Tìm bài viết

Vì Bài viết và hình ảnh quá nhiều,nên Quí Vị và Các Bạn có thể xem phần Lưu trử Blog bên tay phải, chữ màu xanh (giống như mục lục) để tỉm tiêu đề, xong bấm vào đó để xem. Muốn xem bài cũ hơn, xin bấm vào (tháng....) năm... (vì blog Free nên có thể nhiều hình ảnh bị mất, hoặc không load kịp, xin Quí Bạn thông cảm)
Nhìn lên trên, có chữ Suối Nguồn Tươi Trẻ là phần dành cho Thơ, bấm vào đó để sang trang Thơ. Khi mở Youtube nhớ bấm vào ô vuông góc dưới bên phải để mở rộng màn hình xem cho đẹp.
Cám ơn Quí Vị

Nhìn Ra Bốn Phương

Thứ Hai, 8 tháng 5, 2023

Từ một câu tục ngữ tản mạn về nỗi lòng ông giáo - Nguyễn Kiến Thiết

Minh họa: seema-miah-unsplash
Trong kho tàng văn chương bình dân truyền khẩu ở nước ta, ngoài ca dao, hò, vè, câu đố…, còn có một thể loại văn vần khác không kém phần quan trọng, đó là Tục ngữ. *Tục Ngữ Là Gì? Để hiểu Tục ngữ, thiết tưởng nên phân biệt một số từ thường bị dùng lẫn lộn. – Thành ngữ chỉ là một nhóm từ, một thành phần câu, diễn đạt một khái niệm có hình ảnh. Thành ngữ tự nó không diễn được một ý trọn vẹn. Thí dụ: Gần đất xa trời; Ếch ngồi đáy giếng.– Cách ngôn: (cách: phương thức) là những câu tục ngữ có ý nghĩa cao xa, mẫu mực, đáng noi theo. Thí dụ: Tiên học lễ, hậu học văn.
<!>
– Phương ngôn: (phương: địa phương, vùng) là những câu tục ngữ chỉ lưu hành trong một vùng, một địa phương chớ không thông dụng khắp nước.
Thí dụ: Trai hai huyện, gái miệt vườn (Nam); Trai Cầu Vồng Yên Thế, gái Nội Duệ Cầu Lim (Bắc).
-Tục ngữ: (tục: thói quen có từ lâu đời; ngữ: lời nói) là những câu nói ngắn gọn, có vần điệu, có hình ảnh, ý nghĩa lưu hành tự đời xưa, do cửa miệng người đời truyền lại. (“Tục” ở đây không phải “thô tục”).

Tục ngữ đúc kết tri thức, kinh nghiệm thực tiễn của con người về mọi mặt: tự nhiên, xã hội, cuộc sống, đạo lý ở đời… Thể cách và kết cấu của tục ngữ còn đơn sơ, mộc mạc, chưa điêu luyện như ca dao. Vì là một câu nói hoàn chỉnh, nên tục ngữ phải có vần, có đối. Đôi khi, có câu tục ngữ không có vần. Vần trong tục ngữ thường gieo ở lưng chừng câu (yêu vận); thỉnh thoảng mới gieo vần ở cuối câu (cước vận). Còn đối phải đối ý hoặc đối chữ.

Thí dụ: Ăn cây nào, rào cây ấy; Đói cho sạch, rách cho thơm.

* Từ Một Câu Tục Ngữ…
Người xưa có câu: “Nhứt ẩm nhứt trác sự do tiền định”. Tạm dịch: “Một miếng ăn, một hớp uống đều do định trước”. Ta có thể suy diễn thêm: Từ những việc nhỏ như một miếng ăn, một hớp uống còn do bề trên sắp đặt, huống hồ những mối duyên khác như duyên về đạo, duyên vợ chồng, duyên bạn bè… cũng như cái duyên để học, đọc và viết một bài báo, một quyển sách. Trong bài nầy, tôi muốn nói tới hai cái duyên.

-Cái duyên thứ nhứt: Tôi đã học những câu tục ngữ đầu tiên ở trường làng. Tôi còn nhớ rất rõ, thời niên thiếu, thầy giáo trường làng tôi ngoài việc dạy cho tôi học thuộc lòng bảng cửu chương hóc búa, còn dạy tôi từ cách ráp vần Quốc ngữ đến những câu thành ngữ, tục ngữ. Thầy tôi đã giải thích từng câu tục ngữ, thành ngữ hình như trong cuốn sách “Vần Quốc Ngữ Con Chó Con Gà”. Hiện nay, tôi không có quyển sách ấy trong tay mặc dầu đã cố công lục lọi trong các thư viện, trên các trang mạng internet.

Đại khái quyển “Vần Con Chó Con Gà” chọn lọc những câu thành ngữ, tục ngữ, ca dao…, sắp xếp lại thành một bài văn vần có ý nghĩa. Đối với tôi cảm giác đầu tiên bao giờ cũng là cảm giác chân thành và trong sáng nhứt. Hình ảnh đầu tiên đập vào mắt tôi là bức hí họa in ở bìa 1: Con chó, con gà mặc quần áo như người, cầm bút cầm sách; bên cạnh là cây roi mây, một tấm bảng đen khung cây và một mẩu phấn trắng. Ngoài ra, bài văn vần bốn chữ mỗi câu do thầy bắt học sinh học thuộc, cho tới nay tôi vẫn còn nhớ, đó là:

Ăn vóc học hay / Ăn ngay ở thật
Mọi tật mọi lành / Chỉ mành treo chuông
Ba vuông bảy tròn / Vật còn người mất
Ngọt mật chết ruồi / Ếch ngồi đáy giếng
Làm biếng hư thân / Mạng dân chí trọng
Mới chuộng cũ vong / Nuôi ong tay áo
Nói láo quen mồm / Đào sâu khó lấp
Chân thấp chân cao / Ngọn rau tấc đất
Lời thật, mất lòng / Của chồng, công vợ.
__________

Trên đây là 18 câu vừa là thành ngữ vừa tục ngữ được tác giả khéo sắp xếp thành một bài văn vần (như thể loại vè), nội dung súc tích, ý vị, dễ nhớ; mỗi câu thường gieo vần lưng (yêu vận), toàn bài vần gieo ở cuối câu (cước vận) rất chuẩn, đáng làm khuôn mẫu. Ở đây, người viết muốn nói đến câu tục ngữ đầu tiên mình đã học thuộc: “Ăn vóc học hay”.

Câu tục ngữ trên, nội dung tương đối rõ ràng, thoạt nhìn ai cũng có thể hiểu là: Ăn uống đầy đủ có sức vóc thì học hành mới giỏi giang. Ăn thường đi đôi với học: Ăn học. Ngày xưa tôi hiểu ý nghĩa câu tục ngữ trên như vậy nhờ sự giải thích của thầy học.

Thật ra, câu tục ngữ “Ăn vóc học hay” không có nhiều dị bản. Chúng tôi chỉ tìm thấy có hai dị bản: một là “Ăn vóc học quen” (1); hai là “Ăn hóc học hay”(2). Riêng bản “chánh gốc” cũng có nhiều kiến giải khác nhau, càng đi sâu càng rắc rối. Câu tục ngữ “chánh gốc” thuộc loại câu hai vế, đối xứng kép, vần gieo ở lưng chừng câu là cách gieo vần phổ biến trong tục ngữ. Trong câu tục ngữ, có hai từ “vóc” và “hay” cần phải làm sáng tỏ.

Trước hết, “hay” trong “học hay” là một tính từ có nghĩa là học hành giỏi giang. Riêng từ “vóc” đã gây ra nhiều tranh cãi về từ loại (danh từ hay tính từ) cũng như ý nghĩa của chúng.
Trường hợp “vóc” là một danh từ, có nhiều nghĩa: sức vóc, vóc dáng, vóc ngọc mình vàng, vóc sương bồ liễu. Từ Điển Việt Nam của Lê Văn Đức và Lê Ngọc Trụ giảng:

“Vóc” là thân hình con người và giải thích “Ăn vóc học hay” là “Ăn cho nên vai nên vóc thì học cũng phải cho nên người” (Nxb. Khai Trí, Sài Gòn, 1970, phần II, tr.16). Huình Tịnh Paulus Của trong Đại Nam Quấc Âm Tự Vị giảng: “Vóc” là “Thân thể”, “hình tích” và thí dụ: “Có vóc: cao lớn chắc chắn” (tr.557).

Ngoài ra, vóc là tên gọi của một loại lụa đẹp sang và quý, khác với lụa thông thường. Đó là một loại hàng dệt bằng tơ, bóng mịn có hoa (gấm vóc, non sông gấm vóc). Vì vậy có người giải thích “Ăn vóc học hay” là “Ăn sao cho đẹp, học sao cho giỏi” (theo Nguyễn Đăng Mạnh). Trường hợp “vóc” là tính từ cũng có nhiều nghĩa khác nhau.

Nguyễn Lân trong Từ Điển Thành Ngữ Và Tục Ngữ Việt Nam cho rằng: Vóc là một tính từ cũ có nghĩa là “ít” nên giảng “Ăn vóc học hay” là “Ăn ít nhưng học giỏi” (Nxb. Văn Hóa Hà Nội, 1989, tr.19).

Theo Huệ Thiên (tức An Chi), “vóc” là tính từ Việt gốc Hán: “úc” hay “vúc”. Ông giải thích: úc (vúc) là thơm, ngon; úc (vúc) liệt là thơm nức. Ông còn cho rằng về mặt tương ứng âm vị thì úc (vúc) ~ vóc là hoàn toàn bình thường như những cặp khác: (cực) nhục ~ (cực) nhọc; túc (hạt lúa) ~ thóc (gạo).

Và ông đi đến kết luận: Vóc là tính từ, đó là một từ cổ, có nghĩa là thơm, ngon. Vậy “Ăn vóc học hay” có nghĩa là ăn ngon, học giỏi” (cùng một kiểu cấu trúc với ăn ngon mặc đẹp, ăn ngon ngủ yên) (3).

Tưởng cũng nên để ý, trong tiếng Việt “vóc” vốn là danh từ đã được tính từ hóa: “có vóc” chỉ sự cao lớn, chắc chắn; “vóc giạc” chỉ hình tích cao lớn.

Dựa vào các tài liệu dẫn trên, chúng tôi không hoàn toàn đồng ý với cách giải thích: Ăn vóc học hay là “ăn sao cho đẹp, học sao cho giỏi” (Nguyễn Đăng Mạnh), hoặc “ăn ít nhưng học giỏi” (Nguyễn Lân), hay “ăn ngon học giỏi” (An Chi).

Theo thiển ý, câu tục ngữ “Ăn vóc học hay” nên giải thích như sau:

Về từ loại: “Vóc” là một danh từ đã được tính từ hóa để đối lại với “hay” vốn là một tính từ;

Về ý nghĩa: “Ăn vóc học hay” là ăn uống đầy đủ thì người khỏe mạnh, có sức vóc, chịu khó học hành thì mới mở mang trí tuệ, tài giỏi.

*Tản Mạn Về Nỗi Lòng Ông Giáo

– Cái duyên thứ hai: Tôi muốn nói đến một cái duyên hết sức bất ngờ, hết sức “hữu duyên” và có thật 100%! Số là khoảng vài năm sau Tháng Tư 1975, tình cờ mở lớp giấy báo gói đồ mua ở chợ trời Sài Gòn, tôi vô cùng kinh ngạc khi thấy tựa đề một bài báo đập vào mắt: đó là bài “Nỗi lòng ông giáo” (?) đăng trên một tạp chí Văn Nghệ. Hiện nay, tôi không còn nhớ tên tác giả cũng như nơi và năm xuất bản tờ báo.

Tôi đã đọc ngấu nghiến bài báo ấy cho đến hết với tâm trạng ngổn ngang… Thời gian trôi nhanh như giấc mộng. Bao nhiêu dâu biển. Lắm nỗi truân chuyên. Lại thêm tuổi đời chồng chất, tôi đã quên và cố quên hết mọi ưu tư phiền não. Nhưng bài báo ấy mãi ám ảnh trong tôi mãi cho tới ngày nay. Để rộng đường dư luận, người viết xin lược thuật theo trí nhớ những gì đã đọc ở bài báo. Có nhiều đoạn tôi đã quên nên xin mạn phép được “hư cấu” chút ít (như đổi tên nhân vật), nhưng vẫn giữ nội dung câu chuyện.

Đại khái bài báo kể lại một buổi Tối ở nhà rất… “giáo khoa thư” của một gia đình ông giáo ở Hà Nội: Cơm nước xong, trời đã tối hẳn. Cả nhà quây quần dưới ánh đèn điện tỏa sáng khắp nhà. Cha ngồi đọc báo. Anh đang làm bài. Mẹ và chị kim chỉ vá may… Bỗng từ trong góc phòng, tiếng bé gái ê a đọc bài vang lên khuấy động sự yên tĩnh:

-“Ăn hóc học hay”, “Ăn hóc… học hay!”. Ăn hóc là ăn không bị hóc xương. Muốn ăn không bị hóc xương ta phải nhai kỹ, lừa xương rồi mới nuốt. Học hay là học giỏi. Muốn học giỏi thì phải chăm học. Như vậy cả câu “Ăn hóc học hay” nghĩa là nếu ăn uống kỹ lưỡng, lừa xương cẩn thận thì không bị hóc xương; nếu ăn không bị hóc xương thì mới học giỏi.

Ông giáo đi từ ngạc nhiên nầy đến ngạc nhiên khác, bèn vọng sang hỏi:
-Thảo! Ai dạy con học câu tục ngữ đó vậy?
-Thưa bố, chính cô giáo dạy con.
-Cô giáo con dạy như thế là không đúng. Đáng lẽ phải là Ăn vóc học hay.
-Nếu con học theo bố, sẽ bị cô giáo cho điểm 0. Bé Thảo phân trần.
Ông giáo trầm ngâm một lúc rồi nói:
-Thôi được! Sáng mai bố sẽ tới trường gặp cô giáo của con và thầy Hiệu trưởng để hỏi cho ra lẽ.

Suốt đêm hôm ấy, ông giáo cứ trằn trọc mãi không tài nào ngủ được. Ông đợi cho trời mau sáng để gặp cô giáo và ban Giám hiệu để làm sáng tỏ vấn đề. Nhưng đầu óc ông vẫn cứ quay cuồng, dằn vặt. Ông nhớ lại, hơn hai mươi năm dạy môn Văn, ông đã từng giảng dạy câu tục ngữ “Ăn vóc học hay” cho nhiều thế hệ học sinh. Ông chưa hề nghe thấy có câu tục ngữ “dị bản” lạ lùng như vậy.

Ông thử nhẩm tính, cô giáo con ông mới ra trường dạy học ba năm, mỗi lớp có khoảng ba chục học sinh. Như vậy tính riêng trường nầy sẽ có 90 học sinh “ăn hóc học hay”. Biết đâu cả thủ đô, rồi cả nước sẽ có khoảng 300 tới 3000 học sinh “ăn hóc học hay” nữa. Nếu không kịp sửa sai, tình trạng nầy kéo dài sẽ có cả bầy học sinh “ăn hóc học hay”.

Đó là chưa kể khoảng vài chục giáo viên dạy Văn thế hệ tiếp nối sẽ cùng “ăn hóc học hay” như cô giáo đàn chị. Nếu suy rộng ra trong lãnh vực khoa học tự nhiên “Sai một ly, đi một dặm” thì hậu quả sẽ tai hại khôn lường! Nếu cả nước toàn những học sinh “ăn hóc học hay” thì không biết tương lai sẽ đi về đâu? Càng miên man suy nghĩ, ông giáo ngủ thiếp đi lúc nào không biết!

*Những Điều Trông Thấy

Đồng bịnh tương lân. Nỗi lòng ông giáo trong bài báo chính là nỗi lòng của người viết, cũng như của đại đa số thầy, cô giáo trong và ngoài nước. Người viết không có tham vọng phê phán chủ trương, đường lối, triết lý, hệ thống giáo dục, mà chỉ muốn nói lên những suy nghĩ vụn vặt của mình về những hiện tượng không bình thường trong ngành giáo dục ở nước ta trong vài thập niên qua. Nói chung “Những điều trông thấy mà đau đớn lòng”!

-Phải chăng giáo dục đang đi lạc đường?

Giáo dục đang đi lạc đường là ý kiến của GS Hoàng Tụy tại Hội Thảo góp ý đổi mới giáo dục do Hội Liên hiệp Khoa học Kỹ thuật Hà Nội tổ chức ngày 29/09/2012 tại Hà Nội. Theo GS Hoàng Tụy, giáo dục Việt Nam đang đi lạc đường khi “triết lý giáo dục bao cấp” được thể hiện ở tất cả các khâu: chương trình, phương pháp giảng dạy, cách thức thi cử đến tổ chức giáo dục, chính sách tuyển chọn, bồi dưỡng, sử dụng cán bộ, v.v… Theo đánh giá của các chuyên gia giáo dục tại Hội thảo thì “thực trạng giáo dục hiện nay nhìn đâu cũng thấy bất ổn”. Cho nên phải thành lập một Ủy ban cải cách giáo dục vì “Ủy ban giáo dục quốc gia đã từng được thành lập nhưng trên thực tế tiếng nói không được tôn trọng”.

-Chương trình sách giáo khoa hiện nay có hại cho học sinh

Trong chuyên đề bàn về “Thất vọng và kỳ vọng” vào giáo dục Việt Nam, GS Nguyễn Xuân Hãn (công tác tại Hội Vật lý Việt Nam, từng giảng dạy tại ĐH Quốc gia Hà Nội) cho rằng “Chương trình sách giáo khoa hiện nay có hại cho học sinh”. Ở bậc phổ thông, học sinh bị bội thực vì sách, còn ở bậc đại học, sinh viên đói sách cho nên học chay triền miên.

Đặc biệt chương trình sách giáo khoa ở bậc phổ thông chỉ sử dụng cách tiếp cận tiểu nông “cắt khúc, cuốn chiếu, vừa chạy vừa xếp hàng, đó là cách làm không khoa học, thậm chí phản khoa học, phá vỡ tổng thể khoa học”. Theo GS Hãn, mọi thứ so sánh đều khập khiễng, nhưng có thể chọn ra một hình ảnh để hình dung ra bản chất của vấn đề. Giáo sư đã ví von: “Hôm nay ta thẩm định “cái tay” của hoa hậu, ngày mai đến “cái chân”, còn hình dáng cô hoa hậu cụ thể thế nào thì không ai hình dung được”.

-Chất lượng giáo dục chưa cao

GS Nguyễn Lân Dũng (Phó Chủ nhiệm Hội đồng Tư vấn Khoa học-Giáo dục, UB Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam) cho rằng “nền giáo dục nước ta còn tồn tại nhiều bất cập, hạn chế; chất lượng giáo dục phổ thông chưa cao” (mặc dầu tỷ lệ thi đỗ tốt nghiệp rất cao). Đặc biệt, với kết quả hàng ngàn bài thi môn Lịch sử bị điểm 0, cho thấy một thực trạng hết sức đáng lo ngại về trình độ tú tài của học sinh nước ta hiện nay.

Cụ thể, theo thống kê của Đại học Sư Phạm Đà Nẵng năm 2011, trong ba môn thi khối C, điểm môn Lịch sử thấp nhứt: với 2448 thí sinh dưới điểm 5 (chiếm 99%), trong đó có 477 bài thi đạt điểm 0. Ngoài ra, GS Dũng còn dẫn chứng một bức thư xin nghỉ học của một học sinh lớp 10, tuy chỉ có mươi dòng nhưng ngoài việc chữ rất xấu, viết hoa tùy tiện, còn thật đáng xấu hổ khi mắc phải những lỗi chính tả mà có lẽ học sinh tiểu học cũng không thể mắc phải (như viết “ngỉ học”, “hôm lay”, “đơn lày”, “chong lúc”, “xa xút”, “em ngỉ”, “học xinh”, “nhà chường”, “cho lên”…). Đáng lẽ phải viết đúng là: “nghỉ học”, “hôm nay”, “đơn này”, “trong lúc”, “sa sút”, “em nghĩ”, “học sinh”, “nhà trường”, “cho nên”.

Riêng chất lượng giáo dục đại học, nhiều lúc cũng gây ồn ào. Mười mấy năm trước đây, Người Tân Định đã nói lên một thực tại vô cùng chua xót: “Sinh viên hiện nay, từng bị học vẹt từ thời Tiểu học, lúc lên Đại học đã có những kiến thức…rợn người”. Ký giả Thư Lê đã dẫn một sự thật đến… não lòng: “44% sinh viên thuộc 9 trường Đại học qua khảo sát không biết Chu Văn An là ai, 39% sinh viên không biết Vua Hùng thuộc thời nào, và có đến 49% sinh viên không biết ông Trần Quốc Toản”.

Trong cuộc họp báo ngày 05/01/2006 ở Hà Nội, Bộ Trưởng Giáo dục và Đào tạo đã báo cáo thành tích đào tạo được 8400 tiến sĩ, 39000 thạc sĩ, và thú nhận: “Trong số 8400 tiến sĩ đào tạo từ năm 1976 cho đến nay, thì đã có 2500 có trình độ yếu. Bằng cấp đối với nhiều người chỉ làm đẹp hồ sơ, tạo cơ hội cho sự thăng tiến” (Mai Thanh Truyết, “Giáo dục Việt Nam”, báo Sống, Houston, Hoa Kỳ, tháng 3/2006). Chưa hết, nhà nước Việt Nam còn có dự án đào tạo 23000 tiến sĩ trong 10 năm (2010-2020)?

Trong bài viết về “Đại Dịch PGS-TS-BS”, BS.Ngọc đã chua chát kết luận: “Cả một nền học thuật chỉ bắt chước mà cho ra lò cả ngàn tiến sĩ mỗi năm (…). Nó đã thành một đại dịch. Dịch hám danh. Dịch hám bằng cấp. Đại dịch hám danh và hám bằng cấp còn nguy hiểm đến bệnh nhân hơn các đại dịch H1N1 nhiều”. Nhớ lại trước kia, từ năm 1972 Trường Đại học Văn Khoa Sài Gòn đã mở khóa Tiến sĩ đầu tiên.

Và trước Tháng Tư 1975, toàn trường chỉ có hai luận án đầu tiên và cũng là cuối cùng thuộc ngành Địa lý học được đệ trình. Hai vị Tiến-sĩ-đầu-tiên-và-cuối-cùng của ĐH Văn Khoa Sài Gòn tên là Liêu Kim Sanh và Ngô Văn Lắm. Các ngành khác như Văn chương Việt Nam, Văn chương Việt Hán…, chưa có luận án Tiến sĩ nào được đệ trình. Mời các bạn đọc thêm bài “Đại học Việt Nam: lạc hậu và yếu kém” của Lâm Văn Bé (Nội San Gia Đình Cựu Giáo Chức Việt Nam Tại Québec 2011, tr.78-100) để biết rõ thực trạng giáo dục đại học Việt Nam.

-Sách tham khảo Tiểu học lại “ngọng” đến buồn cười

Đáng xấu hổ hơn khi bắt gặp trong cuốn “Vở thực hành tiếng Việt 1” do những tác giả có trình độ Tiến sĩ biên soạn (Chủ biên: TS Trần Thị Minh Phương) và nhà xuất bản uy tín (Nxb. Giáo Dục Việt Nam) lại “ngọng chính tả” một cách buồn cười! Chẳng hạn, trong phần lấy ví dụ cho vần “ướt”, tác giả đã dẫn ra ví dụ minh họa là “thướt đo” (đáng lẽ phải viết “thước đo”). Chưa hết, trong cuốn “Bài tập thực hành tiếng Việt tập 2”, chủ biên Nguyễn Hải Mi – Trần Thị Hồng Thắm (Nxb. Đại học Sư Phạm), người biên soạn đã dùng sai từ “năng nỉ” thay vì “năn nỉ” (Hôm ấy có lão ăn mày đến năng nỉ phú ông…) (10).

-Phụ huynh sửng sốt với món “Canh gà Thọ Xương”

Một phụ huynh có con học lớp 7A10 trường THCS Lomonoxop (Hà Nội) vô cùng sửng sốt khi kiểm tra vở Văn, thấy con viết: “Tiếng chuông Trấn Vũ” là nét đẹp tôn trọng thờ kính tổ tiên; còn “Canh gà Thọ Xương” là món canh gà ở Hồ Tây, Hà Nội”? Cô giáo dạy Văn (Hà Thu Thủy) chẳng những không sửa sai sót nầy còn phê: “Có ý thức làm bài”, và cho điểm +8!

-Bịnh thành tích và sự dối trá

Cách đây vài năm, đoạn video clip dài 6 phút được tung lên mạng sau khi kỳ thi tốt nghiệp THPT 2012 ở Bắc Giang kết thúc khiến mọi người phải giựt mình, thậm chí là… rùng mình trước căn bịnh thành tích và sự dối trá của nền giáo dục nước nhà! Đoạn clip đã ghi lại đầy đủ các “trò” quay cóp của thí sinh và giám thị.

Giám thị vứt “phao” cho thí sinh ngang nhiên quay cóp, rồi thu lại “phao” để xóa dấu vết. Điều đáng nói là đề thi môn Văn năm nay nhằm phê phán thói dối trá: “Thói dối trá là sự biểu hiện của sự suy thoái về đạo đức trong đời sống xã hội”. Nhà văn Tô Nhuận Vỹ đã cực lực lên án: “Là một nền giáo dục thì tuyệt đối không nuôi dưỡng sự dối trá! Phẩm chất cần có trước hết của người trí thức là sự trung thực. Nền giáo dục giả dối chỉ có thể tạo ra những con người lừa thầy phản bạn làm tan nát cả một nền giáo dục”.

Còn vô số những điều trông thấy, càng kể càng đau lòng, người viết xin tạm dừng nơi đây.

Kết: Vấn đề Ăn và Học là đề tài vô cùng phong phú, muôn màu muôn vẻ, bàn hoài không hết.

Riêng về cái Ăn, một cựu đồng nghiệp giáo già (Đại học Cần Thơ) kiêm thúy sĩ Nguyễn Thượng Chánh, đã phiếm hơn “1001 chuyện Ăn”, kể cũng tạm đủ, mặc dầu tác giả quên nhắc tới câu “Ăn vóc học hay” (Thời Báo số 104 ngày 22/03/2008 tr.42-46). Còn về cái Học ở nước ta cũng có lắm chuyện bất bình thường, rất lạ để nói. Trước lạ sau quen. Rồi đây những cái không bình thường sẽ trở thành bình thường. Chúng ta có nên vô tư chấp nhận hay không?

Thế hệ học sinh ngày nay cần phải biết phân biệt phải-trái, đúng-sai; chẳng hạn như Hai Bà Trưng đánh giặc nào, đoạn kết chuyện cổ tích Tấm Cám ra sao (mặc dầu Sách giáo khoa đã sửa… không thương tiếc và không hề nêu đích danh kẻ thù truyền kiếp phương Bắc là quân nhà Hán).

Học sinh chúng ta nên biết ngàn năm ô nhục Ải Nam Quan, thác Bản Giốc; Hoàng Sa-Trường Sa muôn đời là của Việt Nam; “anh hùng Lê Văn Tám” không có thật trong lịch sử, nhưng lại là tên một công viên lớn ở Sài Gòn, cũng như tên của nhiều trường Trung, Tiểu học từ Nam chí Bắc! Người học trò muốn học hay học giỏi phải biết bất bình khi có người nói: “Tự Lực Văn Đoàn là một đoàn cải lương, Nhất Linh là một tài tử cải lương”, hoặc thắc mắc: “Nguyễn Trãi, tác giả Bình Ngô đại cáo là nhà bảo vệ môi trường” như sách giáo khoa môn Văn lớp 10 đã ghi (Người Việt Online, 07/08/2006). Và người trí thức chân chánh phải biết đoạn tuyệt với sự giả dối, v.v…

Mong rằng những “hiện tượng” không bình thường nhứt thời nầy sẽ không lấn át được cái “bản chất” tốt đẹp lâu bền của giáo dục. Vì “kế hoạch trăm năm trồng người” (“Bách niên chi kế mạc như thụ nhân” – Quản Trọng thời Xuân Thu 722-479 trước Công Nguyên), chắc hẳn những người có trách nhiệm phải gấp rút chấn chỉnh, sửa sai để tránh cái đại họa như Lão Tử đã từng báo động: “Một nhà làm văn hóa tư tưởng mà sai lầm thì có thể giết hại cả một thế hệ”!

Chú thích:

-Việt Nam Tự Điển – Hội Khai Trí Tiến Đức. Ha Noi, Imprimerie Trung-Bac-Tan-Van 1931, tr.8. Tiếc rằng quyển Tự Điển đồ sộ nầy lại không có câu tục ngữ “Ăn vóc, học hay”!

-Nguyễn Xuân Kính, Nguyễn Thúy Loan, Phan Lan Hương, Nguyễn Lân: “Về hai câu tục ngữ Ăn vóc học hay và Ăn hóc học hay” (Tạp chí Nguồn Sáng Dân Gian số 3, 2005, tr.70).


-Người Tân Định: Lá Thư Sài Gòn. Thời Báo số 675 ngày 06/12/2002, tr.54-61.

-Saigon Nhỏ ngày 03 tháng 06, 2011, tr.41-42.

Không có nhận xét nào: