Tìm bài viết

Vì Bài viết và hình ảnh quá nhiều,nên Quí Vị và Các Bạn có thể xem phần Lưu trử Blog bên tay phải, chữ màu xanh (giống như mục lục) để tỉm tiêu đề, xong bấm vào đó để xem. Muốn xem bài cũ hơn, xin bấm vào (tháng....) năm... (vì blog Free nên có thể nhiều hình ảnh bị mất, hoặc không load kịp, xin Quí Bạn thông cảm)
Nhìn lên trên, có chữ Suối Nguồn Tươi Trẻ là phần dành cho Thơ, bấm vào đó để sang trang Thơ. Khi mở Youtube nhớ bấm vào ô vuông góc dưới bên phải để mở rộng màn hình xem cho đẹp.
Cám ơn Quí Vị

Nhìn Ra Bốn Phương

Thứ Hai, 30 tháng 1, 2023

Xuân muộn - Bạch Lan


Chuyện Nam yêu Thục Anh trong thời gian còn trong Học Viện Quốc Gia Hành Chánh thì các bạn đồng khóa đều biết rõ. Nam là người vui nhộn, bất cứ gì cũng có thể chọc cười các bạn được, nhưng trước Thục Anh, anh chàng không nói được một câu cho ra hồn. Nam cao ráo nhưng không được đẹp trai nên mặc cảm. Từ thời trung học Nam chỉ chọc ghẹo các cô chứ chẳng bao giờ dám yêu ai. Thục Anh thì đẹp một cách dịu dàng. Cả người cô là một kết hợp hài hòa. Tầm vóc trung bình, thon gọn, hai vai tròn, mái tóc đen tuyền phủ đều sau lưng, khiến cô còn giữ nguyên hình ảnh của cô nữ sinh trung học.
<!>
Năm đầu vào Học Viện, đôi mắt cô đã khiến bao tâm hồn xao xuyến, ngẩn ngơ. Và đôi mắt đó đã hớp hồn Nam, nên anh chàng đâm ra rụt rè, vụng về trước Thục Anh. Nam yêu thầm, Thục Anh biết và cô thường mỉm cười như một sự đón nhận. Nhưng tình trạng chỉ đến đó rồi tắt nghẽn. Theo truyền thống, sinh viên nam nữ thường gọi nhau bằng anh và chị. Tiếng chị đã giữ Nam ở ranh giới của tình bạn. Anh chàng lúng túng, không biết làm cách nào để tỏ tình.
Đến năm thứ hai của lớp Đốc Sự, các sinh viên phải đi thực tập. Nữ sinh viên thực tập tại các bộ ở Sài Gòn, nam sinh viên thì về các tỉnh. Trước khi về tỉnh, Nam quyết làm một việc táo bạo là đến nhà Thục Anh để tỏ tình. Sau khi được Thục Anh chấp thuận cho đến nhà vào một buổi sáng chủ nhật, tối đó, Nam về moi óc làm một bài diễn văn. Nghĩa là anh chàng viết một lá thư tình rất hay, dự định sẽ rút ngắn lá thư đó bằng mươi câu súc tích nhất, ý nghĩa nhất, thống thiết nhất để trình bày với Thục Anh. Nhưng than ôi, hôm đến nhà người đẹp, bài diễn văn ngắn gọn đó, tuy đã thuộc lòng, mà anh chàng không có cách nào mở miệng được.
Tách trà được cầm lên, để xuống bao nhiêu lần và Thục Anh thì cũng mỉm cười khuyến khích mà rốt cuộc, Nam chỉ hỏi được một câu:
“Chị về thực tập ở bộ nào?”
Sinh viên nào thực tập ở đâu, trong sự vụ lệnh đã có rồi, ai cũng biết cả. Thục Anh tức cười quá, cô hỏi lại:
“Có lẽ anh cũng không biết mình thực tập tỉnh nào. Phải không?”
Nam gãi đầu, mặt đỏ lên:
“Tôi định nói chuyện khác!”
Thục Anh thấy tội nghiệp mới hỏi vớ vẩn để anh chàng lấy lại bình tỉnh. Và buổi sáng chủ nhật đó, Nam đã nghĩ được một câu mà sau này chàng tự phục mình thông minh.
Trước khi đứng lên từ giã, Nam mạnh dạn nói:
“Khi thực tập ở tỉnh, thỉnh thoảng tôi về Sài Gòn, chị cho phép tôi được đến thăm chị?”
Thục Anh vui vẻ:
“Được chứ! Mời anh đến. Chủ nhật tôi thường ở nhà.”
Chỉ có vậy mà Nam mừng rơn. Và Thục Anh thì cảm động vì vẻ lúng túng đến tội nghiệp của Nam. Cô biết, Nam phải yêu cô nhiều lắm mới mất tự chủ đến như vậy. Cô cũng có cảm tình với Nam từ lâu. Những ngày còn đến lớp, cô thường gặp Nam, mỉm cười dịu dàng với Nam, và tuy chỉ là chuyện trò bình thường với bạn học, nhưng đã thành thói quen. Nay thì phải xa trường trong một năm, mỗi người đi thực tập một nơi, Thục Anh biết mình sẽ nhớ các bạn nhớ Nam.
Nam thực tập ở một tỉnh cao nguyên miền Trung. Thời chiến tranh, đi lại khó khăn nên vài tháng, Nam mới về Sài Gòn một lần, nhưng Thục Anh thì chủ nhật nào cô cũng nấu sẵn một bình trà rồi cô lắng nghe, chờ đợi tiếng xe gắn máy chạy vào hẻm, nơi nhà cô. Mỗi khi Nam dựng xe trước cửa là cô quên cả giữ ý, chạy nhanh ra, tươi cười mừng đón Nam. Khi rót trà mời Nam, cô nói:
“Trà hơi nguội, Thục Anh nấu từ lúc sáng.”
Nam hiểu và trả lời:
“Tôi vừa xuống máy bay là chạy đến đây.”
Sau hơn một năm quen nhau, lần đầu cô xưng tên với Nam. Lần sau, về thăm Thục Anh, Nam tiến thêm một bước. Làm như vô tình, Nam hỏi:
“Nghe nói ở rạp Eden có chiếu phim gì đó hay lắm. Thục Anh xem chưa?”
“Thục Anh cũng nghe nói, nhưng chưa xem. Hình như hôm nay là ngày cuối.”
“Sáng nay, Thục Anh có bận gì không? Tôi mời Thục Anh đi xem phim?”
Cô làm ra vẻ suy nghĩ:
“Sáng nay Thục Anh cũng có chút việc, nhưng thôi, để Thục Anh đi xem phim với anh. Anh chờ Thục Anh ít phút, vào xin phép ba mẹ.”
Cô vào phòng, suy nghĩ mãi mới quyết định mặc quần jean xanh, áo thun dài tay màu trắng. Cô xoa chút phấn hồng lên má, tô phớt làn môi. Tóc cô buộc túm phía sau bằng một sợi dây vải màu đỏ. Sau khi soi gương, thử nở nụ cười và thấy mình không còn khuyết điểm, cô mới ra phòng khách. Nam đứng lên, ngạc nhiên, thấy cô là một người khác, đẹp quá! Thục Anh vừa vui vừa e thẹn:
“Mình đi. Anh!”
Nam vào nhà sau xin phép ba mẹ Thục Anh rồi đưa xe ra lối đi và nổ máy. Thục Anh ngồi yên sau. Cô tránh không đụng vào người Nam vì biết nhiều đôi mắt hàng xóm đang theo dõi cô và sau đó là những lời bình luận của các bà ngồi lê đôi mách về hai đứa.

Khi ra đường chính, Nam chạy xe hơi chậm để chứng tỏ với Thục Anh là người cẩn thận. Nam không thể tin được ngồi sau mình là cô bạn học xinh đẹp nhất lớp, có thể đẹp nhất trường. Thật quá ước mơ của Nam. Còn Thục Anh thì thấy mình là lạ. Lần đầu trong đời, cô được một bạn trai đưa đi xem phim. Cô thấy đường phố cũng rất lạ, nhà cửa cứ vùn vụt chạy ngược chiều với cô. Cô thấy lưng Nam cũng lạ nữa. Gió thổi hai tay áo Nam phần phật và từ người Nam thoang thoảng một mùi thơm dễ chịu. Mùi con trai.
Sau khi gửi xe, Thục Anh đi bên Nam. Cô không biết có bạn nào thấy cô đang đi với Nam không? Cô đi sát vào Nam và nhìn mọi người với chút hãnh diện. Khi cả hai vào bên trong rạp, tuy đèn còn sáng nhưng Nam cũng cầm tay Thục Anh dẫn đi tìm chỗ ngồi. Cô lại ngạc nhiên thấy rạp Eden cũng rất lạ và cô có cảm tưởng như mọi người đang nhìn mình. Khi đã ngồi xuống ghế, Nam nghiêng qua Thục Anh nói nhỏ:
“Lúc nãy mình quên mua kẹo!”
Thục Anh cười trả lời:
“Thục Anh cũng quên!”
Cô ngồi sát vách. Một tay cô tựa lên tay ghế, tay kia khép sát vào người vì tay dựa đã có tay Nam trên đó. Khi buổi chiếu phim bắt đầu, bóng tối tràn ngập, cả hai vẫn ngồi thẳng, nhìn chăm chú màn ảnh. Vài lần Nam nghiêng qua Thục Anh nói:
“Cảnh này đẹp quá?” hoặc “Hai người ngồi bên giòng sông vào buổi chiều… Thật thơ mộng!”
Lúc đó vai Nam chạm vào vai Thục Anh nhưng cô vẫn ngồi yên, không né tránh, và cô nhìn qua Nam mỉm cười, gật đầu.

Cho đến khi hết phim, cô nhớ hai đứa chạm vai nhau được ba lần. Trưa đó Nam mời Thục Anh đi ăn kem rồi đưa cô về nhà. Được đưa Thục Anh đi xem phim, Nam sung sướng lắm. Anh chàng hứng chí chạy xe thật nhanh, quên cả việc giả vờ cẩn thận, đến khi thắng gấp, ngực Thục Anh ép vào lưng Nam. Sợ Thục Anh giận, Nam không chạy nhanh nữa. Nhưng cảm giác đó cứ ở mãi trong đầu anh chàng và nẩy nở thành một ước mơ: “Được ôm Thục Anh trong tay, áp sát ngực cô vào mình rồi hôn lên đôi môi cô.”

Khi về nhà Thục Anh giữ vẻ thản nhiên nhưng cả nhà đều thấy cô vui.

2.
Hết năm thực tập, sinh viên lại về Học Viện học tiếp năm thứ ba. Cứ vài tuần, Nam lại đến nhà mời Thục Anh đi xem phim. Các bạn trong lớp chỉ biết hai người có cảm tình với nhau mà thôi. Có lần, một bạn gái ngồi bên cạnh hỏi Thục Anh có xem phim gì đó chưa? Cô bảo:
“Có xem rồi, nhưng chẳng nhớ gì cả!”
Các bạn cô cười bảo:
“Thục Anh đi xem phim với bồ! Đúng không?”
Cô gật đầu, vẻ bí mật nhưng rất hãnh diện.

Đến năm thứ tư, Thục Anh và Nam không tiến xa hơn những buổi xem phim để hai vai được tựa vào nhau một cách vô tình hoặc cầm tay nhau trong bóng tối. Đôi khi họ đưa nhau đi lang thang vào các tiệm sách, đi ăn quà rong. Ăn bánh cuốn, bò bía, uống nước mía Viễn Đông. Cả hai vẫn chưa nói tiếng yêu với nhau.

Cuối năm đó là lễ tốt nghiệp. Các sinh viên sắp sửa là những công chức chuyên nghiệp còn rất trẻ. Các bạn trai được bổ về các tỉnh, bạn gái về làm việc ở các phủ, bộ tại thủ đô Sài Gòn. Cả hai đã nhận được sự vụ lịnh, chờ ngày đến nhiệm sở. Mẹ Thục Anh có hỏi cô về Nam, cô không biết trả lời sao, nhưng cô linh cảm như Nam sắp ngỏ với cô một điều gì đó, rất quan trọng. Cô yên tâm và chờ đợi.
Một lần xem phim về chiến tranh, nhân vật trong phim phải từ giã người yêu để ra mặt trận. Thục Anh nghĩ đến nước nhà cũng đang chiến tranh, cô không biết cô và Nam có tránh được sự chia ly không? Đến khi nhân vật trong phim ngã gục trên chiến trường thì cô khóc. Nam dìu đầu cô vào ngực và hỏi:
“Sao Thục Anh khóc?”
Cô thì thầm:
“Em sợ!”
Cô xưng "em" với Nam. Nam vỗ nhẹ vai cô:
“Có anh đây. Đừng sợ!”

Rồi Nam nâng mặt cô lên, hôn lên đôi mắt đẫm lệ của cô. Đột nhiên Nam hôn lên môi cô. Cô lặng người, tê liệt cả thần trí. Cô như mây khói, bềnh bồng, tan loãng vào cơn mê. Rồi bỗng nhiên cả người cô bị tràn ngập bởi những cơn sóng rạo rực và sợ hãi khi Nam đặt tay lên ngực cô. Cô nhắm nghiền mắt, lịm đi trong tay Nam. Cô quên hết thế gian, chỉ biết đắm đuối đón nhận những ngây ngất từ đôi môi cuồng nhiệt, từ bàn tay mạnh mẽ của Nam đang ép mạnh trên ngực cô…

Khi cả hai bình tĩnh lại thì vừa lúc phim đã đến đoạn cuối.

Khi ra khỏi rạp, cô vẫn chưa hết bàng hoàng. Cô tưởng như thân thể mình đã bị Nam khám phá, nhưng cô không e thẹn mà lại thấy Nam thân thiết, yêu thương hơn. Cô biết, từ nay, đời cô đã thuộc về Nam. Không gì có thể chia lìa cô và Nam được nữa.
Nam đưa cô vào tiệm kem như mọi khi. Trong khi chờ đợi, Nam nói:
“Anh sắp nói với em một chuyện rất quan trọng. Quan trọng đến độ chỉ có người lớn nói với nhau và hai đứa mình lúc đó sẽ vào hàng con nít. Em có hiểu không?”
Cô cúi mặt xuống:
“Dạ, em hiểu.”
“Anh dự định, sau khi anh đi nhận nhiệm sở độ vài tháng, có lẽ phải sau Tết, anh sẽ thưa ba mẹ anh vào Sài Gòn xin ba mẹ em, cho em về với anh. Em thấy sao?”
“Dạ, em cám ơn anh!”
Mắt cô ngấn lệ nhưng cô vẫn cười và nói với Nam:
“Em muốn khóc quá! Em cám ơn anh!”

Chiến tranh trong phim và chiến tranh của đất nước cứ ám ảnh cô. Và những ám ảnh đó đã thành sự thực. Đầu năm 75, chỉ 3 tháng, sau khi Nam ra miền Trung nhận việc, nước Việt Nam Cộng Hòa sụp đổ. Thục Anh có người anh là sĩ quan hải quân nên cả gia đình cô đi thoát.

Qua Mỹ, cô đi học, tốt nghiệp đại học, cô học tiếp lên cao học, đậu tiến sĩ. Sau đó cô được nhà trường giữ lại làm giáo sư. Cô đẹp, vẻ đẹp đông phương dịu dàng cùng với tuổi xuân thì phơi phới. Cô như đóa hoa nở trọn vẹn, ngát hương, nhưng cô vẫn ở vậy. Biết bao anh chàng đẹp trai, học giỏi, giàu có lượn lờ chung quanh, có người còn tỏ tình nữa, nhưng cô vẫn không để mắt đến. Các em cô, lần lượt lập gia đình, rồi chúng tản mác khắp nước Mỹ vì sinh kế, chỉ còn mình cô ở tiểu bang Califomia.

3.

Thời gian đầu khi mới đến Mỹ, cô lo lắng không biết Nam có đi thoát không? Cô gửi thư nhờ bà con, bạn bè ở Việt Nam tìm kiếm tin tức về Nam. Chẳng ai biết được điều gì cả! Cô về Việt Nam nhiều lần, ra cả miền Trung để tìm Nam, nhưng Nam vẫn bặt tăm. Cô chỉ nghe phong thanh là Nam đi tù cải tạo về, chạy xe đạp thồ để sinh sống nhưng không hiểu ở tỉnh, quận nào? Tù cải tạo khi ra tù đã là một người khác, chẳng ai nhìn ra, đen và ốm trơ xương, chưa kể những bịnh tật vướng phải khi ở trong tù. Ra ngoài xã hội, họ bị đặt vào giai cấp thấp nhất, vì thế có gặp người quen, người tù cũng không muốn tiếp xúc.

Sau hơn 10 năm, có chương trình HO, các bạn lần lượt qua Mỹ định cư, Thục Anh có hỏi bạn bè về Nam thì được biết, Nam ở một tiểu bang miền Bắc, rất lạnh và vắng người Việt.
Hằng năm, vào dịp Tết, các bạn cùng lớp thường tổ chức họp mặt, nhưng vẫn không thấy Nam. Đột nhiên, năm nay Minh gọi cho Thục Anh báo rằng Nam sẽ về Cali. dự buổi họp mặt. Cô làm như vô tình hỏi Minh:
“Nam về một mình hay với vợ con?”
“Tôi cũng không hỏi. Hắn bảo rằng mới biết được số điện thoại của tôi là gọi ngay.”
Nhà Thục Anh là một biệt thự rộng, có vườn hoa, cây cảnh rất đẹp, ở vào một khu gia cư sang trọng. Dịp họp mặt này, Thục Anh mời các bạn đến nhà cô. Cô dặn Minh:
“Nhớ đưa Nam đến cho vui!”
Sáng hôm đó, bạn bè đến khá đông nhưng Nam vẫn không thấy. Thục Anh cùng các bạn gái vào bếp lo nấu nướng, dọn cỗ bàn. Các bạn trai thì ra sau vườn trò chuyện. Cô cứ nhìn chừng về phía cổng nhà. Rồi cô thấy xe Minh chạy vào, dừng ở sân. Minh là bạn học, qua Mỹ học thành bác sĩ nên xe Minh thuộc hạng sang, thấy là biết ngay. Thục Anh hỏi Minh:
“Hình như có ai còn trong xe. Sao chưa vô?”
“Đó là người bạn đặc biệt. Nó sẽ vào sau.”
Nói xong Minh đi thẳng ra sau vườn với các bạn. Thục Anh ngạc nhiên không hiểu bạn nào mà đặc biệt? Vì sao Mình không chờ bạn cùng vào? Cô thấy bước xuống xe là một người đàn ông ăn mặc tươm tất nhưng lại đeo kiếng đen. Khi anh ta bước lên thềm nhà mới dỡ mắt kiếng ra và chào:
“Chào Thục Anh. Lâu quá không gặp lại!”
Thục Anh nhận ra Nam, cô sững sốt kêu lên:
“Anh Nam!”
Bỗng nhiên Nam ôm ngực, lảo đảo rồi khuỵu xuống. Thục Anh kinh hoàng nhào đến đỡ Nam lên, nhưng hai chân Nam không đứng vững, cô phải ôm Nam, dìu vào ghế xa lông. Nam nhắm nghiền mắt, đầu gục sang một bên như sắp nằm vật xuống. Thục Anh tái mặt, cô kêu lên:
“Gọi Minh ngay, mau lên. Anh Nam bị gì rồi nè!”
Mọi người nhốn nháo, ùa lên phòng khách, vây quanh Nam.
Minh cầm tay Nam bắt mạch một lúc rồi bảo:
“Phải đưa vào phòng cho yên tĩnh. Chưa rõ tình trạng ra sao. Mạch bình thường. Nếu sau mươi phút, mạch thay đổi thì gọi ngay xe cứu thương.”
Có người phản đối:
“Sao không gọi ngay xe cứu thương? Định chờ nó chết rồi mới kêu xe đem đi à?”
“Tin tôi đi, các bạn ơi! Có thể Nam chóng mặt vì xúc động. Cũng có thể bị heart attack. Cứ đưa vào phòng cho yên tĩnh, đừng ai vào. Chờ mươi phút sau xem sao.”

Minh là bác sĩ, nói thế nên mọi người yên tâm. Nam được dìu vào một phòng gần đó. Minh đuổi mọi người ra cả sau vườn để Nam nằm một mình cho yên tĩnh.
Nhân lúc vắng người, Thục Anh vào phòng, đóng cửa lại, đặt tay lên trán Nam và cúi xuống, dịu dàng hỏi:
“Anh thấy trong người ra sao? Đỡ chưa?”
Nam thều thào hỏi lại:
“Minh nói tình trạng tôi thế nào?”
“Minh nói nếu sau mười phút tình trạng không khá hơn sẽ gọi xe cứu thương đưa vô bịnh viện”
“Trường hợp tôi không khá hơn thì Thục Anh nghĩ sao?”
“Em sẽ gọi xe cứu thương và gọi cho gia đình anh biết. Anh cho em số điện thoại. Anh cần nói gì với vợ con không?”
“Tôi sống một mình với bà cụ, chả vợ con gì.”
“Sao vậy?”
“Thục Anh nghĩ xem. Đi tù về, chẳng cô nào dại mà rước cái của nợ là thằng tù về nuôi.”
“Sao anh không liên lạc với bạn bè? Em tìm anh bao lâu nay.”
“Lúc còn ở Việt Nam, ra tù, có gì vui đâu mà bạn bè. Qua Mỹ thì làm cu li nên mặc cảm, bạn bè đứa nào cũng khá cả!”
“Anh không hiểu em!… Em có về Việt Nam tìm anh, rồi nghe ai đi HO qua Mỹ em cũng hỏi thăm về anh, trong khi đó thì anh không thèm liên lạc với em! Để em lấy trà cho anh nghe! Đã qua mười phút rồi. Như vậy anh không sao đâư.”
“Tôi cảm thấy mệt hơn trước, thở không được! Có lẽ tôi sắp chết. Chỉ có một điều tôi thắc mắc mãi là Thục Anh nghĩ gì về người bạn cũ, cách đây hơn 10 năm? Tôi mong Thục Anh nói thật ý nghĩ của mình. Thục Anh sẽ không phải bận tâm vì chỉ vài giờ nữa là tôi đã chết rồi. Sẽ không có ai biết sự thật đó, nhưng linh hồn người chết sẽ biết tất cả. Chỉ mong Thục Anh xem tôi như một người bạn học cũ cũng đủ an ủi linh hồn tôi… nơi chín suối.”
Thục Anh yên lặng một lúc:
“Lời anh nói mới làm em giận anh. Trọn đời em chỉ yêu một người. Em tìm kiếm anh, chờ đợi anh. Bây giờ anh nói như thế thì dù anh chết ngay lúc này, em vẫn cứ giận anh. Anh không hiểu em. Tại sao anh lại mặc cảm với em? Anh không tìm cách liên lạc với em? Tình yêu của em có gì thay đổi đâu! Hay là bây giờ em già rồi, tàn tạ rồi? Anh chết ngay bây giờ đi! Đố mà em nhỏ một giọt nước mắt cho anh.”
Cô nói một hơi rồi ngồi xuống cạnh Nam và bắt đầu khóc. Cô khóc lặng lẽ, chỉ nghe tiếng sụt sùi nho nhỏ.
Rồi không biết suy nghĩ gì, cô gục lên người Nam, nức nở:
“Em không thể tin được. Bao nhiêu năm chờ đợi anh, bây giờ gặp anh lại là lần cuối!”
Nam vuốt tóc cô, thì thầm:
“Cám ơn tình yêu của em. Cám ơn tấm lòng của em. Anh không ngờ lại có được giây phút này, trái ngược với những gì anh nghĩ về em. Có lẽ tình yêu của em giúp cho tim anh thêm sức mạnh để trở lại tình trạng bình thường. Nếu Minh không có sáng kiến này thì…”
Thục Anh ngồi bật lên, cô hơi lớn giọng:
“Lớn rồi! Bạn bè xúi gì anh cũng làm sao? Anh Minh xúi anh giả bộ ngất xỉu phải không? Sao anh lại đùa nghịch trên tình cảm của em? Anh xem thường em đến độ đó sao?”
Nam hốt hoảng ngồi lên:
“Anh xin lỗi. Nhưng qua bao nhiêu biến đổi của thời cuộc, đời anh và đời em trở thành hai thái cực. Anh không biết em nghĩ gì về anh. Anh có hỏi Minh, nhưng Minh bảo em rất kín đáo, không bao giờ tỏ lộ tình cảm về bất cứ điều gì. Cuối cùng chỉ còn cách này mới hy vọng biết được ý nghĩ của em.”
Cô thì thầm như tâm sự với chính mình:
“Em không biết anh đã có gia đình chưa, nên em không dám hỏi ai về anh cả. Nhiều khi nghĩ rằng anh đã lập gia đình, em buồn vì tuyệt vọng, chỉ biết khóc một mình!”
Rồi cô úp mặt vào người Nam sụt sùi mãi. Nam vuốt tóc cô:
“Anh xin lỗi rồi! Còn điều gì giận anh mà em khóc? Hay em buồn vì anh?”
Cô thở dài:
“Em hay nghĩ linh tinh về chuyện em và anh… Anh còn nhớ? Lúc anh ngỏ lời xin cưới em, em đã khóc vì cảm động và vui mừng. Về nhà, tối đó em cũng khóc và nhớ anh. Em nhớ anh từ ngày đó đến bây giờ.”
Bây giờ có anh bên cạnh, em hết nhớ rồi phải không?”
Cô lắc đầu:
“Ngồi bên anh, em vẫn cứ nhớ anh. Em mừng vì đã tìm gặp được anh, nhưng em vẫn còn sợ. Chiến tranh thật khủng khiếp! Nó nghiền nát cả đến những điều bình thường nhất.”

Nam cúi xuống tìm đôi môi Thục Anh. Cô nhắm mắt lại. Đôi môi cô như đóa hoa tinh khiết, hé nhụy đón giọt sương mai. Giọt sương mà cô ước mơ, mong chờ từ bao nhiêu năm nay. Cô cầm tay Nam đặt lên ngực mình…
Một lúc, có tiếng Minh từ sau nhà hỏi:
“Quá 10 phút rồi. Chàng Nam đã chết chưa?”
Thục Anh vội đẩy Nam nằm xuống, kéo mền đắp cho Nam:
“Nhắm mắt lại!”
Cô mở cửa phòng. Minh bước vào, tay cầm lon bia, mặt đỏ gay. Anh chàng kêu lên:
“Ố ô! Có gì xảy ra cho chàng Nam mà nàng Thục Anh khóc? Sao vậy?”
Thục Anh đứng lên, vùng vằng ra khỏi phòng:
“Nam sắp chết rồi. Thục Anh khóc. Khỏi kêu xe cứu thương. Cho chết luôn!”
Vừa ra khỏi phòng, cô quay vào, nắm tay Nam kéo ngồi lên:
“Mời ông ra sau nhà uống rượu với bạn bè.”
Cô lại làm mặt nghiêm:
“Hai ông âm mưu đánh lừa tôi. Mời ra khỏi phòng ngay!”

4.
Sáng hôm sau, vào ngày chủ nhật, Thục Anh dậy sớm, trang điểm xong mà Nam vẫn còn ngủ, cô vào phòng gọi Nam:
“Dậy mà đi ăn điểm tâm với bạn bè. Họ chờ ngoài tiệm, vừa gọi điện thoại. Đến trễ người ta cười cho.”
“Anh đang nằm mơ thấy em và anh đi xem ciné ở Sài Gòn. Bây giờ không biết anh vẫn còn nằm mơ hay đã tỉnh đây?”
“Làm ơn ngồi lên. Cứ nằm đó mà mơ với mộng. Lo mà trả lời mấy ông bạn hay nói bậy bạ về chuyện thiên hạ. Anh phải nói là anh ngủ ở hotel, em đến đón.”
“Cần gì nói! Hễ chúng nhìn em mà cười cười thì coi như chúng biết hết cả rồi!”
“Mặc kệ họ. Đi đánh răng, mặc đồ lẹ lên! Bây giờ anh lái xe, em chỉ đường.”
Trên đường đi cả hai yên lặng. Xe chạy được một quãng, Nam nhìn qua, thấy Thục Anh mím môi như suy nghĩ điều gì, có hai giọt nước mắt ứa ra, chảy xuống má.. Nam ngạc nhiên hỏi:
“Có gì mà em khóc? Nói anh nghe!”
Cô lấy khăn lau nước mắt:
“Anh biết, khi qua đây, em cố học, để dành thật nhiều tiền, rồi sắm một ngôi nhà cho rộng, nhiều phòng… cho các con. Em tìm anh, chờ anh… lâu quá! Bây giờ, tuổi em, biết có còn sinh nở gì được nữa không?”
Và cô úp mặt vào hai bàn tay, khóc mãi.

Bạch Lan

Không có nhận xét nào: