Tìm bài viết

Vì Bài viết và hình ảnh quá nhiều,nên Quí Vị và Các Bạn có thể xem phần Lưu trử Blog bên tay phải, chữ màu xanh (giống như mục lục) để tỉm tiêu đề, xong bấm vào đó để xem. Muốn xem bài cũ hơn, xin bấm vào (tháng....) năm... (vì blog Free nên có thể nhiều hình ảnh bị mất, hoặc không load kịp, xin Quí Bạn thông cảm)
Nhìn lên trên, có chữ Suối Nguồn Tươi Trẻ là phần dành cho Thơ, bấm vào đó để sang trang Thơ. Khi mở Youtube nhớ bấm vào ô vuông góc dưới bên phải để mở rộng màn hình xem cho đẹp.
Cám ơn Quí Vị

Nhìn Ra Bốn Phương

Thứ Bảy, 6 tháng 5, 2023

TIN THẾ GIỚI 06/05/2023 - ĐHL


Anh Quốc tổ chức long trọng lễ đăng quang của Vua Charles IIITân Vương Charles III nhận vương miện từ Tổng giám mục Canterbury, trong nghi lễ tại Tu viện Westminster, Luân Đôn, Anh, ngày 06/05/2023. AP - Aaron Chown Thanh Phương Hôm nay, 06/05/2023, là một ngày lịch sử đối với Anh Quốc với lễ đăng quang của Vua Charles III được tổ chức long trọng tại Tu viện Westminster ở Luân Đôn, với sự tham sự của 2.300 khách mời, trong đó có khoảng một trăm quan khách là các vị nguyên thủ quốc gia, đại diện của các hoàng gia ở nước ngoài, của khối Thịnh Vượng Chung, cũng như các nhân vật nổi tiếng của các tổ chức xã hội dân sự. Đây là lễ đăng quang đầu tiên ở Anh Quốc từ 70 năm qua.
<!>
Thật ra thì Charles III, năm nay 74 tuổi, đã trở thành vua ngay sau Nữ Hoàng Elizabeth II băng hà vào tháng 9 năm ngoái sau 70 năm trị vì. Lễ đăng quang hôm nay chỉ là chính thức hóa về mặt tôn giáo khởi đầu của triều đại Charles III

Từ Cung điện Buckingham, Vua Charles III và Hoàng hậu Camilla đã ngồi cỗ xe ngựa dài 5 mét do 6 con ngựa kéo, đi qua các đường phố Luân Đôn để đến Tu viện Westminster. Hai bên đường hàng chục ngàn người dân chào đón Tân Vương và Hoàng hậu.

Nghi lễ tôn giáo của Lễ đăng quang tại Tu viện Westminster đã bắt đầu vào lúc 11 giờ, giờ địa phương và kéo dài hai tiếng đồng hồ. Sau khi đặt tay lên quyển thánh kinh để tuyên thệ, Vua Charles III đã được Tổng giám mục Canterbury Justin Welby ban phép lành và đặt lên đầu vương miện bằng vàng ròng, gắn nhiều đá quý. Trên người Tân Vương khoác áo choàng Hoàng gia dệt bằng lụa và sợi vàng. Hoàng hậu Camilla, 75 tuổi, vợ thứ hai của Vua Charles III, cũng được ban phép lành và đội vương miện.

Vua và Hoàng hậu sau đó đã rời Tu viện Westminster để trở về Cung điện Buckingham trong "Lễ diễu hành Đăng quang", trên một cổ xe mạ vàng dài đến 7 mét, phải cần đến 8 ngựa kéo, một cỗ xe đã có từ 260 năm. Tiến đến, Vua Charles III cùng các thành viên hoàng gia xuất hiện tại ban công của Cung điện, theo dõi màn trình diễn máy bay của không quân Anh.

Từ California đến dự Lễ đăng quang một mình, hoàng tử Harry không có một vai trò chính thức nào trong buổi lễ, giống như Vương tử Andrew, em của Vua Charles III, bị gạt sang một bên do bị tai tiếng tình dục.

Sau khi đã báo trước sẽ không dung thứ bất cứ mưu toan nào làm xáo trộn lễ đăng quang, cảnh sát Anh Quốc sáng nay đã bắt giữ hàng chục người, trong đó có 6 nhà hoạt động chống chế độ quân chủ. Tổ chức nhân quyền Mỹ Human Rights Watch đã chỉ trích các vụ bắt giữ này

Anh Quốc: Chi phí cho lễ đăng quang Vua Charles III gây tranh cãi


Vua Charles III ngồi trên cỗ xe ngựa tới tu viện Wesminster, Luân Đôn, làm nghi lễ đăng quang, ngày 06/05/2023. AP - David Levene
Chi Phương
Lễ đăng quang diễn ra trong bối cảnh kinh tế Anh không mấy tươi sáng. Lạm phát tại Anh lên đến 10 % từ nhiều tháng qua, công đoàn của nhiều ngành nghề, từ bác sĩ, giáo viên, hay công chức đã đình công để đòi tăng lương. Nhiều người có hoàn cảnh khó khăn đã phải tìm đến các ngân hàng lương thực. Với chi phí ước tính lên đến hàng chục triệu đôla, lễ đăng quang đắt đỏ do ngân sách Nhà nước chi trả, gây tranh cãi trong công luận Anh.

Từ Luân Đôn, thông tín viên RFI Emeline Vin ghi nhận ý kiến một số người dân Anh:

« Khoảng 55 đến 115 triệu euro là chi phí ước tính cho lễ đăng quang của vua Charles III. Hiện vẫn chưa có con số chính thức nào được đưa ra, nhưng đó là những chi phí khổng lồ, theo Jonathan : « Chi hàng trăm triệu cho lễ đăng quang giữa lúc bao nhiêu người dân phải sống nhờ vào trợ cấp thực phẩm và nền kinh tế thì thảm hại. Ông ấy có thể chi số tiền đó theo cách tốt hơn nhiều. »

Lễ đăng quang làm dấy lại cuộc tranh luận muôn thuở : Hoàng gia là nơi ngốn tiền hay là nguồn sinh lợi ? Ông Terry có một cửa hàng nhỏ di động, gắn cờ in hình Tân vương. Các sự kiện của Hoàng gia vẫn có lợi cho việc kinh doanh của ông.

Ông cho biết : « Hoàng gia luôn là điều tốt và theo tôi, có lợi cho du lịch. Những sự kiện đó sinh lợi, có tốn kém, nhưng mang lại rất nhiều của cải. Những sự kiện đó kéo mọi người từ khắp thế giới đến Anh Quốc. Tôi đã gặp những người thậm chí đến từ Papua New Guinea, họ đã tiết kiệm nhiều năm để đến đây. »

Những ngành khác thì bày tỏ đáng tiếc vì họ mất một ngày làm việc, do thứ Hai, 08/05 sẽ là ngày nghỉ lễ nhân dịp này. Tác động kinh tế từ lễ đăng quang sẽ không được biết đến, ít nhất là trong vài tháng nữa. »

Đồng tiền kỷ niệm lính Úc rút khỏi Việt Nam: Úc đáp lại phản đối của Hà Nội


Thanh Phương
Hôm qua, 05/05/2023, Canberra đã đáp lại phản đối của Hà Nội về việc Xưởng Đúc tiền Hoàng gia Úc (Royal Australia Mint) và Bưu chính Úc phát hành những đồng tiền đánh dấu kỷ niệm 50 năm quân Úc rút khỏi Việt Nam. Lý do mà Hà Nội phản đối là trên những đồng đôla này có hình ảnh cờ vàng ba sọc đỏ của Việt Nam Cộng Hòa.

Vào tháng trước, Xưởng Đúc tiền Hoàng gia Úc đã cho lưu hành 85.000 đồng tiền 2 đôla bằng vàng và bạc để đánh dấu sự kiện nói trên.

Trong cuộc họp báo ngày 04/05/2023, phó phát ngôn viên bộ Ngoại Giao Việt Nam đã tuyên bố : “Chúng tôi lấy làm tiếc và kiên quyết phản đối việc Công ty Royal Australia Mint và Bưu chính Úc đã phát hành các vật phẩm với hình ảnh “cờ vàng”, cờ của một chế độ đã không còn tồn tại”.

Cho rằng việc này “hoàn toàn không phù hợp với xu thế phát triển tốt đẹp của quan hệ Đối tác Chiến lược Việt Nam – Úc”, phát ngôn viên bộ Ngoại Giao Việt Nam đã yêu cầu phía Úc “dừng lưu hành các vật phẩm này, đồng thời không để xảy ra những sự việc tương tự trong tương lai”.

Theo hãng tin AFP, hôm qua, Xưởng Đúc tiền Hoàng gia Úc đã ra thông cáo đáp lại lời phản đối của phía Việt Nam. Thông cáo nhấn mạnh: “Bức hình trên đồng tiền thể hiện màu của các huy chương được trao tặng cho những cựu chiến binh Úc đã phục vụ ở Việt Nam”. Công ty này khẳng định: “Chính phủ Úc hiện nay không công nhận lá cờ của chế độ Việt Nam Cộng Hòa trước đây”.

Trong thời gian chiến tranh Việt Nam, hơn 60.000 lính Úc đã tham chiến cùng với quân đội Mỹ. Tổng cộng có 523 quân nhân Úc đã tử trận và gần 2.444 binh lính bị thương ở Việt Nam. Lực lượng Úc đã rút khỏi Việt Nam vào năm 1973, hai năm trước khi Sài Gòn thất thủ 30/04/1975.

Quân Ukraina không tin Wagner rút khỏi Bakhmut do thiếu đạn dược


Evgueni Prigojin (đứng giữa), lãnh đạo nhóm Wagner, xuất hiện trong một video đăng ngày 05/05/2023 với lời tuyên bố ngày 10/05 sẽ rút toàn bộ quân khỏi Bakhmut. AP
Chi Phương
Tại Ukraina, trên chiến trường Bakhmut, vùng Donbass, lính Ukraina không tin quân Nga đang thiếu vũ khí, đạn dược và sẽ buộc phải rút đi. Hôm qua, 05/05/2023, chủ nhân tập đoàn bán quân sự Wagner Evguéni Prigojine đã dọa rút quân khỏi Bakhmut từ ngày 10/05 vì thiếu đạn dược và phải chịu tổn thất nặng nề. Ông cáo buộc các lãnh đạo quân đội Nga phải chịu trách nhiệm về cái chết của hơn 10 000 binh lính tại chiến trường Ukraina.

Thông báo này được xem như một tối hậu thư của Wagner gởi đến điện Kremlin, yêu cầu chi viện đạn dược. Theo AFP, tại Bakhmut, nơi mà lính Wagner ở tiền tuyến, nếu lực lượng này rút đi, quân đội Nga sẽ rơi vào tình thế khó xử, trong lúc Ukraina đã khẳng định hoàn tất việc chuẩn bị cho một cuộc phản công lớn.

Đặc phái viên RFI, Anastasia Becchio tại Donbass, cho biết thêm tình hình :

« Khi tiểu đoàn của mình phải chịu tổn thất nặng nề, ông Roman, biệt danh "người Gruzia", đã được chuyển đến một vị trí khác ít lộ liễu hơn. Nhưng ông vẫn giữ liên lạc với những người tiếp tục chiến đấu ở vị trí đó. Ông nói, quân Nga không cho thấy họ thiếu đạn dược : « Đó là những tin tức vớ vẩn ! Quân Nga bắn phá liên hồi. Có thể họ đã giảm đi một chút số lượng đạn dược, nhưng tôi không thể nói rằng cường độ các cuộc bắn phá đã giảm. Họ tiếp tục đánh dữ hơn. Vị trí của chúng tôi đã bị oanh kích đến 500 lần mỗi ngày. Hiện giờ cường độ đã giảm 2 lần, nhưng theo tôi là vì họ đã gửi đến một đội quân chuyên nghiệp và bây giờ họ bắn có chủ đích hơn. »

Roman không tin vào những tuyên bố của chủ nhân Wagner về việc rút quân ngày 10/05 : « Đó là những lời nói dối vô nghĩa. Làm sao họ có thể rút quân được ? Họ sẽ chịu tổn thất nhưng họ tin rằng họ có thể rời đi như vậy mà không bị bắn sao ? Đó đúng là một lò sát sinh. Ở đó, không có luật, không có chút nào nhân đạo hết, mà chỉ là một lò sát sinh. Quy tắc duy nhất là cố làm sao để tồn tại. »

Thứ trưởng Quốc Phòng Ukraina Hanna Maliar xác nhận quân đội Ukraina đã phá hủy một kho vũ khí của tập đoàn Wagner tại Bakhmut. »

Khủng hoảng ngoại giao Pháp-Ý: Thủ tướng Borne kêu gọi đối thoại


Bộ trưởng Nội Vụ Pháp Gérard Darmanin trước một cuộc họp giữa hai nước Bỉ, Pháp, ngày 05/05/2023 ở Paris, Pháp. Những tuyên bố của ông đã gây khủng hoảng ngoại giao Pháp-Ý. AP - Thibault Camus
Thanh Phương
Hôm qua, 05/05/2023, thủ tướng Elisabeth Borne đã kêu gọi “một cuộc đối thoại hòa dịu” giữa Pháp và Ý, sau khi quan hệ giữa hai nước gặp khủng hoảng do các tuyên bố của bộ trưởng Nội Vụ Pháp Gérald Darmanin về việc Roma không đủ khả năng quản lý vấn đề di dân.

Hôm thứ năm vừa qua, ông Darmanin cho rằng thủ tướng Ý Giorgia Meloni “ không đủ khả năng giải quyết những vấn đề về di dân như hứa hẹn của bà khi đắc cử”. Sau khi tỏ thái độ bất bình qua việc hủy chuyến đi thăm đầu tiên của ông ở Paris, ngoại trưởng Ý Antonio Tajani hôm qua đã đòi bộ trưởng Nội Vụ Pháp xin lỗi về điều mà ông gọi là “một sự nhục mạ đối với một nước bạn, một đồng minh”.

Theo AFP, bộ Nội Vụ Pháp đã không muốn bình luận về yêu cầu xin lỗi nói trên. Khi được báo chí hỏi, hôm qua, thủ tướng Elisabeth Borne đã trả lời gián tiếp: « Tôi muốn nhắc lại rằng Ý là một đối tác thiết yếu của Pháp, rằng quan hệ giữa hai nước chúng ta là dựa trên sự tôn trọng lẫn nhau, rằng chúng tôi sẽ đối thoại hòa dịu để tiếp tục làm việc với nhau”.

Theo thủ tướng Borne, ngoại trưởng Pháp Catherine Colonna đã hai lần gọi điện cho đồng nhiệm Ý để tỏ ý lấy làm tiếc về vụ việc. Ngoại trưởng Tajani xác nhận điều đó, nhưng theo ông, những lời giải thích của Paris vẫn “không đầy đủ”.

Từ nhiều năm qua, di dân vẫn là vấn đề cực kỳ nhạy cảm trong quan hệ giữa hai nước láng giềng Pháp Ý. Vào tháng 11 năm ngoái, bang giao song phương đã nóng lên do việc chính phủ của thủ tướng Meloni, vừa lên cầm quyền, từ chối cho cập bến một chiếc tàu nhân đạo của tổ chức phi chính phủ SOS Méditerranée. Tàu này cuối cùng đã được đón tiếp ở Toulon, Pháp, với hơn 200 di dân trên tàu. Vì rất bất bình, vào lúc đó, Paris đã triệu tập một cuộc họp của Liên Hiệp Châu Âu để bàn cách làm sao cho những vụ như vậy không tái diễn.

Sudan: Thảo luận tại Ả Rập Xê Út giữa đại diện hai phe tham chiến


Dân Sudan tại một trại tị nạn ở Renk County, Nam Sudan, ngày 03/05/2023. © AP - Peter Louis
Thanh Phương
Các cuộc thảo luận giữa đại diện hai phe tham chiến ở Sudan diễn ra hôm nay, 06/05/2023, tại Ả Rập Xê Út, mở đường cho các cuộc đàm phán nhằm đạt được lệnh hưu chiến và nhằm chấm dứt cuộc xung đột đã khiến hàng trăm người thiệt mạng.

Theo hãng tin AFP, Ả Rập Xê Út và Hoa Kỳ đã ra thông cáo chung xác nhận cuộc gặp giữa những người đại diện cho quân đội của tướng Abdel Fattah al-Burhan và cho Lực lượng yểm trợ nhanh của tướng Mohamed Hamdan Daglo.

Vào lúc mà thủ đô Khartoum tiếp tục bị rung chuyển vì các vụ oanh kích và các vụ nổ, tối qua, tướng al-Burhan thông báo đã phái các nhà thương thuyết đến Jeddah, Ả Rập Xê Út, để “thảo luận về các chi tiết của một lệnh ngừng bắn”, đã nhiều lần được triển hạn, nhưng chưa bao giờ được tôn trọng. Phe của tướng Daglo trước mắt chưa có bình luận gì

Từ nhiều ngày qua, đặc sứ Liên Hiệp Quốc ở Sudan Volker Perthes cho biết hai phe tham chiến đã tuyên bố “sẵn sàng mở các cuộc thảo luận chỉ về các phương thức thi hành lệnh ngừng bắn” và cuộc thảo luận có thể diễn ra ở Ả Rập Xê Út.

Sau 21 ngày giao tranh, cuộc nội chiến ở Sudan đã khiến 700 người chết, 5.000 người bị thương, 335.000 người phải tản cư và 115.000 người phải tị nạn ở nước ngoài.

Ngoài những nạn nhân trực tiếp, cuộc xung đột càng khiến nạn đói ở Sudan thêm trầm trọng vào lúc mà đã có một phần ba dân Sudan thiếu ăn. Theo Liên Hiệp Quốc, nếu cuộc chiến kéo dài, trong vòng 6 tháng tới, sẽ có thêm từ 2 đến 2,5 triệu người bị suy dinh dưỡng nặng.

Tuy nhiên, theo tình báo Mỹ, cuộc nội chiến tại quốc gia có 45 triệu dân này rất có thể sẽ kéo dài, vì hai phe đều tin là sẽ có thể giành chiến thắng về quân sự, nên không bên nào thật sự muốn ngồi vào bàn đàm phán để thảo luận về tương lai chính trị của đất nước.

Iran hành quyết một nhà ly khai mang hai quốc tịch Thụy Điển và Iran


Habib Chaab, nhà ly khai Iran - Thụy Điển trong phiên xử ngày 18/01/2022 tại Teheran, Iran. © MAJID AZAD / AFP RFI
Hãng tin Mizan Online thuộc cơ quan tư pháp Iran sáng hôm nay, 06/05/2023thông báo đã thi hành án tử hình đối với ông Habib Chaab, một người mang hai quốc tịch Thụy Điển và Iran, lãnh đạo một phong trào ly khai tại Iran, bị kết án tử hình hồi tháng 3 năm nay vì tội “khủng bố”

Thông tín viên RFI tại Teheran, Shiavos Ghazi tường trình:

Habib Chaab là lãnh đạo của phong trào Ả Rập đấu tranh giải phóng Ahvaz, một tổ chức ly khai Ả Rập. Chính quyền Iran quy kết tổ chức này đã tiến hành nhiều vụ tấn công chết người, đặc biệt vụ hồi tháng 09/2018 trong cuộc diễu binh tại Ahvaz.

Vụ tấn công đã làm nhiều người chết, chủ yếu là thường dân đến dự lễ diễu binh. Trong lời thú tội được phát trên truyền hình, ông Chaab nhận trách nhiệm đã tổ chức vụ tấn công này.

Habib Chaab mang hai quốc tịch Iran và Thụy Điển. Tháng 10/2020 ông có chuyến đi cá nhân đến Thổ Nhĩ Kỳ. Sau đó ông bị mất tích. Các nhóm đối lập đã khẳng định ông bị cơ quan tình báo Iran giăng bẫy bắt và cưỡng bức đưa về Iran. Thụy Điển đã lên án việc kết án tử hình và đòi trả tự do cho ông.

Thụy Điển đại diện cho EU lên án

Ngay trong ngày hôm nay, Thụy Điển, chủ tịch luân phiên của Liên Hiệp Châu Âu, đã lên án mạnh mẽ Theran thi hành án tử hình nhà ly khai Habib Chaab. Ngoại trưởng Thụy Điển Tobias Billstrom đăng trên Twitter: " Án tử hình là một hình phạt vô nhân đạo, Thụy Điển cũng như các nước còn lại trong EU lên án việc áp dụng án tử hình trong mọi hoàn cảnh".

Nhiều tổ chức bảo vệ nhân quyền cũng đã lên tiếng kêu gọi quốc tế phải có phản ứng mạnh mẽ với chính quyền Iran về vụ hành quyết này.

Không có nhận xét nào: