãi!». Đó là lần tổ chức ra mắt cuốn thơ Hoạn Nạn Ca, 1000 trang của GSTS Phạm Quang Minh ở Cali sang, và cuốn Hồi Ký của Nhạc sĩ Xuân Lôi.
Dù bị lên tiếng cắt lời diễn thuyết, nhưng sự giao tình giữa hai nhạc sĩ tiền chiến vẫn đầm thắm.
Nhạc sĩ Lê Trạch Lựu.
Nhạc sĩ Lê Trạch Lựu và phu nhân Danica
Nhạc sĩ Lê Trạch Lựu hành nghề ký giả của một số tờ báo Pháp, ông đã đi nhiều nước, phỏng vấn nhiều nhân vật trọng yếu. Ông rất chung tình với vợ là Bà Danica, một kỹ sư người Pháp gốc Ba Lan, nhưng lại lưu luyến mối tình đầu. Nhưng trong sinh hoạt văn học nghệ thuật ở Paris, nhạc sĩ Lê Trạch Lựu còn gây ấn tượng hơn, ông đứng lên gọi lớn: Kim Phượng, Kim Phượng, như mê sảng tên người tình đầu của ông trong lúc mọi người đang im lặng lắng nghe diễn thuyết. Ông tâm sự và viết cho tôi chuyện tình của ông nhờ chuyển các báo Việt ngữ. Ông viết về nhạc phẩm "Em Tôi":
«Tháng 5 năm1946. Năm đó tôi đi trại hè Sầm Sơn, đi với đoàn Hướng Đạo, cùng nhiều đoàn khác, tập trung tại sân ga Hà nội. Tôi thoáng thấy một cô gái xinh xinh, dáng người phong nhã, có đôi mắt đẹp tuyệt vời. Không hiểu sao tôi thấy tôi như choáng váng, má tôi nóng bừng như lên cơn sốt; lần đầu tiên tôi thấy tôi có cái cảm giác lạ lùng này. Nhà đoàn tôi « đóng trại » to lớn, rộng rãi, đó là những biệt thự nghỉ mát của bọn Pháp thuộc điạ bỏ lại, trước nhà là bãi biển mênh mông, sau nhà có một cái giếng. Trưa nào tôi cũng thấy cô gái ấy, đội nón, dưới nắng trang trang rũ áo, tôi ngồi bên cửa sổ nhìn cô ta. Thỉnh thoảng cô nàng ngửng đầu lên, vành nón che đôi mắt, nhưng tôi biết là cô ta đang nhìn tôi. Thú thật, tim tôi đập thình thình. Chao ơi, yêu đương là như vậy hay sao? Đây là một rung động đầu tiên, nào đâu tôi có biết cảm giác này từ thuở ra đời.
Về Hà nội tôi tìm nhà cô ta, vì có duyên nên tìm được ngay, cô ta ở gần nhà tôi. Bây giờ ta phải tìm biết tên cô ta nữa! Chiều nào tôi cũng đi qua nhà cô ta, để nhìn vào nhà, tìm lại đôi mắt đẹp. Tôi thấy có nhiều cậu trai cỡ bằng tuổi tôi đi qua đi lại trước cửa nhà, như tôi. Lúc đó tôi cũng thấy hơi hơi lo… sợ mất !
Nhưng may cho tôi, hồi ấy có một chú bé đi theo tôi hoài, hỏi ra là chú Mỹ, em cô Phượng. Trời ơi là trời, đất ơi là đất! Chúng tôi đi chơi với nhau. Một hôm, tôi viết một lá thư và mạnh dạn tôi hăng hái ra đi, nhưng chiều hôm đó tôi không thấy cô ta ra đứng ngoài cửa hóng mát. Rồi chiều hôm sau, chiều sau nữa. Thế rồi một chiều nào đó, tôi lại thấy cô ta đứng rũ tóc bên thềm.
Tìm đủ nghị lực, tôi sán gần cô ta, tay đưa lá thư, miệng lắp bắp một câu: «Phượng… Phượng cầm… cầm lấy cho… cho… tôi… tôi… lá thư này… » Rồi xong, tôi cắm đầu đi mất, không dám quay lại, sợ nhìn thấy hoặc cô ta xé lá thư, hoặc quẳng xuống lề đường… tôi sẽ mắc cỡ …
Để đỡ cho cái nặng nề đó, tôi tìm cách nói khéo với chú Mỹ, chú bằng lòng ngay. Thế là chú thành con chim xanh của tôi. Chiều nào chú cũng để một lá thư lên bàn. Bẩy tháng trời tôi viết đều đều, gần bẩy chục lá thư mà vẫn không thấy trả lời.
Tôi đau khổ quá không biết cô ta có yêu tôi không, tại sao cô ta không trả lời tôi, dù thuận dù không… Lúc bấy giờ tôi mới biết là tình yêu, thế nào là đợi chờ, là có nhiều đau khổ. Héo hon con người.
Thế rồi một hôm chú Mỹ tất tưởi chạy đến nhà tôi, đưa cho tôi một lá thư, hôm đó là một tuần trước ngày kháng chiến toàn quốc, tôi bồi hồi cầm lá thư, ở một góc có đề : Xin Trạch Lựu đừng giận Kim Phượng mà xé lá thư này…, tôi mở ra, đọc từng hàng chữ đều đều, tròn tròn, vuông vắn. Phượng nói yêu tôi từ ngay lúc đầu… nhưng muốn thử lòng tôi để xem tôi có phải là người đứng đắn rồi nói rằng ngày mai Phượng đi tản cư… ở Hà Ðông, cách làng tôi mấy làng… Tôi bàng hoàng như tỉnh một giấc mơ lâu dài chờ đợi từ bao nhiêu giờ, bao nhiêu phút. Thế là hai hôm sau, tôi đi bộ từ Hà Nội qua làng tôi tới làng tạm trú của gia đình nàng, chúng tôi đi chơi dọc dòng sông Nhuệ cùng chú Mỹ, mẹ của Phượng, bà cụ nhìn chúng tôi âu yếm từ đằng xa … đi chơi cùng nhau hết cả buổi chiều, tôi không dám cầm tay Phượng, tôi ân hận tới bây giờ. Tôi trở về thành, thế rồi chiến tranh, ba năm sau tôi sang Pháp. Không rõ Phượng ở đâu, tôi vẫn nhớ Phượng hoài. Một hôm trong trường cái nhớ nó làm tôi điên đầu… trong giờ Étude cuối lớp có anh chàng nhà thơ Trần Bích Lan Nguyên Sa đang đọc Socrate hay sao, bên phải gần cửa sổ nhà thơ Hoàng Anh Tuấn… không biết hắn làm gì, chắc đang làm thơ, tôi cầm cây đàn bấm bấm… hai ngày sau thành bài EM TÔI… cả nhạc lẫn lời. Chủ nhật ra Paris, đường Volontaires, sau bữa cơm trưa, quây quần với nhau, trong đó có Anh Tuấn, Thi Liên, Thoa em gái Nguyên Sa về sau lấy Đại tá Trần Đình Hòa, Bội Liên đã nhận được bài tôi gửi tới trường, hồi đó cô ta có yêu tôi, nhưng tôi tránh vì cô ta con nhà giầu… , Bội Liên dạo nhạc trên mấy phím ngà… Nhạc EM TÔI vang lên khắp cả căn phòng, tôi tê tái nghe nhạc tôi, tôi thấy là lạ, chưa quen… vì mỗi lần tôi đã nghe trong tôi hay nghe cây đàn bên tôi nói với tôi, bây giờ những ngón tay ngà chạy qua phím đàn đến với tôi, tôi như ngỡ ngàng đi vào cơn mê…
Thế rồi tôi chép lại nhạc và lời trên trang giấy học trò, trên những giòng như đã kẻ nhạc, tôi gửi tới nhà xuất bản Tinh Hoa…
Những tháng năm qua…
Khi «EM TÔI» đưọc nổi tiếng, tôi không được sống cùng với thời đại đó vì tôi ở xa, tôi không được nhìn nhận rõ ràng thế nào là một bản hát được người đời yêu chuộng… Trai hay gái , ai ai cũng tưởng là mình có một người yêu , hay mình được yêu, hay mình tưởng tượng chính mình là cô gái ấy, còn cậu con trai được yêu cô gái dịu dàng , thơ ngây, âu yếm, mơ màng cho nên ai ai cũng hát… cũng cầm lấy cây đàn..
Rồi một hôm tôi tìm ra điạ chỉ của Phượng tôi viết về cho chú Mỹ, Mỹ trả lời tôi:
« Em nhận được thư anh, thế là anh vẫn mạnh, chị Phượng đợi anh trong một năm dài, thấy anh không về, tưởng anh chết, rồi ba năm sau chị Phượng để tang anh. Nhiều người đến hỏi chị, chị chỉ lắc đầu. Chị vẫn đợi anh, nhưng hôm qua chị Phượng đi lấy chồng, chị đã 26 tuổi rồi, ngày ngày thầy me thúc dục. »
Thế là tôi cắt đứt, để Phượng đi lấy chồng cho êm thấm, có bổn phận với chồng với con. Tôi không muốn ám ảnh Phượng nữa để cho nàng yên phận.
Sáu chục năm rồi vẫn nhớ em,
Nhớ ai rũ tóc đứng bên thềm,
Nhớ người giặt áo bên bờ giếng,
Nhớ nhiều, nhớ mãi, mãi không quên…
Sáu chục năm sau, tôi được biết tin một người bạn cùng trường năm xưa, anh Nguyễn Thiệu Giang viết cùng một tờ báo với tôi hồi đó cùng Thanh Nam, tôi có nhờ anh ta đến căn nhà cũ, anh nói Phượng không còn ở đấy nữa. Nhưng có cho tôi số phone, tôi gọi Phượng, đầu giây Phượng trả lời, tôi nói là tôi, cô ta nhắc đi, nhắc lại ba lần, anh Lê Trạch Lựu hả, anh Lê Trạch Lựu hả, như không tin là có thật, khi tôi bảo là tôi thì cô ta òa ra khóc.
Nói chuyện cùng nhau hơn nửa tiếng, sau những lúc ân cần hỏi han. Phượng có nói, anh ấy có theo đuổi Phượng trong bốn năm trời, Phượng bảo Phượng có người, anh ta cứ đeo đẳng, Phượng có nói với anh ấy chuyện Phượng và anh. Anh ta chịu là trong lòng Phượng có một người. Tôi xin thành thật cảm ơn Phượng, tình yêu Phượng cho tôi. những năm đợi chờ, đau khổ. Một lúc sau tôi hỏi Phượng: «Thế Phượng còn giữ mấy lá thư ấy không? » Tôi muốn tìm hiểu văn thời 16 tôi viết ra sao chắc là văn lủng củng lắm. Phượng trả lời tôi:
« Em để vào trong một cái hộp, nó đi theo em tất cả mọi nơi, trong đó có cả tập ảnh chụp hồi đó, nhưng chồng em thấy lúc nào em cũng buồn, nói với em nên giấu nó đi một chỗ, khi nào vui thì hãy mở ra. Thế là ông ta bỏ vào đâu không rõ, mấy năm sau ông ta mất, tìm kiếm khắp nhà không ra. Em chỉ nhớ anh viết dài lắm… viết dài lắm… Hôm nọ em muốn tìm cái hình anh hồi đó, mà không thấy đâu. Tủi thân, em lại ngồi khóc, may rằng con, cháu em bữa đó tụi nó không có nhà…
Thu Tao Ngộ
Tháng mười năm 2009
Lê Trạch Lựu
Thơ có thể là bài có vần hay không vần, nhưng đó chỉ là một trong những chất liệu dự phần của cấu trúc trong quá trình hoàn thành thơ. Một chuỗi câu, nhóm từ cắt ráp kiểu tiền chế nếu được kết lại không có ý thơ mà chỉ dựa vào vần dễ biến thành bài vè. Và một số câu, nhóm từ không vần theo thể tự do, nếu không có các yếu tố khác như ý tưởng… phụ thêm để hoàn chỉnh thơ thì cũng biến thành đoạn văn xuôi thiếu mạch lạc và trong sáng. Riêng thơ chưa có một định nghĩa nào là mẫu mực, «người ta chỉ cảm thơ là một môn nghệ thuật của nghệ thuật, phát xuất từ cảm xúc tâm hồn. Trong cấu trúc để hình thành nên bài thơ ngoài những chất liệu như ngôn từ, hình tượng, vần điệu, niêm luật, ẩn dụ, hoán dụ trong thơ còn chứa: tư tưởng, triết lý, tôn giáo, hội họa, âm nhạc …, riêng thơ Việt Nam và thơ Trung Hoa còn có thêm chất họa và nhạc.
Đỗ Bình
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét